Thám tử rời sân khấu

Chương 12



Hai ngày sau, cuộc điều trần tiến hành.

Trước hết, bác sĩ pháp y báo cáo. Bà Barbara Franklin chết do đầu độc bằng chất physostigmine – có tên khác là ésérie. Nhưng các mẫu phân tích còn phát hiện thấy những chất ancalôít khác của giống đậu calabar. Bà Fraklin đã uống phải thuốc độc tối hôm trước, khoảng giữa bảy giờ tối đến mười hai giờ đêm.

Nhân chứng thứ hai là đích thân bác sĩ Franklin, ông báo cáo rất rành rẽ, chính xác. Sau cái chết, ông đã kiểm tra kỹ lưỡng các dung dịch cất giữ trong phòng thí nghiệm, và sửng sốt nhận thấy một lọ đáng lẽ chứa đầy dung dịch ancalôít của cây đậu calabar đã bị thay thế bằng nước lã. Ông không thể nói rõ sự đánh tráo đó đã xảy ra vào lúc nào, vì đã nhiều ngày nay không động đến nó.

Vấn đề đặt ra là: ai có thể vào phòng thí nghiệm? Bác sĩ Franklin khẳng định phòng bao giờ cũng khóa, và ông thường giữ chìa khóa trong túi. Chỉ có trợ lý Judith Hastings, có chiếc thứ hai, bất cứ ai muốn vào đều phải mượn một trong hai chìa đó. Vợ ông có lúc mượn chìa khóa vào phòng để lấy một vật gì bỏ quên trong đó. Bác sĩ cũng cho biết bà không hề mang dung dịch physostigmine về phòng.

Trả lời câu hỏi của cán bộ điều tra, bác sĩ cho biết vợ ông không có bệnh gì trong nội tạng, song ít lâu nay mắc chứng trầm uất, gây nên tính khí thất thường. Tuy vậy mấy hôm nay bà ấy lại vui vẻ, có dấu hiệu sức khỏe khá lên. Hai vợ chồng ông sống hòa thuận, từ lâu không mâu thuẫn gì. Trước hôm chết, bà Franklin còn rất vui.

Ông công nhận thỉnh thoảng bà nói muốn chết, song ông không coi ý định đó là nghiêm túc. Bà không phải là người muốn tự tử. Tiếp theo là cô Craven, duyên dáng trong sắc phục y tá. Ý kiến cô cũng rành rẽ, cụ thể. Cô chăm sóc bà Franklin được hơn hai tháng. Bà bị bệnh tinh thần là chính, và nhiều người đã nghe bà hai ba lần nói muốn chết cho xong, vì đời bà không còn ý nghĩa gì, chỉ là gánh nặng cho chồng.

– Theo cô, bà ấy nói thế là thế nào? Cán bộ điều tra hỏi. Giữa hai ông bà có va chạm gì không?

– Không hề. Song bà biết ông vừa mới được mời đi nhận chức vụ khá tốt ở nước ngoài, nhưng ông không đi vì vướng bà.

– Và vì thế bà lại càng thêm trầm uất?

– Vâng.

– Bác sĩ Franklin biết chuyện ấy không?

– Tôi không nghĩ là bà nói với ông chuyện ấy.

– Có bao giờ bà nói rõ ý muốn tự tử?

– Bà thường chỉ nói “muốn chết quách cho xong”.

– Có bao giờ bà nói muốn chết bằng cách nào?

– Không. Chỉ nói chung chung vậy thôi.

– Gần đây có xảy ra sự việc gì khiến tinh thần bà thêm khủng hoảng?

– Theo tôi biết thì không. Gần đây bà còn khá hơn là đằng khác.

– Vậy là cô đồng ý với bác sĩ Franklin nói trước hôm chết bà có vẻ vui hơn.

Cô y tá lưỡng lự một lát.

– Theo tôi, bà có hơi… bồn chồn. Cả ngày đi chơi mệt, bà kêu nhức đầu, chóng mặt. Nhưng đúng là buổi tối, bà đỡ hẳn. Tuy nhiên, sự vui vẻ của bà không tự nhiên, như là… cố gượng.

– Cô có trông thấy cái lọ nào đựng thuốc độc?

– Không.

– Tối hôm đó, bà ăn những thứ gì?

– Canh, sườn nấu với khoai và đậu, rồi mứt anh đào. Và uống một ly rượu bourgogne.

– Rượu ở đâu ra?

– Bà có một chai cất trong phòng. Chỗ còn lại đã được các ông phân tích, hình như không có độc tố.

– Có thể bà bỏ thuốc độc vào rượu mà cô không biết?

– Rất dễ, vì không phải lúc nào tôi cũng để mắt. Tôi bận sắp xếp trật tự trong phòng. Bà ấy có cái túi để ngay tầm tay, muốn bỏ gì vào rượu, cà phê hay sữa đều được.

– Lọ thuốc độc dùng xong rồi, không biết bà bỏ đâu?

Cô Craven suy nghĩ vài giây:

– Có thể vứt ra ngoài cửa sổ, hay vứt vào sọt rác. Bà cũng có thể súc sạch rồi để lại vào tủ thuốc trong phòng tắm, ở đó lúc nào cũng có một số lọ không.

– Cô nhìn thấy bà Franklin lần cuối lúc nào?

– Lúc mười giờ rưỡi. Tôi đặt bà lên giường , đưa bà cốc sữa nóng, và bà bảo tôi mang cho bà ống átpirin.

– Lúc đó bà ấy thế nào?

Cô y tá lại nghĩ:

– Như thường lệ. Nhưng không hẳn như thế. Bà có vẻ hứng khởi hơn.

– Vậy là không trầm uất.

– Không. Nhưng một người sắp tự tử có thể ở trong tình trạng kích động, hoặc… hứng khởi.

– Cô có cho là bà thuộc loại người có thể tự tử?

Cô Craven im lặng môt lát, do dự:

– Trời, làm sao tôi khẳng định được. Tuy nhiên, tôi cho là có, vì bà vốn hay mất cân bằng.

Boyd Carrington được mời ra, ông thực sự bàng hoàng, nhưng khai báo rõ ràng. Tối đó, ông chơi bài pích-kê với bà Franklin, thấy bà không có gì là suy yếu tinh thần. Nhưng mấy ngày trước đó, bà có nói đến ý muốn chết. Bà ta là người rất khoan dung, không vụ lợi, rất buồn vì mình ngáng trở sự nghiệp của chồng.

Tiếp theo Boyd carrington là Judith, nhưng nó chả có mấy để khai. Nó không hiểu làm thế nào mà dung dịch physostigmine trong phòng thí nghiệm bị đánh tráo. Tối hôm đó, bà Franklin có vẻ hoàn toàn bình thường. Nó nói chưa bao giờ nghe bà Franklin tỏ ý muốn tự tử.

Người làm chứng cuối cùng là Hercule Poirot. Lời khai chắc nịch của ông gây ấn tượng mạnh. Trước hôm xảy ra tấm thảm kịch, Poirot đã chuyện trò với bà Franklin. Bà rất ủ rũ, tỏ ý muốn chết, rất buồn vì tình trạng sức khỏe, bà có sống cũng chẳng để làm gì. Bà còn nói, có lúc nghĩ rằng nếu ngủ đi rồi vĩnh viễn không dạy nữa thì tuyệt vời.

Nhưng câu Poirot trả lời câu hỏi tiếp theo mới càng gây sửng sốt:

– Sáng ngày 10 tháng 6, ông có ngồi gần cửa phòng thí nghiệm?

– Phải.

– Ôngn đã thấy bà Franklin từ đó đi ra?

– Có, tôi có thấy.

– Bà có cầm gì trong tay?

– Tay phải bà cầm một lọ nhỏ.

– Ông chắc chứ?

– Chắc chắn.

– Nhìn thấy ông, bà có tỏ ý gì không?

– Có vẻ hơi hốt hoảng.

Cán bộ điều tra quay sang các vị hội thẩm.

– Thưa các vị, bây giờ để tùy ý các vị xác định xem bà Franklin chết như thế nào. Báo cáo của pháp y rất rõ ràng về nguyên nhân cái chết, đó là do trúng độ physostigmine. Các vị sẽ phán quyết chất độc là cho bà Franklin tự uống – hoặc vô tình hoặc cố ý hay là do bàn tay người khác. Nhiều nhân chứng đã khai rằng nạn nhân mắc chứng tâm thần, mặc dù nội tạng không sao, nhưng sức khỏe suy sụp. Mặt khác, ông Hercule Poirot mà ta đều biết là người có uy tín, khẳng định có trông thấy bà từ phòng thí nghiệm của chồng đi ra, tay cầm lọ. Từ đó toàn hội thẩm quyền có quyền suy ra là bà Franklin đã lấy thuốc đó rõ ràng nhằm mục đích tự tử. Bà bị ám ảnh vì nỗi đã ngăn trở sự nghiệp của chồng. Người chồng rất tốt và vẫn thương yêu vợ, chưa hề phàn nàngì về sức khỏe của vợ, kể cả việc mình bị vợ gây khó khăn trong sự nghiệp. Ý đó chỉ là nằm trong tưởng tượng của bà Franklin. Những người bị bệnh thần kinh thường hay có những ý nghĩ cố định. Trong trường hợp này, khó thể biết nạn nhân đã uống độc dược như thế nào và lúc nào. Điều kỳ lạ là không tìm ra cái lọ mà ông Poirot đã nhìn thấy trong tay bà Frankin. Song rất có thể như cô Craven nói, bà Franklin đã rửa sạch và xếp nó vào tủ thuốc, nơi bà đã lấy nó trước khi đến phòng thí nghiệm. Và bây giờ, thưa các vị hội thẩm, xin để các vị phán xét.

Sau khi thảo luận ngắn, hội đồng bồi thẩm đã ra phán quyết: Bà Franklin đã tự kết liễu đời mình trong một cơn hoảng loạn nhất thời.

Nửa giờ sau, tôi ở trong phòng Poirot. Trông ông có vẻ kiệt sức. Curtiss đã đặt ông lên giường, cho ông uống thuốc.

Tôi sốt ruột chờ đợi anh hầu đi ra, rồi bật lên câu hỏi:

– Poirot, điều ông vừa kể có đúng không? Ông có thật thấy bà Franklin từ phòng thí nghiệm đi ra, tay cầm lọ?

Nụ cười thoáng trên đôi môi nhợt nhạt của nhà thám tử.

– Thì anh cũng trong thấy đó thôi.

– Không.

– Có thể lúc ấy anh không để ý.

– Có thể. Tất nhiên tôi không dám chắc.

– Anh cho là tôi nói dối sao?

– Biết đâu được.

– Hastings, anh không tin tôi nữa sao?

– Tôi không tin ông lại nói bậy, nói dối.

Ông khoát tay:

-Thôi điều gì đã nói là đã nói, cãi cọ vô ích.

– Tôi thật tình không hiểu.

– Anh không hiểu cái gì?

– Lời khai của ông: rằng bà Franklin nói với ông là muốn tự tử.

– Chính tai anh cũng đã từng nghe bà ấy nói vậy, có phải không?

– Đành thế, nhưng đó chỉ là kiểu nói quá của bà. Ông không nêu bật cái ý ấy.

– Có thể là tôi không muốn nêu.

– Ông muốn người ta kết luận là tự tử?

Poirot không trả lời ngay. Sau ông mới thong thả đáp:

– Hastings, anh không hiểu là tình thế nghiêm trọng. Đúng, tôi muốn người ta kết luận là tự tử.

Poirot thong thả gật đầu.

– Vậy ông tin là bà bị ám sát?

– Đúng vậy, bà bị ám sát

– Vậy tại sao ông lại muốn im chuyện, cố tình làm cho người ta đi đến phán quyết chấm dứt điều tra? Có phải ông muốn thế không?

– Phải.

– Vì lý do gì, hở trời?

– Hóa ra anh không nhìn thấy gì ư? Nhưng thôi, không quan trọng, không nói nữa. Song anh có thể tin tôi. Chúng ta đang đứng trước một vụ án mạng. Một án mạng có tính toán trước. Tôi đã bảo là sẽ có án mạng ở đây, mà ta chưa chắc ngăn chặn được, vì hunh thủ quyết tâm ra tay không thương tiếc.

Tôi rùng mình.

– Và bây giờ sẽ đến chuyện gì nữa?

Poirot lại cười:

– Vụ việc đã khép lại rồi, kết luận là tự tử. Nhưng tôi với anh còn ngầm làm việc tiếp, đào sâu như những con trũi. Và sớm muộn ta sẽ tóm được tên X.

– Trong khi chờ đợi, nhỡ lại có ám sát nữa.

– Không chắc. Trừ khi có người nào nhìn thấy, hoặc biết một điều gì. Nhưng nếu vậy, người ấy đã nói ra trong lúc điều tra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.