Thám tử rời sân khấu

Chương 4



Tôi mới gặp bà Franklin có một lần. Bà trạc ba mươi và thuộc loại tôi gọi là “quý phái”. Đôi mắt to đen sẫm, tóc đen rẽ ngôi giữa khuôn mặt bầu dục đầy vẻ hiền hậu. Dáng người rất mảnh, da trắng như trứng gà bóc.

Bà nằm trên giường nghỉ, đầu tựa lên gối, mặc bộ đồ ngủ trắng và xanh. Franklin và Boyd Carrington đang ngồi uống cà phê. Bà Franklin nhoẻn miệng cười chào tôi và chìa tay:

– Đại úy Hastings, cảm ơn ông đã đến thăm. Ông đến đây cũng là tin vui cho Judith. Cô ấy làm việc vất vả quá.

– Tôi thấy cháu rất khỏe,có sao đâu ạ.

Bà Franklin thở dài:

– Phải, về mặt ấy, con gái ông thật may, tôi ghen với cô ấy. Chắc cô không thể hiểu ốm yếu khổ như thế nào.

Bà quay về phía cô y tá:

– Cô Craven, tôi nói thế có phải không? Ồ! Xin giới thiệu với cô đại úy Hastings. Còn đây là cô Craven, cô chăm sóc tôi rất tốt. Không có cô ấy, không biết tôi sẽ xoay sở ra sao.

Cô y tá là một người đàn bà trẻ, đẹp, tóc màu gụ. Tôi thấy bàn tay cô ta thon và trắng muốt; khác hẳn tay của nhiều y tá bệnh viện. Cô ta có vẻ ít nói, chỉ hơi nghiêng đầu chào tôi. bà Franklin nói:

– Quả thật, ông John nhà tôi bắt cô Judith làm việc hơi nhiều. Thầy gì mà khắc nghiệt quá. Có phải không, ông Judith?

Ông chồng đang đứng gần cửa sổ, nhìn ra bãi cỏ, huýt sáo miệng, tay đút túi. Nghe vợ hỏi, ông giật mình:

– Barbara, em nói gì?

– Rằng anh bắt cô Hastings làm việc quá sức. Giờ ông đại úy đã tới, tôi và ông ấy sẽ đoàn kết chống lại cái kiểu bóc lột ấy.

Bác sĩ Franklin có lẽ là người không biết đùa. Ông hơi bối rối, quay về phía Judith thăm dò:

– Nếu có như vậy, cô cứ nói thẳng.

– Ồ không. Bà nhà chỉ đùa vui. À mà nhân nói chuyện công việc, tôi muốn hỏi bác sĩ về cái vết xuất hiện trên bảng mẫu thứ hai. Ông biết rồi, cái vết…

– À phải! Nếu không phiền, ta xuống phòng thí nghiệm xem lại… Hai người vừa nói vừa ra khỏi phòng.

Barbara Franklin thở một hơi dài, ngả người lên gối. Cô y tá bỗng lên tiếng bằng giọng có vẻ khó chịu:

– Trong hai người nếu có ai bắt ai làm quá sức, người ấy phải là cô Hastings.

Bà Franklin lại thở dài đánh sượt:

– Tôi biết lẽ ra phải quan tâm hơn đến công việc của chồng, nhưng không làm được, quá sức tôi. Thực sự trong người tôi có cái gì trục trặc…

Tiếng cười gằn của Boyd Carrington cắt ngang:

– Đừng vớ vẩn. Cô khỏe mạnh, có sao đâu không nên lo hão.

– Ôi, anh Bill tôi lo chứ. Tính tôi hay nản… luôn luôn nghĩ ngợi… mà cứ nghĩ đến những con chuột, con nhái ấy, lại thấy kinh!

Bà rùng mình, rồi lại tiếp:

– Tôi biết là vớ vẩn, nhưng vẫn ốm vì thế! Tôi chỉ muốn nghĩ đến những thứ đẹp đẽ, chim, hay hoa chẳng hạn. Anh hiểu không?

Boyd Carrington tiến lại, cầm lấy bàn tay bà đưa ra như cầu cứu.

Khuôn mặt ông ta có nhiều nét cứng cỏi, bỗng dịu hẳn.

– Barbara, cô vẫn không thay đổi như khi còn mười bảy tuổi.

Ông quay đầu sang tôi:

– Barbara và tôi biết nhau từ hồi trẻ.

– Vâng, là bạn lâu năm. Bà Franklin nói.

– Tôi công nhận hơn cô mười lăm tuổi. Nhưng ngay từ hồi cô còn bé, tôi đã chơi với cô như chơi búp bê, tôi đã cõng cô đi khắp nơi. Sau này khi tôi trở về, cô đã là một thiếu nữ xinh đẹp chuẩn bị bước vào đời. Tôi đã dạy cô chơi gôn để giúp vào việc đó. Cô nhớ không?

– Ôi, Bill, làm sao em quên!

Bà quay bộ mặt thánh thiện sang tôi, giải thích:

– Bố mẹ tôi ở Anh, anh Bill thình thoảng lại đến ở nhà ông bác ở Knatton.

– Cái tòa nhà sao mà buồn thảm, giờ nó vẫn thế. Cổ quá rồi, không biết có sửa sang nổi để ở được không.

– Ôi, nếu làm được việc ấy thì thích quá!

– Phải. Phiền một cái là tôi không biết sắp xếp thế nào. Cần có phụ nữ mới xong.

– Em đã bảo rồi, nếu anh đồng ý, em sẽ đến giúp. Em nói thật đấy.

– Nếu em khỏe, thì có thể được.

Ông ngước nhìn cô y tá:

– Cô nghĩ thế nào, cô Craven?

– Tốt thôi, thưa ngài. Tôi tin là ra ngoài, đổi không khí thì chỉ tốt cho bà Franklin. Tất nhiên, với điều kiện bà không làm quá sức.

– Vậy là nhất trí, Boyd Carrington nói. Còn bây giờ, cô phải cố ngủ đi, để mai có đủ sức.

Chúng tôi từ biệt bà Franklin và cùng đi ra. Tới cầu thang, Boyd Carrington nói:

– Ông không biết lúc mười bảy tuổi Barbara xinh đẹp chừng nào. Lúc tôi từ Miến Điện về sau khi vợ tôi chết và thú thật là tôi mê Barbara. Nhưng hai, ba năm sau, người cô ấy lấy là Franklin. Tiếc thay, tôi cho rằng cuộc hôn nhân ấy không thật hạnh phúc, và đó chính là do sức khỏe yếu kém của Barbara. Chồng cô chưa bao giờ hiểu hết và đánh giá đúng về cô. Mà bản chất cô ta cực kỳ nhạy cảm và sức khỏe suy giảm phần chính là do tinh thần. Nếu cô ấy vui vẻ, nếu để cô thoát khỏi cảnh ấy, cô sẽ hoàn toàn đổi khác. Nhưng cái tay chồng lang vườn nọ không biết gì khác ngoài mấy cái ống nghiệm và vật thú.

Boyd cười gằn vẻ ấm ức, và tôi nghĩ điều ông ta nói có phần đúng. Tuy nhiên, tôi lấy làm lạ ông ta quyến luyếnbà Franklin đến thế, dù bà có duyên và dễ thương thật nhưng dù sao sức đã yếu. Còn ông ta thì vẫn đầy sức sống và khỏe mạnh. Nhưng đúng rồi, mấy năm trước hẳn Barbara phải là cô gái cực kỳ hấp dẫn, nhất là với loại đàn ông lạng mạn như Carrington; những cảm xúc thời trẻ thường làm ta nhớ mãi, và những mối tình đầu để lại ấn tượng khó phai mờ.

Dưới nhà, bà Luttrell vớ ngay lấy chúng tôi, mời chơi bài. Tôi xin lỗi, lấy cớ phải lên với ông bạn Poirot.

Poirot đang nằm trên giường. Curtiss dọn dẹp trong phòng, rồi rút lui sớm sau khi đóng cửa cẩn thận. Tôi nói:

– Cầu trời đánh ông chết với cái thói bao giờ cũng giữ môt cái gì bí mật cho riêng mình. Cả tối nay tôi đã cố tìm xem cái nhân vật bí ẩn của ông là ai.

– Chú tâm vào việc ấy, chắc anh lơ đãng không chú ý gì khác. Có ai nhận thấy không, có ai hỏi gì không?

Tôi đỏ mặt khi nhớ lại những câu hỏi của Judith, và Poirot chắc nhận thấy sự lúng túng của tôi, vì trên môi ông thoáng nở một nụ cười tinh quái. Song ông không đả động đến điều đó nữa, chỉ hỏi:

– Thế anh đi đế kết luận nào chưa?

– Nếu tôi nói ra, ông có chịu nói là đúng hay sai?

– Tôi sẽ không nói gì.

– Tôi đã nghĩ tới Norton…

Poirot vẫn gồi yên, không lộ thái độ gì. Tôi tiếp:

– Không phải là có chứng cứ gì cụ thể. Tôi chỉ thấy hắn có vẻ… nhiều khả năng hơn những người khác. Tôi hình dung tên sát thủ đang truy lùng phải thuộc loại… nhún nhường, không khiến ai để ý.

– Có thể. Nhưng có nhiều cách để không làm mọi người để ý.

– Ý ông định nói gì?

– Giả sử một người lạ có ý đồ xấu đến đây vài tuần trước khi hành động. Tốt nhất cho hắn là đừng làm gì nổi bật, tránh sự chú ý, giải trí bằng môn thể thao vô hại, như câu cá chẳng hạn…

– Hoặc tha thẩn xem chim chóc. Chính tôi định nói thế.

– Mặt khác, tốt hơn nữa là hung thủ nên là một nhân vật đặc biệt: là anh hàng thịt chẳng hạn. Anh chàng này có cái lợi là nếu quần áo bị dây máu cũng không ai để ý.

– Nhưng nếu trước đó, mọi người đều biết anh hàng thịt đã cãi nhau với anh… hàng bánh chẳng hạn.

– Không hề chi, nếu anh hàng thịt chọn nghề này chỉ cốt để có dịp hai anh hàng bánh.

Tôi nhìn poirot chăm chú, tự hỏi ông nói như trên là có ám chỉ gì không. Nếu có thì hẳn là nhằm đại tá Luttrell. Ông này cố tình mở quán trọ gia đình để rình cơ hội ám hại một người đến trọ chăng?

Poirot lắc đầu:

– Không thể nhìn mặt tôi mà anh đoán được lời giải đâu.

– Ông thật khó chịu. – Tôi nói. Mà này, tôi không chỉ nghi Norton. Còn cái anh chàng Allerton nữa.

Poirot vẫn bình thản:

– Anh không ưa hắn ta ư?

– Không chút nào!

– A, anh cho hắn là tên vô tích sự, có phải không?

– Đúng thế. Ông đồng ý với tôi chứ?

– Rất đồng ý. Tuy nhiên… hắn ta rất hấp dẫn đối với phụ nữ.

Tôi hừ lên một tiếng khinh khỉnh.

– Thế phụ nữ mới ngốc! Chả biết họ tìm thấy ở hắn cái gì?

– Thật khó nói. Đôi khi như vậy đấy: kẻ xấu lại có sức hấp dẫn.

– Tại sao?

Poirot nhún vai:

– Có thể họ tìm thấy ở đó cái gì mà ta không biết.

– Ví dụ?

– Ví dụ, sự mạo hiểm. Trên đời này ai cũng ưa một chút mạo hiểm. Một số tìm thấy mạo hiểm qua người khác làm trung gian, như khi xem đấu bò tót, hay đơn giản hơn, khi xem phim. Bản chất con người không ưa sự quá bình lặng. Vì vậy, đàn ông tìm mạo hiểm bằng nhiều cách khác nhau, còn phụ nữ tìm trong các cuộc phiêu lưu tình ái…

Tôi trở lại vấn đề đang ấp ủ:

– Ông biết không, với tôi tìm ra lai lịch tên X tương đối dễ thôi.Chỉ cần sục sạo để biết kẻ nào có liên quan với các nhân vật trong năm vụ án mà ông đưa tôi xem.

Poirot như không thèm để ý đến vẻ đắc thắng của tôi:

– Hastings, tôi không mời anh đến đây để bắt anh phải vất vả làm lại cái việc tôi đã làm rồi. Và xin nói là mọi việc không đơn giản như anh nghĩ. Bốn trong số năm vụ án kia xảy ra ở cùng một quận nơi ta đang sống lúc này. Những người tập hợp tại Styles không hoàn toàn là một nhóm người đến đây một cách tình cờ, và nhà này không phải là một quán trọ bình thường như ta hiểu. Vợ chồng Luttrell gốc gác ở vùng này. Họ gặp khó khăn về tài chính, tậu cái nhà này và lao vào một vụ làm ăn mạo hiểm. Khách trọ hiện nay của họ là bạn bè, hoặc do bạn bè giới thiệu. Chính ngài Boyd Carrington đã thúc giục vợ chồng Franklin tới đây. Vợ chồng Franklin lại mời Norton và cả cô Cole, nếu tôi không nhầm. Và cứ thế tiếp tục. Có nghĩ là rất có khả năng một người nào đó đã quen biết một người thì cũng quen biết tất cả những người khác. Tôi lại xét thêm một điểm khác. Lấy ví dụ trường hợp anh công dân nông nghiệp Riggs. Nơi án mạng xảy ra xảy ra không xa ngôi nhà ông bác của Boyd Carrington là bao. Họ hàng của bà Franklin cũng sống ở quanh đó. Quán trọ của làng cũng có nhiều khách du lịch đến ở, và một số bạn của bà Franklin thường trọ ở đó. Chính bác sĩ Franklin cũng đến ở đấy một thời gian. Rất có thể Norton và cô Cole cũng từng ghé qua. Không, tôi yêu cầu anh đừng cố khám phá một bí mật mà tôi cần giữ, chưa nói với anh.

– Thật vô lý. Ông sợ tôi để lộ chứ gì? Cái điều anh nói tôi có “bộ mặt lộ liễu” là trò khôi hài vớ vẩn.

– Anh cho đó là lý do duy nhất khiến tôi phải giấu anh ư? Hóa ra anh không hiểu rằng biết sự thật nhiều khi cũng rất nguy hiểm? Tôi giấu anh cũng chỉ vì tôi lo sợ cho sự an toàn của anh.

Tôi đứng ngây người. Đến lúc này, tôi không hề nghĩ đến khía cạnh ấy của vấn đề. Bây giờ tôi hiểu thái độ của Poirot là có lý. Nếu tên sát thủ này rất khôn khéo và mưu mẹo, từng nhúng tay vào năm vụ án, phát hiện ra hắn đang bị lần dấu vết, tất hắn sẽ phản ứng kịch liệt.

Song tôi nói ngay:

– Nhưng nói vậy, chính ông cũng đang bị nguy hiểm.

Poirot khoát tay ra hiệu coi thường:

– Tôi quen rồi, và tôi có thể tự phòng vệ. Vả lại, tôi chẳng có bên mình ông bạn Hastings tận tụy luôn che chở tôi đó sao?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.