Thằng Cười

10. SỰ VIỆC VÀ CON NGƯỜI DƯỚI MẮT KẺ NGOÀI CUỘC.



Con người thường muốn trả thù niềm vui mà người khác đưa đến cho mình. Do đó nẩy sinh thái độ khinh miệt diễn viên. Người này làm cho tôi say sưa, khuây khoả, hết buồn, cho tôi bài học, quyến rũ tôi, an ủi tôi, truyền đạt lý tưởng cho tôi, đối với tôi thật dễ chịu và bổ ích, vậy tôi có thể làm gì để hại hắn? Sỉ nhục. Khinh bỉ là một cái tát từ xa. Chúng ta hãy tát hắn. Hắn làm tôi vui bụng, vậy là hắn bần tiện. Hắn giúp đỡ tôi, vậy tôi phải căm thù hắn. Tìm đâu được hòn đá để tôi ném vào mặt hắn? Hỡi giáo sĩ, cho tôi hòn đá của ông. Hỡi vị triết gia, cho tôi hòn đá của vị. Bôtxuyê[222] đâu, hãy rút phép thông công của hắn. Rutxô[223] đâu, hãy chửi cho hắn một trận. Hỡi nhà hùng biện, hãy khạc sỏi vào mặt hắn. Gấu đây hãy ném đá lát đường vào hắn. Chúng ta hãy ném đá lên cây, hãy quật nát hoa quả, và hãy ăn hết hoa quả. Hoan hô! và Đả đảo! Đọc thơ của thi sĩ là lây phải bệnh dịch. Thằng hát rong à! Gông cổ nó lại khi nó thành công. Chúng ta hãy kết thúc thắng lợi của nó bằng la ó! Cho nó thu hút quần chúng và cho nó chuốc lấy cô độc. Chính vì vậy mà các tầng lớp giàu có, gọi là tầng lớp trên, đã sáng kiến cho diễn viên cái hình thức cô lập, là sự hoan hô.
Dân thường ít độc ác hơn. Họ không căm ghét Guynplên. Họ cũng không khinh bỉ nó. Có điều anh thợ xảm thuyền tồi nhất, trong tốp thuỷ thủ xoàng nhất, của chiếc tàu buôn bé nhất neo tại hải cảng nhỏ nhất nước Anh, cũng tự cho mình là hơn nhiều, hơn không thể lường được, so với cái thằng làm trò cho “đám mạt hạng” và thường đánh giá một lãnh chúa hơn một anh xảm thuyền bao nhiêu, thì một anh xảm thuyền cũng hơn một thằng hát rong bấy nhiêu.
Thế là Guynplên cũng như tất cả những diễn viên, được hoan hô và bị cô lập. Vả lại, dưới trần này, mọi thành công đều là tội ác, và đều phải chịu quả báo. Kẻ nào đón nhận huân chương cũng nhận luôn cả mặt trái của nó.
Đối với Guynplên không hề có mặt trái. Theo cái nghĩa nó thích cả hai mặt của thành công. Nó thoả mãn với chuyện hoan hô, và bằng lòng về cảnh cô lập. Nhờ hoan hô nó giàu có, nhờ cô lập nó được hạnh phúc.
Giàu có trong chốn hạ lưu của xã hội này là không nghèo đói nữa. Nghĩa là không có lỗ thủng trên quần áo, không giá lạnh trong lò sưởi, không trống rỗng trong dạ dày nữa. Là có ăn khi đói, có uống khi khát. Là có tất cả những gì cần thiết, kể cả đồng xu để cho kẻ nghèo. Cảnh giàu sang khốn cùng đó vừa đủ cho tự do, Guynplên đã đạt được.
Về mặt tâm hồn nó rất phong phú. Nó có tình yêu.
Nó còn mong muốn gì nữa?
Nó chẳng mong muốn gì cả.
Hình như cất bỏ điểm dị dạng đi có thể là một việc giúp đỡ cho nó. Chắc chắn nó sẽ từ chối việc đó. Trút bỏ cái mặt nạ này và lấy lại bộ mặt thật, trở lại như nó có lẽ trước kia: đẹp trai duyên dáng, chắc chắn nó không muốn. Nó sẽ lấy gì để nuôi Đêa? Cô gái mù hiền lành đáng thương vẫn yêu nó sẽ ra sao? Không có cái vẻ nhăn nhở giúp nó thành thằng hề độc nhất, nó sẽ chỉ là một tên hát rong như mọi tên khác, như bất kỳ một thằng đi dây nào đó và có lẽ Đêa sẽ không có bánh ăn hàng ngày!
Nó sung sướng cảm thấy rất tự hào được làm người che chở nàng tiên tàn tật này. Đêm tối. Cô đơn. Thiếu thốn. Bất lực. Ngu dốt. Đói và Khát, bảy cái mồm há hốc của nghèo khổ sừng sững xung quanh nàng, và nó là thánh Gioocgiơ chiến đấu chống con rồng đó. Và nó chiến thắng cảnh nghèo. Bằng cách nào? Bằng cái mặt dị kỳ của nó. Nhờ vẻ dị hình của mình, nó thành người hữu ích, cứu trợ, chiến thắng, vĩ đại. Chỉ cần nó xuất hiện là tiền bạc đổ vào. Nó là chủ các đám dông; nó tự thấy mình là chúa tể đám dân thường. Nó có thể làm tất cả vì Đêa. Mọi nhu cầu của cô, nó thoả mãn; mọi mong muốn, mọi ước ao, mọi ngông cuồng của cô, trong phạm vi hạn chế của các mong ước có thể của một người mù, nó đều làm vừa ý. Như chúng tôi đã nói rõ, Guynplên và Đêa là ân nhân của nhau. Nó cảm thấy được bay bổng bằng đôi cánh của Đêa, cô cảm thấy được bồng bế trên tay của Guynplên. Che chở người yêu mình, cung phụng mọi thứ cần thiết cho người đã cho mình muôn ánh sao, ôi còn gì êm ái hơn. Guynplên đang nằm giữa nền hạnh phúc tuyệt vời đó. Và nó nhờ vào sự dị dạng của nó. Sự dị dạng đó làm cho nó hơn hẳn. Nhờ cái đó, nó kiếm được miếng ăn cho bản thân và miếng ăn cho những người khác; nhờ cái đó, nó được tự chủ, tự do, nổi tiếng, tự mãn, tự hào. Trong cái dị dạng đó, không gì có thể đụng chạm vào nó. Mọi rủi ro bất hạnh không thể làm gì nổi nó ngoài cái đòn chúng đã bị kiệt quệ, và đã biến nó thành người chiến thắng. Tai hoạ tột cùng đó đã trở thành một đỉnh cao cực lạc. Guynplên bị giam giữ trong cảnh dị hình của mình, nhưng cùng với Đêa. Như chúng tôi đã nói, đó là ngồi trong ngục tối của thiên đường.
Giữa chúng nó và thế giới trần tục có một bức tường thành. Càng hay. Bức tường thành đó bao vây chúng nhưng lại bảo vệ chúng. Người ta có thể làm gì Đêa, người ta có thể làm gì Guynplên, với một kiểu khóa chặt cuộc đời xung quanh chúng như vậy? Cất bỏ thành công của nó ư? Không thể được. Muốn thế phải cất bỏ bộ mặt của nó. Cắt bỏ tình yêu ư? Không thể được. Đêa không hề thấy nó. Tật mù của Đêa nan y một cách thần diệu.
Đối với Guynplên, nét dị hình của nó có gì bất lợi?
Chẳng có gì bất lợi cả. Có lợi gì? Tất cả. Nó được yêu quý bất chấp vẻ rùng rợn đó, và có lẽ còn nhờ chính cái vẻ đó nữa. Tàn tật và dị hình, do bản năng, đã xích lại gần nhau và phối hợp với nhau. Được yêu, như vậy không đủ sao. Guynplên chỉ nghĩ đến bộ mặt biến dạng của mình với một lòng biết ơn sâu sắc. Nó được ban ân phúc với cái sẹo đó. Nó sung sướng tự cảm thấy mình không thể mất được và trường tồn. Còn may mắn nào hơn khi ân đức đó không thể thu hồi! Chừng nào còn có các ngã tư, còn có bãi chợ, còn đường phố để đi tới, còn dân chúng dưới trần, còn trời xanh trên cao, là chắc chắn còn sống được. Đêa sẽ không thiếu thốn một thứ gì, và sẽ có tình yêu! Guynplên hẳn không đánh đổi bộ mặt với Apôlông[224]. Đối với nó, quái vật là hình dáng của hạnh phúc.
Vì vậy chúng tôi nói lúc mở đầu rằng số phận đã ưu đãi chúng nó. Con người bị đày đoạ này là một kẻ được tuyển chọn.
Nó sung sướng đến nỗi lại ái ngại cho những người xung quanh. Nó có thừa lòng thương người, không sử dụng đến.
Vả lại do bản năng, đôi lúc nó cũng nhìn ra ngoài, vì không ai là một khối cố định, bất biến, và bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng; nó vui sướng bị quây kín, nhưng thỉnh thoảng nó cũng nhô đầu qua bức tường. Sau khi so sánh, nó lại thụt vào, càng sung sướng với cảnh cô lập của nó bên cạnh Đêa.
Nó thấy gì xung quanh? Những con người, mà cuộc đời phiêu bạt đã cho nó thấy đủ các kiểu mẫu, luôn luôn thay đổi hàng ngày kia là thế nào? Đám đông luôn luôn đổi mới, nhưng lúc nào cũng vẫn thứ quần chúng ô hợp đó. Luôn luôn có những bộ mặt mới nhưng lúc nào cũng vẫn những con người hẩm hiu cùng khổ. Một mớ pha trộn của tàn tạ. Tối tối tất cả mọi bất hạnh của xã hội lại đến quây tròn xung quanh diễm phúc của nó.
Hộp Xanh được dân chúng rất hâm mộ.
Rẻ tiền thường vẫy gọi tầng lớp dưới. Tìm tới cái rẻ tiền đều là những kẻ hèn kém, nghèo khổ, bé nhỏ. Người ta đến với Guynplên như đến với chén rượu. Người ta tới đây mua hai xu quên lãng. Từ trên sân khấu, Guynplên nhìn lướt qua đám dân chúng tối tăm. Tâm trí nó cứ đầy dẫy tất cả những bóng ma liên tiếp ấy của cùng khổ bất tận. Diện mạo con người là do lương tâm và cuộc đời hợp thành, và là kết quả cả một loạt những đục khoét bí mật.
Không một đau khổ nào, không một phẫn nộ nào, không một ô nhục nào, không một thất vọng nào mà Guynplên không nhìn thấy nếp nhăn. Những cái mồm trẻ con kia không được ăn. Anh kia là một người cha, chị kia là một người mẹ, và sau lưng họ người ta đoán được những gia đình đang gặp nguy khốn. Bộ mặt này vừa từ thói hư tật xấu đi ra và sắp bước vào con đường tội lỗi; và người ta hiểu lý do vì đâu: ngu dốt và đói nghèo. Bộ mặt kia mang một dấu vết nhân hậu buổi đầu đã bị thất vọng xã hội gạch bỏ nay trở thành căm hờn. Trên vầng trán bà lão này thấy rõ sự đói khát; trên vầng trán cô gái kia thấy rõ cảnh truy lạc. Vẫn một sự việc mà ở cô gái là nguồn sống, ở chỗ kia lại bi đát hơn. Trong đám ô hợp đó có nhiều cánh tay nhưng không có dụng cụ, lũ người lao động kia không đòi hỏi gì hơn, nhưng thiếu công ăn việc làm. Đôi khi một người lính, thỉnh thoảng một phế binh, đến ngồi bên cạnh anh công nhân, và Guynplên lại nhìn thấy cái bóng ma chiến tranh. Chỗ này Guynplên đọc được thất nghiệp, chỗ kia bóc lột, tôi đòi. Trên một số vầng trán nó nhận thấy có một sự đẩy lùi trở lại tình trạng súc vật, và cảnh tượng con người thong thả quay về con vật do những trọng lực đen tối của hạnh phúc bên trên đè ép. Trong cảnh tối tăm mù mịt đó, Guynplên có một lối thoát. Nó và Đêa được hạnh phúc, nhờ có cái cửa sổ trổ sang hàng xóm. Còn lại tất thảy đều là đày đoạ.
Guynplên cảm thấy trên đầu mình bàn chân giầy xéo vô ý thức của những kẻ thế lực, giàu có, cao sang, quyền quí gặp thời; bên dưới, hàng đống những bộ mặt xanh xao của những người thiệt thời; nó thấy nó và Đêa, với hạnh phúc nhỏ bé của chúng, vô cùng to lớn giữa hai thế giới; bên trên, lớp người đi đi lại lại, tự do, vui vẻ, múa nhảy, chà đạp; bên trên, lớp người thẳng bước; bên dưới lớp người bị kẻ khác xéo lên đầu. Điều ác nghiệt, nói lên một đau xót của xã hội, là ánh sáng giầy xéo lên bóng tối; Guynplên nhận thấy mặt tang tóc đó.
– Sao! kiếp người mà lại hèn hạ đến thế ư; con người mà phải lê lết như vậy ư! Gắn chặt vào đất bụi bùn lầy ghê tởm như thế, đầu hàng như thế, ti tiện như thế, khiến người ta chỉ muốn dẫm chân lên trên! Vậy cuộc sống trần gian này là con sâu của con bướm nào? Sao! Trong đám đông đói khát và ngu dốt kia, khắp nơi, trước mặt mọi người, lại có dấu hỏi của tội ác, hay của nhục nhã! Luật pháp cứng nhắc làm cho lương tâm phải mềm yếu nhu nhược!
Không một đứa trẻ nào không sống còi cọc! Không một cô gái trinh nào lớn lên mà không phải bán mình! Không một đoá hồng nào nở ra mà không đón nhận đờm dãi!
Đôi mắt Guynplên tò mò vì xúc động, tìm cách nhìn vào tận cùng cảnh tăm tối đó, nơi đang hấp hối biết bao cố gắng vô ích và nơi đang tranh đấu biết bao mệt mỏi, những gia đình bị xã hội cắn xé, những phong tục bị luật pháp giày xéo, những vết thương bị hình phạt biến thành hoại thư, những đói nghèo vì thuế má gặm mòn, những trí tuệ bị bỏ hoài vì ngu dốt chôn vùi, nhùng bè mảng đầy những người đói khát lâm nguy, những cuộc chiến tranh, những nạn đói, những tiếng kêu rên, những lời gào thét, những cảnh mất tích; và Guynplên cảm thấy như mơ hồ bị nỗi lo âu rộng khắp xót xa đó tóm chặt lấy mình. Nó nhìn thấy lớp bọt sóng tai hoạ đó bao trùm lên đám người hỗn độn tối tăm. Nó là người đứng trên bến cảng nhìn cảnh tàu đắm xung quanh đó. Thỉnh thoảng nó lại ôm lấy cái đầu dị dạng của nó và suy nghĩ.
Còn gì điên rồ hơn khi được sung sướng! Biết bao mơ mộng, biết bao ý nghĩ đến với Guynplên! Phi lý tràn ngập đầu óc nó. Vì trước đây nó đã cứu vớt một đứa bé, cho nên nó lại có ý định muốn cứu giúp người đó. Có những đám mây mơ mộng đôi khi che kín cả thực tế của chính nó; nó mất ý thức cân đối đến mức tự nhủ; có thể làm gì cho đám dân chúng đáng thương kia? Đôi khi nó bị thu hút đến mức nói lên thành tiếng. Những lúc ấy Uyêcxuyt nhún vai, nhìn nó chằm chằm.
Còn Guynplên thì vẫn tiếp tục mơ màng:
– Ôi, giá mà ta có thế lực, ta sẽ giúp đỡ kẻ nghèo khổ như thế nào! Nhưng ta là gì? Chỉ như cát bụi. Ta có thể làm gì?
Chẳng làm được gì cả.
Nó nhầm. Nó có thể giúp ích rất nhiều đối với người nghèo khổ. Nó làm cho họ cười.
Và như chúng tôi đã nói, làm cho người ta cười tức là làm cho người ta lãng quên.
Trên trái đất này còn ân nhân nào hơn một người ban phát lãng quên!
Chú thích:
[222] Bôtxuyê (Bossuet 1627-1704): giáo sĩ Pháp nối tiếng về những bài thuyết giáo và điếu văn.
[223] Rutxô (J.J. Rousseau 1712-1778): nhà văn lãng mạn và triết gia Pháp, tác giả Khế ước xã hội, Êmin.
[224] Apôlông, trong thần thoại Hy lạp, là vị thần nổi tiếng đẹp trai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.