Trong khi ấy một đợt mù dày đặc đã ập xuống những con người bất hạnh đang trôi dạt. Họ không biết họ đang ở đâu. Họ chỉ nhìn thấy lờ mờ vài tầm[80] quanh thuyền. Mặc dầu mưa đá ào ào buộc tất cả họ phải cúi đầu, mấy mụ cũng nhất định không chịu xuống cabin.
Không một kẻ thất vọng nào lại không muốn chết đắm giữa trời. Họ gần cái chết đến nỗi thấy có trần trên đầu là thấy mở đầu cho cỗ áo quan.
Sóng, mỗi lúc một căng phồng, đã ngắn hẳn lại. Sóng ứ là dấu hiệu của tắc nghẹn; trong sương mù, có những quầng nước báo hiệu có một eo biển. Đúng thế, họ không biết đấy thôi, họ đang men theo Ôrinhi. Giữa Caxkê với Ortasơ ở phía tây, với Ôrinhi ở phía đông, đều bị thắt lại, bị ngăn chặn, và chỗ nào biển khó chịu thì chỗ đó gây nên bão táp. Biển cũng đau đớn như mọi thứ khác; chỗ nào biển đau thì biển nổi giận. Eo biển ấy rất dễ sợ.
Thuyền Matutina đang nằm trong eo biển đó.
Ta hãy tưởng tượng ở dưới một cái mu rùa to như Haiđơ Pae[81] hay Săng-Êlidê[82], mà mỗi rãnh là một hũng sâu và mỗi chỗ bướu là một chỏm núi. Hướng tiếp cận mặt tây Ôrinhi như thế đấy. Biển cả trùm lên và che kín cái bẫy đắm tàu đó. Trên cái mu toàn đá ngầm đó, sóng bị xé nhỏ, nhảy nhót và sủi bọt. Khi yên tĩnh là tiếng róc rách; trong giông tố là cảnh hỗn mang.
Hiện tượng phức tạp mới này, những người đắm thuyền nhận thấy mà không tự giải thích nổi. Rồi đột nhiên họ hiểu ra. Một khoảng trời nhợt nhạt xuất hiện trên thiên đỉnh, một chút mờ xanh tản mạn trên biển cả, cái màu xanh nhợt đó để lộ ra ở mạn bên trái một cái đập chắn ngang phía đông, và gió đuổi thuyền đi đang ào ào thổi vào đó. Cái đập ấy là Ôrinhi.
Là gì? Họ run bần bật.
Họ còn run hơn nữa nếu có tiếng trả lời họ: Ôrinhi.
Không một hòn đảo nào được bảo vệ để chống con người thâm nhập như Ôrinhi. Dưới nước và trên mặt nước, nó có một đội bảo vệ hung dữ, mà Ortasơ chính là tên lính gác. Phía Tây, Buyru, Xôtơriô, Anfrôc, Niangơlơ, Eôngđuy Crôc, LêJuymenm, La Gơrôx, La Clăngkơ, Lêzêkilông, Lơ Vrăc, La Fôx Malie; phía đông Xôkê, Ômmôm, Flôrô, La Brinobote, La Kexlanh, Crôkơlihu, La Fuôcsơ, Lơxô, Noa Puy, Cupi, Crbuy[83]. Tất cả lũ quái vật ấy là gì? Những con giao long, phải không? Phải, thuộc loại đá ngầm.
Một trong những hòn đá tên là Buyt, như để chỉ rõ là mọi cuộc hành trình đều kết thúc tại đấy[84].
Loại đá ngầm nằm ngổn ngang đó nhờ có nước và đêm tối hoá ra đơn giản, hiện ra trước mắt đám người lâm nạn dưới hình thức một giải dài tối om đơn giản, một thứ vạch đen ở chân trời.
Chìm đắm là chỗ tận cùng của bất lực. Gần đất liền mà không đến được đất liền, nổi lềnh bềnh mà lại không chèo không lái được, đặt chân lên một vật có vẻ chắc chắn mà lại mong manh, cùng một lúc tràn đầy sức sống và chết chóc, là tù nhân giữa trời biển bao la, bị bao vây giữa trời mây và biển cả, mang trên người cả cái vô cùng như một hầm tối, quanh mình là gió lộng và sóng nước mông mênh vì bị tóm chặt, trói gô, liệt vị, cái cảnh hành hạ đó khiến phải sừng sờ và phẫn nộ. Tưởng như thấp thoáng ở đó có nụ cười chế nhạo của người chiến sĩ không ai tới gần được. Cái giam giữ anh chính lại là cái tháo bỏ cho chim cá được tự do bay lội. Cái đó hình như chẳng là gì hết mà lại là tất cả, phải phụ thuộc vào lớp không khí mà người ta làm vẩn đục bằng mồm, phải phụ thuộc vào làn nước mà người ta có thể vốc trong lòng bàn tay. Hãy múc đầy cốc thứ bão táp đó, nó chỉ là một mớ đắng cay. Ngụm nước, đó là sự ghê tởm; sóng biển, đó là sự tuyệt diệt. Hạt cát trong sa mạc, chút bọt sóng của đại dương là những hình ảnh choáng ngợp; toàn năng không cần che giấu hạt nguyên tử của mình, nó lấy cái yếu làm sức mạnh, nó lấp đầy hư không bằng cái toàn thể của nó, và cái lớp vô biên nghiền nát anh bằng chính cái nhỏ vô cùng. Chính bằng những giọt nước mà đại dương bóp nát anh.
Con người tự cảm thấy mình là một thứ đồ chơi.
Đồ chơi, ôi từ ngữ đó sao mà khủng khiếp!
Thuyền Matutina ở phía trên Ôrinhi một tí, đó là điểm thuận lợi; nhưng trôi giạt đến mũi bắc thì rất nguy hại. Ngọn gió bấc tây bắc, như một cánh cung căng thẳng buông một mũi tên, bắn chiếc thuyền vào mũi bắc. Ở chỗ cái mũi ấy, ở bên này cảng Corbơlê một tí, có cái mà thuỷ thủ quẩn đảo Normăngđi gọi là “Con khỉ”.
Con khỉ – swinge – là một dòng nước thuộc loại hung dữ. Một tràng phễu ở đáy biển tạo thành một chuỗi xoáy trong sóng nước. Cái này buông ra, cái kia tóm lại. Một con thuyền, bị khỉ tóm, cứ thế lăn từ xoáy ốc này sang xoáy ốc khác cho đến khi một mỏm núi nhọn phá toang vỏ thuyền. Lúc ấy chiếc thuyền vỡ dừng lại, phía sau nhô lên khỏi sóng, phía trước chúi xuống, vực thẳm kết thúc vòng quay, phía sau chìm nghỉm và tất cả khép lại.
Một đám bọt sóng loang rộng và trôi lềnh bềnh, trên mặt sóng chỉ còn thấy đây đó mấy cái bong bóng, từ những hơi thở tắc nghẹn dưới nước nổi lên.
Trong toàn bộ biển Măngsơ, ba con khỉ nguy hiểm nhất là con khỉ ở gần bãi cát nổi tiếng Gơcđơlơ Xen, con khỉ ở Giocxây giữa Pinhonê và mũi Noamông, và con khỉ Ôrinhi.
Một hoa tiêu địa phương, giá có mặt trên thuyền Matutina, đã báo hiệu cho những người bị đắm về nguy cơ mới này. Thiếu hoa tiêu, họ có bản năng; trong những hoàn cảnh cuối cùng, vẫn có nhãn quan thứ hai. Bọt nước quằn quại bắn lên rất cao, bay dọc theo bờ, trong cảnh phá phách điên cuồng của gió. Đó là những thứ con khỉ khạc nhổ ra. Biết bao thuyền bè đã mất tích trong cái ổ phục kích này. Không biết ở đó có gì, họ cứ hãi hùng tiến lại gần.
Làm thế nào để vượt qua mũi này? Không có cách nào cả.
Cũng như ban nãy họ đã thấy xuất hiện Caxkê, rồi xuất hiện Ortasơ, giờ đây họ lại thấy nhô lên cái đỉnh Ôrinhi, toàn núi đá cao.
Giống hệt những tên khổng lồ, hết tên nọ đến tên kia. Một loạt trận quyết chiến rùng rợn.
Sarip và Xinla[85] chỉ mới hai; Caxkê, Ortasơ và Ôrinhi những ba.
Lại vẫn hiện tượng đá ngầm đầy dẫy chân trời với vẻ đơn điệu vĩ đại của vực thẳm. Những trận chiến ngoài đại dương bao giờ cũng lặp đi lặp lại một cách oai hùng như những trận chiến của Hôme[86].
Họ càng đến gần thì mỗi đợt sóng lại tăng thêm hai mươi khuỷu[87] vào cái mũi đá được khuếch đại khủng khiếp trong sương mù. Việc giảm dần quãng cách dường như không thể nào tránh khỏi. Họ đang men đến gần con khỉ. Ngọn sóng đầu tiên tóm được họ sẽ cuốn băng họ đi. Một con sóng nữa là hết cả.
Thình lình chiếc thuyền con bị hất lùi ra sau như bị một quả đấm của khổng lồ. Ngọn sóng hồi lồng lộn dưới lòng thuyền lật nhào nó, vứt trả vật trôi giạt vào cái bờm bọt nước. Nhờ sức đẩy đó, thuyền Matutina rời khỏi vịnh Ôrinhi. Thứ đồ chơi trẻ con đó của thần chết lại ra khơi.
Nhờ đâu có sự cứu thoát đó.
Nhờ gió.
Luồng gió của phong ba vừa chuyển hướng.
Sóng nước đã đùa giỡn với họ, bây giờ đến lượt gió. Họ đã tự gỡ ra khỏi Caxkê; nhưng trước Ortasơ sóng hồi đã dắt dẫn kịch biến; trước Ôrinhi là gió bấc. Gió đã đột ngột trở từ hướng bắc xuống hướng nam.
Gió tây nam đã tiếp theo sau gió tây bắc.
Triều lưu là gió quện trong nước; gió là triều lưu quện trong không khí; hai sức mạnh đó vừa mới đối chọi nhau, và gió đã giở chứng cướp mất mồi của triều lưu.
Những hành vi thô bạo của đại dương vẫn tối tăm. Có lẽ chúng vẫn thường xuyên như thế. Đã nằm trong tay chúng thì không thể hy vọng, mà cũng không thể thất vọng. Chúng thắt rồi chúng lại mở. Đại dương đùa bỡn. Tất cả mọi cung bực của tàn bạo dã thủ đều có trong biển cả nham hiểm mà Jăng Bar gọi là “tên đần độn”. Đó là cái cào cấu cố tình, cách quãng bằng những cái tát khẽ. Đôi khi bão táp chỉ đánh đắm qua loa, đôi khi nó lại làm rất chu đáo; hầu như có thể nói là nó vuốt ve mơn trớn cái trò đánh đắm. Biển cả có thừa thời gian. Những kẻ đang hấp hối nhận rõ điều ấy.
Phải nói rằng đôi khi những việc trì hoãn cực hình đó lại báo hiệu sự giải thoát. Những trường hợp như thế hiếm thôi. Dù sao kẻ hấp hối cũng vẫn dễ tin vào sự thoát nạn, bão táp chỉ hơi bớt đe doạ là đủ, họ tự khẳng định đã thoát khỏi nguy cơ, sau khi tưởng bị chôn vùi họ lại tin chắc vào việc hồi sinh, họ cuống cuồng đón nhận cái chưa nắm trong tay, tất cả những gì vận rủi chứa đựng đã tiêu tan hết, hiển nhiên là thế, họ tự nhận là thoả mãn, là đã thoát nạn, họ xem như sạch nợ với Chúa. Chớ có vội trao giấy biên nhận cho Đấng Vô danh.
Gió tây nam bắt đầu bằng một cơn lốc xoáy. Người bị đắm bao giờ cũng chỉ có những kẻ cứu vớt cáu kỉnh. Thuyền Matutina bị cuốn ra khỏi một cách thô bạo nhờ những thứ còn lại trên thuyền, y như một người chết bị túm tóc lôi đi. Giống như việc phóng thích mà Tibe ban cho, sau khi hãm hiếp. Gió lại đối xử tàn bạo với những kẻ được nó cứu thoát. Nó làm ơn một cách giận dữ. Đó là sự cứu vớt không có lòng thương xót.
Mảnh rểu, trong sự ngược đãi mang tính giải thoát này, tan rã hoàn toàn.
Những hạt mưa đá, to và cứng đến mức có thể nhồi vào súng thần công được, rơi ầm ầm lên thuyền.
Mỗi lần sóng giật, những hạt mưa đá lại lăn trên mặt boong như những hòn bi.
Chiếc thuyền con, hầu như đứng giữa, mất hết hình dạng dưới những lớp sóng nhào và những lớp bọt tan.
Trên thuyền người nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân. Mạnh ai bám được vào đâu thì bám. Sau mỗi lần sóng biển trào lên thuyền, họ lại ngạc nhiên thấy vẫn còn đầy đủ. Nhiều người toạc cả mặt vì bị dăm gỗ quất.
Cũng may thất vọng có những nắm tay vững chắc.
Trong hãi hùng bàn tay con trẻ thường bấu chặt như tay khổng lồ. Lo lắng thường biến ngón tay phụ nữ thành gọng kìm chắc. Một thiếu nữ sợ hãi có lẽ với những móng tay hồng có thể cấu thủng được cả sắt. Họ bấu vào nhau, túm lấy nhau, giữ chặt lấy nhau. Nhưng tất cả các ngọn sóng đều làm cho họ kinh hoàng, sợ bị quét băng.
Thình lình họ thấy nhẹ hẳn người.
Chú thích:
[79] Tiếng La tinh: Biển cả khủng khiếp.
[80] Một phần mười hải lý
[81] Hai đơ-pac (Hydep-ark): công viên lớn ở phía Tây Luân đôn.
[82] Săng-Êlidê ( Champs Elyskes): một lâu đài cổ của nước Pháp, nay dùng làm dinh tổng thống.
[83] Trên đây là tên các hòn đảo nhỏ, các tảng đá ngầm.
[84] Buyt ( But, tiếng Pháp) có nghĩa là: đích.
[85] Sarip và Xinla (Charybde et. Scylla) tên ngọn giố lốc và hòn đá ngầm nguy hiểm ở eo biển Messine mà các thuỷ thủ ngày xưa rất sợ. Ý nói: tránh được tai hoạ này là gặp tai hoạ khác lớn hơn.
[86] Hôme (Homère): Đại thi hào cổ Hy lạp, tác giả các thiên anh hùng ca Iliat, Ôđyxê.
[87] Khuỷu (codée): đơn vị chiều dài ngày xưa bằng quãng 50 cm.