Thằng Cười

4. MỘT ĐÁM MÂY KHÁC BƯỚC VÀO SÂN KHẤU.



Lão già mà tên đầu đảng trước gọi là Thằng Điên, sau gọi là Nhà Hiền Triết, không rời khỏi mũi thuyền nữa. Từ lúc qua khỏi bãi Sămbua, lão chăm chú hết nhìn trời lại nhìn đại dương. Lão nhìn xuống chán lại nhìn lên; lão quan sát kỹ nhất hướng đông bắc.
Viên chủ thuyền giao cần lái cho một thuỷ thủ, rồi bước qua đống dây cáp, đi xuyên từ lái đến mũi, và tới bên con người đứng ở mũi thuyền.
Y đến cạnh lão già nhưng không đến thẳng trước mặt. Y hơi đứng cách đằng sau, khuỷu tay áp sát sườn, hai bàn tay cách nhau, đầu cúi cúi trên vai, mắt mở to, lông mày dướn cao, nhếch mép mỉm cười, đấy là cử chỉ tò mò lửng lơ giữa châm biếm và kính trọng.
Lão già, hoặc do đôi khi quen nói một mình hoặc do cảm thấy có người sau lưng thúc lão phải nói, liền bắt đầu vừa độc thoại, vừa ngắm nhìn trời biển.
– Kinh tuyến mà ta định ngược thẳng lên, trong thế kỷ này được đánh dấu bằng bốn ngôi sao, Bắc đẩu, ghế Thiên hậu, đầu Tiên nữ, và sao Angiênip, ở trong chòm Phi Mã. Nhưng chẳng thấy sao nào cả.
Những lời đó cứ tự động nối tiếp nhau; dồn dập, gần như trào ra chứ không phải do lão nói lên. Chúng trôi ra khỏi mồm lão và tan biến mất. Độc thoại là khói cua những ngọn lửa bên trong trí tuệ.
Viên chủ thuyền cắt ngang:
– Thưa ngài.
Lão già, có lẽ hơi nặng tai đồng thời đang mải trầm tư, vẫn tiếp tục:
– Chẳng có mấy sao, lại quá nhiều gió. Gió luôn luôn rời khỏi hướng đi để quật vào bờ. Nó quật thẳng vào bờ.
Vì đất liền nóng hơn biển cả. Không khí trong bờ nhẹ Hơn. Gió lạnh và nặng của biển cả xô vào đất liền để thay thế nó. Bởi vậy trong khoảng trời rộng gió thổi vào đất liền từ khắp mọi phía. Vậy cần phải đivát thật dài giữa vĩ tuyến áng chừng và vĩ tuyến trên bản đồ. Khi vĩ tuyến quan sát không khác vĩ tuyến bản đồ quá ba phân giác trên mười dặm, và quá bốn phân giác trên mươi dặm, thì đang đi đúng đường.
Viên chủ thuyền cúi chào, nhưng lão già vẫn không trông thấy y. Con người ấy, hầu như khoác áo trường đại học Ôcxfơc hay Gơtinh, vẫn không thay đổi thế ngồi kiêu ngạo ngang ngạnh của mình. Lão quan sát biển cả theo kiểu người từng trải sóng nước và con người. Lão nghiên cứu sóng, nhưng gần như lão xin đến lượt mình được nói trong tiếng ầm ầm của sóng, và dạy cho sóng một điều gì đó. Trong lão vừa có ông đồ gàn vừa có ông thầy đoán mộng. Lão có cái vẻ của nhà thông thải dởm về đáy biển.
Lão tiếp tục bản độc thoại, có lẽ làm ra cũng để nói cho người khác nghe.
– Cũng có thể chống đỡ được, nếu có một bánh xe chứ không phải một cái cần gỗ. Với tốc độ bốn dặm một giờ, một sức mạnh ba mươi livrơ[65] đè lên bánh xe có thể tạo nên ba mươi vạn livrơ kết quả vào hướng đi. Và hơn thế nữa vì có những trường hợp người ta quay luôn thêm hai vòng.
Viên chủ thuyền cúi chào lần thứ hai và nói:
– Thưa ngài
Mắt lão già nhìn chòng chọc vào y. Cái đầu quay mà người không nhúc nhích.
– Gọi tôi là tiến sĩ.
– Thưa ngài tiến sĩ, tôi là chủ thuyền.
– Được – lão “tiến sĩ” đáp.
Lão tiến sĩ, từ đây ta gọi lão như thế, dường như đồng ý đối thoại:
– Ông chủ, ông có ke Anh 45 độ không?
– Không.
– Không có ke Anh, ông không thể tiến về phía trước, cũng không thể tiến về phía sau.
– Người Baxcơ – viên chủ thuyền đáp lại – đã từng tiến trước khi có người Anh.
– Phải coi chừng gió đấy.
– Tôi giảm dần tốc độ khi cần.
Ông đã đo vận tốc thuyền rồi chứ?
– Vâng.
– Lúc nào?
– Ban nãy.
– Bằng cách nào?
– Bằng máy lôsơ[66]
– Ông có chú ý đến mặt gỗ máy lôsơ đấy chứ?
– Vâng.
– Đồng hồ cát vẫn đổ đúng ba mươi giây?
– Vâng.
– Ông có chắc cát không làm mòn cái lỗ giữa hai ống không?
– Chắc.
– Ông đã thử lại đồng hồ cát bằng chuyển động của một hòn đạn súng hoả mai treo.
– Ở đầu một sợi dây bẹp, bóc ở vỏ gai ngâm kỹ chứ gì? Không có gì phải nghi ngờ cả.
– Ông có vuốt sáp vào sợi dây, phòng nó dài ra không?
– Có.
– Ông có thử lại máy lôsơ không?
– Tôi đã thử lại đông hồ cát bằng viên đạn súng hỏa mai và thử lại máy lôsơ bằng viên đạn đại bác.
– Viên đạn đại bác của ông đường kính bao nhiêu?
– Một piê[67].
– Nặng đấy.
– Đấy là một viên đạn cũ của chiến thuyền cũ, chiếc la Casse de Pargrand.
– Của Hải quân Tây Ban Nha?
– Vâng.
– Và nó chở được sáu trăm lính, năm mươi bảy thuỷ thủ và hai mươi đại bác?
– Điều ấy thì vụ đắm thuyền biết.
– Ông làm thế nào để đo sức nước đập vào viên đạn đại bác?
– Bằng một lực kế Đức.
– Ông có xét đến mức nước đẩy vào sợi dây treo viên đạn đấy chứ?
– Vâng.
– Kết quả ra sao?
– Sức nước đập là một trăm bảy mươi livrơ.
– Nghĩa là thuyền mỗi giờ đi được bốn dặm Pháp?
– Và ba dặm Hà Lan.
– Nhưng đó chỉ là thặng dư của một vận tốc rẽ nước trên vận tốc biển.
– Hẳn rồi.
– Ông đi về đâu?
– Đến một cái tiểu loan mà tôi biết, nằm giữa Lôyôla và Xanh Xêbaxchiêng.
– Đặt gấp vào vĩ tuyến của nơi đến.
– Vâng. Cố chệch hết sức ít.
– Coi chừng gió và nguồn nước. Cái trước kích thích cái sau đấy.
– Trai dores[68].
– Không được chửi bậy. Biển cả hiểu đấy. Không được chửi gì hết. Cứ biết quan sát thôi.
– Tôi đã quan sát và đang quan sát. Thuỷ triều lúc này đang chống lại gió; nhưng chốc nữa, lúc nó chạy cùng với gió thì chúng ta sẽ nguy to.
– Ông có bản đồ không?
– Không. Biển này thì không có.
– Thế ông đi mò?
– Đâu. Tôi có la bàn.
– La bàn là một mắt. Bản đồ là mắt nữa.
– Anh chột vẫn nhìn thấy.
– Ông làm thế nào để đo gốc độ của hướng thuyền và sóng thuyền.
– Tôi có compa thiên sai, và tôi lại đoán thêm.
– Đoán là tốt; biết thì tốt hơn.
– Crixtôp[69] cũng đoán.
– Lúc có sương mù và khi hoa gió quay lung tung thì không còn biết dựa vào đâu mà định hướng gió, thế là cuối cùng chẳng có điểm ước chừng mà cũng chẳng có điểm sửa đổi. Một con lừa có bản đồ vẫn hơn một lão thầy bói với sấm ngữ của lão.
– Chưa có sương mù trong gió bấc, và tôi không thấy có lý do gì phải báo động.
– Thuyền bè là những con ruồi trên tấm mạng nhện của biển cả.
– Hiện giờ tất cả trong gió và sóng đều khá tốt.
– Những chấm đen lung linh trên sóng, đó là những con người trên đại dương.
– Tôi chẳng thấy có điều gì xấu trong đêm nay cả.
– Có thể xảy đến một điều bí ẩn mà ông khó thoát được.
– Đến giờ phút này mọi việc đều tốt.
Mắt lão tiến sĩ nhìn chằm chằm vào hướng đông bắc.
Viên chủ thuyền tiếp tục:
– Cứ đến vịnh Gaxcôn là tôi bảo lãnh hết. A! Còn gì nữa, ở đấy là nhà tôi. Cái vịnh Gaxcôn của tôi, tôi nắm chắc nó mà. Nó là một cái chậu thường hay nổi giận, nhưng ở đấy tôi biết rõ tất cả những mực nước cao và tất cả những ưu điểm của đáy; bùn trước Xan Xiprianô, vỏ sò trước Xizac, cát ở mũi Pêna, cuội ở Bucô Mimizăng, 133 và tôi biết mầu sắc của tất cả mọi thứ cuội.
Viên chủ thuyền ngừng nói; lão tiến sĩ không thèm nghe y nữa.
Lão nhìn ngắm phía đông bắc. Trên bộ mặt giá lạnh đó có một cái gì ký lạ.
Tất cả hãi hùng có thể có được trên một cái mặt nạ bằng đá đều biểu hiện trên đó. Miệng lão để thoát ra hai tiếng:
– Tốt lắm.
Con ngươi của lão bỗng hoàn toàn trở thành như con ngươi cú vọ, tròn xoe, nở to ra vì kinh ngạc khi quan sát một điểm nhỏ trong không trung.
Lão nói thêm.
– Đúng thế. Còn tôi, tôi đồng ý.
Viên chủ thuyền nhìn lão.
Lão tiến sĩ lại nói tiếp, với bản thân hay với một con người nào đó trong vực thẳm.
Tôi nói phải. Lão nín lặng, mắt mỗi lúc một mở to thêm để nhìn thật chăm chú vào điểm lão trông thấy, và nói tiếp:
– Nó từ xa đến, nhưng nó biết việc nó phải làm.
Khoảng trời mà mắt và trí óc lão tiến sĩ tập trung Vào, đối diện với phía mặt trời lặn, được soi sáng bởi ánh chiều tà bao la nên cũng gần như bởi ánh ngày. Khoảng trời đó rất nhỏ hẹp và xung quanh có những mảnh hơi nước xam xám toàn màu xanh lơ, nhưng một thứ xanh lơ gần sắc chì hơn sắc thiên thanh.
Lão tiến sĩ ngoảnh hẳn về phía biển cả và từ lúc này không nhìn viên chủ thuyền nữa, đưa ngón trỏ chỉ vào khoảng trời và nói:
– Ông chủ, ông thấy không?
– Gì cơ?
– Cái kia.
– Kia kìa. Một chút xanh lơ. Vâng.
– Gì thế?
– Một khoảng trời.
Đối với những ai lên trời – lão tiến sĩ nói. Còn đối với ai không lên đó lại là việc khác.
Và lão nhấn mạnh những lời bí hiểm trên đây bằng một vẻ nhìn chìm đắm vào bóng tối.
Im lặng một lúc.
Viên chủ thuyền, nghĩ đến hai cái tên mà tay thủ lĩnh gắn cho con người kia, liền tự đặt câu hỏi: Một thằng điên? Hay một nhà hiền triết???Ngón tay trỏ xương xương và cứng đờ của lão tiến sĩ vẫn như dừng lại chỉ về cái góc xanh lơ đùng đục của chân trời.
Viên chủ thuyền nhìn kỹ khoảng trời xanh đó.
– Đúng – y lầu bầu – không phải trời xanh, mà là mây.
– Mây xanh nguy hại hơn mây đen – lão tiến sĩ nói. Và lão tiếp thêm:
– Đó là mây tuyết.
– La nube de la niene – viên chủ thuyền nói, như tìm hiểu rõ hơn bằng cách tự dịch lại câu nói trên.
– Ông có biết thế nào là mây tuyết không? – lão tiến sĩ hỏi.
– Không.
– Chốc nữa ông sẽ biết.
Viên chủ thuyền lại nhìn kỹ chân trời.
Vừa quan sát vầng mây, viên chủ thuyền vừa nói khẽ:
– Một tháng gió to, một tháng mưa rền, giêng kho, hai khóc, tất cả mù đông của người Axtuyri chúng ta là thế. Mưa của chúng ta nóng. Chúng ta chỉ có mây ở trên núi. Coi chừng tuyết lở? Tuyết lở thì tuyết có cần biết gì đâu; tuyết lở là con thú dữ.
– Và cây nước là con quái vật – lão tiến sĩ nói.
Nghĩ một lúc, lão tiếp thêm:
– Kia nó đến kia rồi.
Lão lại nói:
– Nhiều gió cùng hoành hành một lúc. Một ngọn gió to từ hướng tây, và một ngọn gió rất chậm từ hướng đông.
– Ngọn gió kia là tên giả dối – viên chủ thuyền nói.
Đám mây xanh lớn dần.
– Nếu tuyết – lão tiến sĩ tiếp – đáng sợ khi nó từ trên núi lao xuống thì thử nghĩ xem nó thế nào khi nó từ đại cực đổ về Mắt lão mờ đục. Đám mây đường như to dần trên mặt lão cùng như đang to dần ở chân trời. Lão lại nói tiếp với một âm sắc mơ màng:
– Mỗi giây mỗi phút đều góp phần để làm nên một giờ, ý trời đang hé mở.
Viên chủ thuyền lại thầm đặt cho mình câu hỏi:
– Một thằng điên chăng?
– Ông chủ – lão tiến sĩ lên tiếng, con người luôn luôn xoáy chặt vào đám mây – ông có đi nhiều trên biển Măngsơ[70] không?
Viên chủ thuyền đáp:
– Hôm nay là lần đầu tiên.
Lão tiến sĩ bị đám mây xanh thu hút và, như miếng bọt biển chỉ hút nước có chừng, lão cũng chỉ lo âu có hạn, nghe câu trả lời của viên chủ thuyền, tỏ ra thương hại nhưng không quá một cái nhún vai khẽ:
– Sao thế?
– Bẩm ngài tiến sự tôi chỉ quen đi Iêclăng thôi. Tôi thường đi từ Phôngtarabi đến Blek-Hacbua hoặc Akin, đó là hai hòn đảo. Đôi khi tôi cũng có đến Brasipun, một hải giác của xứ Galơ. Nhưng bao giờ tôi cũng lái qua các đảo Xinli. Tôi không biết biển này.
– Nghiêm trọng đấy. Tai hoạ cho kẻ nào chỉ mới biết bập bẹ đại dương. Biển Măngsơ là một biển cần phải đọc thông thuộc kỹ. Nó là một con nhân sư[71]. Phải coi chừng đáy biển.
– Chúng ta đang ở trong vùng hai mươi lăm sải nước.
– Phải đến cho được chỗ năm mươi lăm sải, nằm ở phía mặt trời lặn, và phải tránh chỗ hai mươi sải ở phía mặt trời mọc.
– Dọc đường chúng tôi sẽ đo mức nước.
– Biển Măngsơ không giống như biển khác. Thuỷ triều dâng cao đến năm mươi bộ đầu tháng, cuối tháng và chỉ hai mươi bộ chỗ nước đứng. Ở đấy, nước rút không phải là triều xuống và triều xuống không có nghĩa là triều lui. Hừ! Tôi thấy ông có vẻ hoang mang thật rồi.
– Đêm nay chúng ta sẽ đo.
– Muốn đo phải đứng lại mà ông lại không thể đứng lại.
– Tại sao?
– Tại gió.
– Chúng tôi sẽ cố.
– Gió to là một lưỡi gươm nhọn thúc vào cạnh sườn.
– Chúng tôi sẽ đo, thưa ngài tiến sĩ.
– Ông không thể chỉ giơ sườn ra một cách khinh suất.
– Tin tưởng vào Chúa.
– Hãy dè dặt trong lời nói. Chớ có nhẹ dạ nói đến cái tên dễ nổi giận.
– Tôi sẽ đo, tôi bảo với ngài thế.
– Nên khiêm tốn. Lát nữa ông sẽ bị gió tát vào mặt cho xem.
– Tôi muốn nói là tôi sẽ cố gắng đo nước.
– Sức nước không cho hòn chì chìm xuống và dây sẽ đứt. Hừ! Ông mới đến vùng này lần đâu tiên mà?
– Lần đầu tiên.
– Vậy thì, trường hợp này, ông chủ, ông hãy lắng nghe.
Giọng nói của hai từ lắng nghe oai nghiêm đến nỗi viên chủ thuyền phải cúi chào.
– Thưa ngài tiến sĩ, tôi xin lắng nghe.
– Kéo buồm mạn trái lên và đi sát vào bờ mạn phải.
– Ngài muốn nói sao?
– Dóng mũi theo hướng tây.
– Caramba!
– Dóng mũi theo hướng tây.
– Không thể được.
– Tùy ý ông. Điều tôi bảo với ông, là vì những người khác. Còn tôi, tôi chấp nhận.
– Nhưng thưa ngài tiến sĩ dóng mũi theo hướng Tây.
– Vâng, thưa ông chủ.
– Gió ngược mà!
– Vâng, thưa ông chủ.
– Thuyền chồm như quỷ sứ!
– Lựa lời khác. Vâng. thưa ông chủ.
– Thuyền đang cưỡi lưng ngựa.
– Vâng, thưa ông chủ.
– E cột buồm gãy mất!
– Có lẽ.
– Ngài muốn tôi lái về phía tây!
– Phải.
– Tôi chịu thôi.
– Thế thì ông cứ vật lộn với biển cả như ý ông muốn.
– Phải chờ cho gió trở đã.
– Gió sẽ không trở suốt đêm nay.
– Tại sao?
– Đây là một quệt gió dài một nghìn hai trăm dặm.
– Đi ngược con gió đó ư! Không thể được.
– Dóng mũi theo hướng tây, tôi bảo ông!
– Tôi xin cố gắng. Nhưng dù sao chúng ta cũng sẽ chệch hướng.
– Nguy hiểm đấy.
– Gió bấc đuổi ta sang đông.
– Chớ đi sang đông.
– Tại sao?
– Ông chủ, ông có biết hôm nay cái chết của chúng ta tên là gì không?
– Không.
– Cái chết tên là phía đông.
– Tôi sẽ lái sang phía tây.
Lần này lão tiến sĩ nhìn viên chủ thuyền, và nhìn bằng cặp mắt xoáy mạnh như cắm một tư tưởng vào óc. Lão quay hẳn người về phía viên chủ thuyền và thong thả, từng tiếng, từng tiếng một, nói lên những lời sau đây:
– Nếu đêm nay đứng giữa biển khơi mà chúng ta nghe có tiếng chuông thì thuyền đi đứt.
Viên chủ thuyền kinh ngạc, nhìn chằm chằm lão già.
– Ngài định nói sao?
Lão tiến sĩ không đáp. Vẻ nhìn của lão từ nãy giờ thô lỗ, lúc này đã thụt lại. Mắt lão nhìn vào trong. Hình như lão không nhận thấy câu hỏi ngạc nhiên của viên chủ thuyền. Lão chỉ chăm chú vào những gì lão đang lắng nghe bên trong. Môi lão bất giác thốt lên mấy lời sau đây, nhỏ nhẹ như một tiếng thì thầm:
– Đã đến lúc để cho những linh hồn đen tối được rửa sạch.
Viên chủ thuyền bĩu môi rất ý nghĩa khiến cái mũi cúi sát xuống với cả phía dưới mặt.
– Thằng điên hơn là nhà hiền triết – hẳn lầu bầu.
Rồi hắn lảng xa.
Tuy vậy hắn vẫn hướng mũi thuyền về phía tây.
Nhưng sóng gió cứ lớn dần.
Chú thích: 
[65] Livrơ (livre) quãng 500gv
[66] Lôsơ (lơch: dụng cụ đo tốc độ thuyền gồm một tấm ván thả xuống nước và một sợi dây treo.
[67] Quãng 32 phân
[68] Quân phản bội.
[69] Tức Crixtop Côlông (Christophe Colomb, 1451-1506) nhà thám hiểm người ý đã tìm ra Châu Mỹ đầu tiên ngày 3-8-1492.
[70] Biển Măngsơ (Manche) ngăn cách nước Anh và nước Pháp
[71] Tượng trưng cho im lặng mang nhiều bí hiểm. Theo thần thoại Hy Lạp, con nhân sư (đầu đàn bà mình sư tử) nằm ở giữa đường và đặt những câu hỏi bí hiểm cho kẻ qua đường. Ai đáp được thì đi tiếp, ai không đáp được thì bị ăn thịt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.