Thằng Cười

5. NƠI HẮC ÁM



Lão thiết trượng quan bước theo sau Guynplên.
Đến viên pháp quan định túc số.
Rồi toàn phân đội.
Cánh cửa tò vò khép lại.
Tấm cửa lại nặng nề gắn khít vào khung đá, mà vẫn không thấy ai mở cũng không thấy ai đóng nó cả. Hình như then cửa tự động chạy vào lỗ chốt. Một số máy móc như thế, ngày xưa được sáng chế để thị uy, vẫn còn trong những nhà tù rất cổ. Có cửa mà không thấy người gác. Thành thử ngưỡng cửa nhà tù giống như ngưỡng cửa hầm mộ.
Cửa tò vò này là cái cửa thấp của nhà lao Xaothuak.
Trong toà nhà rêu phong long lở này, không có gì phản lại cái vẻ khiếm nhã vốn dĩ của một nhà tù.
Nhà ngục Xaothuak nguyên là một ngôi đền tà đạo, do người Cachiulan ngày xưa xây dựng cho Mogon tức những vị thần trước kia của người Anh, sau đó trở thành lâu đài của Ethelulfe và pháo đài của thánh Êđua, rồi lại được Giăng Vô thổ[53]nâng lên cương vị nhà tù năm 1199. Nhà ngục này thoạt đầu có một đường phố chạy ngang, cũng như ngục Sonôngxô bị một con sông chảy qua, trong một hay hai thế kỷ vẫn là một cái ghết[54], nghĩa là một cái cửa ô; sau đó bị xây bít lại. Ở Anh vẫn còn một số nhà tù kiểu ấy: chẳng hạn ở Luân Đôn có Niughêt; ở Cantoberi có Uextghêt, ở Êđimbua có Cononghêt. Ở Pháp, ngục Baxti lúc đầu cũng là một cái cửa.
Hầu hết những nhà ngục của Anh đều có bộ mặt như vậy, một bức tường to ở ngoài, bên trong một lô hầm tối. Không gì bi thảm hơn loại nhà tù gô-tic ấy. Nơi đây nhện và công lý chăng lưới ra, và John Howard, tia sáng ấy, chưa soi tới. Tất cả, cũng như cái địa ngục cổ xưa của Bruycxen, đều có thể gọi là Tơrơrembơ, nhà nước mắt.
Đứng trước những công trình xây dựng khắc nghiệt và dã man ấy, người ta hồi hộp lo âu như những nhà hàng hải ngày xưa trước những địa ngục nô lệ mà Plôtơ nói đến, những hòn đảo loảng xoảng tiếng sắt, ferricre- piditoeinsuloe, lúc họ đi qua khá gần có thể nghe thấy tiếng xiềng xích.
Nhà ngục Xaothuak, nơi chuyên diệt trừ tà ma và hành hạ ngày xưa, lúc đầu có các tay phù thủy, như hai câu thơ khắc trên tảng đá gần mờ hết bên trên cửa tò vò:
Sunt arreptitu vexati doemone multo
Est energumenus quem doemon possidet unus[55]
Hai câu thơ này phân định điểm khác biệt tế nhị giữa người bị ma ám và người bị quỷ ám.
Trên dòng ghi ký này, dấu hiệu của công lý tối cao, có một cái thang bằng đá đóng áp vào tường, xưa kia thang bằng gỗ, nhưng sau hoá thành đá vì bị chôn trong lớp đất hoá đá của nơi gọi là Axpli Gôvix, cạnh tu viện Vôboc.
Nhà ngục Xaothuak, ngày nay đã bị phá huỷ, nhìn ra hai đường phố. Ngày xưa, còn là ghết, nó vẫn là lối đi lại giữa hai phố và có hai cửa; nhìn ra phố to là cái cửa nghi lễ, dành cho các nhà chức trách, và nhìn ra ngõ hẹp là cái cửa xép, dành cho những người còn lại. Và cũng dành cho cả người chết; vì khi nào có tù chết trong ngục thì xác đi theo cửa ấy. Âu cũng là một sự giải thoát.
Chết tức là phóng thích cõi vô biên.
Guynplên vừa được đưa vào nhà tù qua cái cửa xép.
Như chúng tôi đã nói, cái ngõ con chỉ là một con đường nhỏ hẹp, rải sỏi, nằm ép giữa hai bức tường đối diện nhau. Loại phố như vậy ở Bruyexen có nơi gọi là phố một người. Hai bức tường không đồng đều, bức tường cao là nhà tù, bức tường thấp là nghĩa địa. Bức tường thấp này bao quanh bãi xác chết của nhà ngục, không cao hơn đầu người mấy tí. Một cái cửa, chọc thủng bức tường, gần như đối diện cửa tò vò nhà ngục. Người chết chỉ phải chịu khó bước qua con đường thôi. Chỉ cần men theo bức tường độ hai mươi bước là vào tới nghĩa địa. Bức tường cao, đặt áp một cái thang của giá treo cổ: trước mặt, trên bức tường thấp, khắc một hình đầu lâu. Bức tường bên này không làm vui được bức tường bên kia.
Chú thích:
[53] Giăng Vô thổ (Jean San Terre), sinh năm 1167, làm vua nước Anh từ năm 1199 đến 1216. Vì bố đã chia hết đất đai cho các con đầu lúc ông còn bé, nên ông được mệnh danh như thế.)
[54] Ghêt(Gate, tiếng Anh): cửa có song sắt.
[55] Tiếng la tinh: Người ma ám, giãy giụa trong địa ngục đầy ma. Người quỉ ám, chỉ có một quỉ quấy rầy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.