Thằng Cười

6. GIAO CHIẾN GIỮA THẦN CHẾT VÀ TRỜI ĐÊM



Em bé đứng trước vật đó, câm lặng, ngạc nhiên, mắt nhìn chòng chọc.
Đối với một người lớn, có thể đấy là một cái giá treo cổ, còn đối với em bé, đấy là quỉ hiện hình.
Cái mà người lớn có thể xem là xác chết thì em bé cho là bóng ma.
Và nó chẳng hiểu gì hết.
Vực thẳm có nhiều cách lôi cuốn; trên đồi kia là một cách. Em bé tiến tới một bước, rồi hai bước. Nó trèo lên, đồng thời lại muốn đi xuống, nó đến gần nhưng lại muốn lùi xa.
Nó đi đến gần bên, quả quyết, run rẩy, tìm hiểu bóng ma. Đến chân giá treo cổ nó ngẩng đầu lên quan sát. Xác ma được quét nhựa đường. Từng chỗ từng chỗ lấp la lấp lánh. Em bé nhận ra cái mặt.
Nó được quét hắc ín, cái mặt nạ có vẻ nhờn nhờn, dinh dính ấy, dán sát dưới ánh đêm. Em bé thấy cái mồm là một hốc sâu, cái mũi và hai mắt cũng là những hốc sâu. Toàn thân bị quấn bọc và như buộc kỹ trong một thứ vải thô tẩm dầu. Lớp vải đã mốc meo và bục nứt.
Một đầu gối thò ra ngoài. Một chỗ toác để lộ cả xương sườn. Có nơi là xác chết, có nơi là bộ xương- Mặt mẩu đất; dăm ba con sên lò dò ở trên, đã để lại những giải bạc lờ mờ. Tấm vải dán sát vào xương, lồi lồi lõm lõm, như một tấm áo trên pho tượng. Cái sọ, nứt vỡ, nom giống như một quả thối. Bộ răng vẫn là bộ răng người, vẫn giữ được vẻ cười. Một chút gì còn lại của tiếng kêu như đang lào thào trong cái mồm há hốc. Vài ba sợi râu lưa thưa trên má. Cái đầu ngoẹo xuống ra vẻ chăm chú.
Mới đây người ta có sửa sang lại. Bộ mặt mới được quét nhựa đường, cũng như cái đầu gối thò ra ngoài vải, và chỗ xương sườn. Ở dưới hai chân lòi ra.
Ngay phía dưới, trên cỏ, có hai chiếc giày, đã biến dạng trong tuyết và dưới mưa. Mấy chiếc giày đó đã từ người chết kia rơi xuống.
Em bé, chân không, lẳng lặng nhìn những chiếc giày đó. Gió mỗi lúc một đáng lo ngại hơn, có những lúc gián đoạn để chuẩn bị cho một trận bão; nó đã hoàn toàn lặng được một lúc lâu. Xác chết không động đậy nữa. Sợi xích đứng im như một sợi dây dọi.
Như tất cả những kẻ mới vào đời, và quan tâm đến sức ép đặc biệt của số mệnh, em bé chắc hẳn đang thấy bừng dậy trong người những ý nghĩ cố hữu của tuổi trẻ, cố mở đầu óc, và giống như con chim non trong trứng đang mổ vỡ lớp vỏ; nhưng tất cả những gì trong lương tâm nhỏ bé của nó lúc này đều chuyển thành sững sờ kinh ngạc. Quá nhiều cảm giác cũng như quá nhiều dấu, dẫn đến sự tắc nghẹt của tư duy. Một người lớn hẳn đã đặt nhiều câu hỏi, em bé không đặt; nó chỉ nhìn.
Nhựa đường làm cho khuôn mặt kia có vẻ ươn ướt.
Những giọt hắc ín trong những chỗ trước đây là mắt giống như những giọt lệ. Vả lại nhờ thứ hắc ín đó, sự huỷ hoại của thần chết rõ ràng có chậm lại, nếu không được loại trừ hẳn, và ít ra cũng hạn chế khả năng hư nát. Cái mà em thấy trước mắt là một vật mà người ta đang cần. Con người kia chắc chắn là một vật quỉ. Người ta không có ý giữ nó sống, mà có ý bảo tồn nó ở trong trạng thái chết.
Cái giá treo cổ đã cũ kỹ, rêu phong, mặc dầu còn chắc và đã dùng từ nhiều năm.
Ở nước Anh, từ rất lâu đời đã có tục lệ phết nhựa đường lên bọn buôn lậu. Người ta treo cổ chúng lên ở bờ biển, dùng hắc ín quét kín, và để mặc cho chúng lơ lửng như thế. Gương mẫu muốn có cảnh trời động, và những gương quét nhựa đường thường được bảo tồn tốt hơn cả.
Lớp nhựa đường kia chính là lòng nhân đạo. Bằng cách đó ít phải thay đổi kẻ chết treo hơn. Người ta trồng các cột treo cổ cách quãng, trên bờ biển, như ngày nay ta trồng đèn đường. Kẻ chết treo thay thế đèn lồng. Bằng lối riêng của nó, nó soi sáng cho bạn bè buôn lậu của nó.
Dân buôn lậu, từ xa, ngoài biển, nhìn thấy những giá treo cổ. Kia một cột, cảnh cáo lần thứ nhất; rồi một cột khác, cảnh cáo lần thứ hai. Điều đó cũng chẳng ngăn cản được việc buôn lậu; nhưng trật tự vẫn bao gồm những việc như vậy. Đường lối đó ở nước Anh đã kéo dài đến tận đầu thế kỷ này. Năm 1822, người ta còn trông thấy trước lâu đài Đuvrơ ba người treo cổ được quét dầu bóng. Vả lại biện pháp bảo quản không phải chỉ dành riêng cho bọn buôn lậu. Nước Anh còn áp dụng cả cho bọn trộm cắp, đốt nhà và giết người. Gion Pentơ, tên đốt kho hàng hải Porxmơt, bị treo cổ và quét nhựa đường năm 1776.
Tu viện trưởng Coiơ, gọi là Giăng Hoạ sĩ[53] năm 1777 vẫn còn nhìn thấy nó. Gion Pentơ bị treo và xích ngay trên cảnh điêu tàn do nó gây nên, và thỉnh thoảng lại được sơn quét mới. Xác chết này kéo dài, hầu như có thể nói là sống, gần mười bốn năm. Năm 1788 nó vẫn còn tốt. Tuy vậy năm 1790 người ta đành phải thay nó.
Người Ai Cập quan tâm đến xác ướp của vua chúa. Xác ướp của nhân dân, xem ra cũng được việc.
Gió thường hay thổi trên đồi, đã bóc hết tuyết trên đó. Cỏ mọc lại, với đây đó dăm bảy bụi gai. Ngọn đồi được phủ bằng lớp cỏ biển rậm và ngắn, khiến mặt trên vách núi giống như một lớp thảm xanh. Dưới cột giáo, ngay chỗ mà bên trên du đưa hai cẳng chân của kẻ bị tử hình, có một khóm cỏ cao và dày, kỳ lạ, trên mảnh đất khô cằn này. Những xác chết vụn nát ở đấy từ bao thế kỷ giải thích sự tươi tốt của khóm cỏ kia. Đất sống nhờ vào con người.
Một sức mê hoặc rùng rợn giữ chặt lấy em bé. Nó đứng đấy: mồm há hốc. Chỉ có mỗi một lần nó cúi đầu xuống khi bị gai châm vào chân. Làm nó tưởng có con gì cắn. Rồi nó lại ngẩng lên, nhìn bộ mặt bên trên đang nhìn nó. Không có mắt, bộ mặt lại càng hau háu nhìn nó. Đó là một vẻ nhìn mông lung, một kiểu đăm đăm khó tả, vừa có ánh sáng vừa là u minh, dày đặc, và thoát ra từ chiếc sọ, từ hàm răng cũng như từ những vòng cung mi mắt rỗng huếch. Toàn bộ cái đầu người chết nhìn, thật khủng khiếp. Nó không có con ngươi, nhưng người ta vẫn cảm thấy bị nhìn. Cảm giác rùng rợn trước loài sâu bọ.
Dần dần chính em bé cũng trở thành đáng sợ. Nó không nhúc nhích nữa. Nó đang mụ mẫm cả người. Nó không nhận thấy nó đang mất hết ý thức. Người nó tê dại và cứng đờ. Trời đông lặng lẽ nộp nó cho đêm trường; trong trời đông có sự phản bội. Em bé đã gần như một pho tượng. Khí lạnh như đá ngấm vào xương tuỷ nó; bóng tối, cái giống bò sát ấy, trườn lách vào người nó. Trạng thái tê dại từ tuyết thoát ra lan dần vào người như một lớp triều tối tăm; toàn thân em bé dần dần cứng đờ như một xác chết. Nó sắp thiếp đi.
Trong bàn tay giấc ngủ có ngón tay của thần chết.
Em bé cảm thấy đang bị bàn tay ấy tóm chặt. Nó sắp ngã xuống chân giá treo cổ. Nó không biết có phải mình đang đứng hay không nữa.
Giờ phút tận số luôn luôn trước mắt, không có sự nối tiếp nào giữa tồn tại và không tồn tại cả, lại trở vào lò luyện, giây phút nào cũng có thể trượt ngã, chính vực sâu đó là trò tạo hóa.
Chỉ một lúc nữa em bé và người chết, cuộc sống mới phác hoạ và cuộc sống đã điêu tàn, sẽ hòa lẫn vào nhau, cùng bị xóa nhòa.
Xác ma có vẻ như hiểu thế và không muốn thế. Đột nhiên nó bắt dầu cựa quậy. Dường như nó định cảnh cáo em bé. Đó là gió trời đang lại nổi lên.
Không có gì quái gở bằng cảnh người chết kia cử động.
Xác chết ở đầu sợi xích bị ngọn gió vô hình xô đẩy, chuyển thế đứng nghiêng nghiêng, nhô lên bên trái, rồi rơi xuống, lại nhô lên bên phải, lại rơi xuống rồi lại ngoi lên với nhịp độ chính xác thong thả, thảm đạm của một quả lắc. Một kiểu đung đưa tai quái. Tuồng như trước mắt, trong cảnh tăm tối, đấy là quả lắc của chiếc đồng hồ vĩnh cửu.
Cảnh tượng cứ kéo dài một hồi lâu như thế. Trước sự chuyển động của người chết, em bé bừng tỉnh và qua cảm giác rét run, nó thấy khá rõ là nó sợ. Mỗi lần giao động, sợi xích lại rít lên đều đều nghe rõ khiếp. Nó có vẻ như lấy hơi để rồi lại tiếp tục. Tiếng rít bắt chước tiếng ve kêu.
Một trận cuồng phong sắp đến gần khiến nhiều lúc gió mạnh đột ngột. Thình lình gió hiu hiu chuyển thành gió bấc. Giao động của xác chết mạnh lên một cách bi thảm. Không phải đu đưa nữa mà lay giật. Sợi xích từ nãy chỉ cót két, lúc này đang rít lên.
Hình như tiếng rít này đã được nghe thấy. Nếu đó là tiếng gọi thì nó đã được đáp lại.
Từ chân trời thăm thẳm, một tiếng động lớn ào ào đổ tới.
Đó là một tiếng đập cánh.
Một sự kiện đang xảy ra, sự kiện náo động ở bãi tha ma và hoang địa, một bầy quạ bay tới.
Nhiều điểm đen chấp chới lấm chấm trời mây, chọc thủng sương mù, to dần, đến gần, kết hợp với nhau, dày đặc thêm, hối hả lao về phía ngọn đồi, hắt lên những tiếng kêu. Y như một binh đoàn đang ập tới. Đám sâu bọ có cánh đó của u minh sà ngay lên trên giá treo cổ.
Em bé hốt hoảng lùi lại.
Những giống sống thành bầy luôn luôn tuân theo mệnh lệnh. Lũ quạ đã tập họp trên giải dài. Không một con nào đậu lên xác chết. Chúng đang trao đổi với nhau.
Tiếng quang quác nghe thật rùng rợn. Rống, huýt, gầm là dấu hiệu của sự sống; tiếng quang quác biểu thị sự thích thú thừa nhận một vật thối ruỗng. Tưởng như đây là tiếng tan vỡ của lặng lẽ tha ma. Tiếng quang quác là một tiếng trong đó có ý niệm tối tăm. Em bé lạnh toát cả người.
Vì kinh hoàng hơn vì lạnh.
Bầy quạ bỗng im bặt. Một con nhảy lên bộ xương.
Đó là một thứ hiệu lệnh. Tất cả liền sà xuống, một đám mây toàn cánh, rồi bao nhiêu lông vũ cụp lại, thế là kẻ bị treo cổ biến mất dưới những khối đen tròn, lúc nhúc, cử động trong bóng tối. Lúc này người chết chợt rùng mình.
Có đúng nó không? Hay là gió? Nó giật bắn lên một cách khủng khiếp. Cơn phong ba, đang nổi lên, đến trợ lực với nó. Bóng ma quằn quại. Đó là cơn gió to, đã ào ào thổi mạnh đang tóm lấy nó và giật lắc loạn xạ. Nó trở lên khủng khiếp. Nó bắt đầu giẫy giụa. Một con rối quái gở mà dây điều khiển là sợi xích trên giá treo cổ.
Một người làm trò bóng tường nào đó đã cầm dây và giật giật cái xác ướp kia. Xác ướp quay quay, nhảy nhảy như sắp vỡ tung. Bầy chim hoảng sợ vụt bay lên. Tất cả bầy thú ghê tởm kia như tung toé ra. Rồi chúng lại quay về. Thế là mở đầu một cuộc vật lộn.
Người chết dường như sống dậy một cách quái gở.
Gió từng cơn nhấc bổng nó lên như sắp mang nó đi; tưởng chừng nó vùng vẫy và cố sức để trốn; chiếc gông giữ nó lại. Bầy chim phụ hoạ theo tất cả mọi động tác của nó, lùi ra, rồi sà vào, hung dữ và quyết liệt. Một bên, cố gắng kỳ quặc để trốn chạy, một bên, đuổi bắt một kẻ bị xích. Người chết bị tất cả những đợt gió bấc xô đẩy, vùng vẫy, co giật, nổi giận, đi đi, lại lại, vươn lên rơi xuống, xua đuổi đàn quạ tan tác Người chết là chuỳ đàn quạ là bụi. Bầy chim dữ tợn ngoan cố xông vào không chịu bỏ cuộc. Người chết như điên dại trước bầy mỏ kia, càng đánh đấm khoẻ vào khoảng không một cách mù quáng, y hệt một hòn đá buộc vào cái máy bắn đá. Có những lúc bao nhiêu móng vuốt, bao nhiêu cánh đều châu lại trên người nó, rồi hết không còn gì hết; đấy là những lúc bầy rợ tan tác bay đi, rồi lập tức giận dữ quay lại. Cực hình rùng rợn nối tiếp cuộc sống. Bầy chim như điên cuồng. Hẳn là cửa hầm của địa ngục cũng để thoát ra những bầy chim tương tự. Thôi thì cào xé, mổ rứt, quang quác, giằng giật những mảnh không còn là thịt sống nữa, rồi tiếng giảo đài răng rắc, tiếng bỏ xương sột soạt, tiếng sắt thép loảng xoảng, tiếng gió rít ù ù, tiếng nhốn nháo, thật không còn cuộc vật lộn nào ghê rợn hơn. Một vong hồn chống chọi với quỷ dữ. Một cuộc chiến đấu ma.
Đôi khi làn gió mạnh lên, người chết treo xoay mình, nhìn thẳng vào tất cả bầy chim từ bốn phía đến như muốn đuổi theo chúng và tưởng chừng như răng nó cố tìm cách ngoạm. Nó được gió tiếp tay, nhưng bị sợi xích chống lại, dường như hung thần cũng tham dự vào đấy. Phong ba cũng có mặt trong trận đánh. Người chết quằn quại, bầy chim quấn quanh nó theo hình xoắn ốc.
Đây là một đám xoáy giữa một cơn gió lốc.
Dưới xa có tiếng gầm mênh mông vô tận, đó là biển cả.
Em bé đang trong giấc mê đó. Đột nhiên em run rẩy cả tứ chi, ớn lạnh suốt toàn thân, em lảo đảo, rùng mình suýt ngã, ngoảnh lại, ấn hai tay vào trán, làm như trán là một điểm tựa; và hung hãn, tóc rối bời trước gió, bước những bước dài xuống đồi, hai mắt nhắm nghiền, chính bản thân em cũng gần như ma quỷ, em cắm đầu chạy trốn, để lại sau lưng cái hình ảnh đau khổ đứng giữa trời đêm.
 
Chú thích:
[53] Gion Pentơ (John Painter) dịch ra tiếng Pháp là Jean le Peintre: Giăng Hoạ sĩ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.