Thằng Cười

CAPITÔN[130] VÀ VÙNG PHỤ CẬN. – 1. PHÂN TÍCH NHỮNG CHUYỆN TÔN NGHIÊM



Bước đi lên đáng sợ, từ mấy tiếng đồng hồ, cứ luôn luôn thay đổi màu sắc khiến cho Guynplên hoa cả mắt, và đã dẫn nó đến Uynxo, giờ đây lại đưa nó trở lại Luân đôn.
Những thực tế huyền ảo cứ nối tiếp nhau trước mắt nó không gián đoạn.
Chẳng có cách nào lẩn tránh được cả. Thực tế này vừa buông nó ra, thực tế kia lại bắt giữ nó lại.
Nó không có thì giờ để kịp thở nữa.
Ai đã từng thấy người là trò tung hứng là đã được nhìn thấy số phận. Những vật tung rơi đó, hết tung lên rồi lại rơi xuống, là những con người nằm trong tay số phận.
Vật tung rơi là thứ đồ chơi.
Ngay chiều hôm ấy, Guynplên ở tại một nơi rất kỳ lạ.
Nó ngồi trên một chiếc ghế dài có hình hoa huệ.
Ngoài bộ áo lụa, nó khoác một chiếc áo dài nhung đỏ lót lụa trắng, có lông chồn trắng, trên vai đính hai giải lông chồn trắng thêu kim tuyến.
Xung quanh nó, những người đủ mọi lứa tuổi, trẻ có, già có, cũng ngồi như nó, trên hoa huệ, cũng khoác áo đỏ và công chồn trắng như nó.
Trước mặt, một số người khác đang quỳ gối. Nhóm này mặc áo lụa đen. Một số trong những người quì gối đang viết.
Đối điện với nó, cách xa một tí, nó thấy có mấy bực thềm, một cái bục, một long đình, một huy chương to lấp lánh giữa một con sư tử và một con kỳ lân; dưới long đình, trên cái bục, trên bực thềm cao nhất, tựa lưng vào chiếc huy chương, là một chiếc ghế bành thếp vàng có hình vương miện. Đấy là một cái ngai.
Ngai của Đại Anh quốc.
Guynplên, bản thân là nguyên lão, đang ngồi trong nguyên lão nghị viện Anh quốc.
Guynplên đã được đưa vào nghị viện nguyên lão bằng cách nào? Chúng ta hãy nói ngay điều đó.
Suốt ngày từ sáng đến chiều, từ Uynxơ đến Luân đôn, từ Corlêon-Lotglơ đến Oexminxtơ-Hon, là cả một cuộc đi hết bực thang này đến bực thang khác. Mỗi bực thang lại thêm một lần choáng váng mới.
Từ Uynxo nó được đưa đi trong những chiếc xe của nữ hoàng, với đoàn hộ tống đúng nghi thức dành cho một vị nguyên lão.
Đội vệ binh danh dự giống hệt đội vệ binh đứng gác.
Ngày hôm ấy, trên con đường từ Uynxo đến Luân đôn, dân chúng dọc bờ sông trông thấy một đoàn quí tộc ân cấp của nhà vua phi ngựa theo hai chiếc xe trạm lộng lẫy kiểu hoàng gia. Viên hoàng môn quan đũa đen ngồi trong xe thứ nhất, tay cầm chiếc đũa. Trong xe thứ hai, người ta nhận thấy một chiếc mũ lông chim trắng đổ bóng kín cả một khuôn mặt. Ai đi qua thế? Một hoàng thân chăng? Một tù nhân chăng.
Đó chính là Guynplên.
Nom có vẻ như một kẻ bị dẫn tới tháp Luân Đôn[131], nếu không phải là một người được đưa đến nguyên lão nghị viện.
Nữ hoàng đã khéo sắp đặt mọi việc. Vì đây là người chồng tương lai của cô em, nên nữ hoàng đã cho một đoàn hộ tống riêng của mình.
Viên tuỳ tùng của hoàng môn quan đũa đen cưỡi ngựa dẫn dầu đoàn.
Trong xe của hoàng môn quan đũa đen, trên chiếc ghế phu, có một cái gối bằng dạ ngân tuyến. Trên gối này đặt một cái cặp đen đóng hình vương miện.
Đến Brenfo, trạm cuối cùng trước khi đến Luân Đôn, hai chiếc xe và đoàn hộ tống dừng lại.
Một cỗ xe bốn bánh bằng đồi mồi đóng bốn ngựa đang túc trực, phía sau có bốn tên hầu, phía trước có hai kỵ mã, và một người đánh xe đội tóc giả. Bánh xe, kệ để đồ, càng xe, toàn bộ trang bị trên xe đều mạ vàng. Đàn ngựa đều thắng yên cương bằng bạc.
Chiếc xe dạ hội này hình dáng oai nghiêm và kỳ lạ, đáng được long trọng có mặt trong số năm mươi mốt cỗ xe nổi tiếng mà Rubô đã để lại cho ta những bức tranh.
Hoàng môn quan đũa đen bước xuống xe, viên tuỳ tùng của y cũng xuống ngựa.
Viên tuỳ tùng bê cái gối dạ ngân tuyến ra khỏi chiếc ghế phu, trên để cái cặp in hình vương miện. Hắn bưng cái gối bằng cả hai tay, và đứng sau lưng hoàng môn quan.
Hoàng môn quan đũa đen mở cửa chiếc xe tứ mã, không người, rồi mở cửa xe của Guynplên. Hai mắt nhìn xuống, y kính cẩn mời Guynplên sang ngồi vào chiếc xe tứ mã.
Guynplên xuống xe trạm rồi bước lên cỗ xe tứ mã.
Hoàng môn quan cầm đũa và viên tuỳ tùng bưng gối cũng bước lên theo, ngồi xuống cái ghế dài thấp dành cho tiểu đồng trong những xe lễ tân ngày xưa.
Phía trong xe chăng xa-tanh trắng và hàng Binsơ với những riềm, những quả găng bạc. Trần xe có trang trí huy chương.
Số kỵ mã của hai chiếc xe trạm vừa bỏ lại đều bận y phục quân nhà vua. Còn tên đánh xe: cánh kỵ mã và quân hầu của cỗ xe tứ mã lại vận chế phục khác, rất lộng lẫy.
Guynplên, qua chuyến mộng du làm nó thất đảm, nhận thấy đám đầy tớ rực rỡ đó liền hỏi hoàng môn quan đũa đen.
– Bọn quân hầu nào thế?
Viên hoàng môn quan đũa đen đáp:
– Bẩm huân tước, quân hầu của ngài.
Hôm ấy, nghị viện nguyên lão họp vào buổi tối.
Curia erat serena[132] theo như các biên bản cũ. Ở nước Anh nghị trường sẵn lòng sinh hoạt ban đêm. Người ta được biết có lần Sêridan mở đầu bài diễn văn vào lúc nửa đêm và kết thúc nó vào lúc mặt trời mọc.
Hai chục xe chạm đi không, trở lại Uynxo; cỗ xe tứ mã có Guynplên ngồi, tiến về hướng Luân đôn.
Cỗ xe đồi mồi tứ mã đi bước một từ Brenfi về Luân đôn. Tư thế bộ tóc giả của tên đánh xe đòi hỏi phải vậy. Nhìn vẻ mặt long trọng của tên đánh xe, Guynplên cũng lây dáng nghiêm trang.
Vả lại những sự chậm trễ đó đều có vẻ như được tính toán. Chốc nữa ta sẽ thấy được lý do có lẽ xác đáng.
Trời chưa tối, nhưng cũng sắp rồi, khi cỗ xe đồi mồi dừng lại trước cổng Hoàng Cung, một cái cổng thấp, nặng nề, giữa hai tháp con dẫn từ Hoaitơ Hon sang Oextminxtơ.
Đoàn quí tộc ân cấp cưỡi ngựa vây quanh cỗ xe tứ mã.
Một tên tòng bộc, đứng phía sau nhảy xuống đường.
Viên hoàng môn quan đũa đen, có tên tuỳ tùng bưng gối theo sau, bước ra khỏi xe và tâu với Guynplên:
– Bẩm huân tước, kính mời huân tước xuống xe. Xin huân tước cứ để mũ trên đầu.
Trong chiếc áo khoác đi đường. Guynplên vẫn mặc chiếc áo lụa hôm qua. Nó không có kiếm.
Nó để áo khoác lại trên xe.
Dưới mái vòm dành cho xe cộ của cổng Hoàng Cung có một cái cửa ngang nhỏ được tôn cao thêm nhờ mấy bậc cấp.
Trong nghi thức trang nghiêm, đi trước là dấu hiệu tôn kính. Viên hoàng môn quan đũa đen đi trước, sau lưng có tay tuỳ tùng.
Guynplên bước theo sau.
Tất cả bước lên bậc cấp và đi qua cái cửa ngang.
Một lúc sau, họ đứng trong một căn phòng tròn, rộng, giữa có cột trụ; đây là phần dưới một tháp con, thuộc tầng dưới cùng, lấy ánh sáng qua những lỗ hẹp hình cung nhọn như những khe nhỏ trong hậu tầm, và ngay giữa trưa cũng rất tối. Đôi khi cảnh thiếu ánh sáng lại tôn thêm vẻ trang nghiêm. Bóng tối vốn uy nghiêm.
Trong căn phòng này có mười ba người đang đứng nghiêm. Phía trước ba, hàng thứ nhì sáu, phía sau bốn.
Trong số ba người đứng đầu, một anh mặc áo nhung đỏ, hai anh kia cũng mặc áo đỏ nhưng bằng xa-tanh. Cả ba đều có huy hiệu Anh quốc đeo trên vai.
Sáu anh đứng ở hàng thứ hai mặc áo cồn bằng hàng vân trắng, mỗi anh có một huy hiệu khác nhau trên ngực.
Bốn anh đứng phía sau đều mặc áo vân đen khác hẳn nhau, người thứ nhất bởi chiếc áo choàng xanh lam, người thứ nhì bởi chiếc huy hiệu thánh Giorgiơ đỏ ở bụng, người thứ ba bởi hai thánh giá đỏ sẫm trên ngực và trên lưng, người thứ tư bởi cái cổ lông đen, gọi là da xabenlin. Tất cả đều đội tóc giả, không mũ, hông đeo kiếm.
Vì tranh tối tranh sáng nên rất khó nhận ra mặt họ.
Mà họ cũng không thể trông thấy Guynplên.
Lão hoàng môn quan đũa đen giơ chiếc đũa lên và nói:
– Bẩm huân tước Fecmên Clăngsacli, nam tước Clăngsacli và Hâncơvin, hạ thần, hoàng môn quan đũa đen, đệ nhất quan chức phòng xuất tịch, xin phép được chuyển giao lãnh chúa lại cho Giarơchie, vụ trưởng vụ lễ nghi Anh quốc.
Nhân vật mặc áo nhung, để những người khác đứng lại sau, cúi sát đất chào Guynplên và nói:
– Bẩm huân tước Fecmên Clăngsacli, thần, Giarơchie, vụ trưởng vụ lễ nghi. Thần là quan chức do công tước Norphon, bá tước nguyên soái thế tập, sáng lập và gia phong. Thần đã tuyên thệ trung thành với nhà vua, và các nguyên lão và các hiệp sĩ dòng Giarơchie. Ngày gia phong của thần, ngày thần được bá tước – nguyên soái Anh quốc rót lên đầu một chén rượu, thần đã trịnh trọng hứa giúp đỡ giới quý tộc, tránh giao du với những kẻ thành tích bất hảo, tha thứ chứ không khiển trách những người quý phái, cứu giúp các quả phụ và các trinh nữ. Chính thần chịu trọng trách chu tất tang nghi cho các nguyên lão và chăm lo bảo vệ huy hiệu của các nguyên lão. Thần đến chờ đợi sự sai khiến của lãnh chúa.
Người thứ nhất trong hai người mặc áo xa-tanh gập người xuống chào và nói:
– Bẩm huân tước, thần là Claren, vụ phó vụ lễ nghi Anh quốc. Thần là quan chức phụ trách mai táng các quý tộc dưới hàng nguyên lão. Thần đến chờ đợi sự sai bảo của lãnh chúa.
Người mặc áo xa-tanh kia cúi chào và nói:
-Bẩm huân tước, thần là Noroa, vụ phó thứ hai vụ lễ nghi Anh quốc. Thần đến chờ đợi sự sai bảo của lãnh chúa.
Sáu người ở hàng thứ hai, đứng im và không nghiêng mình, tiến lên một bước.
Người thứ nhất bên phải Guynplên nói:
– Bẩm huân tước, lũ thần, sáu trợ lý lễ nghi Anh quốc. Thần là York.
Rồi mỗi truyền lệnh sứ tức trợ lý lễ nghi lần lượt lên tiếng, và tự xưng danh.
– Thần là Lancat.
– Thần là Lysơmông.
– Thần là Sextơ.
– Thần là Xômơxet.
– Thần là Uynxo.
Những huy hiệu trên ngực họ là huy hiệu các lãnh địa và thành phố họ mang tên.
Bốn người mặc áo đen, đứng sau các truyền lệnh sứ, đều đứng im.
Vụ trưởng vụ lễ nghi Giarơchie đưa ngón tay chỉ họ cho Guynplên và nói:
– Bẩm huân tước, đây là bốn nhân viên trong vụ lễ nghi.
– Áo xanh.
Người khoác áo choàng xanh cúi đầu chào.
– Rồng Đỏ.
Người mang huy chương Thánh Giorgiơ cúi chào.
– Thập tự Đỏ.
Người mang chữ thập đỏ cúi chào.
– Cửa hậu trường.
Người khoác lông xabenlin cúi chào.
Theo hiệu lệnh của vụ trưởng vụ lễ nghi, nhân viên thứ nhất, Áo Xanh, tiến lên, đỡ từ tay viên tuỳ tùng của hoàng môn quan chiếc gối dạ ngân tuyến và cái cặp có hình vương miện.
Vụ trưởng vụ lễ nghi nói với hoàng môn quan đũa đen:
– Lễ tất. Tôi xin lĩnh nhận ngài lãnh chúa.
Những thủ tục này khác tiếp theo thuộc về nghi lễ cổ xưa trước thời Hăngry VIII, mà nữ hoàng Anh cố gắng phục hồi trong một thời gian. Ngày nay tất cả những việc trên đây không còn gì nữa. Tuy vậy nghị viện nguyên lão vẫn tưởng mình bất di bất dịch; và nếu những gì xa xưa còn tồn tại ở một nơi nào đó, thì chính là những điểm trên đây. Tuy vậy nó cũng có thay đổi. E Pur si muovel.
Chẳng hạn cái may pole, tức là cái cột tháng Năm mà thành phố Luân Đôn vẫn trồng trên đường các vị nguyên lão đi đến nghị viện, thì nay ra sao? Cột cuối cùng còn thấy được trồng vào năm 1713. Từ đó “may pole” đã biến mất. Lạc hậu.
Bề ngoài vẫn bất động; thực tế có thay đổi. Chẳng hạn như danh hiệu: Anbơmaclơ. Tưởng chừng nó vĩnh cửu. Vậy mà đã có mười gia đình mang danh hiệu đó.
Ôđô, Mađơvin, Bêtuyn, Plăngtagiơnê, Bôsăng, Monk.
Với danh hiệu Lixextơ đã nối tiếp năm tên khác nhau, Bônông, Bnivô, Đulây, Xitnây, Côkơ. Với Lincôn, sáu. Với Pembrôk, bảy, vân vân. Gia đình thay đổi, nhưng danh hiệu vẫn giữ nguyên. Nhà viết sử hời hợt tưởng đâu là bất di bất dịch. Thực sự chẳng có gì trường cửu cả. Con người chỉ có thể là sóng. Chính nhân loại mới là nước.
Giới quý tộc tự hào về điểm mà phụ nữ vẫn lấy làm xấu hổ là tuổi già, nhưng cả phụ nữ lẫn quý tộc đều ảo tưởng mình vẫn trẻ mãi. Có lẽ nghị viện nguyên lão sẽ không bao giờ nhận ra mình qua điều ta vừa đọc tự đây và điều ta sắp đọc, gần giống như người đàn bà đẹp ngày xưa không muốn có nếp nhăn. Gương soi là một tên bị cáo già; nó hay vào hùa.
Tất cả nhiệm vụ của nhà viết sử là làm sao cho giống.
Viên vụ trưởng vụ lễ nghi nói với Guynplên.
– Xin huân tước vui lòng theo tôi.
Y nói thêm:
– Người ta sẽ chào ngài. Ngài chỉ cần khẽ hất vành mũ lên thôi. Sau đó, đoàn tiến thành hàng về phía một cái cửa ở cuối phòng tròn.
Lão hoàng môn quan đũa đen dẫn đầu.
Rồi đến anh Áo Xanh bưng gối; rồi đến vụ trưởng vụ lễ nghi; sau vụ trưởng vụ lễ nghi là Guynplên mũ vẫn đội trên đầu.
Các vụ phó vụ lễ nghi, truyền lệnh sử, nhân viên vụ lễ nghi, đứng lại trong căn phòng tròn.
Guynplên, trước mặt có lão hoàng môn quan đũa đen, sau lưng có vụ trưởng vụ lễ nghi, đi từ phòng nọ sang phòng kia, theo một hành trình ngày nay không thể nào tìm ra được, vì toà nhà cũ của nghị viện Anh quốc đã bị phá huỷ.[133] Ngoài các phòng, nó còn đi qua căn phòng quốc vụ viện kiểu gôtic, nơi xảy ra cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Ciăc đệ Nhị và Monmoath, nơi đã chứng kiến việc người cháu hèn nhát quỳ gối vô ích trước mặt ông chú độc ác.
Quanh căn phòng này, treo thành hàng trên tường, theo thứ tự năm, cùng với tên và huy hiệu, chín bức chân dung toàn thân của những nguyên lão cũ. Huân tước Nauxlađrông 1305. Huân tước Balion 1306. Huân tước Môngbêgon 1357. Huân tước Tibôtô 1372. Huân tước Zusơ Côno 1615. Huân tước Bla Aqua, không có niên hiệu. Huân tước Haren và Xơrê, bá tước Bloa, không có niên hiệu.
Trời đã về đêm, trong hành lang từng quãng từng quãng lại có đèn. Những ngọn đèn chùm bằng đồng cắm nến sáp ong đều thắp sáng trong các phòng, nom tương tự như các gian bên của nhà thờ.
Ở đấy chỉ có mặt những người cần thiết.
Trong một phòng khác có ngài Philip Xaiđenham quang vinh, lãnh chúa Etmun Bêcân Xuyphôn, người thừa kế của ngài Nicôla, và được phong primus harone- torum Anglioe[134]. Sau lưng ngài Etmun có cung thủ riêng mang bộ súng hỏa mai và tuỳ tùng mang huy hiệu Uynxtơ, vì các tòng nam tước sinh ra đã là người bảo vệ lãnh địa Uynxtơ ở Iêclăng.
Trong một phòng khác có vị quốc khố đại thần, kèm thêm bốn vị chủ nhiệm tài khoản và hai đại diện của huân tước thị vệ đại thần, có nhiệm vụ phân bổ thuế thân. Lại thêm trưởng ban tiền tệ, trên bàn tay xoè có một đồng livrơ xteclinh dập máy như các đồng pao. Cả tám nhân vật này đều kính cẩn chào vị huân tước.
Tại chỗ bước vào du lang có trải một chiếc chiếu, dẫn từ hạ nghị viện sang thượng nghị viện, Guynplên được ngài Tômax Manxen Macgam chào, ông này là kiểm soát viên tại cung nữ hoàng, và đại biểu nghị viện của Glamorgan; và tại chỗ ra lại được một đoàn đại biểu chào, đoàn “một trên hai” này thay mặt cho các nam tước Năm Hải-cảng[135] sắp hàng bốn, bên phải bên trái, vì Năm Hải-cảng thành tám. Uynliam Asbơham chào thay cho Haxtinh, Mathiu Aimo thay cho Đuvrơ, Giôdiax Bơcsét thay cho Xanđuysơ, ngài Philip Botơlơ thay cho Haith, Gion Briuvơ thay cho Niu Râmnê, Eđua Xaothuen thay cho thành phố Rai, Giêm Hay thay cho thành phố Vinsenxi, và Giorgiơ Nêlo thay cho thành phố Xipho.
Guynplên sắp chào lại thì vụ trưởng vụ lễ nghi khẽ nhắc nghi thức.
– Bẩm huân tước, chỉ vành mũ thôi.
Guynplên vội làm đúng lời hướng dẫn.
Nó vào đến phòng họa; ở đây không có tranh vẽ, ngoài mấy bức ảnh thánh, trong số đó có thánh Eđua, dưới những vòm cửa sổ dài hình cung nhọn bị mặt sàn cắt đôi phía dưới là Oetminxtơ-Hon[136] phía trên là phòng họa.
Bên này bức rào chắn bằng gỗ ngăn đôi phòng họa, có ba vị quốc vụ khanh, những nhân vật quan trọng. Vị thứ nhất có chức quyền tại miền nam Anh quốc, xứ Iêclăng và các thuộc địa, thêm các nước Pháp, Ý, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Vị thứ nhì lãnh đạo miền bắc Anh quốc và giám sát các nước Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan và Moxcôvi. Vị thứ ba người Êcôx, lãnh trách nhiệm xứ Êcôx. Hai vị trên là người Anh. Một trong hai vị là ngài Rôbơc Haclây tôn kính, đại biểu nghị viện của thành phố Niu Ratno. Một đại biểu Êcôx, ngài Mungô Graham, có họ với công tước Môngtơrô, cũng có mặt. Tất cả đều im lặng chào Guynplên.
Guynplên khẽ chạm mũ.
Người gác rào chắn nhấc thanh gỗ có bản lề mở lối vào phía sau phòng hoạ, ở đấy có chiếc bàn dài trải thảm màu xanh lá cây, dành riêng cho các vị huân tước.
Trên bàn đặt một giá đèn chùm tháp nến sáng trưng.
Guynplên trước mặt có hoàng môn quan đũa đen, Áo Xanh và Giarôchie, bước vào gian phòng riêng này.
Người gác chắn, sau khi Guynplên đi qua, lại đóng lối vào.
Vụ trưởng vụ lễ nghi vừa qua khỏi chắn liền dừng lại.
Phòng hoạ rộng thênh thang.
Cuối phòng, đứng dưới cái vương huy giữ hai cửa sổ, có hai ông già vận nhung phục đỏ với hai giải lông chồn trắng viền vạch vàng ở vai, và đội mũ lông chim trắng trên bộ tóc giả. Qua tà áo thấy rõ chiếc áo lụa và cái đốc kiếm của họ.
Sau lưng hai ông già, một người mặc áo vân đen đứng đực như phỗng, tay giơ cao một cái chuỳ vàng to phía trên có đầu sư tử đội vương miện.
Đấy là viên hộ pháp cầm chuỳ của các nguyên lão Anh quốc.
Sư tử là biểu trưng của các vị. Et les lions ce sont les Barons et li Per, theo biên niên sử viết tay của Bectơrăng Đuy Ghexcơlanh.
Vụ trưởng vụ lễ nghi chỉ cho Guynplên hai nhân vật mặc nhung phục và khẽ rỉ tai;
– Bẩm huân tước, hai vị này ngang hàng với huân tước. Ngài đáp lễ đúng như họ chào ngài. Hai vị huân tước hiện diện này là hai nam tước và là người đỡ đầu cho ngài, do huân tước tư pháp đại thần chỉ định. Hai vị rất già và hầu như mù. Chính họ sẽ tiến dẫn huân tước vào nguyên lão nghị viện. Vị thứ nhất là Saclơx Vinmê, huân tước Phitoantơ, lãnh chúa thứ sáu ở dãy ghế nam tước, vị thứ hai Ôguytơx Arânđen, huân tước Arânđen Tơrerix, lãnh chúa thứ ba mươi sáu trên hàng ghế nam tước.
Vụ trưởng vụ lễ nghi tiến một bước về phía hai ông già và cất cao giọng:
– Fecmên Clăngsacli, nam tước Clăngsacli, nam tước Hâncơvin, kiêm hầu tước Corlêon xứ Xixin, nguyên lão vương quốc, kính chào quí vị lãnh chúa.
Hai vị huân tước nhấc mũ ra, đưa thẳng cánh tay lên trên đầu rồi đội lại.
Guynplên cũng chào lại đúng theo kiểu đó.
Viên hoàng môn quan đũa đen lại tiến lên, rồi đến Áo Xanh, rồi Giarơchie.
Viên hộ pháp đến đứng ngay trước mặt Guynplên, hai vị huân tước đứng hai bên, huân tước Phitoantơ bên phải, huân tước Arânđen Tơrerix bên trái. Huân tước Arânđen gầy còm và nhiều tuổi hơn. Ông ta mất vào năm sau, để lại tước vị nguyên lão nghị viện cho người cháu tên là Gion, vị thành niên Tước đại thần này cũng chấm dứt vào năm 1768.
Đoàn người rồi khỏi phòng hoạ, bước vào một hành lang toàn trụ vuông. Ở đây, từ trụ nọ sang trụ kia, xen kẽ có lính cầm thương của nước Anh và lính cầm kích xứ Êcôx đứng canh.
Lính cầm kích người Êcôx là đoàn quân tuyệt vời chân đất xứng đáng đương đầu sau này với Fôngtơroa, với kỵ binh Pháp và với những giáp binh nhà vua mà đại tá của họ nói: Thưa các tiên sinh, các ngài hãy giữ chặt lấy mũ, chúng tôi sắp hân hạnh được tấn công.
Vị chỉ huy lính cầm thương và vị chỉ huy lính cầm kích cùng vung kiếm chào Guynplên và hai vị huân tước đỡ đầu. Còn cánh lính thì tốp chào bằng thương tốp chào bằng kích.
Cuối hành lang lấp loáng một cái cửa lớn, hai cánh rực rỡ như hai tấm vàng lá.
Hai bên cửa có hai người đứng im như phỗng. Qua chế phục của họ có thể nhận ra đấy là lính canh cửa.
Trước khi đến cái cửa ấy, hành lang rộng ra và có một giao điểm tròn lồng kính.
Tại giao điểm này, một nhân vật uy nghiêm, nhờ tấm áo rộng và bộ tóc giả, ngồi trên một chiếc ghế bành lưng tựa rất rộng. Đó là Uynliam Caopơ, huân tước tư pháp đại thần của Anh quốc.
Tàn tật hơn nhà vua là một ưu điểm. Uynliam Caopơ cận thị. Nữ hoàng Anh cũng thế nhưng có kém hơn. Tật phải nhìn gần này của Unyliham Caopơ rất vừa lòng tật cận thị của nữ hoàng, nên ông được nữ hoàng chọn làm tư pháp đại thần và người bảo vệ lương tâm của triều đình.
Uynliam Caopơ có môi trên mỏng môi dưới dầy, dấu hiệu của sự phúc hậu nửa vời.
Giao điểm lồng kính được soi sáng bằng một ngọn đèn treo ở trần.
Huân tước tư pháp đại thần, nghiêm nghị trong chiếc ghế bành cao, bên phải có một cái bàn với viên thư ký hoàng gia, bên trái có một cái bàn với viên thư ký nghị viện.
Trước mặt mỗi viên thư ký đều đặt một quyển sổ mở sẵn và một nghiên mực.
Viên hộ pháp cầm cái chuỳ có vương miện đứng sau chiếc ghế bành của tư pháp đại thần. Thêm viên cầm đuôi áo và viên cầm túi tiền đội tóc giả dài. Tất cả những chức vụ đó hiện nay vẫn còn.
Trên chiếc bàn con cạnh ghế bành có một cây kiếm đốc bằng vàng, bao và dây đeo bằng nhung màu lửa.
Một quan chức đứng sau lưng viên thư ký hoàng gia, hai tay nâng một tấm áo mở sẵn, đấy là tấm áo đăng quang.
Một quan chức khác đứng sau lưng viên thư ký nghị viện cũng nâng một tấm áo mở rộng, đấy là tấm áo nghị viện.
Hai tấm áo ấy, bằng nhung đỏ, lót lụa trắng với hai giải lông chồn trắng có vạch vàng ở vai, đều giống nhau, trừ mỗi một điểm là giải lồng chồn trắng ở chiếc áo đăng quang có to bản hơn.
Một quan chức thứ ba là viên “thủ thư” bưng một mảnh da vuông xứ Flăngđrơ trên để quyển sổ đỏ, một thứ sổ con bọc da dê đỏ, trong có danh sách các đại thần và các công xã, thêm những trang trắng và một cây bút chì theo tục lệ được giao lại cho mỗi đại biểu mới vào nghị viện.
Đoàn người, đi sau cùng là Guynplên bước giữa hai đại thần đỡ đầu, dừng chân trước chiếc ghế bành của huân tước tư pháp đại thần.
Hai vị huân tước đỡ đầu bỏ mũ ra. Guynplên cũng làm theo họ.
Vụ trưởng vụ lễ nghi liền đón từ tay Áo Xanh chiếc gối dạ ngân tuyến rồi sụp quì xuống, dâng chiếc cặp đen để trên gối lên lãnh chúa tư pháp đại thần.
Vị huân tước tư pháp đại thần cầm chiếc cặp, trao cho viên thư ký nghị viện. Viên thư ký bước tới, kính cẩn đón chiếc cặp rồi trở về chỗ, ngồi xuống.
Hắn mở cặp ra, đứng dậy.
Trong cặp có hai chiếu chỉ như thường lệ, chứng thư nhà vua gửi thượng nghị viện và lệnh tham dự gửi cho vị tân nguyên lão.
Viên thư ký đứng kính cẩn, thong thả đọc to hai bản chiếu chỉ.
Lệnh tham dự thông đạt cho huân tước Fecmên Clăngsacli, kết thúc bằng những kinh ngữ quen thuộc:
“Chúng tôi nghiêm lệnh cho ngài, vì lòng tôn kính và trung thuận ngài phải có đối với chúng tôi, đích thân đến nhận ngôi vị bên cạnh các chủ giáo và các vị nguyên lão họp tại nghị viện chúng tôi ở Oexminxtơ, để cho biết ý kiến của ngài về các vấn đề của vương quốc và của nhà thờ, với tất cả danh dự và lương tâm”.
Chiếu chỉ đọc xong huân tước tư pháp đại thần liền cao giọng:
– Dấu hiệu quy thuận đối với triều đình. Huân tước Fecmên Clăngsacli, ngài có chịu từ bỏ sự hóa thể[137] sự tôn thờ các thánh và việc dự lưx misa không?
Guynplên nghiêng mình.
– Đã quy thuận – huân tước tư pháp đại thần nói.
Và viên thư ký nghị viện đáp lại:
– Lãnh chúa đã tuyên thệ.
Huân tước tư pháp đại thần thêm:
– Huân tước Fecmên Clăngsacli, ngài có thể an toạ.
– Lễ tất – hai vị đỡ đầu cùng nói.
Vụ trưởng vụ lễ nghi liền đứng dậy, cầm thanh kiếm trên chiếc bàn con, và cài khóa dây đeo kiếm quanh người Guynplên.
“Sau đó – theo lời các hiến chương cũ của Normăngđi – vị nguyên lão cầm thanh kiếm của mình, bước lên hàng ghế cao và tham dự phiên họp”.
Guynplên chợt nghe có tiếng người nói phía sau lưng:
– Thần xin khoác áo nghị viện cho lãnh chúa.
Đồng thời viên chức cầm áo vừa nói đó liền khoác áo và thắt sợi dây đen của giải lông chồn trắng vào cổ cho Guynplên.
Lúc này, với tấm áo đỏ trên lưng và thanh kiếm vàng bên cạnh, Guynplên giống hệt hai vị huân tước bên phải và bên trái. Viên thủ thư liền trình quyển sổ đỏ và bỏ nó vào túi áo trong cho Guynplên.
Vụ trưởng vụ lễ nghi rỉ tai:
– Bẩm huân tước, lúc vào, ngài sẽ chào vương kỷ.
Vương kỷ tức là cái ngai.
Trong khi ấy hai viên thư ký, người nào bàn ấy, bên này viết vào sổ hoàng gia, bên kia viết vào sổ nghị viện.
– Cả hai, kẻ trước người sau, viên thư ký hoàng gia trước, đưa sổ đến trình huân tước tư pháp đại thần.
Ký vào sổ xong, huân tước tư pháp đại thần đứng lên:
– Huân tước Fecmên Clăngsacli, nam tước Clăngsacli, nam tước Hâncơvin, kiêm hầu tước Corlêon nước Ý, rất hoan nghênh việc ngài có mặt bên cạnh các nguyên lão, những huân tước tinh thần và thế tục của Đại Anh quốc.
Hai vị đỡ đầu của Guynplên khẽ chạm vào vai của Guynplên.
Cái cửa vàng to ở cuối hành lang bỗng mở rộng cả hai cánh.
Đấy là cửa bước vào nghị viện nguyên lão của Anh quốc.
Từ lúc Guynplên, đi giữa một đoàn người khác, trông thấy mở ra trước mắt cánh cửa sắt của nhà lao Xaothuak, chưa trôi qua hết ba mươi sáu tiếng đồng hồ.
Những đám mây trên đầu ấy đã trôi nhanh khủng khiếp; những đám mây làm nên sự kiện; nhanh như một đợt tấn công.
Chú thích:
[130] Capitôn (Capitole): đền thờ thần Giuypite ở thành Capitôn, dựng trên đồi Capitolin ở Cổ La Mã.
[131] Tức nhà tù quốc gia của nước Anh thời ấy.
[132] Viện nguyên lão vốn yên tĩnh
[133] Lâu đài Oetminxtơ cũ, bị cháy năm 1834, và mới được xây dựng lại năm 1840 theo phong cách gôtic, nằm trên bờ sông Tami, dài 275 mét, là tru sở của nghị viện nguyên lão và hạ nghị viện.
[134] Phong primus haronetorum Anglioe (tiếng la tinh): vị tòng nam tước Anh quốc đầu tiên
[135] Liên bang hàng hải của năm hải cảng miền tây nam nước Anh. (Haxtinh, Đuvrơ, Xanđuysơ, Haiyh, Râmmê) trước cuộc xâm lược Normăngđi.
[136] Một phòng rộng liền với Cung nghị viện, và là tiền đình> của Cung này.
[137] Tức là việc bánh và rượu hóa thành thịt và máu của Chúa

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.