Thằng Cười

TRỜI ĐÊM KHÔNG ĐEN TỐI BẰNG LÒNG NGƯỜI -1. MŨI NAM PORLAN



Suốt tháng chạp năm 1689 và suốt tháng giêng năm 1690, một ngọn gió bấc dai dẳng của phương bắc thổi mãi không ngừng trên lục địa châu Âu, và khi lên đến đất Anh lại còn gay gắt hơn nữa. Vì vậy mà có vụ rét khủng khiếp làm nẩy ra câu nhận xét, đó là mùa đông “đáng ghi nhớ cho dân nghèo” bên lề cuốn kinh thánh cũ tại nhà nguyện phái trưởng lão của nhóm Non Jurors[45] Luân-đôn. Nhờ tính chất bền bỉ ích lợi của loại giấy da cừu cổ xưa trong triều đình, dùng để đóng các loại sổ quan trọng, nhiều bản danh sách dài ghi tên những người bần cùng chết đói và trần truồng ngày nay còn đọc được trong các mục tài sản giáo đường ở Con liber- ty Court của thị trấn Xaothuac, ở Pie powder Court, nghĩa là Toà án nhân dân chân đất, và ở White Chapel Court do viên pháp quan của lãnh chúa mở tại hàng Xtapnây. Hiện tượng sông Tami đóng băng chỉ xảy ra mỗi thế kỷ một lần, vì ở đấy băng rất khó đóng do biến động mạnh. Xe cộ chạy nhanh trên mặt sông đóng băng; trên sông Tami có chợ phiên họp lều, có chọi gấu, có đấu bò; người ta quay nguyên cả con bò mộng trên mặt sông đóng băng. Lớp băng dày này kéo dài suốt hơn hai tháng. Cái năm gian khổ 1690 còn khắc nghiệt hơn cả những mùa đông nổi tiếng đầu thế kỷ mười bảy, mà bác sĩ Giêdêông Đơlôn đã quan sát tỉ mỉ; ông được thành phố Luân đôn tưởng nhớ bằng một pho tượng bán thân có bệ, xem như là nhà bào chế của vua Giăc đệ Nhất.
Một buổi chiều, vào lúc xẩm tối một ngày rét buốt của tháng giêng năm 1690. Tại một trong số rất nhiều tiểu loan không mến khách trên vịnh Porlan, có cái gì đó bất thường, khiến hải âu và sếu biển không dám về tổ, cứ kêu vang trời và bay lượn mãi ở cửa vũng.
Trong tiểu loan này, nguy hiểm nhất trong tất cả các vũng nhỏ trong vịnh mỗi khi có những ngọn gió nào đấy hoành hành, và do đó lại là tiểu loan hẻo lánh nhất, tiện lợi nhất, vì chính tính chất nguy hiểm của nó, cho những tàu bè muốn trốn tránh, một chiếc thuyền con, hầu như cặp sát vào vách biển nhờ nước sâu, đã buộc neo vào một mũi đá. Người ta thường bảo đêm xuống, như thế là sai; lẽ ra phải nói đêm lên, vì bóng tối từ lòng đất kéo đến.
Phía dưới vách biển đã là đêm tối, mà trên cao vẫn còn sáng rõ. Giá có ai đến gần chiếc thuyền buộc neo đó, hẳn đã nhận ra đó là một chiếc thuyền chiến Bixcay.
Mặt trời, suốt ngày bị sương mù che phủ, vừa mới lặn khuất. Người ta bắt đầu cảm thấy cái mối lo sợ thầm kín u uất có thể gọi là niềm ưu tư khi vắng bóng vầng dương.
Gió biển không thổi nên nước trong tiểu loan phẳng lặng như tờ. Đây là một dịp may hiếm có, nhất là về mùa đông. Các tiểu loan Porlan hầu như luôn luôn là những bến cảng có sóng lớn. Những lúc có bão, biển ở đây động rất dữ, phải khéo léo và quen lắm mới qua được đấy an toàn. Các bến nhỏ ấy, có cái vẻ ngoài hơi là thực sự, đón tiếp không lấy gì làm niềm nở. Vào thật dễ sợ mà ra cũng thật hãi hùng. Chiều hôm ấy, trường hợp khác thường, lại không nguy hiểm chút nào.
Thuyền Bixcay là một loại thuyền mẫu cổ xưa không thích dụng nữa. Loại thuyền này, trước kia đã từng được việc cho cả hải quân, là một thứ vỏ tàu kiên cố nhỏ như thuyền, chắc như chiến hạm. Trong hải quân có kể đến nó; thứ thuyền chiến đúng là có lúc trọng tải rất lớn; như chiến hạm trưởng Grand Griffon, do Lốp Đơ Mêđina chỉ huy, trọng tải sáu trăm năm mươi tấn và có bốn chục khẩu đại bác; nhưng loại thuyền hàng và thuyền buôn lậu lại rất nhỏ. Dân miền biển đánh giá và cho rằng loại thuyền mẫu này quá mỏng manh. Dây lèo của nó toàn bằng gai bện, có thứ lõi lại bằng dây thép, như vậy hẳn là có dụng ý, mặc dầu không khoa học lắm, thu nhập tín hiệu trong những trường hợp có từ lực; tính chất nhỏ nhắn của thuyền cụ vẫn không loại trừ những loại dây cáp to, loại dây cabria của thuyền chiến Tây Ban Nha, và loại dây cameli của thuyền chiến La-mã có ba tầng chèo. Cần lái rất dài, lợi về tay đòn to, nhưng bất tiện vì cung hoạt động nhỏ; hai vành quay trong hai lô cốt ở đầu cần lái bổ khuyết cho điểm bất lợi đó và bù lại sự mất mát về lực. La-bàn được gắn cẩn thận trong một cái hộp vuông và đu đưa rất nhạy nhờ hai khung bằng đồng đặt nằm ngang, cái nọ trong cái kia, trên những đinh ốc nhỏ như các đèn Cacđăng. Việc chế tạo loại chiến thuyền này có tính chất vừa khoa học vừa tinh vi, nhưng là thứ khoa học dốt nát và thứ tinh vi thô sơ. Loại chiến thuyền này cổ sơ như loại pháo thuyền đáy bằng bề mặt vững vàng, và giống thuyền độc mộc về tốc độ; cũng như mọi thứ tàu bè nảy sinh từ bản năng hải tặc và ngư ông, nó có những ưu điểm đi biển đáng chú ý. Nó thích hợp cả trong hồ kín lẫn ngoài biển khơi. Hệ thống buồm của nó phức tạp vì có trụ chống và rất đặc biệt, giúp cho nó đi được tí một trong những vịnh kín Axtuyri gần giống những vũng tàu đậu như Patxagiơ chẳng hạn, và tha hồ ra khơi. Nó có thể vòng quanh một cái hồ và đi khắp cả thế giới, đúng là loại thuyền cổ đặc biệt lưỡng dụng, đi trong hồ ao cũng tốt mà đương đầu với bão táp cũng tuyệt. Loại chiến thuyền này trong hàng tàu bè cũng như con chìa vôi trong loài chim, vừa nhỏ nhất vừa xông xáo nhất; chim chìa vôi khi đậu chỉ hơi làm trĩu một cành sậy, mà khi cất cánh lại dám vượt cả trùng dương.
Những chiến thuyền Bixcay, dù nghèo nàn nhất, cũng được mạ vàng và sơn vẽ. Những dân tộc đáng yêu hơi man rợ một tí vốn có tài xâm vẽ mình mẩy, hình ảnh sặc sỡ vĩ đại của núi non quê hương họ, được băng tuyết và đồng cỏ kẻ ô, gợi cho họ thấy được sức mạnh quyến rũ của việc trang trí. Họ nghèo đói nhưng lại xa hoa; họ gắn cả gia huy vào lều lán của họ; họ có những con lừa to mà họ cho đeo nhạc đồng đầy cổ, và những con bò béo được họ đội lông chim lên đầu; xe cộ của họ, đi xa hai dặm đã nghe tiếng bánh lăn, đều được tô vẽ, chạm trổ và đính giải kết tua. Một anh khâu giầy có một bức phù điêu ở cửa ra vào, đó là thánh Grêpanh và một chiếc giày rách, nhưng bằng đá. Họ gắn vào áo những dải da; quần áo rách họ không vá mà lại thêu. Thật là vui tươi sâu sắc và tuyệt vời. Cũng như người Hy-lạp, người Baxcơ là con của mặt trời. Trong khi người Valăng cởi trần và buồn bã quàng chăn len nâu khoét lỗ để chui đầu qua, thì người Ganxi và Bixcay hớn hở với những chiếc áo lót đẹp bằng vài chuội sương trắng muốt. Trên thềm và cửa sổ của họ đầy những bộ mặt nước da nâu, tươi mát, cười vui dưới những giải hoa ngô.
Một vẻ trong sáng tươi vui, kiêu hãnh lộ rõ trong nghệ thuật hồn nhiên, trong nghề nghiệp, trong tập quán, trong trang phục của các cô gái, trong các giọng hát lời ca. Núi non, mái lều khổng lồ đó, ở Bixcay luôn luôn rực rỡ; ánh sáng xuyên vào và thoát ra qua tất cả các khe kẽ. Ngọn Giayviken hoang vu vang rộn những điệu hát huê tình. Bixcay là vẻ đẹp của rặng Pyrênê cũng như miền Xavoa là vẻ đẹp của núi rừng Anpơ. Những vịnh đáng sợ gần Xanh-Xêbaxchiêng, Lêzô và Fôngtaralli, đưa những cô lái đò tóc quấn hoa hồng trà trộn vào mây trời, giông bão, vào bọt nước qua các mũi đất, vào sóng gió điên cuồng, vào cảnh ầm vang khủng khiếp. Ai đã qua vùng đất Baxcơ đều mơ ước có ngày trở lại. Đó là mảnh đất đã được Chúa trời ưu đãi. Một năm hai vụ thu hoạch, những xóm làng tươi vui, vang rộn, một cảnh nghèo cao quý, suốt ngày chúa nhật là tiếng ghi-ta, tiếng sanh, tiếng phách, là nhảy múa yêu đương, những ngôi nhà phong quang, sạch sẽ, những bóng cờ trên đỉnh tháp chuông.
Chúng ta hãy quay lại với Porlan, ngọn núi cheo leo của biển cả.
Bán đảo Porlan, nhìn từ trên xuống, giống hình một cái đầu chim; mỏ hướng ra dại dương và gáy quay về Uêmơt, eo đất là cái cổ.
Porlan, ngày nay tồn tại vì công nghiệp, đã mất hết vẻ hoang sơ của nó. Bờ biển Porlan được những người thợ đá và thợ thạch cao phát hiện vào quãng giữa thế kỷ mười tám. Từ thời kỳ đó, với đá Porlan, người ta làm ra loại xi măng La-mã, một ngành khai thác có lợi làm giàu cho đất nước và làm biến dạng cái vịnh. Cách đây hai trăm năm, những bờ biển này đổ nát như một bờ biển vách đứng, ngày nay chúng điêu tàn như một công trường đá; choòng cuốc cắn tí một và sóng biển ngoạm từng miếng to; do đó mà giảm mất vẻ đẹp. Tiếp theo sức phá phách hùng vĩ của đại dương là sự cắt xén quy củ của con người. Việc cắt xen quy củ này đã làm mất hẳn cái tiểu loan, nơi đã buộc neo chiếc thuyền chiến Bixcay.
Muốn tìm thấy lại một đôi di tích của cái bến nhỏ bị phá huỷ đó, phải tìm ở bờ phía đông bán đảo, về phía mũi nhọn, quá Foli Pia, và quá Điadơn Pia, quá cả Uêcơham, giữa địa điểm gọi là Sơcsơ-hop và địa điểm gọi là Xaothoen.
Cái tiểu loan, từ phía bao bọc bởi những dốc đứng hiểm trở, cao hơn là rộng, đang bị bóng tối lấn dần từng phút một; sương mù mờ đục, đặc điểm của hoàng hôn, mỗi lúc một dày y như một cơn lũ bóng tối dưới lòng giếng sâu. Đường từ tiểu loan ra biển là một thứ hành lang hẹp, in bóng cái nội thất tối gần như đêm này, ở đây làn nước khẽ rung rung một kẽ nứt mờ mờ trắng.
Phải đứng thật gần mới nhận thấy chiếc thuyền neo vào núi đó, và như được giấu kín trong tấm áo choàng to của bóng tối. Một tấm ván vứt vào bờ, ghếch lên một chỗ nhô thấp và bằng ở vách núi, điểm độc nhất có thể đặt chân để cho chiến thuyền liên lạc với đất liền. Dăm bóng đen bước lên, tránh nhau trên chiếc cầu chòng chành đó, và trong bóng tối dày đặc lại có người bước xuống thuyền.
Trong tiểu loan không rét bằng ngoài biển: nhờ dãy núi chắn sừng sững ở phía bắc cái vũng; rét tuy có đỡ nhưng những con người kia vẫn run cầm cập. Họ đang hối hả giục nhau.
Ánh hoàng hôn làm cho các đường nét nổi bật lên như cắt. Trên quần áo của họ thấy rõ có những chỗ tả tơi, tỏ rõ họ thuộc tầng lớp ở Anh gọi là the ragged, nghĩa là bọn rách rưới.
Trên vách núi lồi lõm, mờ mờ ẩn hiện một con đường mòn quanh co. Một cô gái, để lòng thòng và kéo lê giải áo của mình trên lưng ghế sẽ không ngờ mình đã vẽ được gần hết những con đường mòn trên núi và của vách biển. Con đường mòn trên tiểu loan này, có nhiều đoạn ngoằn nghoèo, gấp khúc, gần như dựng đứng, dành cho dê leo hơn là cho người trèo, dẫn đến đúng chỗ đất bằng đã đặt tấm ván. Đường mòn trên vách biển thường thường có một độ dốc không lấy gì làm hấp dẫn lắm; chúng đổ xuống chứ không gọi là đi xuống. Con đường nói đây, hẳn là nhánh nhỏ của một con đường nào đó trong đồng bằng, nhìn thật dễ sợ vì nó dốc đứng quá. Từ dưới trông lên nó vòng vèo chữ chi đến tận đỉnh vách, luồn lách qua các khe sâu để đến tận cái cao nguyên bên trên nhờ một chỗ phạt vào vách nút. Những người khách mà chiếc thuyền chờ đón trong tiểu loan này đã đến bằng một con đường mòn đó.
Xung quanh cái cảnh nhốn nháo xuống thuyền trong tiểu loan, cảnh rõ ràng là hoảng hốt sợ hãi và lo lắng, mọi vật đều vắng vẻ hiu quạnh. Không một bước chân, không một tiếng động, không một hơi thở. Thấp thoáng bên kia lạch, chỉ thấy ở cửa vịnh Rinhxtit lèo tèo mấy chiếc tàu đánh cá mập, tất nhiên là lạc đường.
Những chiếc tàu phương bắc đó bị những chuyện kỳ quặc của biển cả xua đuổi từ hải phận Đan Mạch sang hải phận nước Anh. Gió bắc thường chơi khăm với dân đánh cá những vố như vậy. Họ đến trú ở bến Porlan, đó là dấu hiệu trời xấu và có nguy hiểm ngoài khơi. Họ đang tìm cách thả neo. Chiếc thuyền chỉ huy, đậu riêng lẻ theo tục lệ các hạm đội nhỏ Na-uy, in đen toàn bộ thuyền cụ lên nền biển trắng đục. Phía trước là cái đinh ba đánh cá với đủ các loại móc và lao mấu để dùng khi gặp cá giáo, cá nhám, cá mập, và tấm lưới để đánh bắt cá đuối to. Ngoài mấy chiếc thuyền đó, tất cả đều dạt vào cùng một xó, tịnh không thấy một thứ gì sống động trên chân trời bao la này của Porlan cả. Không một mái tranh, không một bóng thuyền. Bờ biển thời ấy không có người ở, và cái lạnh mùa này lại không ở được.
Bất chấp điểm trời, những con người sắp được chiếc thuyền Bixcay đón đi kia, vẫn hối hả. Trên bờ biển họ họp thành một nhóm người bận rộn, nhốn nháo, thoăn thoắt đi lại. Rất khó phân biệt được từng người. Không thể biết được họ già hay trẻ. Bóng chiều mờ ảo xoá nhoà và làm cho họ lẫn vào nhau. Bóng tối, như một chiếc mặt nạ, đeo trên mặt họ. Đấy là những hình bóng trong đêm tối.
Tất cả bọn có tám người, trong số đó hẳn phải có một hoặc hai phụ nữ, rất khó nhận ra qua mớ xống áo rách mướp mà cả bọn đều mặc, những của nhố nhăng không ra áo đàn ông, không ra váy đàn bà. Giẻ rách thì làm gì có đực có cái.
Một bóng đen nhỏ nhất, đi đi lại lại giữa những bóng to, cho biết có một thằng lùn hay một đứa bé.
Đấy là một em bé.
Chú thích:
[45] Không tuyên thệ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.