Thành Công Tột Đỉnh

CHƯƠNG 8: Mục tiêu chủ đạo



Khả năng giải quyết những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày là một điều cần thiết cho hạnh phúc và sự thành công của bạn. Hãy thể hiện ở mức độ cao nhất có thể sự bình tĩnh, rõ ràng và khả năng duy trì khách quan về bản thân và công việc. Trong chương này, bạn sẽ học cách trở thành bác sỹ trị liệu, cách kiểm soát các quá trình suy nghĩ để giảm thiểu sự căng thẳng và tối đa hóa sinh lực, sự lạc quan, cách trở nên hạnh phúc cho dù điều gì xảy ra. Mục tiêu chủ đạo là đạt được sự thanh thản trong tâm hồn, mục đích cuối cùng của tất cả nỗ lực của bạn.

LỢI ÍCH CAO NHẤT CỦA CON NGƯỜI

Lợi ích cao nhất của con người là sự thanh thản trong tâm hồn. Khả năng đạt được và duy trì sự thanh thản trong tâm hồn là thước đo tốt nhất về phẩm chất của bạn. Sự thanh thản trong tâm hồn là điều kiện tiên quyết và rất cần thiết công việc và cuộc sống của bạn. Khi bạn biến sự thanh thản thành mục tiêu cao nhất và tổ chức các hoạt động, quyết định và hành vi xung quanh nó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và hoạt động hiệu quả trong cuộc sống và sự nghiệp với bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đối nghịch với sự thanh thản trong tâm hồn là các cảm xúc tiêu cực. Chúng là nguyên nhân chính của sự bất hạnh trong cuộc sống. Các cảm xúc tiêu cực là các cảm xúc “trộm cướp”. Chúng lấy trộm đi sự thanh thản, niềm hạnh phúc và sự thích thú của bạn. Chúng khiến bạn đổ bệnh. Chúng rút ngắn cuộc sống của bạn. Tất cả những căng thẳng và lo lắng được thể hiện trong một số loại cảm xúc tiêu cực. Các cảm xúc tiêu cực, khi đã bị đánh thức, sẽ luôn được biểu lộ. Hoặc là bạn bị ốm hoặc là bạn đầu độc những mối quan hệ với người khác.

Một trong các mục tiêu chính của bạn trong việc đặt kế hoạch cho cuộc sống phải là loại bỏ đi những cảm xúc tiêu cực, trở thành một người khỏe mạnh và hạnh phúc thật sự. Và cách bạn loại bỏ những cảm xúc tiêu cực đầu tiên là hiểu căn nguyên của các cảm xúc tiêu cực; hai là, học cách trung hòa chúng bằng ý chí.

SỰ CAN ĐẢM VÀ TRUNG THỰC

Bạn cần có sự can đảm để trở thành bác sỹ trị liệu của riêng mình. Bạn cần trung thực. Bạn phải nhìn sâu vào bản thân mình để tìm ra nguyên nhân thật sự của sự căng thẳng và tính tiêu cực. Bạn phải nhận trách nhiệm hoàn toàn cho cả cuộc sống bên trong và bên ngoài, và cho cả cách cảm nhận về chúng. Điều này cần đến sức mạnh rất lớn của tính cách nhưng nó được đền bù bằng kiểu cuộc sống tốt nhất bạn mong muốn có được.

Người tiên phong trong lĩnh vực quản lý sự căng thẳng là Hans Selye. Ông định nghĩa sự căng thẳng là “phản ứng không cụ thể với tác nhân kích thích bên trong và bên ngoài”. Từ then chốt trong định nghĩa này là “phản ứng”. Sự căng thẳng không có trong những sự việc bên ngoài; không có điều gì được coi là một trạng thái căng thẳng vốn có. Chỉ có những phản ứng căng thẳng. Sự căng thẳng không có trong những gì xảy đến với bạn. Đó là cách bạn phản ứng với những gì xảy đến với bạn. Bạn có thể chọn phản ứng theo cách căng thẳng hay không căng thẳng. Sự lựa chọn tùy thuộc ở bạn.

Điểm khởi đầu của việc quản lý sự căng thẳng và đạt được sự thanh thản bên trong là bạn phải nhận trách nhiệm về những phản ứng. Đó không phải những gì xảy ra với bạn mà là cách bạn nghĩ đến những gì xảy đến với mình khiến cho phản ứng trở thành tích cực hay tiêu cực, căng thẳng hay không căng thẳng. Và đây là quyết định, sự lựa chọn và trách nhiệm của bạn.

Ví dụ, trong một ngày nào đó, có hai người bị tắc đường khi đang đi làm. Một người thiếu kiên nhẫn và giận dữ, trong khi người kia lại giữ được bình tĩnh và thoải mái.

Bạn có một tình huống tương tự nhưng có hai cách phản ứng lại với việc đó. Sự phản ứng, chứ không phải là tình huống, gây ra sự căng thẳng. Một người đó có thể buồn phiền và giận dữ nếu họ bị tắc đường khi đi làm vào thứ hai, nhưng có thể giữ bình tĩnh nếu bị tắc đường vào thứ tư. Mỗi tình huống đều có nhiều phản ứng khác nhau. Sự lựa chọn tùy thuộc vào từng cá nhân.

GIÁ CAO

Bạn phải trả một cái giá khá cao nếu khả năng quản lý căng thẳng kém và mất đi sự thanh thản trong tâm hồn. Rõ ràng là 80%, thậm chí có thể 95% các căn bệnh có nguồn gốc về mặt tâm lý. Y học hiện đại đã loại bỏ được đa số những căn bệnh chính – thương hàn, dịch tả, đậu mùa, sốt vàng da, bại liệt và nhiều bệnh khác nữa. Nhưng bất chấp việc này, ngày nay lại có nhiều người ốm và chi phí tốn kém vào chăm sóc sức khỏe nhiều hơn bất cứ thời đại nào trong lịch sử. Nguyên nhân chính gây ra việc này là một người bình thường không có khả năng chế ngự được sự khắc nghiệt và căng thẳng của cuộc sống hàng ngày trong một xã hội hiện đại và năng động.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở Hoa Kỳ là bệnh tim. Nhưng các chuyên gia như Ts. Kenneth Cooper, thuộc Bệnh viện Chuyên khoa Cooper tại Dallas, kết luận rằng có rất ít tỷ lệ tử vong vì bệnh tim trước tuổi 70 nếu không có sự căng thẳng cao độ. Sự căng thẳng cao độ cũng liên hệ chặt chẽ với bệnh ung thư, chứng đột quỵ, ung nhọt, viêm ruột kết, sự hoạt động quá mức của tuyến giáp, các bệnh về da và mụn nhọt, chứng đau nửa đầu, chứng viêm khớp và rất nhiều các bệnh suy hóa đe dọa mạng sống khác.

CÓ THỂ LOẠI BỎ SỰ CĂNG THẲNG

Thực tế là, không ai sinh ra đã mang trong mình sự căng thẳng. Bạn đã bao giờ thấy một đứa trẻ bị căng thẳng chưa? Tất cả các phản ứng căng thẳng đều học được qua khóa học cuộc đời như là kết quả của sự trải nghiệm và hoàn cảnh. Và nếu bạn học cách phản ứng với các hoàn cảnh nhất định bằng sự căng thẳng thì bạn cũng có thể học được cách phản ứng với các hoàn cảnh đó theo cách tích cực và mang tính xây dựng.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự căng thẳng không phải đều xấu. Sự căng thẳng là phần không thể tránh được của một cơ thể sống. Nhưng có một loại căng thẳng tốt, hay như Tiến sỹ Tâm lý Abraham Maslow gọi là “eustress” và một loại căng thẳng xấu, loại này có hại cho sức khỏe. Loại căng thẳng tốt tạo cho bạn năng lượng, sự nhiệt tình và sôi nổi với những việc bạn đang làm. Loại căng thẳng xấu khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh và đau khổ. Nó thường khiến bạn cảm thấy bị ngập chìm trong công việc.

VẤN ĐỀ KIỂM SOÁT

Vấn đề then chốt trong việc quản lý sự căng thẳng là chủ thể kiểm soát, hay cái được gọi là “trung tâm điểm của sự kiểm soát”. Bạn cảm thấy tích cực về bản thân và cuộc sống tới mức thấy mình kiểm soát được những gì đang diễn ra. Bạn cảm thấy tiêu cực về bản thân và cuộc sống đến nỗi không thể kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi những nhân tố bên ngoài, như ông chủ, những tờ hóa đơn, các mối quan hệ, sức khỏe và các vấn đề khác của bạn.

Nếu bạn nghĩ đến bản thân và công việc, bạn sẽ thấy sự thanh thản trong tâm hồn và thỏa mãn là ở những khu vực bạn cảm thấy sự kiểm soát, hay khả năng sử dụng sự ảnh hưởng lớn lên những việc đang diễn ra. Bạn cũng sẽ thấy những khu vực mà ở đó bạn cảm thấy đau khổ hay trải qua cảm giác căng thẳng nhất và không có quyền kiểm soát, khả năng giải quyết vấn đề hay loại bỏ sự cáu giận thấp.

Phương pháp hiệu quả nhất để quản lý sự căng thẳng là “phương pháp kiểm soát nhận thức”. Qua cuốn sách này, chúng tôi đã gián tiếp nói về phương pháp này. “Kiểm soát nhận thức” có nghĩa là bạn sử dụng trí não, khả năng để suy nghĩ, lựa chọn và quyết định, để sử dụng quyền kiểm soát lên cảm xúc và phản ứng của bạn với các hoàn cảnh khó khăn. Chính việc sử dụng phương pháp kiểm soát nhận thức giúp bạn trở thành nhà vật lý trị liệu của riêng mình và đảm bảo việc có được sự thanh thản lâu dài bên trong và các mối quan hệ hạnh phúc.

BẢY NGUYÊN NHÂN GÂY CĂNG THẲNG

Có bảy nguyên nhân chính gây ra sự căng thẳng và cảm xúc tiêu cực. Bảy nguyên nhân này có thể gây ra 95%, thậm chí là 99% bất hạnh mà bạn sẽ trải qua. Khi học được cách nhận định và giải quyết chúng, bạn sẽ cảm thấy tích cực, lạc quan và phấn khởi hơn trong mọi việc. Bạn sẽ cảm thấy mình đang trở lại nắm quyền kiểm soát cuộc sống bên trong và bên ngoài.

Sự lo lắng khiến bạn suy sụp

Nguồn căng thẳng chính đầu tiên là sự lo lắng. Sự lo lắng là một hình thức lo sợ được duy trì liên tục gây ra do thiếu quyết đoán. Thường thì người ta học được cách lo lắng từ cha hoặc mẹ, và cứ khi lo lắng lặp đi lặp lại, họ trở nên lo lắng kinh niên. Họ lo lắng về mọi việc, trong toàn bộ thời gian. Và sự lo lắng dưới bất kỳ hình thức nào thường làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể và khiến bạn trở nên nhạy cảm với mọi loại ốm đau. Khả năng loại bỏ sự lo lắng là điểm khởi đầu cho hạnh phúc, sức khỏe, thái độ tinh thần cân bằng mà bạn cần có để đạt được niềm vui từ mọi việc bạn làm.

Khi mọi người được hỏi về sự lo lắng của mình, họ thường đưa ra những lý do theo tỷ lệ phần trăm: 40% là những điều không bao giờ xảy ra; 30% là những việc đã diễn ra trong quá khứ và không thể thay đổi trong bất kỳ trường hợp nào; 12% là những lo lắng không cần thiết về sức khỏe; và 10% là những lo lắng vụn vặt về các vấn đề không quan trọng.

Chỉ còn lại 8% và một nửa trong số đó, tức là 4% là lo lắng về những việc không thể thay đổi. Chỉ có 4% những việc mà mọi người lo lắng là có thể thay đổi được. Những lo lắng của bạn có tỷ lệ bằng bao nhiêu theo những tỷ lệ phần trăm này?

Tận hưởng cuộc sống từng ngày

Một trong những cách tốt nhất để chấm dứt lo lắng là sống trong “căn phòng chật kín”. Hãy tận hưởng cuộc sống từng ngày. Kinh Thánh có viết: “Mỗi ngày có đủ sự quan tâm”. Rất nhiều sự căng thẳng của bạn là kết quả của việc lo lắng những điều trong tương lai, dù sao, đa số những điều này không bao giờ diễn ra. Hãy bước qua cầu, bất cứ khi nào có thể, khi đến được tới đó, bạn không còn như trước đây nữa. Và đừng bao giờ lặp lại.

Phá bỏ sự lo lắng

Phương pháp tốt nhất để giải quyết những lo lắng là “phá bỏ sự lo lắng”. Quá trình đơn giản gồm bốn bước này đã giúp nhiều người lấy lại sự kiểm soát và loại bỏ lo lắng nhiều hơn so với các phương pháp khác.

Đầu tiên, hãy xác định trường hợp lo lắng bằng cách viết ra. Đôi lúc, khi bạn viết ra một định nghĩa rõ ràng về vấn đề, bạn sẽ nhìn thấy rõ giải pháp.

Hai là, hãy xác định điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong trường hợp này. Hãy xác định nó một cách rõ ràng và coi nó như một khả năng để làm giảm sự căng thẳng và lo lắng.

Ba là, khi bạn đã xác định điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, hãy chấp nhận điều đó. Một khi đã quyết định rằng bạn “sẵn sàng chấp nhận nó như thế” thì sau đó, bạn không có gì phải lo lắng nữa.

Bốn là, ngay lập tức hãy bắt đầu cải thiện điều tồi tệ nhất. Bắt đầu làm mọi việc có thể để giảm thiểu hậu quả tồi tệ nhất. Trong việc kinh doanh, đây được gọi là giải pháp “tối thiểu tối đa”. Nó đòi hỏi bạn phải giảm thiểu tối đa những hậu quả tồi tệ nhất từ bất kỳ quyết định nào.

Người đàn ông giàu có nhất thế giới, John Paul Getty, đã đưa ra một trong các bí quyết thành công như sau: Khi giao dịch và thỏa thuận trong kinh doanh, hãy nhận định điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, sau đó, hãy đảm bảo việc đó không xảy ra.

Phương thuốc cho sự lo lắng thật sự duy nhất là hành động có mục đích. Một khi bạn đã quyết định về những gì có thể làm để giải quyết vấn đề, hãy chú tâm vào giải pháp đó đến mức bạn không còn thời gian để nghĩ đến vấn đề.

Luật thay thế chỉ ra bạn có thể thay thế các suy nghĩ về hành động tích cực cho các suy nghĩ lo lắng và chúng lo lắng ra khỏi tâm trí. Điều quan trọng là khiến cho mình bận rộn. Như Shakespeare đã từng nói trong tác phẩm Hamlet: “Hãy cùng chung tay chống lại những điều lo lắng và bằng cách chống đối để chống lại chúng”.

Ý nghĩa và mục đích

Nguyên nhân chính thứ hai gây ra căng thẳng và sự tiêu cực là không có mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống. Đó là việc bạn không có những mục đích rõ ràng. Trong công việc kinh doanh, nguyên nhân chính gây ra căng thẳng là quản lý thời gian kém, mà đa số là do thiếu các mục tiêu và ưu tiên rõ ràng. Bạn không thể đặt ra kế hoạch và tổ chức thời gian hiệu quả nếu không chắc chắn về những gì mình đang cố hoàn thành.

Có lẽ 80% tất cả những vấn đề và bất hạnh xảy đến với bạn đều là do bạn không xác định rõ ràng nơi đến và những việc muốn đạt được. Chính hành động lựa chọn một mục đích chính và lập kế hoạch để đạt được nó cũng đủ để đưa bạn thoát khỏi cảm giác tiêu cực vì thiếu mục tiêu.

Có một câu cổ ngữ nhưng rất đúng: “Bạn cảm thấy mệt mỏi ư? Hãy lập một danh sách”. Việc ngồi xuống và lập một danh sách mười điều bạn muốn hoàn thành trong mười hai tháng tới sẽ khiến bạn cảm thấy phấn khích. Huyết áp và nhịp tim sẽ tăng lên. Bạn sẽ trở nên cảnh giác và hiểu biết. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi hoạt động hướng tới mục đích là đạt được một điều quan trọng.

Hành động không đầy đủ

Nguyên nhân chính thứ ba gây ra căng thẳng và tiêu cực là “hành động không đầy đủ”. Mỗi chúng ta đều có bên trong mình “sự thúc ép phải kết thúc” hay “sự thôi thúc phải hoàn thành”. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc và hài lòng khi hoàn thành một công việc, hay đạt được một mục đích. Chúng ta cảm thấy không vui và căng thẳng khi còn việc gì đó chưa làm hay chưa hoàn thành. Tham gia vào một việc làm chưa hoàn thành hay chỉ làm một phần công việc có thể khiến bạn căng thẳng. Ngay cả việc chứng kiến ai đó tham gia vào một công việc chưa hoàn thành cũng khiến bạn căng thẳng.

Một vị luật sư nổi tiếng, khi phát hiện ra thân chủ của mình bị phát giác là có tội, đã đến dự ngày cuối của phiên tòa với một điếu xì gà. Khi chưởng lý quận tóm tắt vụ án cho hội đồng xét xử, luật sư bắt đầu hút xì gà và tàn thuốc bắt đầu xuất hiện. Khi tàn thuốc ngày càng dài mà chưa rơi xuống, các thành viên trong đoàn bồi thẩm sẽ bắt đầu tập trung vào tàn thuốc. Viên luật sư tiếp tục tạo ra các cử chỉ và những phản đối với bàn tay đưa qua đưa lại điếu xì gà trong không trung.

Chẳng mấy chốc, những cặp mắt của toàn bộ bồi thẩm đoàn tập trung vào tàn thuốc đó và ngừng ngay sự tập trung vào những gì mà chưởng lý quận đang nói. Khi chưởng lý quận nói xong, luật sư bỏ điếu xì gà xuống gạt tàn, đứng dậy và đưa ra những lý lẽ phản bác cuối cùng với bồi thẩm đoàn. Kết quả là, bồi thẩm đoàn đã phán quyết vô tội cho thân chủ của luật sư.

Sau khi bồi thẩm đoàn rời phòng xử án, luật sư đã lấy ra một sợi dây dài và mảnh mà ông đã nhét vào giữa điếu thuốc. Sợi dây đã giữ tàn thuốc dài 7 cm. Không còn nghi ngờ gì nữa, sợi dây đã cứu thân chủ của ông. Sự căng thẳng của việc theo dõi tàn thuốc đối với bồi thẩm đoàn lớn đến nỗi họ không thể nghe được vị chưởng lý quận tóm tắt lại vụ án.

Cũng tương tự như thế, sự căng thẳng khi có một hành động chưa hoàn thành có thể khiến bạn sao nhãng và không tập trung lâu vào việc gì. Bạn liên tục nghĩ đến nhiệm vụ hay tình huống đó.

Sự chần chừ là ví dụ phổ biến nhất của hành động không hoàn thành. Bất cứ khi nào chần chừ, đặc biệt với những nhiệm vụ quan trọng, bạn đều cảm thấy căng thẳng. Và nhiệm vụ hay trách nhiệm càng quan trọng bao nhiêu thì sự căng thẳng cũng như việc phá vỡ sự thanh thản trong tâm hồn càng lớn bấy nhiêu. Cuối cùng sự căng thẳng này xuất hiện một cách tự nhiên trong các phản ứng như chứng mất ngủ, sự cáu kỉnh.

Giải pháp cho một việc làm chưa hoàn thiện là bắt đầu một công việc và vẫn tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thiện, điều này đòi hỏi một kỷ luật tự giác cao. Kết quả của việc hoàn thành một công việc là sự tăng lên nhanh chóng của năng lượng, sự nhiệt tình và lòng tự trọng. Sự hoàn thành một công việc khiến bạn cảm thấy thoải mái và lạc quan hơn.

Nhiệm vụ chưa hoàn thành

Sự thay đổi công việc chưa hoàn thành được gọi là “nhiệm vụ chưa hoàn thành”. Nhiệm vụ chưa hoàn thành nói đến các mối quan hệ, cá nhân hay công việc vẫn đang tiếp diễn. Đó là một điều gì đó mà bạn vẫn chưa vượt qua hay kết thúc. Nhiệm vụ chưa hoàn thành xảy ra khi bạn vẫn nắm giữ rất lâu một mối quan hệ sau khi nó đã qua đi, chứ không chuyển sang mối quan hệ khác.

Nhiệm vụ chưa hoàn thành thường đi kèm với sự đau khổ và sự giận dữ. Nó có liên quan đến tiền bạc, hay mong muốn đạt được những gì bạn có quyền được hưởng. Nhiệm vụ chưa hoàn thành còn tồn tại nếu bạn vẫn muốn có tình yêu thương và sự tôn trọng của một người khác. Bạn vẫn gắn bó về mặt tình cảm và cảm thấy giá trị bản thân đang bị trói buộc vào sự đánh giá của người đó. Nhiệm vụ chưa hoàn thành trói buộc bạn vào quá khứ, ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và các mối quan hệ cá nhân của bạn.

Một phụ nữ vừa bị sa thải khỏi vị trí quản lý sau nhiều năm liên tục cáu giận. Cô nói rằng đã đi gặp luật sư và sẽ kiện về kết cục bất công này. Cô cảm thấy cay đắng và kiên quyết giành lại những gì mà mình đáng được hưởng.

Tôi hỏi cô quá trình đó diễn ra bao lâu. Cô đáp lại có thể sẽ mất hai năm để ra tòa.

Liệu cô có cơ hội giành chiến thắng trong vụ kiện này không? Theo luật sư của cô, khả năng thắng là trên 50%.

Vậy cô sẽ làm gì trong thời gian đó? Cô nói nếu được nhận một vị trí khác thì cô cũng không còn muốn kiện nữa.

Chúng ta kết luận, nếu theo đuổi vụ kiện, cô có thể bị trói buộc về mặt tình cảm và công việc trong hai năm, và sau đó, cô có thể thua kiện. Ngoài ra cô có thể mất hai năm cuộc đời bị ám ảnh bởi vụ kiện, chưa nói đến các chi phí liên quan.

Bạn sẽ đưa ra lời khuyên gì cho cô? Nếu bạn ở trong tình huống này thì bạn sẽ tự khuyên mình điều gì? Bạn sẽ làm gì với cuộc sống của mình nếu cảm thấy mình bị ai đó đối xử không công bằng?

Tôi đề nghị cô bỏ qua toàn bộ vấn đề đó, tiếp tục công việc và cuộc sống. Việc giữ được niềm hạnh phúc và sự thanh thản trong tâm hồn là điều rất quan trọng để chuộc lấy hai năm. Cô sẽ sống trong tình trạng “sống mà không có ý thức” về mặt tình cảm, và không gì có thể bù đắp cho khoảng thời gian đó.

Cô rất thông minh và sâu sắc. Cô nói sẽ suy nghĩ về điều này. Một thời gian sau, tôi nghe nói cô đã bỏ vụ kiện. Không lâu sau, tôi đọc được trên một tờ báo tin cô đã được bổ nhiệm vào một vị trí cao cấp ở công ty khác. Sau đó, khi tôi gặp lại cô, trông cô rất rạng rỡ và hạnh phúc.

Vào dịp lễ Giáng sinh, tôi nhận được một tấm thiếp do cô gửi, trên đó viết:

“Cảm ơn ông về lời khuyên tốt nhất mà tôi từng nhận được”.

Không ai có thể kiểm soát được tình cảm của bạn trừ khi bạn vẫn còn muốn một điều gì từ người đó. Không ai có thể khiến bạn cảm thấy không vui hay giận dữ trừ khi có bạn vẫn mong muốn một điều gì, cho dù là tình yêu thương, sự tôn trọng, tiền bạc hay thậm chí quyền chăm sóc con cái. Giây phút bạn quyết định không muốn có bất cứ điều gì từ người đó nữa là bạn hoàn thành “nhiệm vụ”. Bạn lại được tự do.

Sợ thất bại

Nguyên nhân chính thứ tư gây ra căng thẳng và tiêu cực là cảm giác lo sợ thất bại. Cảm giác lo sợ này thường được thể hiện ở tính không quyết đoán, sự lo âu. Nó đi đôi với cảm giác “Tôi không thể” khiến bạn cảm thấy sợ hãi và không an toàn. Nó có thể phá hoại tham vọng và quyết tâm của bạn. Thay vì phấn đấu hướng tới việc thực hiện năng lực của mình, bạn bị chi phối bởi suy nghĩ không để thất bại. Bạn chỉ nghĩ đến việc chơi một cách an toàn.

Sợ thất bại là một phản ứng có điều kiện học được từ thuở ấu thơ. Mỗi người đều có một lượng nhất định nỗi sợ này. Nó khiến bạn trở nên thận trọng, mà sự thận trọng này nếu biết điều độ sẽ rất tốt. Nhưng nỗi lo thất bại quá lớn có thể trở thành vật cản đối với sự thành công và hạnh phúc của bạn.

Mọi người đều trải qua một nỗi sợ hãi nào đó. Người can đảm không phải là người không sợ hãi mà là người hành động bất chấp sự sợ hãi. Khi bạn đối mặt với sự sợ hãi và tiến lên hướng về chúng, chúng sẽ nhỏ lại. Nếu bạn không dám đối diện nỗi sợ hãi thì nó sẽ tăng lên cho đến khi thống trị toàn bộ cuộc sống của bạn.

Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả để giải quyết nỗi sợ hãi. Đầu tiên, hãy tự khẳng định một cách mạnh mẽ và chắc chắn: “Mình có thể làm được!” Sự khẳng định này sẽ ngăn chặn và loại bỏ cảm giác “Mình không thể!” Đó là một hành động có tác động nhanh và mạnh của luật thay thế.

Sau đó, hãy đương đầu với nỗi sợ hãi. Hãy coi sự sợ hãi cụ thể như một thách thức và thay vì quay lưng lại hay tránh né nó, hãy đối mặt và giải quyết nó.

Trong cuốn sách rất hay có tựa đề Wake Up and Live (Hãy thức dậy và Sống), Dorothea Brande đã viết về kỹ năng làm thay đổi cuộc sống của cô. Cô dành phần còn lại trong sự nghiệp để trao đổi và chia sẻ bí mật này với hàng nghìn người khác, kết quả là, cuộc sống của những người này cũng thay đổi. Bí mật của cô chỉ đơn giản là: “Hãy quyết định chính xác những gì bạn muốn làm, và hãy làm như không thể thất bại”.

Hãy coi như sự sợ hãi không tồn tại. Hãy tự hỏi: “Nếu mình hoàn toàn không sợ trong trường hợp này, thì mình sẽ cư xử thế nào?” Và sau đó hãy cư xử theo cách đó. Bạn có thể cư xử theo cách cảm thấy can đảm và không sợ hãi.

Nếu bạn giả bộ can đảm và dũng cảm, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy đúng như thế.
Bạn kiểm soát được tình cảm bằng cách kiểm soát hành động.

Hãy luôn tự hỏi: “Điều gì tệ hại nhất có thể xảy ra nếu mình tiến lên?” Sau đó hãy hỏi: “Điều gì tốt đẹp nhất có thể xảy ra nếu mình thành công?” Bạn sẽ thấy điều tồi tệ nhất có thể xảy ra thì rất nhỏ, và điều tốt đẹp nhất lại rất lớn lao. Chỉ riêng bài luyện tập này cũng thúc đẩy bạn tiến hành bước đầu tiên nhưng rất quan trọng hướng tới thành công.

Thất bại là người thầy vĩ đại

Thomas J. Watson, người sáng lập ra hãng máy tính IBM, đã phát biểu: “Bạn có muốn thành công không? Nếu có, hãy gấp đôi tỷ lệ thất bại của bạn. Sự thành công nằm ở mặt bên kia của sự thất bại”.

Hãy nhớ rằng, sự thất bại không bao giờ kết thúc. Sự thất bại đơn giản chỉ là một cách học được những bài học cần thiết để đạt đến thành công. Tất cả những người thành đạt đều phát triển thói quen đương đầu với nỗi lo sợ thất bại và hành động bất chấp nỗi lo sợ đó, cho đến khi thói quen can đảm trở thành một phần tính cách.

Bạn vượt qua được nỗi lo sợ thất bại bằng cách di chuyển một cách tự tin theo hướng của những ước mơ và hành động như thể sẽ không thể thất bại. Như Henry Ford từng nói: “Sự thất bại chỉ là một cơ hội khác để lại bắt đầu bằng cách thông minh hơn”.

Sợ bị loại bỏ

Nguyên nhân chính thứ năm gây ra căng thẳng và tiêu cực là nỗi lo sợ bị loại bỏ. Nỗi sợ bị loại bỏ tự biểu hiện dưới dạng quá quan tâm đến sự chấp nhận của người khác. Điển hình là nỗi sợ bị loại bỏ được học ngay từ thuở thiếu thời như là kết quả của việc cha mẹ dành cho con cái “tình yêu thương có điều kiện”.

Nhiều bậc cha mẹ chỉ biểu lộ tình yêu thương và sự tán thành với con cái khi chúng làm những việc họ yêu cầu. Một đứa trẻ lớn lên với loại “tình yêu có điều kiện” này có xu hướng tìm kiếm sự ủng hộ vô điều kiện từ những người khác suốt cuộc đời. Khi trở thành người lớn, nhu cầu này thường được chuyển sang người chủ ở nơi làm việc. Trên thực tế, người chủ trở thành người cha thay thế. Người lao động sau đó bị ám ảnh bởi ý kiến của người chủ.

Phân loại một hành vi

Tiến sỹ Rosenman và Tiến sỹ Friedman, hai chuyên gia tim mạch ở San Francisco, định nghĩa sự ám ảnh biểu hiện này là “Hành vi tuýp A”. Họ ước tính có khoảng 60% đàn ông và 10% (con số này đang tăng lên) phụ nữ thuộc tuýp A. Những người mà họ gọi là “tuýp A đích thực” đặt rất nhiều áp lực lên bản thân và chết vì những cơn đau tim trước tuổi 55. Đây có lẽ là hiện tượng liên quan đến sự căng thẳng trầm trọng nhất tại các công sở ở Mỹ.

Tuýp A đích thực có một số thái độ và hành vi giống với tuýp A khác. Hãy so sánh hành vi của bạn với những triệu chứng này và xem liệu mình có triệu chứng nào như thế không.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của tuýp A đích thực là “cảm giác hối thúc vì thời gian gấp rút”. Người thuộc tuýp A cảm thấy mình đang ở trong một “cuộc đấu tranh quyết liệt”. Anh ta thấy mình đang ở trong một guồng quay và không thể thoát ra. Anh ta cảm thấy mình phải làm nhiều hơn trong khoảng thời gian ít hơn. Anh ta thường cảm thấy vội vã và áp lực. Hiện tượng “thời gian gấp rút” này thường xảy ra bởi vì anh ta luôn tình nguyện làm thêm việc để có được sự tán thành của người chủ, điều mà anh chưa bao giờ có được từ cha mình.

Các công ty cũng luôn thận trọng khi thuê những người thuộc tuýp A. Họ biết những người này sẽ làm việc với cường độ cao và sản xuất nhiều hơn mức trung bình – ít nhất là cho đến khi họ kiệt sức. Sau đó, các công ty này sẽ sa thải hoặc hạ bậc họ và thuê một người thuộc tuýp A mới.

Những người tuýp A luôn bị ám ảnh với việc thực hiện, các thành tích tới một mức độ cao không xác định. Cho dù họ đạt được bao nhiêu thì vẫn không là đủ. Bởi vì họ chưa bao giờ đặt ra một tiêu chuẩn đo lường để khi đạt được họ có thể thư giãn và hưởng thụ thành quả. Họ liên tục thúc đẩy bản thân hà khắc hơn.

Cho dù người tuýp A thành công bao nhiêu thì vẫn luôn cảm thấy một tình trạng hết sức bấp bênh. Họ không bao giờ cảm thấy hài lòng. Nếu vào ngày 31 tháng 12, họ giành giải người bán hàng hay người quản lý giỏi nhất của năm, họ sẽ lại bắt đầu lại từ đầu vào ngày 1 tháng 1. Họ không bao giờ nghỉ ngơi hay thư giãn trên vinh quang.

Những người tuýp A quan tâm nhiều đến mọi thứ hơn người khác. Họ làm việc chăm chỉ hơn để tích lũy số lượng thành tích – thu nhập cao hơn, doanh số bán hàng lớn hơn, tài sản lớn hơn, số lượng bài báo được đăng nhiều hơn.

Những người thuộc tuýp A đích thực thường đo xem mình thực hiện tốt đến mức nào bằng những gì họ có thể đếm được. Họ luôn nói về tài sản, thành tích hay mức thu nhập. Họ liên tục so sánh bản thân với người khác, đặc biệt với những người làm tốt hơn họ, và quyết tâm vượt qua.

Những người thuộc tuýp A thường mang việc về nhà để làm. Họ luôn nói về ông chủ. Họ bị ám ảnh với những ý kiến và quan điểm của người chủ. Không gì có thể khiến họ hạnh phúc hơn việc nhận được sự tán thành của ông chủ. Không gì có thể khiến họ buồn hơn việc không được ông chủ yêu quý.

Đặc điểm nhận dạng quan trọng nhất của người thuộc tuýp A là cảm giác sinh sự và thù địch, đặc biệt với các đồng nghiệp họ cảm thấy phải cạnh tranh không ngừng.

Người thuộc tuýp A đặc biệt rất hay giận dữ, thiếu kiên nhẫn và cáu kỉnh. Họ làm việc chăm chỉ nhưng lại ít thỏa mãn với công việc và những gì đạt được. Họ cảm nhận một cảm giác tuyệt vọng rằng không thể làm gì được. Họ cảm thấy ngoài tầm kiểm soát. Họ liên tục nói: “Tôi phải làm việc này”, “Tôi phải làm việc kia”. Họ cảm thấy không có điểm nào để thư giãn và nghỉ ngơi. Cuối cùng, họ gửi một thông điệp tới trí não tiềm thức như sau: “Hãy đưa tôi thoát khỏi chỗ này!” Và những tín hiệu đầu tiên của bệnh tim cùng các chứng bệnh khác xuất hiện không lâu sau đó.

Nắm quyền kiểm soát

Nếu bạn nhận thấy mình có một hành vi thuộc tuýp A, đặc biệt là thái độ thù địch và cảm giác hối hả vì thời gian gấp rút, hay bị áp lực về thời gian thì bạn nên cố gắng vượt qua cảm giác này.

Bước đầu tiên rất đơn giản. Hãy chấp nhận nó! Hãy chấp nhận bạn là một nhân cách tuýp A. Nhiều người thuộc tuýp A miễn cưỡng chấp nhận công việc hoàn toàn kiểm soát họ, chứ không phải là họ kiểm soát công việc. Nếu bạn buộc tội họ đã thể hiện hành vi tuýp A thì họ sẽ hướng sự thù địch về phía bạn và quyết liệt phủ nhận điều đó. Họ sẽ chửi mắng vợ hay chồng nếu người đó cố trì hoãn họ. Họ trở nên thế thủ và giận dữ khi hành vi của họ khiến người kia chú ý.

Để vượt qua được hành vi tuýp A, bạn phải nhận ra mình không bao giờ tìm thấy sự thanh thản và hạnh phúc trong thành tích. Bạn chỉ có thể tìm thấy sự thanh thản trong chính bản thân mình. Nếu cha bạn chưa bao giờ ủng hộ bạn vô điều kiện, bạn phải chấp nhận ông đã làm tốt nhất có thể.

Không ý nghĩa gì khi bạn nỗ lực không ngừng để có được sự tán thành của ông chủ nhằm bù đắp cho tình yêu thương và sự tán thành mà cha bạn chưa bao giờ dành cho bạn. Điều đó chỉ làm rút ngắn cuộc sống của bạn mà thôi.

Bước thứ hai là bạn phải đưa ra quyết định thay đổi. Hãy quyết định rằng bạn không muốn sống như thế này nữa. Hãy quyết định rằng bạn muốn trở thành một con người, một người cha (mẹ) hay một người chồng (vợ), hữu ích hơn và thú vị hơn.

Nhiều người thú nhận rằng mình thuộc tuýp A, nhưng sau đó, họ nói rằng mình tự hào về điều đó. Đừng sa vào cái bẫy này. Tự giết chết mình sớm hơn hai mươi năm bằng cách làm việc chăm chỉ thì không đáng để tự hào. Trên thực tế, việc đó là một sự ngu ngốc.

Bước thứ ba để vượt qua hành vi tuýp A là học cách thư giãn. Và cách tốt nhất để thư giãn là hãy ngừng lại. Hãy luyện tập sự thả lỏng hoàn toàn hay phương pháp thiền, thậm chí cả trạng thái cô độc, trong hai mươi phút, hai lần mỗi ngày.

Đi dạo trong công viên vào giờ ăn trưa là liều thuốc tuyệt diệu để chữa căn bệnh căng thẳng. Và chính lúc mà bạn tin chắc rằng mình không có thời gian nào để nghỉ ngơi là thời điểm cần thiết nhất để bạn tự rèn luyện làm việc đó.

Phân biệt giữa người thuộc tuýp A và người tham công tiếc việc

Có một sự khác biệt cơ bản giữa người thuộc tuýp A và người tham công tiếc việc. Hai loại người này rõ ràng khác nhau. Người thuộc tuýp A thường khoe khoang khoác lác rằng từ lâu lắm rồi họ không đi nghỉ. Vào những dịp cuối tuần, họ thường mang về nhà một cặp đầy tài liệu, và cho dù đi nghỉ cùng gia đình, họ vẫn mang theo một núi công việc và luôn gọi điện về văn phòng. Một trong những dấu hiệu phân biệt người thuộc tuýp A đích thực là người đó không có khả năng dành ra một khoảng thời gian rảnh rỗi mà không nghĩ hay nói đến công việc.

Một dấu hiệu khác của người thuộc tuýp A là họ có sự tập trung kiểm soát bên ngoài. Bạn sẽ nghe thấy họ liên tục sử dụng từ “Tôi phải”. Họ không có bất kỳ sự kiểm soát nào với những việc mình làm. Họ luôn làm một việc gì đó chỉ bởi vì một ai đó muốn hay mong chờ.

Người tham công tiếc việc thì hoàn toàn khác. Họ có sự tập trung kiểm soát bên trong. Họ làm việc hướng tới các mục tiêu và mục đích tự quyết. Họ hài lòng và vui thích với công việc. Những người tham công tiếc việc có thể làm việc chăm chỉ trong mười, mười hai hay mười bốn giờ mỗi ngày; làm việc năm, sáu hay bảy ngày một tuần, nhưng không giống người thuộc tuýp A, họ có thể nghỉ ngơi một ngày hay một tuần, hay đi nghỉ đâu đó và không nghĩ ngợi hay lo lắng gì về công việc.

Những người tham công tiếc việc thường có tính cách tích cực, hoàn thiện được khả năng của mình bằng cách làm những việc quan trọng. Họ không có thái độ thù địch, giận dữ hay oán giận. Họ đầy nhiệt tình và sôi nổi trong công việc. Họ thường làm những gì thật sự hứng thú.

Sự khác biệt mấu chốt giữa người tham công tiếc việc với người thuộc tuýp A là số lượng sự thích thú mà mỗi người có được từ công việc. Giờ thì hãy xác định xem bạn thuộc loại người nào? Loại tuýp A hay loại tham công tiếc việc? Cuộc sống của bạn tùy thuộc vào mức độ chính xác của câu trả lời.

Đối mặt với thực tế

Nguyên nhân chính thứ sáu gây ra căng thẳng, tiêu cực và làm mất đi sự thanh thản trong tâm hồn chính là “sự phủ nhận”. Sự phủ nhận là nguyên nhân cốt lõi của sự căng thẳng, bất hạnh và các căn bệnh thần kinh.

Sự phủ nhận là hành vi của một người từ chối đối mặt với một thực tế khó chịu. Nó diễn ra khi bạn không muốn thừa nhận một phần nào đó trong cuộc sống của bạn không ổn. Bạn trượt vào sự phủ nhận và tự đánh lừa rằng mọi việc đều tốt đẹp. Tuy vậy, những gì chứa đựng trong não bộ đều được cơ thể thể hiện ra ngoài. Khi bạn bắt đầu sự phủ nhận ở bất kỳ thời gian nào, nó cũng bắt đầu được thể hiện ra một cách tự nhiên. Nó gây ra chứng mất ngủ, đau đầu, các vấn đề về tiêu hóa, sự suy nhược, những cơn giận dữ và các hoạt động không bình thường.

Sự phủ nhận diễn ra khi một phần nào đó trong cuộc sống không hoạt động và bạn không muốn thừa nhận việc đó. Sự phủ nhận luôn đi kèm với nỗi sợ bị lúng túng hay mất mặt. Sự phủ nhận xảy ra khi bạn từ chối thừa nhận mình không phải là người như vẫn thể hiện. Bạn trượt vào sự phủ nhận khi không còn cảm nhận như trong quá khứ. Bạn sử dụng sự phủ nhận để che đậy khi biết mình đã mắc sai lầm.

Kẻ đương đầu và kẻ lẩn tránh

Kẻ đương đầu và Kẻ lẩn tránh là hai nét tính cách, lành mạnh và không lành mạnh, minh họa cho những phản ứng khác nhau với sự căng thẳng và sự phủ nhận. Tại một trường đại học hàng đầu, người ta đã tiến hành thí nghiệm đối với các sinh viên về các nét tính cách khác nhau và sau đó, chia số sinh viên đó thành hai nhóm, dựa trên tiêu chí hai nét tính cách.

Nhóm đầu tiên, những kẻ lẩn tránh, được đưa vào một căn phòng, trong đó mỗi người được gắn một điện cực, điện cực này sẽ khiến họ bị giật nhẹ trong 60 giây. Có một chiếc đồng hồ treo trên tường ở vị trí mà các sinh viên có thể nhìn thấy. Mỗi khi kim giây chạy qua số 12, các sinh viên lại bị điện giật ở các đầu ngón tay.

Các sinh viên được tham gia vào một loạt hành động để khiến họ bị sao nhãng khi kim giây tiến về phía số 12. Các nhà nghiên cứu đã đặt camera trong chiếc đồng hồ để có thể quan sát được khuôn mặt và ánh mắt của sinh viên từ góc nhìn đó. Khi kim giây tiến đến số 12, hành vi đáng chú ý nhất của những kẻ lẩn tránh là không nhìn vào chiếc đồng hồ. Thay vào đó, họ nhìn đi chỗ khác. Họ tránh đối mặt với sự căng thẳng và lo lắng.

Cuối buổi thí nghiệm, những kẻ lẩn tránh được kiểm tra. Nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của họ, các yếu tố thể hiện sự căng thẳng, tăng lên 30-40% so với mức đo được trước khi kiểm tra.

Sau đó, số sinh viên được coi là những kẻ đương đầu được đưa vào phòng và tiến hành thí nghiệm tương tự.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát những kẻ đương đầu thông qua các camera được giấu kín. Sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa hai nhóm là, mặc dù cùng tham gia vào những hành động khiến họ sao nhãng và không nghĩ đến những cơn giật điện, thì khi kim giây tiến đến số 12, tất cả họ đều nhìn lên đồng hồ và chuẩn bị tinh thần đón nhận cơn giật điện ở các đầu ngón tay.

Cuối buổi thí nghiệm, huyết áp và nhịp tim của những người này vẫn giữ ở mức như trước khi kiểm tra.

Những người đối diện trực diện với các vấn đề và khó khăn thường khỏe mạnh hơn người lẩn tránh chúng. Họ hạnh phúc hơn những người khác. Bạn càng sẵn sàng đối mặt với khó khăn và thách thức thì bạn càng trở nên mạnh khỏe và vui vẻ hơn.

Bí quyết của sức mạnh nội lực

Hãy liên tục đối mặt với các vấn đề một cách thẳng thắn và khách quan, bạn sẽ trở thành người có năng lực, mạnh mẽ và tự tin. Bạn không còn sợ những tình huống khó chịu trong công việc và cuộc sống. Bạn phản ứng với cuộc sống như bản thân nó, chứ không phải như bạn muốn.

Hãy trở thành bác sỹ liệu pháp tâm lý của riêng mình với một câu hỏi đơn giản bất cứ khi nào bạn cảm thấy không vui hay bực tức vì bất cứ lý do gì. Đầu tiên, hãy thừa nhận sự bất mãn của bạn là do từ bên trong gây ra. Sau đó, hãy tự đặt ra một câu hỏi then chốt sau: “Điều gì trong cuộc sống mà mình không đối mặt?”

Đây là câu hỏi mà bạn phải trả lời hoàn toàn trung thực với bản thân mình.

Nó buộc bạn phải ngừng ngay việc lừa dối bản thân là mọi việc đều ổn.

Bạn có thể làm một công việc không phù hợp, vướng vào một mối quan hệ sai trái hay cảm thấy người khác làm việc tốt hơn bạn. Với đàn ông, sự phủ nhận thường liên quan tới công việc. Với phụ nữ, sự phủ nhận phần lớn liên quan tới các vấn đề nảy sinh trong các mối quan hệ. Mỗi người đặc biệt nhạy cảm trong những khu vực có dính dáng đến lòng tự trọng.

Cho dù nguyên nhân của sự bất hạnh có là gì thì bạn phải luôn sẵn sàng tự hỏi: “Điều gì trong cuộc sống mà mình không đối mặt?”

Sau đó, bạn hãy hỏi: “Đâu là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra?”

Khi tôi bắt đầu sử dụng kỹ năng này lần đầu tiên, tôi đã nhận ra điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong cuộc sống khi cuộc hôn nhân của tôi có vấn đề. Điều này tạo ra cảm giác lúng túng và khó chịu đối với tôi. Vì vậy tôi tự hỏi: “Mình có hạnh phúc với cuộc hôn nhân này không?”

Tôi buộc mình phải trả lời câu hỏi thật thẳng thắn. Mỗi khi như vậy, câu trả lời luôn là: “Có”.

Một khi khả năng đặc biệt đó đi trệch hướng, tôi lại tiếp tục tự hỏi nguyên nhân có phải là từ công việc. Nếu không, thì là lĩnh vực nào khác trong cuộc sống? Cuối cùng, tôi cũng tìm ra nguyên nhân gây ra căng thẳng và sau đó hành động để đối phó với nó.

Trên thực tế, mọi người thường cố tự lừa dối bản thân. Họ sẽ nói rằng nguyên nhân buồn rầu là vì một phiếu phạt do đỗ xe sai quy định hay bị mất một thứ gì đó. Đây chỉ là cách né tránh thực tế.

Những cơn đau về thể xác và tinh thần của bạn có nghĩa là những điều mà bạn từ chối đối mặt bị trói buộc vào lòng tự trọng của bạn. Bạn cần tìm ra nó để đối diện trực tiếp với nó. Hãy đi qua các ngăn trong não bộ, như kiểu bạn đang đi qua một căn nhà tối om với một chiếc đèn pin và chiếu rọi ánh sáng của sự đương đầu trung thực lên mỗi vấn đề.

Bạn sẽ luôn phải trả giá để thoát khỏi những bất hạnh. Và bạn sẽ luôn biết cái giá đó là gì. Câu hỏi duy nhất mà bạn phải trả lời là: “Bạn có sẵn sàng trả giá không?”

Trả giá

Quy luật là: Cho dù cái giá phải trả là gì, hãy luôn sẵn sàng trả giá! Sớm hay muộn bạn cũng sẽ phải trả giá, càng trả sớm bạn càng tự do thoát khỏi những gì khiến bạn bực mình.

Đừng bao giờ đánh đổi sự thanh thản trong tâm hồn bạn lấy bất cứ thứ gì. Hãy đặt sự thanh thản trong tâm hồn là mục tiêu cao nhất và tổ chức mọi phần trong cuộc sống của bạn xung quanh nó. Nếu bạn đã từng đổi nó lấy một điều gì khác, bạn sẽ không đạt được điều mong muốn. Nếu bạn đổi nó lấy một công việc, kết quả là bạn không có cả sự thanh thản trong tâm hồn lẫn công việc. Nếu bạn đánh đổi nó lấy một mối quan hệ, kết cục là bạn không có mối quan hệ và cũng không còn sự thanh thản trong tâm hồn.

Dường như có điều gì đó trong tự nhiên đòi hỏi bạn phải chân thành với cảm giác thanh thản trong tâm hồn. Nếu bạn không thành thật với bản thân, bạn sẽ luôn phải chịu hậu quả. Bạn sẽ luôn kết thúc bằng việc trả giá, và cái giá sẽ luôn lớn hơn bất kỳ lợi ích hay mối lợi nhất thời nào mà bạn có được.

Kẻ phá hủy hạnh phúc

Nguyên nhân thứ bảy gây ra căng thẳng và tiêu cực là hiện tượng giận dữ. Sự giận dữ là cảm xúc tiêu cực nhất trong các cảm xúc tiêu cực. Những cơn giận dữ có thể gây ra những cơn đau tim, đột quỵ, vỡ mạch máu, ung nhọt, đau nửa đầu, hen suyễn và các bệnh về da. Sự giận dữ không được kiềm chế có thể làm hỏng những cuộc hôn nhân và các mối quan hệ, phá hủy nhân cách của những đứa trẻ mới lớn, làm mất đi công việc, sự nghiệp và gây ra nhiều bất hạnh hơn bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khác.

Sự giận dữ là một cảm xúc không cần thiết. Chẳng có gì tốt đẹp từ sự giận dữ cả. Nó chỉ đơn thuần là một cảm xúc tiêu cực mà bạn hoàn toàn có thể loại bỏ nếu muốn.

Sự giận dữ đến từ bên trong bạn, chứ không phải từ bên ngoài. Nó đến từ bản thân con người bạn chứ không phải từ những gì mà mọi người nói hay làm. Không ai khiến cho bạn giận dữ. Không gì có thể khiến bạn giận dữ. Sự giận dữ là một phản ứng mà bạn lựa chọn trong một tình huống cụ thể. Bạn có thể quyết định phản ứng với những khó khăn bằng một thái độ tích cực và điềm tĩnh hay bằng sự giận dữ. Bạn luôn được tự do lựa chọn.

Điều gì kích thích bạn?

Sự giận dữ gây ra bởi nỗi đau hay bởi nhận thức rằng ai đó đang tấn công bạn hay bạn đang bị lợi dụng. Thường thì sự giận dữ là do sự trông đợi mà không đạt kết quả. Đó là phản ứng khi mọi việc không được thực hiện, hay khi mọi người không cư xử theo cách mà bạn trông đợi. Sự giận dữ có thể bắt đầu bằng nỗi lo sợ đánh mất điều gì đó. Thường thì bạn trở nên giận dữ nếu cảm thấy mình đang trở thành nạn nhân hay đang bị đối xử bất công.

Trong mọi trường hợp, chính sự nhận thức của bạn gây ra cảm giác giận dữ. Đó là cách bạn giải thích sự việc với chính mình. Khi bạn coi bản thân như một nạn nhân, phản ứng tự nhiên sẽ là trở nên giận dữ. Thậm chí, bạn có thể đánh trả để bảo vệ mình hay để giành bình đẳng.

Khi nhận thấy mình là nạn nhân của một loại gây hấn nào đó, bạn gửi một tín hiệu tới hệ thần kinh tự trị thông báo rằng mình đang bị nguy hiểm. Ngay lập tức, hệ thần kinh tự trị gửi một thông điệp tới vỏ não thượng thận và chất adrenalin được tiết ra vào trong máu. Chất adrenalin khiến nhịp tim và nhịp thở tăng lên rất nhanh. Huyếp áp cũng tăng lên và hệ thống phản ứng tiến lên mức “báo động đỏ”, sẵn sàng bảo vệ, phòng ngự và phản công.

Toàn bộ cơ thể bạn chuẩn bị để chiến đấu hoặc trốn chạy. Nếu bạn cứ liên tục trở nên giận dữ thì sức chịu đựng của bạn với sự giận dữ trở nên yếu đi. Bạn giận dữ nhanh hơn. Cuối cùng, bạn không còn sức chịu đựng nữa. Sau đó, sự giận dữ trở thành phản ứng tự động với bất kỳ vấn đề nào nhận thức được trong môi trường của bạn. Một số người luôn giận dữ. Mọi việc và mọi người đều khiến họ giận dữ bởi vì họ cho rằng mình là nạn nhân và đang bị thế giới thù địch bên ngoài tấn công.

Chiến đấu hay trốn chạy?

Huyết áp cao chủ yếu là do phản ứng giận dữ gây ra. Bạn trở nên giận dữ. Huyếp áp tăng lên. Cơ thể chuẩn bị để chiến đấu hoặc trốn chạy, nhưng trong một thời gian ngắn, tình huống trôi qua và huyếp áp lại tụt xuống. Mỗi khi trở nên giận dữ, huyếp áp của bạn lại tăng lên và rồi lại hạ xuống. Cuối cùng, huyết áp của bạn luôn duy trì ở mức cao.

Giải pháp cho bệnh huyết áp cao không phải là thay đổi thuốc chữa bệnh, mà là thay đổi thái độ đối với những thăng trầm không thể tránh được trong cuộc sống hàng ngày.

Những cơn giận là một biểu hiện của tình trạng yếu ớt. Chúng giải thích cho sự non nớt và thiếu kiểm soát. Người lúc nào cũng giận dữ có phản ứng giống như trẻ con, không có kỷ luật tự giác và khả năng tự kiềm chế cảm xúc.

Hãy đưa ra hai quyết định: một là, đưa sự giận dữ vào tầm kiểm soát; và hai là, không giận dữ với những điều mà bạn không thích. Hãy kiên nhẫn hơn và kìm nén sự chỉ trích cho đến khi bạn xem xét cẩn thận tình huống và đặt ra một số câu hỏi về vấn đề.

Tại sao sự giận dữ tích tụ?

Khi giận dữ, toàn bộ cơ thể bạn chuẩn bị cho một sự trả đũa. Tuy nhiên, trong xã hội văn minh, sự trả đũa này thường mất tác dụng vì một trong ba lý do sau.

Một là, sự trả đũa hay sự phản công không thể thực hiện được. Nếu ai đó va quệt vào bạn ở trên đường, bạn có thể giận dữ nhưng không thể làm gì. Người đó đã bỏ đi từ lâu. Sự giận dữ tích tụ bên trong bạn nhưng không có chỗ thoát ra.

Hai là, sự trả đũa thường không được chấp nhận. Nếu ai đó tỏ ra thô lỗ với bạn hay nếu ông chủ mắng chửi bạn, bạn không thể quát lại hay hành hung người đó. Bạn có thể giận dữ nhưng chỉ giữ nó trong lòng.

Ba là, sự trả đũa thường không thích hợp. Nếu một cựu cầu thủ bóng đá nặng 70 kg đâm bổ vào bạn trong một quán rượu hay một nhà hàng, bạn có thể trở nên giận dữ nhưng thật dại dột nếu đánh lại anh ta. Thế là bạn kìm nén sự tức giận.

Trong mọi trường hợp, mỗi khi tức giận, nếu bạn không làm gì đó thì nó sẽ lớn dần lên và đầu độc cơ thể bạn. Sự giận dữ được duy trì liên tục trên thực tế làm thay đổi thành phần hóa học trong máu của bạn. Cuối cùng nó sẽ phát thành các bệnh về da, ung nhọt, chứng đau nửa đầu hay thậm chí là những bệnh nan y. Bạn sẽ biểu lộ sự giận dữ này với các thành viên trong gia đình hay với những người xung quanh.

Chấm dứt nó ngay từ đầu

Cách tốt nhất để đối phó với sự giận dữ là ngay từ đầu phải kiềm chế để không giận dữ. Trước tiên, hãy kiên quyết không để mình trở nên buồn chán. Hãy kiểm soát xu hướng khiển trách hay bị kích động bằng cách nắm bắt bản thân mình và nhắc đi nhắc lại câu: “Mình có trách nhiệm”.

Bạn không có trách nhiệm với việc bị va quệt nhưng có trách nhiệm với phản ứng của mình. Sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu bạn phản ứng lại một cách điềm tĩnh và có tính xây dựng.

Xua tan sự giận dữ

Nếu bạn đang giận dữ, bạn có thể xua tan cơn giận thông qua sự tiếp xúc. Tiến sỹ Hans Selye gọi điều này là “hoạt động tác động vật lý tổng thể”. Từ các nghiên cứu về sự căng thẳng, ông đã phát hiện ra việc tạo ra một loại tiếp xúc nào đó sẽ làm giảm sự giận dữ. Cơn giận sẽ chuyển sang cái mà bạn tiếp xúc.

Selye khám phá ra rằng, bạn có thể xóa tan sự giận dữ thông qua một trong bốn phương tiện: tay, chân, răng hay giọng nói. Bạn có thể loại bỏ sự giận dữ bằng cách đánh, đá, cắn hay la hét.

Bất cứ môn thể thao nào đòi hỏi phải dùng tay đánh vào một vật gì đó đều có thể xóa tan sự giận dữ. Môn bóng ném, bóng chuyền, bóng chày và bóng rổ là những cách tuyệt vời để chuyển sự giận dữ từ cơ thể sang trái bóng. Đánh hết sức vào quả bóng thật sự là liều thuốc bổ cho thần kinh của bạn. Những người có công việc căng thẳng thường bị cuốn hút vào những môn thể thao này bởi vì họ cảm thấy thoải mái hơn sau mỗi giờ đánh bóng. Tất cả sự giận dữ của họ chuyển vào trái bóng.

Bất kỳ môn thể thao nào có liên quan đến hành động đá, như bóng đá cũng rất tốt để xua tan sự giận dữ. Hành động đá vào một thứ gì đó được coi như một sự xả ra. Bạn thường thấy những người giận dữ giậm chân một cách tức tối như một cố gắng vô thức để loại bỏ những cảm giác giận dữ dồn nén.

Tuy vậy, nhiều hình thức luyện tập như chạy bộ, bơi lội hay đạp xe lại không xua tan được cơn giận bởi chúng ít hoặc không liên quan đến sự tiếp xúc. Chúng có thể giúp bạn giảm căng thẳng hay giảm cân, nhưng lại không giúp giảm sự giận dữ.

Bạn có thể xua tan cơn giận bằng cách ăn một thứ gì đó cần phải nhai nhiều. Bạn thèm ăn một miếng bít-tết khi cảm thấy tức tối hay giận dữ và việc nhai miếng bít-tết có thể xóa tan cơn giận và chuyển nó sang miếng thịt. Sau một bữa tối thịnh soạn và khó tiêu, bạn cảm thấy thư thái hơn bởi vì phần lớn cơn giận dữ đã tiêu tan.

La hét là một cách khác mà nhờ đó mọi người, cả người lớn và trẻ nhỏ, có thể loại bỏ được sự tức giận. Đó là một hình thức giải tỏa phổ biến. Trẻ nhỏ nhiễm sự giận dữ như là kết quả của cảm giác mình nhỏ bé và vô dụng. Chúng la hét để trút bỏ sự tức tối. Nhiều người lớn cũng làm như vậy.

Trong quá trình điều trị, các bệnh nhân được khuyến khích la hét với sự hiện diện của bác sỹ tâm lý trị liệu. Người ta dạy các bệnh nhân giải phóng sự giận dữ kìm nén từ thuở thiếu thời. Việc làm này thường rất hiệu quả để giúp mọi người nắm giữ được những cảm xúc. Việc này một mặt chắc chắn đánh bại việc kìm nén sự giận dữ; mặt khác, ngăn không cho các bệnh nhân la hét với những người thân yêu.

Trong một cuộc chiến đấu dữ dội giữa hai người đang rất giận dữ, họ sẽ đánh, đá, la hét và cắn. Những phản ứng này đều là để đánh đuổi sự giận dữ. Thường thì, sau một trận đánh nhau hay cãi vã kịch liệt, hai người tham chiến sẽ trở thành người yêu hay bạn tốt của nhau. Tất cả sự giận dữ đã qua đi, chỉ còn lại những cảm giác tốt đẹp.

PHƯƠNG PHÁP KIỂM SOÁT NHẬN THỨC

Mục tiêu của bạn là trở thành người ít căng thẳng và có thành tích cao. Để đạt được điều này, bạn phải sử dụng phương pháp kiểm soát nhận thức, tức là sử dụng khả năng của mình để suy nghĩ và kiểm soát các phản ứng tình cảm. Hãy thực hiện luật thay thế. Hãy suy nghĩ một cách thận trọng, tích cực, lạc quan và có tính xây dựng. Nếu bạn suy nghĩ tích cực thì cùng lúc đó, bạn sẽ không thể có một ý nghĩ tiêu cực hay gây căng thẳng. Bạn thay thế sự tiêu cực bằng sự tích cực.

Hãy luôn tự nhắc lại câu: “Mình yêu quý bản thân” hay “Mình có trách nhiệm”. Hãy giữ cho tâm trí bạn tập trung vào mục tiêu. Vì mục tiêu vốn đã tích cực nên khi buộc mình phải liên tục nghĩ đến các mục tiêu, bạn đã luôn giữ cho tâm trí tích cực và lạc quan.

Nếu một người khiến bạn giận dữ, hãy thực hiện luật tha thứ. Hãy để những cảm giác giận dữ và oán hận qua đi. Hãy nhớ rằng, sự tha thứ là một hành động hết sức ích kỷ. Trách nhiệm của bạn là giữ cho bản thân được bình tĩnh và tích cực chứ không để cho mọi thứ khiến bạn giận dữ và buồn chán. Nếu điều này đòi hỏi bạn phải bỏ qua các cảm giác tức giận với ai đó thì hãy bỏ qua. Đó là điểm mấu chốt cho hạnh phúc, sự thanh thản trong tâm hồn và một cuộc sống dài lâu.

THANH THẢN TRONG TÂM HỒN LÀ MỤC TIÊU CAO NHẤT CỦA BẠN

Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình bằng cách đặt sự thanh thản trong tâm hồn là mục tiêu cao nhất. Hãy tổ chức cuộc sống của bạn xung quanh mục tiêu này. Hãy trở thành một thám tử tâm lý và điều tra thật cẩn thận những suy nghĩ, ý kiến, thái độ hay phản ứng khiến bạn căng thẳng. Khi đã chủ tâm đặt sự thanh thản trong tâm hồn như một nguyên tắc tổ chức, bạn đã trở thành một người tích cực hơn. Bạn trở nên thư thái và đáng yêu hơn. Bạn có một sức khỏe tốt hơn và đạt được nhiều hơn trước đây.

THỰC HÀNH

Hãy nghiên cứu cuộc sống và tìm ra một lĩnh vực mà bạn cảm thấy căng thẳng và lo âu. Hãy viết ra một định nghĩa rõ ràng về trường hợp gây căng thẳng. Sau đó, hãy liệt kê một danh sách những điều bạn có thể làm ngay để làm giảm bớt sự căng thẳng đó. Hãy đối diện trực tiếp với nó và hành động tích cực để nhắm vào nó. Hãy chủ động chứ không bị động.

Điều gì trong cuộc sống mà bạn chưa đối mặt? Điều gì tồi tệ nhất có thể xảy ra? Hãy dọn dẹp nó. Hãy làm cho một ngày của bạn trở nên thú vị chứ không phải là sự căng thẳng và lo âu. Hãy đặt sự thanh thản trong tâm hồn là mục tiêu cao nhất và bạn sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.