Thành đạt trong sự nghiệp

2. Không biết đích đến, bạn không thể tiến xa



Đích đến thật sự quan trọng, bởi đó là nơi bạn sẽ dừng chân

Định hướng đúng đắn là một việc hết sức quan trọng. Có quá nhiều người lạc lối trên con đường sự nghiệp của mình: không hề biết mình đang đi về đâu; không có lối đi riêng, không có định hướng… Họ thậm chí không biết mình muốn đi về đâu và cứ để mọi việc tự xảy đến với mình. Nhưng nếu bạn thật sự biết mình đang đi về đâu, khả năng bạn có thể đến được đó sẽ tăng lên rất nhiều. Mặc dù trong cuộc sống chẳng có gì là hoàn toàn chắc chắn.

Một câu chuyện phiếm:

Anh đã lập kế hoạch cho cuộc đời mình và mọi thứ đang được tiến hành rất trôi chảy. Mới đây, anh được đề bạt vào Hội đồng thành phố. Nhưng ở tuổi 35, anh ly dị, yêu say đắm một cô gái Trung Hoa, học tiếng Trung và mở công ty Quan hệ Công chúng ở Trung Quốc. Đây đã có thể là một thành công vang dội nhưng rồi công ty của anh bị chính phủ đóng cửa và cô vợ Trung Hoa cũng bỏ rơi anh. Quá đau buồn, anh bỏ đến Bali, mở một quầy bar và sống vất vưởng khắp nơi, viết một cuốn sách, trở thành người Thiên chúa theo phái Phúc âm và lọt vào ống kính của một người sản xuất chương trình truyền hình quốc gia khi anh vừa pha cocktail vừa hát Thánh ca. Ông ta thuê anh làm một sê-ri chương trình truyền hình Mỹ với tên gọi “Uống mừng Đức Chúa” và được khán giả bầu chọn với tỷ lệ rất cao. Anh nhận ra mình đã trở thành triệu phú. Anh mở một công ty kinh doanh kem có tên Nice-One và sau này anh bán lại cho Unilever và thu được bộn tiền. Anh bỏ tất cả vốn liếng vào việc kinh doanh trên mạng qua trang web: www.lastsecond.com chỉ vì anh thấy hứng thú với nó. Nhưng việc này lại chẳng đi đến đâu cả. Anh phá sản. Quay trở lại Bali, anh viết thêm một cuốn sách, nó trở thành cuốn sách bán chạy nhất và được chuyển thể thành phim. Anh được mời tham gia chương trình Desert Island Discs và trở thành một hình mẫu lý tưởng. Anh bắt đầu chơi golf nghiêm túc và đoạt ngôi vô địch trong Giải golf không chuyên mở rộng của Anh. Sau đó, anh bỏ golf, tái hôn với một cô gái đang học làm nữ tu. Anh xây một nhà thờ nhưng không có ai đến cả. Việc này đã thất bại. Anh mở hiệu tạp hóa Green, Greener, Greenest. Cửa hàng này sau đó bị vỡ nợ. Anh đặt tất cả số tiền còn lại của mình vào một trạm phát thanh tên là True (Sự thật). Trạm phát thanh này chỉ phát sóng những bài hát mà anh thật sự thích và một chương trình trò chuyện trực tiếp nhắm vào các cá nhân và tổ chức nổi tiếng mà anh nghi ngờ là đang có chuyện gian dối. Nó thành công đáng kinh ngạc. Anh bán lại nó và mua một nhà dưỡng lão ở Bognor Regis. Lần này, anh quản lý nhà dưỡng lão rất thành công. Anh trở thành người điều hành của Ủy ban chăm sóc sức khỏe cộng đồng và bắt đầu giảng dạy môn Nghiên cứu doanh nghiệp tại trường Đại học Portsmouth. Anh được trao tặng tước hiệu trong Hoàng gia Anh và mất do đau tim đột ngột.

Trên bia mộ của anh, người ta viết:

Richard Naughton, 1956 – 2008, Doanh nhân, Nhà văn, Nhà hoạt động vì cộng đồng và một tay chơi.

Cả cuộc đời thăng trầm chìm nổi, cuối cùng chỉ gói lại trong vài từ vô nghĩa!

Làm thế nào lên tới đỉnh cao

Khi tôi hướng dẫn cho một Giám đốc điều hành của công ty, tôi hỏi cô ấy rằng các kỹ năng của cô là gì. Cô ấy trả lời:

Nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh, nhận ra những điều cần làm, lập ra được kế hoạch và mang lại những kết quả.

Tôi hỏi cô ấy đã sử dụng những kỹ năng này như thế nào trong việc hình thành và xây dựng sự nghiệp của chính mình. Cô ấy nói: “Ôi chao! Đấy lại là một vấn đề hoàn toàn khác.”

Định hướng chiến lược cho sự nghiệp của bạn

Một trong những từ tinh tế nhất trong từ điển kinh tế là từ ”chiến lược”. Nó tinh tế bởi có rất ít người biết được ý nghĩa thật sự của nó. Vậy thì hãy nghĩ thật đơn giản – “chiến lược” là một kế hoạch để đi tới thành công, nó đồng nghĩa với việc xác định nơi bạn muốn đến và đưa ra một bản đồ chỉ dẫn cách đi đến đó.

Như vậy, đích đến và một bản đồ dẫn đường là những thứ mà bất cứ ai muốn thành công trong sự nghiệp cũng phải có. Chúng ta sẽ không thể làm được điều gì to tát trong sự nghiệp nếu không biết được chiến lược của mình là gì. Bạn sẽ chẳng bám trụ được lâu trên đường nếu không có một bản đồ trong tay.

Tất cả mọi người đều cần một chiến lược trong sự nghiệp. Điều đó không có nghĩa là kế hoạch hay chiến lược của bạn không thể thay đổi vì con người luôn thay đổi, mọi việc xảy ra hàng ngày, tham vọng của chúng ta được định hình từ hoàn cảnh và không ai đoán trước được cuộc đời. Hãy nhớ lại và suy nghĩ về Richard Naughton.

Hãy viết về bạn dưới các tiêu đề sau:

• Tôi muốn đạt được điều gì trong cuộc sống:

– ¬Tiền bạc

– ¬Sự độc lập/ an toàn

– Quyền lực

– Địa vị

– Quan hệ?

• Tôi đã chuẩn bị cho những công việc nào và trong các lĩnh vực nào?

• Tôi thích lĩnh vực nào nhất?

• Điều gì khiến tôi thấy dễ chịu nhất?

• Điều gì là quan trọng nhất với tôi và tôi có thể trở thành người như thế nào?

• Điểm mạnh nhất của tôi là gì?

• Điểm yếu của tôi là gì?

• Tôi có thể giới thiệu ngắn gọn về mình như thế nào (những điểm mạnh cơ bản)?

• Giám đốc của tôi, đồng nghiệp, các cấp dưới sẽ nói gì về tôi?

• Tôi đã đạt được những gì ( nêu ba ví dụ thành công)?

• Đích đến mà tôi mong muốn là gì?

• Con đường sự nghiệp của tôi được thể hiện như thế nào?

– Các hoạt động

– Các kỹ năng đặc biệt

– Các khóa học bổ túc/ nâng cao

– Các điểm mốc quan trọng (bốn ví dụ)

– Cảm giác sẽ như thế nào

– Mọi người nói gì vào lúc này

– Họ sẽ nói gì khi tôi đã hoàn thành?

Nếu bạn hiểu được tất cả những câu hỏi trên thì bạn đã có được một hình dung về nơi mà bạn muốn đến và cái giá phải trả để đến được đó. Vậy tôi muốn hỏi bạn rằng: Tại sao có người có thể ngồi trả lời tất cả những điều trên, thậm chí còn đưa ra cả chiến lược… nhưng lại cảm thấy rụt rè, lúng túng, thậm chí chết lặng đi khi lập kế hoạch/chiến lược cho chính bản thân? Điều đó phải chăng là quá ngớ ngẩn?

Trên đây là cách bạn suy nghĩ để phát triển sự nghiệp của mình, là cách mà bạn sử dụng trí tuệ để thực hiện mọi việc. Đó là kế hoạch tiếp thị bí mật của riêng bạn để thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, còn có một con đường khác mà bạn nên thử. Trên con đường này, bạn sử dụng trái tim và tấm lòng của mình.

Hãy cảm nhận và mơ về nơi mà bạn muốn đến

Tôi rất thích câu nói của một tác giả vô danh rằng:

Tài năng của chúng ta là món quà thiêng liêng Thượng đế ban tặng. Những gì chúng ta làm nhờ tài năng đó chính là món quà mà ta dâng tặng lại Thượng đế.

Tôi muốn tập trung vào chính bạn và tài năng của bạn và tôi muốn bạn mơ về những điều tuyệt vời mà bạn có thể làm được. Hãy viết về những điều bạn muốn, thật sự muốn, chứ không phải những thứ bạn nên hay có thể đạt được.

Càng suy nghĩ kỹ về điều này thì càng có nhiều yếu tố cùng tác động vào suy nghĩ của bạn. Đó có thể là gia đình bạn, khoảng cách địa lý (chẳng hạn: “Tôi muốn đến làm việc ở Mỹ nhưng mẹ vợ tôi bị bệnh và chúng tôi phải ở gần để chăm sóc bà” hay “Tôi muốn làm việc cho một tổ chức từ thiện nhỏ, nhưng tôi đã quá quen với cách sống xa hoa, đam mê nhạc kịch, hâm mộ Câu lạc bộ Chelsea và thích sưu tầm sách cổ.”) nhưng trong lúc này, hãy chỉ tập trung vào những thứ bạn thật sự mong muốn.

Đây là lúc bạn thẳng thắn nói ra những điều tự đáy lòng: “Tôi làm kế toán nhưng tôi luôn mong muốn trở thành một bác sỹ thú y.” hay “Tôi đã làm việc trong các công ty một thời gian khá dài và bây giờ tôi muốn có sự nghiệp kinh doanh của riêng mình.”; “Tôi đang dạy học và tôi muốn kiếm tiền.” – hãy nói ra tất cả thay vì âm thầm hy vọng một ngày nào đó thần may mắn sẽ đem mọi thứ đến cho bạn.

Hãy trả lời các câu dưới đây – đừng suy nghĩ quá nhiều, đây là lúc sử dụng trực quan của bạn chứ không phải là trí óc. Những câu nói này sẽ chỉ ra điều bạn muốn nhất trong sự nghiệp của mình.

• Tôi muốn có tiền – thật nhiều tiền – càng nhiều càng tốt.

• Tôi muốn làm thật ít – ít nhất có thể.

• Thời gian rảnh rỗi của tôi rất quan trọng – tôi muốn tận hưởng cuộc sống.

• Tôi sống để làm việc vì tôi là một cái máy làm việc.

• Tôi muốn được hạnh phúc.

• Tôi muốn làm mọi người hạnh phúc.

• Tôi muốn làm công việc mình yêu thích và công việc đó có thể làm giàu cho tâm hồn tôi.

• Tôi muốn đối diện với các thử thách.

• Tôi muốn nổi tiếng.

• Tôi muốn có quyền lực và được ra lệnh cho người khác.

• Tôi chỉ muốn có đủ tiền để sống.

• Tôi muốn đi du lịch thật nhiều.

• Tôi muốn làm việc với những người thú vị có cùng những giá trị như tôi.

• Tôi muốn có một cuộc sống phong phú.

• Tôi chưa có ý tưởng về những việc mình muốn làm.

• Tôi muốn học hỏi thật nhiều.

• Tôi muốn được ghi nhận những việc mình làm.

• Tôi muốn làm tốt công việc của mình.

Hãy xếp thứ tự những mong muốn này theo mức độ quan trọng với bạn để có thể thấy được mình thật sự mong muốn điều gì và điều gì không ảnh hưởng nhiều tới mình. Hãy lắng nghe “tiếng lòng” của mình. Rất nhiều người thậm chí không biết được họ muốn gì trong đời và đó là một tấn bi kịch. Phần lớn chúng ta đều kiềm chế nó trong sự nghiệp của mình.

Đã đến lúc giang rộng đôi cánh của bạn và tiến lên phía trước. Tất cả những gì bạn có thể nhận về là khả năng khám phá ra một hướng đi hoàn toàn mới mẻ và có thể là rất tuyệt vời trong cuộc đời bạn. Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là giúp bạn khiến cho điều đó xảy ra.

Nhưng hãy làm từng bước một.

Bạn sẽ vẫn phải trả món tiền thế chấp

Tôi là một người theo Chủ nghĩa lý tưởng, song các hóa đơn thì chẳng chừa ai cả, vì vậy khi bạn tìm ra điều bạn thật sự muốn và cần làm, có lẽ bạn vẫn phải tiếp tục công việc hiện tại và hơn thế nữa.

Nếu bạn đã dành đủ thời gian để suy nghĩ thì chắc hẳn bây giờ bạn đã xác định được khá rõ việc bạn muốn làm tiếp theo. Trong cuộc sống, mọi thứ (tất nhiên) đều không công bằng.

Những người nói rằng họ biết chính xác những gì họ muốn và những gì họ đang làm, rất có khả năng là họ đã tự lừa dối bản thân. Vì vậy, chúng ta hãy làm mọi thứ chậm lại, hãy suy nghĩ và khám phá các trường hợp. Lấy ví dụ: giả sử bạn vừa quyết định làm tiếp thị trong một lĩnh vực kinh doanh hàng hóa có tốc độ biến chuyển nhanh chóng, hãy trả lời các câu hỏi:

• Tại sao?

• Đó có phải là kỹ năng tốt nhất của bạn không?

• Bạn có giỏi hơn bạn bè của mình trong lĩnh vực đó không? (Và bạn cần phải giỏi hơn!)

• Bạn có sở hữu tài năng để thật sự xuất sắc trong lĩnh vực đó không?

Bạn muốn gia nhập ban quản lý của công ty này ở tuổi 40:

• Tại sao?

• Bạn có các kỹ năng quản lý cơ bản không?

• Kế hoạch để đạt được điều đó của bạn như thế nào?

• Bạn muốn làm giám đốc ở lĩnh vực nào?

• Và ý nghĩa của việc này là gì?

Trước khi 50 tuổi, bạn muốn tiếp tục tiến lên và trở thành Giám đốc điều hành của một công ty cỡ trung:

• Tại sao? (Nhất định phải là một câu trả lời thật đích đáng!)

• Loại công ty nào?

• Bạn cần những kỹ năng nào để làm được điều đó?

• Có khi nào bạn suy nghĩ đến chuyện thất bại trong việc này sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào không?

• Và chắc hẳn bạn đã nhận ra rằng cơ hội của mình rất mong manh đúng không?

Nếu tôi là bạn, tôi sẽ lập kế hoạch cho cả tấm bia trên mộ của mình. Có thể, bạn thấy tôi hơi chua chát, nhưng dù là điểm mốc hay bia mộ, tôi cũng chỉ muốn cảnh báo bạn rằng càng lên cao, khả năng bạn ngã xuống càng cao.

Hãy linh động và sẵn sàng chấp nhận mọi việc

Bởi vì bạn có thể thay đổi suy nghĩ của mình, liên tục tìm ra những khả năng mới, nên các kế hoạch chỉ là sự định hướng cho bạn chứ không phải là một bản hợp đồng đóng kín mà bạn sẽ mãi phải tuân theo.

Tôi rất thích cuốn sách thiếu nhi The Wind on the Moon (Cơn gió trên Mặt trăng) của Eric Linklater. Sách kể về một vị quan tòa ngoan cố đã ra một phán quyết sai lầm nhưng lại không bao giờ chịu thay đổi suy nghĩ của mình. Hàng ngày, khi đi qua nhà ông ta, mọi người đều bịt mũi và nói: “Ối chà, lão ta vẫn chưa thay đổi suy nghĩ của mình.” Tôi thích ý tưởng coi suy nghĩ sai lầm là một thứ sẽ bốc mùi nếu không được đổi mới từng ngày.

John Maynard Keynes đã từng nói một cách đầy bí ẩn:

Khi sự việc thay đổi, tôi thay đổi suy nghĩ của mình. Bạn sẽ làm gì?

Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ làm giống như John Maynard Keynes chứ không phải như vị quan tòa kia. Bởi vì chiến lược chỉ tốt trong hoàn cảnh mà nó được tạo ra.

Điều này nghe thật đơn giản. Sự nghiệp trong tương lai của bạn sẽ rất đa dạng và có thể bị ngắt quãng. Các sự kiện sẽ xảy ra và thay đổi hoàn toàn mọi việc. Tôi tin rằng phần lớn chúng ta đều có đến năm công việc khác nhau, thậm chí còn nhiều hơn. Hãy thấy vui vì điều này. Nó sẽ khiến cho những thông điệp trong cuốn sách này gần gũi hơn với bạn.

Tôi nghĩ chúng ta có thể thay thế từ “sự nghiệp” bằng một số từ khác – hãy thử những từ này:

Bậc thang thành đạt

Đường đến vinh quang

Đường đến thịnh vượng

Nếu bạn muốn có một hành trình hoàn toàn không gián đoạn thì đó là điều gần như không thể. Thay vào đó, bạn có thể nghĩ đến một sự nghiệp mà trong đó bạn làm nhiều công việc khác nhau. Hãy tìm hiểu Vòng tròn Sự nghiệp của Charles Handy để rõ hơn về điều này. Ở chính giữa vòng tròn là những thứ bạn cần kiếm đủ để hỗ trợ cho phần còn lại của cuộc đời bạn – nói cách khác là cách bạn kiếm tiền. Phía ngoài là những điều bạn có thể bỏ qua mà không vương vấn nhiều, những thứ bạn chỉ làm vì sở thích và thời gian dành cho những người bạn yêu quý.

Đây là vòng tròn hiện tại của tôi.

Hãy tự vẽ vòng tròn của bạn trong hiện tại và có thể là cả trong vài năm tới.

Trong “vòng tròn” của Richard, phần trung tâm là những nguồn thu nhập và phía ngoài là những thứ không mang lại thu nhập nhưng giúp tôi có một cuộc sống bình thường và hạnh phúc.

Lập bản đồ các mục tiêu cho riêng bạn.

Tấm bản đồ này cần đến rất nhiều cột mốc, vì như tôi đã nói, có ai biết chắc được điều gì sẽ xảy ra?

Hãy viết một câu chuyện về cuộc đời bạn ở hiện tại và dự đoán cả tương lai trong khoảng 30 năm sau khi tốt nghiệp hoặc từ khi bắt đầu đi làm. Tiếp đó, hãy quay trở lại với chiến lược của bạn – để xác định điểm đến mà bạn muốn vươn tới.

Giả sử rằng mục tiêu cuối cùng của bạn là trở thành tổng thống, trưởng bộ phận kinh doanh cổ phiếu ở Ngân hàng Goldman Sachs, đối tác của Clifford Chance, giám đốc khách hàng của tập đoàn WPP, hay giám đốc phụ trách phản hồi ở IKEA, giám đốc đối nội tại ASDA, người gây quỹ cho tổ chức từ thiện Barnado’s hay một viên chức nhà nước tại địa phương, giáo viên tiểu học hay nhân viên tại một công ty lớn và leo cao trên nấc thang sự nghiệp… (Hãy điền vào những thứ bạn muốn – hoặc những thứ bạn nghĩ là mình muốn).

Bây giờ, hãy lập kế hoạch cho các hành trình 10, 20, 30 năm với rất nhiều cột mốc. Bạn thấy chúng thế nào?

Tiếp theo, hãy điền sáu sự kiện sau đây vào những thời điểm bất kỳ trong kế hoạch cuộc đời mà bạn đã đề ra:

1. Bạn bất ngờ bị sa thải trong một lần cải tổ tổ chức.

2. Bạn có một giám đốc mới và bà ta không ưa bạn, bà ta đuổi việc bạn với một khoản tiền trợ cấp.

3. Bà cô ở Úc để lại cho bạn một số tiền khá lớn.

4. Công ty của bạn bị phá sản.

5. Bạn yêu say đắm một người và rồi một ngày, cô ấy nói với bạn rằng: “Sao anh lại làm việc ở chỗ này? Nó chẳng ra gì cả. Hãy chọn hoặc là công việc hoặc là em.”

6. Sản phẩm tuyệt vời của bạn bị cho là bất hợp pháp.

Hành trình của Richard trong suốt cuộc đời và tác động lên xuống của các sự kiện

Điều mà tôi muốn nói ở đây là: Khi có điều gì đó xảy ra, hãy thay đổi. Và bởi vì mọi chuyện nhất định sẽ xảy ra, hãy trở nên linh động trong các trường hợp.

Như Fred Goodwin – bậc thầy của thành công và là Giám đốc điều hành Ngân hàng Hoàng gia Scotland đã nói:

Chúng tôi không thích các chiến lược, chúng tôi muốn các lựa chọn có tính chiến lược.

Và trong một cuộc thương lượng liên doanh:

Không. Chúng tôi không có phương án B nhưng cho dù có chuyện gì xảy ra thì chúng tôi cũng sẽ đối phó được với nó.

Hoan hô Chủ nghĩa thực tế! Đó chính là những thứ mà bạn sẽ cần. Và hoan nghênh bạn nếu bạn “có vẻ” đã tìm ra điều mà mình muốn đạt được.

Thật đáng thất vọng nếu bạn không định hướng được nghề nghiệp của mình. Bạn hãy tượng tượng hình ảnh một người: balô trên vai, miệng nhai kẹo, tay cầm chiếc bản đồ nhàu nát, vẻ mặt bối rối và anh ta không biết mình đang ở đâu, thật tội nghiệp!

Vì thế, bạn phải tuân theo kế hoạch hành động sau đây:

• Hãy xác định chắc chắn nơi mà bạn nghĩ mình muốn đến.

• Hãy xác định điều gì là quan trọng nhất với bạn.

• Liệt kê những việc mà bạn muốn làm trong cuộc sống ngoài công việc và sắp xếp thời gian cho chúng.

• Giả sử bạn không thể làm được kế hoạch A thì kế hoạch B và C của bạn là gì?

• Hãy thử viết một câu chuyện về cuộc đời bạn giống như Richard Naughton ở đầu chương này.

Những điều nên suy nghĩ:

• Việc xác định rõ những điều bạn muốn đạt được không hề dễ dàng chút nào.

• Nếu bạn có thể nắm được những điều bạn muốn bằng suy nghĩ và trực giác, bằng đam mê và tranh đấu thì bạn sẽ có được một vị thế rất tốt và rất ấn tượng.

• Khi mọi người nói về bạn: “Anh ấy/cô ấy thật sự biết mình đang đi về đâu” thì đó là một lời ngợi khen rất lớn.

• Hãy khiến cho người khác nói về bạn như vậy.

• Hãy thoải mái suy nghĩ về các lựa chọn, cuộc sống là một chuỗi những điều ngạc nhiên và những niềm vui, công việc của bạn hay bất cứ thứ gì khác cũng chỉ là để có được tất cả những niềm vui ấy.

• Socrate đã tin rằng sứ mệnh của chúng ta trong cuộc đời này là học cách phát triển thịnh vượng.

• Vì thế bạn định phát triển, sống vui vẻ và khỏe mạnh trong cuộc đời mình như thế nào?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.