Thế Giới Cho Đến Ngày Hôm Qua

CHƯƠNG 3: MỘT CHƯƠNG NGẮN VỀ MỘT CUỘC CHIẾN NHỎ



Chiến tranh của người Dani.
– Lịch trình cuộc chiến.
– Số lượng người tử vong trong cuộc chiến
Chiến tranh của người Dani
Chương này sẽ giới thiệu về chiến tranh truyền thống bằng cách kể lại chuỗi những trận chiến, những đột kích khá bình thường giữa những người Dani ở New Guinea và chỉ không bình thường ở chỗ họ thật sự được quan sát, quay phim bởi những nhà nhân loại học. Người Dani là một trong những tộc người đông dân cư nhất ở vùng New Guinea, tập trung ở Đại Thung Lũng bên dòng sông Baliem. Vào giữa những năm 1909 và 1937, 8 cuộc viễn chinh của người phương Tây đã tiếp xúc và chạm mặt những nhóm người Dani ở vùng ngoài hay láng giềng của họ mà chưa đi đến thung lũng. Như đã nói ở chương 1, vùng thung lũng và dân số đông đúc ở đó đã được “khám phá” -nghĩa là, được tìm thấy lần đầu tiên bởi những người châu âu, khoảng 46.000 năm sau khi tổ tiên người New Guinea đặt chân đến – vào ngày 23/6/1938, từ chiếc máy bay chở các đoàn do thám của tổ chức Archbold Expedition. Cuộc tiếp xúc đầu tiên diễn ra vào ngày 4/8 khi Đại úy Terrink dẫn đội tuần tra tiến vào thung lũng. Sau khi Archbold Expedition rời khỏi thung lũng vào tháng 12/1938, những lần tiếp xúc sau đó giữa những người Dani Baliem và người châu âu (trừ một cuộc giải cứu chóng vánh một phi hành đoàn gặp nạn năm 1945 của Quân đội Hoa Kỳ) bị hoãn lại đến năm 1954 và những năm sau đó, khi một vài trạm nhiệm vụ và một trạm tuần tra của chính phủ Hà Lan được thiết lập ở thung lũng.
Năm 1961, một nhóm thám hiểm từ Bảo tàng Peabody thuộc Đại học Harvard đã đến đây để bắt đầu những nghiên cứu và quay phim về chủ đề nhân loại học. Khu dân cư Dani Dugum là địa điểm được chọn để cắm trại, vì đây là khu vực phi chính phủ hay những trạm nhiệm vụ và tiếp xúc tương đối ít với bên ngoài. Hóa ra chiến tranh vẫn đang diễn ra tại nơi đây. Các báo cáo về chiến tranh tại khu vực này giữa tháng 4 và tháng 9/1961 có nhiều dạng: cụ thể, luận án tiến sĩ (bằng tiếng Hà Lan) của nhà khoa học xã hội Jan Broekhuijse từ Đại học Utrecht; hai cuốn sách của nhà nhân học Karl Heider, dựa trên luận văn tiến sĩ của Heider ở Harvard; một cuốn sách nổi tiếng,Under the Mountain Wall (tạm dịch: Dưới Bức tường Núi), của nhà văn Peter Matthiessen; và một bộ phim tài liệu, Dead Birds (tạm dịch: Chim Chết), được sản xuất bởi Robert Gardner và có một cảnh phim đáng chú ý về các trận chiến giữa những bộ lạc dùng giáo.
Đoạn tóm tắt sau đây về chiến tranh của người Dani Dugum suốt nhiều tháng trong năm 1961 được trích từ luận án của Broekhuijse vì đây là báo cáo chi tiết nhất, được hỗ trợ bởi Heider cùng một số chi tiết từ Matthiessen. Broekhuijse phỏng vấn những người tham chiến, những người này đã mô tả cho ông đánh giá của họ về mỗi trận đánh, tình trạng của họ sau đó và chi tiết về thương tích của mỗi người. Có một số khác biệt nhỏ giữa ba báo cáo này, đáng chú ý là cách gọi tên người Dani (Broekhuijse dùng cách phát âm Hà Lan trong khi Heider dùng cách phát âm Mỹ) và ở một số chi tiết như cách biệt một ngày về ngày trận chiến diễn ra. Tuy nhiên, ba tác giả này chia sẻ thông tin với nhau và với Gardner nên các câu chuyện của họ không mấy khác biệt.
Khi các bạn đọc báo cáo kết hợp này, tôi nghĩ các bạn sẽ bị sốc, như tôi, bởi nhiều đặc tính của chiến tranh Dani, mà rốt cuộc lại rất giống với chiến tranh ở nhiều xã hội truyền thống khác được đề cập ở chương 4. Những đặc tính giống nhau đó gồm: Các cuộc phục kích được che đậy cùng các trận chiến công khai có tần suất thường xuyên, mỗi sự kiện như vậy mang đến một số thương vong và thường xuyên xen kẽ với những vụ thảm sát hàng loạt. Hoạt động được gọi là chiến tranh bộ lạc này thật ra thường xuyên hoặc luôn luôn diễn ra bên trong bộ lạc, giữa các nhóm nói cùng ngôn ngữ và có cùng văn hóa, hơn là giữa các bộ lạc. Mặc cho sự tương đồng văn hóa hoặc nguồn gốc của các đối thủ, kẻ thù đôi khi bị phỉ báng như loài mọi rợ. Các cậu bé từ khi còn nhỏ đã được huấn luyện để chiến đấu và để nghĩ rằng họ sẽ bị tấn công. Việc huy động đồng minh trở nên quan trọng, nhưng các liên minh cũng thường xuyên thay đổi. Trả thù đóng vai trò áp đảo trong động lực của vòng tròn bạo lực (Thay vì vậy Karl Heider mô tả động lực này như là đòi hỏi phải đối xử tốt với hồn ma của những đồng đội mới bị giết). Loại hình chiến tranh này liên quan đến toàn bộ số dân chứ không chỉ quân đội chuyên nghiệp với những người đàn ông trưởng thành: có những vụ có chủ đích giết phụ nữ và trẻ em “thường dân” bên cạnh những “chiến binh” nam. Làng mạc bị đốt phá và cướp bóc. Tính hiệu quả của quân đội thấp theo chuẩn mực chiến tranh hiện đại, là kết quả từ việc chỉ có vũ khí thô sơ, lãnh đạo yếu kém, kế hoạch đơn giản, thiếu đào tạo quân sự theo nhóm và thiếu việc bắn tên phối hợp. Tuy nhiên, vì chiến tranh diễn ra liên miên đã gây hậu quả cho mọi hoạt động con người. Cuối cùng, số người tử vong tuyệt đối chắc chắn thấp do quy mô dân số tham gia nhỏ (so với dân số của hầu hết các quốc gia hiện đại), nhưng số tử vong tương đối xét trên tỷ lệ dân số có liên quan lại rất lớn.
Lịch trình cuộc chiến
Chiến tranh Dani được mô tả là cuộc cạnh tranh giữa hai liên minh, mỗi bên có đến 5.000 người. Để giúp độc giả theo kịp với những cái tên Dani xa lạ sẽ xuất hiện ở những trang sau, tôi sẽ tóm tắt các thành phần liên minh trong Bảng 3.1. Một liên minh, được đặt là Liên minh Gutelu theo tên lãnh đạo Gutelu của liên minh, bao gồm một số nhóm với 1.000 người mỗi nhóm, gồm có Nhóm Wilihiman-Walalua bao quanh khu vực của người Dani Dugum, cùng với các đồng minh của nhóm này là Gosi-Alua, Dloko-Mabel và các nhóm khác. Liên minh kia, sống về phía nam của Liên minh Gutelu, gồm Nhóm Widaia và các đồng minh của họ như là Nhóm Siep-Eloktak, Nhóm Hubu-Gosi, và Nhóm Asuk-Balek. Liên minh Gutelu trong lúc đó cũng đang tham chiến ở mặt trận phía bắc, tuy nhiên cuộc chiến đó sẽ không được thảo luận ở câu chuyện bên dưới. Một vài thập niên trước những sự kiện năm 1961, Nhóm Wilihiman-Walalua và Gosi-Alua đã liên minh với Nhóm Siep-Eloktak và là kẻ thù của Nhóm Dloko-Mabel, cho đến khi những vụ trộm lợn và xung đột liên quan đến phụ nữ khiến Wilihiman-Walalua và Gosi-Alua phải liên minh với Dloko-Mabel, hình thành nên liên minh dưới quyền của Gutelu và tấn công đánh đuổi Siep-Eloktak, nhóm sau đó trở thành đồng minh của Widaia. Sau đó đến những sự kiện năm 1961, Nhóm Dloko-Mabel một lần nữa tấn công, trở thành kẻ thù của Nhóm Wilihiman-Walalua và Nhóm Gosi-Alua.
Tất cả các nhóm này đều nói tiếng Dani và tương đồng về văn hóa cũng như phương tiện mưu sinh. Ở những đoạn sau, tôi sẽ gọi tắt các bên đối đầu là Wilihiman và Widaia, nhưng cách gọi như vậy cần được hiểu rằng mỗi một nhóm này thường có sự kết hợp với một hoặc nhiều nhóm đồng minh khác trong trận chiến.
Bảng 3.1. Thành viên tham gia trong các liên minh chiến tranh Dani
LIêN MINH GUTELU
LIêN MINH WIDAIA
Nhóm Wilihiman-Walalua
Nhóm Gosi-Alua
Nhóm Dloko-Mabel
và các nhóm khác
Nhóm Widaia
Nhóm Siep-Eloktak
Nhóm Hubu-Gosi
Nhóm Asuk-Balek
và các nhóm khác
Tháng 2/1961, trước khi các báo cáo chính của Broekhuijse, Heider và Matthiessen bắt đầu, việc bốn người phụ nữ và một đàn ông của Liên minh Gutela bị giết bởi người Widaia trong khi đang đến thăm những người thân cùng thị tộc ở bộ lạc gần đó trong bữa tiệc lợn đã khiến người Gutelu nổi giận lôi đình. Cũng đã có nhiều vụ giết người khác trước vụ này. Do đó, người ta nên đề cập đến chiến tranh liên minh, thay vì một cuộc chiến với khởi đầu và nguyên nhân cụ thể.
Ngày 3/4 một người đàn ông Widaia bị thương trong trận đánh trước khi qua đời. Về phía Wilihiman, điều đó là sự trả đũa cho cái chết của người đàn ông Wilihiman vào tháng 1 và tái khẳng định sự ủng hộ của tổ tiên họ, tuy nhiên về phía Widaia, cái chết mới của bên Widaia cần phải được trả thù để khôi phục mối quan hệ với tổ tiên của bên này. Vào rạng sáng ngày 10/4 phía Widaia la ó thách thức một trận chiến công khai, phía Wilihiman chấp nhận và đánh nhau cho đến khi cơn mưa kết thúc trận chiến vào lúc 5 giờ chiều11. Mười người Wilihiman đã bị thương nhẹ, một trong các đồng minh Gosi-Alua (một người đàn ông tên Ekitamalek) bị trọng thương (một mũi tên xuyên thủng phổi phía trái, ông ta chết 17 ngày sau đó) và một số người Widaia đã bị thương. Kết quả đó khiến cả hai bên đều nóng lòng chờ đón trận chiến tiếp theo.
Vào ngày 15/4, một lời thách đấu nữa được gửi đi và được chấp nhận, sau đó khoảng 400 chiến binh đã chiến đấu cho đến khi bóng tối bao trùm buộc mọi người phải về nhà. Mỗi bên khoảng 20 người bị thương. Ba người đồng minh Hubikiak của Widaia phải được cáng đi, cùng với tràng cười và la hét chế nhạo từ phía Wilihiman, họ hét lên những lời như: “Hãy để những thằng đần đó tự đi, chúng không phải lợn!… Về nhà đi, vợ chúng mày sẽ nấu khoai tây cho ăn”. Một trong những người Hubikiak bị thương đó đã chết sau 6 tuần.
Ngày 27/4 Ekitamalek, một người Gosi-Alua bị thương hôm 10/4, chết và được thiêu xác. Phía Widaia để ý rằng không người Gosi-Alua nào và một vài người Wilihiman đang chuẩn bị ra ngoài để đến phần vườn của họ, do đó, 30 người Widaia băng qua sông đến vùng đất của Wilihiman và phục kích. Khi không ai xuất hiện, người Widaia đã phá sập một tháp canh của người Wilihiman sau đó trở về nhà.
Ngày 4/5 người Wilihiman và đồng minh của họ phát đi lời thách đấu và chờ đợi ở chiến trường đã chọn, nhưng không người Widaia nào xuất hiện, nên họ quay về.
Ngày 10/5 và 11/5, cha của Ekitamalek lãnh đạo một cuộc đột kích của Nhóm Gosi-Alua, Walalua và nhiều người đàn ông Wilihiman vào phần vườn Widaia trong khi những người đàn ông và phụ nữ Wilihiman vẫn làm việc trong vườn của họ, làm như thể mọi thứ đều bình thường, do đó người Widaia không nghi ngờ gì về cuộc phục kích. Những người tấn công chú ý đến hai người đàn ông Widaia đang làm việc trong vườn trong khi một người thứ ba đang gác trên đỉnh tháp canh. Qua nhiều giờ, phía đột kích âm thầm tiến gần hơn cho đến khi người Widaia canh gác phát hiện ra họ ở khoảng cách 50 mét. Cả ba người Widaia đều bỏ chạy, nhưng phía tấn công tìm cách bắt được một người tên Huwai, đâm anh ta liên tục bằng giáo, rồi bỏ chạy. Một cuộc phản phục kích mà phía Widaia tổ chức trong lãnh thổ Wilihiman đã không thành công. Người Widaia bị thương chết một ngày sau đó. Ba người Wilihiman bị thương nhẹ vào ngày tấn công. Người Wilihiman giờ đây cảm thấy đã trả thù được cho cái chết của người đồng minh Gosi-Alua và đã tổ chức ăn mừng nhảy múa đến tối.
Ngày 25/5, các chiến binh Gutelu ở mặt trận của liên minh phía bắc giết một người thuộc Nhóm Asuk-Balek, nhóm này liên minh với Widaia và góp phần quan trọng vào việc giết chóc ngày 25/8 sẽ được trình bày dưới đây.
Ngày 26/5, cả hai bên đều đưa ra lời thách đấu, tiến hành tấn công và giao chiến đến tận cuối buổi chiều, rồi quay về nhà. Mười hai người Wilihiman bị thương nhẹ.
Ngày 29/5, phía Widaia báo rằng người chiến binh của họ bị thương ngày 15/4 vừa chết, khiến phía Wilihiman tổ chức nhảy múa ăn mừng song đã bị cắt ngang bởi báo cáo về cuộc đột kích của Widaia ở mặt trận phía bắc.
Phía Widaia giờ đây đang cảm thấy không thể nghỉ ngơi vì họ đã chịu đựng hai cái chết mà không thể báo thù. Ngày 4/6, họ phái một nhóm phục kích, sự việc này phát triển thành một trận đánh lên đến 800 người tham gia và chỉ ngưng khi bóng đêm ập xuống. Ba người Wilihiman bị thương nhẹ.
Một trận đánh tổng lực diễn ra vào ngày 7/6, với 400 hoặc 500 chiến binh mỗi bên. Giữa rừng giáo mác và cung tên từ hai nhóm đối đầu cách nhau 20 mét, những người nóng nảy đánh nhau trong vòng 5 mét và liên tục di chuyển để tránh bị đánh trúng. Khoảng 20 người bị thương.
Cuộc đột kích của người Wilihiman ngày 8/6 được suy đoán từ các dấu chân nhưng không bị phát giác.
Ngày 10/6, người Wilihiman dồn sức cho một buổi lễ và không ai ra vườn hoặc gác tháp canh. Vào cuối buổi chiều của ngày nóng bức đó, một người đàn ông Wilihiman và ba cậu bé ra sông uống nước, nơi họ kinh ngạc trước 30 người Widaia chia thành hai nhóm. Khi nhóm đầu tiên tiến đến, bốn người Wilihiman bỏ chạy, từ đó nhóm Widaia thứ hai đang ẩn mình cố gắng chặn đường. Người đàn ông Wilihiman và hai cậu bé xoay sở chạy thoát, nhưng Wejakhe, cậu bé thứ ba, không thể chạy nhanh vì chân bị thương, đã bị bắt và bị gây thương tích nghiêm trọng, cuối cùng cậu bé đã chết vào đêm đó.
Ngày 15/6, người thân Wilihiman của Wejakhe tổ chức một cuộc tấn công nhưng bất thành.
Ngày 22/6, phía Widaia loan báo lời thách đấu và một trận chiến với khoảng 300 người mỗi bên kéo theo một trận phục kích. Bốn người bị thương nhẹ. Một người của Nhóm Dloko-Mabel bị thương nghiêm trọng bởi mũi tên đâm vào vai và bạn chiến đấu của anh ta cố gắng lấy nó ra, ban đầu giữ mũi tên bằng răng và kéo ra, sau đó phẫu thuật (không thuốc tê) bằng con dao tre.
Ngày 5/7, sau hai tuần ngừng giao chiến, Wilihiman đột kích vườn Widaia. Một người đàn ông Wilihiman tên Jenokma, vốn nhanh hơn các bạn chiến đấu, hấp tấp chạy lên phía trước theo sau một nhóm sáu người Widaia đang bỏ chạy, đã bị chặn lại và bị đâm giáo. Bạn chiến đấu của anh ta bỏ chạy, người Widaia khiêng xác của anh ta đi nhưng lại mang xác trở lại tối hôm đó và đặt ở vùng đất không thuộc sở hữu của ai cả để người Wilihiman mang về. Ba người đồng minh Gosi-Alua của Wilihiman bị thương nhẹ. Wilihiman giờ đây đang trong tình trạng căng thẳng: họ đã hy vọng giết được ai đó, nhưng thay vì vậy, chính họ đã phải hứng chịu một cái chết nữa. Một phụ nữ cao tuổi người Wilihiman than vãn, “Tại sao cố giết người Widaia làm gì?” Một người đàn ông Wilihiman trả lời, “Những người đó là kẻ thù của chúng ta. Tại sao chúng ta không nên giết chúng? – Chúng không phải con người.”
Ngày 12/7, phía Wilihiman dành cả ngày phục kích cho đến khi họ phát đi lời thách đấu vào khoảng 5 giờ chiều. Tuy nhiên, đó là một ngày mưa nên phía Widaia không chấp nhận lời thách hoặc không ra vườn.
Ngày 28/7, phía Widaia tổ chức một cuộc đột kích nhưng bị phát hiện bởi một nhóm 8 người đàn ông Wilihiman ở tháp canh. Những người Wilihiman này đang ẩn núp gần đó. Không phát hiện thấy người Wilihiman nào xung quanh, phía Widaia đến tháp của họ, một người trong nhóm leo lên để nhìn. Vào lúc đó, phía Wilihiman đang núp nhảy ra, phía Widaia bỏ chạy và người đàn ông ở trên tháp cố gắng nhảy xuống nhưng không đủ nhanh và bị bắt giết. Tối đó, phía Wilihiman trả xác của người này cho người Widaia.
Ngày 2/8, một trận chiến nhỏ được khơi mào khi một con lợn của người Widaia hoặc bị người Wilihiman lấy trộm hoặc đi ra khỏi lãnh thổ của họ.
Ngày 6/8, một trận chiến lớn được hình thành giữa người Wilihiman, người Widaia, và đồng minh của hai bên. Một trận chiến tương tự diễn ra giữa các cậu bé Wilihiman và Widaia khoảng 6 tuổi, đứng hai bên bờ sông, bắn tên vào nhau và được khuyến khích bởi người lớn. Chỉ 5 người đàn ông bị thương nhẹ, vì trận chiến thoái trào thành trận lăng mạ hơn là đánh nhau. Một số từ xúc phạm ví dụ: “Mày là đàn bà, mày là đồ hèn”; “Vì sao chúng mày có nhiều phụ nữ hơn so với vị thế thấp kém mà chúng mày đang có?”; “Tao có 5 bà vợ, và tao sẽ có thêm 5 bà nữa vì tao sống trên đất của tao. Chúng mày là lũ tội phạm không có đất, do đó chúng mày không có vợ đâu.”
Ngày 16/8, một trận chiến lớn khác lôi kéo đồng minh của cả hai bên diễn ra. ít nhất 20 người đàn ông bị thương, một người có thể bị thương nghiêm trọng bởi một mũi tên bắn vào bụng. Phía Wilihiman cảm thấy căng thẳng, áp lực bởi không thể trả đũa hai cái chết gần đây và chịu nỗi ám ảnh tập thể phải giết nhanh chóng kẻ thù. Linh hồn tổ tiên của họ mong muốn trả thù, điều mà họ chưa thực hiện được. Họ cảm thấy rằng linh hồn tổ tiên không còn hỗ trợ họ và rằng họ chỉ còn dựa vào chính mình; nỗi sợ đó hạ thấp ý chí chiến đấu.
Ngày 24/8, một phụ nữ Widaia giận chồng nên bỏ trốn sang đất người Wilihiman để xin tị nạn. Một nhóm Wilihiman muốn giết cô để trả đũa cho cái chết của Jenokma ngày 5/7, nhưng họ bị ngăn cản.
Ngày 25/8, như tôi đã kể ở chương 2, bốn người đàn ông Asuk-Balek từ phía bên kia của sông Baliem đến thăm họ hàng của hai người đàn ông ở vùng Dloko-Mabel. Họ chạy vào nhóm Wilihiman, nhóm này ngay lập tức nhận ra đây là đồng minh của kẻ thù và hai người không có người thân trong nhóm phải bị giết. Một trong hai người đó bỏ trốn thành công, nhưng người xấu số còn lại bị giết. Khi đàn ông Wilihiman kéo xác người Asuk-Balek đang sắp chết, các cậu bé chạy theo, đâm vào xác người đó bằng những cây giáo nhỏ. Vụ giết người đó khiến phía Wilihiman lấy làm vui thích, sau đó là một buổi nhảy múa ăn mừng. Phía Wilihiman kết luận rằng người Asuk-Balek đó đã được linh hồn tổ tiên dẫn đường đến với họ, hoặc nếu không thì là hồn ma của Jenokma. Dù cuộc trả thù này không tương xứng (cái chết của chỉ một kẻ thù đổi lấy hai cái chết trước đó của người Wilihiman), nhưng căng thẳng đã giảm xuống. Việc giết dù chỉ một kẻ thù là dấu hiệu chắc chắn nhất rằng linh hồn tổ tiên lại đang giúp sức cho họ.
Đầu tháng 9, một cuộc đột kích của người Widaia đã giết chết một cậu bé tên Digiliak, trong khi một cuộc đột kích của Gutelu giết hai người Widaia. Ngày hôm sau, chiến tranh đột ngột chấm dứt ở mặt trận phía nam Gutelu bởi việc thành lập một trạm tuần tra Hà Lan ở đó, nhưng vẫn tiếp diễn ở mặt trận còn lại của Gutelu.
Mỗi hành động được mô tả từ đầu chương đến giờ chỉ tạo nên những hậu quả hữu hình hạn chế, vì ít người chết và không nhóm người nào bị đánh đuổi khỏi quê hương. 5 năm sau, ngày 4/6/1966, một trận thảm sát quy mô lớn diễn ra. Nguồn gốc sự kiện này nằm ở những căng thẳng bên trong Liên minh Gutelu, giữa lãnh đạo liên minh Gutelu của Nhóm Dloko-Mabel, với các lãnh đạo đang ghen tức của Nhóm Wilihiman-Walalua và Nhóm Gosi-Alua đồng minh. Vài thập niên trước đó, hai nhóm được đề cập sau đã có chiến tranh với Nhóm Dloko-Mabel cho đến khi xảy ra một vụ chuyển đổi liên minh. Không rõ là bản thân Gutelu có tính trước về việc tấn công những kẻ cựu thù không, hay liệu ông ta không thể khống chế những cái đầu nóng trong tộc người của mình. Nếu cách diễn giải thứ hai là chính xác, thì điều đó sẽ cho thấy một vấn đề lặp đi lặp lại trong xã hội bộ lạc đó là sự thiếu vắng quyền lãnh đạo mạnh mẽ và độc quyền hóa vũ lực vốn là đặc trưng của tù trưởng quốc và các xã hội nhà nước. Cuộc tấn công này đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng vào ngày nhà truyền giáo địa phương và cảnh sát Indonesia (nước này đã nắm quyền kiểm soát phía đông New Guinea từ người Hà Lan năm 1962) vô tình đi xa. Các chiến binh Dloko-Mabel và những thành viên phương bắc khác của Liên minh Gutelu âm thầm tiến qua sông Elogeta vào lúc rạng sáng trong màn sương mù bao phủ để tấn công các thành viên phương nam của liên minh. Trong vòng một giờ đồng hồ, 125 người lớn và trẻ em phương nam đã chết hoặc hấp hối, hàng chục khu định cư bị đốt và các liên minh khác được báo trước về cuộc tấn công sắp đến đều tham gia cướp lợn. Những người phía nam chắc hẳn đã bị hủy diệt nếu không có sự giúp đỡ nhận được từ một liên minh khác xa hơn về phương nam mà trước đây từng là đồng minh của họ. Kết quả là, ngoại trừ những người đã chết, một cuộc bỏ chạy của những người phương nam về phía nam xa hơn, và sự chia rẽ trong Liên minh Gutelu giữa những người phương nam, phương bắc. Những cuộc thảm sát như vậy là các sự kiện không thường xuyên nhưng để lại hậu quả nặng nề. Karl Heider được nghe về 4 cuộc thảm sát khác như vậy, đốt làng mạc, cướp lợn và thay đổi dân số giữa những năm 1930 và 1962.
Số lượng người tử vong trong cuộc chiến
Tất cả giao tranh trong khoảng thời gian từ tháng 4-9/1961 chỉ dẫn đến khoảng 11 cái chết ở mặt trận phía nam. Kể cả cuộc thảm sát ngày 4/6/1966 cũng chỉ gây nên 125 cái chết. Đối với chúng ta, những người sống sót sau thế kỷ XX và hai cuộc thế chiến, những con số như vậy thấp đến nỗi thậm chí không đáng để phóng đại với cái tên chiến tranh. Hãy nghĩ về các con số thống kê tử vong cao hơn rất nhiều trong lịch sử nhà nước hiện đại: 2.996 người Mỹ bị giết trong vòng một giờ đồng hồ trong cuộc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001; 20.000 người Anh bị giết trong chỉ một ngày 1/7/1916 ở trận chiến Somme trong Thế chiến I, bị bắn chết hàng loạt khi băng qua vùng đất trống trước các chốt của quân Đức được trang bị đầy đủ súng máy; khoảng 100.000 người Nhật bị giết vào hoặc sau ngày 6/8/1945, bởi bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hiroshima; và hơn 50 triệu người chết do Thế chiến II. Theo những tiêu chuẩn này, cuộc chiến của người Dani mà tôi vừa tóm tắt chỉ là một cuộc chiến tranh nhỏ, nếu vẫn được xem là chiến tranh.
Đúng vậy, khi được đo lường bằng số người chết tuyệt đối, Chiến tranh Dani quả thật tí hon. Tuy nhiên, các quốc gia trong Thế chiến II có dân số đông hơn rất nhiều và số nạn nhân tiềm tàng lớn hơn rất nhiều so với hai liên minh tham gia vào chiến tranh Wilihiman-Widaia. Các liên minh này có tổng cộng khoảng 8.000 người, trong khi những nước tham chiến trọng yếu trong Thế chiến II có dân số từ hàng chục triệu đến gần một tỷ. Số tử vong tương đối trong Chiến tranh Dani – số người Dani bị giết trong tỷ lệ với tổng dân số liên quan – xấp xỉ hoặc hơn tỷ lệ tử vong mà các nước Mỹ, châu âu, Nhật hay Trung Quốc phải gánh chịu trong các cuộc thế chiến. Ví dụ, 11 cái chết mà hai liên minh người Dani phải gánh chịu trên chỉ một mặt trận miền nam Gutelu, trong 6 tháng từ tháng 4-9/1961, tương ứng khoảng 0,14% dân số của hai liên minh. Con số này cao hơn phần trăm tử vong (0,1%) ở trận chiến đẫm máu nhất tại mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai: cuộc chiến kéo dài ba tháng để giành lấy Okinawa, sử dụng máy bay ném bom và máy bay kamikaze cùng với pháo binh, máy phun lửa, theo đó khoảng 264.000 người (23.000 lính Mỹ, 91.000 lính Nhật và 15.000 dân thường Okinawa) đã thiệt mạng, trong tổng số dân Mỹ/Nhật/Okinawa lúc bấy giờ vào khoảng 250 triệu người. 125 đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị giết trong vòng một giờ ở cuộc thảm sát Dani ngày 4/6/1966 tương ứng với 5% dân số bị nhắm đến (khoảng 2.500 người), các nhóm phương nam của Liên minh Gutelu. Để bì được với con số phần trăm này, quả bom hạt nhân Hiroshima hẳn phải giết đến 4 triệu người thay vì 100.000 người Nhật và cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới hẳn phải giết đến 15 triệu người Mỹ thay vì 2.996.
Theo các tiêu chuẩn thế giới, Chiến tranh Dani trở nên tí bé nhỏ chỉ vì số dân Dani chịu rủi ro bị giết cũng khá ít. Theo tiêu chuẩn dân số địa phương liên quan, Chiến tranh Dani trở nên khổng lồ. Ở chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy rằng kết luận đó cũng phù hợp với chiến tranh truyền thống nói chung.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.