Thế Giới Nghịch

Chương 005



“Nghe này.” Charlie Huggins nói, mắt dán vào chiếc ti vi trong căn bếp nhà anh ở San Diego. Ti vi đã tắt tiếng nhưng anh đang đọc hàng chữ bên dưới. Hàng chữ viết “Dã nhân biết nói bị triệu tập ở Sumatra.”

“Ý anh là nó bị lập biên bản lái xe quá tốc độ ư?” Vợ anh vừa nói vừa liếc nhìn màn hình. Cô đang làm bữa sáng.

“Không phải.” Huggins nói “Chắc ý của họ là con dã nhân bị trông thấy. Có chữ ‘s’(9).”

(9) Cited (bị triệu tập) và sighted (được nhìn thấy) đồng âm trong tiếng Anh.

“Có chữ ‘s’ à? Nghĩa là con dã nhân đó được trông thấy(10)?” Vợ anh là giáo viên Anh ngữ ở trường trung học. Cô thích những trò đùa như thế này.

(10)Sighted vừa có nghĩa “nhìn thấy được (không bị mù)” Vừa có nghĩa “bị trông thấy”.

“Không đâu em. Câu chuyện nói là… nhóm người nào đó ở Sumatra bắt gặp một con dã nhân trong rừng biết nói.”

“Em tưởng dã nhân không nói được chứ.” Vợ anh nói.

“Thì bản tin nói vậy mà.”

“Vậy thì nhất định là chuyện xạo rồi.”

“Em nghĩ vậy à? Ừ, giờ thì… Britney Spears sẽ không ly hôn. Anh thấy nhẹ nhõm thật. Cô nàng chắc đang mang bầu nữa rồi. Nhìn mấy tấm hình trông có vẻ như vậy. Còn Posh Spice thì mặc một chiếc đầm xanh lá cây khá đẹp đi dự hội. Rồi Sting thì nói hắn có thể quan hệ tình dục liền tám tiếng không nghỉ.”

“Làm chậm hay làm nhanh?” Vợ anh nói.

“Hình như là dùng mật chú.”

“Em nói món trứng của anh kìa.”

“Làm chậm đi.”

“Anh gọi tụi nhỏ được không?” Cô nói. “Gần xong hết rồi.”

“Ờ.” Charlie đứng dậy khỏi bàn rồi đi về phía cầu thang. Khi anh tới phòng khách, chuông điện thoại reo. Là phòng thí nghiệm gọi.

Trong phòng thí nghiệm của công ty Radial Genomics Inc., giữa những lùm bạch đàn trong khuôn viên trường Đại học California ở San Diego, Henry Kendall gõ ngón tay liên hồi trên mặt bếp chờ Charlie nhấc máy. Điện thoại reo ba lần. Nó đang ở cái nơi đéo nào thế? Cuối cùng giọng của Charlie:

“Alô?”

“Charlie.” Henry nói. “Anh nghe tin đó chưa?”

“Tin gì?”

“Con dã nhân ở Sumatra đấy, Chúa ơi.”

“Chắc là chuyện tào lao thôi mà.” Charlie nói.

“Sao?”

“Thôi mà, Henry. Anh biết đó là chuyện tào lao mà.”

“Người ta nói con dã nhân nói tiếng Hà Lan.”

“Chuyện vớ vẩn.”

“Có thể là nhóm của Uttenbroek.” Kendall nói.

“‘Không đâu. Con dã nhân to mà, hai ba tuổi gì đó.”

“Thì sao? Uttenbroek có thể đã làm chuyện đó từ vài năm trước. Nhóm của hắn đủ hiện đại mà. Vả lại, mấy gã từ Utrecht đó đều là nhừng tên ba xạo.”

Charlie Huggins thở dài.

“Ở Hà Lan mà làm nghiên cứu ấy là phạm pháp đấy.”

“Đúng. Bởi vậy chúng mới đến Sumatra để làm đấy thôi.”

“Công nghệ đó quá khó, Henry. Nhiều năm nay rồi mình có tạo ra được con dã nhân chuyển gien nào đâu. Anh biết mà.”

“Tôi không biết. Anh có nghe Utrecht tuyên bố gì hôm qua không? Bọn họ thu hoạch tế bào gốc của bò đực cấy vào tinh hoàn chuột đấy. Tôi thấy làm vậy mới là khó. Tôi thấy làm vậy tối tân bỏ mẹ đi.”

“Nhất là đối với mấy con bò.”

“Tôi không thấy có gì buồn cười ở đây.”

“Anh không tưởng tượng được à? Mấy con chuột đáng thương, lê lết khắp nơi với mấy cái hòn dái bò tím tái tổ chảng ấy…”

“Cũng không phải là chuyện đáng…”

“Henry.” Charlie nói. “Có phải anh muốn nói cho tôi biết là anh xem ti vi đưa tin về một con dã nhân biết nói rồi anh tin không?”

“Tôi e là vậy.”

“Henry này.” Charlie nghe tỏ vẻ cáu. “Ti vi mà. Tin này phát trên đó cùng với tin về con rắn hai đầu. Bình tâm lại đi.”

“Con rắn hai đầu có thật đấy.”

“Tôi phải đưa tụi nhỏ đi học. Nói chuyện với anh sau vậy.” Rồi Charlie dập máy.

Cái thằng bỏ mẹ. Vợ nó luôn đưa mấy đứa nhỏ đi học mà.

Thằng cha này đang né tránh mình.

Henry Kendall đi quanh phòng thí nghiệm, nhìn trân trân ra cửa sổ, rồi cứ đi đi lại lại. Hắn hít một hơi thật sâu. Dĩ nhiên hắn biết Charlie đúng. Chắc chắn là chuyện xạo rồi.

Nhưng… nếu không phải chuyện xạo thì sao?

Đúng là Henry Kendall có khuynh hướng dễ xúc động thật; hai tay hắn thi thoảng lại run lên bần bật lúc hắn nói, nhất là những khi bị kích động. Và hắn là một kẻ khá lóng ngóng, lúc nào cũng vấp váp, đâm sầm vào thứ này thứ kia ở phòng thí nghiệm. Hắn có cái bụng lúc nào cũng thấp thỏm. Hắn là một kẻ hay lo nghĩ.

Nhưng điều mà Henry không thể nói cho Charlie biết đó là lý do thật sự khiến hắn giờ đây đang lo lắng có liên quan đến một cuộc nói chuyện xảy ra cách đây một tuần. Lúc đó cuộc nói chuyện này có vẻ như vô nghĩa.

Giờ thì nó lại mang một tính chất gì đó đáng lo ngại hơn thế.

Một cô thư ký ngô nghê nào đó từ Tổng Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã gọi tới phòng thí nghiệm hỏi gặp tiến sĩ Kendall. Khi hắn trả lời điện thoại, cô ta nói. “Ông có phải tiến sĩ Henry A. Kendall không?”

“Phải…”

“Có đúng là cách đây bốn năm ông đã đến NIH trong thời gian nghỉ phép sáu tháng không?”

“Phải, tôi có đến đó.”

“Có phải từ tháng Năm tới tháng Mười không?”

“Tôi nghĩ vậy. Có chuyện gì vậy?”

“Và ông đã thực nghiệm một phần công trình nghiên cứu của mình ở trạm nghiên cứu linh trưởng ở bang Maryland đúng không?”

“Phải.”

“Và có đúng là khi ông tới NIH vào tháng Năm đó, ông đã làm xét nghiệm thông thường về những bệnh lây nhiễm, bởi ông sắp làm nghiên cứu về linh trưởng?”

“Phải.” Henry nói. Họ đã làm một loạt xét nghiệm, mọi thứ từ HIV tới viêm gan siêu vi và cúm. Họ đã lấy nhiều máu. “Cho tôi hỏi có chuyện gì vậy?”

“Chẳng là tôi đang điền thêm thông tin vào một số giấy tờ.” Cô nói, “cho tiến sĩ Bellarmino thôi.”

Henry thấy ớn lạnh.

Rob Bellarmino là trưởng khoa di truyền học ở NIH. Khi Henry ở đó bốn năm trước, ông ta còn chưa có mặt, giờ thì ông ta phụ trách mọi thứ. Và ông ta chẳng phải bạn đặc biệt gì của Henry hay Charlie.

“Có vấn đề gì à?” Henry hỏi. Hắn có cảm giác rất rõ rằng có chuyện gì đó không ổn.

“Không, không.” Cô nói. “Chúng tôi vừa bị mất một số giấy tờ mà tiến sĩ Bellarmino lại là người khắt khe về chuyện giấy tờ. Khi còn ở trạm nghiên cứu linh trưởng, ông có làm cuộc nghiên cứu nào liên quan đến một con tinh tinh cái có tên Mary không? Số hiệu của nó là F-402.”

“Ờ, tôi không nhớ nữa.” Henry nói. “Cách đây cũng lâu rồi. Tôi làm việc với nhiều con tinh tinh khác nhau. Tôi không nhớ cụ thể là con nào.”

“Nó đang mang thai vào mùa hè năm đó.”

“Tôi xin lỗi, tôi không tài nào nhớ được.”

“Đó là mùa hè chúng ta chứng kiến dịch viêm não bùng nổ và người ta phải cách ly phần lớn số tinh tinh, có đúng không?”

“Đúng. Tôi nhớ vụ cách ly. Người ta chuyển tinh tinh khắp cả nước đến nhiều trạm nghiên cứu khác nhau.”

“Cảm ơn tiến sĩ Kendall. À… sẵn lúc ông chưa cúp máy, tôi xác nhận địa chỉ của ông được không? Theo hồ sơ của chúng tôi thì địa chỉ ông là 348 đường Marbury Madison, La Jolla?”

“Phải, đúng vậy.”

“Cảm ơn ông đã dành thời gian, tiến sĩ Kendall.”

Toàn bộ cuộc nói chuyện là như vậy. Lúc ấy, Henry chỉ nghĩ Bellarmino là một tên chó má không đơn giản; chẳng ai biết được hắn đang mưu tính chuyện gì.

Nhưng giờ đây… với con linh trưởng này ở Sumatra…

Henry lắc đầu.

Charlie Huggins muốn tranh cãi gì thì tùy, nhưng sự thật là các nhà khoa học đã tạo ra được khi chuyển gien rồi. Họ đã làm được điều đó cách đây nhiều năm rồi. Thời nay có đủ loại thú có vú chuyển gien mà – chó, mèo, đủ thứ con. Chuyện con đười ươi biết nói là thú chuyển gien chẳng phải là chuyện không thể xảy ra.

Công việc của Henry ở NIH trước giờ vẫn liên quan tới việc nghiên cứu cơ sở di truyền của bệnh tự kỷ. Hắn đến trạm nghiên cứu linh trưởng là vì muốn biết những gien nào giải thích cho sự khác biệt về khả năng giao tiếp giữa người và dã nhân. Hắn cũng làm được chút việc với phôi tinh tinh. Công việc chẳng dẫn đến đâu cả. Kỳ thực, hắn hầu như chưa xúc tiến được gì nhiều thì dịch viêm não đã bùng phát làm ngưng trệ nghiên cứu của hắn. Rốt cuộc hắn đành phải trở lại Bethesda làm trong phòng thí nghiệm trong suốt thời gian nghỉ phép.

Đó là tất cả những gì hắn biết.

Ít nhất là những gì hắn biết chắc.

NGƯỜI VÀ TINH TINH CHẤM DỨT GIAO PHỐI VỚI NHAU CHỈ GẦN ĐÂY

Phân hóa giống loài không chấm dứt dục tính, các nhà nghiên cứu tìm ra một kết quả gây tranh cãi từ ngành di truyền học.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts đưa ra kết luận rằng sự phân hóa loài giữa người và tinh tinh mới chỉ xảy ra trong khoảng thời gian gần hơn chúng ta vẫn tưởng. Các nhà nghiên cứu gien từ lâu đã biết dã nhân và con người đều có một tổ tiên chung, từng đi lại khắp nơi trên trái đất khoảng mười tám triệu năm về trước. Vượn là loài tách ra khỏi nhóm đầu tiên, khoảng mười sáu triệu năm trước. Đười ươi tách ra khoảng hai mươi hai triệu năm trước. Khỉ đột tách ra mười triệu năm trước. Tinh tinh và loài người là hai loài cuối cùng chấm dứt sự gắn kết vào khoảng chín triệu năm trước.

Tuy nhiên, sau khi giải mã bộ gien người vào năm 2001, các nhà di truyền học phát hiện loài người và tinh tinh khác nhau chỉ 1,5 % số gien – tổng cộng khoảng năm trăm gien. Con số này thấp hơn nhiều so với mong đợi. Vào khoảng năm 2003, các nhà khoa học đã bắt đầu phân loại chính xác những gien nào khác nhau giữa hai loài. Giờ đây chúng ta đã biết rõ rằng nhiều protein cấu trúc, gồm hemoglobin và protein cytochrome c, đều được xác định ở tinh tinh và người. Máu người và máu tinh tinh giống nhau hoàn toàn. Nếu phân hóa giữa hai loài xảy ra cách đây chín triệu năm, thì tại sao hai loài vẫn giống nhau đến vậy?

Các nhà di truyền học thuộc Đại học Harvard tin rằng người và tinh tinh vẫn tiếp tục giao phối trong một khoảng thời gian dài sau quá trình phân hóa giống loài. Hiện tượng giao phối này, hay hiện tượng lai giống, tạo ra sức ép về mặt tiến hóa cho nhiễm sắc thể X, khiến nó phải thay đổi nhanh hơn bình thường. Khám phá của nhóm nghiên cứu cho thấy những gien mới nhất trên bộ gien người xuất hiện trên nhiễm sắc thể X.

Theo đó, các nhà nghiên cứu lập luận rằng sự giao phối giữa thủy tổ loài người và tinh tinh kéo dài đến thời điểm 5,4 triệu năm về trước mới chấm dứt, kể từ đó sự phân hóa giữa hai loài trở thành vĩnh viễn. Quan điểm mới này đối lập hoàn toàn so với quan điểm nhất quán cho rằng một khi hiện tượng phân hóa giống loài xảy ra, sự lai giống có “ảnh hưởng không đáng kể”. Nhưng theo tiến sĩ David Reich thuộc Đại học Harvard, hiện tượng lai giống ít thấy ở các loài khác “có thể chỉ bởi vì chúng ta lâu nay vẫn chưa tìm hiểu về hiện tượng này”.

Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Harvard cảnh báo, hiện tượng giao phối giữa người và tinh tinh không thể xảy ra vào thời đại ngày nay. Họ chỉ ra rằng những bài báo về “người dã nhân” lai giống luôn luôn có thể được chứng minh là bịa đặt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.