Thế Giới Nghịch

Chương 030



Trong căn phòng hội nghị có tường lợp kính trên đại lộ Madison, công ty tiếp thị Watson & Naeme đang bận rộn đặt tên một sản phẩm mới. Căn phòng chật cứng các cô cậu sành điệu trong độ tuổi từ mười ba tới hai mươi chín, tất cả đều ăn mặc rất tự nhiên, như thể họ đang tham dự một buổi biểu diễn nhạc rock thay vì một buổi diễn thuyết vậy, buổi diễn thuyết khô khan của một vị giáo sư đeo nơ bướm đang đứng trên bục thuyết giảng, nói về một gien có tên A58799-6B. Vị giáo sư hiện đang cho khán giả xem sơ đồ hoạt động của gien với chức năng enzym, những đường màu đen ngoằn ngoèo trên những đường màu trắng. Bọn trẻ buông thõng người, thả phịch xuống chỗ ngồi, tay bấm BlackBerry. Chỉ có vài người cố gắng tập trung vào bài giảng.

Ngồi phía sau căn phòng, lãnh đạo của nhóm, một nhà tâm lý học tên Paul Gode, xoay ngón tay trong không trung ra hiệu cho vị giáo sư kết thúc bài giảng. Nơ Bướm trông ngạc nhiên, nhưng ông kết thúc một cách suôn sẻ.

“Tóm lại,” Vị giáo sư nói. “nhóm chúng tôi ở Đại học Columbia đã cô lập được một gien thúc đẩy sự hòa hợp xã hội và gắn kết trong nhóm. Gien này làm được điều đó bằng cách kích hoạt vỏ não ở thùy trước trán, một khu vực mà người ta biết là đóng vai trò quan trọng trong việc xác định niềm tin và độ tin cậy. Chúng tôi đã chứng minh tác dụng của gien này bằng cách cho các đối tượng thí nghiệm tiếp xúc với những ý tưởng truyền thống lẫn những ý tưởng gây tranh cãi. Các ý tưởng gây tranh cãi tạo ra một dấu ấn rõ rệt ở vùng trước trán, trong khi đó các ý tưởng truyền thống lại tạo ra một sự kích hoạt phân tán – anh chị có thể gọi sự kích hoạt này là sự rạng rỡ ấm áp. Do đó các đối tượng có gien này cho thấy rất rõ họ ưa thích tư duy truyền thống và những ý tưởng quen thuộc. Họ cũng biểu hiện sự ưa thích đối với tất cả các loại tư duy nhóm. Họ thích ti vi. Họ thích Wikipedia. Họ thích những bữa tiệc cocktail. Họ thích chuyện phiếm. Họ thích hòa đồng với những người xung quanh. Gien của chúng tôi có ảnh hưởng quan trọng trong việc ổn định xã hội và nền văn minh. Vì nó là gien thúc đẩy tri thức truyền thống, chúng tôi gọi nó là gien truyền thống.”

Khán giả ngồi im lặng. Ngạc nhiên tột độ. Cuối cùng một người trong số họ nói:

“Ông gọi nó là gì cơ?”

“Gien truyền thống.”

“Chúa ơi, cái tên tồi quá!”

“Tự sát.”

“Quên đi.”

“Hoặc là.” Vị giáo sư nói nhanh. “Chúng ta gọi nó là gien văn minh hóa vậy.”

Nhiều tiếng rên rỉ trong phòng, “Gien văn minh hóa ư? Tên đó còn tệ hơn nữa! Tệ hơn!”

“Kinh khủng.”

“Eo ôi!”

“Nhảy cầu đi!”

Vị giáo sư trông lúng túng. “Tên đó có vấn đề gì chứ? Văn minh là một chuyện tốt mà, đúng không?”

“Dĩ nhiên rồi.” Vị lãnh đạo nhóm vừa nói vừa đi lên từ phía sau. Paul Gode bước lên bục. “Vấn đề duy nhất là không ai ở đất nước này muốn xem mình là người gắn kết hay người văn minh cả. Ngược lại thì đúng hơn – tất cả chúng ta đều là những người theo cá nhân chủ nghĩa cứng rắn. Chúng ta đều là những người nổi loạn. Chúng ta là những người chống lại quan niệm thể chế. Chúng ta nổi bật, chúng ta tự lực, chúng ta làm chuyện của mình, theo cách của mình. Một đám người có trí óc độc lập, có ai đó đã gọi như vậy. Không ai muốn cảm thấy mình không phải là người nổi loạn cả. Không ai muốn thừa nhận là mình chỉ muốn hòa nhập thôi.”

“Nhưng sự thật thì ai cũng muốn hòa nhập,” Vị giáo sư nói. “ít ra là đa số mọi người. Khoảng chín mươi hai phần trăm người dân có gien tri thức truyền thống này. Những kẻ nổi loạn thực sự thì thiếu gien này và họ là…”

“Ngừng lại đi.” Vị lãnh đạo nhóm vừa nói vừa đưa tay lên. “Ngừng được rồi. Anh muốn gien của anh có giá trị. Vậy thì gien của anh phải tạo ra thứ gì đó mà người ta muốn sở hữu – thứ gì đó lý thú và hợp ý mọi người. Tri thức truyền thống không lý thú hay hợp ý ai cả. Nó trần tục lắm. Nó là bánh mì nướng trét bơ ăn với mứt nho. Đó là những gì mà nhóm đây muốn nói cho ông biết.” Ông ta chỉ một cái ghế. “Ông có thể an tọa được rồi, giáo sư.”

Gode quay sang nhóm người bây giờ trông có vẻ tỉnh táo hơn một chút.

“Được rồi, Mọi người? Cất BlackBerry nào. Hãy nghe các bạn nói nào.”

“Gọi nó là gien thông minh được không?” Một người nói.

“Tốt, nhưng không chính xác.”

“Gien giản đơn.”

“Đúng hướng đấy…”

“Gien xã hội.”

“Quá đề cao.”

“Gien giao thiệp.”

“Mang tính trị liệu quá.”

“Gien thông thái. Gien thông thái.”

“Gien thông thái. Tốt, tốt lắm.”

“Gien tư duy cánh hữu.”

“Quá tư tưởng Mao đi. Còn không thì quá Phật giáo. Thôi nào, tỉnh ngủ đi.”

“Gien tiệc tùng.”

“Gien vui chơi.”

“Gien jean giặt với đá bọt. Gien jean bó eo.”

“Gien vui vẻ.”

“Gien xả láng.”

Gode đang chau mày, rồi lại đưa tay lên một lần nữa.

“Chuyển hướng.” Ông ta nói. “Lùi lại. Tua lại. Nghĩ lại. Vấn đề của chúng ta là gì? Gien này thật sự là gien của tri thức truyền thống – gien tri thức truyền thống – nhưng chúng ta không muốn nói vậy. Vậy thì. Tri thức truyền thống hay ở điểm nào? Nếu ai đó đi theo tri thức truyền thống thì người đó được gì? Nhanh lên nào!”

“Làm anh trở thành thành viên một nhóm.”

“Anh không nổi bật.”

“Anh suy nghĩ như người khác.”

“Giảm va chạm.”

“Anh hòa nhập.”

“Có nghĩa anh đọc báo Times.”

“Không ai thấy anh buồn cười cả.”

“Làm cuộc sống anh giản dị hơn.”

“Không có tranh cãi.”

“Cảm thấy an toàn khi bày tỏ ý kiến.”

“Ai cũng đồng ý với anh.”

“Anh là người tốt.”

“Anh cảm thấy hưng phấn.”

“Làm anh thấy thoải mải.”

Gode đánh ngón tay.

Tốt đấy. Tư duy truyền thống làm chúng ta thoải mái… Phải! Không có bất ngờ, không có phiền muộn. Ở thế giới ngoài kia, mọi thứ không ngừng thay đổi, thay đổi đến từng phút. Bên ngoài không phải là một nơi thoải mái. Và ai cũng muốn cảm thấy thoái mái đúng không? Đôi giày cũ kỹ, chiếc áo len thoải mái, chiếc ghế mình ưa nhất…”

“Gien thoải mái ư?”

“Gien thoải mái.”

“Gien nhàn nhã. Gien nhàn nhã đi.”

“Gien ấm áp và mơ hồ. Gien ấm áp?”

“Gien vui vẻ.”

“Gien thân thiện? Gien dễ dãi.”

“Gien êm dịu. Gien suôn sẻ.”

“Gien điềm tĩnh. Gien làm dịu.”

Cuộc tranh luận tiếp diễn một lúc, cuối cùng có chín cái tên được viết nguệch ngoạc lên bảng. Tranh luận dữ dội nổi lên khi mỗi cái tên bị xóa, mặc dù tất nhiên tất cả các tên sẽ được thử nghiệm về mặt khái niệm với các nhóm tiêu điểm. Cuối cùng, mọi người đồng ý cái tên chiến thắng là gien nhàn nhã.

“Chúng ta hãy thử nghiệm cái tên này trong ngành xem sao.” Gode nói. “Giáo sư? Hãy cho chúng tôi biết: Gien này sẽ đi về đâu về mặt thương mại?”

Quá sớm để có thể nói, vị giáo sư giải thích. Họ đã cô lập gien này nhưng chưa biết toàn bộ các bệnh có thể liên quan tới nó. Tuy nhiên, bởi vì hầu như mọi người trên thế giới đều mang gien nhàn nhã này, họ tin rằng dị thường gien ở nhiều người có lẽ liên quan đến gien này. Chẳng hạn như, những người quá khao khát muốn gia nhập số đông – khao khát này có thể là một rối loạn về di truyền. Và những người cảm thấy u uất khi một thân một mình – có thể thấy đây là một chứng rối loạn khác. Những người tham gia điều hành phản đối, đến xem các trận đấu thể thao, những người này chọn lọc những tình huống trong đó xung quanh họ nhiều người có cùng suy nghĩ – có khả năng đây là một chứng rối loạn di truyền. Rồi có những người cảm thấy mình có nghĩa vụ phải đồng ý với những người xung quanh – dù những người này có nói gì đi nữa – lại thêm một chứng rối loạn nữa. Rồi còn những người sợ không dám suy nghĩ cho riêng mình thì sao? Sợ phải độc lập khỏi nhóm xung quanh?

“Chấp nhận sự thật đi, có nhiều người như vậy lắm.” Vị giáo sư nói. “Nếu được lựa chọn thì không ai muốn nghĩ cho chính mình cả.”

“Ý ông là tất cả những hành vi này được xem là bệnh lý cả ư?” ai đó hỏi.

“Bất kỳ hành vi cưỡng chế nào cũng đều là bệnh cả.” Vị giáo sư trả lời.

“Còn hành vi tích cực thì sao? Diễu hành phản đối ấy?”

“Hiện tại,” Vị giáo sư nói. “chúng tôi sắp tìm được toàn bộ các bệnh trạng liên quan tới khả năng giao thiệp. Các chứng gien dị thường liên quan tới gien nhàn nhã như thế này chưa được xác lập chắc chắn, nhưng Đại học Columbia đã xin cấp bằng sáng chế cho gien này rồi, điều này có nghĩa giá trị của gien này sẽ tăng lên khi các chứng rối loạn liên quan đến nó được xác lập chắc chắn.”

Gode ho một tiếng.

“Chúng ta phạm sai lầm rồi. Đây đều là các chứng rối loạn về giao thiệp xã hội cả. Gien này cần phải là gien giao thiệp.”

Và thế là gien này được gọi như vậy.

Từ Business Online:

CÁC NHÀ KHOA HỌC TÌM RA GIEN CHI PHỐI KHẢ NĂNG GIAO THIỆP

Khuynh hướng giao thiệp trong xã hội có được thừa hưởng không? Các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm Morecomb tại Đại học Columbia tin là có. Họ thông báo đã tìm thấy gien điều tiết khuynh hướng này và đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho gien này…

Bình luận của bạn đọc từ New York Times:

“GIEN GIAO THIỆP” Ư?

KHI NÀO THÌ THỨ VÔ NGHĨA NÀY CHẤM DỨT ĐÂY?

Các nhà nghiện cứu thuộc Đại học Columbia giờ đây tuyên bố đã tìm được một gien chi phối khả năng giao thiệp. Chuyện gì tiếp theo đây? Gien e thẹn ư? Gien ẩn dật ư? Gien tu hành ư? Hay là gien đừng-làm-tôi-khó-chịu đi?

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công chúng về cơ chế hoạt động thật sự của gien. Không có một gien duy nhất nào kiểm soát bất kỳ một tính trạng nào cả. Không may là công chúng lại không biết điều đó. Họ nghĩ có một gien dành cho màu mắt, cho chiều cao, cho độ xoăn của tóc. Vậy thì lẽ nào lại không có gien cho khả năng giao thiệp chứ? Các nhà di truyền học sẽ không phát biểu gì đâu. Tất cả bọn họ đều ngồi trong ban điều hành của các công ty tư nhân và đang đua nhau tìm ra những gien mà họ có thể đăng ký bằng sáng chế để thu lợi cho riêng mình.

Chuyện này có chấm dứt không? Rõ ràng là không.

Từ Grist, ấn bản trên mạng:

CẢM THẤY MUỐN GIAO THIỆP XÃ HỘI Ư?

CẢM GIÁC ĐÓ ĐÃ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN

Văn phòng nghiên cứu của Đại học Columbia vừa nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho gien mà họ nói là kiểm soát sự giao thiệp. Điều này phải chăng có nghĩa một ngày nào đó những ai đang dùng thuốc trị trầm cảm, hay thuốc trị chứng rối loạn giảm thiểu chú ý, hay thuốc trị lo âu, sẽ phải trả tiền bản quyền cho trường Columbia? Theo các báo cáo thì các công ty dược phẩm khổng lồ ở Thụy Sĩ đang điên cuồng bỏ thầu để xin giấy phép cho loại gien này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.