Thế Giới Nghịch

Chương 047



Trời không trăng và không gian lặng im không một tiếng động, trừ tiếng sóng vỗ rì rào trong màn đêm và tiếng rên rỉ của cơn gió ẩm ướt. Bãi biển Tortuguero trải dài hơn 1.609 mét dọc theo bờ biển Đại Tây Dương gồ ghề của Costa Rica, nhưng đêm nay nó chỉ là một dải sẫm hòa vào bầu trời đầy sao đen kịt. Julio Manarez ngừng lại để mắt mình thích nghi với bóng tối. Người ta có thể nhìn được dưới ánh sao, nếu họ đủ kiên nhẫn.

Chẳng mấy chốc anh thấy được thân cây cọ và rác rơi vãi khắp dải cát đen sẫm, và những bụi cây rậm rạp, thấp bé bị cơn gió cuốn mạnh ra biển. Anh thấy những ngọn sóng bạc đầu trong vùng biển cuồn cuộn. Đại dương, anh biết, đầy rẫy cá mập. Dải biển Đại Tây Dương này ảm đạm và thiếu sự mến khách.

Dọc theo bãi biển 402 mét, anh thấy Manuel, một bóng người mờ mịt đang cúi xuống đám đước. Anh ta đang tránh gió. Không còn ai khác trên bãi biển.

Julio cất bước về phía đó, đi ngang qua những hố sâu mà lũ rùa đã đào vài ngày trước đó. Dải biển này là một trong những nơi sinh sản của rùa luýt, với thói quen ra khỏi đại dương trong đêm tối để đẻ trứng. Quá trình này kéo dài gần suốt đêm, và những con rùa này đối mặt với nhiều mối hiểm nguy – trước đây là những tay săn trộm, và bây giờ thì chủ yếu là báo đốm lảng vảng quanh bờ biển trong bộ lông đen sẫm như chính đêm tối. Là trưởng nhóm bảo tồn mới được bổ nhiệm của vùng, Julio ý thức rõ chuyện mỗi tuần dọc bãi biển này đều có rùa bị giết.

Du khách góp phần ngăn chặn việc này; nếu du khách đang thả bộ dọc bãi biển, những con báo đốm sẽ không còn lảng vảng. Nhưng thường thì mấy con vật họ nhà mèo này xuất hiện sau nửa đêm, lúc này thì du khách đã về lại khách sạn.

Có thể tưởng tượng ra áp lực của tạo hóa phải chọn lọc ra một cơ chế tự vệ nào đó trước loài báo đốm Mỹ. Khi còn là nghiên cứu sinh sau đại học ở San Juan, anh và những sinh viên khác thường đùa với nhau như vậy. Phải chăng du khách là những đại sứ của tạo hóa? Du khách làm bộ mặt một quốc gia thay đổi về nhiều phương diện, tại sao lại không thể làm cho giới động vật hoang dã ở đây như vậy chứ? Bởi vì nếu rùa sở hữu một phẩm chất nào đó – có lẽ là khả năng chịu đựng được đèn pha, hoặc là khả năng phát ra tiếng kêu sầu não, khó chịu khi chăm sóc con – nếu chúng có cái gì đó thu hút du khách và làm họ phải lảng vảng xung quanh đến tận đêm, thì những con rùa đó sẽ có nhiều khả năng sống sót hơn, trứng của chúng có nhiều khả năng sống sót hơn, và những con rùa con cũng có nhiều khả năng sống sót hơn.

Một khả năng sống sót có được từ khả năng thu hút du khách. Đó là chuyện đùa trong trường đại học. Nhưng dĩ nhiên điều đó khả thi về mặt lý thuyết. Và nếu những gì Manuel sắp nói cho anh biết là đúng thì…

Manuel thấy anh và vẫy tay. Anh ta đứng lại chờ Julio tới gần.

“Lối này.” Anh ta nói và bắt đầu đi dọc bờ biển.

“Tối nay anh tìm được hơn một con hả, Julio?”

“Chỉ một con. Loại rùa mà lúc nãy tôi nói ấy.”

Muy bien(20).”

(20) Tiếng Tây Ban Nha: “Tốt lắm”.

Họ đi dọc bãi biển trong yên lặng. Nhưng chưa đi được bao xa – có lẽ khoảng 91,44 mét – thì Julio thấy cái ánh sáng tím yếu ớt ấy, vùi sâu dưới cát, và vẫy lên đập xuống đôi chút.

“Nó à?”

“Nó đấy.” Manuel nói.

Đó là một con rùa cái nặng khoảng 100 kg, dài 1,5 mét. Nó có bộ mai rất đặc trưng to bằng lòng bàn tay anh. Có màu nâu nâu, toàn thân đầy vệt đen. Một nửa thân bị chôn trong cát, và đang đào hố ở đằng sau với hai vây chân.

Julio đứng gần nó và theo dõi.

“Nó làm rồi ngừng.” Manuel nói.

Rồi nó lại làm rồi ngừng. Ánh sáng tím dường như phát ra từ bên trong từng ô trên mai. Một số ô không phát sáng mà chỉ toàn một màu đen sẫm. Một số ô chỉ thỉnh thoảng mới phát sáng. Những ô khác phát sáng đều đặn. Mỗi nhịp phát sáng dường như kéo dài một giây, ánh sáng phát ra đột ngột, nhưng chậm rãi tan biến.

“Anh đã thấy bao nhiêu con rùa như thế này rồi?” Julio nói.

“Đây là con thứ ba.”

“Ánh sáng này xua lũ báo đốm đi à?” Anh tiếp tục theo dõi ánh sáng yếu ớt. Anh cảm thấy ánh sáng này có cái gì đó quen thuộc đến lạ. Gần giống như là đom đóm vậy. Hay một con vi khuẩn phát sáng trong sóng cả. Thứ gì đó mà trước đây anh đã thấy.

“Phải, lũ báo đốm phải giữ khoảng cách.”

“Chờ chút.” Julio nói. “Cái gì đây?” Anh chỉ vào cái mai, trên đó có nhiều ô đậm và ô nhạt nổi lên thành một kiểu mẫu hoa văn.

“Chỉ thỉnh thoảng mới vậy thôi.”

“Nhưng anh thấy nó không?”

“Có.”

“Nhìn giống như là hình lục giác vậy.”

“Tôi không biết.”

“Trông như là một biểu tượng vậy, anh có nghĩ vậy không? Biểu tượng của một tập đoàn thì phải?”

“Chắc vậy. Có thể lắm.”

“Còn những con rùa khác thì sao? Chúng có giống thế này không?”

“Không, mỗi con mỗi khác.”

“Vậy có thể đây là một biểu tượng ngẫu nhiên nào đấy nhưng tình cờ chúng lại ghép thành hình lục giác?”

“Phải, Julio, tôi tin là vậy. Vì anh thấy đó, hình ảnh trên mai không chuẩn lắm, nó không đối xứng…” Anh đang nói thì hình ảnh mờ dần. Con rùa tối sẫm trở lại.

“Anh chụp lại mẫu hình này được không?”

“Tôi chụp rồi. Hình này tôi chụp bằng cách để mở ống kính trong thời gian dài, không dùng flash, cho nên có chỗ sẽ bị mờ. Nhưng tôi chụp rồi.”

“Tốt.” Julio nói. “Bởi vì đây là một hiện tượng biến đổi gien. Chúng ta hãy kiểm tra lại nhật ký của du khách xem ai là người có thể đã làm chuyện này.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.