Thế Giới Nghịch

Chương 089



Vị thẩm phán ở Oxnard ho hắng trong không khí lạnh lẽo khi trao phán quyết tới những luật sư đang ở đó, Alex Burnet có mặt trong số đó, cùng với Bob Koch và Albert Rodriguez.

“Như quý vị thấy đấy,” Ông ta nói. “tôi đã phán quyết rằng quyền sở hữu của BioGen đối với tế bào của ông Burnet không cho họ cái quyền lấy đi những tế bào này từ bất cứ cá nhân nào, còn sống hay đã chết, kể cả bản thân ông Burnet. Hiển nhiên những tế bào này không thể lấy đi từ các thành viên khác trong gia đình gần và cả đại gia đình của ông ta. Bất kỳ phán quyết nào trái ngược với phán quyết này đều mâu thuẫn với Điểm sửa đổi thứ Mười ba của Hiến pháp Mỹ, nghiêm cấm chiếm hữu nô lệ.”

“Trong ngữ cảnh của phán quyết này, tôi nhận thấy tình huống này phát sinh là do có sự mập mờ từ những phán quyết trước đó của tòa không nói rõ như thế nào mới cấu thành quyền sở hữu trong một ngữ cảnh sinh học. Trước hết là khái niệm cho rằng vật chất lấy ra khỏi cơ thể là ‘chất thải’ hay ‘vật chất bị mất đi’, và vì vậy không còn quan trọng đối với người đã thải ra nó. Quan điểm này là sai. Nếu chúng ta xét đến một bào thai chết non chẳng hạn, ngay cả khi nó đã rời khỏi cơ thể người mẹ, chúng ta có thể thấy rõ bằng trực giác rằng hoặc là người mẹ hoặc là thân nhân khác đều cảm thấy quyến luyến bào thai, và mong muốn kiểm soát việc giải quyết bào thai đó, cho dù bằng cách chôn, hỏa táng, hay cung cấp mô cho nghiên cứu khoa học hoặc giúp đỡ người khác. Cái ý niệm cho rằng bệnh viện hoặc người thầy thuốc có thể vứt bỏ cái thai theo ý họ, chỉ vì nó nằm ngoài cơ thể và do đó là ‘chất thải’, rõ ràng không hợp lý và phi nhân tính. Có thể áp dụng cách lập luận tương tự đối với tế bào của ông Burnet. Mặc dù tế bào được lấy ra khỏi cơ thể ông ta nhưng ông ta sẽ cảm thấy một cách hợp lý rằng đó vẫn là tế bào của mình. Đây là một cảm giác tự nhiên mà con người ai cũng có. Cảm giác này sẽ không đơn giản mất đi chỉ vì tòa phán quyết theo một khái niệm pháp lý nào đó được xen vào những so sánh ước lệ. Anh không thể xóa bỏ cảm giác con người bằng sắc lệnh pháp luật được. Tuy nhiên đây lại chính là điều mà những phiên tòa trước giờ vẫn cố gắng làm.”

“Một vài phiên tòa đã phân xử được những vụ kiện về mô bằng cách xem những mô này là rác thải. Một vài phiên khác lại xem những mô này là vật chất nghiên cứu tương tự như sách vở trong thư viện. Có phiên tòa còn xem những mô này là tài sản bỏ đi có thể nghiễm nhiên vứt bỏ trong những trường hợp nhất định, cũng giống như chuyện người ta có thể mở những chiếc tủ khóa cho thuê ra và vứt đi những gì có trong đó sau một thời gian nhất định. Một vài phiên đã cố gắng cân bằng các yêu sách đối lập nhau và kết luận rằng những yêu sách của xã hội đối với công việc nghiên cứu lấn át những yêu sách của cá nhân đối với quyền sở hữu.”

“Mỗi sự so sánh như vậy đi ngược lại sự thật khó lay chuyển về bản chất con người. Cơ thể của chúng ta là tài sản cá nhân của chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, việc sở hữu cơ thể là hình thức sở hữu cơ bản nhất mà chúng ta biết. Đây là trải nghiệm cốt lõi đối với sự tồn tại của chúng ta. Nếu tòa án không thừa nhận khái niệm cơ bản này, thì những phán quyết của họ sẽ không hợp lệ, mặc dù họ có thể hợp lý đến đâu đi nữa trong phạm vi logic của luật pháp.”

“Đó là lý do tại sao khi một cá nhân hiến mô cho bác sĩ để phục vụ cho việc nghiên cứu, việc làm này không giống như biếu tặng sách cho thư viện. Sẽ không bao giờ có sự tương đồng. Nếu người thầy thuốc hay viện nghiên cứu của ông ta sau này muốn sử dụng chỗ mô đó vào mục đích nào khác, thì họ cần phải xin phép được sử dụng mô cho mục đích mới. Với rất nhiều giới hạn. Nếu tạp chí có thể báo cho anh biết thời hạn đặt báo đã hết thì trường đại học cũng có thể báo cho anh biết họ muốn sử dụng mô anh hiến vào mục đích mới.”

“Chúng ta được biết làm vậy sẽ gây khó khăn cho nghiên cứu y học. Ngược lại mới đúng. Nếu các trường đại học không công nhận việc người ta luôn có một mối quan tâm hợp lý, đầy xúc cảm đối với mô của mình, thì họ sẽ không hiến mô để phục vụ nghiên cứu. Thay vào đó, họ sẽ bán mô cho các tập đoàn. Rồi luật sư của họ sẽ chỉnh sửa lại hồ sơ, cấm các trường đại học sử dụng mô để xét nghiệm máu vì bất cứ mục đích nào mà chưa có thương lượng về tiền bạc. Bệnh nhân không phải là những người ngây thơ và luật sư của họ cũng vậy.”

“Chi phí nghiên cứu y học sẽ tăng khủng khiếp nếu bác sĩ và trường đại học tiếp tục hành xử quan liêu. Lợi ích thật sự cho xã hội, vì vậy, chính là việc ban hành luật cho phép công dân duy trì quyền vứt bỏ mô của mình, một quyền vĩnh viễn.”

“Chúng ta được biết mối quan tâm của bệnh nhân đối với mô của mình, và quyền được riêng tư của họ, chấm dứt khi họ chết. Tư duy đó cũng vậy, là một tư duy lỗi thời nhất thiết phải được thay đổi. Bởi vì hậu duệ của người chết có cùng gien, nên sự riêng tư của họ sẽ bị xâm phạm nếu người ta nghiên cứu gien của họ, hoặc công bố bản đồ gien của người chết. Con cháu của người chết có thể mất bảo hiểm y tế đơn giản chỉ vì luật lệ đương đại chưa phản ánh được hiện thực đương đại.”

“Nhưng suy cho cùng, vụ Burnet này thực tế đã thất bại do một lỗi tư duy cơ bản và sâu sắc của tòa án. Khi người ta có thể sản xuất bên trong cơ thể những gì mà tòa đã phán quyết là thuộc sở hữu của người khác, những vấn đề về quyền sở hữu sẽ luôn bị che lấp. Điều này đúng đối với hệ tế bào; đúng đối với gien, và đúng đối với một số loại protein nhất định, về mặt lý lẽ mà nói, những thứ này không thể được sở hữu. Di sản chung của chúng ta không thuộc sở hữu của bất kỳ ai. Đây là quy tắc pháp trị hiện hành. Những chân lý của tự nhiên không thuộc sở hữu của ai. Đây là nguyên tác bất di bất dịch. Tuy nhiên, những phán quyết pháp lý hơn hai thập kỷ vừa qua đã không khẳng định được khái niệm này. Những phán quyết của tòa về bảo hộ sáng chế đã không khẳng định được khái niệm này. Sự mập mờ do những phán quyết này gây ra sẽ lớn dần theo thời gian, và lớn dần theo sự tiến bộ của khoa học. Sở hữu tư nhân đối với bộ gien hoặc đối với những chân lý của tự nhiên sẽ càng lúc càng trở nên khó khăn hơn, đắt đỏ hơn, gây cản trở hơn. Những gì mà trước đây tòa án đã làm là một sai lầm, và sai lầm này phải được khắc phục. Càng sớm càng tốt.”

Alex quay sang Bob Koch.

“Tôi nghĩ vị thẩm phán này đã được trợ giúp.” Cô nói.

“Ừ, có thể.” Bob nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.