Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm

[17]. Làm việc như một sở thích



Mỗi năm, tôi bỏ ra hơn 200 ngày ở nước ngoài, và rất nhiều ngày bỏ ra cho các chuyến đi trong nước càng làm hao tổn khoảng thời gian khả dĩ nào có thể dành ra để ở nhà. Có nhiều lúc tôi quên không chỉ sinh nhật vợ và các con mà cả chính sinh nhật mình.

Tôi bận rộn. Và tôi phải thừa nhận rằng tôi rất hạnh phúc được bận rộn với quá nhiều công việc như vậy, hạnh phúc đến mức một số người nói rằng tôi hóa điên vì công việc. Ngay từ khi bắt đầu làm việc, tôi chưa bao giờ có một ngày nghỉ ngoại trừ buổi sáng ngày cưới con gái tôi và tôi không nhớ đã từng ra biển cùng gia đình mình hay chưa. Nhưng tôi không hề hối tiếc.

Tôi có niềm tin rằng các bạn chắc chắn thành công nhờ đắm mình trong công việc; tôi không tin rằng một người say mê với công việc của mình lại thất bại.

Tôi cho rằng một số người thắc mắc một người ham công tiếc việc như tôi thì hưởng thụ điều gì từ cuộc sống. Có lẽ họ không thể hình dung được tại sao tôi lại trở thành nô lệ của công việc mà không kết hợp kinh doanh với niềm vui và hưởng chút vui vẻ.

Tuy nhiên, kiểu suy nghĩ đó chỉ có thể đến từ ai đó chưa bao giờ trải nghiệm niềm vui đích thực của lao động; từ ai đó chưa bao giờ nhìn thấy vẻ đẹp đích thực của một người đắm mình hoàn toàn vào việc gì đó; từ ai đó chưa bao giờ hiểu vẻ đẹp còn lớn hơn nữa của một thanh niên hoàn toàn say mê với việc gì đó; từ ai đó chưa bao giờ trải nghiệm niềm vui rất lớn đi cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ và thành tích.

Rõ ràng có những người thấy làm việc là mệt mỏi, căng thẳng và khó chịu. Một khảo sát gần đây cho thấy con số giật mình là 23,5% học sinh trung học Hàn Quốc nhìn nhận làm việc một cách tiêu cực – “đáng ghét,” “căng thẳng,” “ngột ngạt” – gần gấp đôi con số 14% người nghĩ về làm việc một cách tích cực. Theo quan niệm của tôi, lý do của tình trạng này là thanh niên hiện nay chỉ xem công việc như một phương tiện của một mục đích chứ không phải chính là mục đích.

Tôi nghĩ thật buồn khi con người, vốn có mối liên hệ qua lại với mọi thứ trong thế giới này, lại nhìn nhận lao động đơn giản như một phương tiện để giúp họ no bụng. Thậm chí, còn buổn hơn nữa khi nghĩ rằng con người vào thời kỳ đẹp nhất trong đời đáng lẽ phải tràn đầy những giấc mơ lớn lao, sức sống và ước vọng thì lại cảm thấy làm việc là gánh nặng. Quả là một sự xúc phạm ghê gớm đối với đạo đức lao động khi xem lao động, mồ hôi và nỗ lực chỉ ở khía cạnh là kết quả tiền tài trong khi lẽ ra các bạn nên nghĩ về nó như là thành tích, sự hoàn thành, quá trình phát triển cá nhân và đóng góp cho xã hội.

Làm việc là điều rất quý giá và không thể đánh giá đơn thuần về mặt tài chính. Làm việc là nguồn vui lớn lao, khi các bạn thấy tự hào với nó và tìm thấy sự thỏa mãn từ nó.

Học tập cũng như vậy, và sinh viên cần học hành chăm chỉ. Các bạn cần học hành cho tới khi ai đó nói rằng các bạn đã hóa điên vì học. Các bạn đã bao giờ để ý đến những đôi mắt long lanh của một sinh viên chuyên tâm học hành chưa? Một sinh viên như vậy tỏa sáng, và bất kỳ ai đắm mình vào bất kỳ việc gì người đó làm cũng y như vậy.

Tôi có xu hướng bối rối khi người ta hỏi sở thích của tôi là gì bởi vì tôi không thể nghĩ ra được điều gì khác hấp dẫn tôi như một “sở thích,” đặc biệt nếu một “sở thích” là thứ gì đó các bạn làm để cho hết thời gian. Mặc dù có lúc tôi chơi trò chơi, nhưng tôi không thể gọi đó là một sở thích vì như thế là sự xúc phạm đến những người thật sự chơi giỏi và thật sự coi nó là sở thích. Tôi chưa bao giờ chơi golf, và tôi chưa bao giờ đi tới rạp hát hay các buổi hòa nhạc.

Nếu tôi phải nói rằng tôi có được niềm vui rất lớn từ điều gì đó thì tôi phải thừa nhận rằng đó chính là làm việc. Tôi chưa bao giờ phải ép mình làm việc và không ai từng phải ép buộc tôi làm. Cho nên nếu một sở thích là điều gì đó mang lại niềm vui và sự thỏa mãn thì sở thích của tôi chính là làm việc.

Nếu các bạn coi học tập và làm việc là việc vặt, thì nó sẽ trở thành gánh nặng với các bạn, nhưng nếu các bạn coi nó là sở thích thì nó sẽ rất thú vị. Một khi nó trở thành thú vị thì các bạn sẽ đắm mình vào nó và năng lực của các bạn tự nhiên tăng lên. Nguyên tắc là năng lực của các bạn càng lớn thì kết quả của các bạn càng cao. Đó là khi các bạn tìm thấy hạnh phúc và sự thỏa mãn thật sự.

Nếu một doanh nhân giải quyết công việc của mình một cách tức thời và tìm thấy niềm vui như sở thích từ công việc ấy thì khi đó việc làm ăn của ông ấy sẽ dần phát triển và cơ sở của ông ấy sẽ mở rộng. Điều này cũng xảy ra với một sinh viên tìm thấy niềm vui từ học hành: Điểm số và thứ hạng của cậu ấy sẽ cải thiện, và cậu ấy sẽ là người giành chiến thắng. Nếu các bạn không tin tôi, hãy thử xem. Cố gắng đạt đến thành công mà không cần đắm mình vào việc gì đó thì chẳng khác gì tìm cách hái sao trên trời; nhưng các bạn không thể thất bại nếu các bạn đắm mình vào bất cứ việc gì mình đang làm, và thật sự thấy thích việc đó.

Khoảng 7 năm trước khi bắt đầu kinh doanh, tôi làm việc cho một công ty do một người bà con xa điều hành. Mặc dù là một thành viên của gia đình, nhưng tôi vẫn chỉ là một kẻ làm công ăn lương; nhưng tôi làm công việc của mình như thể tôi chính là chủ của công ty. Tôi không đợi mệnh lệnh, và tôi luôn chủ động tìm việc để làm. Tôi chưa bao giờ đến muộn và tôi chưa hề có một ngày nghỉ. Nhờ niềm vui khó diễn tả thành lời mà tôi có được từ việc hoàn thành công việc, tôi vẫn nỗ lực làm việc cho đến hôm nay. Với tôi, niềm vui của một ván golf hay một bộ phim thú vị thậm chí không thể so sánh với việc giành được một đơn hàng ở một cuộc họp giằng co với những nhân vật kinh doanh nổi tiếng quốc tế.

Phải, đã có lúc tôi cảm thấy không dễ khi tiếp cận một con người mới với một dự án mới, cái tâm lý căng thẳng mà tôi cho rằng một vận động viên ắt phải cảm thấy khi đối diện với một bài thi quan trọng. Nhưng bài thi càng khó và dự án càng lớn thì mối quan tâm và độ chú ý tập trung của tôi càng cao. Tôi cảm thấy tràn trề sinh lực và sức sống sau khi tôi đọc được những lá bài giấu kín và ra về một cách thành công, khi hai chúng tôi bắt tay nhau trong tâm trạng cùng thỏa mãn vì đã thống nhất được một hợp đồng mà tôi thật sự mong muốn.

Kim Woo Choong tốt nghiệp Trường Trung học Kyonggi ở Seoul năm 1956.

Ông Kim (hàng đầu, thứ năm từ trái sang) làm cảnh vệ tại Trường Trung học Kyonggi.

Là sao đỏ, ông là tấm gương cho các bạn cùng học.

Lee Woo Bock (thứ hai từ phải sang, hàng đầu), người bạn thân nhất của ông Kim ở trường trung học, giúp ông Kim công việc ở trường. Giờ ông là Phó Chủ tịch Tập đoàn Daewoo. Ông Kim ở ngoài cùng bên phải, hàng sau.

Ông Kim lấy bà Chung Hee-Ja vào ngày 4 tháng 4 năm 1964. Từ đồng âm của số 4 trong tiếng Hàn Quốc nghĩa là chết chóc và số này là số kiêng kị với người Hàn Quốc. Ông Kim cố tình chọn một ngày có 3 số 4 để làm lễ cưới, để phá bỏ quan niệm mê tín.

Ông Kim cùng vợ tại một buổi họp của công ty. Bà Kim, người học nghệ thuật Đông phương tại Đại học Harvard, là chủ tịch của hai khách sạn, Seoul Hilton International và Kyongju Hilton.

Chàng trai Kim ở Singapore. Trong chuyến công tác đầu tiên, ông Kim kiếm được 300.000 đô-la từ Singapore và Thái Lan.

Thương hiệu đầu tiên của Daewoo, “Young Tiger.” Nó được dùng trên sản phẩm vải đan xuất sang các nước Châu Á.

Ông Kim ký lên tấm vải đầu tiên được sản xuất tại nhà máy dệt của Daewoo (1968).

Tòa nhà Dongnam ở Seoul. Văn phòng đầu tiên của Daewoo đặt trên tầng 3.

Ông Kim ngắm cầu cảng khô lớn nhất thế giới tại Xưởng đóng tàu Daewoo Okpo. Cầu cảng có tên trong Sách Kỷ lục Guiness như là cầu cảng lớn nhất thế giới, có công suất đóng tàu tối đa 1,2 triệu tấn trọng tải. Cầu cảng dài 525m và rộng 131m, hoàn thành năm 1979.

Ông Kim thị sát tiến độ công việc tại Xưởng đóng tàu Daewoo Okpo. Thói quen đạp  xe của ông khi đi thị sát một khu vực rộng lớn hình thành khi ông đích thân quản lý công ty Daewoo Heavy Industries.

Ông Kim thích thú trò chuyện với nhân viên. Khi công nhân khích lệ ông hát một bài, ông đã hát bài Nhớ ơn mẹ (Mother’s Gratitude), bài hát duy nhất ông biết hát.

Ông Kim trong buổi tiệc ở bãi biển dành cho nhân viên và gia đình họ khi kết thúc một trong 25 phiên của Chương trình Đào tạo Gia đình của công nhân Đóng tàu Daewoo.

Tại một Hội nghị Điền kinh Nhân viên Daewoo, ông Kim là người đầu tiên về đích trong môn chạy tiếp sức gia đình Daewoo trong đó các đội bao gồm một công nhân dây chuyền, một nhân viên văn phòng, một quản đốc và một quản lý cấp cao.

Ông Kim nhấn mạnh rằng các cán bộ quản lý và điều hành cấp cao cần làm gương cho nhân viên và công nhân. Bản thân ông luôn lắng nghe những ý tưởng và gợi ý của công nhân để cải tiến điều kiện và quy trình làm việc.

Ông Kim rất thích nói chuyện với thế hệ trẻ Hàn Quốc. Đây là cách ông có thể chia sẻ triết lý sống của ông với thanh niên Hàn Quốc, đối tượng ông nhìn nhận như là lý do cho sự nỗ lực làm việc và hy sinh của ông cũng như là hy vọng của tương lai.

Thời gian là tiền bạc đối với ông Kim. Ông ghét bị kẹt xe hoặc phải chờ đợi nối chuyến bay. Để tiết kiệm thời gian, ông thích bay bằng trực thăng của công ty khi các điều kiện bên ngoài không thuận lợi.

Sở thích của ông Kim, ngoài làm việc, là chơi Baduk hay cờ vây. Đòi hỏi cách tiếp cận mang tính chiến lược trong việc mở rộng lãnh thổ để chiến thắng trò chơi, người ta nói rằng Baduk là phiên bản của cuộc sống hoặc kinh doanh. Ông Kim là chủ tịch Hiệp hội Cờ vây Hàn Quốc.

Tranh thủ chợp mắt trong lúc đợi nối chuyến bay ở Sân bay Quốc tế Los Angeles. Ra nước ngoài một nửa đến 2/3 thời gian trong năm, ông Kim giữ gìn năng lượng của mình bằng cách tranh thủ chợp mắt bất cứ khi nào và bất kỳ đâu có thể.

Ông Kim công bố tặng 20 tỷ won (30,3 triệu đô-la) cho Quỹ Daewoo để sử dụng cho mục đích bồi dưỡng và phát triển các môn khoa học cơ bản (1980).

Nhận Huân chương Vì sự nghiệp Công nghiệp – Kim Tháp, từ Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Park Chung-Hee, nhân Ngày Xuất khẩu Quốc gia lần thứ 9 trong tháng 11 năm 1972. Giải thưởng này dành cho những cống hiến của ông đối với lĩnh vực xuất khẩu quốc gia.

Nhận Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế từ King Carl Gustaf XVI tại Stockholm, Thụy Điển (1984). Giải thưởng này được trao ba năm một lần bởi Phòng Thương mại Quốc tế cho “một doanh nhân có đóng góp cho ý tưởng của nền doanh nghiệp tự do bằng cách sáng tạo hoặc phát triển công ty của riêng mình.”

Ông Kim được Đại học Hàn Quốc trao bằng Tiến sĩ Danh dự về Quản trị Kinh doanh vì những đóng góp của ông cho phát triển kinh tế của Hàn Quốc (1986). Ông Kim cũng nhận bằng Tiến sĩ Danh dự về Kinh tế của Đại học Yonsei.

Thành công của ông Kim được khắp nơi biết đến, được nhiều ấn phẩm kinh doanh quốc tế đưa tin. Tờ Fortune gọi ông là “Công nhân chăm chỉ nhất Nam Hàn” và chọn ông là một trong những “Doanh nhân Hấp dẫn nhất Năm” trong hai số tạp chí riêng biệt. Tờ Newsweek gọi ông là “Nhà ngoại giao không chức vụ” vào năm 1988.

Trình bày tại một hội thảo quốc tế ở Moscow về “Những thách thức và các vấn đề với Châu Á và Thái Bình Dương” năm 1989. Ông Kim là doanh nhân Hàn Quốc đầu tiên có bài phát biểu tại Liên Xô.

Nhận bằng Tiến sĩ Danh dự về Dịch vụ Công từ Đại học George Washington năm 1988 cho “nhiều thành tích xuất sắc và những phẩm chất bền bỉ, sáng tạo, thông minh, có tầm nhìn và sự hy sinh.”

Ông Kim đang có bài giảng về “Làm việc chăm chỉ và vai trò lãnh đạo – Lợi thế ẩn cho phát triển doanh nghiệp” cho các sinh viên và giảng viên Viện Công nghệ Massachusetts (1990).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.