Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm

[4]. Vượt qua hội chứng phù hợp



Mỗi lần tới châu Âu, luôn có một điều xuất hiện trong đầu tôi. Nền kinh tế của các quốc gia ở phía Bắc nước Pháp có xu hướng vững mạnh trong khi nền kinh tế của những quốc gia phía Nam lại tương đối yếu. Dĩ nhiên, không thể có một cách giải thích khoa học cho sự khác biệt này, nhưng theo ý kiến của riêng tôi, sự khác biệt này có thể là do thói quen ngủ trưa.

Ở những nước ven Địa Trung Hải, người dân nông thôn cũng như thành thị đều có thói quen chợp mắt một hoặc hai tiếng sau bữa trưa. Điều này dường như rất kỳ cục với một ai đó đến từ một quốc gia bận rộn như Hàn Quốc, nhưng tôi thật sự không thể nói gì về thói quen này trong chuyến đi đầu tiên của tôi tới châu Âu. Nói cho cùng, tất cả mọi người đều có phần uể oải sau một bữa ăn ngon, và bất kỳ ai từng là sinh viên đều biết đến trạng thái uể oải sau bữa trưa này. Thời tiết nóng ấm và khô ráo ở những nước này càng khiến cho người ta thêm uể oải.

Tuy nhiên, tôi vẫn không thể hiểu làm thế nào mà bất kỳ ai cũng có thể lăn ra ngủ vào một thời điểm quan trọng như vậy trong ngày. Và mặc dù người lao động cũng tranh thủ chợp mắt buổi trưa, nhưng họ vẫn nghỉ ngơi vào thời điểm giống như chúng ta, và hầu hết các cửa hàng cửa hiệu đều đóng cửa cho tới trước 8 giờ sáng. Khi cả một xã hội làm như thế này, sẽ thất thoát rất nhiều giờ làm việc. Cho nên tôi nghĩ ngủ ban ngày là một việc cần được điều chỉnh lại.

Trong hành động và tinh thần của người dân những nước này dường như hình thành một sự biếng nhác nhất định. Ở một mức độ nào đó, điều này có thể hiểu là đặc điểm riêng của cá nhân hoặc thậm chí là quốc gia, nhưng tôi nghĩ nó cũng có thể được xem như sự khúc xạ của một định mệnh nhất định trong cách tiếp cận cuộc sống của họ. Tuy nhiên, ấn tượng của tôi là sự biếng nhác này ở người Nam Âu không phải là một phần của tinh thần lãng mạn, cũng không phải là sự thoải mái trong cách tiếp cận cuộc sống của họ. Trên thực tế, tôi xem nó như một hội chứng phù hợp tức là làm một khối lượng công việc phù hợp và hưởng thụ một lượng thời gian thư giãn phù hợp. Tôi xem đây là nguyên nhân của sự khác biệt giữa các nền kinh tế Bắc Âu và Nam Âu.

Những người nỗ lực hết mình trong bất kỳ việc gì họ làm đều không lãng phí thời gian, và họ không có bất kỳ triệu chứng nào của hội chứng phù hợp này. “Thế là đủ” không hề đủ với những người nỗ lực hết mình.

* * *

Tôi vẫn thường có một giấc mơ lặp đi lặp lại, một giấc mơ trong đó tôi bị trượt tốt nghiệp đại học. Thực tế, tôi đã suýt không tốt nghiệp được, và tôi cho rằng đây là lý do giải thích tại sao tôi cứ luôn gặp giấc mơ đó. Trong học kỳ cuối cùng ở đại học, tôi làm việc bán thời gian cho một cơ quan chính phủ thay vì lên lớp. Những ngày đó ở Hàn Quốc, sinh viên năm cuối xem chuyện tốt nghiệp đại học là đương nhiên sẽ được và làm tất cả mọi việc ngoại trừ lên lớp.

Dĩ nhiên, đám sinh viên năm cuối, trong đó có tôi, mải mê tìm việc cho tương lai, nhưng chính cái kiểu tâm lý “rồi cũng xong!” này là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng vắng mặt trên lớp. Đây là một dạng hành vi ứng xử mặc định của tất cả sinh viên năm cuối thời kỳ đó.

Một trong những môn học cuối cùng của tôi là với Giáo sư Whang Il-Chong, hiện dạy tại Đại học Hanyang ở Seoul. Lúc đó, ông mới trở về sau chuyến nghiên cứu tại Hoa Kỳ, và ông rất ấn tượng với không khí giáo dục rất hợp lý ở đó.

Tôi không biết Giáo sư Whang chú ý đến việc đi học đều và ông dứt khoát không đánh giá bất kỳ sinh viên nào vắng mặt trong một khoảng thời gian nhất định. Tôi nhận ra điều đó quá muộn và rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu tôi không có điểm đánh giá từ ông, tôi sẽ không được tốt nghiệp.

Vì thế, tôi tới gặp Giáo sư Whang và năn nỉ ông cho tôi tốt nghiệp, nhưng ông không động lòng. Tôi nghĩ ông cho rằng tôi là một sinh viên hoàn toàn vô trách nhiệm, và tôi đã rất chật vật thuyết phục ông nghĩ khác. Lúc đó, tôi là chủ tịch Hội Hữu nghị Sinh viên Kinh doanh, và tôi thậm chí còn nhờ các thành viên của Hội tới gặp ông tại nhà và xin cho trường hợp của tôi.

Cuối cùng, Giáo sư Whang chấp thuận với điều kiện tôi viết và gửi cho ông một bản tường trình đặc biệt. Tôi làm tốt việc này và tốt nghiệp. Nhưng đó là một bài học thấm thía cho tôi trong việc khắc phục hội chứng phù hợp. Một sinh viên năm cuối cần phải siêng năng giống như sinh viên năm đầu, thậm chí còn phải hơn thế; nhưng tôi lại chỉ nghĩ đến khía cạnh làm gì đó phù hợp cho qua thời gian đến lúc tốt nghiệp bởi vì tôi cảm thấy những gì tôi đã học được ở trường là đủ rồi. Bài học tôi tiếp thu được qua kinh nghiệm này tạo ấn tượng mạnh đến mức tôi vẫn mơ thấy nó.

Do đó, từ khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, tôi không chấp nhận bất kỳ ai trong số nhân viên của mình có hội chứng “thế là đủ” này. Hội chứng ấy không đem lại gì cho cả cá nhân hay toàn xã hội nói chung.

* * *

Qua nhiều năm, tôi đã bán rất nhiều sản phẩm trên khắp thế giới và tôi luôn gặp một vấn đề phiền phức: thành phẩm. Các sản phẩm của Hàn Quốc được công nhận về mặt thiết kế, chất lượng và giá cả, nhưng việc hoàn thiện sản phẩm lại luôn là một khâu khó khăn ở phía chúng tôi và là cớ để người mua đòi giảm giá. Điều này không chỉ đồng nghĩa với sự mất giá của sản phẩm mà còn khiến tôi, một người Hàn Quốc, thấy mất mặt.

Vấn đề này luôn khiến tôi day dứt bởi một sự hoàn thiện kiểu “thế là đủ” chính là sự báng bổ đối với mồ hôi và nước mắt đã đổ ra để làm ra sản phẩm. Và điều này cũng dẫn tới thua lỗ rất lớn cho quốc gia.

Khi tôi mới tiếp cận thị trường Mỹ, một trong những khách hàng đầu tiên của tôi là chuỗi cửa hàng Sears, Roebuck & Co. Vị giám đốc mua hàng cho Sears tỏ ra rất lo ngại về chất lượng sản phẩm của Hàn Quốc, và nhiệm vụ của tôi là làm giảm bớt tâm lý lo ngại của ông ấy. Vì thế, tôi đã lập một bộ phận thẩm tra kiểm soát chất lượng nội bộ để kiểm tra tất cả các sản phẩm, và tôi áp dụng một chương trình với các tiêu chuẩn thậm chí còn cao hơn những gì mà Sears đòi hỏi. Kết quả là tôi có thể chiếm được niềm tin của những người ở Sears.

* * *

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những ví dụ khác của hội chứng phù hợp này. Khi tôi mới gây dựng Daewoo vào năm 1967, thực tế mọi sản phẩm xuất khẩu vẫn đang được giao bằng tàu thủy. Ngành công nghiệp tàu thủy không mấy phát triển, kết quả là có sự cạnh tranh rất lớn để đưa được một lô hàng xuống tàu và chuyển đi. Cho nên hầu hết các công ty xuất khẩu đều có đại diện tại cảng Busan.

Mọi thứ như phát cuồng khi đến lúc phải kịp thời hạn giao hàng ra nước ngoài. Các nhà máy sản xuất theo dõi sát sao giờ giấc, và sau khi sản phẩm đến được các nhà kho làm thủ tục thông quan tại Busan, đại diện công ty phải đợi đến lượt mình mới có tàu. Nếu chúng tôi không giành được một con tàu đúng lúc thì chúng tôi sẽ phải đợi ít nhất một tuần mới có tàu khác, và tất cả những nỗ lực sản xuất đều sẽ trở thành công cốc. Số phận của những công ty nhỏ đều phụ thuộc vào việc giành được chuyến tàu đúng lúc, cho nên áp lực và trách nhiệm của đại diện công ty tại các cầu cảng là vô cùng lớn.

Lẽ tự nhiên, sự cạnh tranh giữa các đại diện này rất quyết liệt. Nếu một đại diện không tỉnh táo, anh ta có thể dễ dàng bị đối thủ qua mặt. Thậm chí đã có những trường hợp trong đó hàng hóa của một công ty được xếp lên tàu, và sau khi đại diện công ty ra về với tâm trạng thỏa mãn, số hàng đó lại bị vứt xuống và thay bằng hàng của một công ty khác.

Điều thú vị dễ thấy là có ba dạng đại diện công ty tại hải cảng. Loại thứ nhất cho rằng chỉ cần xác nhận hàng hóa của công ty mình đến cầu cảng là đủ và sau đó họ ra về. Loại thứ hai sẽ xác nhận hàng hóa tại cầu cảng và ở lại đó cho tới khi hàng hóa được bốc xếp. Nhưng loại đại diện thứ ba còn ở lại để xác nhận tàu đã rời đi hẳn.

Loại đại diện đầu tiên thường xuyên thất bại, loại thứ hai thất bại một hoặc hai lần trên 10 lần. Nhưng loại đại diện thứ ba thì luôn thành công. Hai loại đại diện đầu tiên làm những gì họ nghĩ là đủ vào thời điểm đó, nhưng thường mọi việc lại kết thúc bằng việc công ty họ thất bại.

Tôi yêu cầu đại diện của công ty chúng tôi phải ở lại cầu cảng cho tới khi tàu hàng khuất sau đường chân trời. Đó mới là hoàn thiện sản phẩm, nếu nói như vậy. Nhờ đó, chúng tôi không lỡ một chuyến hàng nào ở cảng, và hàng hóa của chúng tôi luôn giao đúng hạn. Điều này cực kỳ quan trọng đối với việc tạo lập danh tiếng về độ tin cậy với các khách hàng quốc tế. Người ta truyền tai nhau rằng có thể tin tưởng Daewoo trong khâu giao hàng.

Dù làm việc gì, tôi cũng muốn làm đến nơi đến chốn. Đó chính là chìa khóa để thành công. Và tôi đã khiến cho nhân viên của mình thấm nhuần nguyên tắc này. Đây là một nguyên tắc mà mọi người cần áp dụng cho mọi việc, không chỉ các sản phẩm. Nỗ lực hết mình cho tới khi hoàn thành không chỉ quan trọng mà còn rất cần thiết. Điều này đã trở thành một truyền thống tại Daewoo và là điều cốt yếu trong văn hóa doanh nghiệp của Daewoo.

Vì thế tôi hy vọng rằng giới trẻ ngày nay biết đắm mình vào những hoạt động sáng tạo, đặc trưng thay vì chỉ học “đủ” và chạy theo số đông. Hãy chọn lấy những gì là đúng đắn với các bạn và khả năng của các bạn, và dành cho điều đó tất cả mọi thứ bạn có. Chỉ khi đó, mồ hôi nước mắt từ sự nỗ lực của chúng ta ngày hôm qua cho hôm nay mới tiếp tục sang đến ngày mai. Cho dù các bạn đang đi học hay đang kiếm sống thì đừng bao giờ để “thế là đủ” là đủ với các bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.