Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm

Lời Giới Thiệu



Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Kim Woo-Choong đã tạo dựng nên một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, Daewoo. Ông là hiện thân cho nỗ lực và khả năng sáng tạo đã giúp Đông Á trở thành một trung tâm tăng trưởng kinh tế năng động. Ông làm việc 14 đến 16 tiếng mỗi ngày, nhiều lúc phải tranh thủ cạo râu và ăn sáng ngay trong xe hơi trên đường tới văn phòng.

Là một doanh nhân đẳng cấp quốc tế, ông Kim có thể kiếm được lợi nhuận ngay cả trong việc rời bỏ những thị trường như Iran. Tại quê nhà, ông ăn nên làm ra nhờ tiếp quản và đem lại sinh lực mới cho những công ty gặp khó khăn. Sự nỗ lực không ngừng của ông đã tạo ra một tập đoàn gồm 23 công ty lớn tham gia vào nhiều lĩnh vực từ công nghiệp nặng và điện tử đến sản xuất đàn dương cầm và kinh doanh khách sạn. Đúng như lời ông nói, “tôi có thể ngửi thấy mùi tiền ở khắp mọi nơi.”

Là một con người không biết mệt mỏi với ngoại hình của một vị giáo sư 54 tuổi, ông Kim có khả năng vươn ra toàn cầu gần như vô hạn. Mỗi năm, ông dành hơn một nửa thời gian để đi ngao du khắp thế giới, “đánh hơi” các cơ hội. Ông chế tạo tủ lạnh ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sản xuất quần áo ở Miến Điện, xuất khẩu xe hơi Hàn Quốc tới Tiệp Khắc, sản xuất máy quay video ở Bắc Ai-len, và sở hữu một công ty thiết kế bộ vi xử lý tại Thung lũng Silicon ở California. Cái tên Kim có thể chưa được nhiều người biết đến, nhưng những sản phẩm của ông ấy đều đang ngập tràn thị trường Mỹ: xe hơi Pontiac LeMans, xe nâng Caterpillar, các cấu phần của máy bay phản lực Boeing, và máy tính Leading Edge. Ngoài ra, người dân châu Âu còn mua lò vi sóng của một nhà máy Daewoo ở Pháp và các máy xúc xây dựng được lắp ráp tại Bỉ. Không có gì ngạc nhiên khi vào năm 1990, tập đoàn Daewoo đạt doanh số 22 tỉ đô-la – nhiều hơn cả Xerox, Sony hay British Aerospace.

Ông Kim là một trong những người thu hút nhất mà tôi từng gặp trong suốt hơn ba thập kỷ với tư cách một nhà báo thích quan sát con người, sức mạnh cũng như sự dịch chuyển của thế giới. Ông cho thấy tại sao sức mạnh kinh tế lại chuyển dịch từ phương Tây sang phương Đông theo những cách đem lại lợi ích thiết thực cho mọi quốc gia. Ông là một nhân vật châu Á tương xứng với Andrew Carnegie1 hay John D. Rockefeller2, nhưng có tinh thần hy sinh và sự khéo léo rất riêng. Mọi người đều có thể học hỏi được nhiều điều từ ông, nhất là biệt tài khích lệ người khác mà hiếm ai có được.

Cuốn sách Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm là tập hợp những bài luận ngắn dành cho giới trẻ Hàn Quốc nhưng lại mang một thông điệp cho toàn thế giới. Bằng việc chia sẻ những trải nghiệm từ cuộc đời mình, ông Kim cho rằng nhiều người đã được đặt trước những cơ hội rất lớn nhưng hầu hết lại từ bỏ quá sớm. Ở Hàn Quốc, ông Kim đã tạo ra một trào lưu hưởng ứng tương tự như những gì được hình thành ở Mỹ từ cuốn sách tuyệt vời của Lee Iacocca, chủ tịch Tập đoàn Chrysler. Ông luôn thấy làm việc thú vị hơn rong chơi và ghét lãng phí tiền bạc cho thú vui. Tuy nhiên, những quan điểm tân Khổng giáo của ông chính là chìa khoá cho sự trỗi dậy của Hàn Quốc với tư cách một cường quốc công nghiệp – và cũng là chìa khoá cho thành tích tuyệt vời của những nền kinh tế Đông Á khác.

Điều khiến cho cuốn sách vượt xa tầm vóc những bài giảng luân lý của một doanh nhân thành đạt chính là cuộc đời của ông Kim, nhưng chỉ xuất hiện như vài nét chấm phá trong cuốn sách này. Với khát vọng thành công, ông chưa bao giờ lãng phí một giây nào trong đời. Ông có tài biến vấn đề thành cơ hội. Khi buộc phải mất cả mùa xuân năm 1989 để giải quyết một cuộc đình công tại xưởng đóng tàu Daewoo trên đảo Okpo ở miền Nam, ông Kim đã dành nhiều đêm để viết cuốn sách này.

Trường năng lượng rất cao của người đàn ông này đã tác động đến tất cả mọi người xung quanh, kể cả người viết những dòng này. Mùa hè năm ngoái tại Seoul, điện thoại trong khách sạn của tôi đổ chuông lúc 8 giờ sáng. Ông Kim, vừa mới từ châu Âu và Trung Quốc trở về, mời tôi đi ăn sáng – ngay lập tức. Một chiếc xe hơi đến đón tôi tới văn phòng của ngài chủ tịch. Ông dành hẳn một tiếng nói chuyện về những thương vụ mới mà Daewoo giành được và cố gắng “moi” ý kiến từ vị khách của mình – điều ông ấy vẫn thường làm với rất nhiều người ở nhiều vùng đất.

Là người dám chấp nhận mạo hiểm ở Thế giới thứ Ba, ông Kim đổ hơn 7 tỉ đô-la vào các hợp đồng xây dựng dân sự ở Libya. Ông bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt ở Iran ngay khi nước này đang ở giai đoạn chiến tranh quyết liệt với Iraq. Ông không coi những nỗ lực như thế là thiếu thận trọng. Đúng như lời ông ấy nói: “Nếu tiến vào hang cọp, bạn phải chú ý tới mọi thứ, do vậy thực ra chẳng hề có nguy hiểm.”

Là một người ham công tiếc việc có chủ đích, ông Kim thừa nhận rằng mình không thể ngồi yên được lâu và chưa bao giờ có kỳ nghỉ đúng nghĩa. Ông chỉ nghỉ một buổi sáng để dự đám cưới con gái. “Vậy ông gặp vợ mình khi nào?” “Khi tôi ở trong thành phố, chúng tôi ngủ cùng nhau mà,” ông Kim đùa vui. (Vợ ông, bà Hee-Ja, từng nghiên cứu nghệ thuật Đông phương tại Đại học Harvard, là chủ tịch của Khách sạn Seoul Hilton International và Kyongju Hilton – một công việc mà bà phải chuẩn bị bằng việc tham gia một khoá học về quản lý cao cấp tại Đại học Hàn Quốc). Ông Kim tin rằng làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn và khôn ngoan hơn sẽ giúp Hàn Quốc bắt kịp Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản về kinh tế. “Nếu mức độ siêng năng của chúng tôi chỉ ngang bằng với những người phương Tây thì chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp,” ông nói. Ông Kim cũng thừa nhận rằng “sáng tạo đến từ làm việc chăm chỉ.”

Ông thấy được niềm vui từ làm việc không ngừng nghỉ. Ông rất thích nhịp độ tiến triển không ngừng và đạt được thành tích, điều mà ông nói rằng còn thú vị hơn thực hiện được cú một gậy vào lỗ (hole-in-one) trong môn golf, một môn thể thao mà ông chưa bao giờ chơi. Ông luôn tâm niệm phải hành xử như một khuôn mẫu cho nhân viên, đây là một trong những bí quyết khích lệ người khác của ông. “Nếu tôi chơi golf và uống rượu,” ông nói, “thì khi đó, mọi người ở Daewoo sẽ theo gương tôi ngay.”

Chắc chắn ông có động lực, nhưng không phải lòng tham. Tạo dựng được tập đoàn lớn thứ 45 trên thế giới, ông Kim sở hữu khối tài sản khổng lồ, phần lớn trong đó được ông dành cho các quỹ chăm sóc y tế, nghiên cứu khoa học cơ bản và giáo dục. Ông từng nói với tôi: “Tôi không quan tâm lắm chuyện kiếm tiền vì tôi có thể làm việc đó bất kỳ lúc nào.” Thay vào đó, ông Kim tự nhận là phần nào có cảm hứng từ nhu cầu tạo lập một doanh nghiệp lớn có khả năng giúp Hàn Quốc thoát khỏi đói nghèo. Trong cuốn sách của mình, ông cho thấy ông rất mê cảm giác thoả mãn khi thực hiện được mục đích và mô tả chi tiết “niềm vui thích khi làm được những gì tất cả mọi người cho là bất khả thi.” Ông nói: “Tôi không làm việc như điên dại chỉ để tạo ra vài đồng bạc lẻ.”

Ông Kim có một vị trí riêng biệt trong giới doanh nhân Hàn Quốc. Giống như Hyundai và Samsung, Daewoo là một trong những tập đoàn lớn được gọi là chaebol, lúc mới đầu làm ăn phát đạt là nhờ chính phủ bơm một lượng lớn tín dụng và hiện chi phối nền kinh tế Hàn Quốc. Nhưng ông Kim thì khác. Ông là người sáng lập trẻ nhất và duy nhất tốt nghiệp đại học của một tập đoàn Hàn Quốc khổng lồ. Ông từ bỏ tập quán chung ở Hàn Quốc là sử dụng các công ty của mình để tạo dựng một gia tộc giàu có. Ông nói: “Daewoo không phải là thứ tôi có thể hoặc sẽ trao lại cho gia đình mình. Tôi hy vọng được đánh giá là một doanh nhân biết rõ sự khác biệt giữa sở hữu và lãnh đạo.”

Có lúc ông quá tốt bụng đến mức phi lý. Tuy nhiên, ông Kim xuất thân từ những gì ông mô tả là “một thế hệ hy sinh” được tôi luyện trong khó khăn cùng cực. Ông sinh ra trong một đất nước bị tàn phá vì những biến động – bị Nhật Bản chiếm đóng hà khắc suốt 35 năm cho tới tận năm 1945, sau đó bị đẩy vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên chia cắt đất nước và như ông Kim viết, “đã huỷ hoại nền công nghiệp ít ỏi mà chúng tôi có.” Với tình trạng đổ nát đó, phương Tây có xu hướng coi Hàn Quốc là một quốc gia vô vọng. Ông Kim đã góp phần chứng minh nhận xét đó thật lố bịch. Khi ông tốt nghiệp đại học, thu nhập bình quân đầu người của đất nước này chỉ khoảng 65 đô-la một năm – và giờ con số đó khoảng 5.000 đô-la. Ông Kim phát triển từ sản xuất hàng dệt may sang đóng tàu và xe hơi vào những năm 1970, rồi sang hàng điện tử trong thập niên 1980, và tiến vào những sản phẩm không gian vũ trụ trong những năm 1990. “Không có chuyện mó tay ra vàng” để tạo ra cái gọi là phép màu kinh tế Hàn Quốc. Tất cả đều xuất phát từ “sự quyết tâm, sự hy sinh và nỗ lực lao động của người dân ở mọi tầng lớp xã hội Hàn Quốc.” Cho nên, sự thịnh vượng mà tập đoàn Daewoo của ông có được cũng vậy.

Thay vì thực hiện một màn độc diễn, ông Kim đã nhân hiệu quả của mình lên bằng cách lan truyền cho khoảng 100.000 nhân viên tinh thần sáng tạo và xốc vác của mình. Tiến sĩ Park Sung-Kyou, chủ tịch Daewoo Telecom, đã bỏ lại một sự nghiệp đầy hứa hẹn ở Hoa Kỳ từ hơn một thập kỷ trước để trở về tổ quốc chỉ vì ông Kim. Park nói: “Ngài chủ tịch dấy lên tinh thần ái quốc và Khổng giáo, và ngài trao cho đội ngũ quản trị quyền tự chủ rất lớn.” Chủ tịch Kim thậm chí còn cho vợ của các nhân viên quản lý tham dự một chương trình đào tạo đặc biệt để biến họ trở thành một phần trong bộ máy doanh nghiệp.

Kỳ tích của ông Kim đã được công nhận cả ở trong và ngoài nước. Tháng 6 năm 1984, Vua Thuỵ Điển Carl Gustaf XVI đã trao cho ông Giải Doanh nhân Quốc tế, giải thưởng do Phòng Thương mại Quốc tế trao tặng ba năm một lần để tôn vinh “một doanh nhân có đóng góp cho ý tưởng tự do kinh doanh bằng cách tạo ra hoặc phát triển công ty của riêng mình.” Năm 1988, một cuộc thăm dò ý kiến do tạp chí Economist của Hàn Quốc thực hiện cho thấy ông Kim là doanh nhân được kính trọng nhất tại đất nước này. Năm sau, văn phòng UNESCO tại Seoul tôn vinh ông Kim là Nhân vật của Năm do những đóng góp của ông cho kinh tế và sự tận tâm với công việc. Ông cũng được chính phủ Pakistan, Bỉ và Sudan vinh danh vì đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế của họ, được trao các bằng danh dự tại Hoa Kỳ và Hàn Quốc, và được các nữ sinh viên tại đất nước ông chọn là doanh nhân Hàn Quốc đáng tin cậy nhất.

Không có ai hoàn hảo, chính ông Kim cũng thừa nhận những khiếm khuyết cá nhân. “Tôi không biết âm nhạc và hội hoạ. Tôi tin đó là sự mất cân bằng, nhưng tất cả sự chú ý của tôi đều dành cho kinh doanh.” Người ngoài cuộc cũng chỉ ra những nhược điểm khác. Các đối thủ cạnh tranh ở Hàn Quốc coi ông Kim là một con bạc hung hăng – như lời một địch thủ của ông nói, “lúc nào cũng bị gần như mọi cơ hội kinh doanh chi phối.” Một số chủ ngân hàng lo ngại về những rủi ro mà ông gặp phải ở Thế giới Thứ ba đầy bất ổn, kể cả chương trình hợp tác với chế độ khó lường của Đại tá Muammar el-Qaddafi ở Libya. Người phương Tây từng băn khoăn không rõ ông Kim có thể khiến nhân viên làm việc nhiều giờ với mức lương tương đối thấp được bao lâu.

Mặc dù mức lương ở Hàn Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng ông Kim vẫn kiên trì dành nhiều thời gian gặp gỡ nhân viên để chia sẻ những quan niệm của ông về sự hy sinh. Lực lượng lao động rẻ, biết tuân phục, từng là cơ sở để ông Kim tạo dựng thành công ban đầu của mình, đã lụi tàn dần cùng với sự thịnh vượng của đất nước. Kể từ khi Hàn Quốc chuyển sang thể chế dân chủ vào giữa năm 1987, các nghiệp đoàn thường xuyên tổ chức những cuộc đình công để đòi tăng lương. Chỉ trong một vài năm qua, mức lương của khu vực chế tạo tại Hàn Quốc đã tăng gấp đôi, lên mức hơn 650 đô-la mỗi tháng, cao hơn nhiều lần so với các nước châu Á đầy tham vọng vươn lên khác như Thái Lan và Philippines. Đồng thời, đồng won cũng tăng giá so với đồng đô-la Mỹ – làm tăng sự cạnh tranh quốc tế vốn là lợi thế lớn của ông Kim.

Hơn nữa, những nhà lãnh đạo giới doanh nghiệp Hàn Quốc, vốn lâu nay được tung hô ngay trong nước như là những người hùng của quá trình phát triển kinh tế, giờ đây đều bị lên án là những ông trùm trộm cướp phương Đông. Các chính khách than phiền về tình trạng tập trung ảnh hưởng và tài sản thiếu lành mạnh: Hầu hết các tập đoàn Hàn Quốc là doanh nghiệp gia đình và khoảng một nửa tổng tài sản của chúng thuộc về các gia đình này. Ông Kim, người hiến tặng phần lớn cổ phần cá nhân của mình ở Daewoo cho các quỹ từ thiện từ rất lâu trước khi xuất hiện những cáo buộc này, đã nói rằng: “Ngày nay, mọi người than phiền vì hầu hết lợi nhuận đổ vào túi các ông chủ lớn.” Chính phủ Hàn Quốc hiện đang thúc ép các công ty khác phải công khai, như ông Kim đã tự nguyện làm nhiều năm về trước.

Những Năm Đầu

Những khó khăn gần đây của ông Kim chẳng là gì so với những gì ông đã vượt qua. Để sống sót qua Chiến tranh Triều Tiên, ông Kim phải kiếm sống từ khi mới 14 tuổi. Binh lính Triều Tiên đã bắt cha ông, một nhà giáo dục có tiếng và là tỉnh trưởng, ngay tại bàn ăn tối với gia đình – và người ta không bao giờ còn gặp lại ông nữa. Chàng thanh niên Kim, mẹ và hai người em bỏ trốn khỏi Seoul trên nóc một toa xe lửa, tiến về phía Nam, tới Daegu, quê gốc của gia đình họ. Họ còn một ngôi nhà ở đó, nhưng không có tiền. Ông phải bươn chải để giúp gia đình. “Nếu tôi kiếm được đủ tiền,” ông Kim nhớ lại, “thì chúng tôi đã có đủ thức ăn vào thời kỳ đó.” Ông Kim thuyết phục một học trò cũ của cha mình cho ông bán báo trên phố. Người dân Nam Hàn, vốn rất quan tâm đến tin tức chiến sự, sẽ vồ lấy tờ báo từ bất kỳ ai xuất hiện đầu tiên cùng với số báo mới nhất. Ông Kim chạy một mạch dọc phố để phân phát báo và giành độc giả, sau đó quay ngược lại chính lộ trình đó để thu tiền – một kỹ thuật giúp ông trở thành quán quân bán báo. Ông tính một cách khôn ngoan rằng kể cả nếu có một vài khách hàng biến mất mà không trả tiền thì ông vẫn bán được nhiều báo.

Những khắc nghiệt của chiến tranh đã định hình tính cách ông. Ông đã viết trong cuốn sách của mình: “Tôi nghĩ chính qua trải nghiệm đó mà tôi hình thành quyết tâm nỗ lực hết mình trong mọi tình huống thử thách.” Ông cũng lấy cảm hứng từ chính mẹ mình, “một tín đồ Thiên Chúa giáo rất mộ đạo,” người đã dạy cho ông những khái niệm về “phụng sự và hy sinh”.

Khi chiến tranh tạm lắng, ông Kim vượt qua những kỳ thi tuyển khắc nghiệt để vào được trường Trung học Chuyên Kyonggi tại Seoul. Ông kết bạn với những người sau này trở thành những mối kinh doanh quan trọng và cộng sự tin cậy nhất của ông. Ông giành được một tấm bằng chuyên ngành kinh tế của Đại học Yonsei, nhưng vẫn luôn mơ thấy mình trượt tốt nghiệp. Thời trung học, ông trốn tiết để đi làm bán thời gian, nhưng một vị giáo sư đã dọa sẽ đánh trượt ông vì không chịu đến lớp. Với tư cách thủ lĩnh sinh viên, ông đã tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè cùng lớp để biện hộ cho trường hợp của mình và cuối cùng cũng tốt nghiệp bằng cách viết một bài luận đặc biệt cho cả khóa học. Ông kể lại câu chuyện này cho giới trẻ Hàn Quốc để nhấn mạnh rằng hoàn thành bất kỳ việc gì cũng đòi hỏi phải có sự đầu tư trọn vẹn.

Vào đại học nhờ một suất học bổng từ một công ty có tên Hansung, ông Kim cảm thấy mình có nghĩa vụ phải đầu quân cho công ty đó. Ông nhanh chóng nắm bắt được những vấn đề phức tạp của việc nhập khẩu vải và sợi tổng hợp, những mặt hàng vốn rất khan hiếm ở Hàn Quốc thời đó. Lợi nhuận tùy thuộc vào việc có được ngân hàng trung ương nhanh chóng chấp thuận hay không, và ông Kim tìm ra nhiều bạn học cùng trường đang làm việc ở ngân hàng đó rất sẵn lòng giúp đỡ ông.

Tuy nhiên, trong công việc đầu tiên này, ông Kim đã phải sử dụng sự khéo léo của mình để vượt qua một điểm nghẽn mới được chấp thuận nhập khẩu hàng hóa. Nhân viên đánh máy của ngân hàng cần có thời gian để điền đầy đủ vào rất nhiều mẫu giấy tờ. Giải pháp của ông Kim là giữ quan hệ với các nhân viên này. Ông nghiên cứu các chuyên mục báo chuyên về thời trang để có chuyện để nói với những quý bà khó gần lúc trà nước. Tình bạn càng nảy nở hơn khi ông phát hiện ra chủ của ông có một lô vải Italia không thể bán được. Ông Kim chào bán cho các nhân viên ngân hàng với giá chiết khấu, nhờ thế mà các giấy tờ của ông được xử lý rất nhanh.

Ở tuổi 26, ông Kim khởi nghiệp công ty xuất khẩu hàng dệt lớn đầu tiên của Hàn Quốc nhờ nắm được một cơ hội không hề thấy trước. Ông đi gặp hôn thê người Hàn Quốc của mình ở London, nhưng trên đường đi, ông đã du lịch vòng quanh Đông Nam Á. Tại Hồng Công và Sài Gòn, ông lựa được những mẫu vải sợi đan vốn rất được ưa chuộng ở khắp châu Á. Ông tính toán rằng các nhà máy Hàn Quốc – khi đó chuyên sản xuất cho thị trường trong nước – có thể làm được loại vải tương tự nhưng rẻ hơn nhiều. Khi đến Singapore, ông thừa nhận: “Tôi nói với người mua rằng đây là các mẫu vải của chúng tôi và bắt đầu bán ra.” Với các đơn hàng trị giá hơn 300.000 đô-la, ông Kim quay về nhà. “Tôi phát điên lên vì phấn khởi,” ông nói. Trở lại Seoul, ông Kim viết thư cho vị hôn thê của mình rằng đừng trông ngóng ông nữa – và ông không cưới bà ấy.

“Vũ trụ lớn”

Chấp nhận một canh bạc khác vào năm 1967, ông Kim bắt đầu mở công ty nhỏ của riêng mình. Ông mới 30 tuổi và chỉ có 7 năm kinh nghiệm kinh doanh, nhưng ông rất tham vọng. Ông chọn cái tên Daewoo, nghĩa là “Vũ trụ lớn,” mặc dù công ty chỉ có 5 nhân viên. Một hãng sản xuất hàng dệt của Hàn Quốc, To Jae-Hwan, cấp cho công ty ông một nửa tiền vốn để đổi lại các đơn hàng xuất khẩu. Ông Kim vay 5.000 đô-la – một nửa số vốn cổ phần của mình – từ đối tác và hoàn trả số tiền này trong vòng một năm. Ông tự gọi mình là tổng giám đốc. Yoon Young-Suk, một bạn học thời trung học và cũng là một trong những nhân viên đầu tiên của ông, nói: “Người ta rất nghi ngờ, vì khi đó nào ai biết đến Kim?”

Từ những ngày đầu của Daewoo, ông Kim đã là một nhà cách mạng. Công ty của ông là công ty Hàn Quốc đầu tiên chuyên về hàng xuất khẩu. Ông thích đi tiên phong. Đúng như ông từng nói với tôi: “Chúng tôi thiết lập tại Hàn Quốc truyền thống đóng thuế thu nhập một cách trung thực chứ không giấu diếm lợi nhuận. Tôi cho người dân Hàn Quốc thấy mọi khả năng. Tôi cho họ thấy sản phẩm xuất khẩu cũng có thể kiếm ra tiền. Tôi đem lại cho họ sự tự tin.”

Daewoo giành được nhiều đơn hàng xuất khẩu đến mức ông phải thuyết phục nhân viên làm việc 13 tiếng một ngày và trả công cho họ cao hơn 30% so với các công ty khác. Trong mắt ông, đây là một thương vụ tốt cho tất cả mọi người. “Chúng tôi không thể tăng nhân sự lên được nhiều,” ông giải thích, “và giờ làm việc kéo dài buộc người của chúng tôi phải tiết kiệm tiền bạc.” Từ kinh nghiệm này, ông Kim hình thành một thái độ mà ông vẫn rất đề cao: “Tôi cảm thấy cuộc sống gia đình bị hủy hoại là do cách hành xử trái luân lý – khi có quá nhiều thời gian rảnh rỗi.”

Ông Kim phát triển một phong cách quản lý trở thành cốt lõi cho vai trò lãnh đạo của mình, tự mình trở thành hình mẫu của một nhân viên mẫn cán nhất và thúc giục người khác nỗ lực theo kịp ông. Nhiều đêm, vào lúc 11h, ông cùng Yoon tới thăm nhà máy của các nhà thầu phụ, mang theo kẹo làm quà cho những nữ công nhân để họ hoàn thành các đơn hàng của Daewoo trước. Những ngày đó, Hàn Quốc còn có lệnh giới nghiêm, cho nên ông Kim và cộng sự của mình phải ngủ ngay trên sàn nhà xưởng cho tới rạng sáng. Suốt thời kỳ này đã hình thành những gì sau này trở thành “tinh thần Daewoo” – một niềm tin của công ty được đúc rút lại là “sáng tạo, mạnh dạn và hy sinh.” Không đơn thuần là một khẩu hiệu, đây còn là triết lý sống của tập đoàn Daewoo. Tới tận bây giờ, Daewoo vẫn tổ chức các cuộc họp ban quản trị vào sáng sớm hoặc đêm khuya để dành thời gian làm việc bình thường cho khách hàng của mình.

Nhiệt huyết của ông Kim đối với công việc đã khiến ông gần như trở thành nhân vật được các đồng nghiệp tôn thờ, những người vẫn thường xem ông như tosa, hay sư phụ – một võ sư chỉ cho các đệ tử cách nhảy cao hơn họ nghĩ. Ngay từ đầu, ý tưởng lãnh đạo của ông đã bao gồm cả việc giữ đúng cam kết với khách hàng, thậm chí nếu có ai đó đến từ Nhật với một mẫu vải và một đơn hàng lỗ vốn. Được ông Kim gợi cảm hứng, nhân viên của ông sẵn sàng ngủ ngay trên những tàu hàng tại cảng Busan để có mặt ở đó đầu tiên vào buổi sáng và xoay xở giành lấy phần không gian ít ỏi cho các lô hàng xuất khẩu của mình. Ông Kim kiên quyết yêu cầu nhân viên của Daewoo phải ở lại cầu cảng cho tới khi tàu hàng khuất hẳn nơi chân trời – để bảo đảm tuyệt đối rằng chuyến hàng đã ra khơi.

Mặc dù không uống bia rượu nhưng ông Kim cũng phải tiếp đãi khách hàng của mình. Ông không bao giờ cho các vị khách biết rằng những ly rượu chúc tụng của ông chỉ là món chè lúa mạch rót ra từ một cái vỏ chai whisky trong khi họ mới uống rượu mạnh thật sự.

Ông Kim “nổi loạn” phá bỏ tập quán thịnh hành ở Hàn Quốc thời kỳ đó là mua bán thông qua trung gian người Nhật. Vào những năm 1960, ngành công nghiệp dệt của Hàn Quốc, trên thực tế, bán sức lao động rẻ mạt. Các thương điếm của người Nhật cung cấp nguyên liệu thô và bán sản phẩm ra nước ngoài, chỉ để lại cho người Hàn Quốc một phần lợi nhuận ít ỏi. Ông quyết định giành cho được phần lợi nhuận lớn hơn bằng cách mở văn phòng bán hàng của chính mình ở nước ngoài. Năm 1970, ông xây dựng một nhà máy may mới với 20 dây chuyền máy khâu – gấp 4 lần các nhà máy được coi là lớn ở Hàn Quốc thời kỳ đó.

Để thuyết phục các chủ ngân hàng, ông Kim tới nhà họ từ lúc 6 giờ sáng và đợi cho tới khi họ xuất hiện để tiếp nhận kế hoạch kinh doanh trong tuần của ông. “Sau một năm như vậy,” ông kể, “họ chịu nghe lời tôi.” Ông Kim sử dụng vị thế của mình với giới chủ ngân hàng để mua các nhà máy dệt may cho Daewoo. Năm 1970, khi người đồng sáng lập là To muốn hưởng số lợi nhuận mà ông Kim dồn cho công ty, Daewoo quyết định chi 500.000 đô-la cho ông này để ông ấy rời bỏ công ty vĩnh viễn. Ông Kim vẫn kiên quyết rằng lợi nhuận là để đầu tư, chứ “không phải để thụ hưởng.”

Với thái độ kiên trì, ông Kim thâm nhập được vào lĩnh vực cung cấp sản phẩm may cho các hãng bán lẻ lớn của Mỹ vào thập niên 1970. Ông mua áo sơ mi mọi kích cỡ của Mỹ, sau đó tháo rời từng đường chỉ để sao chép lại. Daewoo mở một cơ sở bán hàng tại New York, nơi ông Kim thường đến gõ cửa từng khách hàng tiềm năng mà không hẹn trước. Ông nói: “Thay vì gặp 3 hay 4 khách hàng trong một ngày, tôi có thể gặp được 10 người.” Ông vượt qua thái độ do dự của Sears, chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ, bằng việc mở một cơ sở kiểm tra hàng may mặc tại Hàn Quốc y hệt như cơ sở tại Mỹ của hãng này. Khi Hoa Kỳ và châu Âu áp đặt hạn ngạch đối với hàng may mặc nhập khẩu, công ty của ông Kim đã mua vét rất nhiều thị phần của Hàn Quốc và lãi to. Ông làm được điều đó nhờ nắm bắt thông tin – một trong những kỹ thuật kinh doanh hiệu quả nhất của ông. Trong chuyến thăm lần đầu tới Hoa Kỳ vào năm 1970, ông đã nghe nói về khả năng hạn chế nhập khẩu và khôn khéo chuẩn bị trước cho việc này. Việc phân bổ hạn ngạch căn cứ trên thành tích trong quá khứ, vì thế Daewoo giành được gần 40% tổng hạn ngạch dành cho Hàn Quốc và thu lãi lớn.

Đa dạng hóa

Ông Kim nhanh chóng đa dạng hóa Daewoo bằng cách thâm nhập vào những lĩnh vực kinh doanh có ít đối thủ cạnh tranh hơn. Ông đi từ chỗ xuất khẩu hàng dệt sang sản xuất sản phẩm này, sau đó mua những nhà máy sản xuất túi xách và găng tay. Tương tự như vậy, ông nhận thấy các công ty lớn khác của Hàn Quốc không tham gia vào các dịch vụ tài chính nên Daewoo đầu tư vào ngân hàng, công ty tài chính và công ty bảo hiểm. Ngay từ đầu, ông đã mở rộng bằng cách mua lại các công ty đang gặp rắc rối và phục hồi những công ty ấy. “Tôi không phải một kẻ cướp đoạt doanh nghiệp,” ông Kim nhấn mạnh. Thay vì chiếm đoạt tài sản và sa thải nhân viên của những công ty mà ông mua, ông cung cấp vốn và khả năng quản lý hiệu quả để họ duy trì công ăn việc làm. Ông nhìn nhận các công ty có vẻ đang sa sút khác hẳn hầu hết các nhà quản lý khác – tập trung vào những khả năng, chứ không phải những khó khăn.

Đúng như chuyên gia môi giới James Capel chỉ ra trong một nghiên cứu gần đây về các tập đoàn Hàn Quốc, “việc sử dụng vốn một cách sáng suốt” của Chủ tịch Kim “đã đem lại cho ông danh tiếng về sự uyên thâm trong quản lý tài chính, một thuộc tính vẫn thiếu vắng ở hầu hết các chaebol khác… Cuối cùng, Kim Woo-Choong thực hiện một loạt vụ sáp nhập và tiếp quản các doanh nghiệp, đưa Daewoo lên hàng đầu trong giới doanh nghiệp Hàn Quốc.”

Những mối quan hệ chính trị giúp Daewoo và các tập đoàn khác phát triển. Năm 1976, cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee cho ông Kim cơ hội mua cổ phần trong ngành công nghiệp nặng – mặc dù thời điểm đó, việc này không có vẻ gì là một ân huệ lớn. Tổng thống Park là học trò cũ của bố ông Kim tại Trường Daegu, điều này đem lại cho Daewoo cơ hội vô giá, nhưng không phải là những đặc quyền đặc lợi. Ông Kim được đề nghị tiếp quản một nhà máy sản xuất máy móc của nhà nước đã bị thất thoát tiền bạc suốt 37 năm và ngập trong nợ nần.

Nhận lấy gánh nặng như thế khiến hầu hết các nhà quản trị của Daewoo đều khiếp hãi, nhưng ông Kim không thể thoái thác. Thậm chí, ông còn tạm thời phá bỏ nguyên tắc của mình là không sử dụng người thân và thuyết phục em trai mình là Kim Duk-Choong, một chuyên gia kinh tế kiêm giáo sư đại học, trở thành Tổng giám đốc Daewoo một thời gian để Chủ tịch có thể tập trung vào nhà máy sản xuất máy móc. Chuyên gia kinh tế Kim nói: “Anh trai tôi dám mạo hiểm mọi thứ, cho nên tôi phải giúp anh ấy.”

Suốt mấy tháng ròng, Chủ tịch Kim làm việc, ăn uống và ngủ ngay tại nhà máy, nay trở thành Tập đoàn Công nghiệp nặng Daewoo. Trong vòng 9 tháng, ông bắt đầu tạo biến chuyển cho công ty. Ông Kim nói: “Trong đời tôi chưa bao giờ làm việc cật lực như vậy.”

Sống ngay trong nhà máy, ông Kim nhanh chóng phát hiện ra những khiếm khuyết. Nhân viên sản xuất buộc phải làm thêm giờ vì họ không thể sống nổi với những gì họ kiếm được trong các ca làm việc 8 tiếng, nhưng họ lại không làm việc chăm chỉ. “Máy móc vẫn chạy nhưng chẳng sản xuất ra cái gì cả,” ông Kim nhớ lại. Ông đồng ý trả lương công nhân 12 tiếng một ngày, nhưng dứt khoát rằng họ phải kiếm tiền. Ông cũng đổ vài triệu đô-la – một nửa số vốn của công ty – vào một quán cà phê hiện đại, vài cửa hàng cắt tóc và nhà cửa cho nhân viên để nâng cao tinh thần của họ. Ông cắt giảm chi phí trả cho các hợp phần của đầu máy diesel Đức sản xuất có giấy phép bằng cách mua số lượng lớn và trả tiền mặt. Trước khi Daewoo tiếp quản, nhà máy này không được tin tưởng đến mức các nhà sản xuất xe tải của Hàn Quốc phải xoay xở kiếm được giấy phép của chính phủ để nhập khẩu đầu máy diesel. Ông Kim đã sản xuất vượt đơn đặt hàng ông có 10.000 đầu máy khiến “các công ty sản xuất xe tải không còn lý do gì để nhập khẩu đầu máy nữa.”

Thành công của ông với nhà máy sản xuất máy móc đã tạo ra danh tiếng cho ông Kim không chỉ là một thương gia khôn ngoan. Việc tiếp quản và thay đổi nhà máy đó giúp tăng thêm tham vọng của ông – và làm thay đổi hướng đi của Daewoo. Ông nói: “Nếu không mua công ty đó thì nay chúng tôi sẽ không sản xuất được xe tải nâng hàng Caterpillar hay phụ tùng cho máy bay Boeing.”

Quan hệ đối tác nước ngoài

Đã chứng minh được năng lực của mình như một bác sĩ chuyên chữa trị cho các công ty, ông Kim thuyết phục chính phủ cho phép Daewoo mua một hãng xe hơi Hàn Quốc có liên hệ với General Motors. Hãng Daewoo Motor của ông Kim, do GM sở hữu 50%, tạo ra dòng xe Pontiac LeMans cho cả thị trường Hàn Quốc và Mỹ. Nhưng điều quan trọng hơn với ông Kim về lâu dài là bốn liên doanh nữa nhưng ít rõ rệt hơn với GM, chuyên sản xuất các phụ tùng xe hơi xuất khẩu. Bên trong nhiều mẫu mã GM được lắp ráp ở đâu đó đều có phụ tùng từ các nhà máy của ông Kim. Rốt cục, ông Kim kỳ vọng giá trị xuất khẩu phụ tùng xe hơi sẽ vượt hẳn giá trị giao xe hơi nguyên chiếc.

Tuy nhiên, tham vọng toàn cầu của ông Kim trong ngành công nghiệp xe hơi có lúc xung đột với cơ chế quan liêu của GM, hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Chẳng hạn, doanh số bán xe hơi của Daewoo sang Tiệp Khắc khiến Detroit lo lắng. GM muốn công ty con của mình ở Đức cung cấp cho châu Âu – dẫn đến một số thời điểm “sóng gió” trong quan hệ đối tác của Daewoo với đại gia sản xuất xe hơi này. “Có sự khác biệt về triết lý,” ông Kim giải thích. “Lối tư duy của Mỹ là đặt câu hỏi xem đâu là thị trường. Chúng tôi nói rằng nếu chúng tôi có năng lực sản xuất đủ sức cạnh tranh thì tại sao lại không bán đi?” Ông Kim cũng phàn nàn rằng GM, vốn vẫn bán xe hơi sản xuất tại Hàn Quốc thông qua các đại lý tại Hoa Kỳ, phải gánh mức tổng phí rất cao, làm tăng giá bán lẻ của dòng xe LeMans. Bất chấp những căng thẳng như vậy, liên minh này vẫn đem lại cho GM một nguồn xe hơi nhỏ gọn tương đối rẻ. Nhiệt tình của ông Kim giúp làm dịu nhiều khó khăn. Như một giám đốc điều hành người Mỹ của GM từng nói với tôi: “Ông Kim đã lan truyền được sự nhiệt tình của mình tới mọi người. Ông ấy có thể thúc đẩy gần như bất kỳ điều gì.”

Khả năng biến thảm hoạ thành lợi thế còn giúp ông Kim trong một mối quan hệ khác với Mỹ. Daewoo thiết kế một mẫu máy tính thông dụng tương thích với IBM và tung ra thị trường Mỹ bằng cách bán qua một công ty phân phối của Mỹ là Leading Edge.

Máy tính của Daewoo rất được ưa chuộng tại Hoa Kỳ, nhưng vì những lý do khác nên nhà phân phối phá sản. Daewoo liền mua lại Leading Edge – và tăng cường mối quan hệ với các cơ sở bán máy tính. Ông Kim nói: “Với tôi, những cơ hội khả dĩ do một tình huống nguy hiểm đem lại còn quan trọng hơn chính khủng hoảng.”

Trong quá trình chuẩn bị cho một châu Âu thống nhất về kinh tế dự kiến vào năm 1992, ông Kim đã tạo dựng liên minh với nhiều công ty Tây Âu. Daewoo, bên cạnh nhiều lĩnh vực khác, còn sản xuất phụ tùng máy bay cho British Aerospace và Dornier Luftfahrt của Đức.

Ở nơi người khác không dám thâm nhập

Trong Thế giới thứ Ba, ông Kim tìm thấy lợi nhuận ở nơi nhiều đối thủ cạnh tranh không dám thâm nhập. Vào cuối thập niên 1970, khi Trung Đông đông nghẹt các công ty xây dựng Hàn Quốc thì ông Kim tập trung vào những nơi khác như Sudan. Ông thiết lập một đầu cầu ở đó bằng cách mở một văn phòng để thúc đẩy các sản phẩm Hàn Quốc và giành được một hợp đồng xây dựng một khách sạn trị giá 20 triệu đô-la, với phần lợi nhuận được bảo đảm bằng tín dụng xuất khẩu của chính phủ Hàn Quốc. Tiếp đến là công đoạn đầy khôn khéo: Sudan muốn có một nhà máy lốp xe, nhưng lại không có tiền. Như minh chứng cho lời nói ông có khả năng “ngửi thấy tiền ở khắp mọi nơi,” ông nghĩ ra một thoả thuận xin thanh toán công cho nhà máy lốp xe đó bằng bông thô, vốn là thứ các nhà máy dệt của ông rất cần.

Né tránh những thị trường quá đông đúc như Saudi Arabia và các quốc gia dầu mỏ Trung Đông khác, ông Kim tìm mối làm ăn ở châu Phi. Ông nói: “Chúng tôi tìm tới sa mạc hoặc rừng rậm vì những nơi duy nhất chúng tôi có thể kiếm được lợi nhuận cao chính là những nơi khó khăn. Ở đó ít có sự cạnh tranh từ các nước phát triển, bởi họ không thể thích nghi. Có lẽ nếu cử một quý ông người Mỹ tới rừng rậm Nigeria thì bạn sẽ phải trả cao gấp 4 hoặc 5 lần chi phí bình thường và phải cho người đó 3 hoặc 4 tháng nghỉ ngơi.”

Nhân viên của ông sẵn lòng chịu đựng gian khổ, một phần vì ông cùng nghỉ Giáng sinh và năm mới với họ ngay tại công trường xây dựng. Ngài chủ tịch còn cho các nhân viên quản lý cao cấp về nhà nghỉ lễ và đích thân làm thay họ. Điều này giúp ông tiếp xúc trực tiếp với công nhân và có nhiều thời gian thúc đẩy những thương vụ mới với các khách hàng Hồi giáo vốn vẫn làm việc vào những dịp đó.

Làm ăn với Đại tá Qaddafi của Libya có vẻ liều lĩnh nhưng ông Kim chủ yếu làm việc với các quan chức thực dụng của Libya trong lĩnh vực xây dựng trường học, đường xá và một trường cao đẳng y tế. Ông cũng hạn chế rủi ro tài chính bằng cách thu hồi những khoản thanh toán trước – bằng dầu thô. Biện pháp này làm giảm lợi nhuận một chút, nhưng lại tiết kiệm được chi phí lãi vay do vay mượn các quỹ kinh doanh. Quan trọng hơn, dàn xếp này đồng nghĩa rằng Daewoo luôn có nhiều nguồn tài chính trong tay hơn là rủi ro tài chính ở Libya. Ông Kim cũng giành được một nhà máy lọc dầu ở Antwerp, Bỉ, chuyên chế biến dầu thô của Libya để làm tăng giá trị.

Cách tiếp cận rủi ro của ông Kim cũng được thấy rõ tại Iran, nơi ông tham gia vào thị trường xây dựng trong giai đoạn cao trào cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào năm 1983. “Hầu hết các công ty khác tỏ thái độ do dự,” ông Kim thừa nhận. “Lúc này chúng tôi mong đợi việc làm ăn của mình ở Iran đem lại lợi nhuận lớn.” Theo ông, làm việc cho người Iran có một lợi thế. Thể chế Hồi giáo thanh toán nhanh hơn hẳn chính phủ cũ ở Iran.

Dĩ nhiên, trước khi thâm nhập vào bất kỳ vùng đất nào, ông Kim đều mở một văn phòng nhỏ để bán hàng hoá của Hàn Quốc và nghiên cứu thị trường. Daewoo có khoảng 76 văn phòng rải rác khắp thế giới. Ông Kim bay sang những quốc gia này với tư cách là người bán hàng cao nhất của công ty mình, cũng như thu thập thông tin từ các nhà kinh tế, doanh nhân, nhà báo và quan chức chính phủ. Ông nói rằng ông muốn “cảm nhận và đánh hơi” cả rủi ro và cơ hội. Ông cho biết thêm là với những thông tin mắt thấy tai nghe, “tôi có thể vận hành được.” Tại một thị trường Thế giới thứ Ba mới, ông Kim gây sốc cho nhân viên của mình bằng việc giảm giá bỏ thầu đối với một dự án xây dựng lớn, và gọi chiến thuật này là “lệ phí vào cửa của chúng ta.” Bằng cách hy sinh những lợi ích ngắn hạn, ông Kim mở đường cho những mảng kinh doanh lớn hơn sau này.

Cũng với tinh thần ấy, ông Kim tiến vào Trung Quốc và Đông Âu. Ông nói: “Trước kia, chúng tôi bị giới hạn có lẽ chỉ trong một nửa thị trường trên thế giới bởi chúng tôi không có quan hệ thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa.” Hiện Daewoo đang sản xuất tủ lạnh ở Nam Trung Quốc. Ông tiếp tục giành được một thoả ước xuất khẩu xe hơi, thiết bị điện tử, và các loại máy móc khác sang Hungary, nơi Daewoo cũng lập một ngân hàng đầu tư liên doanh. Ông Kim mở các văn phòng của Daewoo ở Moscow, Sofia, Warsaw và Thành phố Hồ Chí Minh.

Là một đại sứ không chính thức, việc ông Kim thâm nhập vào các thị trường giúp Hàn Quốc lập được quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia nơi ông có quan hệ làm ăn, kể cả Algeria, Hungary và Liên Xô. Ông Kim cũng sốt sắng để mắt tới một khu vực bị cấm đoán khác là Triều Tiên. “Đã đến lúc các công ty Hàn Quốc có thể xây dựng những nhà máy ở Triều Tiên,” ông nói. “Tôi rất muốn là người đầu tiên làm được việc đó.” Ông hình dung ra tiềm năng rất lớn của việc xuất hàng hoá theo đường sắt từ Triều Tiên sang Trung Quốc và Liên Xô.

Thách thức lớn nhất

Tại quê nhà, thách thức lớn nhất của ông Kim là khôi phục một xưởng đóng tàu lớn mà ông chưa bao giờ đặt lên hàng đầu. Năm 1978, chính phủ Hàn Quốc đề nghị ông tiếp quản cơ sở mới chỉ hoàn thành một phần tư và ngập trong nợ nần này. Ông Kim từ chối, nhưng chính phủ chờ cho đến khi ông vắng mặt vì một chuyến công tác nước ngoài và công bố kịch bản tiếp quản. Nhà máy đóng tàu và máy móc lớn Daewoo, tên gọi hiện nay của xưởng, thậm chí còn kiểm chứng cả lòng dũng cảm của ông Kim. Trước khi hoàn thành xưởng đóng tàu vào năm 1981, ông Kim đã đi khắp thế giới để rao bán tàu, và lúc đầu không mấy thành công. Ông quyết định vạch ra một chiến lược táo bạo nhằm đóng một con tàu rất tinh vi về mặt kỹ thuật để chứng minh Daewoo có thể làm được những gì. Ông Kim bán một chiếc tàu chở hoá chất làm bằng thép không gỉ rất tinh xảo cho một công ty vận tải biển của Na Uy, với cam kết không giao tàu nếu như nó không thoả mãn các yêu cầu. Ông Kim không hề thu được lãi, nhưng con tàu đã giành được các giải thưởng dành cho loại tàu tuyệt vời nhất năm 1982.

Mặc dù vậy, hình thức bán hàng trực tiếp này vẫn không đủ để bảo đảm cho xưởng đóng tàu. Năm 1982, ông Kim bán cho hãng US Lines một hạm đội tàu chở hàng trọng tải lớn, nhưng sau đó khách hàng này lâm vào cảnh khó khăn về tài chính và không có khả năng chi trả. Tệ hơn nữa, nhu cầu đối với tàu thuyền giảm mạnh trên toàn thế giới, và nhu cầu đối với hãng Daewoo Shipbuilding cũng vậy.

Lúc này ông Kim đang đặt cược uy tín và 1,2 tỉ đô-la vào việc thay đổi xưởng đóng tàu đang gặp khó khăn này. Với tính cách táo bạo, ông đa dạng hoá các lĩnh vực kinh doanh của Daewoo Shipbuilding sang cả xe hơi mini, xe tải hạng nặng và xe xúc. Chính phủ Hàn Quốc, chủ sở hữu 33% doanh nghiệp này, bơm một nửa số vốn mới thông qua các khoản vay không tính lãi. Một nửa còn lại là của ông Kim, người đã bán cổ phần tại công ty môi giới rất có lãi của mình và đầu tư số tiền thu được vào xưởng đóng tàu. Ông Kim dành nhiều thời gian trong suốt hai năm để chỉnh đốn lại các mối quan hệ lao động tại xưởng đóng tàu đặt trên đảo Koje, nơi hai nhân công tự sát trong một cuộc đình công vào mùa xuân năm 1989.

Gần đây, tôi có đi cùng ông Kim tới thăm xưởng đóng tàu, nơi ông mặc bộ đồng phục xanh nước biển như 9.000 công nhân khác và ăn bữa trưa tại quán ăn tự phục vụ tại xưởng. (Ông Kim đã cho thấy cách ông “sống sót” được dù ngủ rất ít – ông tranh thủ chợp mắt trong khi xe đưa chúng tôi tới sân bay Seoul để kịp chuyến đi tới hòn đảo ở phía Nam này). Lo sợ tình trạng tranh đấu lao động, ông Kim đã cho toàn bộ lực lượng nhân công của mình tham gia cái mà ông gọi là một “chương trình huấn luyện gia đình” – có nghĩa là gia đình Daewoo. Từng nhóm 300 công nhân xưởng tàu tới thăm những công ty khác của ông Kim, tham gia một buổi hội thảo về nền kinh tế Hàn Quốc, cộng với các buổi thảo luận về cách cải thiện năng suất. Vào ngày cuối cùng của mỗi khoá huấn luyện kéo dài 1 tuần, công nhân được gặp ông Kim ngay tại xưởng tàu vào một ngày Chủ nhật. Ông dành vài giờ với mỗi nhóm nhân viên, chủ yếu để trả lời các câu hỏi của họ, một hành động thể hiện vai trò người thày của ông.

Các công nhân đều lễ phép nhưng bộc trực. Có người yêu cầu được biết các kế hoạch của công ty nhằm cải thiện đời sống hằng ngày cho nhân viên, những người có mức lương trung bình 14.400 đô-la một năm. Ông Kim đã trả lời rằng: “Sau 5 năm, ngay cả những nhân viên làm việc chân tay cũng sẽ đi làm bằng xe hơi riêng. Theo chuẩn mực ở Hàn Quốc, các bạn đã thuộc tầng lớp trên trung lưu. Để có một cuộc sống tốt hơn, điều đó tuỳ thuộc vào nỗ lực của các bạn.” Ông Kim nhắc cho các công nhân nhớ rằng họ được trả lương rất hậu, cho dù chính xưởng tàu đang bị mất tiền. “Các bạn nghĩ rằng tôi rất giàu,” ông nói thêm. “Dù đã có hàng trăm chuyến công tác nước ngoài nhưng tôi chưa bao giờ bén mảng tới một buổi trình diễn sân khấu. Với tôi, bữa ăn mà công ty cung cấp ở đây rất ổn. Các bạn phải tiết kiệm cho chính tương lai của mình, giáo dục con cái mình và làm việc chăm chỉ.”

Một nhân viên khác thắc mắc tại sao xưởng tàu lại phải chi rất nhiều tiền chỉ để công nhân tham gia một khoá huấn luyện đặc biệt. Ông Kim nói rằng những công ty khác của Daewoo cũng hỏi đúng câu hỏi như vậy, nhưng ông cũng nói rằng ông kỳ vọng xưởng tàu sẽ sớm làm ăn có lãi. “Nếu một công ty kinh doanh tốt thì tôi sẽ không bao giờ tới thăm nơi đó. Tôi chỉ chuyên giải quyết rắc rối.”

Sau đó, tại văn phòng của ông ở xưởng tàu, ông Kim nhận xét rằng những xung đột lao động và chính trị ở Hàn Quốc thật sự lành mạnh. Những than phiền của mọi người đều được lắng nghe, và điều đó dẫn tới đồng thuận. Ông nói: “Mức sống ở đây sẽ tăng lên. Chi phí lao động của chúng ta vẫn thấp hơn Nhật Bản và Hoa Kỳ. Năng suất chính là điều chúng ta phải nghĩ đến.” Để bù đắp lại những khoản lương cao hơn, ông Kim đã tự động hoá các nhà máy, sản xuất các động cơ diesel cùng người máy do chính các kỹ sư của ông thiết kế. “Tôi rất lạc quan về tương lai,” ông nói.

Trên thực tế, ông Kim lo lắng về tình trạng giảm sút sức cạnh tranh của nước Mỹ hơn là của chính mình. Thói quen tranh thủ ngủ trưa ở Nam Âu khiến ông rất lo lắng – không chỉ vì điều đó có nghĩa là “mất đi rất nhiều giờ công” mà còn vì nó phản ánh một tinh thần “trì trệ.” Ông bồn chồn vì những người Mỹ giỏi nhất và thông minh nhất đều đổ đi học luật và ngân hàng đầu tư trong khi ngành tiếp thị và chế tạo thì bị bỏ nhãng. Ông ấy lo ngại về những ảnh hưởng của tình trạng nghiện ma túy và rượu bia đối với các công nhân nhà máy ở Mỹ. Ông Kim nói về nước Mỹ: “Sự giảm sút về chất lượng sản phẩm đối với nhiều mặt hàng, theo tôi nghĩ, phản ánh tình trạng bất ổn xã hội đang nổi lên trong những năm gần đây.”

Mặc dù là người ngưỡng mộ Hoa Kỳ nhưng ông Kim có nhiều điểm rất giống Lee Iacocca khi phê phán nước Mỹ. “Công ty Mỹ không còn như trước kia,” ông Kim nói. “Thời trước, người Mỹ làm việc chăm chỉ để chinh phục những lĩnh vực mới. Nhưng khi nền kinh tế của họ phát triển, họ quan tâm nhiều tới nhà cao cửa rộng, rèn luyện thân thể và giải trí hơn là làm ăn. Làm sao bạn có thể cạnh tranh nếu không có sự cống hiến?”

Tương tự, ông lo ngại rằng khi Hàn Quốc thịnh vượng, giới trẻ sẽ nghĩ đất nước mình giàu như nước Mỹ và chạy theo chủ nghĩa khoái lạc. “Vẫn còn hơi sớm để chúng ta ngồi và cảm thấy thỏa mãn,” ông Kim nói.

Bên cạnh việc đánh hơi thấy tiền ở khắp mọi nơi, ông Kim còn háo hức truyền cho đồng bào mình lòng nhiệt thành đã giúp ông luôn tiến lên. Ông đưa ra lời khuyên: “Các bạn phải tìm những nơi mà người ta chưa bao giờ tìm đến, và các bạn phải làm những việc mà người khác chưa bao giờ làm.” Ông thừa nhận ông nuôi dưỡng một giấc mơ nữa là sản xuất ra thứ gì đó ngay tại Hàn Quốc, bất kỳ là sản phẩm gì, và nó được công nhận là sản phẩm tốt nhất thế giới. Tay cầm một chiếc bật lửa, ông nhận xét: “Thay vì Dunhill, có lẽ tất cả mọi người sẽ sử dụng Kim Woo-Choong.” Những người biết ông Kim đều công nhận rằng sản phẩm mơ ước của ông sẽ lớn hơn chứ không chỉ là một chiếc bật lửa và rằng tất yếu nó sẽ trở thành hiện thực. Như cuốn sách của ông cho thấy, ông Kim đã đưa ra một lời khuyên ở đẳng cấp thế giới cho bất kỳ ai có đủ tham vọng để ganh đua với ông.

Louis Kraar

1991


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.