Thói Quen Của Kẻ Thắng

10. Tìm kiếm sự cân bằng



Chủ tịch PepsiCo và cuộc điện thoại từ Coca Cola

Anh tham gia chạy Marathon New York hàng năm. Anh tốt nghiệp học viện US Naval và trở thành chỉ huy trong quân đoàn Hải quân Mỹ. Anh từng đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, là bảo vệ của Nhà Trắng trong suốt thời kỳ Tổng thống Nixon và Tổng thống Ford đương nhiệm. Sau đó anh chuyển sang làm kinh doanh, thăng tiến nhanh chóng, và vào năm 2001, anh trở thành chủ tịch, lãnh đạo cấp cao của PepsiCo. Vào năm 2006, anh quyết định từ chức và nhượng lại cho người kế vị với đầy thiện ý. Một quyết định trung thực và bản lĩnh: “Tốt nhất nên từ bỏ khi mọi người hỏi tại sao, chứ không phải là hỏi tại sao không.” Dù bạn nhìn nhận sự việc này như thế nào, Steve Reinemind, một vận động viên Marathon, một người bảo vệ Nhà Trắng, một chủ tịch tập đoàn PepsiCo, đã có một sự nghiệp thật ấn tượng.

Bạn tò mò muốn biết điều gì là điểm nhấn trong sự nghiệp của anh ấy? Liệu có phải đó là những gì anh đã làm để có thể đa dạng PepsiCo bao gồm những thức uống có lợi cho sức khỏe, một bước nhảy rõ ràng đã giúp cho PepsiCo vượt lên trong cuộc cạnh tranh với Coca Cola? Có phải là con số ấn tượng khi dưới thời lãnh đạo của anh, lợi nhuận PepsiCo đạt mức 9 tỷ đô-la, doanh thu thực tăng 70%, giá trị cổ phiếu tăng 80%, và vốn hóa thị trường của PepsiCo vượt quá 100 tỷ đô-la? Hay những hội nghị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà anh tham gia? Hay đó là việc anh ta biết từ bỏ vào thời điểm nào, để tạo cơ hội cho người kế nhiệm, không giống với những người lãnh đạo khác bị trói chặt với quyền lực và họ từ chối việc rời bỏ để được tiếp tục những ngày tháng tuyệt vời nhất ấy?

Bất kỳ ai ở địa vị này cũng sẽ có rất nhiều sự kiêu hãnh và niềm vui. Nhưng thật thú vị khi nghe Steve kể lại một trong những “thời khắc không thể quên” trong cuộc đời được ghi nhận bởi vô số những thành tựu. Câu chuyện kể rằng:

Ngày hôm đó cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác. Khi Steve nhìn ra ngoài qua cửa sổ văn phòng, phóng tầm mắt ra khu sân cỏ trải dài của PepsiCo, thì không gian yên tĩnh bỗng bị phá vỡ bởi một cuộc điện thoại. Anh nhấc máy lên. Ở đầu dây bên kia là CEO của Coca Cola.

Anh ta gọi cho Steve để cám ơn vì thiện ý mà PepsiCo đã dành cho Coca – Cola. Có vẻ như một gói hàng bao gồm nhiều tài liệu mật của Coca Cola đã được chuyển nhầm tới PepsiCo, thay vì tới Coca Cola?
Sau khi tắt máy, Steve gọi người quản lý của mình tới để tìm hiểu về chuyện đó. Anh ta nói đúng, thực sự có một gói hàng của Coca Cola bị chuyển nhầm tới văn phòng PepsiCo. Và chỉ có hai người biết điều đó: người quản lý và cô trợ lý. Trong sự hiểu biết của mình, họ đã quyết định gửi lại tới đúng địa chỉ công ty Coca Cola. Câu chuyện tất cả chỉ có vậy. Không mất nhiều giờ suy nghĩ, không cần hỏi lời khuyên, không hề làm ồn ào.

Không cần phải nói thêm, Steve đã rất tự hào về đội ngũ của anh. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ thời khắc này sẽ còn rất đặc biệt, thậm chí vài năm về sau bởi đây không phải là việc chia sẻ lợi nhuận, gia tăng thị trường, mà là xây dựng một tổ chức. Một tổ chức chiến thắng bởi những hành động trung thực tại mọi thời điểm.

Bên cạnh việc xác định tầm nhìn cho doanh nghiệp, hãy quan sát nó thực sự hoạt động như thế nào. Đừng chỉ định nghĩa những giá trị, hãy quan sát tổ chức của bạn sống theo cách của chính họ.

Chúng ta đều đặt ra những giá trị sống, nhưng khi một cơ hội tới dù không quang minh chính đại, chúng ta có sẵn sàng giữ những giá trị đó? Cuộc chiến giữa Coca Cola và Pepsi là chuyện từ muôn thưở, và họ đã tiến hành rất nhiều cuộc cạnh tranh khốc liệt trên khắp thế giới trong cuộc chiến nhằm giành giật thị trường, người tiêu dùng. Và tất nhiên, khi những dữ liệu của Coca Cola tới nhầm chỗ Pepsi, dữ liệu đó hoàn toàn có thể giúp cho họ có được một vũ khí để tăng khả năng cạnh tranh của mình – nhưng đội ngũ nhân viên của Pepsi đã “làm đúng điều cần làm”.

Còn bạn? Và tổ chức của bạn? Liệu người đưa hàng, người thư báo hay người quản lý bán hàng, người nhận được giải thưởng doanh số bán hàng sẽ cư xử tương tự như người nhân viên tại PepsiCo đã làm? Nhiều người trong số chúng ta khoác trên mình những giá trị như trung thực, liêm chính nhưng khi một lá thư cửa ai đó tới nhầm hòm thư của bạn, bạn có ngăn cản được sự tò mò muốn ghé nhìn nội dung lá thư?

Hay bạn sẽ biện mình cho hành động đó bằng cách nói bạn có muốn đâu, tự nhiên nó tới nhầm chỗ, và bạn không có lỗi khi nhìn nó? Không quan trọng nó tới chỗ bạn như thế nào. Nếu nó không phải của bạn, nó không dành cho bạn.

Những người lãnh đạo tài giỏi, những tập đoàn lớn được xây dựng trên một cơ sở vững chắc. Trên một sự trung thành không đòi hỏi và với giá trị hệ thống đã được định sẵn. Sự trung thực đến từ tất cả mọi người, không phải chỉ từ một số cá nhân. Sự trung thực tại mọi thời điểm, không phải chỉ khi nó mang lại lợi ích.

Sức mạnh thật sự trong câu chuyện của Pepsi không chỉ qua việc gói hàng đã tới đúng nơi nhận, mà còn bởi hành động không chút ồn ào. Không có cuộc họp nào quyết định tính đúng đắn của hành động đó, người quản lý không hề nói với ông chủ (và ông chủ của ông chủ… ) Chỉ có hai người trong một tập đoàn lớn như vậy biết về điều đó. Và họ chỉ làm việc mà họ nghĩ – không phải việc mà họ biết – là việc làm đúng.

Tôi nghĩ đó là một bài học lớn cho những cá nhân và tổ chức. Giá trị đạo đức không phải là cái gì đó viết được lên tường của văn phòng, hay trên những trang trình chiếu powerpoint cho mọi người. Giá trị, đó là những hành xử trong cuộc sống thật của mọi người trong tổ chức, trước những thách thức và những cám dỗ mà họ đối mặt hàng ngày. Những giá trị của bản thân bạn không phải chỉ là những gì mà bạn cho là đúng, mà nó là cách mà bạn cư xử, phản ứng trong lúc đối mặt với những xúi giục, khi có áp lực, thậm chí khi bạn biết điều mà không ai khác biết.

Thông thường, quyết định của chúng ta về cái gì đúng, cái gì sai thường bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ “liệu có ai nhìn thấy không”. Nếu những nhân viên PepsiCo mở gói hàng đó và khám phá bí mật bên trong, không ai có thể biết. Ít nhất là người ở Coca Cola. Những con người ở Atlanta sẽ chỉ có thể nghi vấn điều gì đó đã xảy ra với gói bưu kiện. Thế thôi.

Vấn đề thực sự không phải là bạn làm gì khi cả thế giới đang nhìn bạn. Mà là việc bạn làm khi không ai quan sát bạn! Có lẽ gói hàng kia chứa đựng những bí mật có thể giúp Pepsi chiến thắng điểm cổ phiếu, hay giành được quyền chủ động hơn trong cuộc cạnh tranh. Viêc mở nó có thể tạo ra một cơ hội thị trường. Nhưng nó có thể phá vỡ cả hệ thống. Tuy chậm, nhưng chắc chắn là vậy.

Bạn sẽ làm gì nếu bạn ở trong tình cảnh đó? Bạn sẽ làm gì nếu bưu kiện chứa những cơ hội bí mật đặt trên bàn làm việc của bạn? Dễ thôi, tất nhiên, bạn sẽ không mở nó! Đó là điều mà chúng ta đều nói.

Câu hỏi thực sự là: Bạn đã làm gì trong lần gần đây nhất khi việc tương tự như vậy xảy ra với bạn? Khi những giá trị của bạn được kiểm tra, khi bạn có cơ hội sở hữu một khoản lời (mặc dù không công bằng), khi bạn biết bạn sẽ không bị ai bắt quả tang? Ồ, bạn đã làm gì?

Đã tới lúc tự vấn lương tâm. Đã tới lúc để chắc chắn rằng chúng ta đều tạo ra những tổ chức mà khi những bưu kiện của đối thủ cạnh trạnh tới nhầm hòm thư của chúng ta, người nhận thư biết điều nên làm là gì. Và không chỉ biết phải làm gì, cô ấy còn làm điều ấy ngay lập tức! Sự đầy đủ. Bạn đã có điều đó

Nếu bạn đang làm việc trong một doanh nghiệp về quỹ và đầu tư, bạn có thể đã từng nghe đến cái tên John Bogle. John là người sáng lập, là lãnh đạo cấp cao của Vangauard Mutual Fund Group, và cũng là người tạo ra quỹ chỉ số đầu tiên trên thế giới. Trong cuốn sách gần đây nhất của mình, John đã kể một câu chuyện thú vị về Joseph Heller, tác giả của cuốn sách rất được ưa thích trên thị trường “Catch 22”.

Một người bạn đã đưa Heller tới bữa tiệc của những tỷ phú tại New York. Đó là một buổi tối tuyệt vời và người chủ phóng khoáng – quản lý của một quỹ đầu tư mạo hiểm – chắc chắn đã dành cho các vị khách một khoảng thời gian tuyệt vời. Người bạn quay sang nói với Heller: “Anh có nhận ra số tiền chủ bữa tiệc có thể kiếm trong một ngày nhiều hơn tổng số tiền anh thu được nhờ cuốn sách?” Joseph nhún vai, gật đầu nhẹ, đưa cốc lên nhấp một ngụm rượu rồi trả lời: “Có thể, nhưng tôi có những thứ mà anh ta sẽ không bao giờ có.”
“Là gì vậy?”

Người bạn kia hỏi lại. Và Joseph trả lời: “Sự đầy đủ.” Tôi thích câu chuyện và khi đọc cuốn sách, tôi thấy tiêu đề rất liên quan: “Sự đầy đủ: Thước đo thực sự của Tiền, Kinh doanh, và Cuộc sống”. Tôi chợt nhớ về Maslow và sơ đồ nổi tiếng của ông về những nhu cầu. Tôi đã nghĩ về sơ đồ kim tự tháp của ông và tự hỏi “đủ” sẽ ở đâu trong đó. Tự thỏa mãn dường như là một cụm từ khá dài so với một từ đơn là đủ. “Đủ”.

Chúng ta đều có những định nghĩa của riêng mình về sự thành công, về những tham vọng, sức khỏe, quyền lực, danh tiếng. Và nhiều hơn thế nữa… Chỉ một số trong chúng ta có từ “đủ” trong danh sách đó.

Điều gì khiến mọi người hạnh phúc? Tiền bạc, tình yêu, sức khỏe, sự tôn trọng? Hay tất cả những điều đó? Nhưng bạn hãy nhớ rằng hạnh phúc thực sự không phải tới từ việc đạt được (hoặc muốn được) nhiều hơn mà từ sự bằng lòng với những gì bạn có, từ cảm giác như thế nào là đủ, chỉ cần đủ. Một người khôn ngoan sẽ hiểu không phải cứ thành công mới có hạnh phúc. Hạnh phúc có thể giúp bạn thành công.

Ham muốn đạt được nhiều hơn nữa khiến chúng ta lao vào cuộc đua không bao giờ dừng lại. Giống như trò giải trí mà người chơi ngồi trên chiếc xe điện chạy rất nhanh, nhưng người điều khiển đoàn xe đó lại biến mất, và bạn không có cách nào để có thể dừng lại! Khi bắt đầu, bạn rất vui với đường đua đó, nhưng không có cách nào dừng lại đồng nghĩa với việc trò chơi đó không còn thú vị một chút nào nữa. Hãy nhìn xung quanh và bạn có thể sẽ thấy một số người “thành công”, những người có tất cả – ngoại trừ từ “đủ”. Tiền bạc không phải là bí mật của hạnh phúc, điều đó đã được bàn luận trong nhiều cuốn sách. Bạn cần đủ tiền, chắc chắn rồi, nhưng ở khía cạnh nào đó, nó không còn quan trọng. Vậy điều gì là quan trọng? Điều gì khiến con người hạnh phúc? Tạp chí American Psychologist đã chỉ ra ba yếu tố, ba thứ bạn cần để bạn có được hạnh phúc thực sự. Tự do: làm bất kỳ điều gì bạn muốn;

Quan hệ: mối liên kết với bạn bè và những người thân;
Làm chủ năng lực: có cơ hội thể hiện tài năng của bản thân.

Vì thế, khi bạn có dự định chuyển việc hay ngành nghề, hay khi bạn lo lắng về khả năng cân bằng tài chính, hãy thử đánh giá công việc mới theo các tiêu chí ở trên. Vấn đề là khi chúng ta tìm kiếm những điều như thế và hơn thế nữa, chúng ta thường bỏ qua những gì thực sự quan trọng: Sự tự do làm việc mà bạn muốn, cơ hội dành thời gian cho những người bạn yêu thương, cơ hội làm những việc mà bạn thực sự có năng lực. Nếu bạn có đầy đủ những yếu tố đó, thì ở một góc độ, bạn có lẽ đã có “đủ”.

Tính tham lam là trung tâm của rất nhiều vấn đề mà chúng ta gặp phải. Đã tới lúc để nói – đủ rồi. Đã tới lúc để mỗi chúng ta định nghĩa chữ “đủ” cho bản thân. Và khám phá ra sự giàu có và hạnh phúc thực sự.

Chúng ta đều có những định nghĩa của riêng mình về thành công và danh sách bí mật những mơ ước của bản thân. Sự giàu có. Quyền lực. Danh tiếng. Và còn nhiều nữa… Nhưng rất ít trong chúng ta có chữ “đủ” trong danh sách đó.

Pig. Và những trò chơi khác

Một lần, khi ở Chennai, một người bạn kể với tôi về một trò chơi xúc xắc mà anh thường vẫn chơi khi còn đi học, những bài học mà anh học được từ trò chơi đó vẫn có giá trị đến bây giờ. Trò chơi đó được gọi là Pig.

Trò chơi như sau: Có hai người chơi, hai chiếc xúc xắc. Người chơi thứ nhất bắt đầu trò chơi bằng cách lắc con xúc xắc, số chấm hiện trên con xúc xắc là số điểm anh ta ghi được. Anh ta tung tiếp con xúc xắc, thêm lần nữa, rồi lại lần nữa, và tiếp tục ghi thêm điểm với mỗi lượt lắc như vậy. Nếu cả hai xúc xắc hiện lên cùng số chấm, thì anh ta sẽ ghi được số điểm tuyệt đối là 12 (ví dụ nếu anh ta tung được 2 mặt 3, anh ta sẽ ghi được 12 điểm). Và bạn tiếp tục tung con xúc xắc, và tích lũy số điểm. Tuy nhiên, nếu bạn gặp 2 mặt là 1, bạn sẽ bị mất lượt, số điểm trở về 0. Sau đó, người tiếp theo sẽ giành lấy lượt chơi về mình. Tại bất kỳ thời điểm nào, một người chơi có thể dừng không lắc nữa, và nhường quyền xúc xắc cho người chơi còn lại. Sau khi kết thúc 5 vòng chơi, người có số điểm cao hơn sẽ trở thành người chiến thắng. Nghe có vẻ đơn giản. Và vui. Đúng không bạn?

Nhưng có một chút mưu mẹo trong đó. Như lời bạn tôi kể, trò chơi này sẽ rất vui khi tung xúc xắc, ghi điểm, được tung tiếp và nhìn số điểm của mình cao lên nhanh chóng. Và khi số điểm vượt quá 100, suy nghĩ lo sợ lượt tung xúc xắc tiếp theo sẽ là 1 và 1 – có nghĩa là sẽ mất tất cả,và điểm số trở về con số 0 – bắt đầu xuất hiện trong tâm trí.

Và ngay sau đó, chắc hẳn, 1 và 1 sẽ xuất hiện khiến số điểm trở về con số 0. Nỗi đau khổ sẽ hiện lên trên mặt người thua, sự đắc chí hiện lên trên khuôn mặt người còn lại. Linh hồn tội nghiệp của người vừa mất toàn bộ số điểm chắc sẽ cảm thấy tội lỗi lắm, và chắc bạn sẽ nghĩ rằng đáng lẽ anh ta nên nhường lượt chơi của mình. Anh ta đáng lẽ phải quyết định, phải nói, và dừng lượt chơi ở lần tung xúc xắc trước đó. Nhưng tất cả đã muộn. Người chơi còn lại bắt đầu lượt chơi của anh ta. Không cần phải nói, anh ta chắc chắn học được một bài học từ đối thủ! “Một chiến lược tốt là hãy đặt một mục tiêu trong đầu, và dự tính trước số lượt tung xúc xắc của mình, ngay sau đó chuyển lượt chơi.”

Tôi nhanh chóng nhận ra rằng trò chơi này giống với một trò chơi mà tôi đã từng chơi vài lần. Trong một sòng bạc, trong thị trường chứng khoán, trong cuộc sống. Khi mọi thứ đang rất tốt đẹp, chúng ta khiến cho lòng tham lớn dần lên, để đạt được nhiều hơn, để mọi thứ tốt hơn. Chỉ số chứng khoán tăng, tăng cao hơn và chúng ta sung sướng, ngưỡng mộ khả năng chọn chứng khoán của bản thân. Chúng ta không phải lúc nào cũng chuyển quyền chơi, hay dừng lại, bởi vì suy nghĩ rằng “1 và 1” sẽ không thể xảy ra với chúng ta được. Chúng ta loại bỏ suy nghĩ về “1 và 1” ra khỏi tâm trí chúng ta.

Điều đó lý giải cho việc có thể bạn từng nghe ai đó từ sòng bạc nói với bạn rằng anh ta đã thắng rất lớn khi mới vào chơi. Nhưng, tại lượt chơi đó. Chỉ một lượt đó mà anh ta mất tất cả.

Trong cuộc sống, bạn cần một kế hoạch, không chỉ bao gồm bạn muốn bao nhiêu mà cả khi nào bạn sẽ dừng lại. Nếu bạn không cẩn thận, nếu bạn để lòng tham lam thống trị bản thân, “1 và 1” sẽ xuất hiện và đưa điểm số của bạn trở về con số không.

Và vấn đề của trò chơi xúc xắc – cũng giống với trò chơi của cuộc sống – là hầu hết thời gian chúng ta không để mắt trực tiếp vào số điểm của chúng ta, mà cố gắng để hơn người khác. Điều đó khiến chúng ta bị lòng tham chi phối. Những mục tiêu của chúng ta không hề dựa vào nhu cầu chúng ta cần bao nhiêu, mà là làm thế nào để chúng ta hơn người khác. Và đó thực sự là một thảm họa, trong trò chơi, trong cuộc sống.

Những vận động viên cricket cũng gặp phải hiệu ứng Pig. Có một câu chuyện rất quen thuộc về một cầu thủ cricket nổi tiếng, có số lượng lớn người hâm mộ, nhưng sau đó, mặc dù khả năng giảm sút, anh ta vẫn cố giữ lấy trận đấu, bản hợp đồng, sự công nhận… Và anh ta nhanh chóng mất tất cả, bị đẩy vào quên lãng. Vijay Merchant, huyền thoại môn cricket, có lời khuyên cho tất cả những cầu thủ cricket, nhưng cũng có giá trị với tất cả chúng ta: “Hãy từ bỏ khi mọi người hỏi ‘Tại sao?’ chứ không phải ‘Tại sao không?”

Chúng ta có thể rút ra một số bài học từ trò chơi Pig này, để áp dụng cho những trò chơi lớn hơn trong cuộc sống. Hãy đặt ra những mục tiêu cho bản thân. Hãy biết khi nào nên dừng lại. Hãy quan tâm tới số điểm của bạn, chứ không cần quan tâm tới con số của người khác. Khi thủy triều đẩy bạn lên, hãy kìm hãm, đừng vì thế mà khoe khoang kỹ năng lướt sóng của mình. Và hãy học cách từ bỏ lòng tham lam.

Chúng ta đều có mặt nào đó giống những chú heo tham ăn, tôi nghĩ bản thân mình đôi khi cũng vậy! Và tôi chợt nhận ra lý do tên của trò chơi là Pig (con lợn).

Hãy học cách xây dựng kế hoạch, không chỉ là những tham vọng, mà còn cả điểm dừng.

Hương vị cà phê

Cứ ba tháng một lần, tôi lại háo hức đón chờ ngày họp lớp của khóa học IIMA 86! Không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng thời gian trôi qua, nỗi nhớ nhà trong tôi lại càng da diết.

Sau bữa trưa, nhóm chúng tôi – thường có 25 người sẽ tụ tập để thư giãn, cười nói, chia sẻ và hoài niệm về những ngày tháng tươi đẹp đã xa. Sự hiện diện của những cặp vợ chồng đảm bảo không khí không quá căng thẳng, nặng nề với những chủ đề về thị trường chứng khoán hay những cuộc họp; thay vào đó là những cuộc nói chuyện không ngừng về những bộ phim mới của Bollywood, bài tập về nhà của lũ trẻ, hay nhà hàng mới mở trong thị trấn.

Những mái tóc vuốt ra phía sau, những cái bụng đã xệ xuống, và hai thập kỷ trôi qua đã chứng kiến chúng tôi với những sự lựa chọn, những con đường khác nhau. Nhưng, cứ đến hẹn lại lên, hàng quý, bữa tụ tập lại có một sức mạnh kỳ lạ, nó khiến cho quãng đường chúng tôi phải di chuyển ngắn lại, tất cả chúng tôi đều có mặt tại một trong những nơi tuyệt vời nhất trên thế giới. Tại bữa tiệc, không ai là CEO hay là tỷ phú. Chúng tôi đều là những chàng trai trẻ của khóa 1986. Tất cả đều rất háo hức, nhiệt thành, với đôi dép xỏ ngón, chưa cạo râu, thậm chí là chưa tắm!

Những câu chuyện về cuộc đời chúng tôi cũng rất thú vị. Một trong số chúng tôi là một sĩ quan cảnh sát cấp cao của thành phố. Một nghề tuyệt vời, không đòi hỏi phần thưởng, duy trì kỷ luật và đảm bảo cho giấc ngủ của tất cả chúng tôi. Một người khác thì đã từ bỏ một công việc rất tốt, bắt tay xây dựng sự nghiệp cho riêng mình để có thể dành nhiều thời gian cho gia đình anh. (Bạn tò mò muốn biết lý do? Con gái của anh ấy kêu với cô giáo rằng bố không dành thời gian cho mình, và anh ấy ở nhà cũng chỉ để ý tới cái BlackBerry).

Cũng phải nói rằng, suốt bữa ăn, xen lẫn những cuộc nói chuyện với muôn vàn chủ đề, chỉ có rất ít câu chuyện bàn luận về sự phát triển của bản thân. Thật may mắn!

Tôi tự hỏi, có lẽ chúng tôi may mắn khi tốt nghiệp trước sự bùng nổ đầu tư ngân hàng những năm 1990. Chúng tôi đã chọn ngành nghề mà mình thích, chứ không phải vì tiền lương cao hay cơ hội làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi đã theo đuổi ước mơ. Và khi nghe tới mức lương khởi điểm cao vút dành cho sinh viên của học viện, chúng tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi nhớ nhiều về ký ức hai năm ở trường, hơn là về mức lương khởi điểm.
Tôi nhớ lại một câu chuyện ngắn, bạn có thể từng nghe, thông điệp của nó vẫn còn trong tất cả chúng tôi. Có lẽ nó còn ý nghĩa hơn câu chuyện về chàng trai trẻ lớp chất lượng cao ngành Đầu tư ngân hàng, mỗi ngày trải qua nhiều múi giờ khác nhau, mua những biệt thự sang trọng, mua chiếc BMW và sung sướng kể với bạn bè về việc anh và vợ anh đã tình cờ gặp nhau tại sân bay Frankfurt tuần trước.

Câu chuyện kể về một nhóm sinh viên, đều đã có sự nghiệp, cùng nhau tới thăm nhà thầy giáo đại học. Cuộc trò chuyện nhanh chóng bàn tán xung quanh áp lực công việc và cuộc sống. Sau khi mời các vị khách của mình uống cà phê, người thầy giáo vào bếp, quay ra với một âu lớn cà phê và rất nhiều cốc: sứ, nhựa, thủy tinh, một số nhìn đơn giản và một số nhìn rất đẹp. Người thầy đã bảo những học trò cũ của mình tự phục vụ cà phê cho bản thân. Khi tất cả đã cầm một cốc cà phê trên tay, người thầy giáo nói: “Nếu các anh để ý, tất cả những chiếc cốc đẹp, đắt tiền đều đã được chọn, và chỉ còn lại những chiếc vừa đơn giản vừa rẻ. Đó chính là lý do dẫn tới những vấn đề của anh, áp lực của anh trong khi anh chỉ muốn điều tốt đẹp nhất đến với bản thân. Thứ mà tất cả các anh muốn, đó là cà phê, chứ không phải là cốc, nhưng các anh lại cố ý chọn cho mình những chiếc cốc tốt, và đang dòm ngó cốc của người khác.

“Và, nếu ví cuộc sống là cà phê, thì nghề nghiệp, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc. Tất cả chúng chỉ là công cụ để chứa đựng cuộc sống. Nếu chỉ tập trung vào chiếc cốc, chúng ta sẽ không còn tận hưởng được cà phê nữa.”
Hãy nghĩ về điều đó. Và đừng quên thưởng thức cà phê!

Cái chúng ta thực sự cần là cà phê. Nhưng cái chúng ta tìm kiếm lại là những chiếc cốc đẹp đẽ.

Điều gì tốt hơn việc giành được huy chương vàng? Đánh mất nó

Bạn đã từng nghe tới cái tên Lawrence Lemieux?

Anh là một trong những người hùng Olympic nhưng chưa từng đoạt chiếc huy chương nào. Nhưng, cái tên đó sẽ mãi lưu trong danh sách những cái tên vĩ đại nhất trong lịch sử, trong danh sách những con người, mà bản thân họ, là biểu tượng của tinh thần Olympic.

Lemieux, một thủy thủ người Canada, từ nhỏ đã nuôi nấng giấc mơ Olympic. Sau nhiều năm phấn đấu, rèn luyện, anh cuối cùng cũng được đền đáp khi được chọn là đại diện cho quốc gia tham dự sự kiện đua thuyền buồm Finn tại Olympic Seoul, 1988.

Ngày trọng đại đó rơi vào ngày 24 tháng 9 năm 1988. Cuộc đua thuyền được tổ chức tại Pusan, cách Seoul chừng 450 km. Các vận động viên thi đấu đã chuẩn bị con thuyền của mình để thi đấu trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Nhưng khi cuộc thi diễn ra, thời tiết trở nên tồi tệ hơn, tốc độ gió từ dưới 28 km/h lên cao gần 65 km/h. Những cơn sóng bập bềnh, các con thuyền chao đảo, các thủy thủ đang bị đe dọa… Tuy nhiên, cuộc đua vẫn tiếp tục.

Một nửa chặng đua trôi qua, Lemieux đang đứng ở vị trí thứ hai. Mặc cho điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng anh đã thi đấu khá tốt. Khi quan sát về chặng đường còn lại, có lẽ anh đã nghĩ tới tấm huy chương Olympic. Anh dường như rất gần với giấc mơ bấy lâu của mình, rất gần. Chỉ cần tập trung, cố gắng thêm chút nữa, vì nó, vì cái khoảnh khắc mà để có được nó, anh đã khổ luyện bấy lâu. Lemieux đang rất quyết tâm đạt được mục tiêu của mình. Nhưng rồi, nhìn vào quãng đường còn lại, anh đã nhìn thấy một cái gì khác nữa. Vượt lên những con sóng, anh thấy hai người đàn ông đang đấu tranh giành sự sống, bám lấy chiếc thuyền bị lật. Họ là Joseph Chan và Siew Shaw Her, hai thủy thủ từ Singapore trong sự kiện thi đấu khác. Họ đang bị thương, và trong tình thế rất nguy hiểm.

Tức thì, Lemieux đã quyết định việc mà anh phải làm, việc mà anh cho là đúng.

Nhanh chóng chuyển hướng thuyền, anh đi tới chỗ hai thủy thủ đang gặp nạn và đã kiệt sức. Tương đối khó khăn, anh cứu Joseph trước và kéo anh ta lên thuyền của mình. Sau đó anh đã cứu Siew, cũng đang bị thương và chảy máu. Với hai người đàn ông đang bị thương trên thuyền của mình, tương đối an toàn, Lemieux đã chờ đội cứu hộ tới, đưa họ đi chữa trị.

Lemieux vẫn chưa hoàn thành chặng đua và đã quyết định quay trở lại thi đấu tiếp, nhưng anh đã mất quá nhiều thời gian để cứu sống hai con người. Từ vị trí thứ hai trước đó, anh đã tụt xuống vị trí thứ hai mươi hai trong tổng số ba mươi hai vận động viên. Giấc mơ về một tấm huy chương của Lemieux đã không thành sự thực, nhưng tại lễ trao huân chương, Juan Samaranch, chủ tịch ủy ban Olympic Quốc tế đã trao tặng cho Lemieux chiếc huy chương Pierre de Coubertin, hay còn gọi là Huy chương Tinh thần thể thao và nói, “Bằng tinh thần thể thao, bằng đức hy sinh, sự can đảm, anh hoàn toàn là một hình tượng tuyệt vời của Olympic.”

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những tình huống giống như Lawrence đã phải đối diện. Những chiếc thuyền của chúng ta thì khác, sức gió cũng khác, những tiếng yêu cầu giúp đỡ cũng không giống nhau, nhưng thử thách thì giống nhau – sự mâu thuẫn giữa mục đích cá nhân và điều tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể nói cái gì là thực sự quan trọng? Chúng ta có sẵn lòng hy sinh sự vinh quang của cá nhân vì những mục tiêu lớn hơn? Chúng ta có thể chỉ ra những gì thực sự quan trọng từ rất nhiều thứ tưởng chừng quan trọng khác?

Mọi người thường nói con đường đi tới thành công trên thế giới được rải bởi những thi thể. Bạn bè, đồng nghiệp, những người cộng tác bị thờ ơ. Cái gì có giá trị với bạn? Vị trí cao hơn đồng nghiệp, tích lũy được số vốn lớn hơn trong ngân hàng, giành được công việc tốt nhất? Hay cứu một ai đó đang lâm vào tình cảnh nguy kịch?

Việc giành được thị phần hay ký kết được những bản hợp đồng quan trọng có thể giúp bạn thăng quan tiến chức nhanh chóng, nhưng rồi, trong những năm tháng hào nhoáng đó, khi bạn ngồi trên chiếc ghế từng mơ ước và nghĩ lại… Điều gì khiến bạn nhớ? Và điều gì bạn nghĩ rằng bạn sẽ nhớ?

Lemieux, giờ đã từ giã thi đấu và trở thành một huấn luyện viên tài năng. Mọi người từ khắp mọi nơi muốn được nghe câu chuyện của anh, để tự nhắc nhở bản thân một bài học cơ bản trong cuộc sống, để được nhắc nhở điều gì thực sự làm nên một người chiến thắng. “Không giành được huy chương là một điều tốt với tôi,” anh nói. “Nếu như lúc đó tôi tiếp tục thi đấu để giành huy chương, có thể tôi có được nhiều thứ, nhưng tất cả sẽ bị lãng quên!” Có rất nhiều người từng giành được những tấm huy chương Olympic – một thành tích nổi bật. Nhưng có ít, rất ít người đạt được thành tựu như Lemieux. Chúng ta có lẽ cần định nghĩa lại thành công thực sự cho chính mình. Huy chương vàng của chúng ta là gì? Chúng ta ứng xử như thế nào khi nhìn thấy những thủy thủ của mình gặp nạn? Câu hỏi đặt ra không phải để hỏi bạn sẽ làm gì khi bạn ở trong tình huống của Lemieux – mà câu hỏi là bạn làm gì khi bạn phải đối mặt với tình huống đó thường xuyên?

Những tấm huân chương không quan trọng. Quan trọng là khí chất!

Bạn có sẵn lòng hy sinh vinh quang của bản thân vì những mục tiêu lớn hơn? Bạn có thể chỉ ra điều gì là thực sự quan trọng? Bạn sẽ được mọi người nhớ tới vì điều gì? Được thăng tiến hơn đồng nghiệp? Hay tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của ai đó?

Cân bằng công việc, cuộc sống và anh em nhà Waugh

Nếu điều bố mẹ mơ ước là con mình được tham gia vào đội tuyển quốc gia thì thật đặc biệt khi cả hai cậu con trai – hai anh em sinh đôi – đều được thi đấu cho đất nước!

Đó là câu chuyện về ông bà Waugh, sống tại Úc. Khi ngắm nhìn hai đứa trẻ sinh đôi của họ – Steve và Mark ghi điểm và vẫy tay trong trận đấu cricket hạng nhất, giấc mơ của họ đã bắt đầu. Họ mong chờ ngày cả hai đứa con của mình thi đấu cho đội tuyển quốc gia.

Steve đã có cơ hội trước người anh em sinh đôi của mình. Niềm vui sướng tràn ngập trong gia đình nhà Waugh, và mong ước để Mark cũng có thể thi đấu như anh trai trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ông bà Waugh đã hy vọng tới cái ngày Mark được gọi. Cuối cùng, điều đó cũng xảy ra. Trở về nhà sau giải đấu, Steve thông báo với bố mẹ rằng Mark đã được chọn cho giải đấu Ashes Test sắp tới. Ông bà Wauhgs đã rất tự hào và sung sướng.

“Tối nay chúng ta sẽ mở tiệc,” người mẹ nói. Dù sao, đây thực sự là một sự kiện đặc biệt, rất đáng để kỷ niệm! Có bao nhiêu bà mẹ được nhìn thấy cả hai cậu con trai được chơi cùng nhau trong đội tuyển quốc gia chứ?

Bữa tiệc đã được tổ chức sân sau nhà Waugh. Sự tự hào, ấm cúng, cùng với rượu, đã tạo nên một buổi tối tuyệt vời. Khi người mẹ kiêu hãnh rót đầy những ly rượu, bà bất chợt hỏi Steve: “Vậy ai là người đã bị loại để giúp cho Mark có cơ hội?”

Với sự bình tĩnh, bản lĩnh để trở thành một huyền thoại những năm sau đó, Steve đã trả lời: “Là con!”

Trời! Cuộc sống là như vậy đó. Tin tốt đến cùng với tin xấu. Bạn có một số thứ, nhưng cũng mất một số thứ. Bạn nhận được điều mong ước, nhưng nó có cái giá của nó.

Tôi nhớ lại những lời nói của K.V. Kamath, một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng ICICI. Khi anh ấy tổ chức một cuộc họp với các lãnh đạo ngành công nghiệp tại Mumbai, trong cuộc hội thảo cùng hai vị giáo sư tới từ trường Kinh doanh Harvard, Kamath đã đề cập tới quan điểm về sự cân bằng trong công việc và cuộc sống. Ông nói đó là một suy nghĩ tích cực, nhưng không phải là điều ông khuyến khích đối với một nhà quản lý trẻ tiềm năng.

Bạn nên tập trung vào công việc, ông nói. Slog đã rất nỗ lực, làm việc vất vả để có thể đạt được mục tiêu kinh doanh. Nhưng nếu bạn tìm kiếm sự cân bằng sớm, bạn có thể bỏ lỡ tất cả. Bạn gánh chịu thất bại trong công việc, cũng chẳng vui vẻ trong cuộc sống. Để đạt được điều gì đó, bạn có thể sẽ phải từ bỏ một việc khác. Mọi thứ vẫn thường diễn ra như vậy. Sau một thời gian, nếu may mắn, bạn sẽ có được sự cân bằng mà bạn đang tìm kiếm.

Bạn muốn giảm cân? Bạn có thể, nhưng bạn phải nói KHÔNG với những chiếc bánh ngọt khoái khẩu. Một khi bạn từ bỏ được đồ ngọt, và làm chủ được cân nặng của bản thân, bạn có thể nuông chiều sở thích đó.

Bạn muốn leo lên những vị trí cao hơn trong công ty? Bạn sẽ phải làm việc rất vất vả, thậm chí vào cả những ngày nghỉ cuối tuần. Khi đạt được thành công, bạn có thể bắt đầu khám phá những địa điểm du lịch kỳ thú, những trận đấu golf, những buổi khiêu vũ, và đương nhiên, cả những ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng nếu bạn khăng khăng muốn mọi thứ đủ đầy từ điểm xuất phát, bạn sẽ gần như chắc chắn không có được gì cả.

Câu chuyện anh em nhà Waugh là một ví dụ, Kamath có lẽ đã đúng. Sau trận thi đấu mà Steve đã nhường chỗ cho Mark, hai anh em sau đó đã cùng chơi cho đội tuyển Úc, giành những chiến thắng, và hai lần giành được cúp thế giới.

Giấc mơ của nhà Waugh đã trở thành sự thật. Nhưng thử tưởng tượng, trong trường hợp đó, nếu bố mẹ họ nhất định muốn cả hai cùng thi đấu trong một trận đấu, điều đó có lẽ không bao giờ có thể xảy ra. Chúng ta không nhận ra rằng chúng ta thường xuyên đòi hỏi những điều như vậy. Chúng ta muốn được thăng chức, chúng ta cũng muốn rời khỏi văn phòng lúc 5 rưỡi chiều. Chúng ta muốn giảm cân, những chúng ta không muốn bỏ món bánh ngọt khoái khẩu. Mọi thứ không diễn ra như vậy. Không trong thể thao. Không trong cuộc sống.

Và cho dù mục tiêu của bạn có là gì đi chăng nữa, hãy tiến lên và làm việc để biến chúng thành sự thực. Và hãy nhớ những lời nói của Kamath: Bạn phải sẵn sàng trả giá!

Được và mất. Để đạt được điều gì đó, bạn phải sẵn sàng từ bỏ một thứ khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.