Thói Quen Của Kẻ Thắng

9. Tầm quan trọng của người khác



21 cầu thủ trên sân bóng

Bạn có thể đã từng nghe tới giáo sư Randy Pausch và cuốn sách tên là “Bài giảng cuối cùng” của ông. Randy từng là một giáo sư khoa học máy tính tại trường Đại học Carnegie Mellon, nơi diễn ra “Bài giảng cuối cùng”. Họ mời một giáo sư dành ra 60 phút để trao đổi với sinh viên, tưởng tượng rằng đây là buổi lên lớp cuối cùng của ông ấy. Nếu các giáo sư biết đó là buổi dạy cuối cùng của họ, họ sẽ nói gì với sinh viên? Họ muốn truyền tải những thông điệp gì trước khi họ biến mất khỏi giảng đường này? Giáo sư Pausch đã được mời để truyền đạt bài giảng này vào tháng 9 năm 2007.

Dù vậy, vẫn có một điều khác biệt nhỏ. Ông không cần tưởng tượng rằng đó là bài giảng cuối cùng của mình. Ông đã được bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy và vị bác sĩ đó tiên lượng ông chỉ còn có thể sống thêm khoảng sáu tháng nữa thôi. Trên thực tế, đó đã là bài giảng cuối cùng của ông. Một bài giảng ẩn chứa nhiều điều. (Randy Pausch qua đời tháng bảy năm 2008.) Bài giảng đó đã gây bất ngờ đối với các sinh viên trong lớp, và sau đó, nó là một trong số những video được xem nhiều nhất trên Youtube. Với tựa đề “Hãy thực hiện những ước mơ thưở bé”, bài giảng kể về những ước mơ khi còn bé và kế hoạch biến nó thành hiện thực của giáo sư. Hài hước mà sâu sắc, cảm động và thông minh, nó mang tới những nụ cười, và cả những giọt nước mắt cho những người có mặt ở đó.

Randy chia sẻ ông đã luôn mơ ước trở thành cầu thủ bóng đá chơi ở giải quốc gia. Câu chuyện mà tôi thích từ cuộc sống của thầy Pausch liên quan tới buổi huấn luyện bóng đá đầu tiên của ông ấy.

Đó là buổi tập bóng đầu tiên tại trường. Tất cả lũ trẻ đều rất thích thú và hăng hái chờ đợi tới ngày được gặp huấn luyện viên đội bóng của trường. Và khi vị huấn luyện viên dáng dong dỏng cao xuất hiện, đi bộ về phía chúng, chúng cảm thấy hứng thú tột độ. Mọi cặp mắt dõi theo huấn luyện viên, nhưng một cảm giác lo lắng dần lớn hơn khi chúng nhận ra có cái gì đó thiếu thiếu. Huấn luyện viên tới nhưng không mang theo quả bóng nào! Một đứa trẻ bạo dạn hỏi ông về điều đó.

Huấn luyện viên nhìn lũ trẻ và hỏi lại: “Có bao nhiêu cầu thủ trên một sân bong.”
“Hai mươi hai”, lũ trẻ trả lời.
“Và có bao nhiêu quả bóng trên sân cỏ?” “Một!”, chúng đồng thanh đáp.
“Đúng vậy,” vị huấn luyện viên nói. “Bất kỳ thời điểm nào, chỉ có một người được giữ bóng. Hôm nay, chúng ta sẽ học việc hai mươi mốt cầu thủ còn lại trên sân sẽ làm.”

Đó là một bài học tuyệt vời về tinh thần đồng đội! Cuộc sống, theo nhiều khía cạnh, cũng giống như một trận đấu bóng đá. Trong khi tất cả mọi con mắt thường xuyên chỉ quan sát cầu thủ đang giữ bóng, vẫn còn hai mươi mốt cầu thủ khác cố gắng kiến tạo cơ hội. Trong khi mọi người ngưỡng mộ kỹ thuật rê bóng của một cầu thủ, thì họ quên mất điều quan trọng rằng đội chiến thắng trong trận đấu là đội chơi với tinh thần đồng đội cao. Nếu mỗi cá nhân đều cố gắng có bóng, đội đó gần như chắc chắn sẽ không bao giờ giành được chiến thắng.

Và, đôi khi, đóng góp lớn nhất cho thành công của cả đội tới từ sự cống hiến, hỗ trợ của những cầu thủ không thu hút nhiều ánh nhìn, chứ không phải cầu thủ giữ bóng.

Vì thế, khi bạn nói với đội của mình, hãy nhớ rằng “hai mươi mốt người khác” cũng tạo ra sự khác biệt! Đừng cá nhân khi chơi bóng. Hãy nhớ, vai trò của bạn cũng giống như của hai mươi mốt người khác, trong việc tạo nên sự khác biệt.

Cuộc sống không phải chỉ cần quan tâm tới việc bạn phải làm gì khi có bóng

– Hãy quan tâm tới việc bạn làm gì khi người khác có bóng. Charlie Plumb và người thợ dù

Charlie Plumb là một chàng trai tuyệt vời. Anh là một cựu chiến binh, một phi công lái máy bay chiến đấu của hải quân Mỹ, là một ví dụ tiêu biểu của tinh thần bất khuất. Bạn có thể chưa từng nghe nói về anh, nhưng anh thực sự là kiểu anh hùng mà hầu hết chúng ta đều thần tượng khi còn bé. Những câu chuyện về anh tạo cảm hứng cho người đọc.

Anh lái chiếc máy bay chiến đấu Phantom F4 với 74 lần hoàn thành nhiệm vụ ném bom tấn công. Còn năm ngày để được trở về nhà, ở lần thứ 75, một tai họa ập đến. Chiếc máy bay của anh bị bắn hạ. Nhưng thật may mắn, Plumb đã nhảy ra khỏi chiếc máy bay và bật dù lên. Nhờ thế mà anh sống sót. Tuy nhiên, anh đã bị bắt. Charlie Plumb đã phải trải qua 2103 ngày – gần sáu năm trời dài đằng đẵng bị giam cầm vì là tù binh chiến tranh trước khi anh có thể trở về nhà.

Giờ đây, Charlie dành thời gian để chia sẻ câu chuyện của mình với những người khác, giúp họ khám phá được sức mạnh cần thiết để vượt qua thử thách trong cuộc sống. Anh nói về sự sợ hãi và sự cô đơn, sự hôi thối từ cái thùng được dùng làm nơi vệ sinh, bóng tối và sự ảm đạm trong phòng giam. Và anh kể về sự sinh tồn, không để tinh thần của mình bị tra tấn, không bao giờ từ bỏ.

Nhưng câu chuyện tôi thích về Charlie Plumb nằm trong khoảng thời gian hạnh phúc của anh ta, chứ không phải sáu năm đau đớn trong nhà tù. Đó là câu chuyện về một bữa tối yên tĩnh trong một nhà hàng tại thành phố Kansas, một vài năm sau đó. Charlie đang thưởng thức bữa tối thì để ý thấy người phục vụ bàn ngồi cách đó một vài bàn đang nhìn anh ấy.

Charlie đã không nghĩ nhiều về điều đó cho đến khi một vài phút sau, người phục vụ bàn tới chỗ anh và hỏi: “Anh là Charlie Plumb?” “Vâng,” Plumb trả lời, đứng dậy và bắt tay chào anh ta.

“Anh đã lái máy bay chiến đấu mang tên Kitty Hawk. Anh đã bị bắn hạ. Anh nhảy dù và rơi vào tay địch, sau đó trở thành tù binh chiến tranh trong sáu năm trời.”

“Làm sao mà trên thế giới này lại có người biết mọi thứ như vậy cơ chứ?” Plumb hỏi lại.
Anh ta trả lời: “Tôi là người đã đóng chiếc dù đó cho anh.”
Plumb lặng thinh, một cảm giác bàng hoàng đan xen với ngạc nhiên, thậm chí khi người đàn ông lạ kia hỏi tiếp với đôi mắt biết nói. “Tôi đoán là cái dù hoạt động tốt!”

Plumb cám ơn người đàn ông kia lần nữa, thêm lần nữa, và trước khi dự tiệc, anh hỏi lại: “Anh nhớ tất cả những chiếc dù mà anh đã đóng?”

“Không hẳn”, người đàn ông trả lời. “Tôi chỉ cần nhớ rằng tôi đã làm việc đó.”

Tối hôm đó, khi đặt lưng xuống giường, những ký ức khi còn là phi công lái máy bay chiến đấu tràn về trong tâm trí của Plumb. Anh không biết mình đã đi qua “người đóng dù” bao nhiêu lần mà không nhận ra sự hiện diện của anh ấy. Plumb tự hỏi không biết anh đã từng nói “Chào buổi sáng!” hay “Anh khỏe không?” với người đàn ông kia hay chưa.

Chúng ta không phải ai cũng là một sĩ quan lái máy bay chiến đấu, nhưng chúng ta đều có những người đóng dù cho riêng mình. Những người đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho chúng ta, động viên chúng ta, và trong sự đóng góp có thể tuy nhỏ nhoi ấy, tạo nên sự thành công cho chúng ta. Họ có thể không được ca ngợi, nhưng đâu đó trong sâu thẳm, bạn biết họ đã tạo nên điều đặc biệt. Đó có thể là cô giáo dạy bạn hồi tiểu học, là người bán hàng ở một thị trấn xa xôi nào đó, một công nhân xưởng, là thư ký, hay kiểm toán viên, những người dường như luôn luôn có những thông tin mà bạn cần thiết… Qua những thử thách cuộc sống, bạn biết họ là những người đã giúp bạn có thể làm được mọi việc. Khi mọi việc trở nên khó khăn, họ giúp bạn bước tiếp trong cuộc sống. Họ chỉ đơn thuần làm công việc của bản thân – nhưng, họ chắc chắc khiến cho đời bạn trông rất ổn. Ai là người bạn sẻ chia khi mọi thứ trở nên khó khăn? Và ai là người đã đóng dù cho bạn?

Không giống với Plumb, chúng ta không phải ai cũng luôn có may mắn để gặp mặt trực tiếp người đóng dù cho chúng ta. Vì thế, chúng ta không thường xuyên có cơ hội để nói cám ơn. Thay vào đó, hãy nghĩ về những người đã đóng dù trong cuộc sống của bạn, nhấc chiếc điện thoại lên và nói lời cảm ơn tới họ. Ngay hôm nay. Ngay bây giờ.

Quan trọng hơn, bạn cũng nên tự hỏi câu hỏi: “Bạn đang đóng chiếc dù cho ai? Ai là người bạn sẽ động viên, khích lệ? Ai sẽ ghi tên bạn vào danh sách những người đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc đời họ? Thành công và hạnh phúc thực sự thường không xuất hiện từ những chiến thắng vinh quang của bản thân, mà từ niềm vui vì đã giúp một người khác chiến thắng. Tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của một ai đó – điều đó thực sự sẽ tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của bạn.”

Và cuối cùng, không thể không nhắc tới một đặc điểm nổi bật của Plumb, là tính cách của những người lãnh đạo tài giỏi. Trong những niềm hân hoan, những chiến thắng vĩ đại, họ luôn luôn, luôn luôn nhắc tới những anh hùng thầm lặng đã tạo nên sự khác biệt – những người đóng dù.

Khi bạn thành danh, tổ chức một sự kiện ăn mừng của năm hay khui sâm banh để đánh dấu một thành công mới, hãy nhớ tới người đóng dù của bạn.

Ai là người đóng dù cho bạn? Quan trọng hơn, bạn đang đóng dù cho ai?

Vạn Lý Trường Thành

Những công trình kiến trúc vĩ đại thường chứa đựng những câu chuyện tuyệt vời. Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

Là một trong bảy kỳ quan của thế giới, Vạn Lý Trường Thành được xây dựng (và tôn tạo, sửa sang) giữa thế kỷ thứ V trước công nguyên và thế kỷ XVI sau công nguyên. Trải dài hơn 6.400 km, kiến trúc bằng đá và đất được xây dựng với mục đích ban đầu để bảo vệ biên giới phía bắc Trung Quốc khỏi sự xâm lấn của kẻ thù, đặc biệt là người Hung Nô, Mông Cổ và những bộ tộc tới từ một số vùng thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Dù không hề để lãng phí thời gian, của cải, nhưng người Tần đã mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc đất đá, mồ hôi và sức lực – để có thể xây dựng Vạn Lý Trường Thành.

Được biết đã hai triệu người hy sinh mạng sống cho công trình vĩ đại này. Bức tường thành có đầy đủ sức mạnh để chống chọi bất kỳ sự tấn công dữ dội bằng gươm giáo nào – những vũ khí phổ biến thời kỳ đó. Bức tường đủ chiều cao để ngăn chặn quân xâm lược bắc thang trèo lên. Và nó đủ dài và xa, để việc vòng quanh tường thành là điều không thể. Hơn một triệu người bảo vệ cho Vạn Lý Trường Thành, một pháo đài gần như không thể công phá.

Vậy, có phải Vạn Lý Trường Thành có thể bảo vệ Trung Quốc khỏi kẻ xâm lược? Không hoàn toàn như vậy. Liên tục nhiều đội quân đã vượt qua được nó, và xâm hại Trung Quốc. Trong một trăm năm đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành, có ba cuộc xâm lược, và lịch sử đã chứng kiến nhiều đội quân có thể tương đối dễ dàng vượt qua được bức tường thành tưởng chừng như không thể công phá ấy. Sau mỗi cuộc tấn công, bức tường lại được gia cố. Nhiều kế hoạch hơn, nhiều đất đá hơn, nhiều tiền hơn đổ vào đó. Nhưng đều không đạt được mục đích. Vậy thực sự chuyện gì đã xảy ra?

Thực tế, trong khi tầng lớp cai trị cố gom thật nhiều kinh phí để xây dựng tường thành, họ lại hoàn toàn không quan tâm tới lính gác. Những người lính này đã hoàn toàn mất hết động lực, họ cảm thấy rất cô đơn và bất mãn. Họ uất hận vua chúa vì đã đầy đọa họ tới nơi xa như vậy. Và họ không thể nghĩ được tới mục tiêu lớn hơn khi canh giữ bức tường.

Vì vậy, mỗi khi những kẻ xâm lược tấn công, chúng chỉ cần mua chuộc bọn lính gác là có thể vào trong. Bức tường không hề bị công phá, mà nó bị xuyên thủng bởi một lỗ thủng ở niềm tin! Vạn Lý Trường thành xây lên không đạt được mục đích của nó, vì những kẻ xây dựng không quan tâm tới con người.

Điều đó cũng giống như trong những tổ chức vậy. Thất bại đối với con người có thể khiến cho những khoản đầu tư tốt nhất trở nên vô ích. Thông thường, chúng ta dành quá nhiều sự tập trung để xây dựng hệ thống và quy trình, nhưng không quan tâm tới sự hỗ trợ, sự có mặt của những người sẽ làm công việc đó. Điều đó sẽ dẫn tới thảm họa.

Hãy xem xét ví dụ, một tổ chức cố gắng để cài đặt một phần mềm quản lý nội bộ doanh nghiệp (ERP). Họ thuê những người cố vấn giỏi nhất, mua phần mềm tốt nhất, nâng cấp phần cứng… Nhưng, một người cài đặt ERP bất kỳ sẽ nói với bạn, lý do chính dẫn tới thất bại là những người trong tổ chức sẽ không có khả năng sử dụng. Xây dựng một đội ngũ, thường xuyên đào tạo nhân viên, cử người quản lý quá trình, chuẩn bị cho sự thay đổi của tổ chức – tất cả đều quan trọng để có thể áp dụng ERP thành công. Việc này cũng quan trọng như việc chọn đúng gói cài đặt vậy!

Nếu bạn là người có trách nhiệm với đồng đội, bạn sẽ nhớ bài học từ Vạn Lý Trường Thành. Hãy nhìn lại điều gì đã xảy ra với Kolkata Knight Riders trong giải đấu bóng đá quốc gia Ấn Độ. Họ có John Buchanan, một trong những huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới, được cố vấn bởi đội ngũ chín chuyên gia khác. John đã xây dựng một tầm nhìn lớn cho đội bóng, với một số đội trưởng và những lý thuyết lần đầu được áp dụng tại đây. Đội bóng đã dành rất nhiều thời gian để thích nghi với những điều kiện của một vị huấn luyện viên nước ngoài, kể cả việc săn lùng tài năng trước mùa giải. Nhưng bản sắc của đội bóng là gì? Chẳng ai quan tâm tới khát khao hay động lực của các cầu thủ. Và, kết quả, họ có cảm giác không được tin dùng, không an toàn khi ở đội bóng. KKR đã tụt xuống giải hạng hai. Rõ ràng, vì các cầu thủ đã không có được nhiệt huyết trong trận đấu.

Một số công ty hàng tiêu dùng cũng học được bài học này. Khi họ có một sản phẩm đột phá mới được đưa ra thị trường bởi một kế hoạch quảng cáo rầm rộ, họ đang làm gì? Có phải họ chỉ đưa ra thị trường một thương hiệu, và sau đó hy vọng người dùng sẽ ùn ùn kéo tới bởi ảnh hưởng từ quảng cáo? Không!

Họ nhận ra vai trò của những người ở chiến tuyến! Một hội nghị công bố sản phẩm dành cho những người bán hàng là một sự kiện quan trọng đối với những người làm thị trường, với mục đích giới thiệu sản phẩm cho đội ngũ bán hàng, để họ hứng khởi với sự ra đời của sản phẩm mới, là chìa khóa cho sự thành công của sản phẩm đó. Và nó sẽ dần thâm nhập vào thị trường của từng nhà phân phối. Chiếc áo phông in biểu tượng thương hiệu hay những phần thưởng khi họ đạt được doanh số bán hàng – tuy nhỏ nhưng đây là những bước khởi đầu cần thiết để chắc chắn rằng toàn bộ tiền đang được đầu tư vào nhãn hàng mới, và để chiến dịch bán hàng không có sự lãng phí nào. Thông thường, những tổ chức tập trung vào xây dựng Vạn Lý Trường Thành mà không quan tâm nhiều tới những người lính bảo vệ bức tường sẽ phải nhận lấy tấm vé đưa tới sự thất bại. Các nhà lãnh đạo, những tổ chức thành công nhận ra việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành là không đủ, việc có những người lính nhiệt thành bảo vệ nó cũng rất quan trọng!

Những câu hỏi của giám đốc
Khi còn làm quản lý bán xà phòng tại Tamil Nadu, một trong những ký ức đáng nhớ nhất của tôi là lần đầu tiên vị giám đốc công ty tới thăm thị trường. Chuyện xảy ra vài năm về trước, nhưng nó dạy tôi một bài học mà tới bây giờ, tôi vẫn nhớ.

Một “chuyến thăm của giám đốc” rất đặc biệt và phải chuẩn bị khá nhiều để đảm bảo rằng nó diễn ra tốt đẹp. Lộ trình đã được định sẵn, thị trường cũng được xác định rõ, những kênh phân phối đang được tóm lược. Là người sẽ đi cùng với giám đốc, tôi đã rất chăm chỉ để chắc chắn mình trả lời được tất cả các câu hỏi có thể đến trong suốt hành trình dài. Các mặt hàng ở đây tiêu thụ như thế nào? Sự phát triển ra sao? Sự cạnh tranh diễn ra như thế nào? Chúng ta đã chi bao nhiêu tiền vào việc quảng bá? Lợi nhuận của kênh phân phối khu vực như thế nào? Tôi đã trả lời tất cả – và rất nhiều câu hỏi nữa. Thời vụ chính của khu vực là gì? Nước và điều kiện thời tiết khu vực? Dân số? Tỷ lệ các thôn xóm có điện? Nguồn thu nhập chính của người dân địa phương? Danh sách các câu hỏi dường như vô tận. Nhưng tôi hy vọng tôi đã liệt kê hết.

Ngày giám đốc tới, quản lý chi nhánh và tôi đã đón ông ta tại sân bay, và đưa tới thị trấn nhỏ của chúng tôi, cách Chennai khoảng 90 km. Những chủ đề nói chuyện ban đầu rất bình thường, khái quát, và đặc biệt rất thân thiện. Ông đã hỏi tôi về gia đình, sự nghiệp học hành, sở thích. Suốt cả một tiếng đồng hồ đi đường, tôi vẫn đợi những câu hỏi thực sự.

Chúng tôi đã tới kho hàng. Sau một vài lời giới thiệu vắn tắt về công việc kinh doanh, chúng tôi đi tới chợ khu vực. Khi nhìn thấy một người bán hàng và một cậu đưa hàng đứng phía ngoài, không mong muốn gặp gỡ chúng tôi, giám đốc nhìn tôi và hỏi câu hỏi thực sự đầu tiên: “Tên của cậu đưa hàng kia là gì?”

Tôi không có một thông tin gì! Hiện giờ đây, cậu đưa hàng đó chỉ là một người cộng tác viên giao những thùng xà phòng và nước tẩy rửa, một công việc không đòi hỏi kỹ năng gì. Cậu ấy sẽ vác những chiếc thùng hàng trên vai,chuyển từ xe vào trong các cửa hàng và dán những tấm quảng cáo lên tường các cửa hàng. Và đó là tất cả công việc cậu ấy làm.

Tôi biết tên của người phân phối. Tôi cũng biết tên người bố giàu có đã cho anh ấy mượn tiền, tôi cũng nhớ tên của người bán hàng. Nhưng tên của cậu đưa hàng? Tôi không hề biết!

“Tôi không biết. Có vấn đề gì sao? Anh ấy làm gì không đúng ạ?” Tôi hỏi lại.

Ông ta đáp rất nhanh. “Không. Tôi chỉ muốn anh nhớ rằng từng người trong số họ tạo nên sự khác biệt. Và công việc của chúng ta phải biết tới họ, công nhận đóng góp của họ. Nếu anh biết tên cậu ấy, và nếu anh gọi tên cậu ấy, anh ấy sẽ cảm thấy thật đặc biệt. Anh có thể mang tới cho cậu ấy một ngày rất vui vẻ. Và cậu ấy sẽ làm mọi thứ có thể để giúp anh đạt được mục đích của mình. Chúng ta thường bỏ quên nhóm người này cho dù họ đã dành cả cuộc đời của họ cho chúng ta, mà không hỏi hay yêu cầu được đền đáp gì. Họ là những người hùng thực sự. Tôi muốn anh nhớ điều đó.”

Một bài học mà tôi không bao giờ có thể quên: Biết rõ đội của bạn và công nhận sự đóng góp của họ quan trọng hơn rất nhiều việc chỉ quan tâm tới những con số doanh thu, hay tên của “những người quan trọng.”

Trong cuộc sống, chúng ta thường dành rất nhiều thời gian tìm kiếm các chuyên gia. Chúng ta ít khi dành thời gian cho “những người lao động chân tay”. Người phục vụ, người bảo vệ, thư ký, cậu nhân viên đưa hàng – tất cả họ đều có vai trò trong việc giúp chúng ta thành công.

Lần tới, khi bạn nhìn thấy một “nhân viên đưa hàng” của mình, hãy để ý sự có mặt của anh ta, và nhớ công nhận những đóng góp của anh ấy. Có thể chỉ là một nụ cười, hay một lời hỏi thăm, nhưng hãy nhớ, hành động nhỏ bé ấy có thể thay đổi cuộc sống của họ, và của bạn nữa.

Chúng ta thường có tâm lý lo lắng về những chuyện tưởng chừng như lớn lao – tỷ lệ phát triển, cạnh tranh, phân chia thị trường, lợi nhuận. Nhưng chúng ta lại quên những chuyện nhỏ hơn – những người tạo ra điều đó. Để nói lên tính cách thật của một người, bạn không cần một cuộc kiểm tra tinh thần hay những tháng dài đánh giá hành vi. Bạn chỉ cần quan sát cách anh ta làm việc với những người bình thường – người vận hành thang máy, lái xe, thư ký văn phòng, người phục vụ bàn. Anh ta có la hét và thể hiện ai là ông chủ? Anh ta có mất lịch sự? Hay anh ta nói chuyện với sự tôn trong, với một nụ cười? Những câu trả lời sẽ nói lên anh ta là người thế nào. Trong con đường công danh, chúng ta luôn cố gắng làm hài lòng những ông chủ, hy vọng ông ta sẽ nhớ tên chúng ta, và công nhận vai trò, vị trí của mình trong công ty. Và khi tới lượt mình làm chủ, chúng ta lại không có mấy động lực để nhớ, để công nhận sự cống hiến của những người làm việc cho chúng ta. Trong suốt chuyến thăm của ngài giám đốc năm đó, tôi có thể là một ”người đưa hàng” trong mắt chủ tịch một công ty thương mại lớn nhất Ấn Độ, nhưng bằng việc quan tâm tới tôi – và muốn tôi làm điều tương tự với ”người đưa hàng” – ông ta đã dạy tôi bài học làm thay đổi cả cuộc đời !

Giờ đây, khi tôi nhìn lại những người trẻ tuổi đang được đào tạo, hay những nhà quản lý đầy hoài bão, điều đầu tiên mà tôi tìm kiếm ở anh ta, đó là cách cư xử với các thành viên trong đội. Anh ta biết bao nhiêu về những người bình thường làm việc cho mình? Anh ta đối xử với những người bình thường xung quanh như thế nào? Hãy chỉ cho tôi một người đối xử tốt với tất cả mọi người, và tôi sẽ chỉ cho bạn một ngôi sao thực thụ. Những người hùng thầm lặng đó nếu chúng ta công nhận sự đóng góp của họ, họ sẽ đảm bảo cho sự thành công cho chúng ta!

Bạn có thể được đào tạo trong môi trường giáo dục tốt nhất. Bạn có thể là một chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn lựa chọn. Bạn có thể trở thành một quản lý cấp cao thực thụ. Nhưng nếu bạn thực sự muốn thành công, bạn cần học cách làm việc với một đội. Bạn cần học cách tôn trọng mọi người. Đó là kỹ năng không thể thiếu cho sự thành công. Trong công việc. Trong cuộc sống.

Đó là bài học mà tôi từng học được nhiều năm về trước. Và không bao giờ quên. Tên của cậu đưa hàng, sau đó tôi đã tìm hiểu, là Velu. Tôi cũng không thể quên được cái tên này.

Trong công việc, chúng ta thường quan tâm tới những thành viên cấp cao. Chúng ta ít khi dành thời gian cho những “người bình thường”, những người đang kiếm tìm sự nhìn nhận từ chúng ta. Để nói về tính cách thực của một người, hãy quan sát cách anh ấy cư xử với nhóm người bình thường như vậy.

Những bài học về sự lãnh đạo từ Michelle Obama

Những chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Nhà Trắng đã được ghi chép cẩn thận và giờ đây trở thành những câu chuyện được nhân dân mến mộ. Nếu bạn quan tâm tới những lần gia đình Obama tới Nhà Trắng, bạn có thể sẽ biết một vài câu chuyện thú vị. Chuyến đi tàu hỏa tới thành phố Washington. Sân bóng rổ nơi vị Tổng Thống tập những cú ném bóng. Câu chuyện về chuyến ghé thăm của chú hải cẩu Bồ Đào Nha. Và nhiều hơn thế nữa.

Câu chuyện yêu thích của tôi về Obama, tuy nhiên, lại không liên quan tới Tổng thống. Mà là về người phụ nữ của ông, Michelle Obama.

Tờ báo Time đã viết rằng sau khi họ chuyển tới Nhà Trắng, Michelle đã gửi một bức thư điện tử tới đội ngũ cố vấn của mình, mời họ tới một trong những phòng họp tại Nhà Trắng. Khi đội ngũ cố vấn chính sách và những chuyên gia đối ngoại tới theo giờ đã hẹn, họ đã ngạc nhiên bởi những gì họ nhìn thấy trong căn phòng.

Bên trong phòng họp có cả một đám đông. Michelle đã gọi toàn bộ người giúp việc trong Nhà Trắng tới: Những người đầu bếp, những nữ giúp việc, những thợ hàn và thợ điện, những người làm vườn và những người gác cổng

– những người dường như không có gì đặc biệt, không quan trọng mà đơn thuần chỉ là những người bình thường. Những người hàng ngày làm việc cho Nhà Trắng.

“Đây là đội ngũ tới cùng tôi từ Chicago,” Michelle nói, chỉ vào đội ngũ cố vấn của mình. “Và đây là đội ngũ đang làm việc tại đây,” bà bước tới, chỉ vào đội ngũ nhân viên thuộc tòa nhà, họ đã tập hợp đầy đủ. Và một giờ sau đó, họ giao lưu với nhau, mỗi người có cơ hội để trò chuyện với từng người khác.

Giờ đây bạn sẽ đồng ý rằng việc mời tất cả những người đầu bếp, những người thợ vườn và toàn bộ những người làm công việc nhà của Nhà Trắng là một hành động đúng. Nhưng khoan, vẫncòn điều gì đó. Dưới đây là những gì mà Michelle đã nói với đội ngũ cố vấn cấp cao của bà: “Tôi muốn tất cả mọi người biết rằng, một năm tính từ giờ phút này, bạn sẽ không bị đánh giá dựa trên việc họ biết hay không biết tên của bạn. Bạn sẽ được đánh giá dựa trên việc bạn có biết tên của họ hay không.”

Và đó là bài học thật tuyệt vời về quản lý con người. Đối với đội ngũ của Michelle. Và tất cả chúng ta.

Các nhà lãnh đạo thực thụ hiểu tầm quan trọng của việc tập trung vào cuộc sống và những cố gắng, nỗ lực của cả đội, hơn là vào bản thân họ. Khi bạn có được sức mạnh, có được một vị trí, chắc chắn bạn sẽ được mọi người trong đội biết tới, dù cho họ làm ở vị trí nào đi chăng nữa. Sẽ thật ngu ngốc nếu tin rằng danh tiếng của bạn đến từ kỹ năng nghề nghiệp. Điều đó chỉ đúng với công việc mà bạn làm, không đúng với vị trí của bạn trong cuộc sống.

Học cách chú ý tới những người khác, thể hiện bạn đánh giá cao họ, và bộc lộ thành thật sự quan tâm tới mọi nhân viên – đó là phẩm chất thực sự của những nhà lãnh đạo giỏi. Bạn có biết tên của người quyét dọn văn phòng của bạn? Bạn có biết tên của người bảo vệ luôn mỉm cười và chào bạn mỗi buổi sáng? Bạn biết không?

Đó là khả năng, không những thế đó còn là thói quen, là việc chuyển ánh đèn sân khấu chiếu sang người khác, đó mới đúng là vấn đề. Khi ánh đèn sân khấu chiếu vào bạn, bạn có thể sửa sang bản thân và cảm thấy thật tuyệt, nhưng bạn sẽ không nhìn thấy gì khác nữa. Hướng ánh đèn ra nơi khác, bạn sẽ nhận thấy – rất rõ ràng – những nụ cười, những cái cau mày, sự vui mừng và cả sự thất vọng từ những khuôn mặt xung quanh. Đó là bài kiểm tra thực sự về sự lãnh đạo. Quan trọng là bạn hiểu đội của bạn tới đâu, chứ không phải đội của bạn hiểu bạn tới đâu.

Dale Carnegie đã đúng. Trong lời khuyên chân thành của ông về việc làm sao để thu phục nhân tâm, ông nói: “Bạn có thể kết giao được nhiều bạn bè hơn trong hai tháng bằng sự quan tâm tới người khác, hơn là hai năm bạn chỉ cố gắng làm cho mọi người quan tâm tới mình. ”

Hãy bắt đầu. Hãy tìm hiểu về người quét dọn trong căn phòng của bạn, người bán hàng, người kỹ sư trong nhà máy. Và thỉnh thoảng hãy làm việc mà Michelle Obama làm: Tập trung mọi người vào một căn phòng, cám ơn họ, và tìm hiểu nhiều hơn về những con người đó.

Đừng chỉ tập trung vào bản thân. Hãy quan tâm tới cả đội của bạn. Và họ sẽ quan tâm tới bạn, cống hiến cho bạn.

Những người lãnh đạo thực thụ hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc quan tâm tới đội ngũ của họ, hơn là vào bản thân họ. Một năm nữa, bạn sẽ được đánh giá không phải bởi việc họ có biết tên bạn hay không, mà bởi việc bạn có biết tên họ hay không.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.