Thư kiếm ân cừu lục

Hồi thứ mười một: Bảo tháp ngất trời thề cửu đinh



Khoái chiêu như điện tiếp song ưng

Càn Long vừa đói vừa sợ vừa giận hai ngày hai đêm trên đỉnh tháp Lục Hòa, cả sức khỏe lẫn tinh thần đều bị dày vò dằn vặt, thật là khốn đốn vô cùng. Sáng sớm ngày thứ ba, một gã thư đồng vào tháp, đến gần hắn và nói: “Thiếu gia mời Đông Phương lão gia sang đàm đạo.” Càn Long nhận ra thư đồng Tâm Nghiễn của Trần Gia Lạc, mừng rỡ theo nó đi xuống lầu dưới. Hắn vừa tới cửa, Trần Gia Lạc đã tươi cười ra đón, chắp tay chào hỏi. Càn Long chắp tay trả lễ rồi vào trong. Tâm Nghiễn dâng trà lên, Trần Gia Lạc bảo nó mau dọn điểm tâm. Tâm Nghiễn bưng vào một cái khay, trong khay có một liễn bánh bao, một đĩa xíu mại thịt cua, một đĩa chả chiên giòn, một đĩa chạo tôm, một tô canh ngón sen gà xé. Khay chưa bưng tới, mùi thơm đã sực vào mũi. Tâm Nghiễn sắp hai bộ chén đũa, rồi rót rượu. Trần Gia Lạc nói: “Tiểu đệ phải đi thăm hương tích của một vị bằng hữu, nên đón tiếp có phần trễ nãi. Xin ca ca thứ tội.” Càn Long đáp: “Không cần nói vậy.” Trần Gia Lạc nói: “Mời ca ca dùng mấy món điểm tâm thô lậu này trước, rồi tiểu đệ xin thỉnh giáo mấy điều.” Càn Long trước nay thân thể khỏe mạnh, ăn uống như hùm. Hắn đã hai ngày hai đêm không có gì bỏ bụng, da bụng đã dán sát vào xương sống, làm sao mà nhẫn nại thêm nữa? Hắn đợi Trần Gia Lạc cầm đũa gắp trước một miếng bánh bao, rồi lập tức múa đũa như bay, nhanh gấp mười lần múa bút làm thơ, chỉ trong chốc lát đã ăn sạch sẽ bốn món điểm tâm, ngay cả bát canh cũng húp cạn đến trơ đáy chén. Trần Gia Lạc chi gắp mỗi đĩa tí xíu, múc một muỗng canh rồi buông đũa, ngồi mỉm cười nhìn Càn Long ăn như rồng càn qua mâm. Càn Long ăn xong, thấy người dễ chịu khôn tả, bưng chén trà Long Tĩnh màu xanh bích lên uống từ từ chậm rãi. Chẳng những miệng lưỡi hắn ngọt ngào, mà ngay cả hơi ợ lên từ bao tử cũng thấy thơm tho. Trần Gia Lạc đứng lên mở cửa rộng ra rồi nói: “Họ xuống dưới canh giữ cả rồi. Chúng ta nói chuyện ở đây là thích hợp nhất, chắc chắn không có người thứ ba nghe thấy.” Càn Long nhăn hẳn mặt lại, trầm giọng hỏi thẳng: “Ngươi bắt cóc ta đến đây là muốn gì vậy?” Trần Gia Lạc bước tới hai bước, nhìn thẳng vào mặt hắn. Càn Long cảm thấy ánh mắt của Trần Gia Lạc như tia điện, tựa hồ rọi thấu tận đáy lòng mình, không chịu nổi phải từ từ quay đi. Hồi lâu, Trần Gia Lạc mới lên tiếng: “Ca ca! Chẳng lẽ đến bây giờ mà ca ca vẫn chưa chịu nhìn nhận đứa em này hay sao?” Câu nói này âm điệu rất ôn hòa khẩn thiết, nhưng lọt vào tai Càn Long chẳng khác gì sấm động giữa trời quang. Hắn nhảy chồm lên, run giọng hỏi: “Ngươi… ngươi… ngươi nói gì?” Sắc mặt Trần Gia Lạc đầy vẻ thành khẩn. Chàng từ từ đưa tay ra nắm chặt tay Càn Long, rồi nói: “Chúng ta là anh em ruột thịt. Ca ca không cần giấu giếm nữa, tiểu đệ biết cả rồi.” Từ khi Văn Thái Lai trốn thoát, Càn Long đã biết là bí mật này không thể giữ được nữa. Nhưng khi nghe Trần Gia Lạc đột nhiên kêu mình là “ca ca”, hắn cũng không nén nổi run rẩy muôn phần, thân thể như không có sức, ngã ngồi phịch xuống ghế. Trần Gia Lạc tiếp: “Ca ca đến Hải Ninh tảo mộ, sai ngươi xây dựng công trình to tát để ngăn sóng biển, lại phong tặng song thân. Tiểu đệ biết ca ca không quên gốc rễ. Ca ca hãy tới đây, thử nhìn vào tấm gương này.” Chàng kéo sợi dây ở cạnh một bức tranh treo trên tường. Bức tranh được cuộn lên, lộ ra một tấm gương lớn. Càn Long đứng dậy nhìn, thấy mình trong gương đang mặc y phục người Hán, thật sự không có dấu vết nào của dòng máu Mãn Châu. Hắn lại nhìn Trần Gia Lạc đứng bên, tuổi tác hai người tuy khác nhưng diện mạo có chỗ tương đồng. Càn Long thở ra một hơi, ngồi lại xuống ghế. Trần Gia Lạc nói: “Ca ca! Huynh đệ chúng ta chưa biết gì nên mới động đao thương, gây chuyện cốt nhục tương tàn. Linh hồn của gia má trên trời nhất định đau lòng. May mà chưa gây ra những chuyện không thể vãn hồi, cũng chưa ai bị thương tích.” Càn Long cảm thấy khô môi ráo họng, tim đập thình thình, hồi lâu mới nói được: “Ta đã kêu hiền đệ vào kinh làm việc, mà đệ không chịu đi.” Trần Gia Lạc quay lại nhìn xuống dòng sông bên dưới, không đáp. Càn Long lại tiếp: “Ta đã sai điều tra, biết hiền đệ từng đỗ thi Hương, vị thứ rất cao. Dựa vào tài học của đệ, thi Hội thi Đình chắc chẳng khó gì, rồi sau này những chức Tuần Vũ, Thượng Thư, Đại học sĩ cũng không lí gì không tới được. Như thế thì đối với gia đình, đối với quốc gia, đối với đệ, đối với ta đều có ích cả, cần gì phải khổ sở làm những chuyện bất trung bất hiếu, đại nghịch vô đạo thế này?” Đột nhiên Trần Gia Lạc quay lại, lên tiếng: “Ca ca! Tiểu đệ không nói ca ca bất trung bất hiếu đại nghịch vô đạo thì thôi, sao ca ca lại nói tiểu đệ như thế?” Càn Long hỏi lại: “Thần đối với quân thì phải tận trung, phản quân tức là đại nghịch. Ta đã là quân vương, làm sao gọi là bất trung được?” Trần Gia Lạc đáp: “Rõ ràng ca ca là người Hán, nhưng lại phục vụ cho bọn man di, như vậy có phải là trung hay không? Hồi song thân còn sống trên đời, ca ca không phụng thị đàng hoàng, hơn nữa ngày nào phụ thân vào triều cũng phải quỳ lạy ca ca. Trong lòng của ca ca có yên hay không? Như vậy có phải là hiếu hay không?” Càn Long mồ hôi trán từng giọt từng giọt thấm ướt cả mặt, xuống giọng đáp: “Trước kia ta không biết. Mùa xuân năm nay cố thủ lĩnh Vu Vạn Đình của Hồng Hoa Hội các ngươi vào cung, ta mới nghe nói. Bây giờ ta vẫn bán tín bán nghi, nhưng phận làm con thì thà tin là có chứ không dám nghi là không. Nếu tin lầm chẳng qua là mình ngu muội, còn nếu nghi lầm là bất hiếu. Vì thế ta mới đến Hải Ninh bái mộ.”

* * *

Thật ra vào mùa xuân năm nay, khi Vu Vạn Đình cùng Văn Thái Lai vào cung đã đem theo một lá thư của Trần phu nhân giao cho Càn Long. Trong thư kể tường tận chuyện đó xảy ra như thế nào, lại nhắc đến nốt son ở mông bên trái của hắn. Cái nốt đó là bằng chứng không sao cãi nổi, Càn Long vừa đọc thư đã tin hết chín phần rồi. Khi Vu Vạn Đình rời khỏi, hắn bí mật gọi nhũ mẫu Liêu thị năm xưa cho mình bú mớm lên hỏi, càng biết rõ tình hình hơn. Vào ngày mười ba tháng tám năm Khang Hy thứ năm mươi, Tứ hoàng tử Nhậm Trinh và phúc tấn là Trác phi Nẫu Cô Lục Thị sinh hạ một đứa con gái. Ngay sau đó, Nhậm Trinh nghe nói phu nhân của đại thần Trần Thế Quang cũng sinh cùng ngày đó, bèn hạ lệnh mang con của Trần Thế Quang vào trong phủ để thăm hỏi. Nào ngờ khi ẵm vào là con trai, khi ẵm ra lại là con gái. Trần Thế Quang biết Tứ hoàng tử tráo con, không khỏi kinh hãi, nhưng không dám tiết lộ ra ngoài một câu nửa chữ. Lúc đó đám con của Khang Hy đang tranh đoạt ngai vàng, hoặc công khai giành giật, hoặc âm thầm cấu xé, ai cũng dốc hết thủ đoạn. Tuy Khang Hy đã lập Nhị hoàng tử Nhậm Như làm thái tử, nhưng từ lâu đã muốn phế đi. Nhậm Trinh biết lúc này tâm ý phụ vương chưa quyết, vì đám anh em Nhậm Đề, Nhậm Tử, Nhậm Chỉ… tài cán so với mình đều làng nhàng như nhau, không ai vượt trội. Lập tự là kế sách lâu dài. Khi chọn người thừa kế, hoàng thượng không những chỉ tính tới hoàng tử, mà phải nghĩ đến con trai của hoàng tử nữa. Lỡ khi thái tử chết sớm, thì hoàng tôn chính là hoàng đế tương lai. Lúc này Nhậm Trinh đã có hai đứa con trai. Đứa đầu là Hoàng Thời thì ngũ quan không ngay ngắn nên không được ông nội thương mến, mà lại chưa bị đậu mùa. Thời đó bệnh đậu mùa rất phổ biến, trẻ con mắc phải đậu mùa thì mười đứa chết năm, khỏi bệnh đậu mùa mới tin là nuôi được. Con của Nhậm Trinh chưa bị đậu mùa, coi như chưa có con trai, nên hắn ngày đêm mong mỏi có thể quý tử. Nào ngờ đứa con trai là Hoàng Huy mới sinh ra đã chết ngay. Sau đó, Trác phi của Nhậm Trinh là Nẫu Cô Lục Thị có mang lần nữa. Hai vợ chồng cầu thần bái lạy, chỉ mong một đứa con trai, nào ngờ sinh ra con gái. Tình cờ lúc đó Trần Thế Quang được một đứa con trai, mặt sáng môi hồng, sắc thái thanh tú. Nhậm Trinh mặc kệ tất cả, vì thèm muốn ngôi hoàng đế nên dùng thủ đoạn đổi lấy đứa bé. Trong đám hoàng tử thì Nhậm Trinh nổi tiếng là thủ đoạn độc ác nhất. Trần Thế Quang làm sao dám lên tiếng? Đứa bé này được đặt tên là Hoàng Lịch. Khi Khang Hy còn sống nó đã được phong làm Bảo Thân Vương, chính là Càn Long sau này. Càn Long từ nhỏ đã thông minh vũ dũng, mới sáu tuổi đã học thuộc lòng bài Ái Liên Thuyết. Lúc chín tuổi, xảy ra một việc khiến Khang Hy càng thương yêu hắn hơn nữa. Năm đó Hoàng Lịch theo ông nội đến Nhiệt Hà săn bắn. Quân cận vệ dồn từ trong núi ra một con gấu đen rất lớn, đuổi đến trước mặt hoàng đế. Khang Hy nâng cây súng hỏa thương lên, bắn trúng đầu con gấu đen, nó ngã lăn ra đất. Lúc Khang Hy bắn súng, Hoàng Lịch đang cưỡi một con ngựa nhỏ đứng bên ông nội. Cậu bé nhìn con gấu đen khủng khiếp như vậy mà không sợ hãi chút nào, cũng nâng cây súng của mình lên muốn thử sức. Khang Hy thấy thế lấy làm thú vị, bèn bảo: “Cháu tới bắn nó một phát thử xem.” Vì thương cháu nên Khang Hy mới bảo nó bắn, coi như nó giết chết con gấu đen, để về sau có thể khoe khoang trước mặt quần thần là hồi mình chín tuổi đã săn được gấu. Hoàng Lịch xuống ngựa, chạy tới chỗ con gấu đen, kêu lớn: “Bắn chết mi! Bắn chết mi!” Rồi nó nhắm vào bụng gấu bắn một phát. Bọn thị vệ lập tức hoan hô, Khang Hy cũng vuốt râu mỉm cười. Hoàng Lịch quay lưng lại, trèo lên ngựa trở về. Nào ngờ con gấu đen vẫn còn sống, đột nhiên chồm dậy, phóng tới trước ngựa của Khang Hy trông rất hung tợn. Bọn thị vệ kinh hãi, bắn tới tấp giết nó chết hẳn. Khang Hy vừa sợ vừa mừng, bảo bọn thị vệ: “Đứa bé này phúc phận không nhỏ. Giả tỉ lúc nó đứng trước mặt mà con gấu đen này chồm dậy, thì làm sao còn mạng nữa?” Từ đó về sau, Khang Hy cho rằng Hoàng Lịch đã văn võ toàn tài lại có phước lớn, nên cưng chiều nó nhất trong đám cháu. Sau này Nhậm Trinh lên ngôi (tức là Ung Chính), thật sự có phần dựa vào đứa con mà mình tráo được. Vì thế suốt đời Ung Chính, nhà họ Trần ở Hải Ninh được sủng ái vô cùng. Một là Ung Chính muốn báo đáp, hai là muốn mua chuộc để họ khỏi oán hận mà tiết lộ ra bí mật lớn bằng trời này. Còn đứa con gái được họ Trần nuôi nấng, sau này gả cho Tưởng Phổ ở Thường Phục. Cha của Tưởng Phổ là Tưởng Điền Tích, mới năm đầu thời Ung Chính đã được phong chức Hộ bộ thị lang, lúc đó Trần Thế Quang làm Tuần phủ Sơn Đông. Hai người Trần, Tưởng cùng trị thủy có công, nên đều được gọi vào triều, lần lượt lên chức Hộ bộ thượng thư, Lễ bộ thượng thư, Lại bộ thượng thư, rồi đến Đại học sĩ. Suốt đời Ung Chính, nhà họ Tưởng được sủng ái chẳng kém ai. Ở vùng Thường Phục đến nay vẫn còn tòa nhà của Trần phu nhân trong Tưởng phủ, dân trong vùng đều gọi là Công chúa lâu. Lúc Càn Long được ẵm vào phủ của Ung thân vương Nhậm Trinh, hắn khóc mãi không dứt, không chịu bú sữa. Trác phi Nẫu Cô Lục của Nhậm Trinh đành phải gọi nhũ mẫu Liêu thị của nhà họ Trần vào phủ, Càn Long mới chịu ngừng khóc mà bú. Chuyện đã lâu lắm rồi, bây giờ đột nhiên Càn Long hỏi tới. Đáng lẽ Liêu thị không muốn nói, nhưng nghe Càn Long nói chuyện thì hiểu hắn đã biết hết rồi, không giấu giếm được nữa. Bấy giờ Liêu thị đã ngoại lục tuần, thế mà ngay đêm đó bị Càn Long cho người thắt cổ chết để đề phòng bà làm lộ chuyện bí mật này. Càn Long nghĩ đến công ơn nuôi dưỡng của Liêu thị, nên khi hạ lệnh trong lòng cũng áy náy đôi chút.

* * *

Trần Gia Lạc lên tiếng hỏi: “Ca ca thấy mình có chỗ nào giống người Mãn không? Còn gì phải nghi ngờ nữa?” Càn Long trầm ngâm chưa đáp, Trần Gia Lạc nói tiếp: “Ca ca là người Hán. Giang sơn cẩm tú của người Hán lại rơi vào tay bọn man di, thế mà ca ca lại làm thủ lĩnh bọn hồ lỗ, thống lãnh chúng để áp bức con cháu Viêm Hoàng người Hán chúng ta. Như vậy không phải bất trung, bất hiếu, đại nghịch vô đạo hay sao?” Càn Long không còn gì để nói, đành giở giọng liều: “Dù sao thì hôm nay ta đã lọt vào tay các ngươi. Ngươi muốn giết thì giết, cần gì phải nhiều lời?” Trần Gia Lạc vẫn nhỏ nhẹ: “Bên bờ biển, chúng ta đã hẹn ước sau này không ai hại ai. Câu nói đó vẫn còn văng vẳng bên tai, tiểu đệ làm sao phản bội lời thề được? Huống chi bây giờ đã biết ca ca là anh ruột, gặp nhau thân thiết sợ còn chưa đủ, lẽ nào lại hại nhau?” Nói tới đây chàng không nén nổi, nước mắt lăn xuống má. Càn Long hỏi: “Vậy bây giờ ngươi đối xử với ta thế nào? Ép ta bỏ ngôi thoái vị phải không?” Trần Gia Lạc lau mắt rồi đáp: “Không! Ca ca vẫn làm hoàng đế, chỉ có điều không phải là một hoàng đế bất trung bất hiếu, mà là một vị vua khai quốc nhân hiếu anh minh.” Càn Long ngạc nhiên hỏi: “Vua khai quốc ư?” Trần Gia Lạc gật đầu: “Đúng thế! Ca ca làm hoàng đế của người Hán, chứ không phải của bọn Mãn Thanh.” Càn Long nghe tới đây mới hiểu ý chàng, bèn hỏi: “Ngươi muốn ta đuổi họ ra ngoài quan ải hay sao?” Trần Gia Lạc đáp: “Không sai! Ca ca vẫn được làm hoàng đế, mà khỏi phải nhận giặc làm cha để bị người đời sau đàm tiếu, thì sao không cố gắng hiển lộ bản lĩnh xây dựng cơ nghiệp nghìn đời?” Càn Long vốn là người thích khoa trương, nghe mấy câu này không khỏi động lòng. Trần Gia Lạc nhìn mặt hắn, biết mình thuyết phục có hiệu quả liền nói tiếp: “Bây giờ ca ca làm hoàng đế chỉ là thừa hưởng ân đức của bọn Mãn Thanh, có chi là kì lạ? Ca ca nhìn mấy người kia thử xem?” Càn Long tới gần cửa sổ, nhìn theo tay Trần Gia Lạc thì nhìn thấy bên dưới có mấy nông phu đang cày xới trên thửa ruộng xa xa. Trần Gia Lạc nói: “Nếu người này sống trong phủ Ung Thân Vương còn ca ca sống trong một nông gia, thì bây giờ y làm hoàng đế còn ca ca đang cầm cuốc mà cuốc ruộng.” Trước nay Càn Long vẫn cho rằng mình có phúc phần, người bình thường không so sánh được, nhưng bây giờ ngẫm kĩ lời nói của Trần Gia Lạc, hắn không khỏi hơi thấy hụt hẫng trong lòng. Trần Gia Lạc lại nói: “Đại trượng phu sống trên thế gian chỉ được trăm năm là cùng, chớp nhoáng đã qua, nếu không xây dựng cơ nghiệp thì chỉ thối nát cùng cây cỏ. Những bậc đế vương như Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông, Minh Thái Tổ mới là hào kiệt anh hùng thật sự. Đời Nguyên có Thành Cát Tư Hãn, đời Thanh có Thái Tổ là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Thái Tông là Hoàng Thái Cực, có thể gọi là đáng mặt đế vương. Còn như bọn Hán Hiến Đế, Tống Huy Tông, Minh Sùng Trinh, dù không phải loại vua vong quốc thì cũng lôi thôi lếch thếch, không đáng gọi đến tên.” Trần Gia Lạc nói câu nào cũng động đến đáy lòng hoàng đế. Sau khi Càn Long biết mình là người Hán, hắn đã mấy lần toan hạ lệnh cho quan quân thay đổi sắc phục như người Hán, nhưng đều bị Thái hậu bọn đại thần Mãn Châu ngăn cản. Bây giờ hắn nghĩ, nếu làm theo lời Trần Gia Lạc mà lật đổ nhà Thanh, thay đổi triều đại về cho người Hán, chính mình là vị vua khai quốc của vương triều họ Trần, thì chắc chắn công nghiệp có thể so với Lưu Bang, Lý Thế Dân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.