Thư kiếm ân cừu lục

Hồi XIX – Chương 02



Trần Gia Lạc kinh ngạc hỏi: “Vợ chồng Trần lão tiền bối chê đệ tử không tốt ở điểm nào?”

Viên Sĩ Tiêu cười nói: “Họ trách ngươi có mới nới cũ, gặp em quên chị. Ha ha… Thật ra ba ngươi cùng tốt với nhau, có gì là không được?”

Trần Gia Lạc nhớ lại đêm đó Song Ưng bỏ đi không từ biệt, để lại tám chữ lớn trên mặt cát, thì ra là vì chuyện đó. Chàng không nén nổi kinh hãi trong lòng.

Hôm sau Trần Gia Lạc nói cho quần hùng biết mình phải đi Thiếu Lâm Tự ở Phúc Kiến một phen, rồi tạm biệt Viên Sĩ Tiêu, Thiên Sơn Song Ưng và chị em Hoắc Thanh Đồng. Hương Hương công chúa bịn rịn không nỡ chia tay. Trong lòng Trần Gia Lạc cũng thấy bứt rứt. Phen này từ biệt, không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau. Nếu hoàng thiên phù hộ cho hoàn thành đại sự, sau này chắc chắn có lúc trùng phùng. Nếu không, hết thảy anh em vùi mình trong Trung thổ, không thể trở về Hồi Cương được nữa.

Hai cô gái tiễn chân một đoạn đường dài. Đương nhiên trong lòng Hoắc Thanh Đồng cũng ngổn ngang trăm mối, nhưng nàng ra vẻ cứng rắn để hối thúc muội muội quay về. Hương Hương công chúa mãi không chịu nghe lời.

Trần Gia Lạc lấy hết dũng khí để nói: “Muội muội về cùng tỉ tỉ đi.”

Hương Hương công chúa gạt nước mắt rồi dặn: “Nhất định huynh phải trở lại đây.”

Trần Gia Lạc gật đầu. Hương Hương công chúa lại nói: “Huynh mười năm không trở lại, muội sẽ đợi huynh mười năm. Huynh một đời không trở lại, muội sẽ đợi huynh một đời.”

Trần Gia Lạc muốn tặng nàng một kỉ vật để nàng đỡ nhớ nhung khi mình không có ở đây. Chàng thò tay vào túi tìm kiếm, bỗng chạm vào một vật ấm áp, đó là miếng ôn ngọc mà Càn Long đã tặng ở bên đê chắn sóng. Chàng lấy miếng ôn ngọc ra đặt vào tay Hương Hương công chúa, dịu dàng khẽ nói: “Muội nhìn thấy miếng ngọc này cũng như nhìn thấy ca ca.”

Hương Hương công chúa nói trong nước mắt: “Nhất định muội phải gặp huynh. Dù phải chết đi nữa, muội cũng gặp huynh rồi mới chết.”

Trần Gia Lạc cố cười: “Sao muội phải thương tâm như thế? Đợi khi đại sự thành công, chúng ta sẽ cùng lên Vạn Lý Trường Thành ở ngoại thành Bắc Kinh mà thưởng ngoạn.”

Hương Hương công chúa ngẩn ngơ một lúc, miệng hơi lộ ra một nụ cười, nói: “Huynh nói gì thì đừng quên nhé!”

Trần Gia Lạc hỏi: “Đã bao giờ ca ca gạt muội chưa?”

Bấy giờ Hương Hương công chúa mới thôi không đi theo nữa. Thỉnh thoảng Trần Gia Lạc quay lại nhìn, thấy hình bóng hai tỉ muội dần dần mờ nhạt, rồi mất hút trong sa mạc. Quần hùng cho ngựa từ từ tiến bước.

Phen này giết được Trương Triệu Trọng, Dư Ngư Đồng đã báo đại thù, trong lòng an ủi. Chàng lại nảy ra tình cảm với Lý Nguyên Chỉ, dọc đường không tránh né gì nữa, trìu mến chăm sóc vết thương cho nàng.

Đi được vài ngày thì quần hùng về đến nhà A Phàm Đề, không may là vị quái hiệp cưỡi lừa đeo chảo lại đang đi vắng. Chu Ỷ nghe nói Trương Triệu Trọng đã chết, thù em đã báo, hết sức vui mừng. Trần Gia Lạc muốn để Từ Thiên Hoằng ở lại với nàng tại Hồi Cương, đợi sinh nở song, thân thể khỏe mạnh rồi mới trở về Trung Nguyên. Nhưng Chu Ỷ sợ vùng này buồn chán, lại nghe mọi người định đến Thiếu Lâm Tự ở Phúc Kiến, phen này có thể gặp được gia gia nên nhất định đòi theo. Mọi người không sao cản được, đành phải dẫn nàng đi cùng. Từ Thiên Hoằng thuê một chiếc xe lớn, để vợ và Lý Nguyên Chỉ ngồi cho đỡ mệt.

Vào trong Gia Cốc Quan thì khí trời dần dần ấm áp, đã cảm thấy hơi hám mùa xuân. Càng tiến về phía nam, trời càng oi bức. Việc đi đứng của Chu Ý cũng càng lúc càng khó khăn hơn.

Vết thương của Lý Nguyên Chỉ đã đỡ nhiều. Nàng không đi xe nữa mà chuyển sang cưỡi ngựa, dọc đường cứ liền miệng nói chuyện với Lạc Băng. Quần hùng đều phải ngạc nhiên, không hiểu tại sao hai người có nhiều chuyện để nói đến thế, nói hoài không dứt.

* * *

Một hôm mọi người đến địa giới tỉnh Phúc Kiến, thấy núi đầy hoa cỏ, bướm chim bay múa khắp nơi. Trần Gia Lạc chợt nghĩ: “Nếu Kha Tư Lệ có ở đây, nhìn thấy vô số hoa tươi như vậy, không biết nàng sẽ vui mừng đến thế nào.”

Vài ngày nữa thì đến thành Đức Hóa, đoàn người định tìm một tửu lầu để uống rượu ăn cơm. Lúc đi ngang nha môn, họ thấy dọc đường cái có khoảng ba chục nam nhân đeo gông, tay chân đều bị xiềng xích, xếp thành một dãy ở chân tường. Người nào cũng cúi đầu ủ rũ, thần sắc rất tiều tuỵ. Nắng đang cháy bỏng mà họ bị phơi trần mình ra, có người thở thoi thóp, rõ ràng sắp ngã xuống chết ngay tại chỗ.

Mười mấy tên sai dịch cầm roi da đứng cạnh, liên tục quát mắng: “Bọn bay mau mau giao nộp quần lương, chúng ta sẽ thả ra lập tức.”

Chu Ỷ nhịn không nổi bèn hỏi: “Này, họ phạm vào vương pháp gì vậy? Đã bị gông xiềng còn phải phơi nắng, thật là tội nghiệp.”

Một tên hình như là chỉ huy của bọn sai dịch đáp: “Các ngươi là dân xứ khác thì mau mau rời khỏi đây đi, đừng nhúng tay vào việc của người khác.”

Chu Ý cãi: “Việc của thiên hạ thì người thiên hạ phải lo. Sao gọi là nhúng tay vào việc của người khác?”

Tên chỉ huy bèn lấy roi da chỉ vào một bản văn đang dán trên tường, quát hỏi: “Ngươi có biết chữ hay không? Đại quan Phương phiên đài trên tỉnh đã đích thân tới thành Đức Hóa này để thôi thúc quân lương. Hoàng thượng muốn ra quân bình định Hồi Cương, chuyện lương thảo đâu có đùa giỡn được? Người đi đường mà đến đây lải nhải, bổn quan phải bắt nhốt để đóng gông thị chúng.”

Tiếng Phúc Kiến không phải dễ nghe, Chu Ý mặc kệ hắn nói gì thì nói không thèm để ý. Trần Gia Lạc cùng mọi người nhìn vào bản văn, quả nhiên là phiên đài của tỉnh Phúc Kiến đến đây đôn đốc việc trưng lương. Cáo thị cũng nói, quân lương gấp như cứu hỏa, tên ngu dân nào kháng cự không chịu nạp thì nghiêm trị không tha.

Một người đang bị xiềng bỗng la lên: “Làm ơn làm phúc đi! Bọn tiểu nhân không phải là không chịu nộp, nhưng ngay một lúc phải nộp mầy chục lượng bạc, thì chém đứt đầu tiểu nhân cũng không lấy đâu ra được.”

Tên sai dịch liền quất cho người đó một roi, quát mắng: “Ngươi còn dám kêu la nữa, thì ta phải chém đứt đầu ngươi trước.”

Hắn vung roi lên định quất nữa, nhưng Chu Ý đã bước tới nắm chặt lấy ngọn roi. Từ Thiên Hoằng bỗng kêu lên: “Ỷ muội, khoan đã!”

Chu Ý buông chiếc roi da ra, hỏi lại: “Gì thế?”

Từ Thiên Hoằng chỉ vào bản văn mà nói: “Phương phiên đài này họ Phương, tên Hữu Đức.” Chàng hạ giọng nói tiếp: “Không biết có phải cái thằng Phương Hữu Đức con mẹ nó hay không?”

Mọi người bước vào một tửu lâu. Sau khi tửu bảo rót rượu, Từ Thiên Hoằng nói với Trần Gia Lạc: “Tổng đà chủ! Xin cho phép thuộc hạ báo thù rửa hận. Không chừng tên Phương Hữu Đức này chính là đại cừu nhân của gia đình thuộc hạ. Trước đây hắn từng làm tri phủ Thiệu Hưng ở tỉnh Triết Giang, hại chết cả nhà thuộc hạ. Thuộc hạ chưa báo được thù vì tìm hắn mãi mà không thấy, không ngờ gặp hắn ở đây. Nhưng không biết có đúng là hắn không, phải điều tra cho rõ ràng trước đã…”

Chu Ỷ tức giận ngắt lời: “Không cần điều tra nữa! Loại cẩu quan này có giết dư một hai tên cũng không phải giết nhầm.”

Trần Gia Lạc chậm rãi nói: “Nếu là tên đó, thì mối thù cả giết gia đình Thất ca sẽ được rửa. Phương Hữu Đức tuổi tác khoảng bao nhiêu rồi?”

Từ Thiên Hoằng đáp: “Hình như đã ngoại lục tuần.”

Trần Gia Lạc nói: “Nếu hôm nay buông tha cho hắn, thì mấy năm nữa hắn cũng lâm trọng bệnh mà mất mạng.”

Chu Ỷ lớn tiếng: “Vậy thì mối thù của Thất huynh sẽ vĩnh viễn không trả được.”

Trần Gia Lạc suy nghĩ một lúc rồi nói: “Chúng ta đang có đại sự bên mình. Thất ca, chúng ta phải cân nhắc một chút. Nên giết chết Phương Hữu Đức để trả thù, nhưng đừng để dính líu tới Hồng Hoa Hội.”

Từ Thiên Hoằng nói: “Chúng ta còn phải lo cướp lương tiền trả lại cho dân chúng Phúc Kiến, để bọn chúng không thể triển khai đại quân đi đánh Hồi tộc.”

Lục Phi Thanh cũng nói: “Trên thiên hạ có nhiều người cùng họ cùng tên. Từ hiền điệt! Hai chúng ta phải đến nha môn điều tra cho rõ, xem thử tên Phương Hữu Đức này có phải kẻ thù hiền điệt hay không?”

Tứ Thiên Hoằng đáp: “Tiền bối chỉ dạy rất phải, xin đa tạ trước.”

Mọi người nhanh chóng ăn xong bữa cơm, rồi đi tìm khách điếm nghỉ lại, chỉ có Từ Thiên Hoằng theo Lục Phi Thanh ra ngoài xem xét. Chu Ỷ lo lắng chuyện trả thù của Từ Thiên Hoằng nên đứng ngồi không yên, đi qua đi lại trước cửa khách điếm không ngừng.

Đến tận xế chiều Từ Thiên Hoằng mới rảo bước chạy về, đưa tay ra hiệu chém giết trước mặt Chu Ỷ, khẽ nói: “Chính là tên gian tặc đó!”

Chu Ỷ nhảy chồm lên mà nói: “Hay quá!”

Từ Thiên Hoằng vội bảo: “Muội đừng nhảy, coi chừng cái bụng!”

Rồi chàng vào phòng Trần Gia Lạc để bẩm báo: “Tổng đà chủ! Thuộc hạ đã cùng Lục lão tiền bối nhìn thấy rõ ràng. Tên Phương phiên đài này ở má trái có một cái bớt đen rất lớn, đúng là gian tặc đã hại chết cả nhà tiểu đệ. Lục lão tiền bối hành sự rất tỉ mỉ, còn bảo Thập tứ đệ đi. Thập tứ đệ biết nói tiếng Phúc Kiến, đã vào nha môn tìm được một ông lão mời đi uống rượu, tặng hai chục lượng bạc để hỏi cho kĩ lưỡng. Ông lão ấy nói, Phương phiên đài vốn là tri huyện ở Triết Giang, về sau lập công được thăng làm liên đạo, mấy năm trước đây mới bổ về Phúc Kiến để làm chức phiên đài.”

Trần Gia Lạc nói: “Thế thì không sai được nữa. Tối nay chúng ta sẽ ra tay! Thất ca! Huynh đi mời Lục lão tiền bối đến đây, để mọi người tính kế làm sao cho gọn.” Tứ Thiên Hoằng cả mừng, chạy ra ngoài mời Lục Phi Thanh.

Dư Ngư Đồng bước vào phòng rồi nói: “Tổng đà chủ! Thuộc hạ còn thám thính được một tin tức rất lạ. Có năm người võ quan thị vệ gì đó trong kinh thành, lãnh thánh chỉ đi khẩn cấp từ Bắc Kinh đến Phúc Châu để tìm Phương phiên đài. Khi biết Phương phiên đài đang tới thành Đức Hóa này công cán, chúng liền theo đến Đức Hóa. Nhưng bọn sai dịch trong nha môn chức vụ thấp hèn, không thể biết thánh chỉ sai chúng làm gì.”

Lục Phi Thanh cũng nói: “Dường như bọn đến từ Bắc Kinh có chức vụ không nhỏ.”

Trần Gia Lạc nghe nói có thánh chỉ đặc biệt khẩn cấp, lập tức nghĩ bụng: “Không chừng vụ này có liên quan đến đại sự quang phục của hoàng đế ca ca.” Chàng trầm ngâm suy nghĩ, không trả lời ngay.

Dư Ngư Đồng bỗng vỗ tay cười nói: “Còn một chuyện may mắn nữa. Khi đến nha môn, thuộc hạ có lén nhìn một cái. Trong năm tên võ quan này có tới hai người quen cũ, một là thị vệ Thoại Đại Lâm, một là tổng binh Thành Hoàng. Hai tên này đã từng đến Thiết Đảm Trang để bắt Tứ ca. Để tiểu đệ đi nói với Tứ ca một tiếng, không chừng huynh ấy sẽ mừng rỡ mà nhảy cẫng lên. Thế là hai mối đại thù của chúng ta được trả cùng một lúc, thật là tuyệt diệu.”

Trần Gia Lạc lên tiếng: “Thập tứ đệ! Đệ cùng Cửu ca đến ngoài nha môn xem xét tình hình, đừng để bọn gian tặc này trốn thoát. Tuy nhiên, có thể bọn võ quan này truyền thánh chỉ gì đó về chuyện điều động binh mã, tạm thời chúng ta không nên đả thảo kinh xà.”

Từ Thiên Hoằng gật đầu nói: “Tư thù là việc nhỏ, dĩ nhiên chúng ta phải lấy đại cục làm trọng. Nếu hoàng đế thật sự giữ lời thề, thì dĩ nhiên phải truyền thánh chỉ đi các tỉnh để điều binh khiển tướng.”

Trần Gia Lạc nói: “Chỉ mong là như thế. Quả là Thất ca rất hiểu đại nghĩa. Bây giờ chúng ta đi bắt năm tên võ quan đó về đây hỏi rõ, rất có lợi cho đại cuộc.”

Trần Gia Lạc lập tức ra lệnh, mọi người kéo đến bên ngoài nha môn của huyện Đức Hóa. Dư Ngư Đồng đang định vào trong dò hỏi tin tức, thì đột nhiên nghe tiếng vó ngựa vang lên, mười mấy con ngựa từ trong nha môn chạy ra ngoài. Mấy tên dẫn đầu đội nón có dây tua màu đỏ màu lam, đều là quan lớn trong triều. Văn Thái Lai nhận ra một trong số đó chính là Thành Hoàng, bất giác trợn mắt lên, chỉ muốn bước tới chém ngay.

Thấy đoàn người khá đông, quần hùng liền lên ngựa chạy theo, ra khỏi cửa Đông thành Đức Hóa. Chạy được khoảng ba bốn chục dặm, họ dừng lại ăn cơm, khi hỏi đám tiểu nhị trong phạn điếm thì biết bọn chúng mới rời khỏi đây chẳng bao lâu.

Văn Thái Lai nói: “Ngựa của ta chạy nhanh hơn. Để ta chạy lên trước, chặn năm thằng cẩu tặc này lại đã.”

Lạc Băng vội cản: “Chúng có tới năm người, không thể chạy thoát được đâu.”

Văn Thái Lai biết, từ khi mình gặp nạn thì ái thê lại càng quan tâm chu đáo tới mình. Chàng không nỡ để Lạc Băng lo lắng, nên đi cùng với mọi người.

Đêm đó quần hùng ăn tối ở Tiên Du, trưa hôm sau đã đến Giao Vỹ. Nghe mấy nông dân nói là năm người võ quan đã chuyển sang hướng bắc, Trần Gia Lạc mỉm cười rồi nói: “Bọn này thật biết chọn đường chạy chốn! Từ đây đi về phía bắc là tới Thiếu Lâm Tự ở Phổ Điền. Chúng ta vừa truy đuổi chúng, vừa không phải đi xa oan uổng.”

Chạy được mấy chục dặm nữa thì trời sắp tối, đã gần tới Thiếu Lâm Tự. Quần hùng ghé vào Vạn Hải trấn, tìm một gian khách điếm để nghỉ ngơi. Năm người Lục Phi Thanh, Văn Thái Lai, Vệ Xuân Hoa, Từ Thiên Hoằng, Tâm Nghiễn chia nhau ra ngoài thăm dò tung tích bọn thị vệ.

* * *

Văn Thái Lai tìm mãi không thấy tung tích của bọn Thành Hoàng đâu. Lúc này trời đã tối, tiếng ve kêu ran ran, khí nóng mùa hè oi bức. Chàng phanh ngực áo ra, cầm một cây quạt bằng lá phe phẩy cho mát. Bỗng nhiên phía trước có ngọn gió thổi lại, đưa theo mùi rượu thơm phức.

Trước mặt là một quán rượu nhỏ, cửa còn mở. Nóng bức thế này, tốt nhất là uống mấy chén để giải khát. Chàng vừa vào quán đã ngẩn người ra, đúng là đi mòn gót sắt tìm không thấy, thấy ra lại chẳng chút công phu. Thành Hoàng, Thoại Đại Lâm và ba tên thị vệ kia đang ngồi trong quán, uống rượu cười nói huyên thuyên.

Thấy Văn Thái Lai đi vào trong quán, năm tên lập tức kinh hãi thất sắc, há hốc mồm không thốt nên lời. Văn Thái Lai làm như không thấy chúng, cứ gọi lớn: “Chủ quán, lấy rượu!”

Tiểu nhị lấy bình rượu, chén đũa đặt trước mặt chàng. Văn Thái Lai quát lên: “Chén nhỏ xíu này mà uống cái gì? Đem bát lớn tới đây.” Chàng dằn một thoi bạc xuống bàn nghe “cộp” một tiếng.

Thấy khí thế chàng dũng mãnh, tiểu nhị không dám nói nhiều. Hắn lập tức đem ra một cái bát lớn, rót đầy. Văn Thái Lai đưa bát lên một hơi cạn sạch, khen: “Rượu ngon!”

Tiểu nhị nói: “Đây là rượu Tam Bạch, nổi tiếng ở vùng này.”

Văn Thái Lai hỏi: “Giết một con heo nên uống mấy bát rượu?”

Tiểu nhị không hiểu ý chàng nhưng không dám hỏi, bèn đáp bừa: “Ba bát.”

Văn Thái Lai nói: “Hay lắm! Đem mười lăm cái bát lớn ra đây, rót đầy vào cho ta.” Chàng rút soạt đơn đao ra đặt trên bàn.

Tiểu nhị hoảng sợ nhảy dựng lên, nhưng cũng phải nghe lời đi lấy mười lăm cái bát lớn, dàn ra chật cả mặt bàn rồi rót đầy rượu vào. Bọn Thành Hoàng nhìn nhau kinh hãi vô cùng, chỉ vì Văn Thái Lai ngồi cản ngay giữa cửa nên chúng không dám bước ra.

Thành Hoàng và Thoại Đại Lâm thấy tình hình chẳng tốt lành gì, bèn đứng dậy muốn chuồn ra cửa sau. Văn Thái Lai đứng dậy quát lên một tiếng như sấm nổ lưng trời, rồi hỏi: “Lão gia chưa uống xong, bọn ngươi vội gì thế?”

Thành, Thoại lập tức đứng yên, không dám động đậy. Văn Thái Lai đạp một chân lên ghế dài, chỉ hai hớp đã uống cạn một bát rượu, lại khen: “Rượu ngon.” Chàng bưng bát thứ hai lên.

Tiểu nhị biết điều, tự động xắt hai cân thịt bò đặt lên mâm rồi bưng lên. Văn Thái Lai vừa ăn vừa uống, chỉ chốc lát là mười năm bát rượu và hai cân thịt bò đã sạch sành sanh. Thành Hoàng và Thoại Đại Lâm nhìn nhau kinh hoảng. Ba tên thị vệ kia nháy mắt với nhau, cầm binh khí rồi cả bọn cùng phóng lên.

Văn Thái Lai hơi rượu đã bốc tới đầu, đầy người mồ hôi như tắm. Đợi ba người phóng tới, chàng phóng chân hất mạnh, cái bàn bay ra ngoài. Dĩ nhiên toàn bộ chén bát, cả thanh đơn đao trên bàn đều rơi loảng xoảng xuống đất. Chàng không thèm nhặt đao, xách cái ghế dài quét qua ba tên thị vệ.

Ba tên này, một cầm lê hoa thương, một dùng đao, một thì sử đôi Nga Mi Thích. Chúng vừa né cái ghế dài vừa tiến sát đến. Văn Thái Lai dựng ghế thẳng lên đón đỡ, lấy một địch ba. Trong lúc hỗn chiến, tên dùng đao bỗng chém dính vào cái ghế, nhất thời không kịp rút đao về. Văn Thái Lai xoay tả chưởng tát ngược lại trúng ngay sống mũi của hắn, lập tức ngũ quan máu thịt hồ đồ, xương gò má cũng vỡ nát.

Lúc này đôi Nga Mi Thích đang nhằm đâm tới nách phải Văn Thái Lai. Chàng dùng tay trái giật thanh đao đính trên ghế ra, chém thẳng xuống. Tên sử song thích đâm chưa tới nơi đã nghe trên đỉnh đầu có tiếng gió rít lên khủng khiếp, vội vã nhào ngược ra sau, lăn người tránh né.

Tên cầm thương liền vung ra một đóa thương hoa rất lớn, xuất chiêu Độc Long Xuất Động đâm vào bụng dưới Văn Thái Lai. Tay trái họ Văn vứt bỏ đơn đao, chụp lấy cán thương. Tên kia vận hết sức lực bình sinh để giật thương về, nhưng không sao địch nổi thần lực của Văn Thái Lai, bị chàng kéo cho loạng choạng, té nhào tới trước. Tay phải Văn Thái Lai xách cái ghế dài đập ngay vào giữa ngực hắn, hất hắn bay thẳng vào vách tường. Dư lực vẫn còn, bức tường sập xuống, gạch đá rơi thành một đống đè lên người hắn.

Trong quán rượu bụi đất bay mù, ngói trên mái nhà lả tả rơi xuống. Văn Thái Lai quay người lại định đánh tiếp. Chàng thấy tên thị vệ mập mạp sử dụng song thích nằm co rút lại thành một khối không động đậy, bèn xách hắn lên định hỏi cung, bỗng thấy mặt hắn trắng bệch như tờ giấy, tắt hơi từ lâu rồi. Thì ra hắn sợ quá mà chết.

Văn Thái Lai đã định để lại một tên sống sót để tiện hỏi thông tin, thế mà không được. Chàng quay lại tìm Thành Hoàng và Thoại Đại Lâm thì không thấy đâu nữa, nhất định hai tên này đã nhân lúc lộn xộn mà chuồn mất.

Ra khỏi quán rượu, Văn Thái Lai cảm thấy có một ngọn gió mát thổi lên đầu, ngẩng lên nhìn thấy sao lác đác, bây giờ đã là canh một. Chàng trở vào trong quán nhặt lấy đơn đao, rồi chạy ra tìm kiếm khắp nơi, phi thân nhảy lên nóc căn nhà cao nhất mà nhìn tứ phía. Thấy hai cái bóng đang chạy như ma đuổi về phía bắc, chàng cả mừng nhảy xuống đất, xách đao đuổi gấp.

Chạy được mấy dặm, phía trước có một đám ruộng trồng mía. Mía mọc khá cao, hai bóng người vừa chui vào ruộng mía đã mất tích không thấy đâu nữa. Văn Thái Lai phải chui vào theo, vừa quát tháo vừa đuổi. Đi hết ruộng mía, phía trước lại là một khu rừng vừa rậm rạp vừa tối đen.

Chàng tìm trong rừng một hồi không thấy, bỗng tự trách mình ngu ngốc rồi nhảy lên túm lấy một cành cây, trèo lên ngọn cây nhìn quanh quất. Chàng thấy xa xa hình như có một thôn nhỏ, nhưng nhà cửa xây rất lớn. Hai cái bóng người đã gần tới mấy gian nhà đó, nếu không nhờ thân hình động đậy thì trong đêm tối thật khó mà nhìn thấy.

Văn Thái Lai thầm hổ thẹn: “Ta mò mẫm trong rừng mất cả nửa ngày, suýt nữa là để chúng thoát thân!” Chàng lập tức nhảy xuống đất, chạy về phía thôn nhỏ ấy, thi triển khinh công đến tột độ, bên tai lộng gió vù vù.

Trong chốc lát đã thấy hai người đó nhảy vượt qua tường, trốn vào trong nhà. Văn Thái Lai thét lên: “Trốn đi đâu?” Rồi chạy ngay tới bức tường đó. Dưới ánh sao thưa mờ nhạt, chàng thấy những gian nhà này đều mái xanh, tường vàng, thì ra là một tòa tự viện. Chàng vòng ra cổng trước ngẩng lên nhìn, chính giữa có bảng ghi bốn chữ bằng vàng: Thiếu Lâm Cổ Sát.

Văn Thái Lai ngẫm nghĩ: “Thì ra đã đến Thiếu Lâm Tự rồi. Thiếu Lâm Tự ở Phúc Kiến tuy chỉ là hạ viện, nhưng trước nay vẫn nghe nói võ công của tăng nhân trong chùa này cũng rất cao cường, chẳng kém gì chùa gốc ở Tung Sơn. Đây lại là nơi xuất thân của cố tổng đà chủ, đúng ra mình không nên lỗ mãng. Nhưng hai tên Thành Hoàng và Thoại Đại Lâm hiếp người quá đáng, không thể buông tay tha chúng được.”

Cửa chùa đã đóng chặt, chàng liền cầm đao nhảy lên đầu tường, thấy bên trong là một khu vườn khá rộng nhưng trống rỗng. Lắng tai nghe thì hoàn toàn không có âm thanh gì, không biết Thành Hoàng và Thoại Đại Lâm đã chạy về hướng nào nên chàng cứ cúi người xuống mà đưa mắt quan sát chung quanh.

Đột nhiên chánh điện mở cửa nghe “ầm” một tiếng, một hòa thượng to mập bước ra ngoài, kéo theo sau một cây phương tiện sạn cán dài tới bảy thước. Y quát hỏi: “To gan! Dám trèo tường vào cửa Phật ư?”

Văn Thái Lai chắp tay nói: “Tại hạ đang truy đuổi hai tên chó săn của triều đình, vô ý làm kinh động đại sư. Xin thứ lỗi!”

Hòa thượng nói: “Ngươi là người học võ, phải biết Thiếu Lâm Tự là chỗ như thế nào chứ? Sao dám vô lễ xách đao xông vào chùa?”

Văn Thái Lai đã hơi tức giận, nhưng chàng nghĩ lại thì đêm tối mà mình cầm đao chạy loạn vào chùa là không nên không phải, bèn chắp tay thi lễ mà nói: “Tại hạ xin lỗi!”

Chàng nhảy ra ngoài tường, vẫn để ngực trần ngồi tựa vào một gốc cây, nghĩ bụng: “Nhất định hai tên gian tặc đó cũng phải bị đuổi ra ngoài. Ta ngồi đây mà đợi cũng được.”

Chàng ngồi xuống, bỗng thấy hòa thượng mập kia nhảy lên tường quát tháo: “Tên kia! Muốn gì mà chưa chịu rời khỏi đây? Muốn thừa cơ trộm cắp phải không?”

Văn Thái Lai giận dữ hỏi lại: “Ta ngồi ở ngoài chùa, có liên quan gì đến đại sư?”

Hòa thượng mập nói: “Chắc ngươi đã được ăn gan hổ gan báo gì đó rồi, dám đến chùa Thiếu Lâm mà quấy rối. Đi nhanh lên! Đi nhanh lên!”

Văn Thái Lai nhịn không nổi nữa, quát lên: “Ta không đi! Ngươi làm gì ta?”

Hòa thượng mập không nói tiếng nào, vung cây phương tiện sạn vù vù rồi nhảy từ trên đầu tường xuống. Những cái vòng ở cán sạn khua lên lẻng kẻng, lưỡi sạn dài chừng một thước đẩy thẳng tới ngực chàng.

Văn Thái Lai định vung đao đánh trả, nhưng bỗng nghĩ lại: “Tổng đà chủ xa xôi ngàn dặm tới đây, đang có việc muốn nhờ cái chùa Thiếu Lâm này. Ta không nên lỗ mãng nhất thời mà làm hỏng đại sự.” Chàng bèn nghiêng người tránh lưỡi sạn, buông thõng đơn đao quay người đi ngay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.