Thư kiếm ân cừu lục

Hồi XIX – Chương 04



Trần Gia Lạc sờ vào bọc, thấy chỉ còn khoảng năm sáu quân cờ vây. Lại nghe Đại Si bảo: “Trần đương gia đi lấy trước đi.”

Chàng đi đến cái bàn, trong lòng bỗng hạ quyết tâm: “Đây là việc liên quan đến đại sự, ta đành phải giở trò vô lại.” Chàng giũ rộng tay áo bên trái ra, tay phải quét lên mặt bàn một cái, lùa sạch sẽ mọi thứ ám khí trên mặt bàn vào tay áo. Sau đó chàng nhảy trở về vị trí, vừa cười vừa nói: “Một, hai, ba! Tại hạ phát ám khí đây!”

Đại Si nhảy đến chỗ cái bàn, đưa tay sờ thì trên mặt bàn không còn món nào. Trần Gia Lạc liên tiếp phát xạ nào là Thiết liên tử, nào là Bồ đề tử, chỉ trong nháy mắt là ba mươi mấy cây nhang của đối phương tắt sạch.

Trong tay Đại Si không còn ám khí, chỉ biết trợn mắt mà nhìn chứ không làm gì được. Ông cười ha hả rồi nói: “Trần đương gia thật nhiều thủ đoạn, đúng là quân tử đấu trí không đấu sức. Thí chủ thắng rồi, xin mời vào.”

Trần Gia Lạc nói: “Thật là xấu hổ! Tại hạ nhất định phải thua, nhưng vì sự việc liên quan trọng đại nên không thể không dùng hạ sách này. Cúi xin đại sư tha lỗi!”

Đại Si tính tình rất hiền hòa, không giận mà lại mỉm cười nói: “Hai tòa điện phía sau do hai vị sư thúc của ta canh giữ. Hai vị này võ công hết sức thâm hậu, thí chủ phải cẩn thận.”

Trần Gia Lạc cảm kích đáp: “Đa tạ đại sư chỉ điểm!” Chàng bước ra sau điện.

Tòa điện thứ tư cũng đèn đuốc sáng trưng, nhưng chu vi nhỏ hơn ba tòa điện phía trước rất nhiều. Giữa điện có hai cái bồ đoàn. Thủ tòa Thiên Kính đại sư của Đạt Ma Viện đang ngồi xếp bằng trên bồ đoàn bên trái, khi thấy Trần Gia Lạc tiến vào liền đứng dậy đón rồi nói: “Mời ngồi!”

Trần Gia Lạc không biết ông muốn tỉ thí kiểu nào, cứ vâng lời mà ngồi vào bồ đoàn bên phải. Chàng nghĩ: “Võ công của Đại Điên, Đại Si đã cao đến thế rồi. Thiên Kính là sư thúc, lại là thủ tòa của Đạt Ma Viện, dĩ nhiên thâm hậu hơn nhiều, khỏi nói cũng biết mình không phải là địch thủ. Đành phải tùy cơ ứng biến mà thôi.”

Thiên Kính đại sư thân hình cao nghệu, ngồi trên bồ đoàn mà so với người đứng chẳng khác bao nhiêu. Hai má ông hóp rất sâu, cả người hầu như không có thịt, nét mặt không tức giận mà vẫn oai nghiêm.

Thiên Kính nói: “Thí chủ liên tiếp vượt qua ba điện, đúng là bậc cao minh. Tuy nghĩa phụ của thí chủ không còn là môn hạ của Thiếu Lâm, nhưng dù sao thí chủ cũng là vãn bối, ta không thể đối chiêu bình thường với thí chủ. Thôi thì thế này, nếu sau mười chiêu mà thí chủ chưa thua, ta sẽ để thí chủ đi qua.”

Trần Gia Lạc đứng dậy thi lễ rồi nói: “Xin đại sư rủ lòng từ bi.”

Thiên Kính “hừ” một tiếng rồi bảo: “Ngồi xuống tiếp chiêu đi.”

Trần Gia Lạc vừa ngồi xuống bồ đoàn đã cảm thấy một đạo kình phong ập tới trước ngực. Chàng đưa song chưởng lên chống đỡ, nhưng vừa chạm vào tay của đối thủ là lập tức cảm thấy mình không đỡ nổi, nếu đương nhiên chống chọi thì có thể bị hất văng khỏi tấm bồ đoàn, liền dùng Vân Thủ định dẫn kình lực của đối phương sang hướng khác. Nào ngờ kình lực của Thiên Kính mãnh liệt khủng khiếp, Vân Thủ không làm bàn tay ông nhúc nhích chút nào. Trần Gia Lạc chỉ còn cách dùng hết sức lực toàn thân mà thẳng thắn tiếp chiêu.

Tuy Trần Gia Lạc đỡ được phát chưởng này, nhưng đã bị chấn động, vai trái đau như sắp gãy. Thiên Kính thiền sư hô lớn: “Chiêu thứ hai!”

Trần Gia Lạc không dám đỡ thẳng nữa, đợi chưởng tới rồi hơi nghiêng mình qua một bên, xoay ngược tay đánh một quyền vào cánh tay đối thủ. Đây là một chiêu kì dị trong Bách Hoa Tá quyền, buộc địch thủ phải thu hồi kình lực để tránh né. Không ngờ tay phải của Thiên Kính lại ra chiêu Hoành Tảo Thiên Quân, khuỷu tay gập lại, nhằm chính xác đầu quyền của chàng mà thúc ngang.

Chiêu này quá nhanh, quyền lực của Trần Gia Lạc chưa phát ra đã bị khuỷu tay đối phương cản lại. Chàng vội vận kình xuống chân, bật thẳng người lên để tránh cú thúc này, khi rơi xuống vẫn ngồi vững trên tấm bồ đoàn. Thấy chàng biến chiêu nhanh chóng, đang ngồi xếp bằng mà nhảy lên ngay được, Thiên Kính gật đầu khen ngợi, rồi lại vung trảo ra chụp.

Trần Gia Lạc thấy đối phương ra chiêu sau lợi hại hơn chiêu trước, thầm nghĩ: “Mười chiêu này, chắc ta không đón đỡ hết được.” Đột nhiên nghe tiếng boong boong, thì ra trời đã gần sáng, trong chùa vừa nổi đại hồng chung. Trong lòng chàng bỗng nảy ra ý niệm, tả chưởng nhẹ nhàng vỗ ra theo dạng tiếng chuông lan tỏa khắp nơi, cả kình lực phương vị đều hoàn toàn thuận theo tự nhiên, tuyệt không miễn cưỡng chút nào.

Thiên Kính “ủa” một tiếng, phải thu tay về cản trở. Trần Gia Lạc tiếp tục sử dụng pho chưởng pháp đã ngộ được ở Ngọc Phong, chuyển vận như ý, thuận theo tiếng chuông mà phát ra từng chưởng, từng chưởng một. Thiên Kính phải tập trung tinh thần phòng thủ, không sao xuất chưởng phản kích được.

Đến khi hồi chuông dứt hẳn, Trần Gia Lạc thu chưởng lại rồi khiêm nhường nói: “Nếu cứ tiếp tục thì vãn bối không thể chống đỡ thêm nữa.”

Thiên Kính nói: “Hay lắm! Hay lắm! Chúng ta đã chiết giải hơn bốn mươi chiêu rồi. Quả nhiên chưởng pháp cực kì linh diệu. Xin mời!”

Trần Gia Lạc đứng dậy định đi, đột nhiên lảo đảo đứng không vững, phải tựa vào vách một lúc, thấy trước mắt đầy sao nhấp nháy. Thiên Kính vội đỡ chàng ngồi xuống, bảo: “Khi công nhiên đón đỡ phát chưởng đầu tiên, chắc nguyên khí thí chủ đã bị tổn thương. Ngồi xuống đây mà điều hòa hơi thở một chút, không có gì đáng ngại đâu.”

Trần Gia Lạc theo lời mà nhắm mắt, ngồi trên bồ đoàn vận khí. Hồi lâu nội tức chàng mới thông suốt trở lại nhưng đôi vai và hai bàn tay vẫn hơi đau nhức, không khỏi nghĩ thầm: “Vị lão tăng này quả nhiên lợi hại!”

Thiên Kính bỗng hỏi: “Lộ chưởng pháp này thí chủ học được ở đâu vậy?”

Trần Gia Lạc kể xong, Thiên kính lại nói: “Thì ra ở Tây Vực có chưởng pháp tinh diệu như thế, hoàn toàn thuận với tự nhiên. Ta thật sự được mở rộng tầm mắt. Nếu thí chủ mới vào đã dùng chưởng pháp này ngay, thì chắc chắn không bị tổn thương.”

Trần Gia Lạc nói: “Vãn bối đã bị thương, tòa điện cuối cùng chắc khó mà qua được. Xin đại sư chỉ điểm cho một con đường sáng.”

Thiên Kính thiền sư nói: “Nếu không qua được, thì không qua nữa là xong.”

Trần Gia Lạc nghĩ bụng: “Đệ tử nhà phật thì lúc nào cũng muốn người khác quay đầu. Nhưng bọn hào kiệt chúng ta thì câu cửa miệng lại là cố gắng xông lên, chết không hối hận.” Chàng bèn thi lễ, cố gắng đề cao dũng khí bước vào hậu điện.

Vừa vào trong cửa Trần Gia Lạc đã giật mình một cái. Thì ra trong này là một căn thiền phòng nhỏ xíu, phương trượng Thiên Hồng đại sư ngồi ngay ngắn giữa phòng. Chàng nghĩ: “Thiên Kính đã lợi hại đến thế, Thiên Hồng lại là số một trong chùa, mình làm sao địch nổi? Tịnh thất này lại chật hẹp, không thể tỉ thí về quyền cước hay ám khí, nhất định là ông ấy bắt ta tỉ thí nội công, chẳng có cách nào dùng kĩ xảo mà thủ thắng.”

Chàng đang kinh hãi trù trừ, Thiên Hồng đã đứng dậy, chắp tay cúi người nói: “Mời ngồi!”

Trần Gia Lạc ngồi một bên thiền phòng. Giữa hai người có mấy cái ghế nhỏ, trên ghế có đặt lư nhang, trong lư nhang có khói trầm hương bốc lên thoang thoảng. Trên vách tường đối diện có treo bức tranh vẽ Hàn Sơn Thập Đắc, chỉ mấy nét bút đơn sơ mà lột tả được thần thái cao điệu của hai vị cao tăng.

Thiên Hồng ngẫm nghĩ một lúc rồi lên tiếng:

“Ngày xưa có một người chăn dê rất giỏi, nhờ thế mà giàu lên thành một phú hào, nhưng bản tính tiết kiệm, không chịu xài phí tiền bạc…”

Trần Gia Lạc đột nhiên thấy ông kể chuyện, không khỏi ngạc nhiên, vội tập trung tinh thần để lắng nghe. Thiên Hồng tiếp tục kể:

“Có một người rất xảo trá, biết người chăn dê ngu muội lỗ mãng mà đang muốn cưới vợ, bèn đến lừa gạt: “Ta biết một cô gái rất xinh đẹp, để ta giúp ông cưới cô đó làm vợ.”

Người chăn dê hoan hỉ, đưa cho y rất nhiều tiền bạc. Một năm sau, y đến nói: “Vợ của ông đã sinh cho ông được một đứa con trai rồi.” Người chăn dê trước nay chưa từng gặp vợ, thế mà bây giờ nghe nói vợ đẻ con lại rất vui mừng, đưa cho y nhiều tiền hơn nữa.

Sau đó, y lại tới nói: “Chẳng may con của ông đã chết rồi.” Người chăn dê bèn đau khổ khóc mãi không ngừng.”

Trần Gia Lạc sở học tạp nhạp, nhưng nghe đến đây cũng biết Thiên Hồng kể một câu chuyện trong kinh Bách Dụ của Phật giáo đại thừa. Lại nghe ông nói: “Thật ra mọi chuyện trên thế gian đều giống như thế cả. Nào ngôi cao hoàng đế, nào phú quý bốn biển, hết thảy đều hư ảo như vợ con của người chăn dê vậy. Đã là hư ảo thì hà tất phải khổ tâm phí sức để mong đạt được? Thế mà khi đoạt được lại hoan hỉ vui mừng, khi mất đi lại rầu rĩ bi thương.”

Trần Gia Lạc bèn nói:

“Ngày xưa, một cặp vợ chồng có ba cái bánh. Mỗi người ăn một cái, còn một cái thì hai người hẹn nhau, ai mở miệng nói chuyện trước thì người đó không có bánh ăn.”

Thiên Hồng thiền sư biết chàng cũng kể một câu chuyện trong kinh Bách Dụ, bèn gật đầu một cái. Trần Gia Lạc kể tiếp:

“Thế là hai người im lặng không nói chuyện nữa. Không bao lâu, có một tên trộm vào lấy hết tiền tài đồ vật trong nhà của họ. Hai vợ chồng đã thách nhau không nói chuyện nên cứ giương mắt mà nhìn, không nói tiếng nào. Tên trộm thấy vậy lại càng to gan hơn, toan cưỡng hiếp bà vợ ngay trước mặt ông chồng. Người chồng vẫn mặc kệ không nói, nhưng người vợ không nhịn nổi phải la lên.

Tên trộm liền ôm tiền tài và đồ vật mà chạy trốn. Lúc đó người chồng mới vỗ tay cười rộ: “Thế là bà thua rồi nhé! Cái bánh này ta được ăn.”

Thiên Hồng đã biết câu chuyện này, nhưng nghe đến đây cũng không khỏi mỉm cười. Trần Gia Lạc nói: “Vì một chút an nhàn hưởng lạc mà quên mất những nỗi khổ lớn sau này! Vì một miếng khoái khẩu nhỏ xíu mà để mặc cho kẻ trộm lấy hết tài sản, xâm phạm người thân! Ngay cả người trong cửa Phật cũng lo phổ độ chúng sinh, không thể nhẫn tâm chỉ lo cho riêng mình thành đạo.”

Thiên Hồng thiền sư thở dài nói: “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã. Con người thường xuyên chấp nhặt, thấy không mà tưởng là có. Nếu tâm mình hiểu được mọi thứ vốn là không, thì những loại dục vọng, suy nghĩ sẽ tự nhiên mất hết.”

Trần Gia Lạc nói: “Chúng sinh có vạn điều khổ não. Cao tăng Chi Đạo Lâm từng nói: Kiệt Trụ tính ưa tàn sát, đâu thể để chúng tự do sống theo bản tính của mình?”

Thiên Hồng biết chàng đầy lòng nhiệt huyết, đã quyết chí giải trừ nỗi khổ cho muôn dân. Ông nảy lòng kính trọng, bèn nói: “Tấm lòng của Trần đương gia thật khiến cho người ta phải kính nể. Lão nạp xin hỏi thêm một việc nữa, sau đó thì thí chủ cứ tuỳ tiện.”

Trần Gia Lạc nói: “Vãn bối ngu muội, xin đại sư chỉ điểm.”

Thiên Hồng thiền sư kể:

“Ngày xưa có một bà lão đang nằm dưới gốc cây, đột nhiên có một con gấu lớn tới đòi ăn thịt. Bà lão chạy quanh cái cây đó, con gấu quờ hai bàn tay ra sau cây định bắt. Bà lão liền nắm hai bàn tay gấu, đè vào thân cây. Con gấu cứ đứng ôm cây không động đậy được, nhưng bà lão cũng không dám buông tay mà chạy. Về sau có một người đi ngang qua, bà lão nhờ giúp đỡ để cùng chia thịt gấu. Người đó tin lời, đến giữ hộ hai bàn tay gấu. Thế là bà lão thoát thân chạy trốn. Người kia phải đứng đó mà chờ.”

Trần Gia Lạc biết ngụ ý câu chuyện của Thiên Hồng kể, bèn đáp: “Vì cứu nguy cho người, có thể không lo cho mình. Đức Phật lúc sinh tiền đã từng xả thân nuôi chim ưng, nuôi hổ dữ.”

Hai bên đều kể những câu chuyện trong kinh Bốn Sanh. Nghĩa phụ Vu Vạn Đình của Trần Gia Lạc là tục gia đệ tử của phái Thiếu Lâm, bên mình thường mang theo mấy quyển kinh Phật nhập môn. Khi theo ông đến Hồi Cương, Trần Gia Lạc thường coi đó như tiểu thuyết mà đọc tới đọc lui.

Thiên Hồng thiền sư đưa phất trần phẩy một cái rồi nói: “Xin mời vào!”

Trần Gia Lạc lập tức cúi rạp xuống sàn phòng, thi lễ rồi nói: “Vãn bối phải vào nơi trọng địa, xin phương trượng tha tội.”

Thiên Hồng thiền sư khẽ gật đầu. Trần Gia Lạc quay người đi vào trong, còn nghe thấy sau lưng có tiếng thở dài.

Qua khỏi một hành lang dài, chàng tới một gian phòng lớn. Trong phòng có thắp hai cây nến rất lớn, ngọn lửa lay động không ngừng. Bốn vách tường kê đầy tủ gỗ, trên tủ đều dán giấy màu vàng. Trần Gia Lạc cầm nến bước tới, theo thứ tự dần dần tìm kiếm. Khi tìm đến tủ gỗ có dán chữ Khiêm, chàng mở cửa tủ ra thấy bên trong có ba túi vải màu vàng, trên túi vải bên tay trái có ghi ba chữ Vu Vạn Đình bằng mực đỏ.

Trần Gia Lạc không nén nổi, tay chân run rẩy làm ngọn nến chao hẳn đi. Chàng cố định thần lại, nhẹ nhàng cầm lấy túi vải đó, âm thầm khấn vài rồi mới mở túi ra xem.

Trong túi là một cái áo ngắn không tay của nam nhân có thêu hoa, một cái áo lót mình của nữ nhân màu trắng đã bị xé rách, trên áo có nhiều vết loang lổ, hình như là vết máu do lâu năm mà đen lại. Ngoài ra còn có một xấp giấy vàng. Trần Gia Lạc mở xấp giấy đó ra, trong lòng bỗng nhói lên một cái. Bút tích trên giấy đúng là của nghĩa phụ chàng.

Trần Gia Lạc đọc từ trang đầu:

“Môn hạ đời thứ hai mươi mốt của Phúc Kiến Thiếu Lâm Tự, tục gia đệ tử Vu Vạn Đình là kẻ có tội xin kính bạch.

Đệ tử xuất thân làm ruộng nghèo khổ, từ nhỏ đã quen với cô gái họ Từ tên Triều Sinh ở nhà bên trái. Khi lớn lên, hai người thương yêu nhau…”

Đọc đến đây, trái tim Trần Gia Lạc đột nhiên đập lên thình thịch, trong lòng nghĩ: “Chẳng lẽ chuyện phạm môn quy của nghĩa phụ lại có liên quan đến mẫu thân của mình?” Rồi chàng đọc tiếp:

“Về sau, hai người đã lén thề ước chung thân, hẹn nhau: không phải Từ thị thì đệ tử không cưới làm vợ, không phải đệ tử thì Từ thị không lấy làm chồng. Sau khi tiên phụ qua đời, thiên tai hạn hán liên miên, ruộng đất mấy năm không thu hoạch được gì. Đệ tử phải bỏ quê kiếm sống, được ân sư từ bi thu làm môn hạ. Bây giờ nộp lên cái áo ngắn thêu hoa, chính là quà tặng của Từ thị lúc đệ tử rời khỏi quê hương.”

Trần Gia Lạc càng xem càng kinh ngạc, tiếp tục đọc:

“Vì lo lắng và thương nhớ ân tình của Từ thị, đệ tử học võ công bản phái chưa tới nơi tới chốn đã tự tiện xuống núi, duyên trần không sao cắt nổi. Khi trở về quê hương, bỗng nghe cha của Từ thị đã đem con gái gả cho Trần Ngôn, một phú hào ở địa phương. Đệ tử trong lúc đau thương cực điểm, dựa vào võ nghệ của sư môn đã truyền thụ mà ban đêm vượt tường vào Trần phủ. Vì chuyện tư tình của bản thân mà xâm nhập nhà người khác, đây là một điều đệ tử phạm vào giới luật.

Sau này Từ thị theo chồng rời đến kinh thành, nhưng đệ tử vẫn có lòng luyến ái không bỏ được, ba năm sau lại đến thăm lần nữa. Ngẫu nhiên mà đêm đó Từ thị hạ sinh một đứa con trai. Trong lúc gia đình bận rộn, đệ tử chỉ đứng ngoài cửa sổ nhìn một chút, bốn ngày sau mới trở lại. Từ thị thần sắc bàng hoàng tuyệt vọng, kể với đệ tử là đứa con trai mình sinh ra đã bị Tứ hoàng tử Nhậm Trinh bắt mất, trả lại một đứa con gái. Lại nói là Nhậm Trinh đang âm mưu để được truyền ngôi, hai đứa con trai của hắn thì một chết sớm, một xấu xí không được ông nội yêu thích, nên hắn phải gấp rút tìm con.

Nói chuyện chưa xong thì từ ngoài lầu đột nhiên có bốn tên sát thủ của phủ Ung Để xông vào, đều là cao thủ. Hiển nhiên Nhậm Trinh phái chúng tới để giám sát, hạ lệnh nếu trong Trần phủ có ai tiết lộ bí mật này thì lập tức giết chết. Đệ tử kinh hãi chạy trốn, nhưng bị chúng đuổi kịp. Quyết đấu một trận, đệ tử trúng đao vào trán, nhưng gắng gượng liều mạng giết hết bọn sát thủ, quay về lầu rồi mới ngất xỉu. Từ thị lấy áo mình bó lại vết thương cho đệ tử. Bây giờ xin trình cái áo đó lên. Đệ tử vô ý mà nghe biết bí mật của hoàng thất, hiển lộ võ công phái Thiếu Lâm, gây họa cho sư môn. Đó là chuyện lớn thứ hai mà đệ tử phạm vào giới luật bổn môn.”

Đọc đến đây, Trần Gia Lạc cầm cái áo cũ của mẫu thân mà không nén nổi nước mắt tuôn xuống như mưa. Hồi lâu chàng mới đọc tiếp:

“Từ đó mãi tới mười mấy năm sau, tuy đệ tử ở Bắc Kinh nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt giới luật của sư môn, không dám gặp mặt Từ thị lần nào. Đến khi Ung Chính băng hà, Càn Long nối ngôi, đệ tử tính thời gian thì biết Càn Long chính là con trai của Từ thị. Sợ con người Ung Chính nham hiểm ác độc, nhất định sẽ sai thích khách giết Từ thị diệt khẩu, nên đêm đó đệ tử lại vào Trần phủ, nấp trong phòng Từ thị. Quả nhiên có hai tên sát thủ tìm tới, nhưng đều bị đệ tử giết chết. Đệ tử lục soát bọn chúng, lấy được mật chỉ của Ung Chính, bây giờ cũng xin trình lên.”

Trần Gia Lạc giở đến trang cuối cùng, quả nhiên thấy một mảnh giấy nhỏ xíu dán vào cuối xấp giấy đó. Trên giấy có ghi: “Nếu lúc trẫm băng hà mà Trần Thế Quan và vợ là Từ thị chưa chết, phải giết hết già trẻ cả nhà, không để sót người nào.” Bút tích đúng là của Ung Chính, lại có đóng một dấu son rất nhỏ, khắc hai chữ Vũ Oai viết theo thể triện.

Trần Gia Lạc từng nghe nghĩa phụ kể là Ung Chính có nuôi một nhóm sát thủ gọi là Thiết Chức Tử, chuyên đi ám sát theo lệnh hoàng thượng. Mỗi khi Ung Chính ban mật lệnh cho Thiết Chức Tử giết người, thì dùng dấu ấn son Vũ Oai làm kí hiệu. Chàng nghĩ: “Lúc đó võ công nghĩa phụ đã cực cao, hai tên Thiết Chức Tử đó dĩ nhiên không phải là địch thủ. Thế là nghĩa phụ không chỉ cứu mẫu thân của mình mà cứu cả phụ thân, cứu cả nhà mình. Ung Chính biết hắn còn tại thế thì song thân mình nhất định không dám tiết lộ bí mật này, nên hắn mới ra mật chỉ như vậy.”

Chàng lại đọc tiếp xấp giấy đó:

“Càn Long không biết việc này nên không sai thích khách đến nữa. Nhưng đệ tử khó nỗi yên lòng, bèn cải trang vào làm nô bộc trong Trần phủ, lo việc chẻ củi gánh nước. Năm năm sau, tin chắc không còn hậu hoạn nữa, đệ tử mới rời khỏi đó. Đệ tử xuất thân từ danh môn mà cả gan làm như vậy, nếu người ngoài biết được thì không khỏi buông lời chế nhạo, làm bại hoại danh dự phái Thiếu Lâm. Đây là lỗi lớn thứ ba mà đệ tử phạm vào giới luật.”

Trần Gia Lạc đọc đến đây, bùi ngùi ngẫm nghĩ. Những việc không giải thích được trong quá khứ, tại sao mẫu thân lại bảo mình theo nghĩa phụ trốn ra ngoài, tại sao khi mẫu thân qua đời nghĩa phụ thương tâm mà chết… chàng đều đã hiểu. Trong lòng chàng nổi lên cảm giác khó chịu không thể diễn tả, nhưng lại nghĩ: “Nghĩa phụ vì bảo vệ mẫu thân mình mà cam chịu làm nô bộc năm năm, thật là tình sâu nghĩa nặng. Lúc đó mình còn nhỏ tuổi chẳng hiểu gì, không biết trong mấy chục gia nhân lại có một vị đại hiệp đương thời.”

Chàng ngồi ngẩn ngơ một lúc, rồi lau khô nước mắt để đọc tiếp:

“Đệ tử đã phạm phải ba điều đại giới, trong lòng bàng hoàng sợ hãi. Nghiêm túc đem hết mọi việc trước sau trình lên sư phụ, cúi xin khai ân xử lí.”

Lời cung của Vu Vạn Đình tới đó là hết. Bên dưới còn mấy dòng bút phê bằng chu sa, chắc chắn là bút tích sư phụ của ông:

“Vu Vạn Đình đã phạm phải ba giới luật, may mà lỗi không quá ác. Nếu chịu hối cải, vào chùa quy y tam bảo thì như Ngã Phật đã nói, tội thập ác cũng có thể tha, huống chi là những lỗi này. Nếu còn luyến ái duyên trần, không đủ Đại trí huệ, không đủ sức cắt đứt tơ tình, thì lập tức trục xuất ra khỏi sư môn. Mong Vu Vạn Đình tự mình lo liệu, theo yếu chỉ Phật môn mà cẩn thận hành sự.”

Xấp giấy không còn chữ nào khác nữa.

Trần Gia Lạc nghĩ: “Vậy là cuối cùng nghĩa phụ không quên được mẫu thân mình, nên không thể xuất gia làm hòa thượng, chấp nhận bị trục xuất khỏi phái Thiếu Lâm. Ông tự biết mình có lỗi, nên khi sư phụ mình triệu tập anh hùng hảo hán đến giúp cãi lí, ông đã nhất quyết chối từ.”

Lúc này những nghi hoặc trong lòng chàng đã giải quyết được hết. Ngẩng đầu lên, thấy phía chân trời ánh sao đã nhạt, những tia sáng đầu tiên đã xuất hiện ở phương Đông. Chàng thổi tắt mấy ngọn nến, gói lại mấy vật vào trong tấm vải vàng, đóng cửa tủ, cầm lấy gói vải đi ra khỏi phòng. Thấy trước mặt có một pho tượng Di Lặc đang cười rất thân ái, cúi nhìn những ai qua lại, chàng bỗng nghĩ: “Năm xưa nghĩa phụ bị trục xuất khỏi sư môn, lúc ông từ Giới Trì Viện đi ra nhìn thấy pho tượng Phật này, không biết trong lòng đã nghĩ những gì?”

Dọc đường đi ra, chàng thấy năm tòa điện hoàn toàn không có người nào. Ra khỏi tòa điện cuối cùng, Chu Trọng Anh, Lục Phi Thanh và quần hùng Hồng Hoa Hội cùng bước lên đón tiếp. Mọi người lo âu chờ đợi suốt đêm, bây giờ thấy chàng bình an vô sự đi ra, trong tay còn cầm gói vải, ai cũng mừng rỡ. Khi đến gần, thấy chàng thần thái có vẻ mệt mỏi, cặp mắt đỏ ngầu sưng húp, họ không khỏi kinh ngạc.

Trần Gia Lạc kể lại qua loa về tình nghĩa của nghĩa phụ đối với mẫu thân mình, còn những chuyện ảnh hưởng đến danh tiết của hai người thì hoàn toàn không nhắc đến. Chàng nói sang chuyện Lục Phi Thanh tra hỏi được, về việc hoàng đế phái Bạch Chấn tới triệu tập binh lính đợi mật chỉ, e rằng vụ này có liên quan đến đại sự khởi nghĩa, rồi khuyên Văn Thái Lai và Từ Thiên Hoằng tạm thời gác lại tư thù. Hai người Văn, Từ đồng ý, mọi người đều tán dương họ biết lấy đại cuộc làm trọng.

Chu Trọng Anh theo Trần Gia Lạc vào trong, xin gặp hai vị đại sư Thiên Hồng, Thiên Kính để từ biệt, rồi thu dọn hành trang để khởi hành.

Vừa ra khỏi cửa chùa, đột nhiên sắc mặt Chu Ỷ tái nhợt, ra vẻ sắp ngất, Chu Trọng Anh phải đỡ nàng vào lại trong chùa để nghỉ ngơi. Ông biết con gái đang mang thai, không chừng đường sá xa xôi mệt nhọc làm động thai, bèn nhờ một tăng nhân tinh thông y lí trong chùa Thiếu Lâm bắt mạch. Vị tăng đó nói nàng không thể đi tiếp một đoạn đường dài như vậy nữa, phải ở lại mà tĩnh dưỡng chờ ngày chuyển dạ. Lúc này Chu Ỷ chỉ còn cách gật đầu đồng ý.

Mọi người bàn bạc, quyết định để vợ chồng Chu Trọng Anh cùng hai đệ tử và Từ Thiên Hoằng ở lại. Năm người sẽ lo liệu cho nàng, đợi sinh xong phục hồi sức lực, rồi sẽ lên kinh thành tụ tập. Chu Trọng Anh liền tìm thuê mấy gian nhà quanh đó, còn Lục Phi Thanh, Trần Gia Lạc và mọi người lên đường đi về hướng Bắc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.