Thuật quản lý thời gian

Chương 02. Xác định các giá trị bạn coi trọng



Bởi quản lý thời gian thực chất là quản lý cuộc sống, nên việc nâng cao hiệu suất cá nhân bắt đầu từ việc xem xét các giá trị mà bạn coi trọng. Một trong những Định luật của Murphy nói rằng trước khi làm bất cứ việc gì, bạn sẽ phải làm một việc gì đó khác. Bạn sẽ không thể quản lý thời gian hợp lý nếu như không biết chính xác những tôn chỉ của bản thân. Việc quản lý thời gian hiệu quả đòi hỏi bạn phải hài hòa cách kiểm soát các biến cố và điều mà bạn coi trọng nhất. Nếu không coi trọng điều đó, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy có động lực và quyết tâm kiểm soát thời gian của mình. Hãy tự hỏi: “Tại sao mình lại đang làm việc này?” Tại sao bạn thức dậy vào buổi sáng? Tại sao bạn lại làm công việc hiện tại? Lý do bạn làm việc tại đây là gì?

Ý nghĩa và mục đích

Mỗi người đều có một nhu cầu sâu xa nhằm đạt được ý nghĩa và mục đích sống. Một trong những lý do chính khiến người ta căng thẳng và buồn chán là cho rằng những việc mình đang làm không có ý nghĩa và mục đích khi quy chiếu với những giá trị và niềm tin sâu kín của bản thân. Bạn phải luôn bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi “Tại sao?” Bạn có thể đạt được hiệu quả với các kỹ thuật quản lý thời gian, nhưng điều đó sẽ không giúp gì cho bạn nếu bạn trở nên hiệu quả ở những việc không có ý nghĩa với bản thân bạn. Khi đó sự hiệu quả hơn chỉ khiến bạn cảm thấy lạc lõng, thất vọng và lo lắng hơn.

Bạn coi trọng điều gì nhất?

Câu hỏi tiếp theo bạn cần đặt ra là: “Bạn coi trọng điều gì nhất trong cuộc sống?” Bạn thực sự quan tâm đến và đấu tranh vì điều gì? Bạn sẽ không đấu tranh vì điều gì? Bạn sẽ chỉ thực sự hạnh phúc và cảm thấy có giá trị nếu các hoạt động hàng ngày của bạn hòa hợp với những tôn chỉ của bản thân. Hầu hết những sự căng thẳng, lo âu và thất vọng trong công việc và cuộc sống đều đến từ việc làm những điều mà bạn không tin tưởng và trân trọng. Có nhiều báo cáo về việc các nhà lãnh đạo bị kiệt sức do căng thẳng trong công việc. Nhưng những người yêu thích việc mình làm và đặt cả trái tim của họ vào nó vì nó đại diện cho những tôn chỉ của bản thân hiếm khi căng thẳng hay kiệt sức ở bất cứ dạng nào. Khi bạn sống phù hợp với các giá trị của bản thân, bạn sẽ được trải nghiệm một dòng chảy năng lượng, nhiệt huyết và sáng tạo liên tục.

Hãy xem xét các tôn chỉ của bạn, những niềm tin sâu kín nhất, và đặt câu hỏi mình có thể thay đổi điều gì để gắn kết những hoạt động bên ngoài và những ưu tiên trong cuộc sống với nhau hơn.

Bạn là người phi thường

Hãy nhận ra và chấp nhận mình là một người độc đáo và tuyệt vời. Những tôn chỉ phát triển trong suốt cuộc đời bạn. Chúng là kết quả của vô số những ảnh hưởng và trải nghiệm của bạn. Chúng là một phần của bộ gien tâm lý, cảm xúc và tính cách của bạn. Chúng hiếm khi thay đổi theo thời gian. Nhiệm vụ của bạn là xác định những giá trị sâu kín nhất mà bạn thực sự coi trọng và sau đó tổ chức cuộc sống của mình để sống và làm việc phù hợp với những giá trị đó.

Phân tích bản thân

Dưới đây là bốn bài tập hoàn thành câu mà bạn có thể dùng để hiểu rõ hơn về bản thân mình. Hãy hoàn thành mỗi câu:

1. “Tôi là người…” Nếu một người lạ hỏi bạn: “Thực sự thì bạn là ai?” bạn sẽ trả lời như thế nào? Bạn sẽ dùng những từ gì đầu tiên để mô tả về bản thân? Liệu bạn có mô tả về công việc, phẩm chất, hy vọng, giấc mơ và khát vọng của mình? Hãy lựa chọn ba đến năm từ để hoàn thành câu “Tôi là người…”

Nếu bạn phỏng vấn những người xung quanh, những người bạn sống và làm việc cùng và đặt ra câu hỏi tương tự, họ sẽ nói gì? Cách những người khác mô tả về bạn liên quan đến các giá trị mà bạn coi trọng và bản chất con người bạn? Dựa trên cách bạn ứng xử với người khác, họ sẽ đưa ra những kết luận về tính cách của bạn.

2. “Mọi người thì…” Hãy nghĩ về mọi người nói chung trong thế giới xung quanh bạn. Bạn sẽ mô tả về họ như thế nào? Họ tốt đẹp, ấm áp và giàu tình yêu thương? Họ lười biếng, thủ đoạn hay không đáng tin tưởng?

Câu trả lời của bạn sẽ ảnh hưởng lớn tới cách bạn cư xử với mọi người trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nó quyết định gần như mọi thành quả bạn sẽ đạt được trong công việc cũng như trong quan hệ với gia đình và bạn bè.

3. “Cuộc sống thì…” Câu trả lời của bạn có thể đơn giản, nhưng nó nói lên toàn bộ quan điểm của bạn về cuộc sống. Những người lạc quan, khỏe mạnh và hạnh phúc nhìn cuộc sống như một trải nghiệm thú vị với nhiều thăng trầm nhưng về tổng thể, đó chắc chắn là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời.

Một trong những câu chuyện tôi thích nhất kể về một chàng trai đến gặp một nhà hiền triết già và nói, “Cuộc đời thật là khắc nghiệt.”

Nhà hiền triết trả lời: “So với cái gì?”

Helen Keller từng nói, “Đời là một cuộc phiêu lưu liều lĩnh hoặc không gì cả.” Đối với bạn thì cuộc đời là gì?

4. “Mục tiêu lớn nhất của tôi trong cuộc sống là…” Nếu có thể vung cây đũa thần và đạt được một mục tiêu nào đó, thì mục tiêu nào sẽ có tác động tích cực lớn nhất đối với cuộc đời bạn? Bây giờ hãy hoàn thành những câu sau:

“Mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp của tôi là…

“Mục tiêu lớn nhất của tôi dành cho gia đình là…”

Đây là những câu hỏi sâu sắc và quan trọng nhất mà bạn có thể đặt ra và trả lời về bản thân mình. Khi bạn đã rõ ràng về những câu trả lời – điều không phải dễ – bạn có thể tiếp tục đặt câu hỏi mình cần thay đổi điều gì để việc sử dụng thời gian và những ưu tiên trong cuộc sống phù hợp với nhau hơn. Napoleon Hill đã nhận thấy rằng cuộc sống chỉ trở nên tuyệt vời khi chúng ta có thể đưa ra quyết định rõ ràng về mục tiêu quan trọng nhất trong đời.

Những mục tiêu quan trọng nhất của bạn là gì?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.