THUNG LŨNG

Chương bảy



Họ đi ra khỏi ngôi nhà phố Harley. Ngồi cầm tay lái, Gerda có cảm giác chị đang trên đường đi đày. Cánh cửa nhà chị khép lại có nghĩa chị đã bị đuổi khỏi ngôi nhà mình.
Bị cái kỳ nghỉ cuối tuần khủng khiếp kia ám ảnh, đè trĩu lên trí óc, Gerda không còn biết mình đã làm những gì nữa. Liệu chị đã khóa vòi nước trong phòng tắm chưa? Tờ hóa đơn của hiệu giặt chị đã cất nó vào đâu mà bây giờ nghĩ mãi vẫn chưa nhớ ra. Liệu hai đứa con chị có chịu vâng lời “Cô”, người phụ nữ chị thuê để trông nom hai đứa con trong lúc chị đi vắng?
Gerda ấn út khởi động. Xe vẫn ì ra. Chị an thêm lần nữa. Vẫn không thấy gì.
John nói:
– Hình như em chưa bật công tắc phải không?
– Ôi, sao em ngu đến thế!
Gerda liếc nhanh sang phía chồng, lo John sẽ nổi cáu. Nhưng may thay chị thấy chồng vẫn tươi cười.
Gerda thầm nghĩ: “Hẳn anh ấy đang sung sướng vì sắp được đến nhà hai ông bà Huân tước Angkatell!”.
Xe ô tô vừa khởi động xong, chồm lên hơi quá mạnh. Gerda quay lại câu chuyện lúc ngồi ăn trưa, khi John nói rằng chàng ghê tởm các bệnh nhân. Chị thanh minh:
– Em rất hiểu là anh nói đùa, nhưng hai đứa con mình làm sao hiểu được như thế. Nhất là thằng Terry, luôn nghĩ rằng mọi câu người lớn nói đều là nói nghiêm chỉnh.
John đáp:
– Trái lại, anh thấy thằng con trai mình đã bắt đầu có những biểu hiện của kiểu suy nghĩ người lớn. Còn con Zena thì quá ngây thơ, chẳng hiểu gì hết…
Gerda cười khúc khích. Chị cho rằng John nói thế để trêu vợ. Chị vẫn giữ ý kiến:
– Em cho rằng nên để các con thấy ba chúng là người làm việc có trách nhiệm cao, tận tụy và quên mình.
Đúng lúc đó có một vấn đề nghiêm trọng đặt ra trước mắt Gerda. Đèn hiệu ở ngã tư trước mặt chuyển sang màu xanh đã khá lâu và chị tin rằng khi xe chạy đến nó sẽ chuyến sang đỏ, cho nên để chuẩn bị đỗ, chị giảm tốc độ, cho xe chạy từ từ. Ai ngờ xe đến ngã tư, đèn vẫn tiếp tục xanh. John đã tự nhủ sẽ không trách cứ gì vợ trong lúc đang trên đường, những lúc này chàng quên, gắt lên với Gerda về cách lái xe. John hỏi, tại sao chị lại giảm tốc độ, cho xe chạy chậm lại?
Gerda trả lời:
– Em tưởng lúc xe mình đến ngã tư thì đèn sẽ chuyển sang đỏ.
Chị đạp chân lên bàn đạp ga, xe ô tô chồm lên rồi đứng khựng lại giữa ngã tư đúng lúc đèn hiệu chuyển sang màu đỏ. Cảnh sát giao thông huýt một hồi còi dài.
John cau mặt nói:
– Em đúng là lái xe tồi nhất thế giới!
Giọng chàng nói là giọng vui vẻ. Gerda thanh minh:
– Lần nào gặp đèn hiệu ở ngã tư em cũng bối rối. Không còn biết lúc nào xanh lúc nào đỏ nữa!
John liếc mắt nhìn vợ. Mặt Gerda lộ vẻ rất đau khổ. John thầm nghĩ, chỉ một chuyện nhỏ cũng làm Gerda khổ sở đến thế. Và chàng tự hỏi, làm sao Gerda sống nổi trong cái thế giới đầy chuyện phức tạp này?
Tuy nhiên Gerda vẫn chứa bỏ đề tài ban nãy. Chị nói:
– Lúc nào em cũng cố làm các con hiểu rằng công việc người thầy thuốc là hết sức cao quý, vì thầy thuốc dùng toàn bộ thời gian của mình để làm nhẹ bớt những nỗi đau đớn cho người bệnh. Cuộc sống của thầy thuốc vô cùng cao thượng và em rất tự hào về anh, về cách anh tận tụy hy sinh mọi sức lực và thời gian cho bệnh nhân, không hề…
John ngắt lời vợ:
– Thế không bao giờ em nghĩ rằng anh yêu cái nghề ấy hay sao? Làm nghề y đối với anh là một thích thú chứ không phải là hy sinh. Em không bao giờ nghĩ nghề thầy thuốc là một nghề hết sức thú vị hay sao?
John đưa ra câu hỏi nhưng không hy vọng có câu trả lời. Chàng rất hiểu rằng đó là vấn đề Gerda không bao giờ hiểu nổi. Bây giờ giá như chàng kể với vợ về bà Crabtree, về bệnh viện Maraget Russell, Gerda cũng sẽ chỉ nhìn thấy chồng chị là một ông tiên nhân từ, thương xót và cố gắng làm dịu đi những nỗi đau đớn của người nghèo với chữ N hoa. Giá như chàng kể với Gerda là chàng đang thử nghiệm một phương pháp mới điều trị bệnh ung thư thì vợ chàng sẽ rất thán phục và sự thán phục ấy mang tính thuần túy tình cảm. Chỉ vô ích nếu kể với Gerda về niềm say mê của chàng khi đi sâu vào những tính chất phức tạp của căn bệnh Ridgeway. Ngay căn bệnh Ridgeway là thế nào cùng rất khó cắt nghĩa cho Gerda hiểu, vì ngay bác sĩ cũng rất ít người hiểu cụ thể chứng bệnh ấy thực chất ra sao. Trái lại, con trai chàng có lẽ sẽ nghe về căn bệnh đó một cách thích thú. John rất thích khi thấy vẻ mặt của nó khi nó nói rằng nó không ba nó nói đùa lúc bảo rằng ba nó ghê tởm các người bệnh.
John ân hận là thời gian gần đây chàng đã nghiệt ngã với con trai, từ sau hôm nó làm vỡ ấm pha trà trong lúc tiến hành thí nghiệm điều chế chất ammoniac? Phải công nhận cách suy nghĩ của nó rất đáng mến…
Gerda mừng thấy chồng im lặng. Khi không ai nói gì bên cạnh, chị lái xe khá hơn nhiều. Hơn nưa, mỗi khi John mải suy nghĩ điều gì, chàng sẽ không chú ý đến tiếng động cơ chốc chốc lại rồ lên do chị điều khiển không chính xác. Gerda có thể điều chỉnh tốc độ rất yên ổn, với điều kiện John không ngồi trong xe. Khi chồng ngồi đấy, chị cố gắng qua mức để điều khiển xe cho tốt, cuối cùng lại bối rối và tạo nên nhiều sai sót. Động cơ ô tô phản ứng lại bằng cách liên tục rồ lên ầm ĩ.
Tuy nhiên nhìn chung, tình hình không đến nỗi tồi tệ lắm. Khi lên xe đến chỗ cao nhất trên bờ cao Shovel, John như sực tỉnh khỏi cơn mơ màng.
Chàng reo lên:
– Tuyệt diệu! Thế này mà nếu đang ở London, hai vợ chồng mình làm sao được hưởng cảnh rừng đẹp thế này? Gerda ạ, nếu ở nhà, chúng ta đang ngồi uống trà trong phòng khách nhỏ của em! Và trong đó tối đến nỗi chúng ta phải bật đèn lên!
Gerda thầm hình dung ra gian phòng khách xinh xắn của chị. Lúc này chị thèm được ở trong đó vô cùng, vậy mà chị lại phải chịu đựng kỳ nghỉ cuối tuần này tại một nơi làm chị hết sức gò bó. Nhưng chị đành phải “dũng cảm” thôi!
Gerda nói:
– Phong cảnh đẹp thật!
Xe ô-tô bắt đầu xuống dốc. Thái ấp Thung Lũng đang đến gần. Gerda muốn con đường cứ kéo dài mãi mãi, nhưng điều đó không thể có, vì mục tiêu đã hiện ra trước mắt chị…
Gerda nhìn thấy Henrietta ngồi trên bức tường thấp ngoài sân, trò chuyện với Midge và một người đàn ông trẻ gầy vai cao. Gerda cảm thấy yên tâm đôi chút: có Henrietta hỗ trợ, chị sẽ không phải sợ gì nhiều lắm. Gerda biết ràng khi nào gặp khó khăn, chị có thể cầu cứu Henrietta.
Nhìn thấy Henrietta, John cũng không kém vui hơn vợ chàng. Trong bộ váy liền áo bằng vải tuýt màu xanh lục, bộ chàng cho là Henrietta mặc đẹp nhất trong các bộ váy áo của nàng, Henrietta như thể đánh dấu chấm hết cho chuyến đi của John từ London đến đây một cách tốt đẹp, đầy hứa hẹn.
Hai người nhìn nhau cười, tỏ ý biết ơn, đồng thời sung sướng được gặp lại nhau. Tuy John chưa định gặp và chuyện trò ngay với Henrietta, nhưng chàng mừng rỡ thấy người đầu tiên chàng nhìn thấy ở thái ấp Thung Lũng này là Henrietta, điều đó báo trước một kỳ nghỉ cuối tuần chắc chắn sẽ không nhạt nhẽo, buồn chán.
Henrietta rủ Gerda ra vườn rau quả chơi. Trên đường, nàng nói với Gerda:
– Bà Lucy cứ muốn tôi giới thiệu với chị khu vườn hoa cây cảnh, nhưng tôi lại thích khu vườn trồng rau quả này. Tại đây yên tĩnh, hai chúng mình có thể ngồi xuống bên những luống dưa chuột. Sẽ không ai ra đây làm vướng chúng mình. Và nếu thấy thứ gì ăn được có thể hái, nhấm nháp đôi chút.
Họ chỉ thấy những quả đỗ đã vàng úa, thứ Henrietta rất thích nhưng Gerda thì hoàn toàn không. Gerda sung sướng được xa bà Lucy là ngươi chị hết sức ngại tiếp xúc nên chị cảm thấy thoải mái và vui miệng, hào hứng trả lời những câu Henrietta hỏi về nhà cửa và hai đứa con của chị.
Mười phút sau, Gerda đã thấy trong người nhẹ nhõm và chị thầm nghĩ: kỳ nghỉ cuối tuần ở đây không đến nỗi khủng khiếp như chị đã mường tượng.
Họ ngồi khá lâu ngoài trời, ánh nắng lúc này đã dịu, họ tưởng như đang mùa hè. Gerda kể với Henrietta rằng đứa con gái nhỏ của chị vừa được nhận vào lớp múa và miêu tả tỷ mỷ bộ váy áo chị dự định sẽ may cho cháu. Henrietta thầm so sánh Gerda với con mèo thích thú rên rỉ khi được vuốt ve. Nàng nghĩ, muốn làm Gerda vui không khó. Trò chuyện một lúc xong, họ ngồi im lặng. Bỗng vẻ mặt Gerda cau lại, đăm chiêu, hai vai chị trĩu xuống. Trông chị rất đau khổ.
– Nếu ngại đến đây thế, sao chị lại đi?
Câu hỏi làm Gerda giật nảy mình. Chị quay sang nhìn Henrietta rồi trả lời rất nhanh:
– Tôi có ngại đâu? Sao cô lại hỏi thế?… Trái lại, tôi rất thú được xa London vài ngày và bà Huân tước Lucy rất đáng mến!
– Bà Lucy? Đáng mến? Tôi lại không nghĩ như thế.
Gerda hơi lúng túng, chị đáp lại:
– Bà ấy đáng mến đấy chứ! Đối với tôi, lúc nào bà ấy cũng vui vẻ, niềm nở!
– Bà Lucy là người được giáo dục rất chu đáo nên biết cách giấu đi những gì bà ấy không hài lòng. Nhưng thật ra bà ấy là người đáng sợ. Tôi dùng từ đó với nghĩa bà ấy không bình thường như mọi người khác. Tôi biết chị rất ngại đến đây và rất ngại tiếp xúc với Bà Lucy. Chị biết rất rõ điều đó. Cho nên tôi mới hỏi, vậy thì chị đến đây làm gì…
– Khổ nỗi John lại rất muốn đến đây…
– John thì tôi biết là anh ấy rất muốn đến đây! Nhưng sao chị không để anh ấy đi một mình?
– John không muốn đi một mình! Phải có tôi đi cùng, anh ấy mới cảm thấy thật sự dễ chịu. John là người chuyên nghĩ đến người khác và anh ấy cho rằng rời khỏi London ra vùng quê sẽ có lợi cho sức khỏe của tôi.
– Đúng là không khí miền quê rất tốt, nhưng thiếu gì chỗ, đâu phải chỉ có thái ấp của ông bà Henry và Lucy Angkatell này?
– Cô Henrietta, tôi rất không muốn cô nghĩ tôi là kẻ bạc bội…
– Nhưng chị Gerda thân mến ạ, tôi nghĩ chị không ưa các thành viên của dòng họ chúng tôi là đúng. Tôi vẫn cho rằng dòng họ Angkatell là một dòng họ rất khó chịu. Chúng tôi thích tụ họp với nhau, nhưng chúng tôi nói một thứ ngôn ngữ chỉ chúng tôi hiểu được, vì vậy người bên ngoài không ưa chúng tôi.
Vừa đứng lên, Henrietta vừa nói:
– Đến giờ bữa phụ rồi đấy. Ta về thôi!
Họ đi về phía tòa biệt thự. Henrietta kín đáo liếc nhìn, quan sát Gerda. Nàng thầm nghĩ: “Được ngắm khuôn mặt và dáng hình một phụ nữ tử đạo là một thích thú rất lớn đấy chứ!”.
Lúc ra khỏi vườn rau quả, họ nghe thấy những tiếng súng nổ.
Henrietta đứng lại, kêu lên:
– Phải chăng một cuộc tàn sát dòng họ Angkatell đã bắt đầu?
Thật ra đó chỉ là cuộc tranh luận về súng giữa Huân tước Henry và Edward, và để chứng minh lập luận của mỗi người, ông Henry vào phòng giấy lấy ra hai khẩu súng trong bộ sưu tập của ông, đem ra để bắn thử. Hai người ngắm vào một cái bia nhỏ làm bằng giấy bồi.
– Henrietta! Để xem cô có bắn nổi nếu kẻ gian đột nhập không?
Henrietta đỡ khẩu súng ngắn ông Henry đưa, nghe ông hướng dẫn cách cầm súng, cách ngắm và bắn. Nàng bóp cò.
Ông Henry kêu lên:
– Trượt rồi!
– Bây giờ đến chị, Gerda!
– Ôi, tôi không tập bắn đâu!
– Đơn giản thôi mà! Chị cứ thử xem sao?
Gerda cầm lấy khẩu súng ngắn, nhắm mắt lại bóp cò. Viên đạn chệch khỏi mục tiêu rất xa. Tiếp đến Miđge bắn thử, kết quả cũng không khá hơn. Cô kết luận:
– Khó hơn là tôi tưởng, nhưng rất thú.
Bà Lucy trong nhà đi ra cùng với một chàng trai có yết hầu rất to. Trong lúc David Angkatell bắt tay Huân tước Henry, Bà Lucy cầm lấy khẩu súng ngắn, lắp đạn vào. Ba phát bà bắn đều trúng hồng tâm. Midge vỗ tay reo:
– Hoan hô chị Lucy! Hôm nay em mới biết chị bắn giỏi đến thế!
Ông Henry nói:
– Bà Lucy nhà tôi muốn bắn ai là trúng kẻ đó đấy!
Hồi tưởng lại kỷ niệm trong quá khứ, ông kể:
– Tài bắn súng của bà ấy ít nhất cũng đã một lần có ích. Chuyện xảy ra trên bờ Vịnh Bosphore, bên phía châu Á. Hai chúng tôi bị một bọn cướp tấn công, hai tên túm chặt lấy tôi, định cắt cổ tôi.
Midge hỏi:
– Thế là chị Lucy nhảy vào?
– Bà ấy bắn luôn vào đám người! Chính tôi lúc ấy mới biết bà ấy mang theo súng trong người. Bà ấy bắn trúng chân một tên cướp, trúng vai một tên khác. Phải nói rằng hôm ấy tôi gặp may, bởi rất có thể tôi cũng bị trúng đạn của bà ấy.
Bà Lucy nhìn chồng, cười:
– Gặp những trường hợp như thế, phải chấp nhận rủi ro thôi. Quyết định rất nhanh, không nghĩ ngợi gì hết.
Ông Henry nói:
– Em yêu quý đó là một suy nghĩ rất cao quý! Chỉ có điều hôm đó rủi ro mà em chấp nhận lại là số phận của anh!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.