THUNG LŨNG

Chương hai



Henrietta Savernake nhón một mẩu đất sét rồi kéo dài ra, bằng một động tác tự tin, gắn lên một chỗ trên cái đầu của pho tượng nàng đang nặn. Đó là tượng một thiếu nữ.
Vừa làm, nàng vừa lơ đãng nghe những lời tâm sự của chị người mẫu. Chị ta nói bằng một thứ giọng thông tục:
– Tôi cho rằng tôi xử sự như thế là đúng, thưa bà Savernake! Chẳng là tôi bảo hắn ta: “Ông nên nghiêm chỉnh một chút!”… Bởi theo tôi, ngươi phụ nữ phải có tự trọng và phải bắt người khác tôn trọng mình! Tôi nói thể là bà hiểu chứ? Tôi bảo hắn ta: “Tôi không quen nghe ai nói với tôi những lời lẽ như thế. Nói thật, những lời lẽ của ông làm tôi thấy rất tởm!”. Thưa bà Savernake, tôi không muốn làm mất lòng ai, nhưng có những thứ tôi buộc phải nói trắng ra! Bà có tán thành cách suy nghĩ của tôi không, thưa bà Savernake?
– Tất nhiên là tôi tán thành!
Henrietta trả lời bằng giọng rất thật khiến chị người mẫu đinh ninh là nàng vẫn chăm chú nghe chị ta nói. không biết nhà nữ nghệ sĩ điêu khắc chỉ tập trung vào sáng tạo, đâu có nghe chị ta nói. Chị người mẫu vẫn tiếp tục kể lể:
– Tôi còn bảo hắn ta: “Giả sử vợ ông có nói nhũng lời bất lịch sự với một người đàn ông nào đó ngoài phố như tôi vừa nói với ông thì hẳn ông cũng không phản đối!”. Hắn ta xấu hổ lùi lũi bỏ đi. Bà Savernake ạ, sao số tôi chuyên gặp những loại đàn ông thô lỗ đến thế! Nhưng đàn ông nói chung là thô lỗ, bà tán thành cách nhận định của tôi không, thưa bà Savernake?
– Hoàn toàn tán thành!
Mắt nheo lại, Henrietta lùi xa một chút ngắm pho tượng. Nàng ngẫm nghĩ: “Vậy là hai nét tính cách sắp hòa vào làm một! Tuyệt!… Chỉ có điều cái cằm chưa ổn, hơi nhọn quá! Phải vặt đi làm lại mới được!”.
Henrietta nói to lên với chị người mẫu một câu hưởng ứng nhiệt tình:
– Quả là chị gặp phải một trường hợp khó xử, rất khó xử!
Chị người mẫu nói tiếp:
– Đúng thế, bà nói rất đúng, thưa bà Savernake. Tôi cho rằng ghen tuông là một thói rất xấu, rất đê hèn. Ghen chỉ là do tức khí, thấy người khác hơn mình. Người ta ghen với tôi chỉ vì tôi trẻ hơn và đẹp hơn họ!
– Đúng thế!
Henrietta hoàn toàn tập trung vào việc phác lên cái cằm của nhân vật, không quan tâm chút nào đến những câu kể lể dông dài và tầm thường của chị người mẫu. Nàng chỉ trả lời lấy lệ để làm ra vẻ như chăm chú nghe. Đã từ bao nhiêu năm nay Henrietta có thói quen chia óc nàng ra thành nhiều ngăn tách biệt nhau. Nàng có thể chơi bài bridge, theo dõi một cuộc trò chuyện hoặc viết một lá thư mà không để công việc ấy choán hết tâm trí nàng. Lúc này đây, Henrietta chỉ nghĩ đến khuôn mặt của Nausicaa đang hiện dần lên theo những ngón tay của nàng. Đó là nàng Công chúa trong câu chuyện cổ, đã tiếp nhận chàng Ulysse huyền thoại sau khi chàng bị đắm thuyền, sóng đánh dạt lên bờ cát. Và những lời lẽ tầm thường dung tục thốt lên từ cái miệng trông rất thơ ngây, con trẻ của chị người mẫu không hề cản trở Henrietta. Nàng chỉ thỉnh thoảng chêm vào một câu tán thưởng cốt để chị ta tiếp tục nói. Henrietta đã quen làm việc với những người mẫu thích nói. Người mẫu chuyên nghiệp thường chỉ im lặng, nhưng người mẫu nghiệp dư thì thích nói, phần vì chưa quen kiểu ngồi im lặng, phần để xóa đi mặc cảm thấy mình chỉ bị coi như một thứ đồ vật.
Henrietta cứ làm ra vẻ lắng nghe, chị người mẫu cứ nói, nhưng tâm trí nàng để ở chỗ khác. Nàng nghĩ: “Chị ta là một cô gái tầm thường, nhưng chị ta có được cặp mắt đẹp! Cứ để chị ta nói trong khi mình nhìn cặp mắt chị ta để thể hiện nó lên pho tượng Nausicaa! Những lời lẽ huyên thuyên của chị ta hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến mình! Nhưng giá lúc này chị ta ngừng nói một chút thì tốt, vì mình đang thể hiện cái miệng của Nausicaa! Chị ta có đường viền môi hồn nhiên, trong trắng, đúng là của Nausicaa, vậy mà lời lẽ từ cặp môi đó tuôn ra lại dung tục quá mức!”
Chị người mẫu vẫn huyên thuyên:
– Thưa bà Savernake, tôi bảo mụ ta: “Thưa bà, tôi không hiểu tại sao chồng bà không tặng tôi một món quà nếu như việc đó làm ông ấy hài lòng và tôi không tin rằng việc đó cho phép bà nói ra với tôi những câu đầy ý ngầm hiểm độc như vậy!…” Đó là một chiếc vòng đeo tay tuyệt đẹp, thưa bà Savernake. Một cái vòng bất cứ người phụ nữ nào đeo vào cổ tay cũng làm tăng giá trị người đó. Quả là anh ta đã rất hào phóng khi mua chiếc vòng đó, nhưng đó là một cử chỉ hết sức đáng yêu khiến tôi không thể nào không biết ơn!
– Tất nhiên rồi! – Henrietta nói khẽ.
– Mà giữa hai chúng tôi có chuyện gì đâu! Tuyệt nhiên không có. Và chị vợ anh ta ghen là hoàn toàn vô lý!
Henrietta vừa nắn cái miệng Nausicaa, vừa cô lấy giọng hào hứng đáp:
– Tôi rất tin là như thế!
Công việc tiến triển rất tốt, bây giờ Henrietta say sứa làm. Nàng cảm thấy người bừng bừng như lên cơn sốt. Trán nàng đầy những vết đất sét do nàng quệt tay lên để lau mồ hôi. Cặp mắt nàng chăm chú nhìn pho tượng như thể bị thôi miên vào đó. Henrietta sung sướng thầm nghĩ: “Vậy là ra rồi! Đúng miệng của Nausicaa rồi! Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi, nàng sẽ thoát được khỏi cơn ác mộng đã hành hạ nàng suốt mười ngày nay!”.
Nausicaa! Nàng Công chúa trong câu chuyện cổ đã ám ảnh Henrietta cả trong giấc ngủ. Nausicaa cùng thức dậy với nàng, cùng ra phố mua bán với nàng. Ruột gan rối bời, Henrietta không thể ngồi yên một chỗ, nàng quyết định ra phố, đầu óc bị khuôn mặt thơ ngây, trong trắng với đôi mắt không có đồng tử của nàng Công chúa trong câu chuyện cổ ám ảnh. Tuy lờ mờ mường tượng ra khuôn mặt và cặp mắt đó nhưng Henrietta không thể xác định tỉ mỉ đường nét cụ thể. Nàng cần một người mẫu. Nhưng nàng đã tìm gặp những người mẫu chuyên nghiệp mà không thấy ưng người nào. Kể cả những người được tiếng là có “nét Hy Lạp”, không ai có cặp mắt và đường viền miệng phù hợp với tính cách của nhán vật Nausicaa trong óc tưởng tượng của Henrietta. Đã sắp tuyệt vọng thì một hôm, cuốc bộ trên đường phố mệt quá, nàng lên xe buýt. Và đột nhiên nàng “nhìn thấy” cặp mắt đúng của Nausicaa theo như nàng tưởng tượng ở ngay trước mặt. Người phụ nữ có cặp mắt và đường viền miệng đó ngồi hàng ghế đối diện với Henrietta. Cặp mắt hầu như không có đồng tử… một cặp mắt lòa… Và đường viền miệng rất ngây thơ, hồn nhiên, rất trẻ con…
Người phụ nữ trẻ kia đứng dậy để ra khỏi xe. Henrietta vội đứng lên đi theo chị ta. Bám theo chị ta một quãng khá dài. Henrietta quyết định tiến lên bắt chuyện. Nàng nói:
– Xin lỗi đã đường đột giữ chị lại như thế này. Xin tự giới thiệu, tôi là nghệ sĩ điêu khắc, tôi đang rất cần một khuôn mặt giống như khuôn mặt của chị. Tôi đã đi tìm vất vả cả chục ngày nay mà không thấy. Hôm nay mới tìm thấy…
Henrietta tỏ ra lịch sự và nàng rất biết cách nói khéo nên chị phụ nữ kia lúc đầu còn do dự, cuối cùng đã bằng lòng…
– Tôi chưa làm người mẫu bao giờ, nhưng nếu bà chỉ cần khuôn mặt…
Chị ta do dự là điều dễ hiểu, vì chắc chắn chị ta đã từng nghe đồn nhiều chuyện về những phụ nữ làm mẫu cho họa sĩ, cuối cùng đã bị lạm dụng, kể cả lạm dụng tình dục. Chị ta đợi thêm một câu năn nỉ nữa của Henrietta rồi mới chấp thuận. Chị ta nói:
– Thôi được, nhưng nếu bà đã tha thiết đến thế, tôi đề nghị bà trả công tôi ngang với công cho người mẫu chuyên nghiệp!
Kết quả là lúc này đây chị ta đang ngồi trên chiếc bục nhỏ trong xưởng họa của Henrietta. Khi nhìn thấy những pho tượng và tác phẩm điêu khắc của Henrietta Savernake, chị ta lo ngại vì chúng xấu xí thế nào ấy, nhưng chị ta vẫn chịu ngồi làm mẫu, hy vọng những nét trên khuôn mặt chị ta sẽ được nhà nghệ sĩ lưu lại trên tác phẩm. Đến khi ngồi làm mẫu, chị ta còn khám phá ra thêm một cái thú nữa, là được có người chịu nghe chị ta kể lể, và lại nghe một cách chăm chú, tán thành.
Chị người mẫu tháo kính cận ra đặt lên chiếc bàn nhỏ bên cạnh. Chị ta rất ít khi đeo kính, sợ làm xấu khuôn mặt. Chị ta thú thật với Henrietta là chị ta cận thị rất nặng, nếu không đeo kính, nhìn thứ gì xa quá một mét là chị ta chỉ thấy mờ mờ. Thì ra chính vì cận thị nặng như thế mà cặp mắt chị ta có vẻ như mơ màng, tính chất Henrietta đang cần đến.
Henrietta đặt dụng cụ xuống, reo lên vui vẻ:
– Thế là xong! Tôi hy vọng chị không đến nỗi mệt quá đấy chứ?
– Không đâu, thưa bà Savernake! Nhưng như vậy là đã xong hoàn toàn!
Henrietta cười:
– Chưa phải hoàn toàn! Tôi còn phải lao động thêm khá nhiều nữa, nhưng là công việc không liên quan đến chị. Những gì tôi cần ở chị thế là xong. Phần chính yếu trong tác phẩm đã bộc lộ đầy đủ. Bây giờ chỉ còn phải hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật… Tóm lại, phần việc chính đã xong.
Chị người mẫu thận trọng bước trên bục xuống, lấy kính đeo lên mắt. Đột nhiên khuôn mặt chị ta mất đi vẻ ngây thơ con trẻ và chất duyên dáng đặc biệt mà Henrietta thấy ở chị ta lúc không đeo kính. Chị người mẫu chỉ còn là một cô gái tầm thường. Chị ta nhìn pho tượng, kêu lên thất vọng:
– Ôi, sao không giống tôi mấy thế này?
Henrietta giải thích cho chị ta hiểu, pho tượng này không phải thể hiện chị ta mà thể hiện một con người khác, một nhân vật khác, cho nên không thể giống chị ta được. Chị người mẫu chỉ cung cấp một số nét nào đó, có thể là đường viền đôi mắt, gò má, cặp môi chứ không phải toàn thể bộ mặt. Cái miệng hé mở của pho tượng giống cái miệng của chị người mẫu, nhưng lại không phải miệng của chị. Cái miệng trên pho tượng để nói lên những lời lẽ khác, chứa đựng những ý nghĩ khác, những thứ không bao giờ có thể có trong óc chị. Các đường nét đều có phần lờ mờ, không cụ thể rành mạch, vì chúng thể hiện ước mơ của Nausicaa nhiều hơn là hình ảnh của nàng Công chúa đó.
Chị người mẫu nói với giọng không tin tưởng gì lắm:
– Dù sao, tôi cũng hy vọng sau khi bà sửa chữa và hoàn thiện, pho tượng sẽ giống tôi hơn. Nhưng quả là bà không cần đến tôi thêm nữa chứ, thưa bà Savernake?
Henrietta đáp:
– Đúng thế. Công việc của chị thế là xong. Chị đã giúp tôi được rất nhiều. Xin cảm ơn. Rất cảm ơn chị!
Khi người mẫu đã ra khỏi xưởng họa. Henrietta pha cà phê. Nàng cảm thấy mệt mỏi rã rời, nhưng may thay nàng thấy mình đã được giải thoát.
Henrietta thầm nghĩ: “Ơn Chúa, thế là mình đã trở lại bình thường, trở lại là một con người bình thường!”.
Lập tức ý nghĩ của Henrietta hướng về John Tim nàng đập mạnh. Mai nàng sẽ được gặp chàng…
Nằm duỗi dài trên đi-văng, Henrietta uống liền ba tách cà phê đen và nóng bỏng môi. Cuộc sống đã trở lại với nàng. Henrietta sung sướng thấy mình đang từ cõi mông lung, như thể vật vờ giữa không trung nay đã xuống mặt đất, lại đi đứng như người bình thường. Cơn ác mộng hành hạ nàng suốt hơn chục ngày qua nay đã tan biến. Bao nỗi băn khoăn trăn trở làm nàng mất ăn mất ngủ nay đã không còn. Bây giờ Henrietta vẫn còn phải lao động vất vả, nhưng trí óc đã thanh thản hơn rất nhiều và nàng không còn thấy sợ nữa…
Đặt tách cà phê đã uống cạn xuống bàn, Henrietta đứng dậy xem lại pho tượng phác thảo Nausicaa. Nàng ngắm nghía rất lâu. Những nét nhăn hiện lên mỗi lúc một nhiều trên vầng trán nàng.
Không phải thế này!
Sao lại thế được nhỉ? Không phải Nausicaa, nàng Công chúa trong câu chuyện cổ bao lâu nay vẫn ám ảnh nàng!
Do cái gì? Có chỗ nào chưa đúng?
Đó là ở cặp mắt lòa chăng?
Nausicaa có cặp mắt lòa nhưng cặp mắt ấy đẹp hơn cặp mắt sáng… Cặp mắt ấy làm tan nát trái tim những ai nhìn thấy nó, chính vì nó lòa. Điều này nàng đã thể hiện được chưa?
Henrietta đã thể hiện ra được rồi. Rõ ràng là như thế, không phải băn khoăn gì nữa! Nhưng ngoài tính chất loà, cặp mắt ấy còn chứa đựng một thứ gì khác… một thứ mà Henrietta đã nghĩ tới nhưng lại không đưa vào… không muốn đưa vào? Tại sao vậy?… Đó là một thứ rất tinh tê, đồng thời rất cụ thể.
Chợt Henrietta hiểu ra nguyên nhân. Khuôn mặt trên pho tượng thể hiện một cách suy nghĩ tầm thường, dung tục. Thì ra tuy nàng không nghe những câu nói huyên thuyên của chị người mẫu, nhưng những lời nói đó đã thấm vào chất đất sét. Bây giờ nàng không sao “bóc” được chất dung tục ấy ra khỏi pho tượng. Henrietta biết rõ là như thế.
Henrietta vội quay mặt đi, không nhìn pho tượng nữa. “Phải chăng vừa rồi chỉ là mình tưởng tượng?”. Bởi không thể như thế được! Để mai, mình nhìn lại, sẽ tỉnh táo hơn và thấy rõ hơn liệu có đúng như mình vừa nhận xét không? Lúc đi ra phía cửa, Henrietta đứng lại trước pho tượng Tôn Sùng, một pho tượng nhỏ bằng gỗ, một tác phẩm điêu khắc tinh tế mà nàng giữ lại trong xưởng, nghĩ sẽ có ngày dùng tới. Pho tượng này rõ ràng là thành công. Đã lâu lắm rồi Henrietta mới sáng tác được một thứ hoàn hảo đến thế. Nàng thấy hài lòng. Nàng tạc nó dành cho Phòng Triển lãm Mỹ thuật thế giới và nàng tin rằng tác phẩm này của nàng sẽ được đánh giá cao.
Tác phẩm chứa đựng đầy đủ mọi thứ: thái dộ nhẫn nhục, cam chịu, cái gáy to chắc nịch, đôi vai xuôi khuôn mặt cúi, chỉ hơi ngước lên một chút. Khuôn mặt mà Henrietta cố tình không tạo đường nét cụ thể, như thể “kẻ tôn sùng” đã mất đi mọi cá tính. Tất cả đều được nàng thể hiện rõ ràng và giầu sức biểu hiện. Thái độ nhẫn nhục, cam chịu của nhân vật đã vượt lên trên cả thái độ thường được gọi là ngưỡng mộ… Nếu ngưỡng mộ lá thán phục thì tôn sùng có nghĩa là tự huỷ bỏ bản thân, biến thành nô lệ cho kẻ được y tôn sùng.
Henrietta thở dài. Tại sao khi John nhìn thấy pho tượng Tôn Sùng này chàng lại nổi cơn thịnh nộ đến mức làm Henrietta sửng sốt? Đồng thời thái độ đó của John làm nàng phát hiện ra những nét tính cách ở chàng mà có lẽ chính chàng cũng không ngờ mình có.
Hôm đó giọng dứt khoát, John tuyên bố:
– Em không được đưa pho tượng này ra trưng bày ở Triển lãm!
Khi nghe xong, Henrietta đã trả lời, cũng kiên quyết không kém:
– Em sẽ trưng bày nó!
Dòng ý nghĩ của Henrietta quay về với Nausicaa. Nhìn lại bản phác thảo, nàng thầm nghĩ, vẫn có thể sửa lại được. Thấy yên tâm phần nào, nàng lấy tấm bạt ướt phủ lên pho tượng còn dang dở. Để thứ hai mình sẽ sửa lại. Bây giờ thì không việc gì phải vội vã nữa. Về đại thể, tác phẩm đã làm xong. Nàng chỉ cần sang sửa lại, trau chuốt cho hoàn chỉnh, công việc này chỉ đòi hỏi lao động và thời gian, không phải đau khổ suy nghĩ nữa…
Trước mắt Henrietta bây giờ sẽ là ba ngày hạnh phúc, bên cạnh hai ông bà Henry và Lucy Angkatell, rồi Midge… và John!…
Henrietta ngáp, vươn vai để giải tỏa thân thể và nàng công nhận nàng rất mệt. Sau khi ngâm nước nóng trong bồn, Henrietta lên giường nằm. Duỗi dài trên tấm nệm êm ái trong bóng đêm, cặp mắt nàng vẫn mở to. Thoạt đầu nàng nhìn bầu trời sao ngoài cửa sổ, rồi nhìn ngọn đèn nhỏ nàng bố trí trên sát trần để thắp suốt đêm. Nàng thầm nghĩ: “Vậy là về cơ bản đã xong!”.
Henrietta quyết định nhắm mắt ngủ. Ba tách cà phê đặc sánh không đủ giữ nàng thức. Đã lâu lắm rồi, hôm nay Henrietta mới được biết thế nào là một giấc ngủ thật sự. Nàng chọn một đề tài để suy nghĩ, nhưng rồi mệt quá thiếp đi, rơi vào trạng thái hư vô…
Henrietta nghe thấy bên ngoài tiếng động cơ tiếng cười nói ầm ĩ… những thứ đó chen vào đầu óc nàng, lúc này đã trong trạng thái vô thức. Chiếc ô-tô biến thành con hổ, với bộ lông vằn… vàng đen… Đây là rừng rậm… phía kia là chỗ trống, bên dưới là dòng sông lớn kiểu những con sông miền nhiệt đới… con sông chảy ra biển, đến những bến cảng, nơi những con tàu chở khách rất lớn, trắng toát, rời bến… Những tiếng gào đã thành khản đặc “Tạm biệt!”… và John đứng cạnh nàng bên lan can trên boong tàu… Hai người đi trên mặt biển xanh thẳm… Rồi trong phòng ăn của con tàu, John cười nói với nàng… Nét mắt chàng rạng rỡ…
Ôi, tội nghiệp John! Sao hôm đó chàng nổi cơn thịnh nộ đến như thế!… Xe ô-tô, hai người ngồi trong xe lao đi… họ trốn khỏi London, càng nhanh càng xa càng tốt… Những đụn cát… Những cánh rừng… Căn bệnh Ridgeway… John yêu quý!…
Henrietta ngủ say sưa trong niềm hạnh phúc ngọt ngào.
Đột nhiên Henrietta thấy bứt rứt trong người. Nang cảm thấy mình có tội. Như thể còn một công viẹc nào đó nàng chưa hoàn thành… Một tác phẩm nang mới chỉ phác qua một cách sơ sài…
Nausicaa chăng?
Henrietta choàng dậy cố bắt mình ra khỏi giường, bật công tắc gian xưởng họa, rồi từ từ gỡ tấm bạt ướt ra khỏi bức phác thảo Nausicaa.
Henrietta thở một hơi thật dài.
Đây không phải Nausicaa! Đây là chị người mẫu!
Tim Henrietta thắt lại. Một tiếng nói văng vẳng bên tai nàng: “Mi chỉ cần sửa sang lại đôi chút là xong!”. Nhưng một tiếng nói khác phản bác lại: “Mi thừa biết mi phải làm gì rồi!”.
Và việc này Henrietta phải tiến hành ngay, kẻo chỉ ngày mai nàng sẽ không đủ can đảm để làm. Henrietta biết là như thế. Bởi đó là công việc làm nàng đau đớn, giống như hủy diệt máu thịt của chính bản thân nàng. Nàng sẽ rất đau đớn, hết sức đau đớn! Nhưng không thể không làm…
Henrietta hít một hơi thật sâu, rồi đưa hai bàn tay lên, bóc hết chất đất sét bao bên ngoài cái khung kim loại dùng làm giá đỡ, quang vào cái xô đựng đất sét. Rồi hai bàn tay còn dính đầy đất sét, Henrietta đứng bất động một lúc rất lâu, mắt đăm đăm nhìn cái khung kim lại trơ ra. Nàng thấy trong người nhẹ bỗng, nhưng đồng thời cũng thấy dường như con người mình đã tan biến.
Henrietta thầm nghĩ: “Nausicaa sẽ không bao giờ trở lại! Không bao giờ! Nàng công chúa ấy đã một lần ra đời và tồn tại, nhưng bây giờ đã chết!”.
Một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tâm hồn Henrietta.
Vậy là có những thứ len lỏi vào tâm hồn ta mà chính ta không biết. Henrietta có nghe chị người mẫu nói gì đâu. vậy mà kiểu suy nghĩ tầm thường, dung tục của chị ta vẫn cứ lọt qua hai lỗ tai nàng, thấm vào tâm hồn nàng lúc nào chính nàng không biết. Qua tâm hồn, chất dung tục ấy điều khiển hai bàn tay nàng, khiến pho tượng đượm chất tầm thường dung tục của chị người mẫu chứ không phải chất trong trắng, thanh cao của nàng Công chúa Nausicaa mà Henrietta muốn đưa vào tác phẩm. Mong muốn của Henrietta là ý thức, trong khi tác phẩm lại thể hiện tiềm thức của nàng, cái tiềm thức đã nhiễm kiểu cách suy nghĩ của chị người mẫu… Thế là bản phác thảo không còn là Nausicaa mà là chị người mẫu!
Thế là hết. Số đất sét Henrietta bóc ra đang nằm đó, sẽ trở thành một tác phẩm khác… Còn Nausicaa? Nàng Công chúa trong câu chuyện cổ đã ra đi để không bao giờ trở lại…
Henrietta tự hỏi: “Phải chăng cái chết chính là như thế? Cái mà chúng ta thường gọi là mình, là nhân cách của bản thân, có lẽ chỉ là hình phản chiếu tư tưởng của một thứ gì khác! Nhưng của thứ gì? Của Thượng đế chăng? Hay đó cũng là tư tưởng của chàng Per Gynt trong câu chuyện cổ? Đó phải chăng cũng là ý nghĩ của John? Tối hôm trước chàng đến đây với bộ mặt rầu rĩ, tuyệt vọng, mệt mỏi, như không còn tí sức lực nào nữa!… Căn bệnh Ridgeway… Sao không có một cuốn sách nào giúp mình tìm hiểu căn bệnh đó là thế nào?… Mà mình rất muốn biết nó!… Căn bệnh Ridgeway… John…”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.