Thuyền Trưởng Tuổi 15

Chương 4: MƯA NGẬP TỔ TRÚ



Lúc đó, độ mười một giờ, Đíchsơn thấy mệt và buồn ngủ. Nhưng chú cẩn thận nằm ngay cạnh cửa tổ mối để có thể biết ngay những bất trắc xảy ra từ bên ngoài mà kịp thời đối phó. Thế rồi Đíchsơn thiếp đi. Không biết giấc ngủ đó dài được bao lâu. Chợt nghe vai mình thấm lạnh, chú choàng dậy, thấy nước đang tràn vào cửa tổ. Nước ùa vào nhanh quá, chỉ trong vài giây đã lên tới tầng của Tôm và Ecquyn đang nằm. Đíchsơn đánh thức hai người dậy và cho biết nước đang tràn vào. Già Tôm thắp đèn soi. Mực nước lên cao tới một thước rưỡi rồi dừng. Bà Uynxton nằm ở tầng trên nghe thấy dọn dẹp lục đục liền hỏi Đíchsơn.

– Gì thế, con?

Đíchsơn đáp:

– Không có gì cả ạ. Nền tổ bị nước chảy vào một ít. Mưa to nên nước sông gần đây tràn qua bờ vào cánh đồng.

Ecquyn nói:

– Như vậy càng hay, vì ta biết rõ gần đây có sông con!

Đíchsơn nói:

– Phải đấy, sông sẽ đưa chúng ta ra bờ biển.

Đíchsơn bảo mấy người da đen xếp khí giới và thực phẩm lên điểm cao.

Già Tôm hỏi:

– Nước do cửa rò vào đây à?

Đíchsơn đáp:

– Phải. Vì thế không khí trong lò không có lối thay đổi nữa.

– Vậy ta mở một lỗ ở thành trên mực nước cho thoáng hơn?

– Có thể được… nhưng nếu trong lò mực nước là hai thước thì ở ngoài mực nước có thể cao hơn, khoảng hai thước rưỡi, ba thước, không biết chừng.

– Sao gì biết được?

– Tôi đoán rằng khi tràn vào lò, nước đã dồn ép không khí lên phía đỉnh lò một ít, bây giờ không khí đó chắn không cho nước lên cao hơn nữa. Nay nếu ta chọc thủng một lỗ, không khí bị nén trong này sẽ phì ra, như vậy nước trong lò sẽ lên cao bằng mực nước bên ngoài, hoặc nước lại dồn ép chỗ không khí còn lại cho đến mức mà không khí bên trong đủ sức cản lại. Chúng ta ở trong lò này chẳng khác gì những người thợ lặn ngồi trong “chuông lặn” của họ.

Bên ngoài mưa gió, sấm sét vẫn còn ì ầm không dứt. Già Tôm nhìn mực nước trong lò và nói:

– Hình như nước cứ lên dần dần.

– Phải. Mặc dù không khí trong này không thoát ra được, khối nước bên ngoài quá lớn có thể ép thêm không khí mà lấn dần lên. Bây giờ điều cần nhất là ta phải biết nước bên ngoài có bao phủ cả cái tổ mối này hay không. Ta có thể chọc một cái lỗ ở đỉnh lò là biết ngay. Nhưng việc làm đó rất nguy hiểm vì nếu nước đã trùm cả cái tổ mối này thì nó sẽ chảy vào đầy lò, chúng ta sẽ chết đuối hết. Dù sao, ta cũng có thể dò từng đoạn một…

Già Tôm nói:

– Chúng ta hãy làm luôn xem thế nào?

Lúc này tình hình thật nguy ngập: nước cứ từ từ lên, không lẽ chịu bó tay? Hơn nữa mọi người đã thấy mệt vì trong tổ quá nhiều thán khí. Đíchsơn liền dùng cái que sắt nhọn vẫn để lau nòng súng, khoan một lỗ nhỏ ở thành lò. Không khí xì ra ngoài, đồng thời mực nước bên trong lên tới lỗ khoan thì đứng. Như vậy lỗ khoan thấp quá, thấp hơn mức nước bên ngoài, Đíchsơn liền lấy đất sét vít luôn lỗ khoan lại. Khoảng trống trong lò lại bị giảm đi hơn hai mươi phân. Mọi người khó thở vì dưỡng khí bắt đầu thiếu. Ngọn đèn đỏ và kém sáng hẳn. Đíchsơn lại khoan lỗ thứ hai co hơn một chút, không khí trong lò lại phì ra như tiếng sáo, tức thì nước đùn lên hơn ba mươi phân nữa. Lỗ khoan thứ hai chưa gặp khoảng bên ngoài. Đíchsơn nói:

– Toàn bộ lò này ở cả dưới nước rồi chăng?

– Muốn biết rõ hãy khoan lỗ thứ ba ngay chỗ đỉnh lò.

Nhưng cả đoàn sẽ bị ngạt, sẽ chết hết nếu lần thí nghiệm cuối cùng này không đem lại kết quả mong muốn. Bao nhiêu không khí còn lại bên trong sẽ bị phụt hết lên lớp nước trên và lớp nước bên dưới sẽ chiếm đầy lò. Trong khi đó, đèn tắt vì thiếu dưỡng khí, trong lò tối đen như mực. Đíchsơn liền trèo lên vai Ecquyn đang đứng bấm vào một tầng lò và chỉ có cái đầu nhô lên khỏi mực nước.

Đíchsơn tìm chỗ đỉnh lò và đẩy mũi khoan vào đất sét. Lớp đất này dày hơn, rắn hơn thành lò nên khó làm hơn. Đíchsơn vừa khoan vừa lo vì từ cái cửa sổ cuối cùng này, một là không khí sẽ đem sự sống vào, hai là nước sẽ dâng lên với cái chết. Chợt Đíchsơn kêu to.

– Chú ý!

Tức thì một tiếng rít kéo dài phát từ đỉnh lò do không khí ép thoát ra, đồng thời một tia sáng lọt vào. Nước từ từ dâng lên hai mươi phân nữa thì ngừng hẳn. Thế là mực nước bên trong và bên ngoài bằng nhau. Chóp là còn cao hơn mặt nước. Đíchsơn và cả nhóm thoát chết. Đíchsơn liền bảo mấy người da đen lấy dao trổ nên nóc cửa để ra. Những mãng đất rớt xuống lõm bõm. Một lát sau, đã trông thấy nền trời xanh. Đíchsơn leo lên nóc lò trước tiên. Vừa thò đầu ra, Đíchsơn nghe những tiếng “vút”, “vút” lướt bên tai. Những tiếng này rất quen thuộc đối với những du khách qua châu Phi: đó là tiếng tên bay! Đíchsơn cũng thoáng nhìn thấy cách đó độ trăm thước có một trạm gác trên đồi và chung quanh lò, chỉ cách chừng mười thước, có những thuyền dài đầy người bản xứ. Chính những cánh tay đã xuất phát từ một trong những thuyền này.

Đíchsơn báo động ngay cho cả nhóm biết. Ecquyn, Antôn và Pát liền lấy súng theo Đíchsơn leo lên nóc lò và bắn một loạt vào chiếc thuyền đã phục kích đầu tiên. Nhiều người trong thuyền ngã gục. Nhưng một nhóm bốn, năm người dù dũng cảm đến đâu cũng không sao chống được với hàng trăm người có đủ vũ khí vây quanh mình.

Vì thế, tổ mối bị chiếm ngay. Mọi người trong đoàn đều bị bắt một cách tàn nhẫn, không kịp nói với nhau một lời hoặc bắt tay nhau lần cuối cùng. Chiếc thuyền thứ nhất đưa bà Uynxton, em Giắc và ông Binđác về thẳng trạm gác. Còn Đíchsơn, u già Năng, Ecquyn, Pát, Antôn, và già Tôm bị ném xuống chiếc thuyền thứ hai và đưa đến một chỗ khác ở chân đồi. Hai mươi người bản xứ điều khiển chiếc thuyền này. Lại có năm chiếc thuyền khác đầy người theo sau để áp giải.

Đến nước này kháng cự cũng vô ích. Tuy nhiên, Đíchsơn và mấy bạn da đen không chịu để họ chở đi và đánh trả mấy người bị trọng thương. Nếu không có lệnh cấm sát hại thì đoàn Đíchsơn đã bị bọn người bản xứ đánh cho nhừ tử rồi.

Một lát sau, thuyền tới chân đồi, chưa kịp áp mạn thì Ecquyn đã gạt mọi người và nhảy tót lên bờ chạy mất. Hai người bản xứ rượt theo, anh khổng lồ liền quay báng súng quật lại như trời giáng, hai người vỡ sọ chết lăn quay. Lát sau, Ecquyn mất hút sau đám cây rừng, giữa làn mưa đạn bắn theo. Trong khi đó, Đíchsơn và các bạn bị giải lên bờ và bị còng tay xích chân như những người nô lệ vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.