Thuyền Trưởng Tuổi 15

Chương 6: TỪ NHỮNG TRANG NHẬT KÝ CỦA ĐÍCHSƠN



Năm chục lính đi trước mở đường, đoàn tù nhân đi giữa, mỗi bên có một lính đi kèm. Sau cùng là những phu tải lương thực và năm chục lính đi làm hậu vệ. Một tù nhân dù không bị xiềng xích cũng khó lòng trốn thoát được. Mỗi ngày, đoàn khởi hành từ lúc rạng đông, đến trưa được nghỉ một giờ. Tù nhân vì mỏi mệt nên những lúc nghỉ trưa ngắn ngủi, nhất là trong những đêm mưa tầm tã, không sao ăn ngủ được. Vì thế sau khi rời Quangđa được tám ngày, có đến hai mươi người chết lả ở dọc đường và bị ác thú cắn xé.

Dưới đây là những trang nhật ký do Đíchsơn ghi chép cuộc hành trình từ Quangđa đến Cadôngđê.

Đường đi dài hai lăm dặm được chia làm hai lăm đoạn. Mỗi ngày phải đi một đoạn kể cả nghỉ trưa lẫn nghỉ đêm.

“Từ 25 đến 27 tháng tư, thấy một hàng cây lau sậy rất cao. Sáng hôm sau mọi người phải đi qua một con sông rộng chừng một trăm năm mươi mét, nước chảy xiết, cầu nổi làm bằng cây rừng buộc lại với những cọc gẫy nửa chừng. Cá sấu lượn chung quanh gầm cầu, miệng há lớn chờ đợi những kẻ sẩy chân.”

“Ngày 23 tháng tư – Mưa lớn. Đường ngập. Đi rất cực khổ.”

“Ba đêm, tiếng sư tử, tiếng báo gầm gừ. Một tiếng nổ do người bản xứ bắn báo hiệu. Không biết Ecquyn bây giờ ra sao?

“Ngày 29 và 30 tháng tư – Trời bắt đầu lạnh. Sương đẫm cỏ cây. Nước ngập đồng.”

“Không có tung tích gì của bà Uynxton và ông Binđác. Hai người có bị đưa đi Cădôngđê trước không? Có bị lặn lội như thế này không? Buồn quá! Em Giắc với khí hậu này thế nào cũng bị sốt lại, không biết em có còn sống không?

“Từ mồng một đến mồng sáu tháng năm: đoàn lội nước từ trạm nọ tới trạm kia. Nhiều khi nước đến thắt lưng. Hàng triệu con đỉa bám sát vào da. Vẫn phải bước đều.

“Đồng nước bao la, không tìm được chỗ nghỉ chân. Phải lội hoài trong đêm tối. Trời sáng, nhiều người thấy vắng mặt trong đoàn. Khổ ai biết chừng nào! Khi người ta đã ngã rồi, còn đứng dậy để làm gì?”

“Phải, đứng dậy để làm gì? Nhưng còn bà Uynxton và em Giắc, ta không có quyền bỏ rơi bà và con bà! Ta sẽ phấn đấu đến cùng. Đó là nghĩa vụ của ta.”

“Có tiếng kêu ghê hồn trong đêm khuya. Đàn cá sấu đến tấn công. Chừng mười hai đến mười tám con cá quỷ, nhân lúc đêm tối nhảy chồm ra ở sườn đoàn, đớp người ta đi.”

“Ngày 7 và 8 tháng năm – Sáng sớm hôm sau người ta kiểm lại: hai mươi người nô lệ đã mất tích. Lúc sáng rõ, tôi đưa mắt tìm già Tôm và các bạn da đen, phúc làm sao họ hãy còn sống! Hôm nay, đoàn tù thoát khỏi cánh đồng sâu mà họ đã phải dầm mình lội nước trong hai tư tiếng đồng hồ. Nghỉ lại trên một ngọn đồi. Người ta cho ăn. Nhưng chao ôi! Thức ăn! Một ít sắn và vài nắm ngô! Nước uống đục ngầu. Trong số những người nằm dài ra đất, có biết bao nhiêu người không trở dậy nữa!”

“Không! Nhất định bà Uynxton và con bà không phải chịu những đau khổ này. Thượng Đế tất run rủi cho bà đến Cadôngđê bằng một con đường khác. Nếu không, bà mẹ khốn khổ đó sẽ không sao đương nổi cảnh khốn cực này.”

“Ngày 9 tháng năm – Lại tiếp tục đi từ sáng sớm. tôi thấy u già Năng tiều tụy quá. Tôi cố rảo bước để lên chỗ u già. Toàn thân u run lên trong manh áo tả tơi. Tôi định đỡ u thì một bàn tay kéo tôi lại. Một ngọn roi quất vào vai u để đi cho thẳng hàng. Tôi muốn nhảy lên đánh tên cai hung ác… Chợt tên chỉ huy Ả rập hiện ra, giữ tôi lại, chờ cho đoàn người đi hết rồi đẩy tôi vào hàng cuối cùng và nói câu gì tôi không hiểu chỉ nghe thấy tiếng “Nego! Nego!”. Thì ra Nego đã dặn tên chỉ huy Ả Rập nhẹ tay với tôi hơn so với các bạn tôi. Hắn sẽ dành cho tôi một số phận như thế nào?

“Ngày 10 tháng năm – Chiều đến. Đêm xuống, cắm trại dưới một đám cây to. Ba bốn tù nhân bẻ khóa, bẻ xích trốn đi hôm trước đã bị bắt và bị đánh đập rất tàn nhẫn. Việc canh chừng của lính và cai lại gia tăng. Đêm đến, tiếng sư tử gầm, tiếng chó sói oang oang, chen lẫn tiếng phì phì của những con hà mã. Có lẽ gần đây có sông hoặc hồ lớn chăng?

“Người mỏi mệt quá vẫn không chợp mắt được, tôi nghĩ lan man nhiều điều. Chợt tôi nghe như có tiếng sột soạt trong bụi cỏ cao. Ác thú chăng? Chúng cả gan dám vào trại à? Tôi lắng nghe mà không thấy gì. Nhưng rõ ràng có tiếng sột soạt lướt trong bụi lau. Tôi không có súng, nhưng tôi quyết chống cự lại.”

“Trời không có trăng, tôi nhìn sâu vào trong bóng tối. Có hai con mắt lóe ra sau hàng cây chỉ thảo. Mắt chó sói hay mắt heo? Nó biến mất… Rồi lại hiện ra… Chợt có tiếng cỏ rào rào: một con vật nhảy vọt vào chỗ tôi. Tôi chực kêu lên. May sao tôi lại thôi. Tôi không tin mắt tôi nữa. Kìa, con Đinhgô! Nó đến được đây à? Nó đi bằng cách nào? Làm sao mà nó có thể tìm được tôi? Có lẽ đó là do bản năng. Bản năng có đủ để chứng minh lòng trung thành phi thường của nó không? Nó liếm tay tôi. Thực là quí hóa. Nó là bạn độc nhất của tôi trong lúc này! Thế là bọn chúng chưa thủ tiêu được nó à? Tôi vuốt ve nó, nó hiểu. Nó chực sủa lên… Tôi vội bịt lấy miệng nó, sợ lộ chuyện. Nhưng mà sao nó cứ cọ cổ nó vào tay tôi? Nó muốn bảo tôi “Tìm đi”? Tôi tìm và thấy một vật gì buộc vào cổ nó. Đó là một ống sậy cột chặt vào vòng cổ nó vẫn có hai mẫu tự S-V mà tôi chưa tìm ra lý do. Tôi liền gỡ ống sậy và bẻ ra, trong có một mẩu giấy. Nhưng mẩu giấy này, tôi không sao đọc được. Phải đợi đến sáng… Tôi muốn giữ Đinhgô, nhưng con vật có nghĩa kia vừa liếm tay tôi vừa muốn tháo lui. Tôi hiểu nhiệm vụ của nó đã hoàn thành. Thoắt một cái, nó biến mất trong đám cỏ rậm. Chắc hẳn nó lại trở về với người đã sai nó đem giấy cho tôi. Mảnh giấy đó tôi vẫn chưa đọc được. Nóng ruột quá! Ai đã viết giấy cho tôi? Bà Uynxton hay Ecquyn? Làm sao con Đinhgô lại gặp được một trong hai người ấy?

“Trời lâu sáng quá! Nhưng rồi cũng phải sáng. Trời sáng rõ ngay vì ngày ở miền xích đạo hình như không có bình minh. Tôi lừa lúc bọn nó không chú ý đến bèn mở giấy ra đọc. Đó là thư của Ecquyn, viết bằng bút chì:

“Bà Uynxton và Giắc đã được đưa đi bằng cáng. Ali và Nego đi cùng Binđác. Họ đi trước đoàn tù nhân ba bốn bộ đường. Tôi không bao cho bà Uynxton được. Tôi đã tìm được Đinhgô, nó bị thương nhưng đã khỏi. Cậu Đíchsơn ơi, vững lòng hy vọng! Tôi luôn luôn nghĩ đến cậu và mọi người. Tôi trốn đi mong giúp ích cho mọi người. ECQUYN”.

“A, bà Uynxton và em Giắc còn sống! Bà và bé Giắc không phải chịu gian khổ ở dọc đường như chúng tôi. Cái cáng ở đây tức là một thứ giường làm bằng cỏ khô treo vào một cái đòn, trên phủ vải, do hai người phu khiêng đi. Bà và Giắc được nằm trong đó không phải lội bùn. Ali và Nego định làm gì bà, Giắc và Binđác? Hay chúng đưa bà đi Cadôngđê? Được rồi! Thế nào ta cũng được gặp bà. Trong những cái khổ, tin này quả là một tin hay.

“Từ 11 đến 15 tháng năm – Đoàn người tiếp tục đi. Tù nhân ngày càng lê bước khó nhọc. Phần đông để lại những vết máu theo bước đi. Tính ra còn mười ngày nữa mới tới Cadôngđê. Từ đây đến đó sẽ còn bao nhiêu người thoát khỏi sự đau khổ? Nhưng tôi, tôi phải đến nơi, tôi sẽ đến.”

“Đoàn người đi bỏ lại những xác chết rải rác trên đường.”

“Từ 16 đến 24 tháng năm – Tôi đã kiệt lực lắm rồi. Nhưng tôi không có quyền chán nản, yếu mềm. Tuần mưa đã dứt. Người ta tổ chức những “độ đường cứng rắn”, nghĩa là không nghỉ trưa và phải đi rảo bước, mặc dầu đường lên dốc khá cao, xuyên qua những bụi cỏ “nát si” lá sắc quật rách mặt, hạt nhọn bắn vào người là nhức thịt da. May sao giày tôi còn tốt nên đỡ rách chân.

Hôm nay hơn hai mươi người ốm yếu không thể đi được nữa. Những tên cai lấy búa đập cho mỗi người một nhát. Tên chỉ huy Ả Rập trông thấy thế cũng không nói gì. Tội nghiệp cho u già Năng cũng bị chung số phận với hai mươi người kia. Tôi oán hận không sao đắp cho u già một nắm đất! Đó là người thứ nhất trong số những người sống sót của thuyền Hải Âu đã chết.”

“Đêm nào tôi cũng ngóng Đinhgô. Nó không trở lại nữa. Hay nó gặp nạn? Ecquyn bị rủi ro? Không! Không! Tôi không tin điều đó. Sở dĩ nó không trở lại đây có lẽ vì Ecquyn không có tin gì mới để báo cho tôi. Hơn nữa, chắc Ecquyn cũng phải thận trọng và coi chừng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.