Thuyết Phục

CHƯƠNG 22



Anne trở về nhà để suy nghĩ lại tất cả những gì cô đã nghe. Theo một khía cạnh, cô cảm thấy nhẹ nhõm khi đã biết qua con người anh Elliot. Không còn ý nghĩ tốt nào dành cho anh. Tư cách của anh trái ngược với Đại tá Wentworth qua những cách phiền nhiễu không ai chấp nhận được; còn về tư cách xấu xa khi anh tỏ lộ sự quan tâm tối hôm qua và hậu quả tức thời, cô có cảm nhận rõ ràng, không hề băn khoăn. Không còn sự thương hại dành cho anh. Nhưng đấy không phải là sự nhẹ nhõm duy nhất. Trong mọi khía cạnh khác, khi nhìn quanh mình hoặc khi suy ngẫm xa hơn về phía trước, cô càng thấy nhiều điều ngờ vực và lo lắng. Cô lo Phu nhân Russell sẽ thất vọng và tức tối, còn ông bố và chị sẽ buồn khổ. Cô cũng tiên liệu nhiều điều tệ hại mà không biết là thế nào hoá giải. Cô mừng vì đã hiểu con người anh. Cô đã không bao giờ nghĩ mình có lợi lộc gì khi không xem thường người bạn cũ như chị Smith, nhưng bây giờ tình bạn ấy tạo lợi điểm! Chị Smith đã kể cho cô nghe những gì mà không ai khác có thể kể được. Liệu thông tin có thể lan đến gia đình cô hay không? Nhưng đấy là ý nghĩ hão huyền. Cô phải nói chuyện với Phu nhân Russell, cho bà biết rõ vụ việc, tham khảo ý kiến của bà. Sau khi đã tính toán mọi việc có thể được, cô bình thản chờ đợi cơ hội. Dù sao chăng nữa, cố thiếu bình thản ở chỗ mở rộng tâm tình với Phu nhân Russell; cả dòng chảy bứt rứt và e sợ ấy chỉ liên quan đến cad nhân cô.
Khi về đến nhà, cô thấy đúng như đã dự tính: cô đã né tránh được anh Elliot. Anh đã đến và ngồi lại cả buổi sáng. Nhưng vừa tự chúc mừng mình và cảm thấy an toàn thì cô nghe anh sẽ đến lần nữa vào buổi tối.
Với vẻ xuề xoà kiểu cách, Elizabeth nói:
– Chị không hề có ý mời anh ấy, nhưng anh có nhiều ẩn ý; ít nhất thì chị Clay nói thế.
– Đúng, tôi đã nói thế. Trong đời tôi chưa từng thấy ai tha thiết muốn được mời đến thế. Tội nghiệp anh trai trẻ! Tôi thấy khổ cho anh ấy, bởi vì có vẻ như người em gái có con tim cứng rắn, cô Anne, có xu hướng tàn nhẫn.
Elizabeth thốt lên:
– Ôi! Tôi đã quá quen với cái trò mà những ẩn ý của quý ông sẽ nhanh chóng vượt qua. Tuy nhiên, khi thấy anh tỏ vẻ rất tiếc đã không gặp ông bố sáng này, tôi nhượng bộ ngay, vì tôi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội giúp anh gặp ông bố.Mỗi người đều có lợi khi gặp gỡ người kia. Mỗi người đều xử sự rất thân mật. Anh Elliot rất được tôn trọng.
Chị Clay thốt lên nhưng không dám nhìn Anne:
– Thật là vui! Đúng như là hai cha con. Cô Elliot thân yêu, tôi có thể nói cha con được không?
– À, tôi không cấm đoán ngôn từ của ai cả. Nếu họ có ý tưởng ấy! Nhưng tôi vẫn tin mối quan tâm của anh ấy không hơn so với những người đàn ông khác.
Chị Clay đưa cao hai tay và nhướng hai mắt:
– Cô Elliot thân yêu của tôi!
Rồi chị chôn giấu nỗi kinh ngạc còn lại trong im lặng.
– À, Penelope à, chị không cần phải kinh động vì anh ấy. Tôi đã mời anh đến, chị biết đấy. Tôi tiễn anh ấy với nụ cười. Khi biết cả ngày mai anh ấy thật sự đi thăm bạn bè ở Công viên Thornberry, tôi lấy làm trắc ẩn với anh.
Anne ngưỡng mộ tài đóng kịch giỏi của chị bạn khi tỏ ra vui thích, khi mong chờ chính người vốn có thể ngáng trở mục tiêu chủ yếu của mình. Chị Clay hẳn không thích anh Elliot lui tới nhưng vẫn tạo vẻ bề ngoài bình thản về hùa, và tỏ ra khá hài lòng khi bị hạn chế phục vụ Ngài Walter, chỉ bằng một nửa so với mức chị mong muốn.
Đối với bản thân Anne, quả là khổ sở khi thấy anh Elliot bước vào phòng và khó chịu khi anh tiến đến mở lời với cô. Cô đã từng có cảm nghĩ không phải lúc nào anh cũng chân thật, nhưng bây giờ cô thấy anh thiếu chân thật trong mọi chuyện. Thái độ tôn kính cha cô, trái ngược với ngôn từ của anh lúc trước, là điều ghê tởm. Khi nghĩ đến cách cư xử tàn nhẫn đối với chị Smith, cô không chịu được những nụ cười và vẻ hiền hoà của anh hiện giờ, hoặc ngôn từ giả tạo bầy tỏ tình cảm tốt đẹp.
Cô có chủ ý tránh thay đổi thái độ kẻo khiến cho anh phản kháng. Mục đích chính yếu là tránh mọi dọ hỏi hoặc thuận lòng. Trái lại, cô định tỏ ra nguội lạnh với anh cho phù hợp với mối quan hệ giữa hai người, và nhẹ nhàng lùi ít bước ra khỏi mức thân mật không cần thiết mà cô dần dà đi theo. Vì thế mà cô tỏ ra thận trọng hơn, lãnh đạm hơn là buổi tối hôm trước.
Anh muốn kích động óc hiếu kỳ của cô về việc làm thế nào và ở đâu anh đã nghe cô được ca ngợi, anh rất muốn chiều lòng nếu nghe cô khẩn khoản thêm, nhưng sức quyến rũ đã tan tành. Anh thấy cần có một gian phòng công cộng ấm áp và sinh động để nhen nhúm thói phù hoa của cô em họ. Ít nhất anh thấy rằng bây giờ không nên làm việc này qua những cách thức mà anh có thể liều lĩnh thực hiện giữa những đòi hỏi quá đáng của những người khác. Anh ức đoán phần nào rằng chính đấy là cái trò chống lại lợi ích của mình, vì làm cho cô nghĩ đến những phần trong tư cách anh khó biện hộ được.
Cô có phần hài lòng khi biết sáng sớm hôm sau anh sẽ rời Bath và vắng mặt gần trọn hai ngày. Anh lại được mời đến Khu phố Camden vào buổi tối ngay sau khi trở về; nhưng trong các buổi tối từ Thứ Năm đến Thứ Bảy chăc chắn anh sẽ vắng mặt. Điều tệ hại là chị Clay luôn hiện diện trước mặt cô; nhưng một người đạo đức giả tệ hại hơn gia nhập gia đình cô sẽ phá huỷ sự an bình và thoải mái. Khi nhớ lại anh đã lừa dối liên tục đối với cha cô và Elizabeth; khi xét qua những người sẽ khiến cho hai người đau khổ, thì hành động của anh quả là gây ô nhục! Thói ích kỷ của chị Clay thì không phức tạp và không ghê tởm bằng tư cách anh, và Anne hẳn đã lập tức phớt lờ cuộc hôn nhân với mọi điều tồi tệ theo sau, hầu thoát khỏi sự xảo quyệt của anh Elliot khi anh cố ngăn chặn cuộc hôn nhân này.
Ngày Thứ Sáu, cô định sau bữa ăn sáng đi thật sớm gặp Phu nhân Russell để nói chuyện cho xong xuôi. Nhưng chị Clay cũng đi ra ngoài với mục đích giúp chị cô việc gì đó, nên cô phải chờ đợi vì không muốn có chị cùng hiện diện. Cô chờ cho chị Clay đi rồi mới bắt đầu nói về việc dành cả buổi sáng cho Phố Rivers.
Elizabeth nói:
– Được rồi, chị không có gì cần gửi ngoài lời thăm hỏi. Mà này, em có thể cầm về quyển sách đáng chán ấy mà bà sẽ cho chị mượn, rồi chị sẽ giả vờ đọc xong. Chị thật sự không thể tự làm phiền nhiễu mình với tất cả những bài thơ mới và thời sự quốc gia. Phu nhân Russell làm người ta chán ngán với những ấn phẩm mới của bà. Em không cần nói với bà điều này: chị nghĩ tối hôm nọ chiếc áo của bà trông qúa xấu xí. Chị vẫn nghĩ bà có khiếu thẩm mỹ trong trang phục, nhưng chị lấy làm xấu hổ với bà trong buổi hoà nhạc. Bà có vẻ gì đấy thật trang trọng và ngăn nắp! Và bà ngồi thật ngay thẳng! Dĩ nhiên bà là người chị yêu mến nhất.
Ngài Walter thêm:
– Còn lời thăm hỏi của bố nữa. Con có thể nói rằng bố định đi thăm bà ấy. Ăn nói cho tử tế, nhưng bố sẽ chỉ đưa thiệp tới. Đi thăm buổi sáng thì không thích hợp với phụ nữ vào tuổi của bà vì họ thường trang điểm qúa ít. Nếu bà ấy chỉ thoa son môi thì không sợ người ta trông thấy, nhưng lần trước bố đến, bố thấy bức rèm được kéo xuống lập tức.
Trong khi ông bố đang nói, có tiếng gõ cửa. Ai có thể đến đây? Anne nghĩ đấy là anh Elliot vì nhớ lại những lần anh đến bất cứ giờ giấc nào, nhưng cô biết anh có hẹn cách xa hơn mười kilômét. Sau khoảnh khắc hồi hộp thông thường, có tiếng bước chân đến gần, rồi “ông và bà Charles Musgrove” được đưa vào phòng.
Sự xuất hiện của hai người gây kinh ngạc, riêng Anne thật sự vui mừng trông thấy hai vợ chồng, còn những người khác tạo vẻ bề ngoài để chào đón cho hợp khuôn phép. Ngay sau khi được biết rõ hai người thân gần gũi nhất của gia đình đến mà không định ngụ trong ngôi nhà, thì Ngài Walter và Elizabeth mới có thể đứng dậy tỏ tình thân mật. Hai vợ chồng cùng với bà Musgrove đến Bath trong vài ngày, và đang ngụ ở White Hart. Ban đầu chỉ biết được thế, và phải đợi đến khi Ngài Walter và Elizabeth dẫn Mary vào phòng khách khác và lấy làm vui khi cô chiêm ngưỡng, Anne mới hỏi Charles về lý do hai người đến đây, hoặc giải thích về những ẩn ý do Mary nói ra về công việc cũng như về những người khác trong đoàn.
Lúc ấy, Anne được biết ngoài hai vợ chồng, đoàn còn có bà Musgrove, Henrietta và Đại tá Harville. Charles cho cô biết lý do đơn giản, dễ hiểu của toàn bộ vụ việc, qua đó cô nhận ra chuyến đi rất đặc biệt. Kế hoạch được thôi thúc trước tiên do Đại tá Harville muốn đi Bath để lo công việc. Một tuần trước, anh bắt đầu nói về việc này. Vì muốn làm gì đấy khi mùa săn bắn chấm dứt, Charles đề nghị đi theo anh, rồi cô Henrietta ủng hộ ý kiến này vì có lợi cho chồng mình. Mary không chịu bị bỏ lại, tỏ ra bất bình, và trong một, hai ngày mọi việc đều căng thẳng. Rồi cha mẹ anh tham gia. Mẹ anh có vài người bạn cũ ở Bath mà bà muốn gặp lại; đấy là cơ hội tốt cho Henrietta đi mua áo cưới cho hai chị em. Kết cục, đấy là đoàn của mẹ anh; và mọi việc đều thoải mái và dễ dàng đối với Đại tá Harville; anh và Mary được bao gồm trong đoàn vì lý do thuận tiện. Đoàn đã đến buổi tối hôm trước. Cô Harville, đám trẻ của cô. Đại tá Benwick cùng ông Musgrove và Louisa ở lại Uppercross.
Anne chỉ lấy làm ngạc nhiên ở chỗ vụ việc đã tiến nhanh đến mức bàn bạc về áo cưới của Henrietta. Cô đã mường tượng những khó khăn ngáng trở hôn lễ, nhưng Charles cho biết gần đây (từ lúc Mary viết lá thư cuối cùng cho cô), Charles Hayter đã được một người bạn nhờ quản lý phần trợ cấp cho một người trẻ vốn không thể nắm giữ trong nhiều năm, và dựa trên mức thu nhập khá của anh có phần chắc sẽ được lâu dài, hai gia đình đã đồng ý cho đôi trẻ lấy nhau, và hôn lễ dự trù được cử hành ít tháng sau, đồng thời với hôn lễ của Louisa.
Charles nói thêm:
– Điều kiện sống rất tốt, chỉ cách Uppercross bốn mươi kilômét, trong một vùng rất đẹp, vùng đẹp của Dorsetshire. Ở trung tâm của một trong những vùng bảo tồn tốt nhất trong vương quốc, bao quanh là ba trang trại lớn, đều được quản lý cẩn thận và ganh đua với nhau, và Charles Hayter có nhận đề xuất đặc biệt cho ít nhất hai nơi. Vấn đề là anh ta không biết đánh giá đất đai; Charles chẳng thích săn bắn gì cả. Đấy là điểm tệ hại nhất của anh ta.
Anne nói:
– Tôi rất vui, đặc biệt vui với chuyện này, vì hai chị em đều xứng đáng và luôn là bạn tốt của tôi. Triển vọng tốt đẹp của người này không làm lu mờ triển vọng của người kia – cả hai đều ngang bằng trong cảnh khá giả và thoải mái. Tôi mong bố mẹ anh rất hạnh phúc với cả hai cô.
– À, đúng. Bố tôi hẳn sẽ rất đẹp lòng nếu hai anh giàu có hơn, nhưng ông không thấy khuyết điểm nào khác. Tiền bạc, cô biết đấy, nói đến tiền bạc – hai con gái lấy chồng cùng một lúc – thì không phải là dễ tính toán, và cũng khiến cho ông bận tâm như bao chuyện khác. Tuy nhiên, tôi không có ý nói bố mẹ tôi không có quyền trong chuyện này. Điều rất phù hợp là hai người chia phần với hai con gái; và tôi tin chắc đối với tôi ông ấy luôn là một người bố rất hiền từ, phóng khoáng. Mary không mấy hài lòng với cuộc hôn phối của Henrietta. Cô ấy không hề hài lòng; cô biết mà. Nhưng cô ấy không công tâm với anh ta, cũng không suy xét kỹ về Winthrop. Tôi không thể nào làm cho cô ấy chú ý đến giá trị của bất động sản này. Đấy là cuộc hôn nhân rất tương xứng về lâu về dài. Tôi đã mến thích Charles Hayter cả đời, bây giờ vẫn thế.
Anne nói:
– Bậc bố mẹ tuyệt vời như ông bà Musgrove hẳn phải hạnh phúc với các cuộc hôn nhân của con cái. Tôi tin hai người đã làm mọi việc để tạo hạnh phúc cho con cái. Quả là ân phúc đối với những người trẻ trong những bàn tay như thế! Có vẻ như bố mẹ anh hoàn toàn không có tham vọng khiến dẫn đến hành vi sai trái và đau khổ, cả trong thời tuổi trẻ lẫn tuổi già. Tôi hy vọng Louisa đã hoàn toàn bình phục rồi chứ?
Anh trả lời khá ngập ngừng:
– Vâng, tôi nghĩ thế; bình phục khá tốt. Nhưng cô ấy đã thay đổi, không chạy nhảy, không cười đùa hoặc khiêu vũ; khác nhiều so với lúc trước. Nếu có người đóng cánh cửa mạnh một tí là cô ấy giật mình run rẩy như là con chim lặn vẫy vùng dưới nước. Benwick suốt ngày ngồi bên cô ấy, đọc thơ hoặc thì thầm với cô ấy.
Anne không thể ngăn tiếng cười:
– Tôi biết anh không có năng khiếu làm việc này, nhưng tôi tin anh ấy là một trai trẻ rất giỏi.
– Chắc chắn là thế. Không ai nghi ngờ gì; và tôi mong cô đừng nghĩ tôi qúa khó khăn khi muốn tất cả đàn ông có cùng sở thích và thú vui như tôi. Tôi đánh giá rất cao Benwick; và khi người ta muốn nghe anh trò chuyện thì anh có nhiều chuyện để kể. Việc anh đọc sách không làm hại đến anh, và anh chiến đấu giỏi như đọc sách. Anh là người quả cảm. Thứ Hai rồi, tôi được hiểu rõ về anh hơn là trước đây. Chúng tôi tổ chức một cuộc săn chuột nổi tiếng suốt buổi sáng trong các nhà kho của bố tôi; anh ấy hỗ trợ rất tốt khiến cho từ lúc ấy tôi càng mến anh thêm.
Đến đây, hai người bị gián đoạn vì Charles bị bắt buộc phải đi theo những người khác để chiêm ngưỡng những tấm gương soi và đồ sứ trong nhà; nhưng Anne đã nghe đủ để hiểu được tình hình hiện tại ở Uppercross và mừng cho hạnh phúc gia đình anh. Dù cô thở dài khi vui mừng nhưng đấy không phải là do thiếu thiện ý vì ganh tị. Chắc chắn là cô có thể nâng tầm ân phúc của gia đình anh nếu muốn, nhưng cô không muốn hạ thấp những ân phúc này.
Chuyến viếng thăm diễn ra vui vẻ. Mary rất vui. tỏ ra thích thú với khung cảnh và sự thay đổi, rất hài lòng với chuyến đi trên cỗ xe bốn ngựa của mẹ chồng và với sự độc lập hoàn toàn khỏi Khu phố Camden, đến nỗi cô trầm trồ vè mọi thứ và khen ngợi những điểm vượt trội của ngôi nhà khi gia đình giải thích cho cô nghe. Cô không đòi hỏi gì nơi ông bố và người chị, và địa vị cô nâng cao khi được tiếp đãi trong một phòng khách sang trọng.
Trong một lúc, Elizabeth cảm thấy khó xử. Cô nghĩ phải mời bà Musgrove và cả đoàn một bữa ăn tối, nhưng lại e ngại bữa ăn sẽ phơi bày cung cách thấp kém hơn xưa và số người phục dịch ít hơn xưa. Đấy là mối giằng co giữa nếp sống và thói phù hoa, trong đó thói phù hoa lấn lướt. Nhưng rồi Elizabeth vui trở lại. Trong thâm tâm cô có những thuyết phục cho mình: “Đấy là những cảm nghĩ xưa cũ; tính mến khách nơi miền nông thôn; ta không cần phải bày vẽ mời ăn; ít người ở Bath làm thế; Phu nhân Alicia không làm thế, thậm chí cũng không mời gia đình em gái dù họ lưu lại đây cả tháng; và mình dám nói mời như thế là rất bất tiện cho bà Musgrove, khiến cho bà ngượng nghịu trong khung cảnh mới. Mình tin chắc bà không thích đến; bà không thể nào được thoải mái với chúng ta. Mình sẽ mời đoàn đến chơi buổi tối, như thế tốt hơn nhiều; đấy là nếp sống và cách tiếp đãi thời thượng. Đoàn chưa xem kỹ các phòng khác. Họ sẽ vui mà đến đây tối ngày mai. Đấy sẽ là buổi họp mặt thông thường, nhỏ, nhưng tao nhã nhất.”
Như thế là đủ cho Elizabeth hài lòng. Khi lời mời và lời hứa thay người vắng mặt được đưa ra, Mary hoàn toàn hài lòng. Cô đặc biệt yêu cầu được gặp anh Elliot, được giới thiệu với Phu nhân Dalrymple và cô Carteret – may mắn là hai người hứa sẽ đến – và cô thấy mình được quan tâm đúng mực. Cô Elliot sẽ có vinh dự đi thăm bà Musgrove sáng hôm sau; còn Anne lập tức đi cùng với Charles và Mary để thăm bà Musgrove và Henrietta.
Kế hoạch ngồi trao đổi với Phu nhân Russell phải được hoãn lại. Cả ba ghé qua Phố Rivers trong vài phút, nhưng Anne tin rằng một ngày trì hoãn việc trao đổi theo dự kiến thì không hại gì. Với vẻ háo hức do thiện ý theo giao tiếp, cô vội theo hai vợ chồng đến White Hart để gặp lại bạn bè và người quen mùa thu rồi.
Anne thấy bà Musgrove ngồi cùng cô con gái, và được cả hai chào đón tử tế.. Henrietta trông y như lần gặp trước, với vẻ tươi tắn mới vì hạnh phúc làm cho cô tỏ ra quan tâm nồng nàn đối với mọi người cô đã mến thích. Riêng Anne được bà Musgrove thật sự ưu ái và cô đã tỏ ra hữu dụng khi gia đình bà gặp cảnh khổ sở. Anne vui vì thấy bà biểu lộ tình cảm cùng lòng chân thật mà gia đình cô thiếu kém. Bà khẩn khoản cô dành càng nhiều thời giờ càng tốt cho đoàn, mời cô đến mỗi ngày, xem cô như là thành phần trong gia đình bà. Đáp lại, qua cung cách quan tâm và giúp đỡ như thường thấy, cô lắng nghe bà Musgrove kể chuyện về Louisa, lắng nghe Henrietta kể chuyện mình, và nghe các phụ nữ hỏi ý kiến về việc mua sắm. Thỉnh thoảng Mary chen vào để hỏi han việc thay đổi dải ruy-băng của mình hầu thanh toán tiền nong; hỏi tìm các chìa khoá và những món vặt vãnh của mình, để đảm bảo mình không bị bỏ bê, vì cô đã có khoảnh khắc tưởng tượng như thế khi đứng ở cửa sổ nhìn ra lối vào Phòng Bơm.
Một buổi sáng lộn xộn là điều không tránh khỏi. Một đoàn đông người ngụ trong một khách sạn luôn có những cảnh thay đổi nhanh chóng, thiếu ôn định. Sau năm phút có một bức thư đưa đến, năm phút kế có một gói quà. Anne chưa ngồi được nửa giờ mà phòng ăn, tuy rộng rãi, có vẻ như đã chật kín đến phân nửa; một nhóm bạn bè ngồi chung quanh bà Musgrove, rồi Charles trở lại cùng Đại tá Harville và Wentworth. Sự xuất hiện của Wentworth không phải là điều đáng ngạc nhiên lắm trong lúc này. Cô vẫn nghĩ, khi hai người bạn chung của anh và cô đến thì thể nào anh và cô cũng sẽ được gặp nhau. Trong cuộc gặp gỡ trước, anh đã bộc lộ những cảm nghĩ và cô đã nhận ra từ đó ý tình của anh cho cô tin tưởng. Nhưng qua dáng vẻ của anh bây giờ, cô e sợ anh vẫn còn vướng bận với tâm tư vốn đã khiến cho anh xa rời Phòng Hoà nhạc. Có vẻ như anh không muốn đến gần cô để chuyện trò.
Cô cố tỏ ra bình thản, để cho sự việc tự tiến triển, tự nhủ thầm lý luận về niềm tin yêu phải lẽ: “Nếu mỗi bên còn giữ tình cảm trung kiên, thì con tim hai chúng ta phải thông hiểu lẫn nhau. Chúng ta không phải là trẻ nít mà bắt bẻ nhau và cáu kỉnh với nhau, mà bị lạc lối vì sơ suất nhất thời, mà đùa nghịch một cách độc ác trên hạnh phúc của chúng ta.”
Tuy thế, trong vài phút kế tiếp, cô có cảm tưởng như thể việc hiện diện trong cùng nhóm và trong cùng tình huống chỉ khiến cho hai người bị va vào những hành động sơ ý và diễn dịch sai lạc theo cung cách tinh quái nhất.
Vẫn còn đứng ở cửa sổ, Mary kêu lên:
– Chị Anne ạ, chị Clay ở đằng kia kìa, đang đứng dưới hàng cây, kế bên một quý ông. Em vừa thấy hai người từ Phố Bath rẽ qua. Dường như hai người đang mải trò chuyện. Ai thế? Chị đến đây cho em biết là ai. Trời đất! Em nhớ ra rồi. Đấy chính là anh Elliot.
Anne vội nói:
– Không, không thể nào là anh Elliot, em tin chị đi. Anh ấy rời Bath lúc chín giờ sáng nay, đến mai mới về.
Trong khi nói, cô nhận ra Đại tá Wentworth đang nhìn mình, khiến cho cô bực bội và lúng túng, tiếc vì đã nói quá nhiều, tuy sự kiện là đơn giản.
Bực tức vì thấy mình không được quyền biết người anh họ của mình, Mary bắt đầu sôi nổi nói về những đặc điểm trong gia tộc, vẫn khẳng định rằng đấy là anh Elliot. Rồi cô lại gọi Anne đến mà nhìn cho rõ. Anne nhất quyết không nhúc nhích, cố giữ vẻ trầm tĩnh và lãnh đạm, nhưng cảm thấy đau khổ khi nhận ra những nụ cười và ánh mắt trao đổi qua lại giữa hai, ba khách phụ nữ, như thể bản thân họ tin vào chuyện bí mật. Hiển nhiên là lời đồn đại liên quan đến cô lan dần, rồi ngưng lại một lúc, để rồi lại lan ra xa hơn.
Mary kêu lên:
– Chị Anne đến đây, đến mà nhìn. Nếu không thì quá muộn. Hai người đang từ giã, đang bắt tay. Anh ấy đang rời đi. Em mà không biết anh Elliot! Chắc chị đã quên hết về Lyme.
Vì muốn Mary bớt ồn ào và có lẽ để che giấu nỗi ngượng nghịu, Anne bước đến cửa sổ, vừa kịp lúc để xác định người ấy đúng là anh Elliot, trước khi anh biến mất ở một bên đường và chị Clay vội bước đi phía bên kia. Trấn áp nỗi ngạc nhiên về việc trao đổi thân thiện giữa hai người có lợi ích đối lập nhau, cô điềm tĩnh nói:
– Đúng, đấy là anh Elliot, chắc hẳn rồi. Chị đoán anh ấy thay đổi giờ xuất phát, chỉ có thế, hoặc chị nhầm; chị không muốn để ý tìm hiểu.
Cô trở về ghế ngồi, với hy vọng thoải mái mình đã được tha bổng. Các vị khách từ giã. Sau khi đã lịch sự tiễn đưa khách, làm bộ dạng nhăn nhó mặt mày sau lưng họ rồi nói năng xúc phạm vì họ đã đến thăm, Charles bắt đầu:
– Này, mẹ ạ, con đã làm một việc mà mẹ sẽ thích. Con đã đến nhà hát đặt vé trong một ô cho tối mai. Con là đứa con ngoan phải không? Con biết mẹ thích kịch, và có đủ chỗ cho tất cả. Một ô có chín ghế ngồi. Con đã mời Đại tá Wentworth. Con tin Anne sẽ vui mà tham gia. Tất cả chúng ta đều thích kịch. Con đã làm tốt chưa, hở mẹ?
Bà Musgrove vui vẻ cất tiếng cho biết bà sẵn sàng thưởng thức kịch, nếu Henrietta và những người khác cũng thích. Nhưng Mary ngắt lời bà:
– Trời đất, Charles! Làm thế nào mà anh nghĩ ra chuyện như thế? Đặt một ô cho tối mai! Anh quên chúng ta đã có hẹn ở Khu phố Camden rồi sao? Chúng ta còn được đặc biệt yêu cầu gặp Phu nhân Dalrymple và con gái bà cùng anh Elliot, và tất cả các mối quan hệ gia đình chủ yếu, với mục đích được giới thiệu với hai người, anh nhớ không? Làm thế nào anh dễ quên đến thế?
Charles đáp:
– Hứ! Họp mặt buổi tối thì ra gì! Không đáng nhớ! Anh nghĩ bố em đáng lẽ phải mời ta ăn tối, nếu ông muốn gặp chúng ta. Em có thể làm việc gì tuỳ thích, nhưng anh sẽ đi xem kịch.
– Ôi! Charles, em thấy đấy là chuyện kinh tởm nếu anh làm thế sau khi đã hứa đến.
– Không, anh không hứa. Anh chỉ cười điệu, cúi đầu chào và nói “rất vui”. Không có lời hứa.
– Nhưng anh phải đi, Charles à. Nếu không thì là điều không tha thứ được. Chúng ta đã chủ định yêu cầu được giới thiệu. Luôn có mối quan hệ tốt đẹp giữa gia tộc Dalrymple và chúng ta. Không có việc gì xảy ra ở mỗi bên mà không được thông báo lập tức. Chúng ta là họ hàng khá gần với hai người, anh biết đấy. Còn anh Elliot nữa, mà anh đặc biệt phải quen biết! Mọi sự quan tâm đều hướng đến anh ấy. Hãy xét xem: người thừa kế của cha em, trưởng tộc tương lai.
Charles kêu lên:
– Đừng nói với anh về mấy người thừa kế và trưởng tộc. Anh không phải nằm trong số những người quên quyền lực trị vì mà khom mình trước mặt trời mọc 1. Nếu không đi vì cha em thì sẽ là chuyện xấu xa nếu anh đi vì trưởng tộc. Anh Elliot sẽ là gì với anh chứ?
Câu nói sơ suất có ý nghĩa quan trọng đối với Anne. Cô thấy Đại tá Wentworth chú tâm để ý, ngắm nhìn và nghe ngóng với cả tâm tư, và câu nói cuối cùng làm cho anh hướng ánh mắt dò hỏi từ Charles qua chính cô.
Charles và Mary vẫn trao đổi với nhau qua cùng cách thức: chồng nửa nghiêm túc nửa bỡn cợt, vẫn muốn theo kế hoạch đi xem kịch; còn vợ hoàn toàn nghiêm túc, quyết liệt chống đối kế hoạch, không quên cho biết cô vẫn nhất định đi Khu phố Camden, và nếu đoàn đi xem kịch thì họ đã ngược đãi cô.
Bà Musgrove chen vào:
– Ta nên hoãn lại, Charles à, con nên quay lại nhà hát để đổi cho ngày Thứ Ba. Chia rẽ là điều đáng tiếc; còn chúng ta sẽ mất cô anne nếu có họp mặt ở nhà bố cô; và mẹ tin Henrietta lẫn mẹ không màng đi xem kịch nếu cô Anne không đi với chúng ta.
Anne thật cảm kích với lòng tử tế, và cũng cảm kích vì có cơ hội lên tiếng:
– Bà ạ, nếu chỉ dựa vào tôi thì buổi họp mặt ở nhà không ngáng trở gì cả (ngoài trừ với lý do của Mary). Tôi không thích loại hội họp như thế, và sẽ rất vui mà thay đổi không khí qua một vở kịch, với bà. Nhưng có lẽ ta không nên cố đi cho bằng được.
Cô đã nói lên điều mình muốn nói, nhưng run rẩy khi nói xong, biết rằng có người nghe rất chăm chú, và cô thậm chí không dám đưa mắt nhìn hiệu quả ra sao.
Rổt cuộc, mọi người đồng ý ngày đi xem kịch là Thứ Ba. Riêng Charles vẫn muốn trêu đùa vợ mình khi khăng khăng nói dù ngày mai không ai đi xem kịch, anh vẫn đi.
Đại tá Wentworth rời khỏi ghế ngồi, bước đến lò sưởi, có lẽ để chuẩn bị ra về sau đấy. Anh ngồi kế bên Anne, nét mặt dịu lại, nói:
– Cô ngụ ở Bath chưa lâu nên chưa hưởng hết các buổi hội họp buổi tối.
– À, không đâu. Thói quen thông thường khi hội họp không phù hợp với tôi. Tôi không biết chơi bài 2.
-Tôi biết trước đây cô không chơi bài. Có lúc tôi không thích chơi bài, nhưng thời gian có thể mang lại nhiều thay đổi.
Anne thốt lên:
– Tôi chưa thay đổi đến thế.
Rồi cô ngừng lại, chưa rõ mình sẽ bị hiểu sai nghĩa ra sao.
Sau khi chờ đợi một lúc, như thể từ cảm nghĩ bất chợt, anh nói:
– Quả là một giai đoạn! Tám năm rưỡi là một giai đoạn.
Liệu anh sẽ tiến xa thêm hay không là điều dành cho Anne tưởng tượng khi cô suy ngẫm trong thời gian nhàn nhã, bởi vì khi anh chưa dứt tiếng, cô giật mình vì Henrietta đã đổi đề tài, muốn dùng thời giờ rảnh rỗi để đi ra ngoài và rủ mọi người đi theo mình.
Nhóm người trẻ phải đi theo cô. Anne bảo mình đã sẵn sàng và cố ra vẻ sẵn sàng, nhưng lại nghĩ nếu Henrietta biết được tim cô nuối tiếc và lưỡng lự khi rời khỏi chỗ ngồi ấy, thì hẳn cô gái sẽ lấy làm tội nghiệp cho mình, qua cảm nhận với cô và trong tình thương mến của anh.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị phải dừng lại. Có những tiếng thông báo; những vị khách khác đang đến, rồi cánh cửa mở rộng cho Ngày Walter và Elizabeth bước vào, dập tắt mọi háo hức. Anne lập tức cảm thấy nặng trĩu và cô nhìn thấy mọi người có cùng tâm trạng. Không khí thoải mái, tự do, vui vẻ trong gian phòng đã không còn; thay vào đấy là thái độ lạnh lùng, sự im lặng có chủ ý hoặc lời lẽ vô vị để tiếp đón dáng vẻ tao nhã nhưng vô cảm của ông bố và chị cô. Quả là đau khổ mà nhận ra khung cảnh đúng thật như thế!
Con mắt ganh tị của cô được thỏa mãn theo một khía cạnh. Hai người chào Đại tá Wentworth, riêng Elizabeth tỏ ra lịch thiệp hơn trước đây. Thậm chí chị cô còn cất lời với anh, hơn một lần nhìn qua anh. Đúng thật là Elizabeth có một chủ ý quan trọng. Việc tiếp theo giải thích cho điều này. Sau khi đã mất vài phút để cất tiếng xã giao qua lại cho đúng phép tắc, Elizabeth đưa ra lời mời cho tất cả gia đình Musgrove. “Tối mai, để gặp ít người quen biết; không phải là họp mặt trang trọng.” Tất cả ngôn từ của cô đều trang nhã, và những tấm thiệp mời mà cô đưa ra, mang tên “Cô Elliot trong gia đình”, được đặt trên mặt bàn, với một nụ cười lịch sự bao quát cho mọi người, rồi một nụ cười và một tấm thiệp dành riêng cho Đại tá Wentworth. Sự thật là, Elizabeth đã cư ngụ ở Bath đủ lâu để hiểu một người có tư cách và dáng vẻ như anh là quan trọng. Quá khứ không là gì cả. Hiện tại là Đại tá Wentworth sẽ tôn vinh phòng khách của cô. Tấm thiệp được trao với ý nghĩa đi kèm, rồi Ngài Walter và Elizabeth đứng dậy từ giã.
Sự gián đoạn diễn ra nhanh nhưng có ý nghĩa quan trọng. Khi cánh cửa đã đóng, tinh thần của đa số trở lại thoải mái và sinh động, ngoại trừ Anne. Tâm trí cô chỉ vương vấn tấm thiệp mời mà cô đã chứng kiến với nỗi kinh ngạc, và cung cách đón nhận tấm thiệp: cung cách có ý nghĩa hồ nghi, ngạc nhiên hơn là cảm kích, chỉ lịch sự cầm lấy hơn là chấp nhận. Cô hiểu tâm tư anh; cô thấy vẻ khinh thường trong mắt anh và không dám tin rằng anh đã quyết định nhận lời mời – lời mời như là sự xoa dịu cho thái độ xấc xược với anh trong quá khứ. Tinh thần cô chùng xuống. Sau khi hai người ra về, anh cầm tấm thiệp mời trên tay như thể đang suy nghĩ tận lực.
Mary thì thầm nhưng ai cũng nghe rõ:
– Cứ nghĩ Elizabeth mời tất cả mọi người! Không lạ gì mà Đại tá Wentworth vui mừng! Em thấy anh ấy cứ cầm mãi tấm thiệp trên tay mà không muốn rời.
Anne bắt lấy ánh mắt anh, nhìn má anh ửng hồng, và đôi môi tạo vẻ khinh thường rồi quay đi, hầu cô không còn nhìn thấy hoặc nghe thấy thêm để nhạo báng anh.
Nhóm người phân tán ra. Đàn ông theo đuổi việc riêng, còn phụ nữ chuẩn bị đi mua sắm nên hai người không còn thấy nhau nữa trong khi Anne nhập cùng nhóm phụ nữ. Anne được khẩn thiết mời quay lại dùng bữa tối, và tất cả sẽ nghỉ ngơi đến hết ngày, nhưng tinh thần cô bị xáo động đến nỗi vào lúc này cô thấy khó tiếp tục họp mặt mà chỉ muốn về nhà, nơi cô có thể giữ im lặng theo ý muốn.
Vì thế, sau khi hứa sẽ trở lại với đoàn cả buổi sáng hôm sau, cô chấm dứt một ngày mệt mỏi bằng cách khổ nhọc đi bộ về Khu phố Camden. Ở đây, cả buối tối cô nghe Elizabeth và chị Clay chuẩn bị cho buổi họp mặt tối mai, đếm đi đếm lại số người được mời, liên tục bàn bạc việc cải thiện những chi tiết trang trí cho một sự kiện thanh lịch nhất ở Bath, trong khi cứ quấy rầy Anne với câu hỏi không dứt: liệu Đại tá Wentworth sẽ đến hay không? Ai nấy đều nghĩ rằng đấy là điều chắc chắn, nhưng đối với cô đây là nỗi băn khoăn dai dẳng, khiến cho cô không hề được trầm tĩnh quá năm phút. Cô vẫn nghĩ tựu chung anh sẽ đến, bởi vì cô vẫn nghĩ tựu chung anh phải đến; nhưng đây là trường hợp mà cô không thể quy về hành động theo bổn phận hay được quyền làm theo ý mình, và không khỏi thách thức những cảm nghĩ đối chọi nhau.
Cô chỉ thoát ra luồng tư tưởng giao động không ngừng để nói cho chị Clay biết rằng người ta đã trông thấy chị cùng với anh Elliot ba tiếng đồng hồ sau thời điểm đáng lẽ anh phải đi khỏi Bath, vì sau khi không nghe chị nhắc đến việc này, cô quyết định nói ra. Khi chị Clay lắng nghe, cô nhận xét dường như gương mặt chị lộ vẻ người làm chuyện sai trái. Đấy chỉ là thoáng qua: tan biến trong khoảnh khắc, nhưng Anne có thể đoán rằng qua trò gian trá lẫn nhau hoặc vì tính hống hách của anh mà chị đã nghe anh rao giảng (có lẽ đến nửa tiếng đồng hồ) nhằm hạn chế những toan tính của chị đối với Ngài Walter.
Tuy nhiên, chị kêu lên:
– À! Trời ơi! Đúng thế. Cô Elliot à, nghĩ mà xem tôi ngạc nhiên đến thế nào mà khi gặp anh Elliot trên Phố Bath. Tôi chưa từng ngạc nhiên đến thế. Anh quay lại và đi cùng tôi đến Trạm Bơm. Có chuyện ngăn anh đi Thornberry, nhưng tôi quên là chuyện gì; vì lúc ấy tôi đang vội và không chú ý nghe, chỉ có thể trả lời vì anh ấy không muốn trễ nải. Anh ấy muốn biết ngày mai có thể đến sớm được không. Ngày mai anh ấy có nhiều việc bận, và hiển nhiên là tôi cũng bận kể từ lúc tôi bước vào nhà này, biết được tầm mức kế hoạch của cô và tất cả những gì đã xảy ra, hoặc khi nhìn thấy anh ấy là tôi không thể nào bỏ ra ngoài đầu óc.
——————————–
1 Mặt trời mọc: vào thời này là cụm từ được dùng để chế giễu vị Thái tử Phụ chính, trị vì thay mặt cho cha là vua George III (trị vì 1760 – 1820) đang đau yếu. Một số người Anh, giống như Charles ở đây, có ác cảm với Thái tử Phụ chính và tuân phục George III hơn. Tình huống là tương tự vì Ngài Walter còn đang nắm giữ gia sản và tước phong trong khi anh Elliot chỉ là người thừa kế tương lai.
2 ơi bài: vào thời này, trong các buổi họp mặt chủ nhà thường tổ chức chia ra nhiều nhóm nhỏ để chơi bài, mục đích chỉ là vui với nhau. Vì thế, người không biết chơi bài thường bị lẻ loi, kém vui.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.