Tiền Không Mua Được Gì?

ĐẦU CƠ VÉ KHÁM BỆNH



Xếp hàng để kiếm tiền là hiện tượng không chỉ có ở nước Mỹ. Gần đây, khi đến Trung Quốc, tôi phát hiện ra nghề xếp hàng thuê đã trở nên phổ biến ở những bệnh viện hàng đầu ở Bắc Kinh. Cuộc cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường trong hai thập kỷ qua đã khiến các bệnh viện và phòng khám nhà nước, đặc biệt ở vùng nông thôn, bị cắt giảm tiền ngân sách nhà nước cấp. Vì vậy, bệnh nhân từ nông thôn thường đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lớn ở thủ đô, và họ xếp hàng dài ở sảnh đăng ký. Họ xếp hàng suốt đêm, đôi khi mất nhiều ngày để có vé khám bệnh [40].
Vé khám bệnh không hề đắt – chỉ 14 nhân dân tệ (khoảng 2 dollar). Nhưng không dễ có được nó. Thay vì phải cắm trại ngày đêm xếp hàng, một số bệnh nhân vì quá sốt ruột muốn được khám ngay nên đã mua vé khám bệnh từ những kẻ đầu cơ. Giới đầu cơ kiếm được tiền nhờ chênh lệch giữa cung và cầu. Họ thuê người xếp hàng lấy vé khám bệnh rồi bán lại với giá hàng trăm dollar – số tiền còn cao hơn thu nhập nhiều tháng trời của nông dân. Vé khám các bác sỹ hàng đầu thì đắt khủng khiếp, được giới đầu cơ săn tìm và bán như thể đó là vé xem giải vô địch bóng chày quốc gia Mỹ vậy. Báo Los Angeles Times mô tả cảnh đầu cơ vé khám bên ngoài sảnh đăng ký của một bệnh viện ở Bắc Kinh như sau: “Bác sỹ Tang đây. Bác sỹ Tang đây. Ai muốn mua vé khám bác sỹ Tang không? Chuyên khoa khớp và lây nhiễm đây” [41].
Hành động đầu cơ vé khám bệnh có cái gì đó đáng ghê sợ. Lý do là nó đem lại lợi nhuận cho những kẻ môi giới tồi tệ chứ không phải cho những người làm dịch vụ y tế. Bác sỹ Tang hoàn toàn có thể đặt câu hỏi là nếu một vé khám bệnh khớp trị giá 100 dollar thì tại sao phần lớn số tiền này không thuộc về ông hay về bệnh viện mà lại thuộc về một kẻ môi giới nào đó. Các nhà kinh tế học cũng nhất trí với ông và sẽ khuyên bệnh viện nâng giá khám bệnh lên. Thực tế là một số bệnh viện ở Bắc Kinh đã bổ sung cửa bán vé khám đặc biệt. Ở đây giá vé đắt hơn và số người xếp hàng ít hơn nhiều [42]. Vé khám bệnh giá cao chính là một dạng vé cao cấp, không phải chờ đợi, giống như ở công viên giải trí hay lối đi ưu tiên ở sân bay – cơ hội cho bạn trả tiền để chen lên hàng đầu.
Nhưng cho dù ai kiếm được tiền từ hiện tượng cầu vượt quá cung – kẻ đầu cơ hay bệnh viện – thì dịch vụ “lối đi ưu tiên” vào phòng khám bệnh khớp cũng đặt ra một câu hỏi cơ bản: Liệu bệnh nhân có nên được ưu tiên khám bệnh trước vì họ có khả năng chi nhiều tiền hơn không?
Sự xuất hiện của giới đầu cơ vé khám và cửa bán vé khám đặc biệt ở các bệnh viện Bắc Kinh càng làm câu hỏi này trở nên cấp thiết. Nhưng ở Mỹ, ta cũng có thể đặt câu hỏi tương tự cho một hình thức chen hàng khác tinh vi hơn – sự ra đời của các bác sỹ “chăm sóc bệnh nhân”.

Chú thích:

[40] David Pierson, “Trung Quốc: tư nhân hóa ngành y tế tạo ra hàng người xếp hàng dài và sự chán nản”, Los Angeles Times, 11/2/2010; Evan Osnos, “Trung Quốc: dịch vụ y tế cũng bị đầu cơ”; Chicago Tribune, 28/9/2005; “Tiêu điểm Trung Quốc: Bệnh viện tư nhân mang trên vai gánh nặng hy vọng cải thiện hệ thống y tế đã xuống cấp”, Tân Hoa Xã, 11/3/2010, www.istockanalyst. com/article/viewiStockNews/articleid/3938009.

[41] Yang Wanli, “Giới đầu cơ bán vé khám bệnh với giá 3.000 nhân dân tệ”, China Daily, 24/12/2009, www.chinadaily.com.cn/bizchina/2009- 12/24/ content_9224785.htm; Pierson, “Trung Quốc: tư nhân hóa ngành y tế tạo ra hàng người xếp hàng dài và sự nản chí”.

[42] Osnos, “Trung Quốc: y tế nghĩa là đầu cơ, xếp hàng và nợ nần”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.