Tiền Không Mua Được Gì?

ĐẦU CƠ VÉ THÌ SAO?



Tại sao một số thứ như trả tiền để chen hàng, xếp hàng thuê và đầu cơ vé lại làm chúng ta muốn phản đối, trong khi những thứ khác thì không? Câu trả lời là thị trường làm xói mòn giá trị một số hàng hóa nhưng lại định giá thích hợp cho nhiều hàng hóa khác. Trước khi quyết định hàng hóa nào nên được phân bổ thông qua thị trường, hoặc xếp hàng, hoặc cách nào khác thì chúng ta phải xác định nó thuộc loại gì và nên được định giá ra sao.
Trả lời câu hỏi trên không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hãy xem ba ví dụ về hàng hóa “bị đánh giá thấp” nên dẫn tới tình trạng đầu cơ vé gần đây: cắm trại ở Công viên quốc gia Yosemite, lễ mixa ngoài trời của Giáo hoàng Benedict XVI và các buổi biểu diễn của ca sỹ Bruce Springsteen.
Đầu cơ vé cắm trại ở Yosemite
Công viên quốc gia Yosemite, bang California mỗi năm thu hút bốn triệu lượt khách du lịch. Khách đến thăm có thể đặt trước một trong 900 chỗ cắm trại trong công viên với giá 20 dollar một đêm. Dịch vụ đặt trước qua điện thoại hoặc mạng internet bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 15 hằng tháng, và bạn được đặt trước tối đa năm tháng. Nhưng không dễ đặt được chỗ cắm trại. Nhu cầu quá cao, đặc biệt là vào mùa hè, đến mức chỉ vài phút sau thời điểm mở dịch vụ đặt trước là hết chỗ.
Nhưng vào năm 2011, báo The Sacramento Bee cho biết giới đầu cơ vé đang bán chỗ cắm trại ở Yosemite trên trang web Craigslist với giá từ 100 đến 150 dollar một đêm. Ban Dịch vụ của công viên – trước nay luôn cấm bán lại chỗ đã đặt trước – phải đối mặt với một cơn bão phàn nàn về những kẻ đầu cơ và họ phải nỗ lực tìm cách ngăn chặn các giao dịch trái phép [58]. Theo logic thị trường thông thường thì không hiểu tại sao họ lại phải làm vậy. Nếu Ban Dịch vụ của công viên muốn tối đa hóa phúc lợi mà công viên Yosemite mang lại cho xã hội thì hẳn họ phải muốn chỗ cắm trại thuộc về những người đánh giá trải nghiệm này cao nhất – thể hiện qua mức sẵn lòng chi trả. Vậy thì thay vì tìm cách đấu tranh với giới đầu cơ, họ nên chào đón những người này mới đúng. Hoặc nếu không thì họ nên nâng giá cắm trại lên bằng với mức giá trên thị trường đầu cơ để loại bỏ phần cầu dư thừa.

Nhưng sự giận dữ của xã hội về hiện tượng đầu cơ chỗ cắm trại ở Yosemite đã cho thấy xã hội bác bỏ logic thị trường. Tờ báo phanh phui câu chuyện đầu cơ đã tung ra một bài xã luận lên án giới đầu cơ với tiêu đề: GIỚI ĐẦU CƠ TẤN CÔNG CÔNG VIÊN YOSEMITE: KHÔNG CÒN GÌ THIÊNG LIÊNG NỮA SAO? Theo bài xã luận, đầu cơ chỗ cắm trại là một hành vi bất lương cần ngăn chặn chứ không phải một dịch vụ đem lại lợi ích cho xã hội. Bài báo viết: “Những kỳ quan trong công viên Yosemite thuộc về tất cả chúng ta, chứ không chỉ những người có đủ khả năng trả thêm tiền cho lũ đầu cơ” [59].
Thái độ chống đối hiện tượng đầu cơ chỗ cắm trại ở Yosemite hàm chứa hai lập luận phản đối: một về công bằng, và một về cách đánh giá giá trị công viên quốc gia thế nào là phù hợp. Lập luận thứ nhất cho rằng đầu cơ gây ra bất công với những người có nguồn lực hạn hẹp, không thể chi 150 dollar cho một đêm cắm trại. Lập luận thứ hai – chính là hàm ý của câu hỏi rất hùng hồn trong bài xã luận (“Không còn gì thiêng liêng nữa sao?”) – cho rằng có những thứ không nên đem ra mua bán. Theo đó, công viên quốc gia không chỉ thuần túy mang lại độ thỏa dụng cho xã hội mà còn là nơi chứa đựng vẻ đẹp của các kỳ quan thiên nhiên, xứng đáng được đánh giá cao, thậm chí được kính trọng. Để những người đầu cơ đấu giá quyền tham quan một nơi có giá trị như vậy có vẻ như là một hành vi báng bổ.
Lễ mixa của Giáo hoàng
Sau đây là một ví dụ khác về việc thị trường làm mất giá trị của một điều thiêng liêng. Khi Giáo hoàng Benedict XVI công du nước Mỹ lần đầu tiên, nhu cầu sở hữu vé đến dự lễ mixa của ông tổ chức ở sân vận động các thành phố New York và Washington, D.C. lên rất cao, vượt xa lượng chỗ ngồi sẵn có dù tổ chức ở sân vận động Yankee. Vé được phát miễn phí thông qua các giáo khu và giáo xứ. Tình trạng đầu cơ vé là không thể tránh khỏi – vé được rao bán trên mạng với giá hơn 200 dollar. Và các quan chức giáo hội phải lên tiếng phản đối vì họ cho rằng không nên mua bán quyền tham dự một nghi lễ tôn giáo. Một phát ngôn viên của nhà thờ đã nói: “Thị trường mua bán vé cho sự kiện này không nên tồn tại. Không ai có thể trả tiền để được ban phước cả” [60].
Những người đã mua vé từ giới đầu cơ hẳn không đồng ý với bà. Họ đã làm được việc trả tiền để có mặt trong lễ ban phước. Nhưng theo tôi, phát ngôn viên của nhà thờ có ý khác khi nói như vậy: Mặc dù thông qua việc mua vé từ người đầu cơ, bạn có thể trả tiền để được có mặt trong lễ mixa của Giáo hoàng, nhưng ý nghĩa tâm linh của lễ ban phước sẽ mất đi nếu người ta mua bán nó. Nếu chúng ta coi các nghi lễ tín ngưỡng hay kỳ quan thiên nhiên là những hàng hóa mua bán được trên thị trường thì chúng ta đang hành xử thiếu tôn trọng. Biến những điều thiêng liêng thành công cụ sinh lợi nhuận là cách đánh giá giá trị sai lầm.
Thị trường vé xem Springsteen
Nhưng nếu một sự kiện vừa có tính thương mại vừa mang ý nghĩa khác thì sao? Năm 2009, nghệ sỹ Bruce Springsteen có hai buổi biểu diễn ở quê hương, bang New Jersey. Ông đưa ra giá vé cao nhất là 95 dollar mặc dù ông có thể bán với giá cao hơn nữa mà sân vận động vẫn kín người xem. Giá vé thấp khiến tình trạng đầu cơ vé hoành hành, tước đi của Springsteen khá nhiều tiền. Gần đây, ban nhạc Rolling Stones đã đưa ra giá vé 450 dollar cho chỗ ngồi đẹp nhất trong những chuyến lưu diễn của họ. Các nhà kinh tế học nghiên cứu giá vé của Springsteen nhận thấy rằng khi Springsteen đặt giá vé thấp hơn giá thị trường, ông đã mất khoảng 4 triệu dollar cho một tối biểu diễn [61].
Vậy tại sao Springsteen không lấy giá vé bằng giá thị trường? Với ông, giữ giá vé ở mức tương đối dễ chịu là cách duy trì niềm tin của những người hâm mộ thuộc tầng lớp lao động. Và đây cũng là cách ông thể hiện ý nghĩa những buổi biểu diễn của ông. Ông biểu diễn để kiếm tiền, đương nhiên, nhưng chỉ là một phần. Những buổi biểu diễn còn là những sự kiện mà sự thành công của chúng phụ thuộc vào tính cách, thành phần đám đông tham dự. Trong buổi biểu diễn không chỉ có những ca khúc mà còn có mối quan hệ giữa người nghệ sỹ và khán giả cũng như cái tinh thần đã mang họ đến với nhau.
Trong một bài báo trên tờ New Yorker về kinh tế học về các buổi biểu diễn nhạc rock, John Seabrook đã chỉ ra rằng các buổi biểu diễn nhạc sống không hoàn toàn là hàng hóa. Nếu chúng bị đối xử như hàng hóa thì giá trị của chúng sẽ suy giảm. “Băng đĩa nhạc là hàng hóa, còn các buổi biểu diễn là các sự kiện xã hội. Khi cố biến một trải nghiệm nhạc sống thành một hàng hóa, công chúng có thể sẽ mất đi cơ hội thưởng thức sự kiện ấy cùng nhau”. Seabrook trích lời của Alan Krueger, một nhà kinh tế học từng nghiên cứu giá vé xem các buổi biểu diễn của Springsteen như sau: “Những buổi biểu diễn nhạc rock luôn có trong nó một phần tiệc tùng chứ không đơn thuần là một thứ hàng hóa trên thị trường”. Krueger giải thích rằng tấm vé xem buổi biểu diễn của Springsteen không chỉ là hàng hóa, về mặt nào đó nó còn là một món quà. Nếu Springsteen lấy giá vé ngang mức giá thị trường thì ông sẽ làm mất đi mối quan hệ thân thiết với người hâm mộ [62].
Một số người có thể xem đây thuần túy là chiến lược quan hệ công chúng – chấp nhận hy sinh chút ít doanh thu hiện tại để chiếm được cảm tình và tối đa hóa thu nhập trong tương lai. Nhưng nhận định này không phải là cách giải thích duy nhất những gì Springsteen làm. Springsteen tin – một niềm tin đúng đắn – rằng nếu coi buổi biểu diễn của mình là hàng hóa thuần túy trên thị trường thì ông sẽ làm mất ý nghĩa của nó, đánh giá nó theo cách sai lầm. Ít nhất về mặt này, ông và Giáo hoàng Benedict có điểm chung.

Chú thích:

[58] Marjie Lundstrom, “Giới đầu cơ thao túng dịch vụ đặt chỗ ở Yosemite”, Sacramento Bee, 18/4/2011.

[59] “Giới đầu cơ tấn công công viên Yosemite: Không còn gì thiêng liêng nữa sao?”, bài xã luận, Sacramento Bee, 19/4/ 2011.

[60] Suzanne Sataline, “Chuyến công du đầu tiên đến Mỹ, Giáo hoàng Benedict tổ chức lễ mixa: Nhà thờ nỗ lực ngăn chặn đầu cơ vé”, Wall Street Journal, 16/4/ 2008.

[61] John Seabrook, “Giá vé biểu diễn”, New Yorker, 10/8/2009. Con số 4 triệu dollar lấy từ nghiên cứu của Marie Connolly và Alan B. Kreuger, “Kinh tế học nhạc rock: nghiên cứu kinh tế một dòng nhạc phổ biến”, tháng 3/2005, bài viết nghiên cứu, www.krueger.princeton.edu/working_papers.html.

[62] Seabrook, “Giá vé biểu diễn”,


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.