TIẾU NGẠO GIANG HỒ

163. Lễ mừng trọng hậu của Đông Phương Bất Bại



Lệnh Hồ Xung vốn chẳng tin gì hoàng đạo cát nhật hay hắc đạo hung nhật liền
nghĩ ngay đến ngày cử hành diễn lễ càng sớm càng hay. Người lên núi tham
dự càng ít càng tốt cho mình phải thẹn thùng luống cuống.
Chàng liền hỏi lại: -Trong tháng giêng có ngày nào tốt không?
Nghi Thanh đáp: -Trong tháng giêng ngày tốt tuy chẳng thiếu gì nhưng chỉ lợi
cho những việc xuất hành, động thổ, hôn nhân, mở cửa hàng … Phải sang
tháng hai mới có ngày tốt về việc tiếp ấn, tọa nha.
Lệnh Hồ Xung cười nói: -Ta có làm quan nha đâu mà cần tiếp ấn, tọa nha?
Nghi Hòa cười hỏi: -Chưởng môn sư huynh chẳng làm đại tướng quân là gì?
Làm chưởng môn cũng phải tiếp ấn chứ.
Lệnh Hồ Xung không muốn trái ý mọi người liền đáp: -Đã thế thì ấn định vào
ngày 16 tháng 2.
Ngày hôm sau Lệnh Hồ Xung phái đệ tử đến chùa Thiếu Lâm cung nghinh tro
xá lợi của hai sư thái cùng đem việc này thông tri đi các nơi. Chàng lại ân cần
dặn dò các đệ tử xuống núi chớ khoa trương cho việc thành lớn lao.
Chàng nói: -Các ngươi đến bẩm rõ với chưởng môn các phái là Định Nhàn sư
thái viên tịch, mối đại thù chưa báo được mà quần đệ tử phái Hằng Sơn đang
ở thời cữ tang, nên không bày vẽ trong việc cử hành đại điển tiếp nhiệm
chưởng môn. Nghĩa là đừng để người lên núi xem lễ và chúc hạ quá nhiều.
Phát lạc đệ tử xuống núi rồi.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng: -Ta đã làm chưởng môn phái Hằng Sơn thì cũng
phải rèn luyện Hằng Sơn kiếm pháp mới được.
Chàng liền triệu tập quần đệ tử đến võ trường phô diễn kiếm pháp cùng võ
công, từ công phu cơ bản nhập môn cho đến hết.
Sau cùng hai đại đệ tử Nghi Thanh, Nghi Hòa chiết chiêu với nhau, thi triển
những chiêu thức về kiếm pháp thượng thặng.
Lệnh Hồ Xung thấy kiếm pháp phái Hằng Sơn rất kín đáo nghiêm cẩn, sở
trường về thế thủ và thường thường nhân lúc đối phương sơ hở ra chiêu sát
thủ một cách đột ngột. Chàng còn nhận thấy kiếm pháp này về phần linh động
thì có thừa, nhưng phần lợi hại chưa đủ. Đó là thứ võ công thích hợp với phái
nữ. Đời đời phái Hằng Sơn đệ tử toàn là nữ lưu thì võ công uy mãnh, hung
hãn như phái nam thế nào được?
Lệnh Hồ Xung sau khi học được môn Độc Cô cửu kiếm thì bất cứ chiêu số địch
thủ nào chàng cũng nhận ra chỗ sơ hở. Và chàng cho là Hằng Sơn kiếm pháp
ít sơ hở hơn nhiều phái khác so với Thái cực kiếm pháp của phái Võ Đương thì
thế thủ kiếm pháp phái Hằng Sơn còn kém một chút, nhưng ra chiêu phản
công đột ngột thì Hằng Sơn kiếm pháp còn có phần hơn Thái cực kiếm pháp.
Phái Hằng Sơn là một phái đột khởi trong võ lâm có nhiều chỗ độc đáo.
Ngày Lệnh Hồ Xung ở trên núi sám hối phái Hoa Sơn, chàng đã thấy trên vách
đá hậu động có khắc Hằng Sơn kiếm pháp với những biến chiêu rất tinh kỳ,
cao thâm hơn kiếm pháp Nghi Hòa, Nghi Thanh rất nhiều. Nhưng kiếm pháp
khắc trong hậu động của phái Hằng Sơn cũng còn bị người phá được. Nếu
muốn phát dương uy thế của phái Hằng Sơn ra ngoài võ lâm thì kiếm thuật cơ
bản hiển nhiên cũng còn phải cải tiến.
Lệnh Hồ Xung lại nghĩ tới ba vị sư thái Định Tĩnh, Định Nhàn, Định Dật lúc
cùng người động thủ thì nội công thâm hậu, kiếm chiêu già dặn, cao xa, bọn
Nghi Hòa cùng quần đệ tử bì kịp thế nào được? Xem chừng công phu của ba
vị sư thái còn đến quá nửa quần đệ tử chưa luyện tập được. Ba vị sư thái liên
tiếp tạ thế trong mấy tháng trời thì e rằng những công phu tinh diệu của các
vị từ đây sẽ bị thất truyền.
Nghi Hòa thấy Lệnh Hồ Xung ngơ ngẩn xuất thần, không phê bình kiếm pháp
của quần đệ tử một câu nào liền nói: -Thưa chưởng môn sư huynh! Bọn đệ tử
kiếm pháp hãy còn kém cỏi, chưa lọt vào mắt của chưởng môn sư huynh.
Mong rằng chưởng môn sư huynh chỉ điểm cho.
Lệnh Hồ Xung nói: -Còn một thứ kiếm pháp của phái Hằng Sơn, không hiểu ba
vị sư thái đã truyền cho các ngươi chưa?
Đoạn chàng cầm lấy thanh kiếm ở trong tay Nghi Hòa đem Hằng Sơn kiếm
pháp khắc ở hậu động trên núi sám hối ra sử từng chiêu một.
Chàng ra chiêu rất chậm chạp để cho quần đệ tử coi được rõ ràng.
Chàng mới ra được vài chiêu thì quần đệ tử đều lớn tiếng hoan hô. Những
chiêu số của chàng đều bao hàm những phần tinh yếu của kiếm pháp bản
môn. Có điều cách biến hóa rất ly kỳ mà chiêu số thật ảo diệu, so với những
điều sở học của họ thì kiếm pháp này cao minh hơn nhiều không biết đến thế
nào. Cứ mỗi chiêu phát ra là lại khiến cho huyết mạch mọi người rung động,
tâm thần khoáng đãng. Những kiếm chiêu này khắc trên vách đá là vật chết,
nhưng Lệnh Hồ Xung sử ra thành sống động. Chàng đem những chiêu sử liền
vào nhau, đồng thời chàng gia thêm những chỗ sáng tác mới của mình vào.
Lệnh Hồ Xung sử hết kiếm pháp, quần đệ tử lại hoan hô vang dội cả góc trời.
Hết thảy đều cúi mình bái phục.
Nghi Hòa hỏi: -Chưởng môn sư huynh! Đây rõ là kiếm pháp của phái Hằng
Sơn, nhưng bọn đệ tử chưa từng thấy qua, không hiểu sư huynh học được ở
đâu?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Ta được coi kiếm pháp này khắc ở trên vách đá trong một
tòa sơn động. Nếu các vị sư tỷ, sư muội mà muốn học thì ta sẽ truyền thụ cho,
các vị tính thế nào?
Quần đệ tử mừng rỡ khôn xiết, liên thanh cảm tạ.
Hôm ấy Lệnh Hồ Xung truyền thụ cho họ ba chiêu, đồng thời chàng phân tích
kỹ càng những chỗ ảo diệu trong ba chiêu này để các đệ tử tự mình rèn luyện.
Tuy chỉ có ba chiêu kiếm pháp nhưng là những chiêu rộng lớn và tinh thâm.
Bọn đại đệ tử Nghi Hòa, Nghi Thanh cũng mất bảy tám ngày mới hiểu sơ qua
được những chỗ tinh yếu.
Còn bọn Trịnh Ngạc, Nghi Lâm, Tần Quyên thì không dễ gì lãnh hội được.
Đến ngày thứ chín trở đi, Lệnh Hồ Xung lại truyền thụ hai chiêu kiếm pháp
khác.
Đây là những chiêu khắc trên vách đá hậu động núi sám hối. Chiêu số tuy ít ỏi
nhưng biến hóa vô cùng.
Lại phải hơn một tháng trời mới truyền thụ xong một cách đại khái. Còn họ có
lĩnh hội được hay không là tùy theo tư chất cùng sự luyện tập của mọi người.
Trong vòng hơn một tháng này, bọn đệ tử xuống núi đi báo tin ngày cử hành lễ
đại điển khắp nơi đã lục tục trở về. Phần đông vẻ mặt buồn thiu. Lúc họ phúc
bẩm với Lệnh Hồ Xung thì nói ấp a ấp úng.
Lệnh Hồ Xung cũng không hỏi kỹ. Chàng biết bọn họ tất bị người ta chê cười,
xỉ nhục bảo họ là một đám ni cô mà đi rước gã trai về làm chưởng môn. Chàng
đành an ủi họ mấy câu và bảo họ chia nhau đi hỏi các sư tỷ để luyện kiếm
pháp mà chàng đã truyền thụ. Chỉ khi nào họ có chỗ không hiểu chàng mới
thân hành chỉ điểm thêm cho.
Hai người đem thư truyền tin lên phái Hoa Sơn là Vu Tẩu và Nghi Văn, hai tên
đệ tử lão thành, tính nết trì trọng.
Phái Hoa Sơn cách phái Hằng Sơn tương đối gần hơn các phái khác đáng lẽ họ
phải về trước mới đúng. Thế mà những đệ tử xuống phía Nam đưa tin đều đã
trở về hết rồi. Vu Tẩu, Nghi Văn vẫn chưa thấy đâu.
Ngày mười sáu tháng hai sắp tới nơi, thủy chung vẫn không thấy bóng Vu Tẩu
và Nghi Văn trở về.
Lệnh Hồ Xung lại phái Nghi Quang và Nghi Minh đi tiếp ứng.
Quần đệ tử chắc rằng các môn phái không ai lên núi xem lễ và chúc mừng nên
cũng không chuẫn bị nơi ăn chỗ ở cho tân khách.
Mọi người chỉ nhổ có và quét tước. Mấy chục gian phòng ốc thu dọn cực kỳ
sạch sẽ. Ai cũng may quần áo mới, đóng giày mới.
Bọn Trịnh Ngạc may cho Lệnh Hồ Xung một tấm trường bào bằng vải xanh để
mặc ngày lên nhậm chức.
Sáng sớm ngày 16 tháng hai, Lệnh Hồ Xung vừa thức dậy đã thấy trên ngọn
núi Kiến Tính trước mọi tòa nhà đều treo đèn kết hoa, hỷ khí tưng bừng.
Quần đệ tử phái Hằng Sơn đều là những người cẩn thận, những chuyện bé
nhỏ như một tấm giấy, một sợi giây họ cũng sắp đặt cực kỳ chỉnh tề.
Lệnh Hồ Xung vừa thẹn thùng vừa cảm kích.
Chàng lại nghĩ bụng: -Vì ta làm liên lụy đến hai vị sư thái phải thảm tử. Quần
đệ tử đã không phiền trách ta mà còn đối với ta một cách trịnh trọng đến thế.
Nếu Lệnh Hồ Xung này mà không trả thù cho được ba vị sư thái thì thật là
uổng một đời.
Chàng đứng nhìn ra chốn sơn đầu đầy tuyết phủ ở phía xa xa đang buâng
khuâng ngẫm nghĩ, chàng chợt thấy một toán người rất đông đảo đang dứt
lác ồn ào từ dưới chân núi đi lên.
Ngọn Kiến Tính này trước nay vẫn tịch mịch, chẳng bao giờ có tiếng người
huyên náo như vậy. Tuy bọn Đào cốc lục tiên suốt ngày cãi vã nhau nhưng
cũng không to tiếng. Lệnh Hồ Xung đang lấy làm quái dị thì nghe tiếng bước
chân nhộn nhịp mỗi lúc một gần.
Mấy trăm người ào ào tiến lên núi.
Người đi đầu reo lên: -Kính mừng Lệnh Hồ công tử! Bữa nay là ngày đại hỉ của
công tử, sẽ gặp nhiều sự hân hoan!
Người này lùn tịt, béo ỵ chính là Lão Đầu Tử.
Theo sau là bọn Kế Vô Thi, Tổ Thiên Thu cả Huỳnh Bá Lưu, Du Tấn, Mạc Bắc
song hùng … đều lên hết.
Lệnh Hồ Xung vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, vội tiến ra nghinh đón, chàng nói: –
Tại hạ chịu di mệnh của Định Nhàn sư thái bất đắc dĩ mà phải đứng ra cất đặt
công việc trong môn hộ phái Hằng Sơn, nên không dám khinh động đến các vị
bằng hữu. Ai ngờ lại được các vị đều đến tương hội. Thật là hân hạnh cho tại
hạ.
Những người này đều đã đi theo Lệnh Hồ Xung lên đánh Thiếu Lâm. Trải qua
một phen chiến đấu sinh tử, dĩ nhiên họ đã thành bạn hữu trong cơn hoạn
nạn với Lệnh Hồ Xung. Đoàn người ồ ạt kéo lên bu quanh Lệnh Hồ Xung rất là
thân thiết.
Lão Đầu Tử nói: -Anh em nghe tin Lệnh Hồ công tử đã đón tiếp được thánh cô
ra ngoài ai nấy đều hoan hỉ vô cùng. Nay công tử lại lên trọng nhiệm chức
chưởng môn phái Hằng Sơn. Việc này như sấm nổ trên chốn giang hồ. Có lý
nào anh em chúng ta lại không biết? Bữa nay nếu chúng ta không lên núi nói
lời chúc hạ thì thật là tội đáng chết.
Những người này tính khí hào hiệp hành động mau lẹ rất hợp với Lệnh Hồ
Xung.
Mọi người nói dăm ba câu rồi cùng nhau cười ồ.
Lệnh Hồ Xung từ ngày lên núi Hằng Sơn, chàng đối với bọn ni cô và cô nương
ăn nói cũng như hành động đều phải giữ ý từng ly từng tý, thỉnh thoảng gặp
dịp mới cười nói với Đào cốc lục tiên một lúc. Nhưng chỉ được vài ba câu là họ
đâm ngang cành bứa, càng nói nhiều càng loạn xà ngầu.
Bây giờ đột nhiên chàng được gặp nhiều bạn hữu thì nỗi vui mừng kể sao cho
xiết?
Huỳnh Bá Lưu nói: -Chúng ta là bọn khách đột ngột, phái Hằng Sơn vị tất đã
chuẩn bị được rượu thịt đồ ăn thức uống cho bọn thô hào này nên chúng ta
đã gánh cả lên núi.
Lệnh Hồ Xung nói: -Nếu vậy càng hay.
Chàng nghĩ bụng: -Tình trạng này cũng giống như cuộc quần hùng đại hội
trên Ngũ Bá Cương.
Đang lúc nói chuyện lại thêm mấy trăm người chạy lên núi.
Kế Vô Thi nói: -Công tử! Chúng ta đã là người trong nhà thì bất tất phải dùng
lối khách sáo? Nơi đây các vị nữ đệ tử của công tử đều là những người văn
nhã khép nép. Nếu kêu họ đến để giúp việc cho bọn thô hào chúng ta thì thật
là bất tiện. Theo ý kiến của tiểu đệ thì ai nấy làm lấy mà dùng, đừng ai kêu ai
nữa, để khỏi làm bận rộn cho người khác.
Lúc ấy ở trên ngọn Kiến Tính cực kỳ huyên náo. Quần đệ tử phái Hằng Sơn
không ngờ lại có nhiều tân khách đến mừng như vậy, ai cũng lấy làm hứng
khởi trong lòng. Chỉ có bọn đệ tử lão thành biết nhiều hiểu rộng mới rõ bọn
tân khách tới đây đều là những hạng tứ chiếng giang hồ. Tuy trong số này
chẳng thiếu gì nhân vật nổi danh nhưng đều là những tay cao thủ tà phái
hoặc những anh hùng lục lâm, hay hào khách về phe hắc đạo.
Quy củ phái Hằng Sơn trước nay cực kỳ nghiêm cẩn. Quần đệ tử ai nấy đều
giữ mình trong sạch tự trọng. Ngay đến những hào sĩ chính giáo cũng ít người
qua lại. Còn đối với những nhân vật tả đạo bàng môn thì tuyệt không nhìn dõi
gì đến. Không ngờ bữa nay bọn người ô hợp kéo đến núi Kiến Tính như ong vỡ
tổ. Có điều họ thấy chưởng môn bản phái cùng bọn này tay bắt mặt mừng,
thái độ cực kỳ thân thiết, nên họ chỉ ngấm ngầm tắc lưỡi mà thôi.
Vào khoảng giờ ngọ mấy trăm hán tử gánh lên núi gà vịt trâu dê cơm rượu
bánh trái chẳng thiếu thứ gì.
Lệnh Hồ Xung nghĩ tới hiện nay mình đã làm chưởng môn phái Hằng Sơn thì
phải cung phụng đức quan âm ám trắng mà lại sát sinh rất nhiều thì không
khỏi có điều ngạo mạn các bậc tổ tiên đời trước phái này.
Chàng liền sai bọn hán tử phải rời xuống sườn núi vài chục trượng để làm bếp
nấu nướng. Tuy nhiên mùi rượu thịt thơm lừng vẫn bay lên tới nơi.
Quần ni chỉ ngấm ngầm chau mày.
Quần hào ăn cơm trưa rồi liền đến ngồi ở khu đất trống rộng rãi trước am
chính trên ngọn Kiến Tính.
Lệnh Hồ Xung ngồi ở mé Tây. Mấy trăm tên nữ đệ tử theo thứ tự lớn nhỏ đứng
ở phía sau chàng.
Bỗng nghe tiếng đờn tiếng sáo nổi lên. Một đoàn nhạc thủ thổi tiêu, thổi sáo
đang tiến lên đỉnh núi. Trung gian hai lão già áo đen rảo bước tiến lên trước.
Lão già mé tả dõng dạc lên tiếng: -Đông Phương giáo chủ ở Triều Dương thần
giáo ủy nhiệm tả hữu Quang minh sứ giả đến chúc hạ Lệnh Hồ đại hiệp vinh
nhiệm chức chưởng môn phái Hằng Sơn. Bản giáo xin kính cẩn chúc hạ phái
Hằng Sơn ngày một mở mang rộng rãi, oai danh Lệnh Hồ chưởng môn lừng
lẫy võ lâm.
Lời nói vừa dứt quần hào đều ồ lên một tiếng.
Những hào sĩ tả đạo số đông có mối liên quan với Ma giáo mà lại nhiều người
đã uống phải Tam thi não thần đan vừa nghe đến bốn chữ “Đông Phương giáo
chủ” đều táng đởm kinh hồn. Nhiều hào sĩ quen biết hai lão này. Lão mé tả là
Huỳnh diện tôn giả Giả Bố. Người mé hữu họ Thượng Quan tên Vân, ngoại
hiệu là Điểu hiệp. Giả Bố cùng Thượng Quan Vân là hai nhân vật trợ thủ rất
đắc lực cho Đông Phương Bất Bại. Bản lãnh hai người này cao thâm hơn các vị
chưởng môn cùng bang chúa các môn phái. Họ đã hoành hành mấy chục năm
trời tại vùng Bắc sông Hoàng Hà và đã sát hại không biết bao nhiêu anh hùng
hảo hán. Sau hai lão này bị Đông Phương Bất Bại thu phục rồi gia nhập Triêu
Dương thần giáo làm đại tướng dưới trướng Đông Phương Bất Bại. Chuyến
này Đông Phương Bất Bại phái hai lão thân hành tới đây là có ý trọng vọng
Lệnh Hồ Xung. Trong bọn quần hào thấy hai người đến, quả nửa đều đứng
dậy.
Lệnh Hồ Xung tiến ra nghênh tiếp nói: -Tại hạ cùng Đông Phương giáo chủ
vốn chưa quen biết. Nay nhọc lòng đại giá hai vị tới đây khiến cho tại hạ sợ hãi
khôn xiết.
Chàng thấy Huỳng diện tôn giả Giả Bố mặt gầy khô đét, nước da vàng ửng
nhưng huyệt thái dương nhô cao lên bằng hạt đào. Còn điêu hiệp Thượng
Quan Vân thì tay chân dài ngoằng nghèo, song cặp mắt sáng quắc lúc dòm
ngó nhanh như điện chớp thì đủ biết công lực hai người này vào hạng rất cao
thâm.
Giả Bố nói: -Bữa nay là ngày đại hỷ của Lệnh Hồ đại hiệp, Đông Phương giáo
chủ nói là đáng lý lão nhân gia thân hành tới đây ngỏ lời chúc hạ mới phải,
nhưng vì bị công việc giáo hội bận chân chẳng thể chia mình ra được. Mong
Lệnh Hồ chưởng môn miễn trách cho.
Lệnh Hồ Xung đáp: -Tại hạ không dám.
Chàng nghĩ thầm trong bụng: -Cứ coi Đông Phương Bất Bại còn bày đặt cuộc
này thì dĩ nhiên Nhậm giáo chủ chưa đoạt lại được ngôi giáo chủ. Không hiểu
lão cùng Hướng đại ca và Doanh Doanh hiện giờ ở đâu? An nguy thế nào?
Giả Bố quay lại ngó bọn tả hữu một cái rồi nói: -Chút bạc lễ này là để tỏ tấc dạ
ân cần của Đông Phương giáo chủ! Xin Lệnh Hồ chưởng môn vui lòng thu nạp.
Đờn sáo lại nổi lên. Hơn một trăm tên hán tử khiêng bốn chục rương lớn sơn
đỏ đi lên. Mỗi chiếc rương phải do bốn hán tử khiêng mới nổi mà xem ra cước
bộ bọn chúng rất trầm trọng. Xem chừng đồ vật xếp trong rương không phải là
thứ hàng nhẹ nhõm.
Lệnh Hồ Xung vội nói: -Đại gia hai vị quang lâm đã là một sự vinh dự khôn tả
cho Lệnh Hồ Xung này rồi. Thế mà hai vị còn đưa trọng lễ thì chẳng khi nào tại
hạ dám bái lãnh, nhờ hai vị về phúc bẩm Đông Phương giáo chủ tại hạ xin có
lời đa tạ. Quần đệ tử phái đều thanh tu cần khổ không dùng đến những vật sa
hoa trân quý.
Giả Bố đáp: -Lệnh Hồ chưởng môn mà không vui lòng thu nhận bạc lễ thì tại
hạ cùng Thượng Quan huynh đây thật lâm vào tình trạng khó bề giải quyết
biết làm thế nào được?
Giả Bố nghiêng đầu đi một chút nhìn Thượng Quan Vân hỏi: -Thượng Quan lão
đệ! Tiểu huynh nói vậy có đúng không?
Thượng Quan Vân đáp gọn một câu: -Đúng.
Thanh âm gã này cực kỳ vang dội. Gã chỉ nói một tiếng “đúng” cũng đủ làm
chấn động lá nhĩ mọi người, cơ hồ thủng cả màng tai. Chắc gã cũng tự biết
tiếng mình lớn quá, nên ít khi mở miệng. Từ lúc gã lên núi tới giờ mới nói có
một tiếng này mà thôi.
Lệnh Hồ Xung lấy làm khó nghĩ. Chàng tự hỏi: -Hằng Sơn là một môn phái
trong chính giáo đối với phe ma giáo khác nào nước với lửa. Dù hai bên chưa
đến nỗi đánh nhau, nhưng cũng chẳng thể nào kết giao với nhau được. Hơn
nữa Nhân giáo chủ và Doanh Doanh lại sắp kéo đến tìm Đông Phương Bất Bại
để thanh toán. Vậy ta thu nhận lễ vật của bọn này thế nào được?
Chàng nghĩ vậy liền đáp: -Xin hai vị huynh đài về phúc bẩm cùng Đông
Phương tiên sinh những lễ vật mà tiên sinh có lòng hậu tứ, tại hạ không dám
thu nhận. Nếu hai vị không chịu đưa về thì tại hạ bắt buộc phải phái người
đưa hoàn lại bên tổng đàn quý giáo.
Giả Bố tủm tỉm cười hỏi: -Lệnh Hồ chưởng môn có biết trong bốn chục rương
này đựng những thứ gì không?
Lệnh Hồ Xung đáp: -Dĩ nhiên tại hạ không biết.
Giả Bố cười nói: -Lệnh Hồ chưởng môn cứ coi xem sẽ rõ và nhất định không
khước từ nữa. Trong bốn chục rương này không phải chứa hoàn toàn lễ vật
của Đông Phương giáo chủ. Ngoài ra còn có một phần thuộc quyền sở hữu
của Lệnh Hồ chưởng môn. Bọn tại hạ khiêng cả tới đây thì chỉ là trả vật về cho
chủ cũ mà thôi.
Lệnh Hồ Xung rất lấy làm kỳ hỏi: -Sao lại của tại hạ? Nó là những thứ gì vậy?
Giả Bố tiến lên một bước khẽ nói: -Bên trong đại đa số là đồ của Nhậm đại tiểu
thư còn lưu lại trên Hắc Mộc Nhai, tỷ như quần áo đồ trang sức cùng những
vật thường dùng. Đông Phương giáo chủ sai bọn tại hạ đưa tới đây để cung
cấp đồ ứng dụng cho Nhậm đại tiểu thư. Chỉ có một phần là ít bạc lễ của giáo
chủ kính tặng Lệnh Hồ đại hiệp và Nhậm đại tiểu thư. Những vật kiện hỗn tạp
dính líu với nhau muốn chia ra cũng không được. Lệnh Hồ chưởng môn chẳng
nên khách khí làm chi. Ha ha! Ha ha!
Lệnh Hồ Xung là người mau lẹ khoát đạt. Trước nay chàng không câu nệ tiểu
tiết. Chàng thấy Đông Phương Bất Bại sai đưa lễ mừng với tấc dạ chí thành,
mà bên trong lại còn nhiều đồ vật cùng xiêm áo của Doanh Doanh, chàng
không tiện kiên quyết cự tuyệt liền cười ha hả nói: -Nếu vậy tại hạ xin đa tạ!
Bỗng thấy một tên nữ đệ tử lẹ bước đi vào bẩm: -Xung Hư đạo trưởng,
chưởng môn phái Võ Đương thân hành đến chúc hạ.
Lệnh Hồ Xung giật mình kinh hãi, vội ra trước cửa núi nghinh tiếp.
Chàng thấy Xung Hư dẫn tám tên đệ tử lên núi, liền khom lưng thi lễ nói: -Đạo
gia đạo trưởng tới đây khiến cho Lệnh Hồ Xung này cảm kích muôn vàn.
Xung Hư đạo trưởng cười nói: -Nay lão đệ vinh nhiệm chức chưởng môn phái
Hằng Sơn, bần đạo được tin vui mừng khôn xiết. Bần đạo còn nghe nói hai vị
đại sư Phương Chứng, Phương Sinh chùa Thiếu Lâm cũng đến chúc mừng lão
đệ. Không hiểu hai vị đã tới chưa?
Lệnh Hồ Xung lại càng kinh hãi ngập ngừng đáp: -Cái đó … cái đó …
Giữa lúc ấy trên đường lên núi có một đoàn tăng nhân đi tới.
Hai người đi đầu tay áo rộng thùng thình tung bay trước gió. Chính là Phương
Chứng và Phương Sinh nhị vị đại sư.
Phương Chứng đại sư nói lớn: -Xung Hư đạo huynh! Cước trình của đạo huynh
lẹ thật. Ai ngờ đạo huynh lại đến trước bọn bần tăng?
Lệnh Hồ Xung xuống núi đón lên. Chàng hô lớn: -Hai vị đại sư thân hành giá
lâm khiến cho Lệnh Hồ Xung thật áy náy.
Phương Sinh đại sư cười đáp: -Thiếu hiệp! Thiếu hiệp đã ba lần lên chùa Thiếu
Lâm mà bọn bần tăng mới đến bái sư một lần bất quá là theo lẽ “có đi có lại
mới toại lòng nhau”.
Lệnh Hồ Xung đang mời các nhà sư chùa Thiếu Lâm và các đạo nhân phái Võ
Đương lên núi. Quần hùng thấy chưởng môn hai phái lớn thân hành giá lâm
thì trong lòng không khỏi kinh hãi. Giả Bố cùng Thượng Quan Vân đưa mắt
nhìn nhau rồi đứng yên một bên. Đối với việc Phương Chứng, Phương Sinh,
Xung Hư lên núi chúng giả vờ như không thấy gì.
Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng vào ngồi ghế trên.
Chàng nghĩ thầm trong bụng: -Ta còn nhớ ngày trước sư phụ lên nhậm chức
chưởng môn phái Hoa Sơn phái Thiếu Lâm và phái Võ Đương không có
chưởng môn thân hành đến chúc hạ mà chỉ sai người đại diện đưa lễ mừng.
Khi đó ta tuy còn nhỏ tuổi không biết rõ các vị tân khách. Nhưng sau cùng sư
phụ, sư nương thuật lại cho quần đệ tử biết chuyện vẻ vang ngày lên giữ chức
chưởng môn mà không nói tới có chưởng môn phái Thiếu Lâm và Võ Đương
đại giá thân lâm. Bữa nay hai vị đồng thời đến đây chẳng lẽ thực tình đến để
mừng ta hay còn có dụng ý gì?
Lúc này trên núi những tân khách lục tục kéo đến không ngớt.
Đại đa số là bọn quần hào bữa trước đã tham gia việc tấn công chùa Thiếu
Lâm.
Liếp theo những phái Côn Luân, Điển Thương, Nga Mi, Không Động, Cái Bang
đều phái người đại diện chưởng môn nhân và bang chúa đưa lễ vật đến mừng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.