Tìm lại cái tôi đã mất

NIỀM VUI GIẢ TẠO VƯỢT THỜI GIAN KHÔNG GIAN



| HÀO QUANG NĂM ẤY

Khải là một anh chàng đẹp trai, khỏe khoắn. Anh đã bước vào ngưỡng cửa của tuổi ba mươi nhưng tình cảm lại không cùng anh sánh bước vào giai đoạn mới của cuộc đời giống như mong đợi, đến bây giờ anh vẫn chưa tìm thấy ý trung nhân.

Anh thường xuyên kể với đồng nghiệp ở công ty, bạn gái cũ không những giàu có, có học thức mà còn rất yêu anh. Những câu chuyện giữa Khải và bạn gái cũ, tất cả mọi người trong công ty đều biết – Bạn gái của anh lái xe đến công ty chờ anh tan làm, họ đến nhà hàng Âu ăn cơm, cùng đi xem những buổi biểu diễn lớn, còn cùng nhau đi dạo trên bờ biển… Cuộc sống hạnh phúc ấy của anh kết thúc bởi lí do bạn gái ra nước ngoài.

Về sau, đồng nghiệp trong công ty phát hiện ra một quy luật, nguyên nhân khiến Khải và bốn người bạn gái mà anh đã từng qua lại không thể đi đến kết cục hạnh phúc đều là vì hình bóng “cô bạn gái” đã ra nước ngoài. Thực ra, bạn gái của anh ta đều là những cô gái bình thường, họ cũng không ra nước ngoài. Chỉ là anh ta muốn mượn quá khứ để nâng sĩ diện cho bản thân, không muốn người khác nghĩ rằng anh ta là người thất bại trong tình cảm.

Rất nhiều người khi kể về người yêu cũ, đều sẽ bất giác thêm mắm thêm muối, dùng kỉ niệm đó để nâng cao thể diện của mình. Cũng giống với việc miêu tả người yêu cũ, chúng ta thích miêu tả tất cả những gì đã qua một cách vô cùng tươi đẹp. Ví dụ, ở trường mình được thầy cô quý mến như thế nào; trong sự nghiệp mình đã từng giành được nhiều thành tựu huy hoàng ra sao; mình từng thu hút ánh mắt của người khác giới như thế nào…

Lúc nào chúng ta cũng có thể tích cực dùng phương thức tự thổi phồng bản thân, tô vẽ lại ký ức của mình, biến cái tôi bình thường không có gì nổi bật trong quá khứ trở nên nổi bật và xuất chúng. Qua đó ám chỉ bản thân mình hôm nay vẫn ưu tú và có giá trị như thế.

Lúc nào chúng ta cũng nhớ những chuyện khiến chúng ta vui vẻ và có cảm giác thành công trước đây mà thường không nhớ đến những chuyện khiến bản thân xấu hổ và cảm thấy thất bại, cho dù có thể nhớ ra, chúng ta cũng sẽ giải thích nó là tốt.

Một người bạn của tôi thích chơi piano, và thực sự, cô ấy chơi cũng rất hay.

Có một lần, cô ấy và tôi nói về chuyện tham gia cuộc thi piano toàn quốc năm xưa. Trong cuộc thi lần ấy, cô ấy chỉ đứng thứ chín.

Cô ấy nói: “Những người tham gia cuộc thi piano lần ấy toàn là cao thủ. Còn mình không có kinh nghiệm thi đấu, quá căng thẳng, dẫn tới sơ suất. Thực ra, chỉ thiếu một chút nữa là mình có thể vào top ba.”

Chúng ta thường quen với việc biện hộ kinh nghiệm thất bại là “thiếu một chút nữa là được” chứ không nhìn thấy sự thật thất bại.

Với quá khứ, chỉ cần những chỗ có thể khiến niềm vui giả tạo của chúng ta len lỏi vào, chúng ta sẽ tuyệt đối không bỏ qua.

Có một học viên kể với tôi một chuyện ám ảnh cậu ta rất nhiều năm. Lúc cậu ta mới đến thành phố này, không tìm được công việc thích hợp, nên đã làm thuê cho một nhà hàng. Do cậu ta làm việc chăm chỉ, ham học, lại có chí, nên được ông chủ nhà hàng rất quý mến.

Làm việc chưa đầy hai tháng thì chuyện xui xẻo đã xảy ra. Nhà hàng sắp bị giải tỏa, cậu ta lại phải lang thang khắp nơi tìm việc.

Lúc ấy, ông chủ vì quý mến cậu ta, lại biết cậu ta đã học qua kế toán, tỏ ý muốn giới thiệu cậu ta tới công ty của một người bạn thân làm việc.

Một hôm, ông chủ đưa cậu ta đi phỏng vấn. Bạn của ông chủ hỏi cậu có biết dùng máy tính không. Lúc ấy, cậu ta gật đầu theo bản năng. Không ngờ bạn của ông chủ yêu cầu cậu ta lập bảng tính ngay tại chỗ. Cậu ta đành phải miễn cưỡng ngồi trước máy tính, lóng ngóng di chuột, không biết phải ấn vào đâu.

Cậu ta đành phải ngượng ngùng nói: “Tôi có thể học”.

Lúc ấy một người lớn tuổi ngồi cạnh tức giận nói: “Không biết là không biết, cậu lừa ai hả? Không trung thực như thế không thấy xấu hổ sao?”

Lúc ấy, trong đầu cậu ta chỉ có một ý nghĩ duy nhất, chính là nhanh chóng tìm cái lỗ nào để chui xuống.

Sau khi ông chủ của cậu ta rời chỗ đó, bạn của ông chủ giữ chút thể diện cho cậu ta, nói rằng: “Không sao! Sau khi cậu học sử dụng máy tính thì hãy đến đây tìm tôi! Bây giờ đều dùng máy tính để tính toán sổ sách!”

Cậu ta quay về nhà hàng, xin lỗi ông chủ, sau đó đi học máy tính. Về sau cả nhà ông chủ sang Anh sinh sống, cậu không bao giờ gặp lại họ nữa.

Rất nhiều năm đã trôi qua, cậu ta giờ đã có chút thành tựu trong sự nghiệp, nhưng vẫn luôn cảm thấy buồn phiền vì lời nói dối ấy.

Cậu ta nói lúc ấy quả thực cậu ta rất cần một công việc, hơn nữa cậu ta nghĩ rằng máy tính chẳng có gì khó cả, chỉ cần cho cậu ta cơ hội, một tháng là có thể học được.

Cậu ta còn nói, nếu lúc ấy là tình huống khác thì sẽ không dẫn đến kết cục như thế. Ví dụ, khi ấy bản thân có thể thành thực hơn một chút; hoặc là trước khi đi phỏng vấn nói với ông chủ là mình không biết dùng máy tính; hoặc lúc ấy ông chủ giới thiệu cho mình một công việc khác; hoặc bản thân có thể biết ăn nói hơn một chút, hóa giải tình thế khó xử khi ấy; hoặc ông chủ nhà hàng không ra nước ngoài, bây giờ vẫn có thể tìm gặp ông ta nói một tiếng “xin lỗi”, giải thích tình hình lúc ấy… Có rất rất nhiều phương án sửa chữa xuất hiện trong đầu cậu ta. Chỉ cần rảnh rỗi là tư tưởng của cậu ta lại tìm về khoảnh khắc khi ấy, mong được sửa lại tất cả những gì đã xảy ra.

Cho dù trong lòng chúng ta day dứt, ân hận như thế nào thì tất cả đều là bào chữa cho lỗi lầm của bản thân. Nếu chúng ta cho rằng hối hận có thể bù đắp sai lầm trước đây, có thể khiến tất cả đều có cơ hội cứu vãn, vậy thì hối hận sẽ trở thành thủ đoạn xóa bỏ những ám ảnh của quá khứ đối với chúng ta, đồng thời, cũng chính chúng ta đã xây đắp nền móng tốt để lặp lại những sai lầm trước đây.

Phần lớn những chuyện khiến chúng ta hối hận là những chuyện không được người khác tán đồng. Chúng ta mong muốn thông qua hối hận, bảo vệ hình tượng tốt đẹp của bản thân, để bản thân – trong thế giới riêng – vĩnh viễn là người hoàn mĩ tới mức không có gì để chê trách. Chúng ta dùng phương thức hối hận, an ủi bản thân là một người có lương tri, giải thích những việc bản thân đã làm có nguyên nhân đặc biệt. Thực ra, hối hận nhiều đến đâu đi nữa cũng không thể chứng minh được phẩm chất tốt đẹp của chúng ta, hơn nữa cũng không cần thiết phải chứng minh phẩm chất của mình tốt đẹp như thế nào trong tư tưởng của mình, bởi vì làm như thế trên thực tế, cơ bản không có ý nghĩa gì. Ý nghĩa duy nhất của sai lầm trước đây đối với chúng ta, chính là lần sau không được làm như vậy.

Trong thế giới quá khứ, niềm vui giả tạo mà chúng ta tìm thấy là: bản thân là một người đáng được yêu; bản thân có giá trị tiềm ẩn; bản thân là một người có phẩm chất tốt đẹp.

| NGÀY MAI TRỜI LẠI SÁNG

Nếu không thể dựa vào cách ôn lại quá khứ để nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp của bản thân, chúng ta sẽ hướng nhu cầu này tới tương lai. “Sau này tôi sẽ, tiếp theo tôi cần, ngày mai tôi có thể…” Trên sân khấu tương lai, chúng ta vĩnh viễn được tỏa sáng. Ảo tưởng về tương lai dễ dàng hơn thay đổi quá khứ rất nhiều, không cần chuẩn bị trước, tất cả đều ở trong tim chúng ta. Khi không thể đối mặt với hiện trạng không như ý của bản thân, ảo tưởng vào tương lai trở thành phao cứu sinh của chúng ta. Chúng ta đưa hi vọng thay đổi bản thân trong tương lai, thầm nói với bản thân ngày mai mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.

Khi thành tích công việc của chúng ta không tốt, chúng ta sẽ tự an ủi nhất định lần sau sẽ không làm bản thân thất vọng. Nhưng đến tận lần sau của lần sau, chúng ta vẫn đang đợi chờ lần sau. Khi chúng ta chìm đắm trong game online, bỏ lỡ những chuyện khác, chúng ta sẽ nói với bản thân, hôm nay chơi nhiều một chút không sao, tối mai sẽ chơi ít hơn một chút. Nhưng đến tận mấy lần tối mai, chúng ta vẫn đang đợi chờ một buổi tối mai nào đó.

Quyên là một cô gái thành đạt, rất tháo vát cũng rất thông minh. Thấy mình sắp bị liệt vào hàng ngũ của gái ế, trong lòng cô không khỏi lo lắng. Cô bèn thông báo khắp nơi, nhờ bạn bè thân thiết giới thiệu cho mình một đối tượng.

Một hôm, khi chúng tôi đang cùng ăn cơm thì chuông. Cô bẽn lẽn cười và nói: “Xin lỗi! Hình như người khác giới thiệu cho mình gọi điện tới.” điện thoại của Quyên đổ đây là người bạn trai mà

Tiếp theo, những câu mà Quyên hỏi khiến tôi rất ngạc nhiên. Cô ấy nói: “Anh đến thành phố này bao lâu rồi? Lúc mới đến làm nghề gì? Bây giờ đang làm gì? Có xe không? Có nhà không? Anh đã từng tự làm những việc gì?”

Sau khi Quyên cúp máy, tôi hỏi đùa: “Cậu đang phỏng vấn à?” Cô ấy cười và nói: “Trên thế giới này có rất nhiều người tự cho mình là tốt đẹp. Họ chưa bao giờ tự hỏi bản thân có thể làm gì, muốn làm gì, đã làm được những gì. Có rất nhiều người chỉ là đang nằm mơ hão. Chẳng cô gái nào hi vọng trao thân gửi phận cho một người không hiểu rõ về bản thân mình. Bị những câu hỏi ấy của mình làm cho sợ hãi chính là tự động bị loại, nếu không sợ thì sẽ vẫn được ở trong phạm vi cân nhắc của mình.”

Cô ấy nói tiếp: “Anh chàng lúc nãy lên thành phố mười năm rồi, không có xe, không có nhà, học vấn trung bình, cũng chưa từng làm chuyện gì có thể gây ấn tượng với người khác. Không phải mình yêu cầu anh ta có xe có nhà, chỉ là mình muốn biết anh ta có thể làm gì. Mười năm rồi, nếu anh ta là người có ý chí thì có thể làm được rất nhiều việc. Nếu sau mười năm anh ta không có gì thay đổi, thế thì điều đó có nghĩa là gì? Một người không thể gánh vác cuộc đời của mình, sao có thể chịu trách nhiệm với người khác được?”

Mặc dù, lời nói của cô ấy có vẻ hà khắc nhưng không phải là không có lí. Chúng ta luôn cho rằng rồi tất cả mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, cho dù không làm gì, vấn đề cũng tự biến mất. Nhưng cho dù chúng ta có viện cớ gì để khiến bản thân an tâm chờ đợi thì chúng ta cũng đều không phải là mới chỉ mong chờ, chờ đợi trong ngày một ngày hai.

Những câu hỏi mà Quyên đã hỏi khi chọn lựa bạn trai, chúng ta có dũng khí hỏi bản thân không?

Đối với tương lai, từ lí tưởng tràn đầy tự tin, đến tưởng tượng đầy dã tâm, rồi đến ảo tưởng viển vông xa vời, cuối cùng đến hoang tưởng, chúng ta không thể thoát khỏi chiếc giường tưởng tượng ấm áp.

Chúng ta có thể chờ đợi, có thể tưởng tượng, nhưng cho dù chúng ta có làm bao nhiêu việc trong tư tưởng của mình thì trong hiện thực cũng sẽ không có bất kì ai hoặc sự vật nào dừng lại và thay đổi vì chúng ta. Tất cả đều tiến hành theo trình tự, còn chúng ta làm thế nào cũng không nhấc nổi tấm thân nặng nề của mình, không thể đưa ra hành động tích cực cho tương lai. Điều đó chỉ có thể chứng tỏ, chúng ta không thể chi phối hành động của mình theo mong muốn của bản thân. Chúng ta trốn tránh hiện thực, muốn dùng tương lai chưa có thật lúc ấy để tô vẽ cho bản thân. Làm như thế chỉ là tự viết thêm một giấy nợ không có kỳ hạn cho cuộc đời của mình mà thôi.

Chúng ta thường nói một câu cửa miệng: “Có chuyện từ trước tới nay mình rất muốn làm, đến tận bây giờ vẫn đang ấp ủ.” Thoạt nghe, dường như chúng ta cố chấp muốn làm một chuyện, nhưng thực ra là chúng ta cố chấp nghĩ mãi về một chuyện.

Giống như bạn hi vọng thay đổi công việc khác, nhưng đến tận bây giờ, bạn vẫn không thể làm công việc mà mình thích.

Bạn ăn năn vì trước đây không thể khiến bố mẹ vui vẻ, nhưng đến tận bây giờ, bạn vẫn không thể làm được việc mỗi tuần đến thăm họ một lần.

Cuộc hôn nhân giữa bạn và vợ bạn đã chỉ còn là màn kịch, nhưng đến bây giờ, bạn vẫn không cố gắng cứu vãn hoặc bắt đầu một cuộc sống tình cảm mới.

Các bạn kết hôn hơn một năm rồi, muốn có một đứa con, nhưng lúc nào bạn cũng chờ tháng sau thói nghiện thuốc lá hay nghiện rượu của mình tự động biến mất.

Bạn luôn bị ám ảnh bởi cơ thể béo phì, nhưng đến bây giờ bạn vẫn không thể ăn ít đi…

Để lần sau, để ngày mai… Chúng ta không thể không khâm phục sự cố chấp của bản thân. Chúng ta cứ kiên trì làm việc mà bản thân không muốn làm, đồng thời lại cố chấp nghĩ đến việc bản thân mong chờ được làm. Xin hỏi rốt cuộc ta đang kiên trì cái gì? Lẽ nào cứ chờ đợi những chuyện khiến người ta phiền não và những chuyện không vui tự động biến mất trong sự kiên trì sao? Về điểm này, chúng ta có đủ tự tin. Ngày nào chúng ta cũng cầu mong kì tích như thế xuất hiện, hơn nữa, lúc nào cũng cảm thấy mình có rất rất nhiều thời gian có thể chờ đợi. Chúng ta tin rằng mình có thể đạt được hàng tá ước mơ trong tương lai, trong khi, hiện tại, cùng với việc đang cầu mong và chúc phúc cho tương lai tốt đẹp của mình, chúng ta không thể làm chút gì đó để hiện thực hóa kì tích và những chuỗi mơ ước của tương lai.

Trong thế giới tương lai, niềm vui giả tạo mà chúng ta tìm thấy là: Bản thân có thể thực hiện tất cả nguyện vọng tốt đẹp trong tương lai, tương lai của bản thân sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

| MẤT NGỦ SAU KHI TỈNH MỘNG

Chúng ta sống trong thế giới giống như giấc mộng, chúng ta dành rất nhiều thời gian để tưởng tượng và chờ đợi. Nhưng hiện thực tàn khốc, nó sẽ khiến chúng ta tỉnh mộng. Khi chúng ta bừng tỉnh sau giấc mộng, có thể sẽ phát hiện tuổi thanh xuân tươi đẹp đã ra đi, ngoài việc nằm mơ, chúng ta chưa làm được gì khác cả, còn những người xuất phát cùng lúc với chúng ta đã vượt xa chúng ta rồi. Trong mộng ta thấy toàn những điều đẹp đẽ, khi tỉnh mộng mới bàng hoàng nhận ra mình thật thảm hại.

Lúc tỉnh mộng chúng ta sẽ phát hiện, những gì ta mơ ước đã lâu đều không đến, nhưng những gì cứ trốn tránh thì lại không mời mà đến. Bạch mã hoàng tử không đến, tóc bạc đến, nếp nhăn đến; tăng lương không đến, người cạnh tranh đến, thất nghiệp đến; sức khỏe không đến, mỡ máu cao, huyết áp cao, đường huyết cao đến; mơ ước của mình không đến, mơ ước của con đã sắp bắt đầu; thành công của chúng ta không đến mà lo lắng buồn phiền đến trước; những gì chúng ta mong chờ không đến mà nỗi sợ hãi đã đến rồi.

Lúc tỉnh mộng, bản thân bắt đầu đại tiệc tư tưởng với phong vị khác lạ – muộn phiền. Thì ra mỗi người đều có thể sẽ thất nghiệp, nếu mình cũng thất nghiệp thì nên làm thế nào? Thì ra cổ phiếu không dễ kiếm tiền như tưởng tượng, nếu cổ phiếu của mình cũng bị thâu tóm, thì nên làm thế nào? Giá nhà đất tăng vùn vụt, tiền tiết kiệm của mình vẫn chưa đủ mua một mét vuông; chân tay bắt đầu không nghe theo sự điều khiển của bản thân, mình cũng bắt đầu từ từ già đi; mỡ thừa trên bụng càng ngày càng nhiều, eo thon đã biến thành bụng phệ; sức khỏe của bố mẹ mỗi ngày một yếu đi, con cái mỗi ngày một lớn, không gian cuộc sống của chúng ta càng lúc càng nhỏ hẹp…

Những điều khiến chúng ta lo lắng càng lúc càng nhiều, từ chuyện của mình tới chuyện lớn nhỏ của người khác, không chuyện gì không nằm trong phạm vi chúng ta lo lắng. Chúng ta lo lắng cho tương lai của con, lo lắng bạn đời có cảm thấy hạnh phúc không, lo lắng cha mẹ có khỏe mạnh đi qua những năm tháng tuổi già không…

Những nỗi lo lắng này đối với chúng ta mà nói, có ý nghĩa gì? Tác dụng trực tiếp nhất của lo lắng là nó chiếm hết thời gian nhàn rỗi của chúng ta và tránh để chúng ta gặp khó khăn và nguy hiểm khi làm việc. Còn ngụ ý sâu xa của lo lắng là chứng tỏ chúng ta là người có phẩm chất tốt. Chúng ta lo lắng cho người khác, có thể thể hiện sự quan tâm với người khác và sự lương thiện của bản thân. Chúng ta lo lắng cho bản thân, chứng tỏ bản thân không muốn để hiện trạng tiếp tục tệ hại như thế này, cũng rất hi vọng bản thân có thể sống tốt, bản thân không sống bất cần, không chịu vươn lên, chỉ là hiện thực quá tàn khốc, khiến bản thân bất lực, vô dụng. Từ trong lo lắng chúng ta tìm thấy thứ mình cần, chối bỏ trách nhiệm với thất bại của bản thân, đồng thời có được niềm an ủi từ trong lo lắng.

Sau khi bị hiện thực kéo ra khỏi giấc mộng, đứng trước khoảng cách giữa hiện thực và lí tưởng, hành động của chúng ta thường không phải là nhìn thẳng vào hiện thực, đồng thời bắt đầu hành động, phấn đấu vươn lên mà là tự biện hộ một cách vô thức, tự bào chữa cho mình, theo thói quen tìm đường tắt để ôm lấy niềm vui giả tạo, và cảm nhận được ở nơi chúng ta không chạm tới được có tất cả sự tốt đẹp và niềm vui mà chúng ta muốn có. Vậy thì cho dù cuộc đời của chúng ta có hoài bão lớn tới đâu, có nhiều viễn cảnh như thế nào, có nhiều mơ ước như thế nào thì tất cả cũng đều sẽ bị chôn vùi trong thế giới tư tưởng của riêng ta.

Lúc trốn tránh hiện thực, chúng ta ở trong thế giới tư tưởng của mình, bảo vệ hình tượng tươi đẹp mà bản thân hư cấu. Chúng ta chỉ dùng phương thức này để tự mê hoặc bản thân, đồng thời không đưa ra bất kì hành động thực tế nào để thay đổi hiện trạng.

Tỉnh mộng, niềm vui giả tạo mà chúng ta tạo ra là: Bản thân cũng không muốn như vậy, tôi cũng rất hi vọng mình có thể sống tốt; tôi cũng rất quan tâm tới người khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.