Nhiều người sẽ học hỏi được từ những sai lầm của họ nếu họ không phủ nhận chúng.
Khuyết danh
Đó là một ngày thứ Bảy bình thường tại công viên Fenway ở Boston. Các con đường như đang vỡ tung lên với những tiếng còi xe và tiếng la hét. Tuy vậy, nếu nhìn gần hơn, chúng ta sẽ thấy rằng chẳng ai trò chuyện với ai. Đàn ông cũng như phụ nữ đều dán mắt xuống đường hoặc nhìn thẳng phía trước. Thế rồi tôi thấy ông ấy. Một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi một mình trên bậc thềm. Tò mò, tôi tiến đến gần để nhìn rõ hơn. Một cảm giác rùng mình chạy dọc sống lưng tôi. Rủi thay, nhiệt độ không phải là nguyên nhân của cái cảm giác kinh khủng ấy.
Giữa bạt ngàn các loại giày hiệu như Nikes và Timberland, người đàn ông xấu xí đó vẫn mang đôi giầy đã cũ sờn từ rất lâu. Trong bộ đồ cũ kỹ xơ cả vải, một tay ông run run cầm chiếc hộp đựng cà phê màu trắng bạc, tay kia cầm một tấm bảng. Trên tấm bảng ghi dòng chữ: Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Hàn Quốc Đói Khổ. Trông cứnhư người chết rồi, đôi mắt vàng khè sâu hoắm của ông ấy khiến người ta dễ lầm tưởng ông là một kẻ nghiện rượu lâu năm, và trên khuôn mặt u sầu của ông là một màu xám nhạt. Tôi nhớ lại sự hy sinh của bản thân mình cho đất nước trong Chiến dịch Bão Sa mạc. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ cái bao tử của mình thực sự đã sôi sùng sục lên vì hai cái bánh mì kẹp xúc xích mà tôi vừa ăn ngấu nghiến.
Người ta đi vòng qua ông ấy cứ như thể ông là một người bị bệnh phong cùi. Không một ai dừng lại để giúp đỡ. Hiển nhiên, người ta dễ cho rằng người đàn ông đó là một kẻ lừa bịp chứ không cần tìm hiểu sự thật trong đôi mắt khổ sở của ông. Tôi cũng hiểu được phần nào điều đó. Vẫn còn nhiều sự thật mà người ta chẳng muốn biết. Trong trường hợp này, sự thật đó chỉ cho thấy rõ một xã hội lạnh lùng và dửng dưng.
Những người qua đường khác cư xử còn tệ hơn cả sự thờ ơ. Họ xấu tính đến mức đã ném lại đằng sau một lời xúc phạm, hoặc một tiếng cười chế nhạo để làm đau nhói trái tim người đàn ông tội nghiệp. Người cựu chiến binh đã quá già và mệt mỏi để phản ứng lại những điều đó. Mỗi khi người ta nói với ông một từ khó nghe, thì mắt của ông ấy nhắm lại trong chốc lát rồi lại mở ra, như thể ông đã hoàn toàn tiếp nhận sự tàn nhẫn ấy.
Mười lăm phút dài vô tận trôi qua, và mặc dù cái hộp cà phê vẫn trống rỗng nhưng tôi đã phải chứng kiến cảnh người anh em của mình đang phải chịu đựng quá nhiều nỗi hổ thẹn và tủi nhục. Bất cứ phẩm giá nào còn sót lại cũng bị tước đi một cách tham lam và tàn nhẫn bởi những con người mà vào một thời điểm nào đó trên đường đời, họ đã bị làm cho nhẫn tâm và mù lòa.
Bỗng nhiên một con người bất hạnh khác thu hút sự chú ý của tôi. Đó là một người đàn ông lớn tuổi khác; người này phải ngồi xe lăn. Ông ấy chầm chậm tiến đến chỗ tảng đá lát lề đường và sau đó đẩy xe lui lui tới tới nhằm cố gắng làm vành bánh xe quay đều. Nhưng chẳng ích gì. Sự quyết tâm cũng như những nỗ lực nhanh chóng bị thay thế bởi sự tuyệt vọng và những câu chửi rủa lầm bầm. Trong khi đó, hàng trăm người hâm mộ bóng chày ái quốc đang túa ra xung quanh ông ấy, và họ tiếp tục đi về những hướng khác nhau. Tôi đứng đờ người ra vì bàng hoàng.
Khi đã hết sững sờ, tôi bước tới hai bước tính giúp ông ấy, nhưng tôi đã chậm mất một bước. Người đàn ông vô gia cư nọ đã đặt tấm bảng và chiếc hộp rỗng của mình lên bậc thềm để đi giúp một người khác đang cần sự giúp đỡ hơn. Tôi rưng rưng nước mắt. Vẫn còn một điều gì đó tốt đẹp trên thế giới này. Lạ lùng thay, điều đó dường như luôn xuất phát từ những người đang rất cần những thứ mà bản thân họ lại sẵn lòng cho đi và không hề tính toán. Hai người cùng nở một nụ cười chân thành, điều mà rõ ràng chỉ những người đang gặp hoạn nạn mới có thể hiểu được. Kẻ nghèo túng lại trở về với bậc thềm của mình giữa cái nhìn đầy xét đoán của hàng triệu cặp mắt tàn nhẫn. Tôi đứng đó trong sự kinh ngạc. Cảm giác ớn lạnh lúc nãy lại chạy dọc sống lưng tôi.
Sau khi đặt một tờ hai mươi đô mới cứng vào trong chiếc hộp của người ăn xin, tôi nhận được một cái gật đầu đáp lại sự hào phóng của mình, và sau đó là một cái vỗ nhẹ lên vai. Thằng em trai Randy của tôi nhướng mi mắt tỏý không đồng tình.
Suốt quãng đường dài lái xe về nhà, tôi đã giải thích cảnh bi đát ấy và chủ đề này dẫn đến một cuộc thảo luận sâu sắc khác thường.
Chúng tôi đã đi một quãng đường khá dài trong im lặng. Tôi quyết định rằng miễn ý định giúp đỡ người khác của tôi là chân thành, thế thì tôi đã chẳng làm tổn thương đến ai cả. Như thế xem ra còn tốt hơn. Ngoài ra, đó còn là một thực trạng của xã hội mà người ta nên quan tâm nhiều hơn từ góc độ cá nhân. Mỗi ngày, hàng ngàn người đang trở thành nạn nhân của việc sử dụng chất gây nghiện, chứng nghiện rượu, nạn thất nghiệp và vô gia cư, nên bất cứ ai cũng có thể dễ dàng trở thành kẻ ngồi trên cái bậc thềm hiu quạnh đó. Nếu tôi ở hoàn cảnh của người đàn ông đó, tôi chỉ hy vọng người ta sẽ đủ tử tế để đặt cược niềm tin vào tôi, hơn là vào tờ vé số của nhà nước.
Khi đến sông Fall, Randy phá tan sự im lặng bằng một câu hỏi rất ngây ngô. Dùkhông trông đợi câu trả lời, nhưng Randy vẫn cứ hỏi: “Steve, anh có bao giờ tự hỏi rằng tại sao Chúa lại ban tặng cho rất ít người quá nhiều thứ, và lại ban cho rất nhiều người quá ít thứ không?”.
Bất ngờ khi thấy suy nghĩ của đứa em trai phản ánh đúng suy nghĩ của mình, tôi mỉm cười. Câu trả lời dường như rất dễ và rất rõ ràng. Trước sự ngạc nhiên của Randy, tôi trả lời một cách chân thành: “Anh nghĩ Chúa đã ban cho con người đầy đủ. Vấn đề là con người đã quên mất cách nào để chia sẻ với nhau những món quà hào phóng của Chúa!”.
Chẳng cần phải nói, chặng đường còn lại của chuyến đi diễn ra trong im lặng. Đội bóng chày Boston Red Sox tiếp tục thua; vàở đâu đó, trên bậc thềm lạnh lẽo, một người đàn ông khốn khó vẫn đang ngồi một mình.
Steven Manchester
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.