Tìm Lại Giá Trị Cuộc Sống

TÌM THẤY NHỮNG KHOẢNH KHẮC CỨU CHỮA



Một số người xuất hiện trong đời ta và ra đi nhanh chóng. Một số người lưu lại một thời gian rồi để lại các dấu ấn trong tim chúng ta, và làm chúng ta thay đổi hẳn.
Khuyết danh
Một trong những thử thách lớn nhất trong cuộc chiến chống lại chứng nghiện rượu và ma túy chính là cuộc đấu tranh trong vấn đề phòng ngừa. Liệu tất cả những nỗ lực nhằm làm giảm nạn nghiện ngập và nỗi đau cho nhiều gia đình có thực sự mang lại hiệu quả? Liên tục nhiều năm, chúng ta đều không ngừng nỗ lực trong công tác phòng chống, nhưng càng ngày càng có nhiều vấn đề cần giải quyết hơn.
Đôi khi bạn không biết được những cố gắng của mình có tạo nên sự khác biệt nào không. Đôi khi bạn tự hỏi liệu có ai đang lắng nghe hay không. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn nhận được một tín hiệu cho biết có người đang lắng nghe, và rằng những nỗ lực của bạn được trân trọng.
Nhiều năm về trước, khi còn là người giám sát của một chương trình điều trị nghiện rượu và ma túy trong lực lượng quân đội Mỹ, tôi đã ghi nhớ tất cả những nỗ lực trong phòng chống cũng như cách chữa trị. Một phần trong nỗ lực phòng chống của chúng tôi là nói chuyện với rất nhiều cộng đồng, đặc biệt là học sinh sinh viên ở các trường địa phương. Các giáo viên sẽ gọi điện thoại cho chúng tôi và hỏi xem chúng tôi có thể cử người đến trường của họ để trình bày những thông tin liên quan đến tình trạng nghiện rượu và ma túy cũng như giao lưu với các em học sinh hay không. Thay vì chỉ cử một người đi trình bày, tôi thường cử một nhóm từ ba đến bốn người, để họ không chỉ cung cấp thông tin về rượu và ma túy, mà còn chia sẻ những câu chuyện của họ khi thích hợp.
Có lần tôi nhận được một yêu cầu đặc biệt từ một trường trung học cơ sởở địa phương. Vì một vài lý do, sáng hôm ấy tôi quyết định đi cùng với nhóm để hỗ trợ cho buổi thuyết trình. Chúng tôi thuyết trình cho nhóm học sinh ở khối lớp bảy và lớp tám trong một tiếng rưỡi. Khi buổi thuyết trình kết thúc, tôi đã nhờ các giáo viên giúp đánh giá xem các em học sinh đã tiếp thu được những gì trong khoảng thời gian chúng tôi trò chuyện với nhau. Tuy nhiên, yêu cầu của tôi có chút khác biệt so với những thông tin phản hồi thông thường. Tôi muốn các giáo viên hãy đợi sau hai tuần rồi yêu cầu những học sinh đã dự buổi nói chuyện viết vào một mặt giấy những gì chúng thích ở buổi thuyết trình sáng hôm đó, còn mặt bên kia viết những gì chúng không thích.
Trong một quãng thời gian, tôi đã quên bẵng về bản đánh giá của các em học sinh kia. Thời gian đó, tôi rời khỏi quân ngũ và bận rộn với việc ra quân, bàn giao chương trình cho người chỉ đạo mới và chuẩn bị để chuyển đi. Như nhiều người khác vào thời điểm đó, tôi cũng tự vấn mình về cuộc chiến ở Việt Nam.
Một ngày trước hôm tôi giải ngũ, tôi nhận được một bưu kiện được gửi đến từ một trường trung học. Các em học sinh đã gửi cho tôi những bản đánh giá đầy đủ của chúng cùng chiếc phong bì tự thiết kế kèm một bức thư. Tất cả những lời nhận xét của các em đều được viết trên những tờ giấy trắng, chỉ trừ một bức. Tất cả lời nhận xét của các em đều rất tích cực khi chúng diễn tả sự cảm kích về việc được trả lời những câu hỏi của mình và về sự chân thành của những người thuyết trình khi kể về cuộc đời của họ. Hầu hết những bức thư đều có nội dung tương tự nhau. Tuy nhiên, giữa những tờ giấy trắng đó có một tờ giấy màu xanh. Nó thu hút sự chúý của tôi không chỉ bởi màu sắc, mà còn bởi những gì em học sinh này đã viết và cách em ấy viết. Một vài từ được viết theo nét chữ in, một vài từ theo kiểu chữ viết tay, và càng gần cuối tờ giấy, những dòng chữ càng to hơn, như thể người viết đang cố gắng tìm cách thể hiện sự nhiệt tâm của mình bên cạnh việc sử dụng những từ ngữ đơn thuần đó.
GHI CHÚ
Con đã nói với mẹ về những lời nói của các chú
Con đã nói với mẹ tất cả
Mẹ con là một người nghiện rượu. Con đã thuyết phục mẹ đi đến bệnh viện của bang
Mẹ con đã đi
CON CẢM ƠN CÁC CHÚ RẤT NHIỀU VÌ ĐÃ ĐẾN TRƯỜNG CHÚNG CON.
Tờ giấy này đã được gửi cho tôi vào năm 1976. Tờ giấy gốc hiện vẫn còn trong phòng làm việc của tôi. Tôi không biết ai đã gửi tôi bức thư này. Tôi không biết em học sinh lớp bảy hay lớp tám ấy bây giờở đâu, nhưng tôi biết mình đã có mặt đúng nơi và vào đúng thời điểm. Tôi biết mình đã tạo được sự thay đổi trong cuộc sống của hai con người vào sáng hôm đó, và khoảnh khắc cứu chữa được tạo ra cho cả hai mẹ con. Tôi biết quá trình chữa lành cho học sinh ấy đã bắt đầu từ sáng hôm đó và tôi cũng biết rằng quá trình ấy cũng bắt đầu đối với bản thân tôi.
Đối với bất cứ ai trong các bạn, những người thường tự hỏi liệu những cố gắng của mình có tạo nên hiệu quả gì không, thì tôi hy vọng bạn cũng sẽ nhận được một tờ giấy cũ màu xanh.
Tiến sĩ Robert J. Ackerman

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.