Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy

Chương 5. CHIẾN THUẬT SỐ 2



HÃY NÓI ĐIỀU MÀ HỌ MUỐN NGHE

“Dù uy tín là thứ bạn phải bán đi thì cũng không có đủ đâu. Uy tín không hiệu quả bằng mô hình kinh doanh. Dù sao đi chăng nữa, uy tín của một nhà báo lúc nào cũng chỉ nằm ở mức thấp hèn.”

– Kelly McBride, Học viện POYNTER

Trong cuốn sách Between Fact and Fiction (tạm dịch: Ranh giới giữa thực và ảo), Edward Jay Epstein nói rằng, vấn đề của ngành báo chí rất đơn giản. Các phóng viên hiếm khi ở trong tình thế phải xác định liệu vấn đề của họ có thật hay là không vì không phải chỉ có mình họ chứng kiến nó. Họ “hoàn toàn phụ thuộc vào những ‘nguồn tin’ mang tính tư lợi” để thỏa mãn luận điệu của mình. Mỗi phần trong quá trình tạo nên tin tức được hình thành trên mối quan hệ này; mọi chuyện đều bị hiện tượng này xuyên tạc.

Vậy những nguồn tin mang tính tư lợi này là của ai? Vâng, đó là bất kỳ ai – một sản phẩm, một thông điệp hay một hội nghị của những người như tôi đây.

Khi tờ New York Times công bố những tài liệu mật bị lộ thì ta có thể ngầm hiểu rằng ít nhất họ cũng đã kiểm chứng độ tin cậy của các tài liệu đó. Chuyện cũng xảy ra đối với danh tính của nơi gửi đống tài liệu đó cho họ. Nhưng ở trên mạng, ẩn danh có nghĩa là thay đổi hoàn toàn thành một người khác. Rất nhiều câu nói hay mẹo vặt được rút ra từ những email mơ hồ, không rõ nguồn gốc hay những bình luận đầy tức giận trong các mục bình luận, hoặc được gửi bởi những người được lợi từ nó. Tôi biết điều này vì tôi đã làm như vậy cả tá lần và nó cũng chưa bao giờ quan trọng cả. Danh tính của tôi chưa bao giờ được xác minh.

Ngày nay, vòng tuần hoàn dẫn dắt tin tức qua Internet đang phát triển như vũ bão theo nhiều hướng khác nhau. Tờ New York Times có lẽ vẫn cố gắng xác minh nguồn tin của họ, nhưng chuyện đó hầu như không còn quan trọng nữa vì chẳng thể xác minh được. Việc này đã tạo ra vô số cơ hội cho những kẻ như tôi lẻn vào rồi làm rối tung mọi chuyện lên theo ý thích của mình. Như Epstein đã nói, điểm khác nhau giữa sự thực và biến thể của nó – thứ được quyết định bởi nguồn tin – là một phạm trù rất mơ hồ. Trong những phạm trù như vậy, đó là nơi mà tôi thấy thú vị nhất và có ảnh hưởng trực tiếp đến tôi.

CỐ TÌNH RÒ RỈ

Trong một vụ kiện tụng, do cần đưa một vài thông tin ra để thảo luận công khai nên tôi đã soạn ra một bức thư lưu hành nội bộ rồi in nó ra, sau đó scan lại và gửi tập tin này cho rất nhiều trang blog. Và tôi đã hành động như thể tôi là một nhân viên vô tình để lộ ra “bức thư mà chúng tôi vừa nhận từ sếp của mình”. Các blogger không quan tâm đến sự thật khi tôi vui vẻ thông báo trực tiếp cho họ là nên đặt thêm cho bài viết cái mác là ĐỘC QUYỀN và RÒ RỈ! Họ có thể kể câu chuyện dưới góc nhìn của tôi bởi vì tôi đã kể rõ từng câu cho những gì họ muốn nghe. Nếu có nhiều người nữa biết được nó thì tôi đã đưa ra “thông báo chính thức” rồi.

Một lần khác, vì các vấn đề liên quan đến bản quyền nên tôi không thể sử dụng những bức ảnh để quảng bá cho một chiến dịch Halloween. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn chúng được công khai ra. Do đó, tôi bảo một trong những nhân viên của mình gửi chúng qua email đến trang Jezebel và Gawker rồi viết là: “Đáng nhẽ tôi không làm chuyện này đâu, nhưng tôi đã tìm ra được một vài bức ảnh bí mật trên máy chủ của trang Americal Apparel đây”. Một bài viết dựa trên lời nói dối này đạt được 90 nghìn lượt xem. Tác giả này ghi lại một mẹo vặt rất hữu ích: Không cần phải để lộ thông tin qua email của công ty bạn đâu vì bạn có thể sẽ bị bắt đấy. Tôi nghĩ, làm cách nào mà cô ta chắc chắn là chúng có thật cơ chứ?

Vụ đó rất thú vị. Vài tháng sau, một nghị sĩ Mỹ được cho là có trao đổi email qua lại với một cô gái trên trang Craigslist rồi còn gửi cho cô ta một bức ảnh cởi trần của mình. Cô gái này đã chuyển tiếp bức ảnh này qua email và kèm theo đó là lời buộc tội của cô ấy cho trang Gawker (trang chủ của Jezebel). Sau đó, Gawker đăng bức ảnh lên và nghị sĩ này đã phải từ chức ngay lập tức.

Biết được bí quyết giúp trang Gawker có quyền chấm dứt sự nghiệp của một nghị sĩ Mỹ đã mang lại cho tôi một niềm vui nho nhỏ. Giờ thì khi đã biết tiêu chuẩn lấy tin của Gawker, tôi thấy rất kinh hãi.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ 2.0

Khi lần đầu tham gia vào nghề PR, tôi nhận thấy những trang web uy tín hàng đầu sắp tuyên bố về ngày tàn của thông cáo báo chí. Tôi nghĩ đó là sự giải thoát. Các phóng viên đã quan tâm quá nhiều đến những gì họ viết nên không thể cho ra những bài viết hay bài đăng dựa trên thông cáo báo chí.

Nhưng bây giờ tôi không thể hồ đồ như vậy được nữa. Đã từ lâu, tôi thấy được sự thật là: Các trang blog yêu thích thông cáo báo chí. Bởi nó làm hộ mọi việc cho họ: tài liệu được viết sẵn, quan điểm được trình bày sẵn, những chủ đề đáng được đăng và vì nó đến từ một trang tin chính thức, nên họ có thể đổ lỗi cho ai đó nếu câu chuyện ấy sai.

Một cuộc nghiên cứu nằm trong dự án của Pew Research Center (Trung tâm Nghiên cứu Pew) vào năm 2010 về Những gương mặt ưu tú trong ngành báo đã đưa ra nhận xét:

Vì tin tức ngày càng đăng nhanh hơn, thường là với vài báo cáo của doanh nghiệp được bổ sung, nên phiên bản chính thức của những sự kiện đó ngày càng quan trọng. Chúng tôi thấy rằng các thông cáo báo chí chính thức thường xuất hiện từng từ một trong bản báo cáo đầu tiên của các sự kiện, dù chúng không được thường xuyên chú ý đến thế[1]. (tôi nhấn mạnh)

Vì vậy, tôi bắt đầu áp dụng đưa ra thông cáo báo chí mọi lúc mọi nơi. Mở một cửa hàng ư? Hãy công bố bản thông cáo báo chí. Cho ra sản phẩm mới hả? Hãy công bố một bản thông cáo báo chí. Cho ra một sản phẩm mới với màu mới? Thông cáo báo chí. Các blogger có lẽ sẽ dùng đến nó. Và cho dù không một nhà đài nào làm việc đó, các thông cáo báo chí qua những dịch vụ như PRWeb được những cỗ máy tối ưu hóa trên các công vụ tìm kiếm với mục đích là chúng sẽ hiện rõ mồn một ra trên trang kết quả của Google. Quan trọng hơn cả, các trang đầu tư như Google Finance, CNN Money, Yahoo! Finance và Motley Fool đều tự động cung cấp những thông cáo phổ biến. Nếu bạn là một công ty cổ phần có tiếng tăm lớn, những tin tốt lành trong bất kỳ bản thông cáo nào bạn công bố ra đều xuất hiện ngay trước mắt đối tượng khán giả quan trọng nhất của bạn: các cổ đông. Sau khi công bố được vài phút, thì nó đã nằm ngay trên trang web chính của công ty trong mục “Tin mới” và đang nóng lòng chờ các thương gia và nhà đầu tư đọc.

Tôi nhanh chóng nhận ra rằng không phải ai cũng nhìn nhận thông cáo báo chí như một miếng mồi truyền thông vô hại và dễ xơi cả. Bản năng của tôi không phải là kiếm lời một cách phi pháp, nhưng với những ai có nó, lòng tin mù quáng của các trang blog vào những thông cáo báo chí đã mở ra rất nhiều cơ hội. Điều đó xảy ra đối với Lambros Ballas – nhân viên mua bán cổ phiếu chứng khoán của New York: Anh ta bị Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ bắt vì đăng một bản thông cáo giả về cổ phần của các công ty như Google, Disney và Microsoft rồi đăng lên các trang blog và diễn đàn tài chính. Theo như tin giả mạo này nói trong thương vụ sáp nhập của Microsoft, cổ phiếu của trang Local.com tăng 75% chỉ trong một ngày, sau ngày mà anh ta và những doanh nhân hạ tất cả cổ phiếu để đổ vào cổ phần của những công ty khác.

Cách tin tức bị dẫn dắt bởi những bản thông cáo như thế thật tuyệt vời – hay nói cách khác, thật đáng nể. Một cuộc điều tra về các trang báo nổi tiếng có nhắc đến từ “trong một thông cáo báo chí” của trang LexisNexis đã đem đến rất nhiều kết quả mà cơ quan này đã cố gắng cảnh báo bạn đừng có thử, đã nói rằng: “Cuộc tìm kiếm đã bị gián đoạn bởi vì nó sẽ trả về hơn 3 nghìn kết quả. Nếu bạn tiếp tục tìm kiếm thì sẽ mất rất nhiều thời gian để trả về thông tin”. Điều tương tự diễn ra khi bạn đổi cụm từ thành “được công bố hôm nay” và “đã nói với phóng viên”. Nói theo cách khác, báo chí lệ thuộc vào việc tiếp thị những thứ vô bổ (SPAM: Stupid Pointless Annoying Messages = Những thông điệp ngu ngốc, phiền toái, không giá trị) quá nhiều lần đến mức không đếm xuể chỉ trong năm ngoái.

Một cuộc điều tra về blog của Google với từ khóa “đã công bố trong thông cáo báo chí” (họ trích lại nguyên văn từ một thông cáo) đã trả về 307 nghìn kết quả trong cùng khoảng thời gian với cuộc điều tra của LexisNexis và hơn 4 triệu khi tìm kiếm với mọi thời điểm. Từ khóa “đã công bố hôm nay” trả về hơn 32 nghìn bài viết trong một tuần. Chi tiết hơn, một nghiên cứu nội bộ của trang TechCrunch cho ra hơn 5 nghìn bài viết có dùng từ “đã công bố hôm nay” và 7 nghìn kết quả nếu chuyển sang trích dẫn những bản thông cáo đó. Con số này bị lu mờ khi so sánh với trang The Huffington Post, nơi có những blogger sử dụng cụm từ “công bố hôm nay” hơn 50 nghìn lần và 200 nghìn lần trích lại nội dung từ những thông cáo. Và đương nhiên cũng có cả trang Talkingpointsmemo.com nữa. Trang này đã vô tình tiết lộ điều mà phần lớn blog và những tờ báo đã cẩu thả bỏ qua đối với độc giả của mình: những chủ đề được soạn sẵn từ các nhân vật quyền lực.

Giờ thì ai cũng có thể trở thành người có quyền lực đó cả. Ai cũng có thể khơi mào chủ đề trên các trang blog. Gọi nó là một thị trường hấp dẫn là một cách nói tránh. Nhưng khi tôi nghĩ đến chuyện đó, tôi nghĩ ngay đến những công ty truyền thông với những nhân vật giàu cá tính như Robert Scoble – blogger về công nghệ đã sung sướng đăng trên tài khoản Google+ những bài viết như bài quảng bá cho công ty khởi nghiệp Flipboard[2]. Thời cơ để làm một kẻ thao túng được ngành truyền thông đã đến khi những con mồi của bạn rất thích quảng cáo.

KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI LÀ TIN GỐC

Các blogger đang chịu áp lực rất lớn trong việc sản xuất tin bởi họ không có nhiều thời gian để nghiên cứu hay xác thực và đơn độc trong việc khẳng định rõ nguồn tin. Trong vài trường hợp, câu chuyện mà họ theo đuổi quá điên khùng đến độ họ không muốn liều lĩnh đi làm một cuộc nghiên cứu vì danh tiếng của họ có thể sụp đổ hoàn toàn.

Theo kinh nghiệm của tôi, các blogger hoạt động dựa theo một vài quy luật chung: Nếu nguồn tin không liên hệ qua email được, đó chắc chắn không phải là một nguồn tin. Tôi chỉ nói chuyện với một số blogger qua điện thoại đôi lần – nhưng lại trao đổi với họ qua email đến hàng nghìn lần. Nếu thông tin cơ sở không công khai hay dễ dàng tìm kiếm thì chắc chắn họ không nên thêm nó vào. Các tác giả đều phó mặc cho nguồn tin chính thức – như thông cáo báo chí, phát ngôn viên, quan chức chính phủ và phương tiện truyền thông – định đoạt. Và đây là những trường hợp họ chẳng buồn kiểm chứng thông tin.

Quan trọng hơn cả, họ phó mặc cho trang Wikipedia vì đó là nơi họ tiến hành nghiên cứu. Những kẻ tồi tệ như tôi cũng làm như thế. Không điều gì minh họa cho chuyện này rõ hơn bằng câu chuyện của một người đàn ông – chuyện như đùa vậy – đã đổi tên một nghệ sĩ hài đồng thời là mẹ của diễn viên Russell Brand trên trang Wikipedia từ Barbara thành Juliet. Sau đó không lâu, khi Brand đưa mẹ đến dự Lễ trao giải Oscar, tờ Los Angeles Times đã đăng lên mạng một dòng tóm tắt lên trên ảnh của họ: “Russell Brand và mẹ của anh ta, bà Juliet Brand…”.

Tôi nhớ về lần tôi ngồi trên đi- văng ở nhà Tucker Max vào một ngày tháng Một cách đây vài năm. Lúc đó, trong đầu tôi chợt lóe lên một ý tưởng khi nghĩ về một tác phẩm đang có sức mua hơi thất thường của anh ta lúc đó. “Ê, Tucker, cậu có thấy là sách của cậu nằm trong danh sách của tờ New York Times vào năm 2006, 2007 và 2008 không?” (ý là sách xuất hiện trên danh sách đó ít nhất một lần trong suốt ba năm, chứ không phải liên tục). Sau đó, tôi đánh thêm vài dòng, có dẫn nguồn và mô tả cuốn sách đó theo từng năm và đưa chúng vào trang Wikipedia[3]. Không lâu sau khi tôi đăng “công trình nghiên cứu” của tôi lên, một phóng viên đã cuỗm mất nó và ban cho chúng tôi một ân huệ lớn nhờ khả năng đọc hiểu kém cỏi của mình. Hắn ta viết: “Sách của Tucker Max đã nằm trong danh sách tác phẩm bán chạy của tờ News York Times được ba năm”. Sau đó, chúng tôi lấy câu này và nhập chung với những gì đã viết trên Wikipedia để lợi dụng cách hiểu mơ hồ ấy.

Đây là một vòng tuần hoàn mà tôi đã theo dõi, thúc đẩy nó trở thành một sự đạo văn trắng trợn. Tôi không thể nói cụ thể được, nhưng tôi có thể thấy cơ sở lập luận được trình bày khác thường hoặc chỉnh sửa có chọn lọc mà các biên tập viên được trả tiền để đăng một nội dung nào đó lên Wikipedia, rồi sau đó nó sẽ xuất hiện trên các tờ báo và trang blog lớn với cùng một kiểu hành văn (bạn phải tin tôi về việc nó xuất hiện khi nào và ở đâu).

Với nhiều người, kể cả phóng viên, Wikipedia như thể là một nơi chứng thực thông tin cơ bản. Cho dù có một thế lực nào đó tác động đến cách mà Wikipedia định hình nên những bài báo – như là một sự buộc tội, một chiến dịch gây tranh cãi, một cuộc kiện tụng, hay thậm chí là tiếp thu lời phê bình thì Wikipedia cũng đã có một tác động rất lớn lên cách các blogger viết tin. Có sự khác biệt giữa “người này ra album thứ hai vào năm 2011” và “album đầu tay của người này đã đoạt giải Multi- platium và thành quả này đã được tâng bốc rất nhiều…”. Bạn có thể thay đổi những đoạn mô tả trên Wikipedia; phóng viên và người đọc sẽ tiếp nhận những điều đó.

Một cuộc “đại tu” toàn diện trên trang Wikipedia đã xảy ra sau một bài viết về một diễn viên nổi tiếng đang lên từng được một chuyên mục dài sáu trang trong một tờ báo khổ lớn theo dõi trong một tuần – rõ ràng là văn phong mà trang Wikipedia dùng đã quá lạc quan và mang tính ca tụng quá trớn đến mức mà tôi sợ nó sẽ gây ra một vụ lùm xùm cho chính nó.

Đó là lý do tại sao bạn nên kiểm soát trang Wikipedia viết về bản thân. Nếu không, có thể bạn sẽ liều lĩnh đặt chính mình vào vị trí khó xử như một người bạn của tôi biết rằng mình được một phóng viên nhắc đến trên tờ báo quốc gia với câu hỏi: “Theo Wikipedia thì anh là một biên kịch thất bại, đúng không?”

TIN TÔI ÐI, TÔI LÀ CHUYÊN GIA MÀ!

Không nhất thiết phải thuyết phục mọi người rằng việc trở thành nguồn cung cấp tin cho các trang blog thì không có gì khó khăn cả. Tàn phá ngành truyền thông chính thống khó hơn, đúng không? Không. Thực ra, có một công cụ nữa được tạo ra nhằm phục vụ mục đích này.

Nó được gọi là dịch vụ HARO (Help a reporter out – tạm dịch: Giúp đỡ phóng viên) và nó là một trang web kết nối hàng trăm “nguồn tin mang tính tư lợi” để đáp ứng cho các phóng viên mỗi ngày. Dịch vụ này do Peter Shankman – một người làm PR thành lập. Nó là một công cụ cực kì phổ biến, có thể giúp các phóng viên đang viết báo liên kết với nhân vật mà họ nhắc đến trong bài. Nó là một kiểu khai thác thông tin dựa theo thực tế và là nơi dẫn dắt cho các phóng viên và các nhà báo. Theo trang này, gần ba nghìn thành viên của ngành truyền thông đã sử dụng nguồn tin từ HARO, trong đó có cả tờ New York Times, hãng tin Associated Press, trang The Huffington Post và các trang trung gian.

Những trang tin tức này đã làm gì để từ bỏ việc cung cấp dịch vụ của họ? Dĩ nhiên là quảng bá miễn phí. Trên thực tế, “Quảng bá miễn phí” là khẩu hiệu của HARO. Tôi cũng đã dùng nó để lừa hàng loạt phóng viên từ ABC News đến trang Reuters, qua Today Show và thậm chí cả tờ New York Times đáng kính. Thậm chí, tôi không cần tự làm điều này. Tôi chỉ cần nhờ một trợ lý mạo danh tôi qua điện thoại hoặc email.

Thực tế thì tôi đã sáng mắt lên khi nghĩ đến cách dùng các dịch vụ của HARO để làm lợi cho bản thân và khách hàng của tôi. Nếu tôi được giao trọng trách gây dựng danh tiếng cho ai đó với tư cách là một “chuyên viên trong ngành” thì tôi chỉ cần sử dụng vài địa chỉ email giả và những phản hồi nhanh chóng đến các blogger phù hợp để gây ấn tượng. Tôi dùng HARO để xuất hiện trên một trang blog không quan tâm lắm đến tính xác thực, sau đó dùng bài viết như để khẳng định quyền lực nhằm tăng tính thuyết phục ở các trang có tiếng tăm hơn. Không mất thời gian lắm để trở thành “chuyên gia được công nhận trên toàn quốc về lĩnh vực …, … và …”. Vấn đề duy nhất là điều đó không bao giờ trở thành sự thật.

Các tay phóng viên bảo HARO chỉ là một công cụ tham khảo nhưng thực sự thì không phải thế. Nó là một công cụ giúp bịa ra những lời lăng xê để chúng trông giống như một cuộc nghiên cứu. Hãy cảnh giác với những thông báo kiểu:

Khẩn: [email đã được che đi @aol.com cần một vài nguồn tin (ứng dụng, trang web…) MỚI và HIẾM để có thể giúp các hộ gia đình có cơ hội tiết kiệm tiền bạc[4].

Đây không phải là một nỗ lực đáng quý của một phóng viên được đào tạo qua trường lớp nhưng lại là một ví dụ quá phổ biến về một blogger lười nhác đã cung cấp cho những người tiếp thị cơ hội để chèn chính họ vào câu chuyện của mình. Các tay phóng viên cũng thích gửi thư yêu cầu các nguồn tin giúp đỡ cho những câu chuyện mà họ đang viết.

[Email đã được che đi @gmail.com cần những câu chuyện kinh dị liên quan tới văn bản cầm cố, khoản vay của sinh viên, bản báo cáo kế toán, kẻ thu nợ, hoặc thẻ tín dụng.

CHÚ Ý: [Email đã được che đi]@abc.com đang tìm người đàn ông đang đảm nhiệm việc nội trợ sau khi bị mất việc.

Vậy là bạn đã biết cách một câu chuyện không có thật được tạo ra như thế nào rồi đấy. Trên thực tế, thậm chí tôi còn thấy một lời yêu cầu HARO của một tay phóng viên hy vọng “được nói chuyện với một chuyên gia về cách tạo nên xu thế”. Tôi hy vọng dù là ai trả lời thì cũng sẽ giải thích rằng những kẻ sản xuất ra bản tin truyền thông mang tính tự huyễn hoặc như cô ta sẽ phải chịu trách nhiệm.
Điều mà HARO khuyến khích – và trang này tràn ngập cả nghìn yêu cầu của mọi người – là tạo điều kiện cho các phóng viên tìm kiếm người cung cấp nguồn tin chỉ để xác nhận điều mà bọn họ định công bố. Thay vì nghiên cứu một chủ đề và truyền đạt thứ họ tìm kiếm đến công chúng, các phóng viên lại chỉ chộp lấy những câu nói bắt buộc – nhưng cũng rất giả tạo, được trích dẫn từ các “chuyên gia” để công nhận một nền báo chí chạy theo số lượt xem. Với độc giả thì nó có vẻ như đó là một tin có lý. Nhưng với các phóng viên, họ chỉ đảo ngược lại mạch truyện từ những bộ máy tìm kiếm – một giả thuyết khá quen thuộc.

HARO cũng giúp cho các blogger tạo ra nhận thức sai lầm về sự cân bằng. Không hề có ai nói chuyện với các nguồn đưa tin từ cả hai phía. Họ cung cấp không gian chiếu lệ cho các nguồn tin đối lập, ngoài ra không gì nữa. Đó chỉ là sự giả vờ. Tôi thường xuyên nhận email từ các blogger và phóng viên yêu cầu đưa ra “phản hồi” đến những tin đồn vô lý hay những phân tích mang tính đồn đoán. Họ chỉ cần một câu nói của tôi về việc bác bỏ những tin đồn (mà phần lớn mọi người sẽ bỏ qua) để thanh minh cho việc công bố nó.

Phần lớn những câu chuyện trên mạng được tạo ra như vậy. Những tên cò mồi marketing đóng giả làm các chuyên gia thực thụ đưa ra lời khuyên và bình luận về các vấn đề theo hướng có lợi cho khách hàng của chúng và dụ người ta mua sản phẩm của mình. Các trang blog không phải chịu trách nhiệm cho sai lầm hoặc việc bị lợi dụng, vậy thì tại sao họ lại tránh nó?

QUÊN ÐI CHUYỆN NHẢM NHÍ CỦA CHÍNH MÌNH

Khi đang thu thập những bài báo viết về mình trong nhiều năm qua, tôi tình cờ đọc được một bài báo mà mình đã quên mất. Lúc đó, tôi đã đăng một câu hỏi lên trang blog của mình: “Cuốn sách kinh điển của những năm 1980 và 1990 là gì?” Đó là chủ đề mà tôi bàn luận cùng với những người bạn của mình; chúng tôi tự hỏi các giáo viên sẽ giới thiệu cho học sinh của 50 năm sau cuốn sách nào để họ tìm hiểu về thời kì này. Cuộc tranh luận đó được trang Marginal Revolution, trang blog của nhà kinh tế học Tyler Cowen, chọn và đánh giá cao khi chủ đề này đã mang lại 50 nghìn lượt xem trong một ngày. Bài viết của anh ta nói rằng:

Ðâu là cuốn sách kinh điển của những năm 1980 và 1990?

Tác giả: Tyler Cowen

Ðăng vào lúc 6:42 chiều

Ngày 3 tháng Chín năm 2008

(Mục) Sách

Ðó là thắc mắc của Ryan Holiday. Vấn đề không phải là chất lượng, mà cuốn sách đó phải “đại diện cho một thời đại văn chương” hay đại diện cho chính thời đại đó. Tôi sẽ lựa chọn ngẫu nhiên hai tác phẩm: Bonfire of the Vanities và Fight Club. Quý độc giả trung thành Jeff Ritze đang nghĩ đến Easton Ellis (“dù không phải là cuốn American Psycho”). Còn bạn thì sao? Liệu tôi có dám đề cập đến cuốn The Firm của John Grisham như là hiện thân cho xu hướng bom tấn của King, Steele, Clancy và những người khác? Ngoài ra còn có Harry Potter và các cuốn tiểu thuyết sinh động khác.
Tình cờ đọc được điều này đã làm cho tôi thấy ấn tượng không chỉ vì tôi là một fan bự của Tyler Cowen mà còn vì tôi cũng là fan bự của cả Jeff Ritze nữa. Hoặc vì đó là một trong những cái tên giả tôi từng dùng và có vẻ như tôi gửi email bài viết của mình như là một lời mách nước cho trang Marginal Revolution. Dĩ nhiên, Jeff Ritze đang nghĩ đến Bret Easton Ellis – ông ấy cũng là một trong những tác giả yêu thích của tôi. Tôi thậm chí còn có nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi ấy, bao gồm cả tôi – Ryan Holiday – trong buổi phỏng vấn cho một tạp chí vài năm sau đó.

Tôi chính là người cung cấp tin cho bài viết này nhưng lại hoàn toàn quên nó. Tôi muốn tăng lượt truy cập cho trang của mình nên tôi đã lừa Tyler và anh ấy đã dẫn nó đến trang của tôi. (Xin lỗi nhé Tyler!) Việc đó cũng đã thành công. Một trang blog cho tờ Los Angeles đã lấy chủ đề từ trang blog của Cowen và nói một cách lạc quan về “20 điều gì đó về Ryan Holiday”.

Margial Revolution là một trang blog có ảnh hưởng cũng như có số lượng độc giả rất lớn và tôi chưa bao giờ trở thành tâm điểm của trang Los Angeles Times mà lại thiếu đi trang này cả. Hơn tất thảy, giờ đây, khi tôi viết tiểu sử về mình, tôi phải liệt Los Angeles Times vào một trong những nơi đã đưa tin về tôi.

[1]. “Cuộc nghiên cứu về hệ sinh thái báo chí tại một thành phố Mỹ”, chỉnh sửa lần cuối ngày 11 tháng Một năm 2010. http://www.journalism.org/analysis_report/how_news_happens – TG.

[2]. Robert Scoble, chỉnh sửa lần cuối ngày 28 tháng Bảy năm 2010. https://profiles.google.com/111091089527727420853/buzz/EsMhJvooEWv – TG.

[3]. Một lần nọ, tôi đã hướng dẫn với khách hàng về những điều nên nói trong một buổi phỏng vấn vì tôi biết rằng những điều đó được quan tâm, đồng thời chúng tôi có thể đăng lên Wikipedia và nó sẽ trở thành một phần của tiêu chuẩn về tường thuật truyền thông. Chúng tôi tìm bài phỏng vấn để có thể chắc chắn về “cơ sở lập luận”, rồi sau đó trích dẫn lên Wikipedia khiến cho nó trở nên đáng tin hơn gấp bội – TG.

[4]. Mười ngày sau, một tay phóng viên đã hào phóng cho các nhân viên tiếp thị loại hai một cơ hội với cùng một câu chuyện và yêu cầu như thế này: “CHÚ Ý : [email đã được soạn sẵn]@aol.com cần một vài nguồn tin (ứng dụng, trang web…) MỚI và HIẾM để có thể giúp các hộ gia đình cùng các em nhỏ những cơ hội tiết kiệm tiền bạc hiếm có” – TG.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.