Tình sử Võ Tắc Thiên

Hồi 20: Khổng giáo hay hơn hết



Với sự tiếp tay của họ Lại, Thừa Tự đã mang Địch Nhân Kiệt ra xử với rắp tâm tiêu diệt bằng hết những phần tử chống đối hắn. Nhân Kiệt đã phạm vào mưu của hắn và làm lộ bộ mặt của họ Lại, nhưng hắn vẫn không nản chí.

Thừa Tự cảm thấy mình bị bỏ rơi. Dì của hắn đã lên ngôi Hoàng đế. Còn hắn?

Hắn đã giúp đỡ Võ Hậu không phải ít và triều đại này là của họ Võ. Tại sao hắn không được làm người kế vị?

Thực ra, Võ Hậu rất ưu đãi mấy người cháu của bà. Tất cả đều được giao phó những chức vị quan trọng tại kinh đô và một số có chân trong Hội đồng Tối cao tại Chính Sự đường. Quyền thế của họ nhiều khi vượt qua chức vụ mà họ nắm giữ.

Trong vòng vài năm vừa qua, Võ Hậu lơ là trong việc chọn người nối nghiệp chính thức, khiến một số người như ngồi trên đống lửa. Thừa Tự dùng đủ trăm phương ngàn kế để được bà chọn. Biết mình không xứng đáng, hắn tận tay giết những kẻ không cùng đường với hắn, vì họ có thể xúi giục Võ Hậu lập người khác. Cho đến bây giờ, Đán vẫn còn là Thái tử và là cái gai cần phải nhổ đi. Hắn kéo hung thần họ Lại về làm việc với hắn. Họ Lại cũng là một người có tham vọng. Gã tin tưởng rằng một khi Thừa Tự lên ngôi báu, gã sẽ là người đứng đầu bá quan. Võ Hậu đâu có sống được mãi.

Theo dự tính của Thừa Tự và họ Lại, hắn sẽ làm giảm uy tín Đán trước rồi mới hạ chàng sau.

Năm 693, chúng xử tử hai vị quan nhỏ vì hai ông này vào gặp riêng Đán tại hậu cung. Nói chuyện riêng với Đán tức là mưu cướp lại ngôi. Thừa Tự cố ý làm to chuyện để hạ uy tín Đán bằng cách phân thây hai vị quan ấy.

Ít lâu sau, Thừa Tự xúi Tâm Nhi – tì nữ thân tín của Võ Hậu – nói xấu Đào Phi và Lưu Phi – vợ của Đán.

Tâm Nhi kể với Võ Hậu rằng nó đã nghe hai nàng than phiền và cầu trời cho Võ Hậu chết sớm.

Ngày hôm sau Võ Hậu bảo hai nàng theo bà đi du ngoạn.

Đến chiều chỉ có mình Võ Hậu trở về. Chắc hẳn hai nàng con bận ngoạn cảnh nơi chín suối.

Đán linh cảm thấy Thừa Tự đang đâm sau lưng chàng.

Tối hôm đó, Đán được mời tới dùng cơm với Võ Hậu. Trong khi ăn, Võ Hậu luôn luôn để mắt dò xét chàng. Có lẽ bà chờ xem chàng có cử chỉ hay lời nói nào tỏ ý chống đối như Thái tử Hoằng trước kia không?

Biết thân phận, Đán tỏ ra rất ngoan ngoãn dễ bảo. Chàng cắm cúi ăn chẳng nói gì.

Mọi việc êm ả như không có gì xảy ra.

Hai nàng cung phi chết mất xác mà cũng chẳng có ai truy cứu hoặc tổ chức đám táng. Một trong hai nàng – Đào Phi – chính là thân mẫu của vua Minh Hoàng sau này. Lúc đó Minh Hoàng mới tám chín tuổi. Khi lên ngôi, Minh Hoàng muốn chôn cất mẹ theo đúng lễ nghi cùng với thi hài của Đán, nhưng cũng không biết xác bà lưu lạc phương nào. Ông đành phải chôn một bộ quần áo của bà để thay thế như đã nói ở đoạn đầu.

Giờ đây Thừa Tự và họ Lại ra mặt tấn công Đán. Chúng lẻn vào hậu cung bắt hết các thị nữ và hoạn quan hầu cận của Đán, rồi mang họ tới một ngôi điện cách chỗ ở của Võ Hậu chưa đầy một trăm thước và bắt đầu tra tấn. Chúng bắt họ phải khai những mưu toan cướp ngôi của Đán. Sau những màn khảo đả và đổ dấm vào mũi. Các thị nữ và hoạn quan đều mất vía, sẵn sàng nghe theo mọi xắp đặt của họ Lại.

May thay lúc đó có một người đàn ông tên là An Tàng Kim bị bắt chung với đám hoạn quan, người này bất thình lình la thật lớn:

– Các ngươi không được làm như vậy! Các ngươi vu khống! Thái tử vô tội.

Sau đó ông giật lấy một con dao, phanh áo rồi tự mổ bụng và thò tay moi ruột ra ngoài trông rất ghê rợn. Đây là cách tự sát để phản đối.

Thừa Tự tái mặt. Chuyện này xảy ra ngoài sự xếp đặt của hắn.

Cuộc tra tấn gián đoạn nửa chừng.

Các thị nữ la hoảng và bỏ chạy tứ tung. Một vài đứa chạy đi báo cho Võ Hậu hay và bà lập tức có mặt tại nới xảy ra án mạng. Bà không thể ngờ cháu bà dám lộng hành như vậy, dám làm náo loạn Hoàng cung.

Thừa Tự và họ Lại đều cúi gầm mặt, lấm lét sợ sệt khi thấy bóng bà. Võ Hậu giật mình khi lăng thấy họ An nằm trên vũng máu, ruột gan lòng thòng gớm ghiết. Bà buông lời trách mắng Thừa Tự thậm tệ và quay sang bảo các thị nữ kể lại đầu đuôi. Vừa lúc đó quan Thái y tới. Thấy họ An còn thoi thóp thở. Võ Hậu ra lệnh cho quan Thái y cứu họ An bằng mọi giá, phải túc trực săn sóc họ An cho đến khi ông tỉnh lại.

Quan Thái y bèn khâu vết thương với chỉ làm bằng vỏ cây dâu rồi thoa mồ hóng để ngừa vi trùng. Sau đó ông cho người khiêng họ An về phòng.

Võ Hậu có vẻ kích động một cách khác thường vì biến cố này. Sáng hôm sau bà tới thăm họ An. Tuy đã ngủ qua một đêm, An còn rất yếu vì xúc động và mất nhiều máu.

Cũng may ông không lên cơn sốt và tính mạng có cơ vãn hồi. Buổi chiều bà lại vào thăm An, vì nghe nói ông đã có thể nói được.

Bà an ủi An:

– Trẫm rất cám ơn khanh. Khanh đã hy sinh tính mạng để giúp trẫm hiểu được Thái tử.

An được săn sóc chu đáo như một người trong Hoàng tộc.

Đến khi ông hoàn toàn bình phục. Võ Hậu mới cho ông rời cung. Bà và Đán không quên trọng thuởng ông vô số vàng bạc, châu báu.

Võ Hậu suy nghĩ rất nhiều về trường hợp họ An. Lần đầu tiên trong đời bà cảm thấy hối hận. Suốt mấy ngày bà không nói với Thừa Tự một tiếng. Bà không ưa những hành động quá khích của hắn. Bà trút hết tội lỗi lên đầu họ Lại.

Lần nãy, họ Lại bị giáng chức và đổi đi xa. Bà chán ghét Thừa Tự, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ tình mẫu tử của bà đối với Triết và Đán đã thức dậy. Bà vẫn không muốn triệu hồi Triết. Người con thứ ba đã bị truất ngôi vua, giáng xuống làm Lư Lăng Vương và đổi đi Phong Châu. Tuy nhiên tận đáy lòng bà có phảng phất một điểm sáng của thiên lương, chỉ chờ có người khơi dậy sẽ bùng cháy mãnh liệt.

Họ Lại mất chức Phó Đô Ngự Sử và Thừa Tự mất tín nhiệm đối với Võ Hậu. Nhưng nhà sư điên vẫn hỗn xược và gây xáo trộn trong cung càng ngày càng nhiều. Gã không còn trẻ như trước nhưng vẫn không trầm tĩnh chút nào, luôn luôn bị ám ảnh bởi những tư tưởng điên cuồng. Võ Hậu ưa chuộng và hùa theo gã vì đồng bệnh tương lân. Trong suốt thời gian qua hai người cùng mơ mộng hão huyền. Mọi việc đều vui vẻ tốt đẹp. Bộ mặt thiên thần mà Võ Hậu đạt được là nhờ công của gã.

Cuốn Đại Vân Kinh đã được in và phổ biến để thần thánh hóa Võ Hậu. Tin hay không tin, chẳng ai dại gì phát biểu ý kiến hoặc đặt thành vấn đề quan trọng. Võ Hậu rất say mê đạo Phật vì chính bà là một vị Phật sống. Bà ra lệnh các tăng ni phải được đứng trên các đạo sĩ trong mọi cuộc tế lễ công cộng.

Sư Hoài Nghĩa, Thừa Tự và Công chúa Thái Bình tìm cách biến các chuyện hoang đường về Võ Hậu thành sự thật. Chúng bịa ra các tiếng thật kêu có liên quan đến Phật để thêm vào đế hiệu của Võ Hậu.

Khi lên ngôi vào năm 690, bà được gọi là Hoàng đế Hiển Thánh; năm 693 Hoàng đế Hiển Thánh, Kim Luân (bánh xe vàng) và năm 694 lại đổi là Hoàng đế Hiển Thánh, Kim Luân, Bất Diệt.

Võ Hậu rất hài lòng.

Nhưng rồi đến một ngày kia sư Hoài Nghĩa chán Võ Hậu. Chán bà già bảy mươi, da thịt đã nhăn nheo. Chiếc bụng phệ của bà không còn hấp dẫn nữa. Hoài Nghĩa đã giàu có và quyền thế. Gã ở miết tại đền Bạch Mã để hưởng các của lạ. Nhiều lần Võ Hậu cho vời nhưng gã thường từ chối khéo.

Rõ ràng gã đã đưa Võ Hậu vào tròng, đến nỗi gã muốn làm gì bà cũng không dám nói.

Thái độ của gã trở nên úp mở, dường như gã đang mưu đồ một chuyện ghê gớm. Gã chiêu nạp hàng mấy trăm tên giang hồ mãi võ cho gọt đầu tu tại đền Bạch Mã. Sư Hoài Nghĩa tỏ ra điên rồ khi dám coi Võ Hậu là đồ bỏ. Tuy vậy, Võ Hậu vẫn phải làm ngơ vì gã là người duy nhất mà bà sợ trên thế gian này.

Để trả đủa, bà kiếm người yêu mới, một vị Thái y họ Trầm. Hoài Nghĩa nổi khùng khi nghe tin này. Gã càng tỏ ra vô lễ hơn nữa. Gã miễn cưỡng tới lui với Võ Hậu vì bà đã mất hết vẻ quyến rũ. Gã biết rõ bà hơn ai hết. Có một điểm gã chẳng điên chút nào là gã biết lợi dụng yếu điểm của Võ Hậu. Muốn gã kín miệng, Võ Hậu phải để gã tự do hành động.

Quá thất vọng, Võ Hậu hạ chiếu, cử hắn làm Nguyên soái đi dẹp giặc Thổ ở phía Bắc. Bà muốn gã đi cho khuất mắt.

Cũng may cho gã lúc đó quân Thổ lui binh vì có nội loạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, thể là gã thắng trận không tốn một mũi tên. Gã ca khúc khải hoàn đem binh về triều, và một đài kỉ niệm được dựng tại kinh đô để ghi nhớ chiến công của gã.

Năm mới đã tới! Mười lăm ngày đầu năm nhộn nhịp tưng bừng. Thực ra bây giờ mới là đầu tháng mười một năm 694, nhưng để tiến gần hơn nữa tới lãnh vực thần thánh. Võ Hậu cho đổi quốc hiệu là “Thánh Thánh” và hạ chiếu đổi tháng mười một thành tháng đầu của năm mới thay vì tháng giêng như thường lệ, dân chúng nô nức kéo nhau đi lễ. Viện Thiên Đường cũng mở cửa để dân chúng vào xem sư Hoài Nghĩa biểu diễn trò Phật từ dưới đất chui lên.

Sư Hoài Nghĩa đã báo cáo cho Võ Hậu biết những thành quả mà gã đã gặt hái được trong chiến dịch đánh quân Thổ. Nhân dịp năm mới gã tổ chức một lễ lớn để ăn mừng. Gã hy vọng sẽ được Võ Hậu trọng thưởng bằng cách cho thăng cấp bậc, tuyên dương công trạng, nhưng Võ Hậu chỉ chúc mừng lấy lệ.

Dù sao, Hoài Nghĩa vẫn tiến hành buổi lễ. Bức chân dung Phật bằng vải cao gần một trăm thước được chưng phía ngoài hoàng cung.

Tới ngày rằm, một cuộc rước đèn vĩ đại được tổ chức. Toàn thể dân chúng kinh đô tấp nập đi xem. Khu công viên trước cổng hoàng cung chật ních những người chờ giờ cướp giật do bọn Hoài Nghĩa vung ra.

Hoài Nghĩa tin tưởng Võ Hậu sẽ xuất hiện như bà từng xuất hiện trong các năm trước. Gã sửa soạn một chương trình đặc biệt dành cho bà: sẽ ra mắt công chúng với tư cách một vị Phật. Gã bảo mọi người hãy chờ đợi, Võ Hậu sắp tới. Gã sẽ được đẹp mắt trước công chúng khi họ thấy gã vẫn còn được Võ Hậu trọng vọng. Gã chờ và chờ mãi mà không thấy Võ Hậu tới. Chắc bà còn bận quyến luyến người yêu mới. Gã gầm lên vì tức giận.

Đêm hôm đó trong lúc điên cuồng, sư Hoài Nghĩa đã nổi lửa đốt điện Thiên Đường.

Bức tượng Phật khổng lồ bằng thạch cao trong nhồi vỏ cây gai cũng bốc cháy như một cây đuốc vĩ đại. Lửa bốc lên ngút trời.

Khói và tàn lửa bay tứ tung. Nhờ thuận gió lửa từ tòa Thiên Đường bén sang tỏa Minh Đường và cả hai ngôi điện hùng vĩ thi nhau đầm mình trong biển lửa.

Từ đằng xa những người đi xem hội có dịp chứng kiến một cảnh tượng huy hoàng. Một cột lửa cao hàng mấy trăm mét đỏ rực một góc trời. Bức hình Phật bằng vải đã bị gió thổi rách cũng bắt các tàn lửa và bốc cháy đùng đùng.

Dân chúng reo lên: Mũi ông Phật cháy rồi!

Và tất cả đều cười rộ.

Mùi sơn và mùi máu hòa lẫn với mùi gạch ngói; bầu không khí nóng hừng hực như sắp vỡ ra.

Khi bình minh ló dạng, các cây gỗ khỗng lồ hãy còn ầm ỉ cháy, thỉnh thoảng còn nghe tiếng lách tách, những chỗ cháy dở lâu lâu lại bùng lên đây đó. Hình chim phượng nạm vàng, ở trên nóc Minh Đường bị lửa nung chảy, trông méo mó rất tức cười.

Sư Hoài Nghĩa đã gây ra đám đại hỏa tai này để cho Võ Hậu một bài học về cái tội dám lơ là với gã. Vả lại trong óc tưởng tượng bệnh hoạn của gã, một đám cháy lớn chắc chắn phải rực rỡ, huy hoàng lắm.

Liệu Võ Hậu có trừng trị gã sư điên không? Gã biết bà không dám. Bà xấu hổ và buồn bực. Bà biết ai đã gây ra vụ này và lí do đưa tới hành động điên rồ đó. Bà giải thích với quần thần rằng, một vài người thợ đã vô ý gây hỏa hoạn và bà ra lệnh xây lại tòa Minh Đường dưới quyền điều khiển của sư Hoài Nghĩa.

Tuy bất mãn, bà không muốn đụng chạm tới nhà sư vì biết gã dám đem những chuyện xấu xa của bà ra rêu rao cho mọi người biết. Võ Hậu tự trách mình nhẹ dạ để đến nỗi mắc vào tay một tên lưu manh, đàn điếm và thô bỉ. Bà biết không thể đem Hoài Nghĩa ra xét xử vì chắc chắn sẽ có nhiều chuyện lem nhem bị đổ bể. Dân chúng đã biết được, họ sẽ bàn tán khắp nước. Bà sẽ làm trò cười cho thiên hạ như từng xảy ra khi Hà Tường Hiển bỏ chạy trên đường tới pháp trường đã nói trên đoạn đầu. So với họ Hà, gã sư điên còn biết nhiều chuyện gấp bội. Một khi gã đem ra kể hết, lập tức bà biến thành nữ hoàng dâm đãng nhất lịch sử. Vậy cách hay nhất là phải giết gã.

Tuy Võ Hậu làm ngơ, Châu Cửu vị pháp quan đã viết thư cho Võ Hậu phản đối chế độ khủng bố, truy tố Hoài Nghĩa về tội kết đảng hàng ngàn giang hồ mãi võ, để mưu đồ những chuyện bất chánh. Ông yêu cầu Võ Hậu đưa gã ra xét xử.

Võ Hậu có vẻ lưỡng lự, bà nói:

– Có cần thiết lắm không?

Chầu Cửu cương quyết:

– Thần cam đoan Sư trưởng đền Bạch Mã đang mưu toan bất chánh. Thần có rất nhiều điều muốn hỏi y.

Võ Hậu suy nghĩ một lát rồi trả lời:

– Được rồi, khanh về đi. Trẫm sẽ giao y cho khanh.

Châu Cửu ra về, lòng buồn bực. Ông không tin rằng Võ Hậu sẽ chịu giao Hoài Nghĩa cho ông. Nhưng thật bất ngờ vài ngày sau Hoài Nghĩa tới. Gã buộc ngựa ngoài cổng rồi lửng thửng đi vào nơi làm việc của ông. Vào đến nơi gã kiếm một chiếc trường kỉ rồi thản nhiên nằm xuống, nhếch chân lên cao và cười hô hố.

Khi Châu Cửu gọi gã vào phòng thẩm vấn. Gã thình lình đứng bật dậy chạy ra ngoài cổng và nhảy lên lưng ngựa dông tuốt.

Châu Cửu báo cáo lên Võ Hậu thái độ quái gở của Hoài Nghĩa, lòng đầy hồ nghi. Ông phỏng đoán chính Võ Hậu đã bày mưu bảo Hoài Nghĩa giả điên.

Võ Hậu nói với ông:

– Hoài Nghĩa mắc chứng điên. Thôi khanh đừng bắt tội y làm gì. Khanh có thể trừng trị các tên khác tại đền Bạch Mã. Trẫm cho khanh toàn quyền hành động.

Châu Cửu không biết làm sao hơn đành phải nhận lời. Ông đem bọn đầu trâu mặt ngựa đàn em của Hoài nghĩa ra xử và đuổi chúng đi thật xa.

Công chúa Thái Bình biết mọi chuyện, và kiếm Võ Hậu để bàn luận. Nàng cũng có những ý tưởng giống mẹ, sợ Hoài Nghĩa sẽ làm lộ chuyện ra ngoài. Nàng cũng đã có một thời kì điên đảo mê li cùng gã, và nàng không muốn gã đem bùn trát vào mặt nàng.

Nàng bảo Võ Hậu:

– Sao mẹ lại để tên đầu trọc làm loạn như vậy? Mẹ nên thường xuyên trông chừng hắn và bắt hắn phải kín miệng.

Võ Hậu cười gượng:

– Không đơn giản như con tưởng đâu. Mẹ biết làm gì bây giờ?

Mặt công chúa bỗng đanh lại:

– Được rồi, mẹ để hắn cho con. Con sẽ lo vụ này. Hắn đã muốn vậy thì dễ làm.

Võ Hậu hiểu ý con, bà dặn:

– Được lắm, con phải cẩn thận.

Công chúa Thái Bình gởi giấy cho Hoài Nghĩa bảo gã vào gặp Võ Hậu để bàn về chuyện xây lại tòa Minh Đường. Sau đó nàng bố trí hơn một chục thị nữ khỏe mạnh trang bị gậy gộc và giây thừng để chờ Hoài Nghĩa.

Mặt khác nàng nhờ Ngọc Ninh cháu Võ Hậu, anh họ công chúa, bí mật bố trí một toán thị vệ để tiếp ứng.

Tới giờ hẹn, nàng ra trước điện Chiêu Dương để đón đường.

Hoài Nghĩa rất do dự khi nhận được giấy của Công chúa Thái Bình, nhất là vừa xảy ra vụ các đàn em của gã bị đổi đi xa. Cuối cùng, gã quyết định vào cung vì tin rằng Võ Hậu chưa dám hạ độc thủ, bằng chứng là bà vừa bày mưu cho gã thoát khỏi tay Châu Cửu. Dù sao gã cũng phải thận trọng. Gã cưỡi ngựa vào cung bằng cổng phía Bắc, mang theo một số quân hầu. Vừa đi gã vừa trông chừng xung quanh để đề phòng bất trắc. Qua khỏi cổng tới một khu vườn rộng. Gã cho ngựa đi dọc theo một chiếc ao nhỏ và tiến về khu nội cung gồm các tòa nhà thông với nhau bằng những hành lang vòng vèo có mái che. Gã đưa mắt dò xét bốn phía và thở phào nhẹ nhõm khi chỉ thấy mấy đứa thị nữ như thường lệ.

Công chúa Thái Bình đang đứng dưới mái điện Chiêu Dương mỉm cười đón gã.

Gã buộc ngựa dưới một tàng cây rồi ung dung bước vào.

Thình lình một đám thị nữ từ phía trong xông ra tung dây trói gã. Gã bị quấn mấy chục vòng bằng dây thừng lớn hết phương cục cựa. Bọn thị nữ dùng gậy và cán chổi đập gã túi bụi, bọn thị vệ cũng xông ra đè gã xuống và xiết cổ cho đến chết. Sau đó xác gã được đem về hỏa táng tại đền Bạch Mã.

Tính mạng nhà sư điên được giải quyết thật êm ả, khéo léo. Võ Hậu không ngớt khen ngợi Công chúa Thái Bình. Thực là mẹ nào con ấy.

Hoài Nghĩa chết thì cuộc phiêu lưu của Võ Hậu vào thế giới Phật giáo cũng chấm dứt. Từ ngày bà ghét Hoài Nghĩa, bà cảm thấy Phật cũng chẳng có gì hấp dẫn. Những chữ Kim Luân, Bất Diệt trong đế hiệu của bà cũng bị bỏ đi vì bà muốn dứt bỏ ảnh hưởng của Phật giáo.

Giờ đây bà nhận ra Nho giáo, Khổng giáo hay hơn hết vì người yêu mới của bà là đệ tử của Nho giáo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.