Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 02



Bác sĩ Huvênan Ucbinô làm việc theo một thời gian biểu hết sức nghiêm túc đến mức bà vợ ngài biết chính xác ngài đang ở đâu để sai người đến tìm và chuyển cho ngài một vài lời nhắn nhủ nếu trong buổi chiều ấy có chuyện gì khẩn cấp xảy ra. Thời còn trẻ ngài hay nấn ná ngồi lâu ở quán cà phê Parôkia. Tại đây, ngài luyện tập nước cờ cùng với những kẻ đồng mưu, với ông bố vợ ngài, hoặc với những người vùng Caribê lưu vong đến thành phố. Nhưng bước sang những năm tháng đầu tiên của thế kỷ này ngài không trở lại quán cà phê Parôkia và ngài lại lao vào việc tổ chức các cuộc thi đấu quốc gia được Câu lạc bộ Xã hội bảo trợ. Đó là thời kỳ Giêrêmia đê Xanh Amua, trong tình trạng hai đầu gối liệt và chưa làm nghề chụp ảnh cho trẻ nhỏ, đến thành phố này và sau ba tháng y liền được mọi người thừa nhận là người biết đi quân cờ trên bàn cờ bởi không một ai thắng nổi y lấy một ván. Cuộc gặp gỡ với Giêrêmia đê Xanh Amua là một cuộc gặp gỡ thần kỳ vì lúc ấy cờ đam đã trở thành một hứng thú không thể cưỡng lại được đối với bác sĩ Huvênan Ucbinô và không còn nhiều đối thủ để ngài thỏa cơn khát giành chiến thắng.

Nhờ có bác sĩ Huvênan Ucbinô, Giêrêmia đê Xanh Amua mới được chúng tôi tôn trọng. Bác sĩ Huvênan Ucbinô trở thành người bảo trợ không điều kiện, trở thành chỗ tin cậy của tất cả chúng tôi, đến mức khi nghe ngài nói chúng tôi chẳng phải mất công tìm hiểu xem y là ai, làm gì và vì cuộc chiến tranh vô nghĩa nào mà y đến đây trong tình trạng tàn phế và đói khổ như vậy. Ngài còn cho y vay tiền để mở cửa hàng chụp ảnh. Giêrêmia đê Xanh Amua phải trả cho ngài một số lượng lớn rượu ngon và cả đồng tiền vàng cuối cùng của mình ngay từ ngày chụp kiểu ảnh đầu tiên cho đứa trẻ hốt hoảng trước ánh đèn manhê chớp sáng.

Tất cả đều do cờ đam mà thôi. Lúc đầu hai người chơi cờ với nhau từ bảy giờ tối, sau bữa cơm chiều. Bác sĩ thường giành phần thắng nhiều hơn do đối thủ của mình kín đáo nhường nhịn. Càng chơi bác sĩ càng ít giành được phần thắng và sau đó hai người chơi ngang sức nhau và trở thành bạn cờ tâm đắc của nhau. Về sau này, khi đôn[5] Galilêô Đacôntê lập bãi chiếu bóng đầu tiên ở thành phố và Giêrêmia đê Xanh Amua trở thành khách hàng đúng giờ nhất của ngài thì các buổi chơi cờ đam bị thu hẹp trong khoảng thời gian còn lại sau buổi chiếu phim. Thế là Giêrêmia đê Xanh Amua làm bạn rất thân với bác sĩ đến độ bác sĩ luôn luôn cùng đi xem với y nhưng ngài không dẫn vợ đi theo phần vì bà không đủ kiên nhẫn theo dõi những bộ phim lắt léo khó hiểu, phần vì ngài nghĩ rằng Giêrêmia đê Xanh Amua khó chịu khi có thêm người khác ở bên cạnh.

[5] Từ xưng hô, nghĩa: Ngài, ông

Chủ nhật là ngày khác hẳn của ngài. Ngài dự lễ misa ở nhà thờ lớn sau đó trở về nằm nghỉ và đọc sách ở ngoài hành lang. Rất ít khi ngài đi thăm người bệnh trong ngày nghỉ của mình, ngoại trừ trường hợp thật khẩn cấp, và cũng đã nhiều năm nay ngài không tham gia các hoạt động xã hội, trừ trường hợp bắt buộc. Cái ngày lễ Hạ Trần ấy, do một sự trùng hợp hiếm có, đã xảy ra hai sự kiện lạ lùng: cái chết của người bạn và đám cưới bạc của một môn đệ xuất sắc. Mặc dù đáng lẽ đi thẳng về nhà như đã dự định sau khi ký xác nhận cái chết của Giêrêmia đê Xanh Amua thì ngài lại để cho tính tò mò dắt dẫn mình.

Ngay sau khi lên xe ngồi, ngài đọc lại ngay một lần nữa bức chúc thư và bảo gã xà ích đánh xe đưa mình đến ngôi nhà có địa chỉ rất khó tìm trong xóm cổ của những nô lệ. Quyết định ấy rất khác thường trong thói quen của ngài đến mức gã xà ích phải hỏi lại để xem có nhầm lẫn gì không. Không có gì nhầm lẫn cả: địa chỉ rất rõ ràng và người viết địa chỉ ấy hoàn toàn có đầy đủ lý do để cam đoan rằng mình biết rất rõ nó. Lúc ấy bác sĩ Huvênan Ucbinô trở lại đọc tờ thư đầu tiên và thế là ngài liền chìm đắm trong suy tưởng về những mối quan hệ không hề mong mỏi sẽ có thể làm thay đổi cuộc đời ngài, ngay cả khi ngài đã ở tuổi tám mươi mốt rồi nếu như ngài tự chiến thắng được bản thân để tin rằng cái chết của Giêrêmia đê Xanh Amua không phải là những cơn điên loạn của kẻ mất hết lòng tin gây nên.

Hôm ấy, ngay từ tinh mơ thời tiết đã bắt đầu thay đổi, trời đầy mây, không khí dịu mát, nhưng chưa hề có biểu hiện nào chứng tỏ sẽ mưa trước giờ ngọ. Cố tìm con đường ngắn nhất, gã xà ích cho xe chạy len lỏi trên những con đường hẹp lởm chởm đá trong thành phố thời thuộc địa Tây Ban Nha, và nhiều lần gã buộc phải dừng xe để cho chú ngựa đỡ hoảng hốt trước sự huyên náo của những đám đông học sinh và giáo dân từ trong nhà thờ lớn đi ra, sau khi đã làm xong các nghi lễ của ngày lễ Hạ Trần. Trên các đường phố ồn vang tiếng nhạc, sặc sỡ hoa và các vòng hoa giấy, và từ trên ban công, các thiếu nữ che ô màu sặc sỡ, thắt những chiếc nơ bằng vải muxơlin đang đứng xem lễ hội diễu qua đường phố. Trên quảng trường Nhà Thờ lớn, nơi có bức tượng Nhà giải phóng nổi bật lên giữa những cây panma giống Phi và những ngọn đèn pha hình cầu, xe ô tô đậu chật như nêm, trước cửa quán cà phê Parôkia cổ kính và điêu tàn kia người đông không có chỗ đặt chân. Chiếc xe ngựa duy nhất là chiếc xe của bác sĩ Huvênan Ucbinô và nó là chiếc xe độc đáo nhất trong số những chiếc xe ngựa còn lại trong thành phố, bởi vì nó vẫn còn giữ được cái màu bóng nhoáng của mui xe màu be, có các tay vịn làm bằng đồng để chống gỉ, các bánh xe sơn đỏ với đường viền sơn màu vàng, y hệt như những chiếc xe trong đêm huy hoàng trình diễn Nhạc kịch ở thành Viên. Mặt khác, trong lúc các gia đình giàu có thích chưng diện đã cho phép các tay đánh xe được mặc sơ mi sạch sẽ thì ngài vẫn đòi hỏi gã xà ích của mình phải mặc quần áo nỉ của người hầu, đội chiếc mũ sâu ống của diễn viên xiếc mà những thứ này ngoài vẻ cổ lỗ ra chúng còn khiến cho kẻ mặc phải chịu bao nỗi khổ sở trong ngày đại thử ở vùng nhiệt đới Caribê.

Dẫu có yêu cuồng nhiệt thành phố và có quen thuộc nó hơn bất kỳ ai, bác sĩ Huvênan Ucbinô rất ít khi có cơ hội như cái cơ hội của ngày Chủ nhật ấy để huênh hoang mạo hiểm trong cái xóm cổ của những người nô lệ đầy huyên náo. Gã xà ích phải đánh xe vòng đi vòng lại nhiều lần và vài lần hỏi thăm địa chỉ. Bác sĩ Huvênan Ucbinô nhận thấy đâu đây cái không khí nặng nề của vùng đầm lầy, sự cô quạnh chết chóc của nó cũng như cái mùi khó chịu đến ngạt thở của nó nhiều lần lẫn trong hương nhài ngoài sân đã bay đến tận phòng ngủ của ngài và ngài cảm thấy nó đi qua như một làn gió xa xưa chẳng hề liên quan gì đến đời tư của mình. Nhưng cái mùi khó chịu ấy nhiều lần được nỗi nhớ nhung lý tưởng hóa đã biến thành một thực tại khó chịu đến nôn mửa, khi cỗ xe ngựa bắt đầu nhảy chồm chồm lên những vũng bùn trên đường cái là nơi bầy quạ đang tranh nhau những thứ thải của lò mổ nổi lềnh bềnh trên mặt sông. Khác với thành phố đế vương mà các ngôi nhà của nó đều là những công trình xây cất đắt tiền, thì nhà ở đây đều làm bằng gỗ mái lợp tôn và hầu hết đều dựng trên các cột trụ để tránh nước từ các cống rãnh được đào từ thời người Tây Ban Nha còn thống trị tràn vào nhà. Khung cảnh nơi đây mang vẻ thiểu não không có chỗ nương thân nhưng trái lại từ các quán căng tin lại vọng ra tiếng nhạc vui vẻ xả láng của những người nghèo khó không hề quan tâm đến sự có mặt của Chúa cũng như ngày lễ Hạ Trần. Khi họ tìm được ngôi nhà theo đúng địa chỉ, một bầy trẻ nhỏ mình trần như nhộng chạy theo xe. Chúng vừa chạy theo vừa chế nhạo bộ quần áo và chiếc mũ hề của gã xà ích và gã đã phải giơ cái roi ra để xua đuổi chúng. Khi sẵn sàng bước vào một cuộc viếng thăm đầy tin cẩn, bác sĩ Huvênan Ucbinô thấy đã quá muộn để hiểu ra rằng chẳng có một sự ngu ngốc nào đáng sợ hơn là sự ngu ngốc của tuổi già.

Bề ngoài ngôi nhà không số chẳng có gì khác biệt với các ngôi nhà kém hạnh phúc ngoại trừ cái rèm đăng ten nơi cửa sổ và cánh cửa ra vào là của một ngôi nhà thờ cũ nào đó được gỡ đem về đây lắp vào. Gã xà ích đập rõ mạnh cái vồ gọi cửa, và khi tin chắc rằng mình đã tìm đúng nhà, gã liền dìu bác sĩ xuống xe. Cánh cửa lớn nhẹ nhàng mở ra không một tiếng động. Một người đàn bà đứng tuổi vận đồ đen tuyền, mang tai gài một bông hồng đỏ thắm đứng ở bên trong. Mặc dù nhiều tuổi, không thể dưới bốn mươi, người đàn bà ấy vẫn giữ được dáng son trẻ của gái lai đen, đôi mắt rực sáng long lanh, mái tóc mượt mà nom tựa như một chiếc mũ bông ôm lấy đầu. Bác sĩ Huvênan Ucbinô không nhận ra bà ta dù rằng đã vài lần ngài nhìn thấy bà trong lúc mải suy nghĩ trên bàn cờ đam tại phòng chụp ảnh, và có đôi lần ngài tự tay kê đơn cho bà ta, mua vài vỉ thuốc kinin để trị sốt rét cách nhật. Bác sĩ chìa tay cho bà ta và bà cũng chìa hai tay nắm lấy bàn tay ngài, dường như để giúp ngài bước vào nhà hơn là để chào ngài. Phòng khách mang hương vị và tiếng rì rào thầm thì của một vườn hoa tươi, kê đầy bàn ghế, giường tủ và các đồ vật quý giá khác, mỗi thứ đều được để đúng vị trí tự nhiên của chúng. Bác sĩ Huvênan Ucbinô bình thản nhớ lại cửa hàng của một người bán đồ cổ ở Pari tại số nhà 26 phố Môngmactrơ vào một ngày thứ hai một mùa thu thế kỷ trước. Người đàn bà ngồi đối diện với ngài và nói với ngài bằng một thứ tiếng Tây Ban Nha còn ngượng nghịu.

– Thưa bác sĩ, xin ngài cứ tự nhiên cho, – Bà ta nói. – thực lòng tôi không dám nghĩ rằng ngài lại đến thăm tôi nhanh đến như thế này.

Bác sĩ Huvênan Ucbinô đâm ra lúng túng. Với trái tim chân thành ngài chú ý quan sát bà ta, quan sát cách thức để tang rất thống thiết của bà, quan sát cái vẻ cao thượng trong sự im lặng của bà và thế là ngài hiểu rằng chuyến đi thăm của mình là vô ích, bởi vì bà ta biết nhiều hơn ngài về tất cả những gì được nói và khẳng định trong bức chúc thư của Giêrêmia đê Xanh Amua. Đúng như vậy, cho đến những giờ phút gần xảy ra cái chết bà ta đã ở cạnh y trong suốt gần hai mươi năm với một tình cảm tha thiết và mến thương dịu hiền còn hơn cả tình yêu mà không một ai trong cái thành phố tỉnh lẻ mơ mộng này, nơi từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, chuyện công khai đến chuyện riêng tư bị mọi người phát giác và bàn tán, đã biết chuyện riêng của hai người. Họ quen nhau trong một nhà tế bần của khách giang hồ ở Port-au Prinxê, nơi bà ta sinh trưởng và là nơi y tá túc trong buổi đầu chạy trốn. Một năm sau khi đến thành phố này, bà ta cũng đến đây thăm y trong một thời gian ngắn, dẫu rằng cả hai người tuy không giao tiếp với nhau nhưng đều biết chắc rằng bà ta sẽ ở lại đây mãi mãi. Mỗi tuần một lần bà ta lo lau quét, dọn dẹp phòng tráng phim rửa ảnh, nhưng ngay cả những người hàng xóm chậm hiểu nhất cũng không nhầm lẫn giữa biểu hiện bên ngoài với thực chất bên trong, vì cũng như tất cả mọi người họ đoán rằng sự tàn tật không chỉ gây khó khăn cho Giêrêmia đê Xanh Amua trong việc đi lại. Trên cơ sở y học bác sĩ Huvênan Ucbinô cũng đoán như vậy, nhưng chưa bao giờ ngài tin rằng Giêrêmia đê Xanh Amua có một người đàn bà nếu ngài không đọc điều đó trong bức chúc thư. Muốn nói gì thì nói, bác sĩ Huvênan Ucbinô phải vất vả lắm mới hiểu được rằng hai người lớn tuổi, trai chưa vợ, gái chưa chồng, sống tự do, ngoài vòng dư luận cổ hủ của một xã hội kiêu ngoại, đã chọn cái ngẫu nhiên của những mối tình bị cấm đoán. Bà ta đã giải thích điều đó như thế này: “Đó là sở thích của anh ấy”. Ngoài ra bà ta hài lòng sống trong điều kiện lén lút để được chia sẻ với một người đàn ông không hoàn toàn thuộc về mình và chính trong điều kiện ấy cả hai người nhiều lần được tận hưởng những phút giây kỳ ảo của hạnh phúc bừng nở. Bởi thế, hơn thế nữa, cuộc sống đã chứng minh cho bà ta thấy rõ rằng có lẽ sống như vậy là một kiểu mẫu.

Đêm trước họ cùng nhau đi xem phim, mỗi người ngồi một chỗ riêng rẽ, như lâu nay họ cùng đi mỗi tháng hai lần kể từ khi đôn Galilêô Đacôntê, một người Ý di cư đến đây, lập bãi chiếu bóng ngay trên đống đổ nát của một tu viện thế kỷ XVII. Họ xem bộ phim dựa trên một cuốn sách từng là mốt của năm ngoái và bác sĩ Huvênan Ucbinô đọc nó mà trái tim ngài quặn đau bởi tính chất tàn bạo của chiến tranh, đó là cuốn Phía tây không có gì lạ [6]. Sau đó họ cùng tụ hội trong phòng tráng phim rửa ảnh và bà ta thấy y có vẻ thẫn thờ buồn nhớ, đã nghĩ rằng đó là do tác động của những cảnh phim thể hiện những người bị thương sắp chết quằn quại trên bùn lầy. Để giải phiền, bà mời y cùng chơi một ván cờ đam. Y chấp nhận để làm vừa lòng bà, nhưng y chơi một cách hờ hững bên quân trắng, dĩ nhiên rồi, cho đến khi y nhận ra chỉ bốn nước nữa y sẽ bị chiếu hết, thế là y đầu hàng. Vậy là bác sĩ Huvênan Ucbinô hiểu rằng người chơi ván cờ cuối cùng ấy là bà ta chứ không phải tướng Hêrônimô Acgôtê như ngài vẫn nghĩ. Ngài ngạc nhiên thốt lên:

– Đó là một ván cờ tuyệt vời!

[6] Tiểu thuyết của Văn hào Đức Ramarque.

Bà ta từ chối lời khen ngợi đó và bảo rằng chiến tích ấy không phải là của mình mà chẳng qua là vì Giêrêmia đê xanh Amua đang hoảng hốt trước cái chết, đã hờ hững đi quân cờ. Khi ngừng chơi cờ, đã là lúc mười một giờ mười lăm rồi, vì các quán nhảy vừa ngừng chơi nhạc, y đề nghị bà hãy để cho y được ở một mình. Y muốn viết một bức thư cho bác sĩ Huvênan Ucbinô, người mà y coi là đáng kính trọng nhất trong số những người mà y quen biết và hơn nữa ngài còn là một người bạn tâm tình, đúng như cách nói của y, dẫu rằng khuyết tật chung của cả hai người là thói chơi cờ đam như một cuộc đối thoại lý lẽ với nhau chứ không phải là một khoa học. Thế là bà ta hiểu ngay rằng y đã đi tới giới hạn cuối cùng của nỗi lo âu khắc khoải và bà ta cũng hiểu rằng y không còn thời gian sống lâu hơn nữa nên cần phải viết ngay bức thư. Bác sĩ không thể tin được điều đó.

– Thế ra là bà đã biết hết rồi. – Ngài nói.

Bà ta thừa nhận rằng không những biết hết mà bà còn giúp y vượt qua nỗi khắc khoải lo âu, với chính tình yêu thương đã giúp y nhận ra hạnh phúc. Bởi vì đó là một nỗi khắc khoải lo âu đến kinh người kéo dài trong suốt mười một tháng cuối cùng của đời y.

– Nghĩa vụ của bà là phải nói điều đó cho mọi người biết, – bác sĩ nói.

– Tôi không thể làm được điều đó, – bà ta tức giận nói, – tôi rất yêu anh ấy!

Bác sĩ Huvênan Ucbinô, vốn nghĩ rằng mình đã nghe tất cả, chưa bao giờ được nghe nói về những điều tương tự như thế và chúng được nói bằng một hình thức giản dị. Ngài tập trung cả năm giác quan nhìn thẳng vào mặt bà ta để khắc sâu hình ảnh bà ta trong khoảnh khắc ấy vào ký ức mình: bà ta giống như một nữ thần sống, mãnh liệt trong bộ đồ đen, đôi mắt như mắt rắn và bông hồng thắm đỏ gài trên mang tai. Đã lâu lắm rồi, cái hồi còn ở trên một bãi tắm cô đơn ở Haiti, hai người vừa làm tình với nhau xong còn đang nằm khỏa thân trên bãi cát, Giêrêmia đê xanh Amua bỗng thở hổn hển nói với bà ta: “Anh mãi mãi trẻ trung”. Bà ta giải thích câu nói ấy như mục đích anh hùng của cuộc chiến đấu không pháo đài chống lại sự tàn phá của thời gian, nhưng y lại là người thẳng thắn và thực tế hơn cả: y quyết tâm từ bỏ cõi đời này vào lúc sáu mươi tuổi.

Quả nhiên, y sẽ mừng sinh nhật sáu mươi tuổi vào ngày 23 tháng Giêng năm ấy do vậy mà y đã chọn đêm trước lễ Hạ Trần, một ngày lễ lớn nhất của thành phố sùng kính tôn giáo của Đức chúa Thánh thần, là đêm cuối cùng của đời mình. Không một chi tiết nào của đêm trước mà bà ta không biết chắc chắn và họ cùng nói với nhau về chuyện đó một cách thường xuyên, và cùng nhau đau xót trước dòng thác sôi trào của những ngày mà cả y và cả bà ta không có cách nào chặn lại được. Giêrêmia đê xanh Amua yêu cuộc đời với một đam mê trong sáng, yêu biển và yêu tình yêu của mình, yêu con chó và yêu bà ta, và khi ngày lễ Hạ Trần đến gần thì y hầu như hoàn toàn tuyệt vọng, như thể cái chết của y không phải là một giải pháp do chính y lựa chọn mà là một số phận không thể cưỡng lại được.

– Đêm qua khi tôi ra về để anh ấy ở lại một mình, tôi thấy anh ấy không còn là người của cõi đời này nữa. – Bà ta nói.

Bà ta muốn con chó theo mình nhưng y ngắm nhìn nó đang ngủ ngay bên cạnh mấy chiếc nạng và y lấy ngón tay gãi nựng nó. Y bảo: “Anh lấy làm tiếc không thể chiều theo ý muốn của em. Nhưng con chó này của ngài Uadrô Uynsơn này sẽ cùng đi với anh”. Y bảo bà ta hãy cột con chó vào chân giường trong lúc y ngồi viết thư. Bà ta vâng lời, cột hờ con chó vào chân giường để phòng khi nào muốn nó có thể xổng ra được. Đó là một hành động không trung thành duy nhất của bà ta đối với y và đã được đôi mắt luôn luôn nhớ người chủ của con chó chứng thực. Nhưng bác sĩ Huvênan Ucbinô đã ngắt lời bà ta để kể rằng con chó vẫn nằm nguyên chỗ đó. Bà ta bảo: “Vậy là nó không muốn đi ấy thôi”. Bà ta vui lên vì bà ta muốn tiếp tục tưởng nhớ đến người yêu đã quá cố như y đã đề nghị đêm trước khi y ngừng viết thư lại và đắm đuối nhìn bà ta:

– Hãy nhớ anh bằng bông hồng đỏ thắm em nhé! – Y nói.

Bà ta trở về nhà mình quá nửa đêm một chút. Mặc nguyên quần áo, bà ta nằm xuống giường, rồi châm một điếu thuốc lá nối thêm đầu mẩu điếu thuốc hút dở để có thêm thời gian đợi cho đến khi y kết thúc lá thư mà bà ta biết rằng nó dài và khó viết. Trước lúc ba giờ một ít, khi con chó bỗng nhiên bắt đầu sủa rộ lên, bà ta đi đặt nước để pha cà phê, mặc đồ tang rồi ra vườn hái một bông hồng thắm đỏ vừa nở lúc khuya. Bác sĩ Huvênan Ucbinô bỗng hiểu rằng mình đã dần dần từ bỏ ký ức về một người đàn bà cố chấp từ lúc nào và ngài tin rằng mình đã biết được nguyên nhân: đó chẳng qua chỉ tại vì là một người đàn bà không có nguyên tắc sống thì mới vui vẻ chịu đựng nỗi đau đến như vậy.

Bà ta còn nói thêm một số chuyện nữa cho đến cuối buổi viếng thăm của bác sĩ. Bà ta không đi dự đám tang vì đã hứa điều ấy với người yêu của mình mặc dù bác sĩ Huvênan Ucbinô lại hiểu ngược lại theo như đoạn cuối trong lá chúc thư. Bà ta sẽ không chảy một giọt nước mắt, sẽ không phí hoài một phút giây trong quãng đời còn lại của mình để chỉ tâm tâm niệm niệm đến người đã khuất, sẽ không tự chôn sống mình trong bốn bức tường nhà này để khâu vải liệm cho mình như các bà góa ở đây vẫn thường làm. Bà ta nghĩ đến việc bán đi ngôi nhà của Giêrêmia mà từ bây giờ nó đã là của bà với tất cả những gì có trong ngôi nhà ấy, theo như đã ghi trong bức chúc thư, và bà sẽ tiếp tục sống như lâu nay vẫn sống và sẽ không hề ca thán gì ở cái xứ sở tàn tạ này của những người nghèo mà nhờ đó bà đã sung sướng được hưởng hạnh phúc.

Trên đường trở về nhà mình, câu “cái xứ sở tàn tạ này” cứ theo miết bác sĩ Huvênan Ucbinô. Câu ấy không phải là một nhận định vô cớ. Bởi thành phố này, thành phố của ngài, vẫn trường tồn như thế ở bên lề thời gian: vẫn chính là cái thành phố oi bức và khô cằn, là thành phố của những nỗi kinh hoàng về ban đêm của máu và những cuộc vui thác loạn cô đơn của tuổi trẻ, là nơi hoa bị rỉ và muối chảy nước, và là thành phố không hề có mảy may một sự đổi thay trong suốt bốn thế kỷ nay, ngoại trừ việc nó tự già cỗi đi giữa những cành nguyệt quế héo úa và đầm lầy sình đọng. Về mùa đông, một vài trận mưa rào trút nước xuống khiến nước dềnh lên khỏi các ao tù tràn ra đường làm cho đường phố chìm trong một thứ nước bùn kinh tởm đến nôn mửa. Về mùa hạ, một thứ bụi không nhìn rõ, khó chịu như bụi phấn màu đỏ tươi, chui vào tận nơi sâu kín nhất mà ta có thể tưởng tượng, bay mù mịt theo những cơn lốc điên cuồng làm tốc mái những ngôi nhà và cuốn theo những đứa trẻ nhỏ. Những ngày thứ bảy, đám dân lai đen ồn ào rời bỏ những túp lều thưng che bằng giấy các-tông và sắt tây dựng bên bờ các hồ đầm để cùng nhau vui thú kéo ra bãi biển lởm chởm đá thuộc thành phố thời thuộc địa Tây Ban Nha. Họ mang theo những con vật nuôi, các đồ ăn và thức uống. Trong số các cụ già nhất có một số người còn mang trên ngực vết sẹo cháy do người ta đóng vào đấy con dấu nô lệ. Trong những ngày cuối tuần họ nhảy như điên dại, họ say cho đến chết bằng thứ rượu cất lấy ở nhà mình, họ ân ái với nhau ngay giữa những bụi cây iccô, rồi đến nửa đêm ngày chủ nhật, họ phá đám các cuộc nhảy phanđanggô bằng chính những cuộc ẩu đả đẫm máu giữa họ với nhau. Đó vẫn là đám dân ngổ ngáo vào những ngày cuối tuần thường vẫn tràn vào các quảng trường và các đường phố nhỏ trong các khu phố cổ với những quán hàng có thể mua và bán, và như vậy, họ khiến cho cả thành phố vốn im lìm như chết này, chìm trong niềm vui buông thả của hội chợ nhân loại sực nức mùi cá rán: đó là cuộc sống mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.