Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 20



Con tàu, một trong ba chiếc giống hệt nhau của hãng Tàu thủy Caribê, được mang tên Piô Kinhtô Lôayxa để tưởng nhớ người sáng lập ra hãng. Nó là một tòa nhà nổi có hai tầng làm bằng gỗ trên một vỏ sắt, rộng rãi bằng phẳng, với một tầm nước sâu nhất: năm piê[49] cho phép nó đi lại dễ dàng trên dòng sông sâu nông không đều nhau. Những chiếc tàu cổ hơn đều được chế tạo ở Xinxinnati vào giữa thế kỉ thứ 19 theo mốt truyền thống xưa nay vẫn có của những chiếc tàu mà giới thương nhân ở Ôhiô và Mixixipi sản xuất và mỗi mạn tàu đều có một bánh đẩy chuyển động nhờ nồi hơi đun trên bếp củi. Cũng tương tự như những chiếc tàu này, những chiếc tàu của Hàng tàu thủy Caribê, có sàn dưới cùng là là với mặt nước là nơi đặt nồi hơi và bếp nấu, và các bãi nhốt gà rộng để thủ thủ mắc võng ở những tầm cao thấp khác nhau. Tại boong thượng các tàu này có phòng chỉ huy, phòng giường nằm của thuyền trưởng và các sĩ quan, một phòng vui chơi và một phòng ăn là nơi các hành khách quý sẽ được mời ít nhất một lần để ăn cơm tối và đánh bài. Ở tầng giữa có sáu phòng giường nằm loại nhất, mỗi bên ba phòng, chính giữa là lối đi nhưng đến bữa ăn được dùng làm phòng ăn công cộng cho tất cả hành khách và phía mui tàu là một phòng xa lông mở cửa ra sông có hàng chấn song gỗ bao quanh, nơi các khách loại thường vẫn mắc võng ngủ. Nhưng khác với những chiếc tàu cổ nhất, những chiếc tàu của Tàu thủy Caribê không có mái chèo ở hai bên mạn tàu mà lại có một bánh xe khổng lồ với những cánh gỗ nằm ngang mặt nước ở phía dưới những cầu tiêu của boong khách. Vào lúc bảy giờ sáng một ngày chủ nhật tháng bảy, ngay khi bước lên tàu Phlôrêntinô Arixa cảm thấy sợ như nhiều hành khách lần đầu tiên đi tàu. Khi chiều xuống lúc ấy anh có ý thức đầu đủ trước thực tế của mình. Ấy là khi con tàu đang chạy qua xóm Calama và Phlôrêntinô Arixa vào cầu tiêu đi giải và qua kẽ hở cầu tiêu anh nhìn thấy chiếc bánh xe khổng lồ có những cánh gỗ đang quay ở phía dưới chân gây nên tiếng động ầm ầm, nghe chóng mặt và nước xối trào tung bọt trắng.

[49] Đơn vị đo lường, mỗi piê bằng 30,5cm.

Anh chưa hề đi tàu thủy bao giờ. Anh mang theo một chiếc hòm sắt đựng quần áo rét dùng cho vùng núi cao, những cuốn tiểu thuyết chạy phôdêtông hàng tháng đều kỳ có minh họa và chúng đã được anh đóng lại bằng bìa cứng hẳn hoi, cả những tập thơ tình anh thuộc lòng và nhàu nát gần bươm hết do đọc đi đọc lại nhiều lần. Anh để lại nhà cây đàn viôlin vì nó gắn bó sâu sắc với nỗi bất hạnh của mình, nhưng bà mẹ buộc anh phải mang theo một bộ giường giã chiến. Đó là một loại giường rất thực tế và đã thông dụng gồm một gối, một tấm vải trải giường, một chiếc màn, những thứ đó được gói trong một tấm lưới bện bằng tơ mà trong trường hợp cần thiết có thể mắc thành võng. Phlôrêntinô Arixa không muốn mang nó theo vì anh nghĩ rằng sẽ không dùng đến nó khi ở trong một buồng ngủ có kê sẵn giường nằm nhưng ngay từ đêm đầu tiên anh phải cảm ơn mẹ mình đã dự đoán và chuẩn bị sẵn cho mình để có thể ứng phó kịp thời với những tình huống bất ngờ ập tới. Quả nhiên là như vậy: vào giờ con tàu sắp nhổ neo, một người ăn mặc sang trọng vốn đến đây từ sáng sớm trên một con tàu từ châu Âu sang, và ông ta được nhà đương cục của thành phố đích thân đi cùng, đã trèo lên tàu. Ông ta muốn tiếp tục cuộc hành trình ngay với vợ và con gái, thằng hầu và bảy chiếc vali xếp chặt ních dưới gầm tàu. Thuyền trưởng, một người vùng Curaxao lực lưỡng, đã thuyết phục được đồng bào mình nhường phòng có giường nằm cho vị khách bất đồ mới lên tàu. Bằng giọng thân ái, ông ta giải thích cho Phlôrêntinô Arixa biết người đàn ông ăn mặc sang trọng kia là vị Đại sứ mới bổ nhiệm của Vương quốc Anh đang trên đường đến nhận chức ở thủ đô nước nhà. Ông ta nhắc lại để anh nhớ rằng chính vương quốc kia đã từng cung cấp nhiều phương tiện và dụng cụ chiến tranh tối cần thiết cho cuộc chiến đấu giành độc lập từ tay thực dân Tây Ba Nha, vì vậy, bất kỳ một sự hi sinh nào cũng đều là không đáng kể cho một gia đình rất quyền úy kia cảm thấy sống trên đất nước ta còn dễ chịu hơn trên đất nước họ. Dĩ nhiên Phlôrêntinô Arixa đã nhường lại giường của mình.

Thoạt đầu anh ta chẳng ca thán gì hết bởi vì lưu lượng trên sông vào mùa ấy khá lớn và những đêm đầu tiên con tàu chạy rất êm chẳng va vấp phải bãi cạn. Sau bữa ăn tối, thủy thủ phân phát một số giường gấp cho số hành khách và mỗi người mở giường gấp ra kê lên bất kỳ chỗ nào có thể kê và dùng các mảnh vải mang theo nhét vào những chỗ bị võng xuống và mắc ngay trong phòng xa-lông, còn những ai không có giường, không có võng thì ngủ ngay trên bàn ăn được kê sát lại với nhau và dùng khăn trải bàn làm ga trải giường. Phlôrêntinô Arixa thức gần như trọn đêm mà cứ tưởng mình đang nghe thấy tiếng nói của Phecmina Đaxa trong làn gió mát từ dưới sông thổi lên, mà chăn dắt nỗi cô đơn bằng chính ký ức của mình trong lúc cứ tưởng nghe rõ tiếng hát của cô lẫn trong hơi thở của con tàu đang đi lên phía trước với bước đi nặng nề của con vật khổng lồ đang dò dẫm trong sương mù, cho đến khi ở phía chân trời xuất hiện mấy vệt sáng hồng và ngày mới bỗng bừng sáng trên những đồng cỏ hoang vu và những đầm lầy ngầu bọt. Lúc ấy, chuyến đi đối với anh là một thử nghiệm nữa đối với sự hiểu biết của mẹ anh và cảm thấy mình có đủ dũng cảm để sống vượt qua sự lãng quên.

Tuy nhiên, sau ba ngày đi trên luồng nước sâu, con tàu đi ngày một khó khăn hơn giữa những doi cát nổi và những bãi đá ngầm. Dòng sông ngày một chảy xiết hơn và ngày một hẹp lại luồn trong một cánh rừng già toàn những cây cao bóng cả nơi thỉnh thoảng mới thấy một túp lều bên cạnh một đống củi to phòng khi tàu thiếu củi thì ghé vào mà ăn. Tiếng vẹt kêu loạn xạ và tiếng khỉ chí chóe lẩn khuất trong rừng già càng làm tăng thêm không khí nực nội lúc đang trưa. Nhưng về ban đêm cần phải neo tàu lại mà ngủ và thế là không khí trên tàu lại khó chịu hơn. Mùi hôi của những miếng thịt ướp phơi khô tại các hành lang tàu càng khiến cho không khí đã oi bức càng oi bức hơn và càng quyến rũ lũ muỗi sancudo đến nhiều hơn. Phần lớn hành khách, nhất là hành khách người Âu châu, liền ra khỏi các phòng giường nằm oi bức đến nhược người, và họ đi đi lại lại trên boong thượng suốt đêm, lấy khăn tắm vừa đuổi muỗi vừa lau mồ hôi cứ túa ra không ngừng và khi trời sáng, người họ mẩn đỏ nốt muỗi đốt và bơ phờ mệt mỏi.

Ngoài ra năm ấy nội chiến lại bùng nổ, lại thêm một cuộc nội chiến nữa vào số những cuộc nội chiến triền miên giữa một bên là những người Tự do và một bên là những người Bảo Hoàng và vị thuyền trưởng đã phải thi hành những biện pháp an ninh thật gắt gao để đảm bảo trật tự ở trên tàu và an toàn tính mạng cho hành khách của mình. Để tránh mọi nhầm lẫn và náo loạn đáng tiếc, ông cấm ngặt trò giải trí thú vị của khách thời ấy: Đó là việc dùng cácbin bắt chết những chú cá sấu nằm phơi nắng trên các doi cát ven sông. Sau đó, khi một số hành khách trong một cuộc tranh luận gay gắt đã chia thành hai phái đối nghịch, ông ra lệnh tịch thu súng với lời hứa sẽ trả lại cho chủ chúng lúc con tàu đến cảng cuối cùng trong lộ trình của nó. Lệnh thu súng rất nghiêm ngặt, ngay cả đối với vị Đại sứ Vương quốc Anh, người ngay ngày hôm sau khi con tàu nhỏ neo đã thức dậy với bộ quần áo thợ săn, với một khẩu súng cácbin rất có giá và một khẩu hai nòng để bắn hổ. Các biện pháp an ninh được tiến hành càng gay gắt hơn khi con tàu lên đến bến Tenêriphê là nơi có con tàu mang cờ hiệu dịch tả xuôi dòng gặp nó. Vị thuyền trưởng không tài nào nhận được thông tin gì về lá cờ hiệu kia vì con tàu xuôi không chịu trả lời khi ông phát tín hiệu hỏi. Nhưng trong chính ngày hôm ấy, họ còn gặp một con tàu chở súc vật sang Hamaica và người đi trên chiếc tàu này cho ông biết rằng dịch tả đang hoành hành dữ dội hai bên bờ sông mà con tàu đang đi tới. Vậy là vị thuyền trưởng cấm ngặt hành khách không được rời tàu không chỉ ở những bến sắp tới mà ngay cả ở những nơi thưa dân, tàu vào bờ để lấy củi. Vì vậy phần còn lại của lộ trình cho đến cảng cuối cùng còn sáu ngày nữa và các hành khách đã làm quen với lối sống trong nhà tù trên con tàu. Một trong những thói quen ấy là việc chiêm ngưỡng tập bưu thiếp khiêu dâm sản xuất ở Hà Lan. Các hành khách chuyền tay nhau xem chúng mà không một ai biết chúng được moi ra từ đâu, dù rằng chúng là bộ sưu tập của vị thuyền trưởng. Nhưng ngay cả cái trò giải trí không tương lai ấy cũng phải kết thúc vì cảnh sống nhàm chán trên tàu ngày một nặng nề thêm.

Phlôrêntinô Arixa với tính nết điềm tĩnh vốn có từng làm bà mẹ phải lo lắng và từng khiến các bạn hữu của anh phải thất vọng đã vượt qua những khó khăn ấy của cuộc sống thường nhật trên tàu. Anh không va chạm với bất kỳ ai. Đối với anh ngày cứ qua đi một cách nhẹ lâng lâng trong lúc anh đang ngồi ở hành lang boong thượng mà ngắm nhìn những chú cá sấu nằm bất động phơi nắng trên bãi cá miệng há hốc chờ đớp lấy những con bướm bay qua, mà ngắm ngắm nhìn những đàn cò giang hoảng hốt cất cánh bay lên từ những vũng bùn, những con lợn biển đang nằm cho con bú, những bầu vú căng mọng và dọa hành khách bằng tiếng khóc như tiếng khóc của phụ nữ. Trong một ngày anh nhìn thấy ba xác chết trôi sông, tất cả đều trương phình, xám ngoét và đã có quạ đậu ở bên trên. Trước tiên là hai xác đàn ông, trong đó có một cái xác cụt đầu và sau đó là xác một bé gái mà mái tóc mềm mại của nó cứ bồng bềnh trôi ở vạt nước con tàu khuấy nên. Không bao giờ anh biết, và không bao giờ người ta biết, những xác chết này là nạn nhân của chiến tranh hay nạn nhân của dịch tả, nhưng cái mùi khẳn lặm đến nôn mửa của chúng đã gieo vào tâm tưởng anh nỗi nhớ Phecmina Đaxa.

Bao giờ cũng vậy: bất kỳ một sự kiện nào, dù tốt dù xấu, đều có một mối liên hệ nào đấy với cô gái. Về ban đêm, khi người ta neo tàu lại và phần lớn hành khách bồn chồn đi đi lại lại trên boong thượng, anh ngồi nhẩm đọc gần như thuộc lòng những trang tiểu thuyết có minh họa bên dưới ngọn đèn trong phòng ăn vốn là ngọn đèn duy nhất thắp sáng suốt đêm và những cảnh tang thương do đọc đi đọc lại nhiều lần đã lấy lại sức hấp dẫn màu nhiệm nguyên mẫu của chúng khi anh thay những nhân vật tưởng tượng bằng những người bạn thân trong cuộc đời thực của anh và anh dành cho mình và cho Phecmina Đaxa đóng các vai trong các chuyện tình tuyệt vọng. Một số đêm khác anh viết những bức thư đầy đau khổ mà sau đó những mẩu vụn của chúng tản mạn trong dòng nước trôi mãi, trôi mãi về phía cô gái. Bằng cách thử đóng vai một hoàng tử nhút nhát hay e thẹn, hay một hiệp sĩ mang gươm phụng sự ái tình, hoặc bằng cách sống trong chính bộ da sởn gai ốc trước nỗi lạnh lẽo của người tình bị bỏ rơi, anh đã vượt qua được cái thời gian sống khắc khoải ở trên tàu cho đến khi những cơn gió nhẹ mát rượi đầu tiên của ngày nổi lên và anh ngủ thiếp đi trên chiếc ghế tựa ở hành lang boong tàu.

Có một đêm anh ngừng đọc sách sớm hơn lệ thường và anh vô tư đi nhà tiêu. Khi anh đi ngang qua cửa một phòng giường nằm cạnh phòng ăn thì cánh cửa bỗng bật mở, một bàn tay chim ưng thò ra túm lấy vạt áo anh lôi anh vào phòng ngay lập tức cánh cửa được đóng lại. Hầu như ở trong bóng tối anh mới chỉ nhận ra một cơ thể phụ nữ lõa lồ không tuổi tác, đầm đìa thứ mồ hôi nóng sực đang thở hổn hển. Tấm thân ấy đã đè ngửa anh ra giường, tháo khóa thắt lưng và mở cúc quần cho anh rồi đè lên anh không thương tiếc phá tân của anh. Cả hai đều ngã gục đầy mệt mỏi xuống nỗi trống trải không có đáy, sực nức mùi hôi hám tại các phòng giường nằm trên tàu thủy. Người đàn bà ấy nằm nghỉ trên thân xác anh một lúc mà khóc không ra hơi, chết lặng đi trong bóng tối.

– Bây giờ mời anh hãy đi đi và hãy quên chuyện này đi nhé, – người đàn bà nói – Chuyện này chẳng bao giờ xảy ra cả.

Cú tấn công thật bất ngờ, đã diễn ra rất nhanh chóng và mau lẹ đến mức không thể hiểu nó như một hành động bột phát do hoàn cảnh sống nhàm chán gây nên mà phải hiểu nó như kết quả của một kế hoạch suy nghĩ lâu dài và cẩn thận tới từng chi tiết nhỏ. Chính cái ý nghĩ sáng tỏ này làm tăng thêm nỗi khát khao của Phlôrêntinô Arixa, trong lúc niềm vui sướng lên tới cao trào anh đã cảm thấy một sự thực hiển nhiên không thể tin được, kể cả không thể thừa nhận được và nó là thế này: tình yêu thơ mộng đối với Phecmina Đaxa có thể thay bằng một nỗi đam mê thế tục. Vì thế anh lao vào tìm hiểu bản thể của người đàn bà cưỡng dâm mình mà trong bản năng con báo cái của người ấy anh có thể tìm ra phương thuốc hữu hiệu cho nỗi bất hạnh của mình. Nhưng anh không tìm được. Ngược lại khi anh càng lao sâu vào việc tìm hiểu anh càng ở xa sự thực nhiều hơn.

Cú tấn công ấy xảy ra tại phòng ngủ cuối cùng nhưng phòng này lại thông với phòng bên bởi một cửa trung gian. Vì thế hai phòng được coi như một phòng có bốn giường nằm. Tại đây có bốn hành khách: hai cô gái rất trẻ, một phụ nữ nhiều tuổi hơn hai người kia nhưng lại gọn gàng nom rất ưa mắt và một đứa trẻ còn ẵm ngửa. Bọn họ lên tàu ở Barăngcô đê Lôba, đó là bến con tàu màn vào để lấy củi và nhận thêm khách của thành phố Môngpôt kể từ khi thành phố này bị loại ra ngoài lộ trình của tàu thủy do con sông thay đổi luồng chảy, và Phlôrêntinô Arixa đã chú ý quan sát họ vì họ mang theo một đứa trẻ ngủ trong một cái lồng chim lớn.

Bọn họ đi trên tàu này mà ăn vận cứ như đi trên những tàu vượt đại dương sang trọng: bên trong làn váy lụa còn đeo cả khung sắt chiếc váy phồng để làm nổi hơn bộ mông, bên trong nịt vú họ còn đệm thêm vú giả cho phồng thêm bộ ngực và đội những chiếc mũ rộng vành có thêu hoa, và hai cô gái trẻ thay sống áo một ngày tới ba lần, dường như họ mang theo mình cả những mùa xuân trong khi một số khách đang chết ngột vì oi nóng. Cả ba người đàn bà này rất thận trọng trong lúc sử dụng ô và quạt lông nhưng với mục đích khó hiểu của những cô gái thành phố Môngpôt thời ấy. Phlôrêntinô Arixa không thể nhận ra mối liên hệ giữa những người đàn bà này, dù rằng họ có vẻ cùng một gia đình. Thoạt đầu anh tưởng người đàn bà lớn tuổi hơn là mẹ đẻ của hai cô gái nhưng ngay sau đó anh nhận thấy rằng bà ta chưa nhiều tuổi để có thể làm mẹ của hai cô gái kia. Ngoài ra bà ta còn mang băng tang mà hai người kia không mang. hiểu rằng một trong những người đàn bà ấy dám làm điều đã làm với anh trong lúc những người kia ngủ ngay giường bên cạnh và cái ý nghĩ có thể có lý duy nhất là người đàn bà ấy tranh thủ lúc chỉ có một mình trong phòng ngủ để hành động. Anh thấy đôi lúc hai người con gái trẻ ra ngoài hóng mát cho đến rất khuya trong khi người thứ ba lại phòng trông nom đứa bé nhưng có một đêm trời nóng quá cả ba người đều ra ngoài hóng mát mang theo đứa trẻ ngủ trong lồng chim có che một tấm lộng.

Bất chấp tình huống khó phân biệt ấy, Phlôrêntinô Arixa nhanh chóng gạt ra ngoài khả năng người đàn bà lớn tuổi hơn cả là tác giả của vụ tấn côn kia và đồng thời anh cũng loại ra ngoài khả năng ấy cả cô gái ít tuổi nhất vốn là người bạo dạn và đẹp hơn cả. Anh làm việc ấy không căn cứ vào những lý lẽ đáng tin cậy mà chỉ vì sự theo dõi đầy háo hứng ba người đàn bà kia đã dẫn anh đến một ý muốn tha thiết: người yêu chốc lát kia là người mẹ của đứa trẻ bị nhốt trong lồng chim. Dự đoán ấy lôi cuốn anh rất mạnh đến nỗi buộc anh bắt đầu quan tâm đến cô ta nhiều hơn Phecmina Đaxa, bất chấp một sự thực hiển nhiên là cô ta chỉ sống cho đứa bé mà thôi. Cô ta chưa đến tuổi hai mươi nhăm, người son sẻ và bóng bảy, đôi mày để kiểu mày của người Bồ Đào Nha càng khiến cô khác hẳn mấy người kia và bất kỳ một người đàn ông nào cũng chỉ thèm khát một mẩu nhỏ của tình cảm âu yếm mà cô dành cho đứa bé. Từ khi ăn sáng cho đến khi đi ngủ, cô ta luôn ở bên cạnh chăm sóc đứa bé trong khi hai người đàn bà kia chơi cờ đam, và khi ru được đứa bé ngủ cô ta vẫn trông nom đứa bé, vẫn đung đưa lồng chim và khe khẽ hát những bài hát tình đầy nhớ nhung trong khi tâm tưởng cô ta bay bổng trên mọi nỗi nhọc nhằn của chuyến đi trên tàu thủy. Phlôrêntinô Arixa vẫn cứ bám lấy ảo tưởng cho rằng sớm hay muộn cô ta cũng sẽ bị phát giác dù chỉ để lộ một hành động nhỏ. Anh theo dõi tới cả những thay đổi của hơi thở cô ta trong nhịp phập phồng của hộp thánh tích đeo trên ngực, mà ngắm nhìn cô ta qua quyển sách anh giả vờ đọc và anh phạm sai lầm thay đổi vị trí trong nhà ăn để đứng trước mặt cô ta. Nhưng anh không tìm thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ trên thực tế cô ta là người giữ phân nửa điều bí mật của anh. Điều duy nhất mà anh còn nhớ được về cô là cái tên không có họ: Rôsanba. Anh biết được tên cô là nhờ người con gái nhở tuổi nhất đã gọi cô ta như thế.

Sang ngày thứ tám, con tàu bơi đi hết sức vất vả trên một dòng sông hẹp nước chảy xối trào len lỏi trên những vỉa đá hoa cương và đến quá trưa con tàu được neo lại tại cảng Narê. Tại đây những hành khách nào muốn tiếp tục đi sâu vào nội địa tỉnh Antiôkia, một tỉnh bị cuộc nội chiến tàn phá dữ dội nhất, sẽ ở lại trên tàu. Cảng này chỉ gồm sáu bảy túp lều tranh lụp xụp và một nửa cửa hành mái lợp tôn được vài đội tuần tra gồm toàn lính đi chân đất và vũ trang kém cỏi bảo vệ vì họ nói rằng những người nổi dậy có kế hoạch cướp các tàu thủy. Phía sau những túp lều và cửa hàng, nổi lên một dãy núi đá và một hàng rào chắn song sắt được cắm ở bờ vực bên kia. Không một ai ngủ trên tàu được yên giấc nhưng cả đêm cuộc tiến công của nghĩa quân không nổ ra và khi trời sáng cảng thức dậy trong không khí vui nhộn của một ngày chủ nhật với những người Anhđiêng bán các thứ bùa hộ mạng và các thứ thuốc nước để chài mồi người yêu, trong khung cảnh ồn ào, những bầy ngựa và la được chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi sáu ngày ròng rã để trèo lên tận những cánh rừng hoa phong lan trên lưng chừng đèo.

Phlôrêntinô Arixa rất thích thú ngắm nhìn cảnh tượng những phu khuân vác người da đen đang è lưng bốc dỡ hàng từ trên tàu xuống. Anh nhìn thấy người ta bốc dỡ những sọt gạch men tàu, những hộp đàn pianô dành riêng cho các cô gái chưa chồng của ngài Đại sứ. Mãi sau này anh mới phát hiện ra trong số những hành khách xuống tài có cả nhóm của Rôsanba. Anh nhìn thấy họ khi bọn họ đang đi túm tụm lại với nhau, chân đi ủng của người cưỡi ngựa và đội những chiếc ô sặc sỡ màu sắc và lúc ấy anh mạnh dạn tiến thêm một bước mà trong những ngày trước đây không dám làm: anh tiễn biệt Rôsanba bằng những chiếc hôn gió với tình thân mật từng khiến anh đau lòng bởi sự mạnh dạn quá ư muộn mằn của mình. Anh nhìn thấy họ đi vòng ra phía sau của hàng và theo họ là những con lừa thồ rương hòm, các thùng đựng ô và chiếc lồng của thằng bé. Ít phút sau, anh nhìn thấy họ đi thành hàng một men theo bờ vực thẳm rồi khuất bóng, và mãi mãi anh mất họ.

Thế là anh cảm thấy trên thế gian này chỉ có một mình và ký ức về Phecmina Đaxa, vốn được nhớ tới trong những ngày gần đây, đã nện cho anh một đòn chí tử.

Anh biết rằng thứ bảy tới cô sẽ làm lễ thành hôn trong một tiệc cưới lớn rất đình đám và vì anh là kẻ yêu cô hơn ai hết và yêu cô mãi mãi nên sẽ không được quyền tự vẫn. Những tình cảm ghen tuông, cho đến lúc ấy vẫn bị dìm trong tiếng khóc, bỗng sống lại làm chủ tâm hồn anh. Anh cầu khẩn thượng đế rằng tia chớp chói chang của lẽ phải thiêng liêng sẽ giết chết Phecmina Đaxa trong lúc cô thề sẽ chung thủy và ngoan ngoãn phục tùng người đàn ông chỉ muốn cô làm vợ như một món trang sức xã hội và anh mừng rơn trước hình ảnh của người yêu, của anh hay của ai cũng thế nằm thẳng cẳng, mặt ngửa lên trời trên nền đất lát gạch nhà thờ lớn trong mùi hoa cam đẫm sương đêm của thần chết và dòng thác ngầu bọt trắng của tấm trướng phủ trên bia mộ đá hoa cương của mười bốn vị giáo chủ chôn ngay dưới trước bàn thờ chính. Tuy nhiên, một khi ý muốn trả thù nguôi đi, anh lại ân hận trước thói ác của bản thân và lúc ấy anh nhìn thấy Phecmina Đaxa đứng dậy với hơi thở mới tinh khôi, xa lạ nhưng đang sống, bởi vì anh không thể mường tượng thế giới không có sự hiện hữu của cô. Anh lại không ngủ, và nếu đôi lúc anh cảm thấy ngứa ngáy trước bất kỳ một vật nào là vì anh có ảo giác: Phecmina Đaxa ngồi bên bàn ăn hoặc ngược lại, cô ta từ chối lời mời ăn sáng của anh. Đôi lúc anh tự an ủi mình bằng một ý nghĩ sáng tỏ: trong giây phút cảm động của lễ thành hôn và cả trong những đêm say mê hoan lạc của tuần trăng mật, Phecmina Đaxa bỗng nhiên bị đau trong khoảnh khắc, ít ra là một khoảnh khắc nhưng dù thế nào đi nữa cũng phải đau trong bóng hình người yêu bị chế nhạo, bị làm nhục, bị phỉ nhổ sống dậy trong lương tri cô và làm cho cô bị mất đi niềm hạnh phúc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.