Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 37



Gần hai năm sau khi Phecxima Đaxa biến mất, đã xảy ra một sự kiện thuộc số những sự kiện ngẫu nhiên từng được bà Tranxitô Arixa lúc sinh thời liệt nó vào loại một của Thượng đế. Phlôrêntinô Arixa vẫn chưa hết hào hứng trước sự sáng chế ra xinê và Lêôna Catixiani đã dễ dàng kéo ông đi xem buổi chiếu thử bộ phim Cabiria, mà kịch bản của nó dựa trên những cuộc đối thoại do nhà thơ Gabiên Đanungdiô viết ra. Cái bãi rộng của Đôn Galilêô Đacôngtê, vốn là nơi trong một đêm người xem thích thú những mối tình câm trên màn bạc, hôm ấy chật ních đám khán giả được chọn lọc. Lêôna Catixiani mải mê theo dõi câu chuyện của bộ phim. Phlôrêntinô Arixa đang ngủ gà ngủ gật vì bộ phim quá nặng nề. Phía sau ông, bỗng vang lên tiếng nói của một người đàn bà dường như đoán được tâm trạng ông:

– Trời ơi, điều này còn dài hơn cả một nỗi đau thương.

Đó là điều duy nhất mà người ấy nói và bị dừng lại có lẽ bởi sức vang vọng của tiếng nói ở trong bãi thanh lặng, vì ở đây vào thời ấy người ta chưa có thói quen dùng đàn piano đệm cho các cảnh của phim câm đang được chiếu trên màn bạc và do đó người ta chỉ nghe thấy tiếng kêu vo vo từ chỗ buồng máy chiếu phát ra tựa như tiếng mưa rơi đều đều. Phlôrêntinô Arixa không nhớ tới Thượng đế trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nhưng lần này với tất cả tấm lòng của mình ông cảm ơn Người. Bởi vì dù có ở sâu dưới lòng đất tới hai mươi sải tay đi nữa ông vẫn cứ nhận ra ngay lập tức cái giọng nói sang sảng kia, đó là cái giọng nói mà ông từng mang trong tâm khảm mình từ cái buổi chiều ông nghe người ấy nói khi đứng trên đống lá vàng rơi tại một công viên hiu quạnh: “Bây giờ anh hãy đi đi. Và xin đừng trở lại cho đến khi nào em nhắn anh tới”. Ông biết rõ bà đang ngồi ở phía sau mình, bên cạnh người chồng không thể tránh được. Ông cảm nhận hơi thở nóng hổi và đều đặn của bà, và ông hít thở không khí trong lành được thanh lọc bởi chính làn hơi bà thở. Ông không cảm thấy bà bị con dán của thần chết đang đục khoét như ông vẫn thường tưởng tượng ra trong lúc buồn chán vào những tháng gần đây mà ông lại một lần nữa tưởng tượng ra bà trong tuổi tươi sáng nhất và hạnh phúc nhất với cái bụng lùm lùm mang hạt giống đứa con đầu lòng bên dưới chiếc áo tunica mà nữ thần Minecva thường mặc. Ông tưởng tượng ra bà như thể nhìn bà mà không nhìn lại phía sau, hoàn toàn xa lạ với những bất hạnh trong câu chuyện đang được kể trên màn ảnh. Ông ngây ngất với mùi thơm quen thuộc của hạnh đào vương theo mình sau mỗi bận ngồi ở vườn hoa Lôt Êvăngêliốt trở về nhà. Ông khao khát muốn biết bà nghĩ gì về việc những người đàn bà trong phim ảnh nên yêu nhau như thế nào để cho tình yêu của họ ít đau khổ hơn những mối tình của đời thực. Trước khi buổi chiếu phim kết thúc ít phút, với niềm vui đột khởi, ông nhận ra rằng chưa bao giờ mình được ở bên cạnh người đàn bà mình yêu lâu như lần này.

Khi đèn bật sáng, ông ngồi đợi cho đến khi những người khác đứng dậy hết mới từ từ đứng dậy và uể oải đóng lại hàng cúc áo gi-lê mà trong buổi chiếu phim ông đã mở ra. Bốn người chạm trán nhau đến mức họ buộc phải chào hỏi mặc dù trong số họ có người thực tâm không muốn một chút nào. Bác sĩ Huvênan Ucbinô trước tiên chào Lêôna Catixiani, người mà ngài biết rất kĩ và sau đó ngài siết chặt tay Phlôrêntinô Arixa một cách lịch sự. Phecxima Đaxa mỉm một nụ cười với cả hai, một nụ cười xã giao nhưng dù sao chăng nữa nó vẫn chỉ là một nụ cười của một người từng nhìn thấy họ nhiều lần, từng biết họ là ai và vì vậy họ cần phải đến chào mình. Lêôna Catixiani cũng đáp lễ lại bà bằng điệu bộ duyên dáng của một người phụ nữ da lai. Ngược lại, Phlôrêntinô Arixa chẳng biết làm gì vì ông cứ đứng thần người ra mà nhìn bà.

Bà là một người khác hẳn trước đây. Trên gương mặt không hề có một dấu hiệu nào của bệnh tật, thân hình bà vẫn giữ được độ săn chắc và vòng eo lưng thon thả của thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời bà nhưng cũng thật rõ ràng rằng hai năm gần đây đã qua đi trong đời bà với tất cả sự khắc nghiệt của mười năm sống vất vả cộng lại. Mái tóc cắt ngắn ôm lấy gương mặt bà nom rất đẹp nhưng nó không còn là màu mật mà đã ngả màu bạc của nhôm, và đôi mắt sáng như mũi lao đã mất đi nửa cuộc đời ánh sáng sau cặp kính lão. Phlôrêntinô Arixa nhìn thấy bà tay khoác cánh tay chồng mỗi lúc một đi xa khỏi rạp chiếu bóng, và ông lấy làm ngạc nhiên thấy ngay giữa đám đông bà lại che một chiếc mạng xoàng xĩnh và đi đôi giày vải chỉ dùng để đi trong nhà. Nhưng điều khiến ông cảm động hơn cả là người chồng cứ phải vịn chắc lấy cánh tay bà để dò dẫm đi cho vững ở cửa rạp chiếu bóng. Mặc dù cẩn thận như vậy nhưng vì dự tính sai độ cao bậc lên xuống nên ngài đã hụt chân suýt nữa bị ngã.

Phlôrêntinô Arixa rất dễ động lòng trắc ẩn trước những cú va vấp kiểu ấy của tuổi già. Vì vẫn còn trẻ, trong các buổi tối ở công viên ông ngừng đọc thơ đêm quan sát các đôi vợ chồng già giúp nhau vượt qua đường phố và đó là những bài học thực tế giúp ông rất nhiều trong việc tự rút ra những quy tắc sống cho chính tuổi già của mình. Ở độ tuổi của bác sĩ Huvênan Ucbinô trong cái đêm ấy ở rạp chiếu bóng, đàn ông bao giờ cũng bừng lên một sức sống mãnh liệt hơn trong tuổi hồi xuân, họ trở nên hoạt bát và dễ quyến rũ hơn, trước hết đối với cặp mắt những người đàn bà trẻ, trong khi đó những bà vợ héo úa của họ lại phải vịn cho chắc vào cánh tay họ để khỏi va vấp ngay cả với cái bóng của chính mình. Nhưng ít năm sau, bỗng nhiên họ suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần, rơi tõm xuống vực sâu của tuổi già đáng nguyền rủa và thế là các bà vợ còn khỏe mạnh lúc ấy chính là những người cần phải nắm lấy cánh tay chồng để dắt họ đi đường như dắt những người mù lòa, vừa đi vừa rủ rỉ nói vào tai họ để khỏi làm thương tổn đến lòng kiêu hãnh của cánh đàn ông rằng mình ơi cẩn thận đấy: ba bậc thềm chứ không phải hai đâu, rằng ở giữa đường có vũng nước, rằng cái đống lù lù nằm ở mé đường bên kia là tử thi thằng ăn mày đấy, và họ vất vả dìu nhau ra đường như thể dìu nhau qua chỗ rộng duy nhất trên dòng sông cuối cùng của cuộc đời. Trong tấm gương ấy, đã nhiều lần ông nhìn thấy hình bóng của chính mình đến mức ông không bao giờ sợ hãi cái chết cũng như cái tuổi già đáng nguyền rủa mà ở tuổi ấy và chỉ ngày ấy ông sẽ phải từ bỏ hi vọng có Phecxima Đaxa ở bên cạnh mình.

Cuộc gặp gỡ ấy làm kinh hoàng giấc ngủ của ông. Đáng lẽ đưa Lêôna Catixiani đi xe về nhà, ông lại đưa bà đi bộ qua thành phố cổ, là nơi những bước chân ông vang lên như thể tiếng vó ngựa đạp trên đường nhựa. Đôi lúc, từ các ban công, từ trong buồng kín, vọng đến tai ông những tiếng nói thì thào, những tiếng khóc nức nở đầy vui sướng của tình yêu tuyệt vời và từ những ngõ phố im lìm ngủ bay đến với ông làn hương nhài thơm nồng. Lại một lần nữa, Phlôrêntinô Arixa phải lấy hết sức bình sinh cố giấu kín mối tình đầy đau khổ của mình đối với Phecxima Đaxa để Lêôna Catixiani không thể nhận ra. Họ cùng đi bên nhau, với những bước chân thong thả và đều đặn. Họ thong thả yêu nhau như những tình nhân già. Bà nghĩ đến vẻ duyên dáng của Cabiria, còn ông nghĩ đến nỗi bất hạnh của chính mình. Có một người đàn ông đứng trên ban công ở Quảng trường Hải Quan hát và tiếng hát của anh ta vang vọng khắp khu quảng trường: Khi anh băng qua những con song lớn giữa biển khơi. Tại phố Santôt đê Piêđra, đúng vào lúc cần phải tạm biệt Lêôna Catixiani ngay ở trước cửa nhà bà, Phlôrêntinô Arixa đã yêu cầu bà mời mình uống một cốc rượu brandy. Đây là lần thứ hai ông xin được uống rượu trong những hoàn cảnh tương tự. Lần thứ nhất, cách đây mười năm, bà từng trả lời ông khi ông đòi uống rượu: “Nếu anh lên nhà em vào giờ này anh sẽ phải ở lại đó vĩnh viễn”. Ông không lên nhà nhưng giờ đây dù thế nào chăng nữa ông cũng trèo lên nhà dù rằng sau đó ông buộc phải vi phạm lời nói của mình. Tuy nhiên, Lêôna Catixiani đã mời ông mà không đòi hỏi một sự hứa hẹn nào.

Đó là lúc ông đã bất chợt nhận ra chính mình trong cái thánh đường của một tình yêu tàn héo trước khi nó kịp nở. Bố mẹ của bà đã qua đời, người em trai duy nhất của bà đã trở nên giàu có ở Curaxao và một mình bà sống trong ngôi nhà cũ của gia đình. Những năm trước đây, khi ông chưa từ bỏ hi vọng tán bà làm người yêu của mình, ông vẫn đến thăm bà vào các ngày chủ nhật trong tình yêu thương của bố mẹ bà và đôi lúc ông còn đến thăm bà vào những giờ rất khuya, và ông từng góp nhiều công sức vào việc sửa sang ngôi nhà đến mức ông thuộc nó như nhà mình. Tuy nhiên, trong cái đêm sau khi xem phim ấy, nhờ chính những kỉ niệm của mình ông có cảm giác rõ ràng rằng phòng khách ấy đã được sắp đặt lại gọn gàng, sạch đẹp hơn. Giường ghế bàn tủ được kê lại ở những vị trí khác trước đây, trên các bức tường lại treo những bức tranh mới, và do đó ông nghĩ rằng có biết bao thay đổi và những thay đổi này được thực hiện hẳn là để kéo dài cái ý nghĩ sáng tỏ rằng chưa bao giờ ông có mặt ở nhà này. Con mèo không nhận ra ông. Giật mình trước cơn giận con mèo đã quên mình, ông nói:

“Mày không còn nhớ tao rồi”.

Nhưng trong lúc quay lưng lại để chuẩn bị rượu brandy, bà ta đáp lại ông rằng nếu ông bận lòng về việc này thì ông có thể yên tâm ngủ ngon giấc, bởi vì loài mèo chẳng nhớ gì hết.

Trên ghế sôpha, họ ngồi rất gần nhau, cùng nói chuyện về nhau, về thời kỳ họ quen biết nhau trong một buổi chiều trên chiếc xe khách do lừa kéo mà không ai nhớ rõ năm nào. Cuộc đời họ trôi đi trong những phòng làm việc liền kề nhau và cho đến lúc ấy chưa bao giờ họ nói với nhau về bất kỳ điều gì ngoài công việc. Trong lúc nói chuyện Phlôrêntinô Arixa đặt tay mình lên đùi bà; bằng những động tác thật nhẹ nhàng êm ái ông bắt đầu mơn trớn và bà cứ để cho ông tự nhiên nhưng không hề để lộ một mảy may xúc động. Chỉ khi ông đi hơn, lúc ấy bà cầm lấy cái bàn tay đang mò tìm kia và đặt lên đó một chiếc hôn.

– Hãy ngoan nào anh, – bà nói. – Đã từ lâu em biết rằng anh chẳng phải là người đàn ông em tìm kiếm.

Ngay từ hồi còn rất trẻ, một người đàn ông khỏe mạnh và liều lĩnh, người mà bà chưa hề nhìn rõ mặt đã bỗng dưng vật bà ngã xuống đê biển, lột truồng bà ra rồi ân ái với bà thật nhanh chóng nhưng cũng thật hăng say. Nằm trên nền đất sỏi, người hằn những vết sỏi găm lên mình, bà mong muốn người đàn ông ấy sẽ ở lại đấy mãi mãi để chết vì tình trong cánh tay anh. Chưa nhìn rõ mặt anh, chưa nghe giọng anh nói nhưng bà tin chắc rằng mình sẽ nhận ra anh giữa muôn nghìn người người nhờ hình dáng và cung cách làm tình của anh. Kể từ dạo ấy bà đều nói với tất cả những ai muốn nghe: “Nếu một lần nào đó chị có quen biết một người đàn ông lực lưỡng từng cưỡng hiếp một cô bé da đen tội nghiệp vào ngày mười lăm tháng mười, lúc mười một giờ rưỡi đêm thì hãy bảo cho anh ấy tìm gặp em”. Bà nói thế chỉ đơn thuần vì thói quen và bà nói đi nói lại với không biết bao nhiêu người đến mức tự bà cũng mất luôn hi vọng. Đã nhiều lần Phlôrêntinô Arixa nghe chuyện này như nghe những tiếng còi tạm biệt của một con tàu giữa đêm khuya. Khi đồng hồ điểm hai giờ sáng cả hai người đều đã uống được ba cốc rượu brandy và ông biết rằng, đúng thế, mình không phải là người đàn ông mà bà từng tìm kiếm và ông lấy thế làm vui vẻ.

– Hoan hô Lêôna, – ông nói khi ra về. – Chúng ta vừa giết chết một con hổ.

Đó không phải là điều duy nhất mà đêm ấy kết thúc. Câu chuyện huyễn hoặc về trại lao khiến ông từng mất ngủ, vì ông luôn luôn sợ rằng Phecxima Đaxa đang bị bệnh hiểm nghèo và bởi thế có thể chết trước chồng bà. Nhưng khi nhìn thấy ngài bị vấp ngay ở cửa ra vào rạp chiếu bóng, theo sự hiểu biết của chính mình, ông đã dấn thêm một bước nữa về phía vực thẳm với ý nghĩ sáng tỏ bất ngờ ập tới rằng ngài chứ không phải bà sẽ là người chết trước. Đó là một điềm báo thuộc số những điềm báo đáng sợ hơn cả, bởi vì cái điềm báo ấy hiện ra rõ mồn một trong thực tế. Phía sau ông là những năm tháng ngồi yên chờ đợi, những năm tháng hi vọng náo nức, nhưng ở phía đường chân trời trước mặt kia, chỉ thấy rõ đại dương mênh mông những bệnh tưởng, những lần đi đái dắt trong đêm mất ngủ, cái chết hàng ngày khi chiều xuống. Ông nghĩ rằng mỗi một khoảnh khắc trong ngày, vốn trước đây chúng là đồng minh của mình, là kẻ đồng lõa của mình, giờ đây bắt đầu phản thùng mình. Mấy năm gần đây, theo một lời hẹn hò mạo hiểm ông ra đi trong lúc tim mình đập như thắt lại vì sợ nhỡ có chuyện chẳng lành xảy ra, ông thấy cánh cửa không khóa trái, các bản lề được tra dầu để ông vào nhà mà không gây tiếng động, nhưng đến phút chót ông lại ân hận và quay trở về vì ông sợ rằng nhỡ mình chết đột tử trên giường người đàn bà ấy hẳn sẽ gây tiếng xấu cho bà ta, một người đàn bà không quen biết và tận tụy. Do đó thật là có lý khi ông nghĩ rằng người đàn bà được ông yêu nhất trần đời, người mà ông đã chờ đợi từ thế kỷ trước sang thế kỷ này với tinh thần bền bỉ không một lúc than vắn thở dài, hầu như sẽ có lúc được khoác cánh tay ông để vượt qua một con đường gồ ghề những đống đất và luống cây amapôla bị gió đánh tơi tả, để giúp ông đi một cách bình yên và khỏe mạnh sang bờ bên kia của cuộc đời, đó là cõi chết.

Sự thật đối với những quan điểm của thời đại mình, Phlôrêntinô Arixa đã vượt quá xa giới hạn của tuổi già. Ông đã năm mươi sáu tuổi đời, sống rất trọn vẹn và đầy đủ, và ông nghĩ rằng đó cũng là những năm đã được sống tốt nhất vì chúng là những năm tháng của tình yêu. Nhưng không một người đàn ông nào của thời đại ấy đã có thể đương đầu với sự giễu cợt này. Ở tuổi năm mươi sáu ông lại trẻ trung như một thanh niên, cho dù đúng là trẻ thực hoặc là tưởng trẻ đi nữa, và không một ai trong đám đàn ông ở tuổi ông đã dám tự thú mà không biết ngượng rằng mình vẫn thường khóc thầm cho nỗi thất vọng từ thế kỷ trước. Đó là một thời đại bất hạnh đối với tuổi thanh niên: một thời đại mà mỗi lứa đều có một kiểu ăn vận thích hợp, nhưng kiểu ăn vận cho tuổi già lại bắt đầu người con trai còn ở tuổi thanh niên và kéo dài cho đến khi xuống mồ. Nó không chỉ là biểu tượng cho mỗi lứa tuổi mà còn là biểu tượng cho danh dự xã hội. Thanh niên nam ăn mặc như những ông nội mình, càng được tôn kính hơn khi họ đeo một cặp kính trắng trước tuổi cần phải dùng và càng dễ ưa mắt hơn khi họ chống một cây ba toong vào lúc vừa tròn ba mươi tuổi. Đối với phụ nữ chỉ có hai lứa tuổi mà thôi: tuổi lấy chồng, tuổi này không thể quá tuổi hai mươi mốt, và lứa tuổi mãi mãi là con gái chưa chồng, tức là những người đàn bà ở vậy suốt đời. Những người đàn bà khác, những người lấy chồng, những bà mẹ, những bà góa, đó là những người đàn bà thuộc một lứa tuổi khác, lứa tuổi không bao giờ tính tuổi của mình trong mối quan hệ với những năm tháng đã được mà tính tuổi của mình trong mối quan hệ với thời gian họ còn thiếu để được đi hầu Chúa.

Ngược lại Phlôrêntinô Arixa đã liều lĩnh đương đầu với những cạm bẫy của tuổi già, mặc dù ông biết rằng mình có thuận lợi đặc biệt: ngay từ bé mình đã giống cụ già. Thoạt đầu, đó là một sự cần thiết. Tranxitô Arixa tháo ra và may lại những bộ quần áo mà cha ông định ném vào sọt rác, do đó ông đến trường tiểu học với những chiếc áo lêvita mà khi ngồi xuống ghế chúng trùm kín mặt đất, với những chiếc mũ bộ trưởng rộng thùng thình trùm kín cả mắt mặc dù bên trong đã được lót bằng cả một cái vành đai bông. Hơn nữa ông còn đeo cặp kính cận ngay từ lúc năm tuổi và có mái tóc người Anhđiêng như mái tóc của bà mẹ, một thứ tóc rễ tre xoắn tít do đó diện mạo thời trẻ của ông chẳng rõ ràng gì hết. May thay sau biết bao thay đổi trong chính phủ do không biết bao cuộc nội chiến kế tục gây nên, các quan điểm về nhà trường cũng đỡ ngặt nghèo hơn trước đấy, và tại các trường quốc lập đã có một đám học sinh thuộc đủ mọi giai tầng xã hội và mọi nguồn gốc. Những đứa trẻ miệng còn hơi sữa mẹ đến lớp học đã nhiễm phải thói say mùi súng đạn, mang huy chương và mặc quân phục sĩ quan quân khởi nghĩa lấy được nhờ phải dùng đến súng đạn trong những cuộc chiến đấu và trên thắt lưng họ nổi gồ những vũ khí thông dụng. Chúng sẵn sàng đấu súng với nhau vì bất cứ một cuộc tranh chấp nhỏ nào trong lúc vui chơi, đe dọa những ông thầy nào cho chúng điểm kém trong các bài thi. Một trong số những đứa trẻ này, vốn là học sinh năm thứ ba trường La Sadê và là con một vị đại tá về hưu, đã xịt một phát đạn giết chết tu sĩ Hoan Êrêmita, trưởng giáo đoàn, vì trong giờ học thần học ông ta đã nói rằng Thượng đế là thành viên danh dự của đảng Bảo hoàng.

Mặt khác, những đứa trẻ con nhà quyền thế và giàu có trước đây nay đã phá sản ăn vận theo mốt các ông hoàng cổ lỗ và có một số đứa con nhà quá nghèo còn phải đi chân đất. Giữa khung cảnh ăn mặc lạ lẫm từ mọi miền dồn về ấy, dù sao chăng nữa, cách ăn vận của Phlôrêntinô Arixa vẫn nổi bật hơn cả, vẫn lạ hơn cả đến mức buộc người đời phải để ý nhiều. Điều đau đớn hơn cả mà ông nghe thấy ở ngoài đường phố người ta gào vào mặt mình: “Đối với bọn nghèo khổ và xấu xí, cái gì chúng cũng thèm khát”. Dù thế nào đi nữa, cái bộ quần áo được may vì sự cần thiết đã trở thành mốt ăn vận phù hợp với tư chất khó hiểu và tính cách ủ dột của ông ngay từ thời kỳ ấy và nó theo suốt cuộc đời ông. Khi được giao phó chức vụ quan trọng nhất trong Hãng Tàu thủy Caribê, ông đã nhờ người ta may quần áo cho mình theo số đo và kiểu cách những bộ quần áo trước đây của cha mình, người vẫn được ông nhớ tới như một cụ già chết vào đúng cái tuổi bất diệt của Chúa Crixtô: ba mươi ba tuổi đời. Vì thế trông Phlôrêntinô Arixa bao giờ cũng già trước tuổi, đến mức bà Brihiđa Xulêta trơ trẽn, một nhân tình tạm bợ từng giúp ông nhận ra bao sự thật, ngay từ ngày đầu tiên đã nói với ông rằng bà ta thích thú hơn khi ông không mặc quần áo vì thân thể trần truồng của ông khiến bà ta có cảm giác ông chưa đến hai mươi tuổi. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông biết cách tránh lối ăn vận ấy phần vì sở thích cá nhân không cho phép ông ăn mặc khác đi phần vì chẳng một ai biết cách ăn mặc như thế nào cho trẻ hơn hai mươi tuổi trừ việc lại một lần nữa rút từ trong tủ áo ra chiếc quần chẽn và chiếc mũ hải quân. Mặt khác, ngay chính bản thân ông cũng không thể lẩn tránh được cảm giác rõ ràng về tuổi già thời đại mình, vì vậy thật là hiển nhiên khi nhìn thấy Phecmina Đaxa vấp váp ở cửa ra vào rạp chiếu bóng, ông đã rùng mình trước tia chớp rùng rợn nói rằng thần chết thế nào cũng chiến thắng ông trong cuộc chiến tranh tình yêu đầy say đắm của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.