Tình Yêu Thời Thổ Tả

Chương 49



Ngay từ trước khi làm chủ tịch Hãng Tàu thủy Caribê, Phlôrêntinô Arixa đã nhận được những thông báo tỉ mỉ về tình trạng báo động của con sông nhưng hầu như ông không đọc chúng. Ông an ủi những người góp cổ phần của mình: “Xin các vị đừng lo, khi nào hết củi lúc ấy đã có tàu thủy chạy bằng dầu rồi”. Chẳng bao giờ ông để tâm suy nghĩ về vấn đề này vì ông đang lúc đam mê Phecmina Đaxa, và khi biết rõ sự thật thì đã muộn mất rồi. Về ban đêm, ngay cả những ngày đầy nước, cần phải buộc chắc phao vào người để mà ngủ và thế là người ta lại càng cảm thấy không thể nào chịu nổi ngay với cả một hành động giản đơn để bảo vệ tính mạng mình. Phần lớn hành khách, nhất là người châu Âu, rời khỏi các phòng giường nằm nóng như muốn mục người ra của mình, và họ thức suốt đêm đi đi lại lại trên boong thượng và họ dùng chính chiếc khăn lau mồ hôi để đuổi muỗi, sáng ra người họ phờ phạc, nổi mẩn đỏ những nốt muỗi đốt. Một hành khách từ hồi đầu thể kỷ XIX, để đề cập về chuyến đi liên vận giữa thuyền độc mộc và lừa, vốn kéo dài tới năm mươi ngày, đã viết rằng: “Đây là một trong những chuyến du lịch vất vả và khó chịu nhất mà một người đã có thể tiến hành được”.

Hiển nhiên đây là một trong những chuyến đi đầu tiên khó khăn trong suốt chín mươi năm của lịch sử du lịch đường sông, và nó sẽ lại luôn luôn gặp khó khăn như vậy khi những con cá sấu đớp đến những con bướm cuối cùng, khi những con lợn biển chết hết, những con vẹt chết hết, những con khi chết hết, tất thảy đều chết hết.

– Không sao cả, – viên thuyền trưởng cười, – trong khoảng vài năm nữa chúng ta sẽ đi du lịch trong những chiếc ô tô bóng lộn trên dòng sông khô nước này.

Ba ngày đầu Phecmina Đaxa và Phlôrêntinô Arixa được hưởng không khí dịu mát như không khí ngày xuân của đài quan sát đóng kín mít nhưng khi củi hết và hệ thống điều hòa nhiệt độ bị hỏng thì phòng Tổng thống này liền biến thành một quán cà phê nghi ngút hơi nóng. Bà sống qua các đêm nhờ ngọn gió mát từ dưới sông ùa vào qua các cửa sổ mở toang nhưng phải dùng chiếc khăn tắm để xua muỗi, bởi vì do việc con tàu phải đậu một chỗ nên bình phun thuốc muỗi cũng trở nên vô dụng. Cơn đau tai càng trở nên dữ đội hơn đến mức tưởng như không thể chịu nổi bỗng tan đi hoàn toàn, nó tựa như tiếng ve sầu tắt lịm.

Nhưng cho đến tối bà vẫn không biết rằng tai phải đã bị điếc thật rồi khi Phlôrêntinô Arixa nói với bà ở phía tai phải thì bà phải quay đầu lại để nghe rõ điều ông nói với mình. Bà chẳng nói cho ai biết, tự an ủi rằng mình lại có thêm một tật nguyền nữa của tuổi già.

Bất chấp tất thảy những tai ương đó, việc con tàu phải dừng lại đối với họ là một bổng lộc trời ban. Phlôrêntinô Arixa từng có lần đọc điều đó: “Trong thảm họa tình yêu càng trở nên vĩ đại và quý giá hơn”. Không khí mờ hơi nước của phòng Tổng thống đã dìm họ trong một thế giới hư ảo và tạo điều kiện cho họ yêu nhau mà chẳng phải lo lắng. Họ sống những giờ không thể tưởng tượng được, tay nắm tay ngồi trên ghế kê ngay bên thành tàu, họ thư thái hôn nhau, cùng sung sướng đắm chìm trong những cú mơn trớn, mà lòng họ không gợn một ý nghĩ thất vọng. Cái đêm khó chịu thứ ba bà đợi ông với một chai rượu hồi, thứ rượu bà từng cùng uống lén với người chị họ Hinđêbranđa, và sau này, khi đã có chồng và có con rồi bà vẫn uống lén trong phòng đóng kín cửa cùng với những người bạn gái chung sở thích, Phlôrêntinô Arixa cần phải nhờ đến một chút tâm trạng thảng thốt để không nghĩ đến vận may của mình với quá nhiều minh mẫn, nhưng ông tưởng rằng bà cho mình uống rượu là để mình có thêm dũng cảm trong giai đoạn cuối cùng. Phấn chấn hẳn lên trước ảo tưởng ấy, Phlôrêntinô Arixa bắt đầu mơn trớn bà. Ông dùng năm đầu ngón tay khẽ vuốt ve cái cổ nhăn nheo, bộ ngực nhăn nhúm, bộ mông nhô những đầu xương và các bắp vế của con hươu già. Bà sung sướng đón nhận hành động mơn trớn của ông với đôi mắt lim dim nhưng không hề rung động, vẫn thư thả hút thuốc và uống từng ngụm rượu hồi. Cuối cùng, khi những cú mơn trớn của ông trườn trên bụng bà thì trong tr- ái tim bà đã có kha khá rượu hồi rồi.

Nếu muốn chơi trò con tiều thì chúng mình chơi, – bà nói, – nhưng phải đứng đắn như người lớn.

Bà dẫn ông vào phòng kín rồi không hề ngượng ngùng bà cởi quần áo trong ánh đèn sáng trưng. Phlôrêntinô Arixa nằm ngửa trên giường, cố sức lấy lại bình tĩnh, lại một lần nữa ông không biết làm gì với tấm da con hổ mà ông đã giết từ trước. Bả bảo ông: “Không được nhìn”. Mắt vẫn trân trân nhìn lên trần, ông hỏi bà vì sao.

– Vì rằng anh sẽ không thích, – bà nói.

Thế là ông nhìn bà và ông thấy bà khỏa thân đến thắt lưng, đúng như ông từng mường tượng: Hai vai nhăn nhúm, hai vú xệ xuống, hai bên lườn da cũng nhăn nheo vàng ệch và lạnh lẽo như thể da một con cóc. Bà vội lấy chiếc áo vừa cởi ra che lên ngực và tắt đèn ngay. Tức thì ông cũng đứng dậy, và trong bóng tối ông bắt đầu cởi quần áo và cởi xong cái nào thì ông ném lên bà cái ấy. Bà cười ngặt nghẽo ném trả cho ông từng cái một.

Cả hai người nằm ngửa một lúc lâu ở trên giường. Ông hoang mang và càng hoang mang hơn nữa khi ở trong ông cảm xúc mãnh liệt tan biến. Còn bà thì lặng lẽ, gần như thẫn thượi, nhưng bà cầu mong Thượng đế đừng để mình cười ngất đi như bao lần đã xảy ra như vậy khi uống rượu hồi. Họ nói chuyện với nhau để quên thời gian. Họ nói về họ, về cuộc đời khác nhau của họ, về sự ngẫu nhiên không được hứa hẹn trước trong đó họ cùng khỏa thân tại một phòng giường nằm tối om của một con tàu phải dừng lại khi đáng lẽ ra họ phải nghĩ rằng họ chỉ còn đủ thời gian để chờ đón cái chết đến mà thôi. Bà chưa từng nghe thấy người ta nói rằng ông có một người đàn bà, một người cũng không có, trong một thành phố người ta đều biết hết mọi chuyện kể ra những chuyện còn bị giấu kín. Ngẫu nhiên bà nói về điều này, và ngay lập tức ông cãi lại mà không hề run run trong giọng nói: Là vì em đấy. Vì em anh giữ trọn cái trinh tân của con người mình.

Dù là hiển nhiên, bà vẫn không tin bởi vì các bức thư tình của ông đều được viết với những câu như câu ấy nhưng chúng chỉ có ý nghĩa nội tại của chúng. Nhưng bà thích thái độ dũng cảm của ông khi nói ra câu nói ấy. Về phần mình, Phlôrêntinô Arixa tự hỏi lòng mình về cái điều mà ông đã không dám hỏi chính mình: Bên cạnh cuộc sống vợ chồng đoan trang kia bà đã có cuộc sống bí mật nào không?

Không có gì khiến ông phải ngạc nhiên bởi vì ông biết rằng bọn đàn bà giống hệt bọn đàn ông trong những chuyện mạo hiểm thầm kín, cũng chính những chiến lược ấy, chính những cảm hứng bất chợt ấy, cũng chính những sự lòng thòng không hề ân hận ấy. Nhưng ông đã không hỏi. Điều đó thật là tốt đẹp biết bao. Có thời gian trong đó có quan hệ của bà với Nhà thờ đã có chuyện tương đối buồn, vì linh mục làm lễ xưng tội đã hỏi bà rằng đã có lần nào bà không chung thủy với chồng không, thì ngay tức khắc bà đứng đậy, ra về mà không thèm trả lời câu hỏi, không đợi làm xong lễ xưng tội và cũng không thèm chào tạm biệt và từ đấy trở đi chẳng bao giờ bà đi xưng tội với vị linh mục ấy hoặc với bất cứ vị linh mục nào khác. Trái lại, thái độ cẩn trọng của Phlorêntinô Arixa lại có được sự đồng cảm bất chợt: Bà xòe tay trong bóng tối, mơn trớn trên bụng ông, mơn trớn hai bẹn ông cuối cùng mơn trớn đám lông gần như trần trụi của ông. Bà bảo: “Da anh nhẵn nhụi như da trẻ thơ ấy”. Tiếp đó bà dấn thân vào giai đoạn cuối cùng: bà tìm nó ở nơi nó không có, rồi bà lại tìm lại và cuối cùng bà đã thấy nó nằm im.

– Nó chết rồi! – Ông nói.

Với tất cả những người tình của mình, lần đầu tiên bao giờ ông cũng thế, vì vậy ông đã học để làm quen với chính cái bóng ma ấy: Cứ mỗi bận ông lại phải học lại lần nữa, cứ như thể đó là lần đầu tiên. Ông cầm bàn tay bà đặt nó lên ngực mình: Phecmina Đaxa cảm nhận trái tim già không biết mỏi đang đập rất mạnh ngay trên làn da, cảm thấy sự gấp gáp và rối loạn của một chàng trai vừa thức dậy. Ông nói: “Để làm chuyện này, nếu có quá nhiều tình yêu cũng như không có tình yêu thì đều chẳng có thú vị gì”. Nhưng ông đang nói dối, thực ra ông đang xẩu hổ, đang sôi giận với chính bản thân mình, đang khao khát có một lý do để đổ tội cho bà vì bà đã làm thất bại cuộc đời ông. Bà biết rõ điều đó. Rồi bằng những cú vù ki, bà bắt đầu khêu gợi cái cơ thể đang nằm yên của ông như con mèo cái đang đùa giỡn con mồi của nó cho đến khi ông không thể chịu đựng được hơn nữa đã bỏ về phòng mình.

Bà vẫn nghĩ về ông cho đến khi trời rạng sáng và trong lúc rượu hồi, theo làn sóng lan tỏa chậm rãi, buông rơi bà thì ý nghĩ chán nản cho rằng ông không thích bà và sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa lại xâm chiếm tâm hồn bà.

Nhưng cũng chính ngày hôm đó ông đã trở lại vào lúc mười một giờ sáng, đúng vào giờ ít ngờ nhất. Ông trở lại với vẻ tươi mát và khỏe mạnh, và có ý thức trưng bày, ông đã khỏa thân trước mặt bà. Bà sung sướng được nhìn thấy ông trong ánh sáng tràn trề đúng hệt với hình ảnh mà bà từng mường tượng ra ông trong bóng tối: Một con người không có tuổi tác, nước da ngăm ngăm đen, căng mọng và láng bóng tựa như một chiếc ô mở hết cỡ, chỉ có một ít lông thưa thớt và mượt mà ở hai nách và ở vùng xương mu.

Ông đứng với con vật đang thượng lên và bà biết rằng không phải là ngẫu nhiên việc ông để cho bà nhìn thấy vũ khí của mình mà ngược lại ông cố ý trưng bày nó tựa như một chiến lợi phẩm để khích lệ bà. Hầu như bà không có thời gian cởi chiếc áo ngủ mà bà mặc vào khi gió mát buổi sáng bắt đầu thổi, và hành động vội vàng mới thoạt đầu này khiến bà rùng mình thương hại. Nhưng bà không khó chịu bởi vì như trường hợp ấy, ở trong bà thật khó mà phân biệt rạch ròi giữa lòng thương hại và tình yêu.

Tuy nhiên, bà cảm thấy trống trải làm sao ấy.

Kể từ hơn hai mươi năm nay, đây là lần đầu tiên bà lại làm tình và bà làm tình trong lúc tò mò muốn thử xem nó như thế nào vào tuổi của mình sau một thời gian ngừng nghỉ quá dài. Nhưng ông đã không để cho bà có thời gian xem xem cơ thể mình có muốn chuyện làm tình không.

Cuộc mây mưa của họ diễn ra quá nhanh chóng và buồn thảm và bà nghĩ rằng: “Giờ đây, thế là hết”. Nhưng bà nhầm. Bất chấp sự chán chường của cả hai, bất chấp nỗi hối hận của ông trước sự vụng về của mình, bất chấp sự tự day dứt của bà trước cơn say rượu hồi trong những ngày sau đó, hai người không hề rời nhau lấy một phút một giây. Hầu như họ không ra khỏi phòng để đi ăn. Thuyền trưởng Điêgô Samaritanô, người bằng trực giác có thể phát hiện ra bất kỳ chuyện bí hiểm mà người ta định giữ kín trên tàu của ông, sáng nào cũng gửi đến cho họ hoa hồng trắng, cho họ nghe những bản nhạc tình ban đêm từ thời họ còn đầu xanh tuổi trẻ, và chuẩn bị cho họ những món ăn ngon. Mãi đến tận sau khi cảm hứng đến mặc dù họ không tìm kiếm, họ không có ý định làm tình nữa. Chỉ với hạnh phúc giản dị được ở bên nhau mãi mãi đối với hai người là đã đủ lắm rồi.

Họ chưa hề nghĩ sẽ ra khỏi phòng giường nằm một khi không cần thiết. Nhưng thuyền trưởng, với một tín hiệu báo cho họ biết rằng sau bữa cơm trưa bọn bọ sẽ tới La Đôrađa, bến cuối cùng, sau mười một ngày hành trình. Từ phòng giường nằm, Phecmina Đaxa và Phlôrêntinô Arixa nhìn thấy dãy nhà rực sáng dưới ánh nắng vàng và họ tưởng rằng đó chính là lý do để người ta gọi tên nó như thế. Nhưng họ lại không thấy đúng như thế khi họ cảm thấy hơi nóng của nó hầm hập như hơi nóng của nồi hơi và họ nhìn thấy nhựa đường trên các đường phố như sôi lên. Ngoài ra, con tàu không đậu ở phía thị trấn cảng mà lại đậu ở bờ đối diện, bên cạnh ga xe lửa đi Săngta Phe.

Bọn bọ ra khỏi nơi ẩn nấp ngay sau khi hành khách xuống tàu hết. Phecmina Đaxa có cảm giác nhẹ nhàng thoải mái vì được thoát nạn ở ngay trong căn phòng khách vắng vẻ. Rồi từ trên boong tàu, cả hai cùng ngắm cảnh đám đông ồn ĩ đang nhận hành lý của họ ở các toa xe của một đoàn tàu hỏa nom tựa như một thứ đồ chơi. Có thể nghĩ rằng những vị hành khách kia, nhất là các bà các cô vận áo khoác vùng Bắc Âu, và đội mũ mốt từ thế kỷ trước vốn không thích hợp trong khung cảnh đã nóng bức lại bụi bặm ở đây, vừa từ châu Âu trở về. Một số bà mang mái tóc có tết những bông hoa khoai tây rất đẹp nhưng đã bắt đầu héo trong hơi nóng nơi đây. Họ vừa từ bình nguyên Anđết đến đây sau một ngày tàu hỏa xuyên qua thung lũng nên thơ và hầu như họ không có thời gian thay quần áo cho hợp với khí hậu Caribê.

Trong khung cảnh ồn ào của một phiên chợ, một cụ già vẻ khắc khổ lôi từ trong những chiếc túi áo khoác của một kẻ ăn mày ra rất nhiều gà con. Bỗng nhiên cụ già xuất hiện và cứ thế với chiếc áo khoác rách mướp vốn là của một người nào đó cao to hơn nhiều, cụ già rẽ lối giữa đám đông. Cụ cởi mũ ra, rồi đặt ngửa nó ở cầu tàu để xem nhỡ có ai ném vào nó một đống tiền bố thí và cụ bắt đầu lôi từ trong túi áo ra từng vốc, từng vốc những chú gà con non tơ mềm mại, không màu sắc dường như chúng sinh sôi từ những ngón tay của cụ già. Trong khoảnh khắc, bến cảng dường như kín đặc những con gà con đang ngọ nguậy đi ở khắp nơi, giữa những hành khách vội vã dẫm chân lên chúng mà không hay biết. Phecmina Đaxa đang hào hứng trước cảnh tượng kì diệu mà dường như nó diễn ra là để đón chào bà, vì chỉ có một mình bà đang chiêm ngưỡng nó mà thôi. Bà không biết những hành khách đi chuyến tàu xuôi về thành phố lên tàu thủy từ lúc nào, bà vừa kịp nhận ra rất nhiều gương mặt quen thuộc, một số là của những người bạn cách đây không lâu còn dự đám tang của chồng bà. Lại một lần nữa, bà vội vàng chui vào phòng giường nằm. Phlôtêntinô Arixa thấy bà buồn rười rượi: Bà đang muốn chết trước khi bị những người bạn của mình nhìn thấy trong một chuyến du chơi lạc thú xảy ra trong rất ngắn ngày kể từ sau khi chồng bà mất. Nỗi lo lắng của bà khiến Phlôrêntinô Arixa rất đau lòng đến độ ông hứa sẽ tìm một giải pháp nào đó ngõ hầu che chở cho bà, đó là một giải pháp khác hẳn giải pháp chịu tù đày trong một phòng giường nằm.

Ngay lập tức, ông tìm ra được giải pháp khi ngồi ăn trong phòng ăn riêng. Viên thuyền trưởng muốn tranh luận với Phlôrêntlnô Arixa về một vấn đề mà từ lâu ông cứ lẩn tránh hoài bằng luận điệu vốn có “Ôi dào, những cặt vãnh ấy cô Lêôna Catxiani giải quyết còn hay hơn tôi”. Nhưng lần này, ông đã chăm chú nghe. Đó là việc những con tàu khi ngược có chở hàng hóa nhưng khi xuôi thì lại không, trong khi đó khi ngược dòng vắng khách còn khi chạy xuôi lại quá đông khách. “Hãy áp dụng thế mạnh của việc chở hàng hóa: Nghĩa là hành khách xuôi tàu phải trả tiền vé cao hơn và họ phải tự túc cái ăn hàng ngày”, – ông nói. Phecmina Đaxa ngồi ăn trong tâm trạng buồn chán. Bà phát ngấy trước cuộc thảo luận giữa hai người đàn ông xoay quanh chuyện thống nhất định giá vé khác nhau cho khách đi tàu ngược và khách đi tàu xuôi. Nhưng Phlôrêntinô Atixa đã đi đến cùng và chỉ lúc này ông mới đưa ra một câu hỏi khiến thuyền trưởng nghĩ rằng đó là một tư tưởng cứu tinh.

– Để giả định thôi, – ông nói – có thể cho tàu chạy mà không chở hàng, không chở hành khách, không dừng lại ở bất kỳ bến cảng nào được không?

Thuyền trưởng bảo rằng điều đó chỉ có xảy ra trong giả thuyết mà thôi. Hãng Tàu thủy Caribê có những cam kết mà Phlôrêntinô Arixa biết rõ hơn ai hết, có những hợp đồng chuyên chở hàng hóa, chuyên chở hành khách, chuyên chở thư từ bưu kiện và rất nhiều loại hợp đồng khác mà phần lớn những hợp đồng này không thể không thực hiện được. Điều duy nhất có thể vượt qua tất cả là trường hợp có bệnh nhân bị bệnh dịch đi trên tàu. Lúc ấy tàu sẽ phải tuyên bố tình trạng cách ly, treo cờ vàng và nó chạy một lèo. Thuyền trưởng Điêgô Samaritanô đã vài lần phải làm như vậy vì đang đi thì gặp nhiều người bị bệnh thổ tả, dẫu rằng ngay sau đó các tổ chức y tế buộc các thầy thuốc phải kiểm tra và chứng thực con tàu đã được tẩy uế rồi. Ngoài ra, trong lịch sử du lịch đường sông, nhiều lần tàu đã treo cờ vàng để trốn thuế, để không nhận một hành khách mà nó không muốn chở. Phlôrêntinô Arixa bắt gặp bàn tay của Phecmina Đaxa ở phía dưới gầm bàn.

– Vậy thì chúng ta sẽ làm như vậy, – ông nói.

Viên thuyền trưởng ngạc nhiên, nhưng ngay lập tức, với bản năng của sói già, ông ta đã nhận ra hết.

– Tôi chỉ huy trên tàu này, nhưng ngài lại chỉ huy chúng tôi, – ông ta nói. – Vậy nếu ngài nói nghiêm chỉnh, xin ngài hãy viết giấy ra lệnh cho tôi và chúng ta sẽ lên đường ngay bây giờ.

Dĩ nhiên ông nói một cách nghiêm chỉnh và ông ký giấy ra lệnh. Dù sao chăng nữa, ai cũng biết rằng thời thổ tả vẫn chưa chấm dứt mặc dù các tổ chức y tế vui sướng tuyên bố họ đã dập được nạn dịch tả. Về con tàu này, chẳng có vấn đề gì. Nó chở theo số hàng hóa ít ỏi đã được bốc xếp lên tàu và nó tuyên bố với hành khách rằng có sự cố máy móc, và nó sẽ chuyển họ sang một con tàu khác sẽ đến đây vào sáng sớm hôm sau. Nếu những chuyện này từng được làm vì biết bao lý do vô đạo đức khác, thì tại sao nó không được làm vì tình yêu. Ông nghĩ vậy. Điều duy nhất mà viên thuyền trưởng thỉnh cầu là xin một lần đỗ lại ở bến cảng Narê để ông ta nhận một người sẽ cùng đi trong chuyến du lịch này: Ông cũng có mối tình vụng trộm của mình.

Sáng sớm ngày hôm sau con tàu Nuêva Phiđêliđat nhổ neo, không chở hàng và hành khách và nó treo lên cột cờ chính lá cờ vàng tung bay phấp phới. Lúc chiều tối, con tàu đỗ lại ở cảng Narê đón một người đàn bà to cao vâm váp hơn cả thuyền trưởng và bà chỉ thiếu có hàm râu nữa là có thể vào làm cho một gánh xiếc. Bà ta tên là Xênaiđa Nêvêt, nhưng thuyền trưởng lại gọi bà ta là Mi Enecgumêra.

Đó là một người bạn gái cũ của thuyền trưởng và là người thuyền trưởng vẫn đón lên tàu ở bến này rồi lại thả xuống ở bến kia và là người khi bước lên tàu bao giờ cũng mang theo một luồng gió hạnh phúc. Tại cái bến cảng buồn bã này, Phlôrêntinô Arixa sống lại với những hoài nhớ Rôsanha khi ông nhìn thấy đoàn tàu hỏa đi Envigađô đang vất vả trèo lên cái dốc mà trước đây là con đường chỉ có lừa mới đi nổi, và trời bỗng đổ một trận mưa rào khủng khiếp mà có lẽ ít lâu sau nó sẽ theo con tàu trong phần còn lại của chuyến đi. Nhưng không một ai quan tâm đến trận mưa rào bởi vì ngày hội vui trên tàu thủy đã có mái che mưa của chính nó. Đêm ấy, Phecmina Đaxa xuống nhà bếp và trong tiếng vỗ tay hoan hô của thủy thủ bà chuẩn bị cho tất cả mọi người một món ăn mà Phlôrêntinô Arixa gọi là món của tình yêu, coi đó như là một sự đóng góp của cá nhân vào cuộc vui chung.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.