Titanic - Trong Vũ Trụ

CHƯƠNG 9



Bác sĩ trên chuyến bay vận hành bảng điều khiển cho việc điều hành đặc vụ trên Trạm vũ trụ quốc tế là bác sĩ Todd Cutler. Vị bác sĩ này là một khuôn mặt mới và trẻ đến mức các phi hành gia đã đặt cho anh cái tên “Doogie Howser” sau khi có một chương trình truyền hình về một bác sĩ thiếu niên. Thực sự thì Cutler đã ba mươi hai tuổi và nổi tiếng nhờ năng lực rất vững vàng. Anh là bác sĩ riêng của Emma khi cô ở trên quỹ đạo. Mỗi tuần một lần, trong suốt cuộc họp y khoa riêng, cô nói chuyện với anh qua một khoang liên lạc đóng kín và báo cáo lại cho anh hầu như mọi chi tiết kín đáo nhất về tình hình sức khỏe của cô. Cô tin vào nghiệp vụ y khoa của Todd. Vì vậy cô thở phào nhẹ nhõm khi anh là bác sĩ trực vào thời điểm đó tại phòng điều khiển Trạm vũ trụ quốc tế tại Johnson.
– Anh ấy bị xuất huyết màng cứng ở cả hai mắt. – cô nói. – Điều đó khiến tôi như đang rơi vào địa ngục khi thấy nó. Tôi nghĩ anh ấy bị như vậy là do bị nôn đêm qua… những sự biến đổi áp lực đột ngột đã tác động vào các thành mạch trong mắt.
– Giờ đó chỉ là một mối lo ngại nhỏ. Hiện tượng xuất huyết sẽ biến mất. – Todd nói. – Phần còn lại của bài kiểm tra thì sao?
– Anh ấy bị sốt ba tám phẩy sáu độ. Mạch hai mươi, huyết áp một trăm trên sáu mươi, tim và phổi có vẻ ổn. Anh ấy kêu bị nhức đầu nhưng tôi không thấy bất cứ thay đổi nào trong não. Điều khiến tôi lo lắng thực sự là anh ấy không có tiếng óc ách gì trong ruột. Bụng anh ấy mềm nhão. Anh ấy đã nôn mấy lần chỉ trong vòng một giờ qua, đến lúc này thì bụng anh ấy không bị xuất huyết. – cô ngừng lại. – Todd, anh ấy có vẻ ấm lắm. Và đây mới là tin xấu. Tôi đã đo lượng men phân giải tinh bột amilaza của anh ấy. Nó lên đến mức sáu trăm.
– Chết tiệt! Cô nghĩ anh ấy có vấn đề với tuyến tụy ư?
Trong trường hợp lượng amilaza tăng đột biến thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Amilaza là một loại enzim được tạo ra trong tuyến tụy. Mức độ của nó thường tăng vọt khi cơ quan đó bị nóng lên. Nhưng lượng amilaza cao cũng có thể là biểu hiện của các bệnh đường ruột cấp tính khác như bị thủng ruột hay viêm loét tá tràng.
– Các tế bào bạch cầu cũng tăng cao. – Emma nói tiếp. – Tôi đã chích máu, phòng khi…
– Vậy bệnh án ra sao? Có rắc rối gì không?
– Hai vấn đề. Một là, anh ấy đã bị căng thẳng đầu óc. Một trong các thí nghiệm của anh ấy đang bị trục trặc và anh ấy cảm thấy phải có trách nhiệm.
– Và điều thứ hai?
– Anh ấy đã bị chất dịch của một con chuột đã chết trong phòng thí nghiệm bắn vào mắt hai hôm trước.
– Nói rõ hơn đi! – Giọng của Todd đột nhiên trầm xuống.
– Những con chuột trong phòng thí nghiệm của anh ấy đang chết dần mà không rõ nguyên nhân. Các xác chết đã bị phân hủy nhanh đến ngạc nhiên. Tôi lo là có một loại vi khuẩn nuôi mầm bệnh nên tôi đã lấy mẫu dịch của con vật để xem mẻ cấy. Thật không may là các mẻ đó đã bị hỏng hết.
– Sao?
– Tôi nghĩ đó là một kiểu nhiễm nấm. Các đĩa cấy đã chuyển hết sang màu xanh lá cây. Không tìm thấy bất cứ mầm bệnh nào. Tôi phải hủy các đĩa đó. Một thí nghiệm khác cũng bị tương tự đối với một mẻ tế bào của các sinh vật biển. Chúng tôi phải hủy dự án đó vì nấm đã xâm nhập vào ống nuôi mẻ cấy.
Thật không may là sự phát triển của nấm trong mẻ cấy là một hiện tượng không bình thường trong môi trường khép kín trên Trạm vũ trụ quốc tế mặc dù có luồng không khí lưu thông liên tục. Trên Trạm vũ trụ trước đây tên là Mir, các cửa sổ đôi khi bị phủ một lớp nấm dày. Khi môi trường trên tàu bị các sinh vật này làm cho nhiễm bẩn thì tiếp theo, chúng sẽ không thể bị diệt hết. Điều may mắn là nhìn chung chúng vô hại với con người và các động vật trong phòng thí nghiệm.
– Vậy là chúng ta không biết anh ấy có tiếp xúc với bất cứ mầm bệnh nào không?
– Không. Ngay lúc này thì nó có vẻ như anh ấy bị viêm tuyến tụy chứ không phải bị nhiễm khuẩn. Tôi đã bắt đầu đo mạch đập. Tôi nghĩ đã đến lúc cho ống thông mũi vào. – Cô dừng lại, rồi nhát gừng nói. – Chúng ta cũng cần tính đến khả năng phải tản cư khẩn cấp.
Họ im lặng rất lâu. Đây là khả năng mọi người sợ nhất, là quyết định không ai muốn. Phương tiện quay về của cả phi hành đoàn vẫn ở trên Trạm vũ trụ quốc tế mỗi khi có người trên trạm và nó đủ lớn để di chuyển toàn bộ phi hành đoàn sáu người. Kể từ khi các đầu mang khí cụ khoa học trên con tàu Soyuz không còn hoạt động, phương tiện quay trở về trái đất là công cụ di dời duy nhất trên trạm. Nếu nó rời đi thì tất cả bọn họ cũng sẽ lên tàu. Vì một người ốm, họ sẽ buộc phải rời Trạm vũ trụ quốc tế và hủy hoàn toàn hơn hàng trăm cuộc thí nghiệm trên tàu. Đó là một thất bại nặng nề đối với trạm.
Nhưng còn một lựa chọn khác.
Họ có thể đợi cho đến khi có chuyến bay tàu con thoi tiếp theo để di dời Kenichi. Giờ chỉ còn là quyết định về mặt y học. Anh ấy có thể đợi được không? Emma biết NASA đang trông cậy vào các phán đoán y khoa của cô và trách nhiệm đổ dồn hết lên vai cô.
– Còn việc di dời trên tàu con thoi thì sao? – cô hỏi.
Todd Cutler hiểu tình thế tiến thoái lưỡng nan đó.
– Chúng ta có tàu Discovery đã được đưa lên bệ phóng thuộc hệ thống vận chuyển tàu con thoi hiệu số 161. Từ nay đến lúc phóng còn mười lăm ngày nữa. Nhưng nhiệm vụ của tàu là nhiệm vụ quân sự đặc biệt. Nó sẽ đưa vệ tinh về để sửa chữa. Phi hành đoàn của tàu 161 vẫn chưa được chuẩn bị để gắn vào và gặp gỡ Trạm vũ trụ quốc tế.
– Có thể thay thế họ bằng phi hành đoàn của Kittredge được không? Đó là phi hành đoàn trước kia của tôi mang hiệu số 162. Họ có lịch sẽ hạ cánh trên trạm trong bảy tuần nữa. Họ đã chuẩn bị đầy đủ rồi.
Emma nhìn Mike Griggs đang lượn bên cạnh cô và nghe cuộc nói chuyện. Là chỉ huy trên trạm, mục đích trên hết của anh ta là giữ cho trạm tiếp tục hoạt động và anh ta không chịu bỏ cô lại. Anh ta tham gia cuộc nói chuyện.
– Cutler, Griggs đây. Nếu phi hành đoàn của tôi phải di dời thì chúng tôi sẽ mất toàn bộ các thí nghiệm. Đó là mồ hôicông sức hàng tháng trời miệt mài của chúng tôi. Cứu hộ bằng tàu con thoi là phương án hợp lý nhất. Nếu Kenichi cần về nhà thì các vị lên mà đưa anh ta về. Hãy để chúng tôi ở lại đây và làm nốt phần việc của mình.
– Việc cứu hộ có thể đợi lâu như vậy không? – Todd hỏi.
– Các vị có thể đưa con chim đó lên đây sớm nhất là khi nào? – Griggs nói.
– Chúng tôi phải bàn bạc chuyện hậu cần. Các cửa sổ trên tàu…
– Hãy cho chúng tôi biết bao lâu. – Griggs cắt ngang.
Cutler ngừng lại.
– Giám đốc điều hành bay Ellis đang đứng cạnh tôi. Hãy nói đi, giám đốc.
Bắt đầu là một cuộc nói chuyện kín đáo giữa hai bác sĩ giờ đã được tiết lộ cho cả giám đốc điều hành bay. Họ nghe thấy Woody Ellis nói.
– Ba mươi sáu tiếng. Đó là thời gian phóng tàu nhanh nhất có thể.
Rất nhiều việc có thể thay đổi trong ba mươi sáu tiếng, Emma nghĩ. Một vết loét có thể đục thủng hay xuất huyết tuyến tụy có thể khiến cho bệnh nhân bị sốc và bị nhiễm khuẩn đường ruột.
Hoặc là Kenichi sẽ hồi phục hoàn toàn nếu anh là nạn nhân của một căn bệnh không nghiêm trọng hơn bệnh nhiễm khuẩn đường ruột.
– Bác sĩ Watson là người đang theo dõi bệnh nhân. – Ellis nói. – Ở đây chúng tôi đang trông đợi nhận định của cô ấy. Các xét nghiệm y khoa cho thấy gì?
Emma suy nghĩ về điều đó.
– Anh ấy không cần phẫu thuật bụng khẩn cấp… ít ra thì không phải là lúc này. Nhưng mọi chuyện có thể xấu đi rất nhanh.
– Vậy là cô không chắc.
– Đúng vậy.
– Khi cô nói với chúng tôi, chúng tôi vẫn cần hai mươi bốn tiếng để nạp nhiên liệu.
Cả ngày chậm trễ và mất thời gian giữa việc cứu hộ và phóng tàu thật sự, cộng thêm thời gian phụ để gặp gỡ. Nếu Kenichi đột nhiên đổi hướng theo chiều hướng xấu thì cô có thể khiến anh sống lâu như vậy không? Tình thế này thật đau đầu. Cô là một bác sĩ chuyên khoa chứ không phải một thầy bói. Cô không có thiết bị chụp X-quang để tùy ý sử dụng, cũng không có phòng mổ. Việc kiểm tra thể lực và xét nghiệm máu có biểu hiện bất thường nhưng không chính xác. Nếu cô lựa chọn phương án trì hoãn cứu hộ thì Kenichi có thể chết. Nếu cô yêu cầu giúp đỡ quá sớm thì hàng triệu đô la sẽ bị phung phí cho một lần phóng tàu.
Quyết định sai theo một trong hai cách đều chấm dứt sự nghiệp của cô với NASA.
Đây chính là sợi dây thòng lọng mà Jack đã cảnh báo cô. Mình gặp rắc rối và cả thế giới sẽ biết điều đó. Họ đang chờ xem mình có đưa ra quyết định đúng đắn không.
Cô nhìn những bản in báo cáo về các bài xét nghiệm máu của Kenichi. Ở đó cô không thấy có lý do gì để hoảng loạn, vẫn chưa có gì.
Cô nói.
– Giám đốc, tôi sẽ luồn ống thở cho anh ấy và bắt đầu thông ống vào mũi. Ngay lúc này thì các dấu hiệu cơ bản của anh ấy vẫn ổn định. Tôi chỉ ước tôi biết bụng dạ anh ấy có vấn đề gì.
– Vậy theo cô thì việc phóng tàu con thoi khẩn cấp vẫn chưa xác định?
Cô thở dài.
– Chưa, vẫn chưa đâu.
– Tuy nhiên, chúng tôi sẽ luôn cảnh giác và thắp sáng đèn tàu con thoi Discovery nếu cần thiết.
– Tôi rất cảm ơn về việc đó. Tôi sẽ liên lạc với giám đốc sau để báo cáo về tình trạng mới nhất của anh ấy. – Cô ra hiệu kết thúc và nhìn Griggs. – Tôi hy vọng tôi đang thực hiện một cuộc gọi đúng đắn.
– Chỉ cần chữa trị cho anh ấy, thế nhé!
Cô tiếp tục kiểm tra Kenichi. Anh ấy sẽ cần được theo dõi suốt đêm nên cô đã chuyển anh khỏi phòng sinh hoạt vào phòng thí nghiệm của Mỹ. Như vậy những người còn lại trong đoàn sẽ không bị mất giấc ngủ. Anh bị nhốt trong một chiếc túi ngủ. Đường truyền liên tục dẫn dung dịch nước và muối vào các tĩnh mạch của anh. Anh vẫn thức và rõ ràng cảm thấy rất khó chịu.
Luther và Diana đứng trông chừng bệnh nhân nãy giờ và cả hai đều nhẹ nhõm khi thấy Emma.
– Anh ấy lại nôn. – Diana nói.
Emma cố định chân để giữ nguyên vị trí rồi áp ống nghe lên tai. Cô nhẹ nhàng đặt đầu ống nghe lên bụng Kenichi. Vẫn không hề có âm thanh đường ruột. Các đường tiêu hóa của anh đã đóng lại và các chất dịch sẽ bắt đầu tích tụ trong bụng. Chất dịch đó cần phải bị hút ra ngay.
– Kenichi. – cô nói. – Tôi sẽ đút một ống dẫn vào bụng anh. Nó sẽ giúp anh giảm đau và có thể anh sẽ không bị nôn nữa.
– Gì? Ống dẫn á?
– Ống dẫn qua mũi. – Cô mở hộp dụng cụ y khoa hỗ trợ sống cao cấp. Bên trong có rất nhiều loại đồ đạc và thuốc, một bộ sưu tập phong phú như trên xe cứu thương hiện đại. Trong một ngăn kéo có dòng chữ HÀNG KHÔNG chứa rất nhiều ống, các thiết bị hút, các túi đựng chất thải và dụng cụ soi thanh quản. Cô xé một gói chứa dụng cụ thông mũi. Nó bé, được cuộn lại, làm bằng nhựa hoạt tính và có một đầu được đục thủng.
Cặp mắt đỏ như máu của Kenichi mở to.
– Tôi sẽ nhẹ nhàng hết sức. – cô nói. – Anh có thể khiến nó vào nhanh hơn nếu uống một ngụm nước khi tôi bảo. Tôi sẽ cho đầu này vào lỗ mũi anh. Cái ống này sẽ trôi xuống cổ họng anh. Anh sẽ uống nước, rồi nó sẽ vào bụng. Phần khó chịu nhất chỉ là phần đầu, khi tôi mới đưa vào. Sau khi nó đã vào vị trí, nó sẽ không làm anh khó chịu nữa.
– Nó sẽ ở trong đó bao lâu?
– Ít nhất là một ngày, cho đến khi nào ruột anh hoạt động trở lại. – Cô nhẹ nhàng nói thêm. – Điều này rất cần thiết, anh Kenichi ạ.
Anh thở dài, gật đầu.
Emma nhìn Luther. Anh ta có vẻ như ngày càng sợ khi nghĩ đến cái ống này.
– Anh ấy sẽ cần nước để nuốt nó. Anh lấy thêm được không? – sau đó, cô nhìn Diana đang lơ lửng bên cạnh. Như mọi khi, Diana trông vẫn như không, lạnh lùng quan sát hiện tượng đó. – Tôi cần lắp đặt để hút dịch.
Diana tự động đến gần hộp dụng cụ cấp cứu cao cấp, lấy thiết bị hút và túi đựng chất thải.
Emma làm thẳng cuộn ống thông mũi. Trước hết, cô nhúng một đầu vào chất gen bôi trơn để nó dễ dàng đi qua lỗ mũi. Sau đó, cô đưa cho Kenichi một túi nước nhỏ đã được Luther đổ đầy.
Cô nắm chặt tay Kenichi để động viên. Mặc dù sự sợ hãi hiện rõ trong mắt anh nhưng anh vẫn đáp lại bằng một cái gật đầu hài lòng.
Đầu đâm vào của chiếc ống lấp lánh chất bôi trơn. Cô thọc đầu ống vào lỗ mũi bên phải của anh, nhẹ nhàng ấn vào sâu hơn, rồi vào ống thông mũi và thanh quản. Anh nôn ọe, chảy nước mắt và bắt đầu ho để ngăn ống trượt sâu vào phần sau cổ họng. Cô ấn nó vào sâu hơn. Giờ thì anh quằn quại, chiến đấu bằng bản năng mạnh mẽ để đuổi cô đi và dứt ống khỏi mũi.
– Uống ít nước đi. – cô giục.
Anh nhăn mặt, bàn tay run run đưa ống hút vào miệng.
– Uống đi, Kenichi! – cô dỗ.
Khi một ngụm nước to đi từ cổ họng vào thực quản, nắp thanh quản sẽ linh động đóng đường dẫn đến khí quản, không cho nước rỉ ra phổi. Nó cũng định hướng cho ống thông mũi đi xuống đúng chỗ. Khi nhìn thấy anh bắt đầu nuốt, cô nhanh chóng ấn thêm ống vào, đẩy nó qua cổ, xuống thực quản cho đến khi nó trôi xa và đầu kia chạm đến dạ dày.
– Tất cả đã xong. – cô nói và dán ống vào mũi. – Anh làm tốt lắm!
– Sẵn sàng hút. – Diana nói.
Emma nối ống thông mũi với thiết bị hút. Họ nghe thấy những tiếng ùng ục, rồi chất dịch đột ngột xuất hiện trong ống, chảy ra từ dạ dày của Kenichi vào túi đựng. Nó có màu xanh như mật, không có máu. Emma thở phào khi nhận thấy điều đó. Có lẽ anh ấy chỉ cần điều trị thế này, bụng dạ cần nghỉ ngơi, ống thông mũi và hút các chất dịch tụy. Nếu anh ấy thực sự bị viêm tuyến tụy thì điều trị bằng cách này cũng sẽ giúp anh chịu đựng thêm mấy ngày cho đến khi tàu con thoi đến.
– Đầu tôi đau lắm. – Kenichi kêu lên và nhắm chặt mắt.
– Tôi sẽ cho anh uống thuốc giảm đau. – Emma an ủi.
– Cô nghĩ sao? Cơn nguy kịch qua chưa? – Đó là giọng của Griggs. Anh ta đứng ở cửa vào, quan sát toàn bộ quá trình. Mặc dù lúc này ống thông đã được cho vào nhưng Griggs vẫn lùi lại như thể chỉ cần nhìn thấy bệnh đó cũng khiến anh ta lùi lại. Anh ta thậm chí không thèm nhìn người bệnh mà mắt dán chặt vào Emma.
– Chúng tôi phải xem đã. – Emma nói.
– Tôi phải báo cáo với Houston thế nào?
– Tôi đã cho ống vào. Giờ còn quá sớm.
– Họ cần biết sớm.
– Ôi, tôi không biết! – Sau đó, cô nuốt giận và nói bình tĩnh hơn. – Chúng ta bàn vấn đề này trong khoang sinh hoạt được chứ? – Cô để Luther ở lại với người bệnh và đi qua cửa vào.
Tại khoang sinh hoạt, cô và Griggs có thêm Nicolai. Họ đứng quanh bàn bếp như thể đang ăn cùng nhau. Nhưng thực ra, điều họ đang chia sẻ là cơn phẫn nộ của mình trong một tình thế không chắc chắn.
– Cô là một bác sĩ chuyên khoa. – Griggs gắt. – Cô không đưa ra quyết định được sao?
– Tôi vẫn đang cố ổn định anh ấy… Ngay lúc này tôi không biết tôi đang đương đầu với căn bệnh gì. Nó có thể hết trong một hoặc hai ngày. Hoặc nó cũng có thể đột ngột xấu đi.
– Và cô không thể cho chúng tôi biết đang có chuyện gì xảy ra.
– Không có máy chụp X-quang, không có phòng mổ thì tôi không thể thấy bên trong anh ấy đang có vấn đề gì. Tôi không thể dự đoán tình hình ngày mai của anh ấy ra sao.
– Tuyệt!
– Tôi nghĩ rằng anh ấy nên về nhà. Tôi muốn việc phóng tàu được thực hiện càng sớm càng tốt.
– Còn việc di dời bằng phương tiện cứu hộ khẩn cấp thì sao? – Nicolai hỏi.
– Chuyến bay trên tàu con thoi được điều khiển luôn là cách tốt hơn để vận chuyển một người bệnh. – Emma nói. – Chuyến đi về bằng phương tiện khẩn cấp sẽ rất khó khăn và phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết dưới trái đất. Rất có khả năng họ không thể hạ cánh ở nơi tốt nhất để chuyển anh ấy đến bệnh viện.
– Hãy quên chuyện di dời bằng tàu khẩn cấp đi! – Griggs nói thẳng thừng. – Chúng ta sẽ không bỏ trạm.
Nicolai đưa ra ý kiến.
– Nếu anh ấy bị nặng hơn…
– Chỉ cần Emma giữ cho anh ấy còn sống đủ lâu đến khi tàu Discovery đến đây. Chết tiệt thật, cái trạm này là một xe cứu thương quay quanh quỹ đạo mất rồi! Đáng lẽ cô ta phải có khả năng giữ cho anh ấy ổn định.
– Nếu cô ấy không thể thì sao? – Nicolai nhấn mạnh. – Sự sống của một người còn quan trọng hơn nhiều so với những thí nghiệm này.
– Đó sẽ là lựa chọn cuối cùng. – Griggs nuối tiếc. – Tất cả chúng ta sẽ nhảy lên phương tiện di dời khẩn cấp. Chúng ta sẽ bỏ lại các thí nghiệm đã thực hiện hàng tháng trời.
– Nghe này, Griggs. – Emma nói. – Tôi không muốn rời trạm này chẳng kém gì anh. Tôi đã đấu tranh không mệt mỏi để được lên đây và tôi cũng không muốn chuyến đi của mình ngắn lại. Nhưng bệnh nhân của tôi cần di dời khẩn cấp thì lúc đó chính tôi sẽ gọi điện yêu cầu.
– Xin lỗi, Emma. – Diana nói khi bay qua cửa ra vào. – Tôi vừa hoàn thành kiểm tra máu cho Kenichi. Tôi nghĩ cô nên xem thứ này.
Cô đưa cho Emma một bản in.
Emma nhìn kết quả: chất creatin: 20, 6 (thông thường là 0 đến 3, 08).
Căn bệnh này còn hơn cả bệnh viêm tuyến tụy, hơn cả rối loạn đường ruột. Nồng độ chất creatin cao chứng tỏ cả cơ hoặc tim anh ấy đã bị hủy hoại.
Chứng nôn mửa đôi khi là triệu chứng của bệnh đau tim.
Cô nhìn Griggs.
– Tôi quyết định rồi. Hãy báo với Houston phóng ngay tàu con thoi lên. Kenichi phải về nhà.
Ngày mùng 2 tháng 8
Jack buộc chặt cánh buồm. Hai cánh tay rám nắng của anh lấp lánh mồ hôi khi anh buộc dây vào cột buồm. Sau một tiếng, cánh buồm căng gió. Con tàu Sanneke đánh đuôi về phía khuất gió. Lưng buồm đột ngột lao nhanh hơn qua khu nước lầy tại vịnh Galveston. Anh đã bỏ lại vịnh Mexico phía sau và đi thuyền quanh mũi Bolivar sớm hơn trong chiều hôm đó. Anh lách qua những chiếc phà trên đảo Galveston. Giờ anh đang đi qua một chuỗi các nhà máy lọc dầu trên bờ thành phố Texas khi anh cho thuyền đi về phía bắc theo hướng Clear Lake. Đó là hướng về nhà.
Bốn ngày trên biển quanh khu vịnh đã khiến da anh nâu giòn, đầu tóc bờm xờm. Anh không thông báo cho bất cứ ai về những dự định của mình. Anh chỉ chuẩn bị đồ ăn và căng buồm về khu nước mênh mông, qua khỏi tầm nhìn thấy đất liền. Anh đi vào màn đêm bao trùm lấy mắt anh và anh ngạc nhiên khi thấy những vì sao. Anh nằm ngửa mặt trên boong, những đợt nước trong vịnh nhẹ nhàng lắc thân tàu ngay bên dưới. Anh đã nhìn bầu trời đêm hàng giờ liền. Hàng hà sa số những ngôi sao tỏa ra mọi hướng trên trời và xa ngút tầm mắt. Anh đang lao đi trong vũ trụ. Mỗi đợt sóng biển cuộn lên lại cuốn anh sâu hơn vào vòng xoáy của một dải ngân hà khác. Anh đã để đầu óc thảnh thơi, không nghĩ về bất cứ điều gì ngoài những vì sao và biển cả. Sau đó, một mảnh thiên thạch lóe lên một vệt sáng chói và anh bỗng nghĩ về Emma. Anh không thể đặt hàng rào ngăn cách đủ cao để xóa hết hình ảnh của cô khỏi tâm trí. Lúc nào cô cũng ở đó, bay lượn trên mép thuyền và chờ đến lúc lao vào tâm trí anh lúc anh lơ đãng hay không muốn nhất. Anh đã trở nên cứng rắn, đôi mắt anh nhìn chăm chăm vào vệt sáng đang tắt dần của mảnh thiên thạch đó. Mặc dù chẳng có gì thay đổi, không phải hướng gió hay những đợt sóng cuộn lên nhưng anh đột nhiên cảm thấy anh đang rơi vào cõi cô đơn sâu thẳm.
Trời vẫn tối khi anh giương buồm trở về nhà.
Lúc này, khi anh tăng tốc vào khu vịnh Clear Lake, qua các mái nhà san sát in bóng dưới ánh hoàng hôn, anh cảm thấy tiếc đã quyết định về nhà quá sớm. Trên vịnh ngoài kia gió vẫn thổi đều đều, nhưng ở đây hơi nóng cứ quấn lấy anh và sự ẩm ướt rất khó chịu.
Anh buộc chặt neo dây cột thuyền rồi bước lên boong tàu. Chân anh không còn đứng vững sau nhiều ngày trên biển. Anh nghĩ, yêu cầu đầu tiên của công việc này là phải tắm bằng nước lạnh. Anh để dành việc dọn tàu đến đêm nay, khi trời mát mẻ hơn.
À, còn về con mèo Humphrey, thêm một ngày bị nhốt trong cũi sẽ không tổn hại gì đến đám lông đó. Anh kéo lê chiếc túi đựng đồ đạc và lên bờ. Khi đi ngang qua cửa hàng bán rau quả nhỏ ven biển, ánh mắt anh dừng lại trên bản tin. Chiếc túi đựng đồ của anh tuột khỏi tay, anh ngồi phịch xuống đất. Anh nhìn chằm chằm vào tít báo lớn chạy ngang Điểm Tin hàng ngày của Houston:
“Việc đếm ngược thời gian cho tàu con thoi khẩn cấp bắt đầu. – Ngày mai sẽ bắt đầu phóng”.
Đã có chuyện gì vậy? Anh nghĩ. Có rắc rối sao?
Anh run run móc mấy đồng hai mươi lăm xu khỏi túi, nhét xu vào lỗ và chộp lấy bản in từ chiếc máy. Có hai bức ảnh đi kèm bài báo đưa tin. Một là của Kenichi Hirai, phi hành gia người Nhật đến từ trung tâm NASDA. Bức khác là của Emma.
Anh chộp lấy túi đựng đồ và chạy đi gọi điện.
Có ba bác sĩ trên chuyến bay tại cuộc họp. – điều đó cho Jack biết rằng rắc rối họ đang gặp phải có liên quan đến y khoa. Khi anh bước vào phòng, mọi người đều quay lại ngạc nhiên. Anh hiểu câu hỏi không nói ra trong cặp mắt của giám đốc điều hành bay Woody Ellis: Jack McCallum đang làm cái quái gì ở đây vậy?
Bác sĩ Todd Cutler trả lời.
– Jack đã góp phần vào việc phát triển bản dự thảo về các quy trình cấp cứu y khoa cho phi hành đoàn đầu tiên của trạm. Tôi nghĩ anh ấy nên tham gia cùng chúng ta.
Ông Ellis khó chịu nói.
– Vấn đề nhân sự khiến cho việc này phức tạp hơn. – Ông ta có ý ám chỉ Emma.
– Mỗi thành viên trong đoàn đều như gia đình của chúng tôi. – Todd nói. – Theo một cách nào đó thì họ đều là nhân sự.
Jack ngồi xuống cạnh Todd. Ngồi quanh bàn có phó giám đốc Hệ thống vận chuyển hàng không quốc gia, giám đốc chuyên nhiệm vụ điều hành Trạm vũ trụ quốc tế, các bác sĩ trên các chuyến bay và một vài giám đốc quản lý chương trình. Nhân viên ngoại giao của NASA cũng có mặt. Đó là Gretchen Liu. Ngoại trừ ngày phóng tàu thì các hãng đưa tin hầu như không bao giờ chú ý đến NASA. Nhưng hôm nay, các phóng viên từ mọi hãng tin đang chen chúc trong phòng họp báo khiêm tốn tại Tòa nhà thông tin công chúng của NASA và chờ Gretchen xuất hiện. Hôm nay thật là khác biệt, Jack nghĩ. Công chúng lại để mắt đến chốn này. Chắc chắn là phải có vụ nổ, bi kịch hay thảm họa gì đó. Phép màu khi người ta điều hành bay hoàn hảo sẽ không khiến ai chú ý cả.
Todd đưa một chồng giấy cho Jack với một dòng chú ý trên đầu: “Phòng thí nghiệm của Hirai và các phát hiện về y khoa trong vòng 24 giờ qua. Chào mừng anh đã trở lại!”
Jack lật nhanh các bản báo cáo trong khi lắng nghe cuộc họp. Anh đã mất một ngày nắm bắt thông tin và anh phải mất một chút thời gian để hiểu hết vấn đề. Kenichi Hirai bị bệnh nặng và các phát hiện trong phòng thí nghiệm của anh đang khiến người ta thắc mắc. Tàu Discovery đã sẵn sàng vào lúc sáu giờ sáng. Việc phóng tàu và điều khiển bên trong do phi hành đoàn của Kittredge cùng một bác sĩ chuyên khoavà cũng là một phi hành gia đảm nhiệm. Việc đếm ngược cho tàu đã được lên lịch.
– Các vị có thay đổi gì về mặt đề xuất không? – Phó giám đốc Hệ thống vận chuyển hàng không quốc gia hỏi các bác sĩ trên các chuyến bay. – Các vị có nghĩ là Hirai có thể đợi đến khi di dời bằng tàu con thoi không?
Todd Cutler trả lời.
– Chúng tôi vẫn tin rằng việc di chuyển bằng tàu con thoi là lựa chọn an toàn nhất. Chúng tôi sẽ không thay đổi các đề xuất của mình khi xét đến khía cạnh đó. Trạm vũ trụ quốc tế là một bệnh viện được trang bị khá tốt với toàn bộ thuốc men và các thiết bị cần thiết cho việc làm bệnh nhân tỉnh lại khi tác động vào tim và phổi.
– Vậy anh vẫn tin rằng anh ta bị đau tim?
Todd nhìn các bác sĩ đồng nghiệp.
– Nói thật thì. – Anh thú nhận. – Chúng tôi không hoàn toàn chắc chắn. Có một số biểu hiện của chứng co thắt cơ tim. – tức là chứng đau tim khi nhìn nhận anh ấy như người bình thường. Và nhất là nồng độ chất enzim tuyến tụy trong máu anh ấy quá cao.
– Vậy tại sao anh vẫn chưa chắc?
– Các bản chụp tim cho thấy các biến đổi không đáng kể. – chỉ có một vài đường sóng nhiễu. Đó không phải là mẫu chuẩn khi bệnh nhân bị đau tim. Hơn nữa, Hirai đã được kiểm tra toàn diện về các bệnh liên quan đến tim mạch trước khi anh ấy được nhận vào chương trình. Anh ấy không có bất cứ nguy cơ nào. Thật sự là chứng tôi không chắc có chuyện gì. Nhưng chúng tôi đảm bảo là anh ấy đã bị một cơn đau tim và điều đó khiến cho việc di dời bằng tàu con thoi là lựa chọn tốt nhất. Như vậy việc chui vào sẽ nhẹ nhàng và quá trình hạ cánh được kiểm soát. Sẽ giảm áp lực đáng kể lên người bệnh so với việc về trái đất bằng phương tiện khẩn cấp. Và trong khi đó, Trạm vũ trụ quốc tế có thể giải quyết các chứng loạn nhịp tim của anh ấy.
Jack ngẩng đầu lên, không nhìn bản báo cáo anh đã đọc qua nữa.
– Nếu không có các thiết bị phòng thí nghiệm cần thiết thì Trạm vũ trụ quốc tế không thể cắt phân đoạn các mức độ loạn nhịp tim này được. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn là chất enzim này là do tim tiết ra?
Mọi sự chú ý dồn hết vào anh.
– Anh nói “cắt phân đoạn” là có ý gì? – Ông Woody Ellis thắc mắc.
– Chất creatin là một loại enzim giúp các tế bào cơ sử dụng các năng lượng được dự trữ. Nó có trong các cơ sọc và cơ tim. Nói ví dụ như khi các tế bào tim bị tổn hại khi bị đau tim thì mức độ chất creatin trong máu sẽ tăng. Đó là lý do tại sao chúng ta cứ nghĩ đó là một cơn đau tim. Nhưng nếu chất đó không phải do tim tiết ra thì sao?
– Nó có thể là gì khác?
– Một loại tổn thương khác về cơ. Ví dụ như chấn thương hay chứng co giật. Thực tế thì khi tiêm thuốc vào cơ cũng có thể khiến cho chất creatin tăng lên. Các vị cần cắt phân đoạn chất creatin để khẳng định xem nó có bắt nguồn từ tim không. Trạm vũ trụ quốc tế không thể làm việc đó được.
– Vậy rất có thể là anh ta không hề bị đau tim?
– Chính xác! Và đây là một chi tiết đáng băn khoăn nữa. Sau khi bị tổn thương cơ cấp tính thì nồng độ chất creatin của anh ấy lẽ ra phải giảm xuống mức bình thường. Nhưng hãy nhìn mẫu nồng độ xem! – Jack lật qua các tờ giấy trong phòng thí nghiệm và đọc to các số liệu. – Trong vòng hai mươi tư giờ qua, mức độ chất creatin của anh ấy đã tăngdần. Điều đó chứng tỏ tiếp tục có tổn thương.
– Đó chỉ là một phần của một câu hỏi lớn hơn. – Todd nói. – Chúng ta có các kết quả không bình thường trên bảng và không có mẫu nào có thể đọc được. Các chất enzim trong gan, thận biến đổi thất thường, tỉ lệ các chất lắng đọng và số lượng các bạch cầu đã được ghi lại. Một số thì tăng, còn các số liệu khác thì giảm. Như thể các hệ thống cơ quan khác nhau đang lần lượt bị tấn công.
Jack nhìn anh.
– Bị tấn công à?
– Chỉ là một cách nói văn hoa thôi Jack. Tôi không biết chúng ta đang đương đầu với biến chứng gì. Tôi biết đó không phải là một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ phi hành đoàn và họ hoàn toàn bình thường.
– Nhưng anh ấy thì ốm đến mức cần di dời bằng tàu con thoi đúng không? – Giám đốc điều hành nhiệm vụ tàu con thoi đặt ra câu hỏi đó. Ông ta không hài lòng chút nào về việc này. Nhiệm vụ ban đầu của tàu con thoi Discovery là thu lại và sửa chữa vệ tinh do thám Capricon. Giờ nhiệm vụ của tàu đã bị vụ này đảo lộn hoàn toàn. – Washington không hài lòng về việc lui lại hạn sửa chữa vệ tinh. Các vị đang điều khiển chuyến bay của họ và biến Discovery thành một chiếc xe cứu thương biết bay. Điều đó có thực sự cần thiết không? Hirai không thể hồi phục trên trạm sao?
– Chúng ta không thể nói trước điều gì. Chúng ta không biết anh ấy có vấn đề gì. – Todd cố giải thích.
– Lạy Chúa, các vị còn có một bác sĩ chuyên khoa trên đó mà. Cô ta không xác định ra bệnh gì sao?
Jack thấy căng thẳng. Họ đang chỉ trích Emma.
– Cô ấy không có thiết bị chụp X-quang. – Anh xen vào.
– Cô ta có mọi thứ khác để sử dụng bất cứ khi nào. Anh sẽ gọi cái trạm đó là gì, bác sĩ Cutler? “Một cỗ máy được trang bị đầy đủ thiết bị y khoa” phải không?
– Phi hành gia Hirai phải về nhà càng nhanh càng tốt. – Todd khẳng định. – Những việc còn lại chúng tôi sẽ lo. Nếu ông muốn đánh giá lại về các bác sĩ trên chuyến bay thì đó là lựa chọn của ông. Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi chưa bao giờ đánh giá lại bất cứ một kỹ sư nào làm việc với hệ thống đẩy tên lửa.
Câu nói đó đã kết thúc cuộc tranh luận rất hiệu quả.
Phó giám đốc điều hành hệ thống vận chuyển tàu vũ trụ hỏi.
– Còn ai có thắc mắc gì nữa không?
– Thời tiết. – nhân viên dự báo của NASA nhắc. – Tôi nghĩ nên thông báo về một cơn bão đang hình thành ở phíatây Guadeloupe và di chuyển rất chậm về phía tây. Nó sẽ không ảnh hưởng gì đến việc phóng tàu. Nhưng phụ thuộc vào đường đi của nó thì Kennedy có thể gặp chút rắc rối trong một hay hai tuần tới.
– Cảm ơn đã lo xa! – Phó giám đốc nói, nhìn quanh phòng xem có ai hỏi thêm không. – Vậy là việc phóng tàu sẽ được tiến hành vào lúc 5 giờ sáng. Hẹn gặp tất cả các vị tại đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.