Tố tâm

Chương 5



Ký giả đọc xong thì Đạm Thủy thở một tiếng lấy khăn lau mắt mà nói rằng:

– Tôi xem hết quyển nhật ký thì thương tiếc nàng quá chừng, trong lòng như hối hận, không ăn không ngủ được mà thành bệnh. Thầy thuốc xem nói là đau tim. Chuyện thấu đến anh cả tôi làm điền chủ ở tỉnh mỗ. Anh tôi đến tận trường xin phép cho tôi về an dưỡng ở chỗ đồn điền đó. Nói là chữa bệnh nhưng thực ra thì anh tôi muốn vớt tôi lên khỏi chỗ bể tình. Anh cả tôi người trầm tĩnh mà lịch duyệt. Lúc lâm tuyền khi thành thị trong Nam ngoài Bắc đi đã nhiều. Anh tôi thấy tôi như vậy có ý thương hại buồn rầu chứ không có ý tức giận, mà giấu cả gia thân tôi nữa.

Trong mấy chủ nhật về nghỉ, anh tôi không hề đả động đến việc Tố Tâm. Những thư từ sách vở tôi mang về anh tôi cất đi hết cả. Những chuyện có thể gợi tình cảm như chuyện Kiều, Chinh phụ, Cung oán, và những tiểu thuyết bi tình anh tôi cũng giấu đi hết. Anh tôi bày ra ở bàn giấy gần chỗ tôi nằm những tranh ảnh hùng hiệp như là các đại trận của Napoléon khi còn trẻ các thủ đoạn anh hùng của đại tướng Đông phương, những tiểu thuyết phiêu lưu của các bậc nam nhi khảng khái, những sách thuật lại cuộc đời bần bách của các bậc hiền triết ngày xưa. Anh tôi cứ tự nhiên mà làm không cho tôi biết mà cũng không bảo gì tôi cả. Anh tôi lại bày ra cuộc săn bắn, chụp ảnh, đánh cờ, v.v… Những lúc ăn cơm đông đủ, hay khi hai an-h em ngồi uống nước chè tàu, anh tôi toàn nói chuyện gia quyến. Anh tôi nói gia thân tôi khen tôi ngoan và mong về sau làm được những gì, hàng ngày nhắc đến tôi luôn và tỏ tình nhớ tôi lắm. Anh tôi nói tự nhiên như người kể chuyện lại, không binh phẩm mà cũng không đả động gì đến việc học của tôi.

Những khi anh tôi bận việc mà thấy tôi ngồi thần một mình, thì khẽ bảo các cháu lại quấn quít. Anh tôi vẫn biết tôi yêu trẻ con mà mấy hôm về đó tôi lại thích chơi với trẻ lắm. Cả ngày tôi chỉ quanh quần với chúng nó. Đứa ôm chân đứa kéo áo, bắt những “nu na nu nống, chi chi chành chành” bảo làm gì tôi cũng làm, bắt đi đâu tôi cũng đi, đến cả chồng gạch làm đình làm chùa, hay bới cát sẻ sông đắp núi. Bởi trái lại cuộc đời chua chát, mà tôi thành như đứa bé ngây thơ.

Lòng tôi đã hơi dịu dịu nhờ được thang thuốc đầu của anh tôi khéo bốc, lấy cảm tình mà chữa cảm tình, không dùng lối thuyết lý sống sượng. Anh tôi biết tôi nặng tình gia quyến, nên khéo đánh riết vào chỗ ấy rồi lấy thêm cảm tình khác mà chèn vào, sau cùng lấy lý luận mà giữ. Anh tôi thấy lòng tôi đã tạm nguôi một chút thì nói đến việc đời. Anh tôi ngồi kể chuyện lại những cuộc đam mê ngày trước, những điều khờ dại ở trong cuộc ái tình và tách bạch những điều thiếu niên cho là xinh đẹp ra từng mảnh rất đáng sợ. Dần dần anh tôi hỏi đến chuyện Tố Tâm. Tôi kể thực hết cả. Anh tôi ngồi đạo mạo như một ông thầy tu nghe người xưng tội. Anh tôi nghe xong nói lại một cách rắn rỏi tỏ ra một người đã lịch duyệt chi bảo cho một cậu thiếu niên lững chững trên đường tình. Giọng nói ung dung và không có vê gì là mắng dực.

Anh tôi kết luận đoạn này bảo tôi yêu Tố Tâm không phải là dở, hẳn vì tôi thực tình mà yêu, yêu có lúc say mê lảo đảo. Anh tôi cũng thương cho đôi lứa thiếu niên hại vì tình, nhưng anh tôi bảo tôi lạm dụng văn chương tư tưởng bởi mơ màng một cuộc ái tình đằm thắm quá mà đem hết tài liệu của mình ra mà tách bạch từng mảnh lòng người yêu để biết hết những đoạn éo le của ái tinh mới thỏa. Phiền một nỗi chính mình làm mà không tự biết, hay có khi biết mà bỏ qua; quý hồ làm cho nàng yêu là được, nhiều khi lại viện những nhẽ rất đúng để tự thứ lỗi cho mình, mà bênh vực lấy tình ái. Về sau lúc đã quá muốn lấy nhẽ phải mà bảo mình nhưng không bảo được nữa. Muốn đem những bức thư từ biệt rất cảm động, dùng những tính tình chân thật thiết tha mà gỡ ra, nhưng chính thế là buộc vào thắt chặt đến nỗi khổ mình mà thiệt người, không định làm hại mà thành hại. Túng nhiên Tố Tâm mà không chết thì cảnh vợ chồng của nàng cũng mất hết cả vẻ hay, mà gia đình về sau cũng nghiêng ngả, vì người đàn bà đã bị thương tích như vậy thì có sống ở đời nữa chỉ chịu cuộc đời một cách đành lòng cho qua ngày qua tháng mà thôi. Tố Tâm là hạng thiếu nữ quá chấp nhất về tình lại hay mơ màng về văn chương tư tưởng khinh hẳn những việc thực ở đời. Tính tình ấy lại để vào một nơi hoàn cảnh giáo dục “giao thời” nên sa mãi vào cuộc ái tình kia không biết mà dừng bước lại thành cuộc đời tan tác một cách bi ai để lại bao nhiêu điều đáng ân hận.

Cuối cùng, anh tôi đánh vào chỗ lòng khẳng khái khéo nhặt những câu Tố Tâm nói mà thêm thắt vào, làm một bài khuyến kích rất hùng hồn cảm động. Anh tôi nói đến công danh sự nghiệp mà khéo chèn vào những câu thuyết lý rất cao xa, khiến tôi nghe phải cảm động nức lòng như người chiến sĩ lúc ra trận nghe hồi trống hay dịp kèn quốc hiệu. Anh ơi, tôi bây giờ lại để tâm vào việc học, xong được công việc nhà trường lòng lại sốt sắng về những mục đích và hy vọng trước, là nhớ những câu giáo huấn rất hợp cảnh hợp thời và nghĩ đến những nhời khuyến khích của người vì quá yêu tôi mà thiệt phận. Hai điều đó cũng có vẻ thiêng liêng thay!

Nhưng anh nên biết rằng một việc như việc Tố Tâm với tôi không thể mất tích được, vì lòng tôi đã bị thương thì còn vết mãi mà, vết đó làm giảm mất nhiều cuộc vui trong đời tôi. Ngẫm như những lúc tôi được hưởng điều hoan lạc, nghĩ đến nàng thiệt phận thì lại chạnh lòng mà bây giờ nhiều khi trông cảnh nhớ người thấy dấu tích như hồn ai còn vướng vít…

Viết tại trường Cao đẳng Sư phạm

kỳ nghỉ hè năm 1922

LỜI PHÊ BÌNH CỦA MỘT ĐỘC GIẢ

Trong những cuốn sách từ Nam chí Bắc, không mấy người là không biết tới, tôi tưởng phải có Truyện Tố Tâm, tác giả là một nhà tân học, ông Song An HOÀNG NGỌC PHÁCH.

Sách xuất bản năm 1925 sau khi đã đăng được ít nhiều vào tập kỷ yếu của hộ “Cao Đẳng Ai Hữu”. Sách nhiều người mua, nhiều người đọc, nhiều người cho là hay, mà thiệt không ai dám công nhiên tỏ ra có thái độ hoan nghênh nó cả. Vì nó mới quá. Lại vì nó gặp một cái trở lực còn mạnh quá: là phái đạo đức.

Đạo đức không dung được truyện tình ái, mà cái ái tình ở truyện Tố Tâm, lại là ái tình lắt léo, vụng thầm, nó đã được sống ở ngoài tình nghĩa vợ chồng mà lại kết quả đến giết người mất mạng.

Và gần đây, có mấy cô thiếu nữ vì thất tình mà tự vẫn, mấy người còn đổ tội cả cho cái ảnh hưởng của những tiểu thuyết tình, mà Tố Tâm này là một. Trước kia, J.J. Rousseau viết sách Nouvelle Héloise, Goethe làm sách Werther, đều cũng là những chuyện tình mà được thiên hạ hoan nghênh một cách rất nhiệt thành, rộn rịp.

Tôi không dám đem sách Tố Tâm mà so sánh với những truyện Héloise và Werther, song tôi muốn nói sách Tố tâm cũng là tiểu thuyết tình như những tiểu thuyết kia, mà không phải sống vào trong cái xã hội rất ít người được cái quan niệm chính đáng rộng rãi về đạo đức và mỹ thuật. Truyện Kiều người ta còn chê là “dâm thơ” thì sách Tố tâm khỏi sao chẳng thành ra “vô đạo” ?

Thúy Kiều với Kim Trọng nào có khác chi Đạm Thủy cùng Tố Tâm. Cũng không cho thương yêu mà thương yêu, cũng không cho tình tự mà tình tự. Chị chàng là gái khuê các mà dám dan díu với trai. Cậu ấm đã có nơi nhà định mà còn thương yêu kẻ khác.

Bậy quá ! Thật là bậy quá !

Nhưng nếu ái tình là một vật mà ta không thể lấy lý luận để hiểu được, lấy đạo đức để bỏ được, lấy luân lý để ngừa được, thì nó phát sinh ở chỗ nào ta cũng nên để yên cho nó ở chỗ đó mới phải.

Nó không phát sinh ở giữa Đạm Thủy với người vị hôn thê của chàng, lại cũng không có được ở giữa Tố tâm với người chồng mới của người thì mặc nó.

Song nó đã đem giằng buộc Tố Tâm vào với Đạm Thủy, thì ta cũng phải biết cái sở dĩ của nó ở đâu ?

Tố Tâm thương Đạm Thủy trước khi thấy mặt chàng, người chàng, địa vị chàng ở xã hội, gia thế chàng trong nhân quần, thì cái tình của nàng thật không có gì là tầm thường vật chất cả. Mà nàng biết thương chàng ở chỗ văn chương tư tưởng thì lại càng tỏ ra nàng là một người có tài, có học, có tinh thần mỹ thuật, có tư tưởng thanh cao.

Một người con gái như thế, tức là tiêu biểu cho hạng gái văn minh, chỉ ở những xã hội văn minh mới có. Cái bổn sắc của hạng gái này nó không được thuần giảm, mộc mạc mà lại có ý phức tạp lâm ly. Hạng gái thường lấy ăn no mặc ấm làm vui, lấy bình thường giản dị làm thích, cái ngoan là ở chỗ ngu; mà cái nết là ở chỗ dại. Có ngu dại người ta mới dễ sai khiến, mà có giản dị mới dễ thấy sự bằng lòng. Coi văn chương không biết hay ở chỗ nào, nhìn mỹ thuật không biết đẹp ở chỗ nào, hỏi nghĩa lý thì u mê như con nít, xiết cảm tình thì mộc mạc như cỏ cây. Những người đó nếu ở cảnh thường có thể không phạm tội lỗi gì được mà nếu sang cảnh biến thì lại chỉ là những vật thụ động mà thôi. Nếu trời không đánh họ chết thì chẳng có dịp nào mà họ biết tới sự tuẫn tiết hy sinh là gì cả.

Trái lại, gái văn minh không phải thế. Ngoài cái sinh hoạt thường tục, còn có cái sinh hoạt tinh thần. Ngoài những cái cần dùng như người, còn những cái cần dùng khác người, mà có khi lại lấy những sự cần dùng khác người làm cần hơn những sự cần dùng như người nữa.

Tố Tấm mà không biết tới cái sinh hoạt tinh thần, thì Tố Tâm biết đâu được những cái hay, cái thú ở trong những thế giới văn chương và mỹ thuật ? Tố Tâm mà không có những sự cần dùng khác người thi Tố Tâm hà tất phải đọc sách và chép lấy những chỗ văn hay, xem thơ hay mà theo luồng thi cảm, tư tưởng phải băn khoăn đến việc nước, việc đời, tính tình phải ký gửi vào núi sông, cây cỏ ?

Đọc những thơ của nàng:

Phận liễu dám nguôi lòng sớm tối,

Tơ đào riêng thẹn mặt non sông

…………………….

Tựa mình bên án xem người cổ

Ẩn bóng trong gương ngẫm chuyện đời.

Ta phải phục Tố Tâm có cái tâm thuật cao hơn người mà nhận thấy cái tư cách siêu phàm xuất tục của nàng vậy.

Mà những người như thế, đâu phải là hạng vô tình đến không biết quý mến những kẻ cũng tư cách như mình với hơn mình được ?

Đạm Thủy nếu là con gái thì là bạn tri kỷ của Tố Tâm, mà ở làm con trai thì cũng là người tình của Tố Tâm vậy. Cái lẽ tâm lý nó đã xui cho hai người phải cảm mến nhau. Mà cái lẽ sinh lý nó lại dẫn thêm cái ái lực vào cho cái cảm tình ấy nữa.

Truyện tình tự trai gái ở đời nào là không có, ở nước nào là không có. Vào trong làng trong rẫy ta hỏi tới truyện đó, thì ta thường thấy ở nơi gốc cây bờ suối. Đối với những dân tộc còn dã man, hoặc ban khai tính tình còn thô sơ đơn giản thì ái tình thường căn cứ ở cái khoái cảm ở vật chất mà ít thấy ở cái lạc thú của tinh thần.

Còn những hạng người văn minh, chịu cái ảnh hưởng của hoàn cảnh và giáo dục, và lại chịu sức cảm hóa của mỹ thuật với văn chương, cơ thể nhân đấy mất cái chất thô kệch của thiên nhiên, mà tâm hồn cũng vì đấy thêm lâm ly phiền phức.

Những cơ thể trong người Tố Tâm nó thanh tao, nên cái tình của Tố Tâm nó mới vượt lên trên được điều tà dục. Mà bởi cái tâm hồn của Tố Tâm nó phiền phức nên cái tình của Tố Tâm nó cũng phải lựa chọn những chỗ phiền phức mà trao, và đã trao rồi cũng không thể nào lấy lại được nữa.

Lâm vào cái cảnh Tố Tâm, khi phải dứt tình Đạm thủy mà lấy chồng, nếu Tố Tâm không chết thì đâu tỏ được cái tư cách của Tố Tâm. Tác giả đã bắt Tố Tâm phải ở vào cảnh đó, thì cái chết của Tố Tâm là tất phải có rồi.

Những cái cảnh đó không phải là cảnh chung của hết thảy mọi người có cái tâm trí như Tố Tâm, thì những người này đã không vì thất tình mà chết đều có thể sống và gây lấy hạnh phúc sinh thú cho nước cho đời được. Phàm những người mà ta vẫn thường kêu là bậc nữ lưu tri thức, đố ai chưa từng có cái sinh hoạt tinh thần của Tố Tâm, mà hoặc tiêu dao trong cõi đời lý tưởng, hoặc mơ màng trong thế giới cảm tình của Tố Tâm vậy. Phải có cảm tình phong phú thì mới biết tha thiết đến chuyện nước, chuyện đời, lại phải có tinh thần cao thượng thì mới biết quan niệm đến lợi quyền nghĩa vụ. Tố Tâm nếu có thật, và nếu không phải vì thất tình mà chết, tôi dám chắc sẽ là một người hăng hái nhiệt thành, mà đem phấn son để tô điểm sơn hà, hoặc đem gan óc mà đền bồi non nước.

Những công chuyện này đố ai trông cậy được ở những hạng gái tầm thường vô tình, vô cảm, vô học, vô tài.

Vậy thì truyện Tố Tâm trái với luân lý ở chổ nào ? Trái với đạo đức ở chỗ nào ?

Ái tình mà không tà dâm là không ng trái với đạo đức. Mà nếu luân lý lại không chịu đưa vào luật tâm lý thì cài luân lý đó còn có giá trị gì đâu ?

Huống vì hiếu phải vâng lời mẹ, vâng lời mẹ để mà chết, thì còn có cái luân lý nào cảm động thiết tha hơn nữa ? Lại vì hiếu mà không dám cải ý cha để từ hôn một người vị hôn thê mình không có chút tình gì cả, đành chịu hy sinh một cái vưu vật như Tố Tâm thì còn cái luân lý 1 nào khắc khổ hơn nữa không ?

Đọc sách Tố Tâm ta phải nhận thấy cái chỗ kém hèn của luân lý 2 nước nhà, vì nó mà một vi giai nhân phải giả thế từ trần để lại một bực tài tử phải sống mà nuốt lệ.

Tác giả đọc sách tây nhiều, đã quen thuộc với những nhà tâm lý tiểu thuyết như Paul Bourget, George Sanh, và cũng cỏ nhiễm cái phong vị lãng Mạn của Lamertine hay Victor Hugo, nên tả tâm lý thật dúng và tả ái tình thật hay. Tôi lại còn ngờ tác giả đã sống qua cái cảnh đời của nhân vật trong truyện nên sách mới thêm được lắm vị lắm duyên. Văn đã mới, truyện lại mới, cách bố cuộc có trật tự, cái cơ mưu có lý do, hành động theo tâm lý, mà giải cấu hợp tự nhiên, thật là cuốn sách của người có học mà biết nghề.

Chỉ tiếc cách lập luận của ông Song An nó trái hẳn vời cài ý nghĩ tự nhiên của cuốn sách. Ông cố ý đem truyện Tố Tâm mà răn đời đừng mắc mưu vào ái tình, đừng lam dụng văn chương tư tưởng mà làm việc cho ái tình, phải để tâm đến những chủ nghĩa cao xa hơn tình ái mà ông đã đem khoa tâm lý phân khảo ra để chỉ cho ta: “Đây là ghềnh cao vực thẩm ! “

Thành ra ông lại muốn kết án ái tình rồi !

Ông nói chuyện tình cho đã đời, cho người ta mê mệt rồi giết chết một người trong truyện mà chỉ ra: “tình là hại đừng có chơi với nó mà chết !”

Mà cái cảm tưởng chung của độc giả thì lại không thế. Tố Tâm chết là rủi cho Tố Tâm ở cái cảnh ngộ phải chết, chở cái thi vị của ái tình mà tác giả đã lấy tâm lý học tả ra cho ta được thấy một cách rất đầy đủ, nào cứ phải kết đến cài chết cả đâu ?

Nhược bằng, ta không kết án ái tình là phải. Nó tự nhiên phải có ớ giữa hai bên trai gái thì ta cứ cho nó được có đi. Ta phân khảo nó chỉ là ta phân khảo trái tim vì ái tình mà reo rắt đó, chính là những giọng cao sơn lưu thủy, khác hẳn với cái dâm thanh thô bỉ của dục tình. 3

Nhưng phàm chưa biết cái tâm lý của kẻ hy sinh tuẫn tiết thì còn chưa là biết đến những chỗ nên biết. Vậy lại phải kiếm cơ mưu mà giết chết Tố Tâm được theo mà phân khảo thêm nữa.

Ta rõ TốTâm đến cả cái tâm lý của nàng khi nàng ôm khối chung tình mà lìa trần giã thế thì ta lại càng biết nàng thêm, thương nàng thêm, mà bắt phải nhận châ n thấy cái khốc hại của nền luân lý trong xã hội nước nhà..

Rồi nàng chết, rồi Đạm Thủy đau. Chết vì tình, đau vì tình. ấy chính thật chỉ vì cái luân lý cổ hủ khốc hại mà những người tân học như Đạm Thủy cũng không dám phá bỏ, những bực gia nhân như TốTâm cũng đành phải chịu theo.

Lập luận như thế có lẽ nhập theo với cái ý nghĩa tự nhiên cũa cuốn sách, và có lẽ còn nêu được một cái vẫn đề luân lý rất hợp thời.

THIẾU SƠN

(Trích ở tập Xuân Nhâm thân

của Thời Vỏ xuất bản tại Saigon)

——————————–

1Đây là cái luân lý của cá nhân nó sống ở trong lương tâm của mọi người.
2Đây là cái luân lý của xã hội nó thường làm luật lệnh cho lương tâm của cá nhân. Chịu ép mình theo cái luân lý của xã hội, ấy là một sự hành động đáng khen về luân lý. Song nếu luân lý của xã hội nó chẳng được hoàn toàn thì cũng có chỗ ta phải trách nó. Trước nó để rửa hận cho những người hy sanh cho c ó vậy.
3Lấy ái tình phản đối dục tình còn có ý vị và công hiệu hơn lấy đạo đức mà phản đối dục tình vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.