Tốc Độ Của Niềm Tin

LỜI NÓI ĐẦU



Làm sao khi “con hát, cha khen hay” mà vẫn được tin cậy – đặc biệt khi nói đến một cuốn sách về Niềm tin?

Trước tiên, mời bạn xem xét điều này. Sau khi trao cho Stephen, con trai tôi, vai trò CEO của Covey Leadership Center, chỉ trong vòng 3 năm, doanh số của công ty chúng tôi đã tăng gần gấp đôi và lợi nhuận tăng hơn 1.200%. Cũng trong thời gian đó công ty đã mở thêm nhiều chi nhánh tại 40 quốc gia trên thế giới và tăng giá trị vốn cổ phần từ 2,4 triệu đô la lên 160 triệu đô la vào thời điểm Stephen chủ trương hợp nhất Covey Leadership Center với Franklin Quest để lập ra FranklinCovey của chúng tôi ngày nay.

Nhờ đâu mà chúng tôi đạt được thành tích này? Tất cả chỉ gói gọn trong một từ duy nhất – Niềm tin. Mọi người tin tưởng vào tính cách và năng lực của Stephen cũng như Stephen đã đặt niềm tin của mình vào mọi người. Sự tin cậy lẫn nhau đó đã tạo ra sự cộng hưởng mạnh mẽ đem lại thành tích nói trên. Và, hầu hết mọi người có liên quan đến quá trình này đều công nhận rằng sự chuyển hóa đó là một trải nghiệm đẳng cấp cao nhất, thú vị nhất và cảm hứng nhất trong sự nghiệp của họ.

Tôi xin được mở ngoặc nơi đây để nói rằng, Stephen chính là chú nhóc 7 tuổi từng thực hành nguyên tắc “xanh và sạch” mà tôi đã đề cập trong cuốn sách “The 7 Habits of Highly Effective People” (“7 Thói Quen Để Thành Đạt”). Bạn, cũng như tôi, tất nhiên muốn biết câu chuyện tiếp theo của Stephen trong cuốn sách này. Tôi từng nhìn thấy trước những thành tích xuất sắc của Stephen qua việc cháu học cách giữ gìn sân vườn nhà chúng tôi luôn “xanh và sạch”. Trên thực tế, điều này đã được minh chứng qua cách Stephen chuyển hóa công ty bằng việc tiến hành hàng loạt các hoạt động cải tổ phương pháp lãnh đạo, công tác huấn luyện – đào tạo – tư vấn và nhiều việc khác cùng với việc cho ra đời cuốn sách này.

Ba lý do vì sao tôi đánh giá cao quyển sách này

Có ba lý do khiến tôi tin rằng cuốn sách sẽ trở thành một tác phẩm kinh điển. Thứ nhất, nó mổ xẻ tận gốc rễ của vấn đề. Thứ hai, nó sâu sắc, thực tế và toàn diện. Thứ ba, nó mang lại nguồn hy vọng lớn cho bạn đọc. Tôi sẽ phân tích rõ hơn từng ý này dưới đây.

Trước hết, cuốn sách đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề. Theo Henry David Thoreau, “trong khi một ngàn người lao vào giải quyết phần ngọn của vấn đề thì chỉ có một người nhắm vào gốc rễ của nó”. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề từ gốc trong mọi mặt của cuộc sống – chẳng hạn trong việc chữa bệnh (xử lý phần ngọn) và phòng bệnh (xử lý phần gốc), hay tập trung vào các biện pháp ngăn ngừa tội phạm (gốc) thay vì thực thi pháp luật (ngọn), hạn chế phương tiện di chuyển cá nhân để tránh ùn tắc giao thông (ngọn) thay vì quy hoạch và xây dựng tốt hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ về mọi mặt (gốc)… Qua quyển sách này, các bạn sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề tận gốc trong lĩnh vực kinh doanh: thay vì chỉ tuân thủ các nguyên tắc và quy trình sẵn có, chúng ta cần chú trọng tối ưu hóa hoạt động bằng cách phát huy tính cách đạo đức con người, xây dựng động cơ làm việc trong sáng và năng lực vượt trội nhằm đạt được những thành tích xuất sắc và bền vững.

Điều này có vẻ phi lý nhưng từ những trải nghiệm của bản thân ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, thì việc thi hành đạo luật Sarbanes- Oxley(1) năm 2002 (hay những biện pháp tương tự) nhằm ngăn chặn những vụ bê bối lớn về tài chính ở các tập đoàn kinh tế lại khiến mọi người xem nhẹ những yếu tố tinh thần như niềm tin vì đã sai lầm gán cho nó tính chất trừu tượng và vai trò thứ yếu trong đời sống doanh nghiệp. Các giám đốc tài chính và kiểm toán viên đã nắm lấy vai trò quyền lực của những chuyên viên phát triển nguồn nhân lực và quản lý nhân sự có đầu óc chiến lược. Trong khi đó, vấn đề đạo đức nổi lên thành một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của thời đại ngày nay – đã có vô số buổi thảo luận về đạo đức, kể cả những đề xuất đưa đạo đức vào chương trình giảng dạy trong nhà trường, xây dựng các chương trình rèn luyện về đạo đức và cả việc thiết lập các chuẩn mực đạo đức. Cuốn sách này đã chỉ cho thấy mặc dù đạo đức là yếu tố căn bản và cần thiết nhưng hoàn toàn chưa đủ. Và cái gọi là yếu tố tinh thần thực ra lại rất cụ thể, có thể đo lường được, và có tác động đến tất cả mọi phương diện của các mối quan hệ, tổ chức, thị trường và xã hội. Thắng lợi trong thương trường giúp cho doanh nghiệp đạt được những thành tựu về tài chính, và những thắng lợi như vậy chỉ có được khi doanh nghiệp thành công trong việc áp dụng một chính sách đối nhân xử thế thích hợp trong nội bộ, mà tinh thần xuyên suốt của chính sách đó không gì khác hơn là niềm tin.

Kể cả những tác phẩm mà tôi đã viết cũng như các tài liệu tôi đã từng đọc về niềm tin cũng khó có thể sánh được với tác phẩm này. Quyển sách không chỉ bàn đến hành vi đạo đức trong lãnh đạo hay việc tuân thủ, thực thi thuần túy các nguyên tắc đạo đức sẵn có, mà nó còn khai thác đến tâm tư, nguyện vọng thật sự của mỗi cá nhân và khả năng thu phục nhân tâm. Dù bạn định nghĩa niềm tin là sự tin cậy lẫn nhau, là lòng trung thành hay hành vi đạo đức, hoặc giả bạn đánh giá nó trên phương diện kết quả của sự giao quyền, tinh thần đồng đội và sự đồng tâm hiệp lực trong công việc, thì niềm tin vẫn luôn là yếu tố căn bản quyết định mọi ảnh hưởng của chúng ta với mọi người.

Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ có cách nhìn của một nhà sinh thái xã hội và hiểu được các mối quan hệ đa dạng, và ảnh hưởng của niềm tin lên những mối quan hệ đó. Nó giúp chúng ta có một cái nhìn bao quát và từ bỏ lối sống xem nhẹ niềm tin để xây dựng một nền văn hóa của sự tin cậy.

Thứ hai, cuốn sách đưa ra một mô hình niềm tin theo chiều sâu, thiết thực và toàn diện. Nó giúp chúng ta thấu hiểu năm tác động của niềm tin. Cũng giống như tác động của một hòn sỏi khi được ném lên mặt nước, ảnh hưởng của niềm tin lan tỏa từ bản thân nó đến các mối quan hệ với mọi người xung quanh, đến các cổ đông và đến toàn xã hội. Thông qua những minh họa thực tế và đầy tính thuyết phục, chúng ta thấy được khả năng ứng dụng rộng rãi của những nguyên lý này trong đời sống cá nhân hay trong quan hệ giữa hai bên, trong gia đình, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ quan nhà nước, đơn vị quân đội, hay tổ chức “phi lợi nhuận”.

Thứ ba, cuốn sách này mang lại niềm hy vọng cho mỗi chúng ta. Khi lần lượt đọc qua các chương, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy lạc quan và có cảm hứng rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh thiếu vắng niềm tin nào, bạn vẫn có thể đóng vai trò một tác nhân tích cực trong việc xây dựng hay khôi phục niềm tin và củng cố các mối quan hệ, và nỗ lực đó sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả. Khi được Stephen chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân hay của nhiều người khác trong nỗ lực cứu vãn những tình huống trì trệ gây tác hại và tổn thất cho doanh nghiệp, bạn sẽ tự tin rằng mình cũng có khả năng làm được.

Niềm tin – Yếu tố then chốt trong nền kinh tế toàn cầu

Bước vào thực tại toàn cầu hóa với tính tương thuộc ngày càng rõ rệt, niềm tin trong các quan hệ giao dịch càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Kinh nghiệm giao dịch của tôi với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới đã chứng minh rằng “tốc độ tiếp cận thị trường” đang trở thành một thứ vũ khí cạnh tranh tối thượng.

Sự thiếu niềm tin bất kể do hành vi thiếu đạo đức hay hợp đạo đức nhưng không thích hợp với hoàn cảnh đều gây ra nhiều trở ngại. Thiếu niềm tin thường đưa đến những tổn thất lớn nhất trong cuộc sống, trong tổ chức và cả trong đời sống gia đình thông qua những mưu đồ xấu, mâu thuẫn nội bộ, xung đột cá nhân, tình trạng đối kháng giữa các phòng ban, tư tưởng thắng – thua, giao tiếp đối phó – tất cả đều là những yếu tố làm giảm tác dụng thúc đẩy của niềm tin. Ngoài ra, thiếu niềm tin còn làm trì trệ mọi tiến trình – từ việc ra quyết định, giao tiếp, cho đến việc xây dựng những mối quan hệ.

Niềm tin chính là hiệu quả. Hiệu quả thuyết phục khách hàng trung thành với một thương hiệu, và cũng chính hiệu quả xây dựng sự tự tin vào thành công của doanh nghiệp. Hiệu quả phục vụ lợi ích cho khách hàng không chỉ khiến khách hàng tiếp tục gia tăng đơn hàng với bạn, mà còn giới thiệu thương hiệu của công ty bạn đến nhiều khách hàng tiềm năng khác. Như vậy khách hàng của bạn lại trở thành đội ngũ tiếp thị và phát triển kinh doanh hữu hiệu nhất cho doanh nghiệp của bạn. Hiệu quả ổn định sẽ làm cho các nhà cung cấp an tâm trở thành đối tác chiến lược vốn đang là vấn đề thiết yếu trong nền kinh tế toàn cầu vốn dựa trên cơ sở tri thức kết hợp với nguồn nhân lực.

Niềm tin cũng giống như tầng nước sâu chuyên cung cấp nước cho các mạch nước ngầm. Trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, những mạch nước ngầm này thường được gọi bằng các tên như sự đổi mới, tinh thần đồng đội, sự hợp tác, trao quyền, hệ thống quản lý 6-Sigma, và nhiều khái niệm khác của lý thuyết quản trị chất lượng toàn diện, sự trung thành với thương hiệu, hay nhiều sáng kiến chiến lược khác. Những mạch nước ngầm này nuôi dưỡng các con sông và dòng suối của quan hệ tương tác giữa con người, trong kinh doanh thương mại hay việc ký kết các giao ước. Chúng tạo nên chất lượng cuộc sống bền vững đối với tất cả các mối quan hệ, bao gồm quan hệ gia đình, quan hệ giữa các bộ phận trong tổ chức, quan hệ thường ngày với nhà cung cấp và khách hàng – thực ra, đó là mọi nỗ lực để có sự cống hiến bền vững.

Một quyển sách đáng đọc

Cuốn sách đề cập đến một chủ đề mang tính thời sự trong “thế giới phẳng” mới mẻ mà chúng ta đang sống, được đúc kết không chỉ từ những trải nghiệm cá nhân mà còn dựa trên những công trình nghiên cứu thực nghiệm chứng minh vì sao tác dụng thúc đẩy của niềm tin lại được xem như một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong các bài toán chiến lược của tổ chức cũng như các mối quan hệ cá nhân. Điều làm cho cuốn sách này có sức mạnh, thiết thực và đáng tin cậy là khả năng đo lường niềm tin của nó.

Tôi cảm thấy tự hào và thán phục khi nhìn thấy Stephen khai thác vấn đề sâu hơn tôi nghĩ và bổ sung nhiều kiến thức quan trọng. Tôi tin rằng Stephen đã vươn đến một đỉnh cao mới, với tư cách vừa là nhà kiểu mẫu/thực hành vừa là một người dẫn đầu tư duy nghiêm túc và tài năng.

Hy vọng các bạn sẽ thu được nhiều lợi ích thiết thực khi đọc cuốn sách này.

Tiến sĩ Stephen R. Covey

Tác giả quyển 7 Thói quen để thành đạt và Thói quen thứ 8


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.