Tội Ác Và Trừng Phạt
Chương 22
Raxkonikov đi thẳng đến toà nhà lên bờ kênh, nơi Sonya thuê trọ. Đó là một toà nhà ba tầng cũ kỹ sơn mau xanh lá cây. Chàng tìm người gác cổng hỏi thăm và chỉ được những lời chỉ dẫn mơ hồ về chỗ ở ông thợ may Kapernaumov. Chàng tìm lối vào cửa ở góc sân dẫn vào một cầu thang chật và tối, leo lên gác ba và bước vào dãy hành lang chạy dọc theo tầng gác, phía trông ra sân. Chàng đang sờ sẫm đi trong bóng tối, ngỡ ngàng không biết đâu là lối vào nhà ông Kapernaumov, thì bỗng cách chàng ba bước có một cánh cửa mở ra; chàng bất giác nắm lấy cánh cửa.
– Ai đấy? – một giọng đàn bà lo lắng hỏi.
– Tôi… tôi đến cô, – Raxkonikov đáp, đoạn bước vào một gian phòng mắc áo nhỏ xíu. Trên một chiếc ghế gãy có đặt một cây nến cắm vào một cái chân bằng đồng móp méo.
– Ông đấy ư! Trời ơi? – Sonya kêu lên khe khẽ và đứng sững ra.
– Vào cô đi lối nào? Lối nầy à?
Và Raxkonikov, cố tránh nhìn Sonya, bước vội vào phòng.
Một phút sau, Sonya cũng cầm nến bước vào, đặt nến xuống và đứng trước mặt chàng, bàng hoàng đến cực độ xúc động không sao tả xiết và có vẻ hoảng hốt vì cuộc đến thăm đột ngột nầy. Bỗng gương mặt xanh xao của nàng đỏ bừng lên, thậm chí mắt nàng còn rơm rớm lệ nữa… Nàng nghẹn ngào, lòng hổ thẹn pha lẫn một cảm giác ngọt ngào… Raxkonikov vội ngoảnh đi và ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh bàn. Chàng đã có đủ thì giờ nhìn lướt qua gian phòng một lượt.
Đó là một gian phòng lớn nhưng thấp lè tè, gian phòng cho thuê duy nhất của gia đình Kapernaumov: có một cánh cửa đóng kín ăn thông với nhà họ, trổ ở bức tường bên trái. Phía đối diện, ở bức tường bên phải, còn có một cánh cửa nữa bao giờ cũng khoá chặt. Bên kia cửa là một căn nhà khác, mang số khác. Phòng của Sonya giống một nơi chứa đồ cũ hình bốn góc xiên xẹo trông rất chướng mắt, bức tường có trổ ba khung cửa sổ nhìn ra bờ kênh cắt gian phòng thành một đường chéo, thành thử một góc phòng nhọn hoắt thụt vào tận đâu đâu nên khi thiếu ánh sáng không thể nhìn thấy gì trong cái xó sâu hoắm ấy được; còn góc kia thì lại tù một cách kỳ quái. Trong cả gian phòng thênh thang hầu như không bày biện gì cả. Trong góc bên phải kê một cái giường; cạnh giường, về phía cửa ra vào, có một chiếc ghế. Cũng sát bức vách có kê giường, ngay bên cánh cửa ăn thông sang buồng bên, đặt một cái bàn gỗ mộc, trên trải một chiếc khăn bàn màu xanh xanh; bên bàn có hai chiếc ghế đan. Sát bức tường đối diện, gần cái góc nhọn, có kê một chiếc tủ ngăn nhỏ bằng gỗ mộc trông như chơ vơ giữa khoáng không. Đồ đạc trong phòng chỉ có thế. Giấy dán tường màu vàng vàng, xơ xác và ám khói, đen xỉn lại ở các góc; chắc mùa đông ở đây ấm thấp và rét mướt lắm. Cảnh nghèo túng đập ngay vào mắt; ngay ở giường ngủ cũng không có rèm che.
Sonya lặng lẽ nhìn người khách đang tự tiện chăm chú xem xét phờng nàng, và cuối cùng bắt đầu sợ run lên như đứng trước một vị quan toà, trước kẻ định đoạt số phận mình.
– Tôi đến muộn… mười một giờ rồi phải không? – chàng hỏi, mất vẫn không ngước lên nhìn nàng.
– Vâng ạ, – Sonya lẩm bẩm. – À phải: đúng đấy ạ! nàng bỗng rối rít lên như đã tìm thấy lối thoát – đồng hồ bên ông chủ nhà mới đánh đấy… tôi có nghe… đúng đấy ạ …
– Tôi đến thăm cô lầnn cuối cùng đây – Raxkonikov nói tiếp lầm lì, mặc dầu chàng đến lần nầy mới là lần thứ nhất – có lẽ tôi không gặp cô nữa.
– Ông… đi xa?
– Tôi chưa biết… mai sẽ rõ.
– Thế mai ông không đến nhà Katerina Ivanovna nữa à? – giọng Sonya run run.
– Chưa biết… Sáng mai sẽ rõ cả… Nhưng tôi đến đây không phải vì việc ấy. Tôi muốn nói với cô một điều… – Chàng ngước đôi mắt đăm chiêu lên nhìn nàng và chợt nhật ra rằng trong khi mình ngồi, nàng vẫn đứng trước mặt.
– Sao cô lại đứng thế… Cô ngồi xuống đi. – chàng nói, giọng bỗng thay đổi hẳn, dịu dàng, ôn tồn.
Nàng ngồi xuống. Chàng nhìn nàng một lát, vẻ ân cần và gần như thương xót.
– Cô gầy quá! Tay cô kìa, cứ trong suốt đi! Ngón tay như ngón tay người chết.
Chàng cầm lấy tay nàng, Sonya mỉm cười yếu ớt.
– Tôi xưa nay vẫn thế, – nàng nói.
– Hồi còn ở nhà cũng thế à?
– Vâng.
– Tất nhiên thôi? – chàng dằn giọng nói, và vẻ mặt, giọng nói của chàng bỗng lại thay đổi hẳn. Chàng đưa mắt nhìn quanh lần nữa.
– Cô thuê phòng nầy của nhà Kapernaumov à?
– Vâng ạ…
– Họ ở bên kia, sau cánh cửa nầy à?
– Vâng… họ cũng ở một căn buồng như thể nầy.
– Cả nhà ở một buồng à?
– Vâng ạ – Tôi mà ở buồng nầy thì ban đêm sợ lắm, – chàng nhận xét, vẻ mặt lầm lầm.
– Gia đình ông chủ rất tốt, họ đối xử tử tế lắm, – Sonya đáp, vẫn có vẻ như chưa trấn tỉnh lại được và chưa hiểu rõ lắm. – Bàn ghế đồ đạc… đều của nhà chủ cả. Họ tốt lắm, trẻ con cũng hay sang tôi chơi…
– Nhà họ nói lắp phải không?
– Vâng ạ… Ông ta vừa nói lắp vừa thọt. Cả bà vợ cũng thế. Không hẳn là nói lắp, nhưng cứ câu được câu mất. Bà ấy tốt lắm. Ông ấy trước kia làm gia nô cho người ta. Con đến bảy đứa… chỉ có đứa đầu nói lắp, còn mấy đứa kia chỉ đau ốm thường thôi… chứ không nói lắp… Thế sao ông biết nhà ấy ạ? – nàng nói thêm, hơi ngạc nhiên.
– Dạo trước ông thân sinh cô có kể hết cho tôi nghe. Về cô ông ta cũng đã kể hết… Cả chuyện cô ra đi lúc sáu giờ rồi gần chín giờ cô trở về, cả chuyện Katerina Ivanovna quỳ bên giường cô.
Sonya luống cuống.
– Hôm nay tôi dường như có gặp, – nàng thì thầm, giọng rụt rè.
– Gặp ai?
– Cha tôi. Tôi đang đi dọc phố gần đây thôi, ở đầu góc phố nầy ấy, khoảng gần mười giờ, chợt thấy ai như cha tôi đi ở phía trước. Có lẽ đúng là cha tôi. Tôi đã định ghé vào Katerina Ivanovna.
– Cô đi dạo à?
– Vâng, – Sonya thì thầm nói ngắc ngứ rồi luống cuống cúi mặt xuống.
– Khi cô còn ở nhà, Katerina Ivanovna đã nhiều lần suýt đánh cô phải không?
– Ồ không, ông nói gì thế, không phải đâu! – Sonya nhìn chàng, vẻ hơi hoảng sợ.
– Thế cô yêu bà ấy à?
– Dì tôi? Sao lại không! – Sonya rên rỉ, giọng đau đớn, hai tay bỗng chắp lại. – Ồ! Ông không… Giá ông biết rõ dì tôi. Dì ấy thật như trẻ con ấy… Dì ấy buồn phiền quá… đâm ra như người loạn óc. Trước kia dì ấy thông minh biết mấy… dì ấy cao thượng quá… tốt quá! Ông không biết gì cả, không biết gì cả… trời ơi?
Sonya nói như tuyệt vọng, lòng xúc động và đau đớn, hai tay vặn vào nhau. Đôi má nhợt nhạt của nàng lại đỏ ửng lên, mặt nàng lộ vẻ đau khổ. Có thể thấy rõ rằng người ta vừa chạm vào một chỗ rất đau trong tâm hồn nàng, và nàng tha thiết muốn bày tỏ, muốn nói lên điều gì đề bênh vực Katerina Ivanovna. Một niềm thương xót không thể nào nguôi được, nếu có thể nói như thế, bỗng hiện rõ trên từng nét mặt của nàng.
– Đánh ư! Sao ông lại nói thế? Trời ơi, dì ấy mà lại đánh tôi! Mà dì ấy có đánh chăng nữa thì đã sao! Thì sao nào? Ông không biết. Ông không biết gì hết… Khổ thân dì ấy quá. Ôi, khổ thân quá! Lại đau ốm… dì ấy tìm công bằng… Dì ấy trong sạch. Dì ấy tin rằng đâu đâu cũng phải có sự công bằng, và đòi hỏi nhu thế… Và dù có bị tra tấn nhục hình dì ấy cũng không đời nào làm một việc không công bằng. Dì ấy không thấy rằng ở đời nầy không thể có công bằng được, nên cứ uất ức… Thật như đứa trẻ, như đứa trẻ. Dì tôi công bằng lắm, công bằng lắm.
– Rồi đây cô sẽ ra sao?
Sonya nhìn chàng có ý hỏi.
– Bây giờ cả nhà trông vào cô. Mà trước kia thì cũng thế, cha cô trong khi say rượu cũng đến xin tiền cô thôi. Nhưng bây giờ cô liệu sao?
– Tôi không biết, – Sonya buồn rầu đáp.
– Họ vẫn ở đằng ấy à?
– Tôi không biết, dì tôi đang nợ tiền thuê nhà.
Nghe nói hôm nay bà chủ nhà báo sẽ đuổi đi, và Katerina Ivanovna nói là không thèm ở lại một phút nào nữa.
– Sao bà ấy gan thế? Trông mong vào cô à?
– Ồ không phải. Ông đừng nói thế… Tôi với dì ấy chỉ là một thôi, – Sonya bỗng lại sôi nổi lên, thậm chí còn bực tức nữa, trông hệt như một con chim bạch yến hay một loài chim nhỏ nào đang nổi giận. – Thì dì tôi còn biết làm thế nào nữa? Làm thế nào, làm thế nào? – Nàng hỏi, giọng nóng nảy và xúc động. – Hôm nay dì đã khóc hết cả nước mắt! Dì ấy loạn trí óc, ông không để ý hay sao? Dì ấy loạn óc đấy, khi thì dì ấy lo cuống lên như đứa trẻ, không biết, ngày mai làm thế nào cho tươm tất, có đủ đồ nhắm và các thứ… Khi thì vặn hai cánh tay vào nhau, khạc ra máu, khóc lóc, rồi bỗng dưng cứ nện đầu vào tường như tuyệt vọng làm liều. Rồi sau đó lại nguôi nguôi. Dì vẫn hy vọng ở ông, dì ấy nói bây giờ ông là người cứu giúp dì ấy, dì ấy sẽ tìm được chỗ vay ít tiền và đem tôi trở về thành phố cũ của dì ấy lập một trường ký túc cho con gái nhà quý tộc, sẽ cho tôi làm giám thị, và sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống tươi đẹp, dì ấy ôm chầm lấy tôi, hôn tôi, an ủi tôi, dì ấy tin như thế? Tin vào những chuyện hoang đường như thế! Làm sao có thể cãi lại dì ấy được? Thế mà suốt ngày hôm nay dì lau chùi, sửa sang, yếu như thế mà bê cả một thùng nước lớn lên phòng, thở dốc ra ngồi ngã xuống giường; hồi sáng tôi với dì ấy ra chợ mua giầy cho Polenka và Lena, vì giầy chúng rách cả rồi, nhưng không đủ tiền trả, còn thiếu nhiều lắm, thế mà dì ấy đã chọn được hai đôi giầy thật xinh, vì dì ấy có khiếu thẩm mỹ lắm, ông không biết đấy… Thế là dì ấy khóc oà lên trong cửa hiệu, trước mặt những người bán hàng, vì thiếu tiền. Trông dì ấy thương quá!
– Thế thì cô… sống như thế nầy chẳng có gì là lạ. – Raxkonikov nói, môi nở một nụ cười chua chát.
– Thế ông không thấy thương hay sao? Ông không thương à? – Sonya lại bùng lên, – tôi biết ông có bao nhiêu đã đem cho hết dì tôi, tuy chưa thấy dì. Giá ông thấy hết, trời ơi? Và đã bao lần, bao nhiêu lần tôi làm cho dì tôi phải khóc! Mới tuần trước đây thôi! Ôi, tôi thật tệ quá! Chỉ một tuần trước khi cha tôi chết. Tôi tàn nhẫn quá! Mà đã bao nhiêu lần như thế rồi. Suốt ngày hôm nay tôi nhớ lại mà đau lòng quá!
Sonya vặn hai cánh tay trong khi nói, xót xa với những kỷ niệm ấy.
– Thế ra chính cô tàn nhẫn à?
– Phải, chính tôi, chính tôi? Hôm ấy tôi đến nhà, – nàng vừa nói tiếp vừa khóc – cha tôi nói: “Con đọc cho bố nghe một chút. Sonya. Bố nhức đầu lắm, con đọc đi… sách đây” – đó là một quyển sách nhỏ mượn của ông Lebeziatnikov, ông Andrey Xeminovich ấy. Ông ta ở bên cạnh, lúc nào cùng kiếm được những quyển sách thật ngộ nghĩnh. Tôi nói: “Con phải đi đây”, tôi không muốn đọc, tôi đến cốt để cho Katerina Ivanovna xem cái cổ áo; số là bà Lizaveta làm nghề buôn đồ cũ có mang lại cho tôi mấy chiếc cổ áo và măng-sét rẻ tiền, nhưng xinh xắn và còn mới, có thêu hoa. Katerina Ivanovna thích lắm, dì ấy đeo vào áo và đứng soi gương, dì ấy thích lắm, thích lắm; dì bảo: “Cho dì, Sonya nhé, dì van Sonya đấy”. Dì ấy “van” tôi, vì dì ấy thích quá. Thế nhưng dì ấy có đeo vào đâu? Xin là xin thế thôi, chẳng qua dì ấy sực nhớ lại những ngày vui thuở trước Dì ấy mê mải ngắm nhìn mình trong gương, thế nhưng có còn chiếc áo nào nữa đâu, không còn lấy một chiếc, không còn gì hết, đã mấy năm nay rồi Katerina Ivanovna không bao giờ xin gì ai hết, chính dì ấy có gì cũng đem cho người ta thì có, thế mà lúc ấy dì đã hỏi xin tôi, đủ biết dì ấy thích đến nhường nào! Thế mà tôi tiếc không muốn cho, tôi nói: “Di Katerina Ivanovna, dì đeo vào đâu? Tôi nói thế đấy “đeo vào đâu”. Đáng lẽ tôi không được nói như thế! Dì ấy cứ nhìn tôi, dì ấy buồn vì tôi đã từ chối, dì ấy khổ tâm đến nỗi trông tội nghiệp quá chừng… Không phải dì ấy buồn vì mấy chiếc cổ áo đâu, mà vì tôi đã từ chối dì, tôi biết. Ôi! Giá có cách nào chữa lại, xoá bỏ những lời ấy đi… Tôi thật tệ quá! Nhưng nói làm gì… Ông thì ông có cần gì biết!
– Cô có biết bà Lizaveta buôn đồ cũ đấy à?
– Ông cũng biết sao? – Sonya hỏi lại, hơi ngạc nhiên.
– Katerina Ivanovna ho lao rất nặng, chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu, – Raxkonikov nói sau một phút im lặng, không trả lời vào câu hỏi.
– Ồ không đâu, không phải đâu! – Và Sonya bất giác nắm lấy hai tay chàng như van xin chàng đừng để cho dì nàng chết.
– Bà ấy chết đi còn hơn.
– Không, sao lại hơn? Không phải thế, hoàn toàn không phải như thế! – nàng hoảng hốt nhắc đi nhắc lại vẻ như không biết mình nói gì.
– Còn các em thì sao? Cô cho chúng đi đâu, nếu không đem về ở với cô?
– Ồ, tôi cũng không biết nữa!… – Sonya kêu lên vẻ hầu như tuyệt vọng, hai tay ôm lấy đầu. Có thể thấy rõ rằng chính nàng cũng đã nghĩ đến điều đó nhiều lần lắm rồi, Raxkonikov chị nhắc lại khiến nàng hoảng sợ một lần nữa thôi.
– Thế nếu trong khi Katerina Ivanovna còn sống, cô sinh bệnh phải vào nhà thương thì sao? – chàng hỏi một cách phũ phàng.
– Ồ, sao ông lại nói thế! Không thể nào như thế được! – Và khuôn mặt Sonya nhăn nhúm lại vì một nỗi kinh hoàng ghê gớm.
– sao lại không thể được? – Raxkonikov cười gằn nói tiếp – Cô có được bảo hiểm đâu! Đến lúc ấy họ sẽ ra sao? Cả nhà sẽ kéo nhau đi lang thang ở ngoài đường, bà ấy sẽ vừa ho vừa xin bố thí và sẽ đập đầu vào tường như hôm ấy, lũ trẻ sẽ khóc. Bà ta sẽ gục xuống, họ sẽ đưa vào đồn cảnh sát, vào nhà thương, bà ta sẽ chết, còn lũ trẻ…
– Ồ không! Chúa không để như vậy? – cuối cùng Sonya thốt ra từ lồng ngực nghẹn ngào. Nàng lắng nghe, nhìn chàng với đôi mắt van lơn, hai tay chắp lại thành một lời cầu khẩn im lặng, như thế mọi sự đều tuỳ thuộc ở chàng.
Raxkonikov đứng dậy đi đi lại lại trong phòng.
Một phút trôi qua. Sonya đứng im, đầu cúi gầm, hai tay buông thõng, dáng rũ rượi.
– Không dành dụm được à? Không để dành được ít nhiều phòng khi bất trắc hay sao? – Chàng bỗng dừng lại trước mặt Sonya, hỏi.
– Không, – Sonya nói thì thầm. -Dĩ nhiên là không
– Cô đã thử chưa? – chàng nói thêm, giọng gần như ngạo nghễ.
– Thử rồi!
– Và thất bại! Thì dĩ nhiên phải thế! Còn hỏi làm gì?
Chàng lại đi bách bộ trong phòng. Một phút nữa trôi qua.
– Thế không phải ngày nào cô cũng có khách à?
Sonya càng bối rối thêm, mặt nàng lại đỏ bừng lên.
– Không, – nàng gượng gạo trả lời.
– Hẳn Polenka rồi cũng phải thế, – chàng nói đột ngột.
– Không! Không. Không thể được, không! – Sonya thét lên như người tuyệt vọng, tường chừng có ai vừa lấy dao đâm vào người nàng. – Chúa không đời nào để cho một việc ghê tởm như thế xảy ra được.
– Vẫn để xảy ra khối việc như vậy đấy!
– Không? Không! Chúa sẽ che chở cho Polenka, Chúa! – nàng nhắc đi nhắc lại, như người mất hồn.
– Mà có lẽ cũng chẳng làm gì có Chúa hết, – Raxkonikov đáp, vẻ dường như hả hê, rồi nhìn nàng cười phá lên.
Mặt Sonya chợt biến sắc đi một cách khủng khiếp, các thớ thịt trên mặt giật lên từng đợt. Nàng nhìn Raxkonikov với một vẻ oán trách không sao tả nổi, nàng muốn nói điều gì, nhưng không sao nói ra được, chỉ bưng mặt khóc nức nở.
– Cô nói Katerina Ivanovna loạn óc; chính cô cũng loạn óc đấy, – chàng nói sau một lát im lặng.
Khoảng năm phút trôi qua. Chàng vẫn lặng thinh đi đi lại lại không nhìn nàng. Cuối cùng chàng đến cạnh nàng, mắt sáng quắc. Chàng nắm lấy hai vai Sonya và nhìn thẳng vào gương mặt ướt đám nước mắt của nàng. Luồng mắt của chàng khô, sắc, nóng như một tia lửa, môi chàng rung mạnh… bỗng chàng quỳ sụp xuống sàn nhà và hôn lên chân nàng. Sonya hoảng hốt lùi lại như tránh một người điên. Vả quả nhiên trông chàng chẳng khác một người điên thật.
– Ông làm gì thế? Với tôi mà ông lại… thế ư? – Nàng nói lắp bắp, mặt tái đi, và tim nàng bỗng thắt lại đau nhói.
Chàng vụt đứng dậy.
– Không phải tôi cúi lạy em, tôi cúi lạy trước sự thống khổ của loài người. – chàng nói, giọng quái gở, và bỏ ra cửa sổ. – Em nghe đây, – một phút sau chàng quay lại nói thêm – lúc nầy tôi vừa nói với một kẻ kiêu căng là hắn không bằng ngón tay út của em… và hôm nay tôi để em ngồi bên cạnh em gái tôi như vậy là một điều vinh dự đối với nó.
– Ồ sao ông lại nói thế? Lại nói trước mặt em ông? – Sonya hoảng hốt kêu lên, – ngồi với tôi mà là một vinh dự! Nhưng tôi làm gì còn… danh tiết. Trời ơi, sao ông lại nói thế?
– Tôi nói về em như thế, không phải vì em mất danh tiết, vì tội lỗi của em, mà vì nỗi đau khổ vô hạn của em. Em là một người tội lỗi, đầy tội lỗi, đúng như thế, – chàng nói thêm, giọng gần như phấn khởi, – và tội lỗi của em càng nặng hơn nữa là vì em hy sinh, đày doạ mình một cách vô ích. Còn gì khủng khiếp hơn phải sống trong đống bùn nhơ mà em ghê tởm, và đồng thời chính em cũng biết (chỉ cần mở mắt ra thôi) rằng làm như vậy chẳng cứu được ai và chẳng có ích gì cho ai chút nào hết! Em thử nói tôi nghe – chàng nói như nỗi khùng lên – làm sao trong tâm hồn em lại có thể pha lẫn những điều nhơ nhuốc, hèn hạ như vậy với những tình cảm thiêng liêng, trái ngược hẳn lại? Thà đâm đầu xuống sông mà chết cho xong có phải là công bằng hơn, công bằng hơn không biết bao nhiêu mà kể, mà lại khôn ngoan hơn nữa không?
– Thế rồi họ sẽ ra sao? – Sonya hỏi, giọng yếu ớt, mắt nhìn chàng chua xót, nhưng hình như không hề ngạc nhiên về cái ý chàng vừa gợi lên. Raxkonikov nhìn nàng với đôi mắt kỳ dị.
Chàng đã đọc thấy tất cả qua mỗi một cái nhìn của nàng. Thế ra chính nàng cũng đã có ý nghĩ đó. Có lẽ đã nhiều lần trong cơn tuyệt vọng nàng suy nghĩ thật sự đến việc kết liễu ngay một lúc cho xong hết mọi sự, và nàng đã nghĩ một cách chín chắn đến nỗi bây giờ nàng hầu như không lấy làm lạ nữa. Thậm chí nàng cũng không để ý thấy lời lê của chàng tàn nhẫn như vậy, và dĩ nhiên cũng không để ý đến ý nghĩa những lời trách móc và nhất là cách chàng nhìn nỗi ô nhục của nàng, và Raxkonikov cũng thấy rõ như vậy.
Nhưng chàng cũng hoàn toàn hiểu nàng bị giầy vò đau đớn khủng khiếp đến nhường nào khi nghĩ đến tình canh ô nhục của mình. Vậy thì cái gì cho đến nay, cái gì đã có thể ngăn chặn quyết tâm tự vẫn của nàng? Nghĩ đến đây chàng mới hiểu hết được mấy đứa trẻ mồ côi khốn khổ và người đàn bà ho lao dở điên dở dại cứ đập đầu vào tường kia có ý nghĩa như thế nào đối với nàng.
Tuy vậy chàng cũng lại thấy rõ rằng nhân cách của Sonya cũng như nếp giáo dục của nàng không thể nào cho phép nàng sống mãi như vậy. Song chàng vẫn băn khoãn không hiểu tại sao nàng lại có thể sống trong tình trong đó lâu như vậy mà không phải điên, nếu không đủ can đảm tự tử” Dĩ nhiên chàng hiểu rằng tình cảnh của Sonya là một hiện tượng ngẫu nhiên trong xã hội, tuy tiếc thay tuyệt nhiên không phải là một hiện tượng cá biệt và ngoại lệ. Nhưng chính tính chất, ngẫu nhiên ấy, nếp giáo dục ấy và cả quãng đời về trước nữa lẽ ra có thể giết chết nàng ngay từ khi bước những bước đầu trên con đường nhơ nhuốc nầy. Vậy thì cái gì đã nâng đỡ nàng? Hẳn không phải là thói dâm ô truỵ lạc. Rõ ràng cuộc sống ô nhục nầy chỉ chạm đến nàng một cách cơ học; sự truỵ lạc thật sự vẫn chưa thấm chút nào vào lòng nàng: chàng thấy rõ như vậy; nàng đang đứng trước mặt chàng như một cảnh thực…
“Nàng có ba con đường. – chàng thầm nghĩ: – nhảy xuống sông, vào nhà thương điên, hay… hay rốt cục lao mình vào truỵ lạc, trí tuệ u mê đi, tâm hồn sắt lại”. Ý nghĩ sau cùng nầy khiến chàng ghê tởm hơn cả, nhưng chàng là một kẻ hoài nghi, chàng còn trẻ tuổi, chàng xa rời cuộc sống, vì vậy chàng tàn nhẫn, cho nên không thể không tin rằng lối thoát sau cùng, tức sự truỵ lạc, là lối thoát dễ có cơ thực hiện hơn cả.
“Nhưng chẳng lẽ lại như thế thật, – chàng ngạc nhiên thầm nghĩ, – chẳng lẽ ngay cả con người vẫn còn giữ được một tâm hồn trong sạch nầy rốt cục cũng sẽ tự giác vươn tới cái hố nhơ bẩn, thối tha ấy? Phải chăng xu thế ấy đã bắt đầu, và sở dĩ nàng còn chịu đựng được cho đến nay chỉ vì dâm ô truỵ lạc đối với nàng không còn ghê tởm mấy nữa? Không, không thể như thế được! – chàng nhẩm kêu lên, như Sonya lúc nãy, – không, sở dĩ cho đến nay nàng vẫn chưa tự tử là vì sợ có tội (1) vì nghĩ đến họ, đến những người ấy. Sở dĩ cho đến nay nàng vẫn chưa điên… Nhưng ai bảo nàng chưa điên? Có thật nàng vẫn tỉnh trí hay không? Có thể nào lại nói năng như nàng? Lẽ nào người tỉnh trí lại suy luận như nàng. Lẽ nào có thể ngồi ngay trên miệng hố thối tha của sự truỵ lạc đang hút mình xuống, mà lại xua tay, bịt tai khi người ta nói đến nguy cơ của mình? Nàng làm sao thế, hay là nàng chờ đợi một phép thần thông? Chắc hắn là như thế. Tất cả những điều đó chẳng phải là những dấu hiệu điên rồ sao?”.
Chàng kiên trì giữ lấy ý nghĩ nầy. Lối thoát ấy còn làm chàng hài lòng hơn bất cứ lối thoát nào khác.
Chàng bắt đầu nhìn nàng chăm chú hơn.
– Thế cô hay cầu nguyện Chúa lắm phải không Sonya? – chàng hỏi.
Sonya lặng thinh. Chàng đứng cạnh, đợi nàng trả lời.
– Ví thử không có Chúa, tôi sẽ ra sao? – nàng thì thầm rất nhanh, vẻ cương quyết mắt bỗng sáng lên, nhìn chàng một thoáng, tay xiết mạnh tay chàng.
“Đấy đúng như thế!” – chàng nhĩ.
– Thế Chúa làm gì cho em? – chàng tiếp tục dò xét Sonya. Im lặng hồi lâu, như không trả lời được, lồng ngực yếu đuối của nàng phập phồng vì xúc động.
– Ông im đi! Đừng hỏi nữa ông không xứng đáng! – nàng bỗng kêu lên, nghiêm nghị và giận dữ nhìn chàng.
“Đúng thế thật! Đúng thế thật!” – chàng đinh ninh tự nhủ.
– Chúa làm tất cả! – nàng thì thầlm nói nhanh, mắt lại nhìn xuống.
“Lối thoát đây rồi! Đây chính là cách giải thích lối thoát” – chàng tự nhủ, mắt tò mò nhìn nàng hau háu.
Với một cảm xúc mới mẻ, kỳ lạ, gần như đau đớn, chàng nhìn chăm chăm khuôn mặt xanh xao, gầy gò, với những nét sắc và không đều đặn ấy, đôi mắt xanh dịiu hiền có thể ném ra những tia lửa ấy sáng lên vì một cảm xúc mãnh liệt và khắc khổ, cái thân hình nhỏ bé đang run lên vì uất ức và căm giận, và càng thấy tất cả những cái đó thật kỳ lạ, hầu như vô lý. “Đúng là một kẻ ngây dại, một kẻ dại” (2) – chàng nhẩm đi nhẩm lại. Trên tủ ngăn có một quyển sách. Trong khi đi đi lại lại trong phòng, mỗi lần đi ngang chàng vẫn đé thấy nó. Bây giờ chàng cầm nó lên xem. Đó là pho Tân ước bằng tiếng Nga. Quyển sách đóng bìa da, đã cũ kỹ, nhàu nát.
– Sách ở đâu thế nầy? – Chàng hỏi Sonya đang đứng ở chỗ cũ, cách bàn ba hước.
– Có người đem đến cho tôi. – nàng đáp, vẻ như miễn cưỡng, mắt nhìn phía khác.
– Ai đem đến?
– Bà Lizaveta. Tôi nhờ bà ấy kiếm hộ.
“Lizaveta! Lạ thật!” – chàng nghĩ thầm. Mỗi lúc chàng lại càng có cảm giác là tất cả những gì có liên quan đến Sonya cũng đều lạ lùng, kỳ diệu. Chàng đem sách đến gần ngọn nên và bắt đầu giở xem.
– Đoạn nào có chuyện Lazaro? – chàng hỏi đột ngột.
Sonya vẫn nhìn mãi xuống đất, không đáp. Nàng đứng hơi nghiêng người về phía bàn.
– Chuyện Lazaro sống lại ở chỗ nào? Cô tìm hộ tôi đi, Sonya.
Nàng liếc mắt nhìn chàng.
– Không phải ở đấy đâu, trong thiên Phúc âm thứ tư kia… – nàng thì thầm, vẻ nghiêm nghị, vẫn đứng yên.
– Cô tìm hộ và đọc cho tôi nghe đi, – chàng nói đoạn ngồi xuống, khuỷu chống lên bàn, hai tay nâng cằm, mắt trân trân nhìn sang một bên, lắng tai chờ đợi “Nội ba tuần nữa xin mời cô đến một nơi cách đây bảy dặm(3). Chính ta hình như cũng sẽ đến đấy, nếu không phải là một cái gì còn tệ hơn nữa” – chàng lẩm bẩm một mình.
Sonya ngần ngừ bước lại gần bàn… Nàng chưa tin lắm vào cái ý muốn kỳ quặc của Raxkonikov. Song nàng vẫn cầm lấy sách.
– Chả nhẽ ông chưa đọc à? – nàng hỏi, mắt ngước nhìn chàng qua bàn. Giọng nàng mỗi lúc một thêm nghiêm nghị.
– Đã lâu rồi… Hồi tôi còn đi học. Cô đọc đi.
– Thế ông không nghe đọc ở nhà thờ à?
– Tôi… không đi nhà thờ. Còn cô có hay đi không?
– Kh – không, – Sonya thì thầm, Raxkonikov cười nhạt.
– Tôi hiểu… Thế mai cô cũng không đi làm lễ an táng cha cô à?
– Tôi sẽ đi. Tuần trước tôi cũng có đến… làm lễ cầu hồn.
– Cho ai?
– Cho Lizaveta. Bà ấy bị giết bằng rìu.
Cân não chàng mỗi lúc một thêm khích động. Chàng bắt đầu thấy choáng váng.
– Cô thân với bà Lizaveta à?
– Vâng… Bà ấy tốt lắm… bà ấy đến đây… thỉnh thoảng thôi… đến luôn không tiện. Bà ấy với tôi cùng đọc và nói chuyện. Bây giờ bà ấy đang được chiêm ngưỡng thượng đế.
Âm hưởng những từ như rút trong sách ra nầy gợi lên trong lòng chàng một ấn tượng kỳ lạ. Lại thêm những câu chuyện trò bí mật gì giữa hai người… giữa hai người ngây dại ấy.
“Rồi mình cũng dâm ra ngây dại nốt mất thôi! Một chứng hay hay đấy?” – chàng nghĩ. – Đọc đi! – chàng bỗng quát lên, giọng hạch sách và cáu kỉnh.
Sonya vẫn do dự. Tim nàng đập nạnh. Nàng không dám đọc. Raxkonikov nhìn “người điên khốn nạn” với đôi mắt hầu như đau xót.
– Ông nghe làm gì? Ông có tin đạo đâu? – nàng thì thầm rất khẽ, như nghẹt thở.
– Đọc đi tôi muốn thế! – chàng dằn giọng, – cô đọc cho Lizaveta nghe thì được kia mà?
Sonya giở sách ra và tìm đoạn ấy. Tay nàng run lập cập giọng nàng khần đi. Nàng hai lần toan đọc mà vẫn không phát âm ra được chữ đầu.
“Vậy có một người đau, tên gọi Lazaro, vốn người Béthani(4)…” – cuối cùng nàng đọc lên một cách khó nhọc, nhưng từ chữ thứ năm trở đi, giọng nàng vỡ ra đứt ra như sợi dây đàn quá căng. Hơi thở nàng nghẽn 1ại, ngực nàng tức tối. Raxkonikov hiểu được một phần tại sao Sonya phân vân không muốn đọc cho chàng nghe, và càng hiểu ra, chàng lại càng gắt gỏng và nằng nặc đòi nàng đọc một cách thô bạo. Chàng hiểu quá rõ rằng bây giờ nàng rất khổ tâm khi phải bộc lộ những cảm xúc của mình. Chàng đã hiểu rằng những cảm xúc ấy quả nhiên làm thành điều bí ẩn thật sự của nàng, có lẽ đã từ lâu có lẽ từ hồi nàng mới lớn lên, khi còn ở với gia đình, bên cạnh người cha khốn nạn và người dì ghẻ điên rồ vì đau khổ, bên cạnh mấy đứa trẻ đói khát, giữa những tiếng quát tháo và mắng mỏ tục tằn. Nhưng đồng thời giờ đây chàng đã biết, và biết chắc chắn, rằng tuy nàng thấy bồn chồn và vô cùng sợ hãi trước một điều gì khi bắt đầu đọc, nhưng vẫn háo hức muốn đọc lạ lùng, và đọc cho chàng nghe nhất là bây giờ rồi, “sau nầy dù có thể nào cũng mặc!”… Chàng đọc thấy điều đó trong mắt nàng, chàng hiểu nỗi xúc động hưng phấn của nảng… Nàng cố tự chủ cố nuốt cơn nghẹn ngào dâng lên ngang cổ ngay từ câu đầu, và đọc tiếp chương thứ mười một trong thiên Phúc âm của Thánh Joan. Nàng đọc đến câu thứ 19:
“Có nhiều người Judé đã đến để đặng an ủi Martha và Maria về sự anh chết. Martha nghe Đức Chúa Jésus đến, bèn đi đón Người, nhưng Martha thì ngồi tại nhà. Martha thưa cùng Đức Chúa Jésus rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa có lại đây, thì anh con đã chẳng chết. Mà bây giờ con cũng biết mọi điều Người sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho”.
Đến đây nàng lại ngừng đọc, hổ thẹn cảm thấy trước rằng mình sẽ run, giọng mình lại sẽ vỡ.
“Đức Chúa Jésus phán rằng: anh người sẽ sống lại. Martha thưa rằng: Con vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh con sẽ sống lại. Đức Chúa Jésus phán rằng: ta là sự sống lại, và là sự sống. Kẻ nào tin ta thì dẫu chết đi rồi, cũng sống lại. Còn ai sống và tin ta thì muốn đời chẳng hề chết. Người tin điều đó chăng? Người thưa rằng…”
Sonya khó nhọc thở lại cho đều, rồi cao giọng đọc tách bạch từng chữ, như đang truyền giảng trước một đám đông tín đồ.
“Đức Chúa, phải, tôi tin chúa là Đấng Christo, con Đức Chúa Trời, là Đấng sẽ đến thế gian”.
Nàng toan dừng lại ngước mắt lên nhìn chàng, nhưng lại hối hả ghìm mình lại và đọc tiếp, Raxkonikov ngồi nghe không nhúc nhích, không ngoảnh lại, khuỷu tay vẫn chống lên bàn, mắt nhìn sang một bên, Sonya đã đọc đến câu 32:
“Nhưng Maria, lúc đã tới nơi Đức chúa Jésus đứng, vừa thấy Ngài thì sấp mình xuống chân Ngài mà rằng: Lạy Chúa! Nếu chúa có tại đây, thì anh tôi đã không chết! Đức Chúa Jésus thấy người khóc, và những người Judé đi cùng người cũng khóc, bèn đau lòng cảm động mà phán rằng: các người đã chôn người ở đâu? Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin hãy lại coi. Đức Chúa Jésus khóc. Người Judé bèn nói rằng: kìa, Người yêu Lazaro là dường nào! Có một vài người trong chúng nói: Người đã mở mắt kẻ mù được, há chẳng có thể cũng làm cho người nầy không chết sao?”
Raxkonikov bồi hồi quay lại nhìn nàng. Phải, đúng như thế! Nàng đã run lên cầm cập trong một cơn sốt thật sự. Chàng đã biết trước như thế. Nàng đã sắp đọc đến những lời nói về cái phép lạ lớn lao, kỳ diệu nhất và một cảm giác hân hoan cao cả tràn ngập lòng nàng. Giọng nàng sang sảng như tiếng chuông, chan chứa một niềm hân hoan đắc thắng, lại càng vang lên mạnh mẽ. Những giòng chữ cứ nhoà đi trước mắt nàng, mắt nàng tốt sầm lại, nhưng nàng đã thuộc lòng những câu đang đọc. Đến câu cuối cùng: “Người đã mở mắt kẻ mù được…” nàng hạ thấp giọng xuống, nhiệt thành diễn đạt ý ngờ vực trách móc và chê bai của những người Judé mù quáng, thiếu lòng tin, mà chỉ một phút nữa, như bị sét đánh sẽ phủ phục xuống khóc và tin… “Cả chàng nữa, chàng cũng là một kẻ mù quáng và thiếu lòng tin, chỉ lát nữa chàng cùng sẽ được nghe và cũng sẽ tin. Phải, phải! Lát nữa thôi, ngay bây giờ” – nàng mơ ước, lòng khấp khởi chờ đợi.
“Bấy giờ, Đức Chúa Jesus lại đau lòng nữa, bèn đến phần mộ: một là một cái hang, trước cửa hang nầy có một phiến đá chặn lại. Đức Chúa Jésus phán rằng: hãy cất phiến đá đi. Martha là em gái ké chết thưa rằng: Lạy Chúa đã có mùi, vì chưng người nằm đó đã bốn ngày rồi”.
Nàng nhân thật mạnh hai chữ “bốn ngày”.
“Đức Chúa Jésus lại phán: ta há chẳng từng nói với người rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao? Ấy vậy, họ lăn hòn đá đi khỏi hang kẻ chết đương nằm. Đứa Chúa Jésus bèn nhướng mắt lên trời mà rằng: thưa cha, tôi tạ ơn Cha đã nhận lời tôi. Tôi cũng biết Cha vẫn hằng nhận lời tôi, nhưng tôi nói vậy là vì có đoàn dân nầy đứng quanh đây, ngõ hầu họ tin rằng ấy chính Cha là Đấng đã sai tôi đến. Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: “Lazaro! hãy ra”. Và kẻ chết đi ra…”.
Nàng đọc to lên, giọng trang trọng, nàng run lên và lạnh toát đi, như thể chính mắt nàng trông thấy.
“… chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Jésus phán cùng chúng rằng; hãy mở cho người, và để người đi. Bấy giờ có nhiều người Judé đã đến cùng Maria và thấy sự Đức Chúa Jésus làm, bèn tin Ngài”.
Nàng không đọc tiếp, và không thể đọc tiếp nữa; nàng gấp sách lại và nhanh nhẹn rời ghế đứng dậy.
– Tích Lazaro sống lại đến đây là hết, – nàng nói thì thầm, giọng nghiêm khắc, đoạn đứng yên, người quay sang một bên, không dám ngước mắt lên nhìn chàng, dường như có ý e thẹn. Nàng vẫn run như đang cơn sốt. Mẩu nến đã lụi xuống rất lâu trong chiếc đế đèn mó méo, hắt một ánh sáng lù mù lên kẻ sát nhân và cô gái điếm tụ họp một cách kỳ lạ trong gian phòng khốn khổ, trước pho sách vĩnh hằng. Hơn năm phút trôi qua.
– Tôi đến đây để bàn một việc. – Raxkonikov bỗng cau mày nói to lên. Đoạn đứng vậy lại gần Sonya.
Nàng lặng lẽ ngước mắt lên nhìn chàng. Anh mắt chàng khắc khổ lạ thường, phản chiếu một quyết tâm dữ dội.
– Hôm nay tôi đã ruồng bỏ những người thân, – chàng nói – ruồng bó mẹ và em tôi. Bây giờ tôi sẽ không đến với họ nữa. Tôi đã cắt đứt hết mọi liên hệ.
– Tại sao? – Sonya sửng sốt hỏi.
Cuộc gặp gỡ ban sáng với mẹ và em chàng đã để lại trong lòng nàng một ấn tượng phi thường, tuy chính nàng cũng không sao định rõ. Nàng hầu như kinh hãi khi nghe tin chàng đoạn tuyệt với họ.
– Bây giờ tôi chỉ còn có em nữa mà thôi – chàng nói tiếp – Ta cùng đi… rồi đã đến đây. (chúng ta đều là những kẻ bị nguyền rủa, chúng ta hãy cùng đi khỏi nơi nầy. – Mắt chàng sáng long lanh.
“Như người dở điên dở dại!” – đến lượt Sonya thầm nghĩ.
– Đi đâu? – nàng hỏi, giọng khiếp sợ, và bất giác lùi lại.
– Nào tôi có biết? Tôi chỉ biết là ta sẽ cùng đi một đường, tôi biết chắc, thế thôi. Cũng một mục đích!
Nàng nhìn chàng, không hiểu. Nàng chỉ hiểu rằng chàng đau khổ ghê gớm, vô hạn.
– Nếu em nói với họ, sẽ chẳng có ai hiểu gì hết. Chàng nói tiếp. – Còn tôi, tôi đã hiểu, tôi cần có em, cho nên tôi đã đến em.
– Em không hiểu. – Sonya thì thầm.
– Sau nầy em sẽ hiểu. Chẳng phải em cùng đã làm như tôi sao? Em cũng đã vượt qua… em cũng đã cam tâm vượt qua. Em đã tự đầy đoạ thân mình, em đã hãm hại đời… mình (cũng thế thôi), lẽ ra em có thể sống bằng trí tuệ, bằng lương tri, nhưng em lại kết liễu trên khu chợ… Nhưng em không chịu đựng được đâu và nếu em ở một mình em phát điên như tôi. Ngay giờ đây em cũng đã hoàn toàn như người điên; thế thì ta hãy cùng đi trên một con đường! Ta đi đi!
– Tại sao? Tại sao ông lại nói thế! – Sonya nói, lòng xúc động lạ lùng trước những lời lẽ của Raxkonikov.
– Tại sao ư? Tại vì không thể sống mãi như thế nầy tại vì thế đấy! Rốt cục cũng phải suy nghĩ nghiêm túc: và thẳng thắn, chứ không thể kêu khóc như trẻ con rằng Chúa sẽ không để như thế. Nếu mai đây người ta đưa em vào nhà thương thật thì sẽ ra sao? Bà ấy, vừa điên rồ vừa ho lao, chẳng mấy lâu nữa sẽ chết, còn lũ trẻ? Polenka có thể nào không hư hỏng? Chả nhẽ em không trông thấy những đứa trẻ bị mẹ sai đi ăn xin ở cac góc phố? Tôi đã tìm biết những bà mẹ ấy sống ở đâu va hoàn cảnh như thế nào. Ở đây trẻ con không còn là trẻ con được nữa. Có đứa lên bảy đã truỵ lạc, trộm cắp. Thế mà trẻ con là hình ảnh của Chúa Cơ-đốc, vương quốc của Đức Chúa trời là của chúng”. Chúa đã phán cho chúng hằng được kính, được yêu, chúng là nhân loại tương lai…
– Thế thì biết làm thế nào, làm thế nào? – Sonya khóc nức nở từng cơn, hai tay vặn vào nhau, nhắc đi nhắc lại.
– Làm thế nào ư? Cắt đứt vĩnh viễn tất cả những gì cần cắt đứt, chỉ có thể thôi; và gánh lấy nỗi khổ?
– Sao? Em không hiểu? Sau nầy em sẽ hiểu… Tự do và quyền lực nhất là quyền lực! Phải có quyền lực đối với lũ sâu bọ run rẩy, đối với cả cái tổ kiến ấy! Đấy là mục đích! Em nhớ lấy! Đó là lời trăn trối của tôi! Có lẽ tôi nói chuyện với em lần nầy là lần cuối cùng. Nếu ngày mai tôi không đến nữa, em sẽ nghe người ta nói hết mọi chuyện. Đến lúc ấy em hãy nhớ những lời nầy. Rồi về sau, qua năm tháng, đến một lúc nào đấy em sẽ hiểu ý nghĩa những lời nầy. Nếu mai tôi còn đến đây, tôi sẽ nói cho em biết ai đã giết Lizaveta. Từ biệt em!
Toàn thân Sonya run lên vì hoảng sợ.
– Thế ra ông biết ai giết? – nàng hỏi, người lạnh toát đi vì sợ hãi, mắt ngơ ngác nhìn chàng.
– Tôi biết và tôi sẽ nói… cho em biết, chỉ mình em thôi! Tôi đã chọn em. Tôi đến em không phải để xin em tha thứ, mà chỉ để nói cho em biết thôi. Tôi đã chọn em từ lâu, ngay từ khi cha em nói chuyện em cho tôi nghe, và khi Lizaveta hãy còn sống, tôi đã nghĩ đến việc nầy. Thôi chào em. Em đừng đưa tay ra. Mai?
Chàng đi ra, Sonya nhìn theo chàng như nhìn một người điên: nhưng chính nàng cũng như điên như dại, và nàng cũng cảm thấy thế. Đầu nàng choáng váng.
“Trời ơi! làm sao người ấy lại biết ai đã giết Lizaveta? Những câu nói ấy nghĩa là gì? Lạ quá! Nhưng đồng thời ý nghĩ ấy vẫn không đến với nàng. Không hế. Không hề…”. Ồ, chắc người phải khổ sở vô cùng! Người ấy đã ruồng bỏ mẹ và em, lại sao. Việc gì đã xảy ra? Người ấy định làm gì? Người ấy đã nói với nàng những gì thế? Người ấy hôn chân nàng và nói, nói… phải, người ấy đã nói rõ như thế, là thiếu nàng người ấy không thể sống được… Trời ơi!”.
Suốt đêm hôm ấy Sonya sốt và mê sảng. Đôi khi nàng giật mình choàng dậy, khóc, tay vặn vào nhau, có khi lại chìm vào một giấc ngủ li bì của người sốt, và nàng mơ thấy Polenka, Katerina Ivanovna, Lizaveta, buổi đọc Phúc âm và người ấy… chàng, với khuôn mặt xanh xao, đôi mắt nẩy lứa… Chàng hôn chân nàng, khóc… Trời ơi!
Sau cánh cửa bên phải, cánh cửa ngăn phòng Sonya với các phòng ở của bà Gertruda Karlovna Resslich, có một căn buồng trung gian từ lâu bỏ trống mà bà Resslich có ý định cho thuê, trên cổng vào có một tấm biển và trên các tấm kính cửa sổ trông ra bờ kênh có dán những mảnh giấy cho biết rõ ý định đó. Lâu nay Sonya đã quen coi đó là một gian phòng không có người ở. Thế nhưng suốt tối hôm ấy ông Xvidrigailov đã đứng trong phòng ấy ghé sát vào cánh cửa nghe trộm. Khi Raxkonikov đi ra, ông ta đứng ngẫm nghĩ một lát, rón rén trở về buồng mình giáp gian phòng bỏ trống, lấy một chiếc ghế dựa và lặng lẽ đặt vào sát cánh cửa thông sang buồng Sonya. Ông ta thấy cuộc nói chuyện vừa qua rất lý thú và đáng chú ý, nó làm cho ông ta rất hài lòng, hài lòng đến nỗi ông ta đưa chiếc ghế sang để sau nầy, ngay như ngày mai chăng hạn, khỏi phải chồn chân đứng suốt một tiếng đồng hồ; từ rày phải có chỗ ngồi cho thật thoải mái để hưởng một khoái cảm trọn vẹn về đủ mọi phương diện.
(1) Đối với những người Cơ đốc giáo, tự tử là “trọng tội”
(2) Nguyên văn “jurodivaia” ở Nga có những người ngây dại được những người mê tín coi là “người của Chúa”, bản thân họ cũng thường mộ đạo đến mức cuồng si
(3) Cách Petersburg bảy dặm có một nhà thương điên
(4) Những đoạn trích Phúc âm ở đây đều sao theo bản Kinh thánh bằng tiếng Việt của Société biblique britannique et étrangère( Thượng Hải 1925, có sửa lại đôi chút hơi khác với các bản La tinh, Nga và Pháp
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.