Tôi Đúng, Bạn Sai - Giờ Thì Sao?

10. Hợp tác – để đạt được những gì bạn cần



Vì đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết

– Tony Hiller và Peter Simons, Đoàn kết là sức mạnh

Trong suốt thời gian làm việc của mình, tôi đã từng là trưởng nhóm trong rất nhiều môi trường – trường học, doanh nghiệp, chính quyền, và tổ chức phi lợi nhuận – và đôi lúc, khi sự cạnh tranh giữa các đồng nghiệp gây thương tổn đến năng suất và tinh thần, tôi lại phải tập trung cả đội lại để nhắc nhở họ rằng họ là cộng sự chứ không phải kẻ thù. Những lần đó, tôi muốn làm được nhiều hơn là chỉ nói lên những điều hiển nhiên – rằng sự hợp tác khiến mọi người làm việc tốt hơn và vui vẻ hơn. Tôi muốn họ thực sự trải nghiệm sự khác biệt. Vậy nên tôi bảo họ chia thành từng đôi và siết tay trên bàn trong tư thế vật tay. Rồi tôi giải thích, “Mục tiêu là chiến thắng. Mỗi người sẽ ghi được một điểm mỗi lần mu bàn tay của cộng sự chạm xuống bàn. Đôi nào cao điểm hơn sẽ thắng.” Hầu hết các đôi đều ghi được hai hoặc ba điểm vì họ mải chiến đấu chống lại nhau nhưng luôn có ít nhất một đôi ghi được hơn bốn mươi điểm! Làm sao chuyện này có thể xảy ra được? Có thể với bạn mọi chuyện rất rõ ràng ngay từ đầu, nhưng nếu không thế thì hãy đọc lại phần luật chơi của tôi thật cẩn thận.

Giờ bạn đã hiểu chưa? Tôi nói là, “Đôi nào cao điểm hơn sẽ thắng.” Cách duy nhất để phá vỡ bế tắc và “chiến thắng” là ngừng suy nghĩ người kia là kẻ thù. Nhưng “không phải kẻ thù” không giống như “thành cộng sự”. Để khiến ai đó trở thành cộng sự của mình, bạn cần phải nhận ra được những mục tiêu chung. Đó chính là mục đích của công cụ đồng ý chúng ta đã thảo luận ở chương trước. Khi đã làm được việc này, bạn sẽ tìm được cách thuyết phục người kia hợp tác với bạn để đạt được các mục tiêu đó. Cũng giống như các đôi đã ghi được hơn bốn mươi điểm, bạn sẽ ngừng việc vật nhau lại và tạo ra kế hoạch thi đấu phản ánh đúng mối quan hệ mới của các bạn, như những đồng đội cùng theo đuổi lợi ích chung chứ không phải là hai đối thủ. Và thường thì kế hoạch thi đấu sẽ vượt trội hơn cả hai lựa chọn mà các bạn đã tranh luận (cách của tôi hay cách của anh). Nhưng kế hoạch thi đấu này đến từ đâu?

Vượt qua suy nghĩ “Cách của tôi hoặc cách của anh”

Trong cuốn sách Để thành công trong đàm phán, các tác giả viết về điều đã đưa đến thành công trong thương lượng và xác định nhân tố trọng yếu là có nhiều phương án để lựa chọn. Họ lý luận rằng có rất nhiều vụ thương lượng không thành vì chỉ có hai lựa chọn được cân nhắc. Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng làm cách nào để nghĩ ra được thêm những lựa chọn mới? Câu trả lời là bạn không nghĩ ra được. Ít nhất là không phải một mình bạn mà nghĩ ra được. Bạn làm được điều này cùng với người còn lại. Một khi hai người đã ở cùng một đội, sẽ có không gian cho sự sáng tạo và những lựa chọn mới sẽ xuất hiện, bởi vì bạn không còn phải phí năng lượng và trí tuệ của mình để chơi một-đối-một như trong bóng rổ, người này phản ứng lại với từng chuyển động của người kia. Thay vào đó, các bạn làm việc cùng nhau, cùng vì một mục đích chung.

Khi làm việc theo cách này, bạn sẽ không còn phán xét về vị trí của người kia và thấy rằng nó còn nhiều thiếu sót. Và vì một mối quan hệ không còn xét nét về mặt tinh thần sẽ tạo ra sự cởi mở về mặt tâm lý, một hoặc cả hai người sẽ có khả năng suy nghĩ sáng tạo hơn rất nhiều.

Kề vai sát cánh

Khi đã cảm thấy đồng điệu với người kia, đây là lúc bạn đưa ra ý kiến về cách làm việc cùng nhau để có những lựa chọn mới giải quyết các bế tắc. Bạn có thể đưa ra các lựa chọn này hoặc để người kia làm việc đó, như cách tôi đã làm với cô y tá, hoặc những lựa chọn mới sẽ tự nhiên xuất hiện trong đầu hai người.

Hãy nhớ lại Dan và Rachel với việc cuối cùng họ đồng ý rằng họ đều yêu thương bọn trẻ và muốn làm những gì là tốt nhất cho chúng. Nhờ việc Rachel hạ thấp sự phòng thủ của mình bằng phương pháp LEAP, Dan đã có thể thừa nhận rằng sự ổn định phát triển của hai đứa trẻ có thể sẽ bị tổn hại. Và khi cô đã hạ thấp sự đề phòng của mình, Rachel cũng có thể nói với Dan rằng cô đồng ý là chuyện bỏ qua cơ hội công việc lần này rất đáng tiếc cho anh. Bằng cách thực sự nhận thức được về những điểm đồng tình của mình, họ đã có thể đặt sang một bên những lý luận vô ích (và không thực sự cần thiết) về việc ai đã hi sinh nhiều hơn trong quá khứ và tìm kiếm một giải pháp tốt cho cả gia đình.

Dan đề nghị họ thử một việc anh đã làm trong một buổi họp huy động trí tuệ ở công ty. Họ ngồi cạnh nhau bên bàn ăn sau khi bọn trẻ đi ngủ và viết ra tất cả những ý tưởng mà họ có thể nghĩ tới. Dan giải thích cho Rachel rằng: “Tất nhiên là mọi ý tưởng đến trong đầu em đều có giá trị như nhau. Chúng ta không thể cắt bỏ bất kỳ điều gì. Cũng như thế, chúng ta không thể phê phán hay xét nét bất kỳ ý tưởng nào. Công việc của mình là viết ra càng nhiều càng tốt trong năm phút và rồi sẽ nói về chúng sau.”

Mặc dù họ làm việc này hết sức nghiêm túc, nhưng cả hai người đều thấy buồn cười khi nguệch ngoạc ra các đề nghị của mình. Việc này thật thú vị và đôi khi thật buồn cười đối với họ. Nhưng kết quả thật đáng kinh ngạc. Họ đưa ra được một vài lựa chọn hấp dẫn mà trước kia chưa từng cân nhắc tới. Lần lượt, họ xem xét từng lựa chọn và thảo luận về chúng, tập trung vào việc khám phá và chỉ nhấn mạnh vào những ưu điểm. Một trong những ý tưởng mà cả hai người cùng viết ra và cuối cùng đều thấy thật ngu ngốc là họ nên ly hôn. Nhưng giữa chồng ý tưởng đó, cuối cùng họ cũng thống nhất được với nhau về một lựa chọn: Dan có thể nhận công việc này và chuyển đến Chicago luôn còn Rachel và lũ trẻ sẽ ở lại cho đến khi năm học kết thúc. Dan có thể về nhà vào cuối tuần và Rachel cùng lũ trẻ cũng có thể thăm anh ít nhất trong hai kỳ nghỉ của năm học. Giải pháp này không những không làm cho gia đình bị xáo trộn mà còn để cho lũ trẻ quen được với ngôi nhà mới. Sau đó, khi hết năm học, mấy mẹ con có thể theo Dan đến Chicago. Họ sẽ thử trong một năm và nếu như Dan cùng lũ trẻ ổn định, họ sẽ cân nhắc đến chuyện chuyển hẳn. Nếu có bất kỳ ai thấy không thoải mái hoặc không ổn, họ sẽ cân nhắc tiếp các lựa chọn khác. Vậy là Dan đã có được công việc mơ ước của anh, Rachel cũng làm nhẹ bớt được những thay đổi trong cuộc sống của mấy đứa nhỏ và cả hai người cùng hiểu rằng họ đã giải quyết được vấn đề vì không ai khăng khăng rằng cách thu xếp này phải là cố định.

Nếu chỉ nghe giải pháp mà không xem xét đến quá trình, có thể bạn sẽ kết luận rằng chắc hẳn Dan và Rachel đã mặc cả với nhau rất nhiều. Nhưng mọi chuyện không phải vậy. Mục tiêu mà cuối cùng họ hợp tác để cùng nhau nhắm tới, điều đã giúp họ vượt qua được bế tắc, là lựa chọn dựa trên một ý kiến đơn giản mà một trong hai người đã viết ra trên giấy. Đó là, “Dan đi luôn, bọn trẻ kết thúc năm học, dành thời gian bên nhau càng nhiều càng tốt trong thời gian đó, rồi sau đó chuyển và quyết định xem có chuyển lâu dài không.” Tôi có thể nói cho bạn ai là người viết dòng này, nhưng ngay cả thông tin đó cũng có thể làm sai lệch cách nhìn của chúng ta. Tôi không nghĩ ý tưởng này bắt nguồn chỉ từ một trong hai người. Tôi tin rằng điều này, đến từ sự đồng thuận của hai người kề vai sát cánh bên nhau khi mối quan hệ giữa họ tràn đầy sự tin tưởng, tôn trọng và cởi mở.

Bắt đầu hợp tác

Sau khi đã khiến người kia từ bỏ vũ khí và tìm được mảnh đất chung, việc cùng hợp tác tiếp về vấn đề đang có, đặc biệt là ở thời gian đầu, sẽ rất khó khăn đối với cả hai. Và mặc dù tôi không khuyến khích bạn tuân theo kịch bản, thì một vài ví dụ về cách gợi ý hợp tác cũng sẽ có tác dụng giúp bạn bắt đầu, như là: “Anh sẽ làm gì nếu ở tình huống của tôi?”, “Chúng ta có thể cùng nhau suy nghĩ để giải quyết vấn đề của chúng ta không?”, “Nếu kề vai sát cánh, anh có nghĩ là chúng ta sẽ đưa ra được giải pháp khác có lợi cho cả hai không?”

Quay lại với một tình huống khác mà chúng ta đã thảo luận, Roberta và cô con gái Amanda cũng đã tìm được mảnh đất chung. Họ đã đồng ý rằng cả hai người đều muốn chấm dứt bầu không khí căng thẳng giữa họ, rằng Amanda muốn nói chuyện với bạn buổi tối là chuyện bình thường, và thực tế, việc của Roberta là đề ra các quy tắc và làm cho chúng có hiệu lực trong nhà. Từ mảnh đất chung này, họ đã có thể nói chuyện tiếp với nhau. Roberta, sau khi đã lắng nghe con gái và hiểu rằng những cuộc tán gẫu mỗi tối đó thực sự quan trọng với cô bé, đã gợi ý Amanda cố gắng làm xong bài tập và ngừng xem TV trước mười giờ tối để có nguyên cả giờ đồng hồ nhắn tin với bạn. Thậm chí cô còn đồng ý rằng trước mười giờ vài phút, cô sẽ nhắc Amanda “đã đến giờ bật máy tính”. Nhưng cô vẫn không chắc chắn như thế đã đủ để Amanda chấp hành quy tắc chưa, nên cô hỏi lại con gái, “Nếu là mẹ thì con sẽ làm gì?”, và trước sự ngạc nhiên của cô, Amanda nói, “Con sẽ giữ sạc pin điện thoại trong phòng mẹ và tắt modem wifi khi mẹ đi ngủ để chẳng có gì dụ dỗ con được nữa.” Roberta đã làm đúng theo những gì Amanda gợi ý. Cô tắt modem wifi và giữ sạc pin của Amanda trong phòng ngủ của mình. Giờ thì nếu Amanda muốn sạc điện thoại, cô bé sẽ phải để nó cả đêm trong phòng ngủ của mẹ. Và vì modem wifi cũng ở đây nên Roberta có thể tắt nó lúc mười một giờ. Cô chưa hề nghĩ tới ý tưởng này cho đến khi con gái cô đưa ra.

Mỗi tuần một đêm, Amanda thích xem chương trình TV ưa thích của mình và nhắn tin với bạn bè qua điện thoại hơn, còn các đêm khác thì cô bé dùng máy tính, chat với bạn vào đúng mười giờ. Vừa chat, cô bé vừa tắm rửa, đánh răng, thay đồ ngủ và sẵn sàng lên giường lúc mười một giờ.

Có thể bạn sẽ thắc mắc vì sao

Amanda tự phá đám bản thân như thế. Nhưng bạn đã đưa ra một câu hỏi sai, vì một khi cô bé và Roberta đã định ra những phạm vi thỏa thuận của mình, mục tiêu của cô bé sẽ là giúp mẹ cô trở nên hiệu quả hơn trong việc đặt ra các giới hạn trong khi cô vẫn có thể nhắn tin với bạn bè.

Với việc không cấm đoán thời gian chat của Amanda vì cho đó là việc không quan trọng hoặc vô bổ, Roberta đã có thể giải quyết vấn đề cùng với Amanda, biến thời gian đó vào thành một trong những hoạt động cần có hàng tối. Bây giờ, thay vì than phiền khi nghe thấy tiếng “ding” từ máy tính báo rằng Amanda đang ở trên mạng, cô đã khuyến khích con gái mình chat.

Tiếp theo là trường hợp của Charles và Thomas. Như bạn đã biết ở chương trước, họ cũng đã đồng ý được trong rất nhiều chuyện. Họ đồng ý rằng việc công ích là một nghĩa vụ đạo đức và rằng nó mang lại cả những tiếng vang tích cực cũng như khách hàng mới cho hãng. Sau khi Thomas soạn ra bản ghi nhớ giải thích cho các cộng sự vì sao và bằng cách nào hãng sẽ được bù đắp cho khoản ngân sách đầu tư thêm đó, anh nhờ Charles nhận xét. Cuối cùng, mặc dù bản ghi nhớ chỉ được Thomas ký, Charles vẫn góp một phần quan trọng trong đó. Trong buổi họp ngân sách chính thức, ông đã đưa ra các lý lẽ ủng hộ cho sự gia tăng này và dành phiếu của mình cho Thomas.

Trong trường hợp, bất chấp tất cả những gì tôi đã nói, bạn vẫn nghĩ rằng bạn không có thời gian cho LEAP, hãy để tôi kể cho bạn một ví dụ cuối cùng chứng minh một cách sinh động rằng LEAP có hiệu quả nhanh đến thế nào. Bạn còn nhớ trung sĩ Scott và người phụ nữ đang chấn động thần kinh, bị chồng nhốt ở ngoài ngôi nhà của mình chứ? Người trung sĩ đã khiến cô ta dịu lại bằng cách lắng nghe và thông cảm với hoàn cảnh éo le của cô. Khi có thể nói chuyện một cách bình tĩnh, cô đã ngay lập tức đề nghị anh giúp cô vào nhà. Lúc đó, anh thú nhận rằng anh chẳng thể làm gì để ép chồng cô mở cửa cả, bởi vì về cơ bản, chồng cô không hề phạm luật. Họ đồng ý rằng cô đã lâm vào ngõ cụt với chồng và rằng trung sĩ Scott muốn giúp cô tìm cách vào lại trong nhà. Họ cũng đồng ý là họ không thể đứng ngoài ở bãi cỏ trước nhà cả đêm như vậy.

Mặc dù anh không thể giúp cô vào trong ngay, nhưng trung sĩ nghĩ rằng anh có ý tưởng khác có thể giúp cô có được điều cô cần. Liệu cô ấy có muốn nghe không?

Cô ấy muốn.

Anh giải thích rằng nếu như cô để các nhân viên đưa đến bệnh viện, cô có thể chứng minh cho chồng rằng cô có bị điên hay không. Lúc đầu cô không thích ý tưởng này: “Tôi không thể tin các bác sỹ được, họ sẽ chỉ lấy lời của hắn ta quy chụp cho tôi và lại nhốt tôi lại thôi,” cô nói.

“Ồ, vậy thì, nếu như tôi đi cùng cô và kể lại với bác sỹ những gì tôi thấy ở đây thì sao? Giờ cô đã bình tĩnh rồi,” anh nói, nhấn mạnh cách cư xử đúng mực của cô, “và cô cũng nói chuyện rất chừng mực về những gì mọi người đều muốn. Cô muốn gặp con mình và ngủ trong giường của cô. Điều đó chẳng có gì là điên khùng cả.” Khi anh nói vậy, anh đã kiểm chứng lại những gì người phụ nữ này nói với anh. Anh cũng bình thường hóa chứ không chỉ trích quan điểm của cô. Anh không nghĩ về LEAP, anh chỉ làm việc này một cách tự nhiên vì anh đã tập luyện công cụ lắng nghe có cân nhắc cực kỳ nhuần nhuyễn.

Cô nhìn với vẻ biết ơn và nói, “Anh sẽ làm điều đó cho tôi ư?”

“Dĩ nhiên rồi”, anh trả lời.

“Nhưng làm sao tôi biết liệu sau đó chồng tôi có cho tôi vào không?”

“Tôi sẽ hỏi anh ta,” anh trả lời. Và trước sự chứng kiến của cô, anh dùng di động gọi cho chồng cô. Cuộc đối thoại diễn ra chừng hơn một phút. Sau khi gác máy, anh quay sang cô và nói, “Chồng cô nói rằng nếu cô chịu đến viện và các bác sỹ bảo rằng cô bình thường thì anh ta hứa sẽ để cô vào nhà, và tôi tin là anh ta sẽ giữ lời. Vậy thì, giờ cô muốn thế nào?”

“Tôi sẽ đi,” cô trả lời, “nhưng chỉ đi với anh bằng xe của anh thôi.”

Học cách hợp tác về bản chất là tìm đến cốt lõi của vấn đề quan trọng nhất đối với cả hai người và tìm ra cách biến nó thành hiện thực mà không bị bế tắc làm lạc hướng.

Trung sĩ kể với tôi rằng sau tất cả những tương tác này, từ bế tắc ban đầu – khi người phụ nữ la hét và từ chối nói chuyện với cảnh sát – cho đến khi cô yên lặng ngồi ở ghế sau trong xe anh, tất cả chỉ mất mười lăm phút.

Khi họ đến viện, trung sĩ Scott giữ lời hứa và nói chuyện với bác sỹ. Anh thực sự nghĩ rằng người phụ nữ này bị bệnh tâm thần nhưng cô đã cư xử chừng mực hơn sau khi bình tĩnh lại và anh cảm thông với khát vọng tự nhiên của cô là được về nhà và gặp bọn trẻ. Anh đã thành thực với cô và với cả bác sỹ. Nhưng anh cũng miêu tả biểu hiện và hành vi của cô khi những người cảnh sát đầu tiên xuất hiện. Vì bác sỹ đã biết tiền sử rối loạn lưỡng cực của cô và vì cô thể hiện triệu chứng của bệnh tâm thần, nên anh cho cô nhập viện, chính xác là điều mà chồng cô đã mong đợi.

Hãy để ý rằng, trong những tình huống này, không có ai được nghe người kia nói “anh đúng,” và cũng không có ai “thắng.” Học cách hợp tác về bản chất là tìm đến cốt lõi của vấn đề quan trọng nhất đối với cả hai người và tìm ra cách biến nó thành hiện thực mà không bị bế tắc làm lạc hướng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.