Tôi Là Con Mèo

CHƯƠNG 11 PHẦN 2



– Con thì chưa đâu, mới cưới chưa được một tháng mà có con thì gay.
Ông chủ hỏi như một vị quan tòa dự thẩm:
– Vậy cậu cưới bao giờ? Ở đâu?
– Bao giờ ư? Thì khi em về quê, ở nhà đã chờ sẵn rồi. Cái cá khô mang biếu thầy đây là quà của họ hàng em mừng đám cưới đấy.
– Mừng có mỗi ba con cá thôi à? Keo kiệt quá nhỉ.
– Không, mừng nhiều nhưng em chỉ mang đến đây ba con thôi.
– Vậy cậu lấy người ở quê à? Da cũng đen chứ?
– Vâng, đen kịt, rất xứng với em.
– Thế còn nhà Kaneda thì cậu định thế nào?
– Chẳng định gì cả.
– Thế thì hơi thiếu tình nghĩa đấy, phải không anh Meitei?
– Chả thiếu đâu. Gả cho người khác thì cũng thế thôi. Chuyện vợ chồng thì cứ như bất chợt gặp nhau trong bóng tối ấy mà. Tóm lại, nó là một việc làm thừa, không cần thiết. Cứ cố tình phải cho bất chợt gặp nhau trong khi lẽ ra chả cần phải gặp vẫn xong. Đã là thừa, không cần thiết thì ai bất chợt gặp ai cũng chả sao. Chỉ tội nghiệp anh Tofu, đã sáng tác trường ca chim uyên ương thôi.
– Không, bài uyên ương ca thì tiện thể nhường luôn cho đám cưới này cũng được. Khi nào nhà Kaneda cưới thì lại sáng tác bài khác.
– Đúng là nhà thơ có khác. Thật tự do, thoải mái.
Ông chủ vẫn còn bận tâm đến nhà Kaneda:
– Thế cậu đã từ chối nhà Kaneda chưa?
– Không, không có lý do gì em phải từ chối cả. Em không ngỏ lời xin mà cũng không nhận lời lấy nên cứ im lặng là đủ rồi. Còn gì nữa? Chỉ im lặng thôi là đã quá đủ. Người ta đã dùng hàng mấy chục người dò la thám thính, biết hết cả rồi.
Nghe đến “thám thính”, ông chủ bỗng nhăn mặt bảo “hừ, thế thì cứ im đi”. Nhưng hình như thấy vẫn chưa đủ, ông bèn nói về vấn đề dò la trinh thám, như bàn về một học thuyết lớn, như sau:
– Hành động bỗng dưng đi móc những cái trong túi của người khác thì gọi là “móc túi”. Việc tự nhiên đi câu những cái trong lòng người khác thì gọi là “trinh thám”. Việc bất ngờ một lúc nào đó, cạy cửa vào nhà người ta khuân đồ thì là “kẻ cắp”. Còn bất ngờ làm cho người ta lỡ mồm mà đọc được lòng người ta thì đó là “trinh thám”. Cắm phập con dao xuống chiếu để lấy tiền của người ta thì là “ăn cướp”. Lải nhải dọa dẫm để ép ý chí người ta thì là ‘‘trinh thám”. Vì vậy, trinh thám là cái đồ cùng hạng với móc túi, kẻ trộm, kẻ cướp, không đáng gọi là người. Nghe những điều bọn ấy nói thì sẽ thành tật. Nhất quyết không được thua chúng nó.
– Không lo. Dù có cả một đội ngũ trinh thám đến mấy ngàn người, xếp hàng chỉnh tề tấn công cũng chả có gì đáng sợ cả. Đây là Mizushima Kangetsu, nhà khoa học mài viên bi trứ đanh cơ mà!
– Thật đáng nể trọng lắm. Đúng là nhà kỹ sư trẻ, mới cưới vợ có khác, đầy sức mạnh tràn trề. Nhưng này, anh Kushami, nếu trinh thám là đồng hạng với bọn trộm cướp, móc túi thì kẻ sử dụng trinh thám như Kaneda đồng hạng với loại gì nhỉ?
– Chắc là với loại Kumasaka Chohan[35] chăng?
– Cái thằng Kumasaka ấy hay thật, chỉ có một thằng mà lại biến thành hai rồi lỉnh mất. Nhưng cái thằng Chohan lập thân bằng cho vay nặng lãi ở ngõ bên kia là kẻ tham lam, có nhiều tham vọng, dẫu có biến thành mấy người, cũng không sợ nó lỉnh mất đâu. Bị một thằng như vậy nó tóm thì quả báo đấy, suốt đời sẽ bị trừng phạt mất thôi. Cậu Kangetsu phải cẩn thận đấy.
– Không sao, đừng lo. “Hỡi những tay trộm cướp bên kia, đã biết ta là ai mà còn dám vào đây thì ta sẽ cho biết tay, nếm mùi cay đắng đấy!”
Anh Kangetsu ung dung trình bày làn điệu Hoshoryu[36].
– Nói đến trinh thám thì những con người của thế kỷ này, ai cũng có khuynh hướng trở thành trinh thám cả. Không hiểu tại sao nhỉ?
Đúng là Dokusen có khác. Đưa ra một nhận xét cao siêu, chẳng quan hệ gì đến thời cuộc. Kangetsu trả lời:
– Chắc là vì giá cả đắt đỏ chăng?
Tofu nói:
– Có lẽ vì không hiểu nghệ thuật chắc?
Meitei bảo:
– Đó là vì văn minh loài người đã mọc sừng, gai ngạnh và nôn nóng như kẹo Confeito[37] đấy mà!
Bây giờ đến lượt ông chủ. Ông ta bắt đầu lên giọng rất oai, thuyết một bài nghị luận:
– Cái đó thì tôi cũng đã suy nghĩ nhiều. Theo tôi, cái khuynh hướng thám tử của người đời bây giờ bắt nguồn từ lòng tự tôn cá nhân quá mạnh. Cái mà tôi gọi là lòng tự tôn cá nhân không phải là kiểu giác ngộ tôn giáo “kiến tính thành Phật”[38] hay đồng nhất cá nhân mình với trời đất như anh Dokusen nói đâu…
– Ái chà, vấn đề trở nên rắc rối, khó hiểu quá rồi. Này, Kushami, chừng nào cậu còn giễu cợt trên môi một lý luận lớn như vậy thì Meitei này cũng xin mạn phép nói thẳng ra nỗi bất bình về nền văn minh hiện nay đấy.
– Muốn nói thì cứ việc nói đi. Chả có gì để nói mà cũng ra bộ.
– Có chứ. Có rất nhiều đấy. Cậu thì hôm trước cung kính cảnh sát như thần thánh, vậy mà bây giờ lại ví trinh thám như kẻ móc túi, thật mâu thuẫn đến kỳ lạ. Còn tôi, từ trước khi cha mẹ sinh ra, tôi chưa bao giờ thay đổi lập luận của mình cả.
– Cảnh sát khác, trinh thám khác. Trước đây là trước đây, bây giờ là bây giờ. Còn kẻ không bao giờ thay đổi luận điểm của mình là chứng tỏ chẳng phát triển gì cả. “Hạ ngu bất di”, kẻ ngu xuẩn thì không bao giờ thay đổi, chính cậu là thế đấy.
– Nói thế thì gay gẳt quá. Trinh thám mà làm nghiêm chỉnh thì cũng có cái hay của nó chứ!
– Tôi là trinh thám à?
– Không phải là trinh thám, cho nên tôi nói trung thực là tốt. Thôi, đừng cãi nhau nữa, hãy nghe tiếp phần sau cuộc tranh luận lớn này đi.
– Cái gọi là “đề cao cái tôi” của người đời bây giờ chính là sự phân chia quá rạch ròi ranh giới quyền lợi giữa ta với kẻ khác. Thế rồi, cùng với sự phát triển của xã hội, “cái tôi” này ngày càng sắc bén, đi đến chỗ không còn một cử chỉ, một hành động nào còn có thể tự nhiên như nhiên nữa. Khi nhận xét về Stevenson, Henley đã từng nói “Anh ta là người không một phút giây nào có thể quên nổi mình, đến nỗi, nếu vào trong một cái phòng có gương soi, anh ta sẽ không thể chịu nổi, nếu đi qua gương mà không dừng lại để ngắm mình”. Có thể nói, chính đây cũng là xu thế của thời đại ngày nay. Ngủ cũng “tôi”, thức cũng “tôi”. Cái tôi được dán khắp mọi chỗ, khiến cho cử chỉ, lời nói của con người trở nên gò bó. Tự mình cảm thấy bức bối, cuộc sống trở nên ngột ngạt. Người ta cứ suốt ngày phải sống trong tâm trạng của đôi trai gái giữa cuộc xem mặt dạm hỏi vậy.
Những chữ như “ung dung” “thanh thản” chỉ còn xác chữ chứ không còn nghĩa nữa. Về điểm này, con người thời nay mang tính chất “thám tử”. Mang tính chất kẻ trộm nữa. Thám tử là kẻ chuyên rình mò những sơ hở của người khác để được việc cho mình,cho nên nếu không nhận thức cao về cá nhân mình thì không thể làm được. Kẻ trộm thì cũng luôn luôn không thoát khỏi nỗi ám ảnh liệu có bị phát giác, bị bắt không, nên cũng phải có ý thức cao về cá nhân. Con người ngày nay, khi ngủ, khi thức đều vắt óc suy nghĩ xem cái gì là lợi, cái gì là thiệt cho bản thân mình, nên cũng phải nâng cao ý thức về cá nhân, không thua kém thám tử hay kẻ trộm được. Suốt ngày đêm, hai mươi tư trên hai mươi tư tiếng đồng hồ, lúc nào cũng lấm la lấm lét, thì thà thì thụt, cho đến tận lúc xuống mồ cũng không được một phút giây thanh thản. Đó chính là tâm trạng những con người thời nay. Đó là sự trù úm, nguyền rủa của văn minh đấy. Thật điên rồ!
– À, ra thế đấy. Một sự phân tích rất hay.
Anh Dokusen lên tiếng. Về vấn đề này thì anh ta tỏ ra không thua kém ai, anh ta nói:
– Quan điểm của anh Kushami rất đúng ý tôi. Ngày xưa người ta dạy rằng hãy quên mình đi, còn ngày nay người ta dạy ngược lại là không được quên “cái tôi”. Suốt ngày đêm, người ta phải luôn luôn mang ý thức về cái tôi mà sống nên không có một phút nào yên bình, lúc nào cũng như đang sống trong địa ngục, nóng bỏng, sục sôi. Muốn tìm một phương thuốc hiệu nghiệm dưới gầm trời này thì không có gì tốt hơn là hãy quên “cái tôi” đi. “Tam canh nguyệt hạ nhập vô ngã”[39] chính là mô tả đúng nhất tình trạng này. Người thời nay, khi thân thiện cũng thiếu tự nhiên. Những hành vi “tốt đẹp” mà nước Anh vẫn tự hào, không ngờ lại chính là sự thể hiện cao nhất việc đề cao cái tôi.
Nhà vua Anh đi chơi Ấn Độ, cùng ăn cơm với một vị hoàng tộc nước này. Trước mặt nhà vua, vị hoàng tộc nọ cũng không để ý, cứ lấy tay nhón khoai tây bỏ vào đĩa theo tập quán của Ấn Độ, sau đó ngài xấu hổ, đỏ bừng mặt. Nhưng nhà vua Anh vẫn thản nhiên như không, cũng lấy ngón tay nhón khoai bỏ vào đĩa của mình…
– Đó là sở thích của người Anh đấy nhỉ?
Câu hỏi này của anh Kangetsu. Ông chủ nói tiếp:
– Tôi đã được nghe một câu chuyện thế này. Cũng ở một doanh trại quân đội Anh, rất nhiều sĩ quan trung đoàn tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi một hạ sĩ quan. Khi ăn xong, người ta bưng ra một bát thủy tinh đựng nước để rửa tay, nhưng vị hạ sĩ quan không biết, đã bưng bát nước uống cạn. Thế là vị sĩ quan trung đoàn trưởng đột nhiên đứng lên, chúc sức khỏe vị hạ sĩ quan nọ rồi cũng uống một hơi hết bát nước rửa tay của mình. Lập tức, những người khác cũng không chịu thua, tất cả đều nâng “bát” chúc sức khỏe vị hạ sĩ quan ấy.
Meitei, con người không thích im lặng lên tiếng:
– Còn có một chuyện thế này nữa. Khi Carlyle[40] lần đầu tiên tiếp kiến Nữ hoàng, do không quen với những thủ tục rắc rối của cung đình, lại là người hơi khác tính, ông ta đột nhiên hỏi “thế nào?” rồi ngồi phịch xuống ghế. Đông đảo quan hầu, cung tần đứng sau lưng nữ hoàng bật cười – không phải bật cười mà là suýt bật cười – thì lập tức Nữ hoàng quay lại, ra hiệu cái gì đó. Thế là mọi người đều ngồi hết xuống ghế, nhờ vậy Carlyle đã không bị mất thể diện. Quả là một sự thân thiện đầy ý tứ.
– Ai chứ ông Carlyle thì dẫu cho mọi người không ngồi, ông ta vẫn có thể thản nhiên như không.
Anh Kangetsu thử góp lời bình phẩm, Dokusen nói tiếp:
– Về phía người tỏ ra thân thiện thì thôi, cái ý thức đề cao cá nhân như thế cũng được. Ý thức về cái tôi càng cao thì việc đối xử thân thiện càng khó. Một công việc thật thảm hại. Thường thì người ta nói rằng, xã hội càng phát triển, sự sát phạt nhau càng ít đi, quan hệ con người với nhau sẽ ôn hòa, nhẹ nhõm hơn. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Một khi ý thức về “cái tôi” đã mạnh lên như vậy thì làm sao có thể ôn hòa, nhẹ nhõm được? Quả thật, nhìn thoáng qua thì thấy rất phẳng lặng, dường như chẳng có vấn đề gì đấy, nhưng thực ra thì ai cũng cảm thấy bức bối, khó chịu. Cũng giống như khi hai lực sĩ sumo nắm chắc thắt lưng nhau, bất động giữa sàn đấu, người ngoài nhìn vào thì thấy một quang cảnh rất yên ổn, nhưng thực tế, cả hai đang hết sức nín hơi, gồng mình lên, trống ngực đập thình thịch.
Lần này là thầy Meitei nói:
– Về việc tranh cãi cũng vậy. Ngày xưa, tranh chấp chủ yếu bằng vũ lực nên lại không ác độc. Còn ngày nay, tranh chấp, cãi cọ rất tinh xảo nên cái ý thức cá nhân càng phát triển cao.
– Theo như lời Bacon[41] thì “phải tuân theo sức mạnh của tự nhiên mới chiến thắng được nó”. Xem ra, bây giờ mọi sự tranh chấp, cãi cọ đều được tiến hành theo lời dạy đó, thật kỳ lạ. Giống như võ Judo, người ta tìm cách quật ngã đối phương bằng chính sức mạnh của đối phương.
– Mà cũng giống thủy điện nữa. Người ta không chống lại sức mạnh của dòng nước mà biến nó thành điện, lợi dụng nó rất tốt.
Nghe Kangetsu góp ý thêm như vậy, anh Dokusen tiếp luôn:
– Chính vì thế, khi nghèo người ta bị trói buộc vào cái nghèo, khi giàu bị trói buộc vào cái giàu, khi ưu thời, khi vui thì bị trói buộc vào cái vui, cái ưu thời. Người có tài bị đổ vỡ vì tài, người hiểu biết bị thua vì sự hiểu biết, người mang tật cáu bẳn như anh Kushami đây thì nếu có ai lợi dụng sự cáu bẳn ấy, lập tức anh ta nhảy ra ngay và rơi vào bẫy của kẻ địch.
Nghe thế, anh Meitei vỗ tay cười: “Sợ quá!”. Thầy Kushami thì vừa tủm tỉm cười vừa chống chế: “Không phải dễ dàng thế đâu!” và tất cả cùng cười ồ.
– Thế loại người như nhà Kaneda thì sẽ bị đổ vì cái gì?
– Bà vợ thì sẽ đổ bằng cái mũi, ông chồng bằng nghiệp chướng, còn bọn tay chân thì bằng việc trinh thám.
– Thế còn cô con gái?
– Cô con gái à? Cô này thì tôi chưa nhìn thấy bao giờ nên khó nói. Trước hết, có thể sẽ đổ vì mặc, vì ăn hay vì uống gì chăng? Nhưng chắc chắn không thể đổ vì tình đâu. Cá biệt, cũng có thể đổ vì sa cơ, kiểu Sotopa Komachi[42] cũng nên.
Anh Tofu, người chỉ muốn tặng thơ, lên tiếng phản đối:
– Như vậy thì hơi quá đấy.
– Cho nên lời nói “ứng vô sở trụ nhi sinh cơ tâm”[43] là lời nói rất quý giá. Con người mà chưa đạt được tới thế giới đó thì sẽ vẫn còn đau khổ.
Anh Dokusen nói rất mạnh, cứ như thể riêng một mình ta đã giác ngộ thành Phật rồi vậy.
– Đừng có mà kiêu căng thế nhé. Còn cậu thì có thể sẽ đổ chỉ vì “điện quang ảnh lý” đấy.
– Dẫu gì thì gì, xã hội mà cứ phát triển theo cái đà này thì tôi cũng chả muốn sống nữa.
Ông chủ lên tiếng. Meitei phản biện ngay lập tức:
– Thì cứ việc chết, lo gì!
– Nhưng chết lại càng không muốn.
Ông chủ ngang bướng một cách khó hiểu. Anh Kangetsu đưa ra một chân lý lạnh lùng:
– Khi sinh ra thì chẳng ai băn khoăn, lo nghĩ gì cả, nhưng khi chết thì hình như ai cũng thấy khó khăn, khổ sở lắm thì phải!
Meitei nhanh nhẹn trả lời ngay:
– Cũng giống như khi vay tiền thì mấy ai bận tâm, lo nghĩ gì đâu, nhưng lúc trả nợ thì ai cũng lo âu, khổ sở lắm.
Anh Dokusen đã thành đạt một cách siêu nhiên, nói:
– Nếu ta không cho cái chết là khổ thì sẽ hạnh phúc thôi, sẽ giống như vay tiền mà không cần phải nghĩ đến việc trả vậy.
– Nói như cậu có nghĩa là cứ lì lợm thì sẽ ngộ đạo, phải không?
– Đúng thế. Trong Thiền ngữ có câu “thiết ngưu diện, thiết ngưu tâm”[44], “ngưu thiết tâm”[45] mà!
– Thế thì chính cậu là bản mẫu điển hình của câu châm ngôn ấy đấy nhỉ?
– Cũng không phải thế. Nhưng người ta chỉ cho cái chết là khổ từ sau khi phát hiện ra căn bệnh được gọi là “suy nhược thần kinh” thôi.
– À, thì ra cậu là người nhìn từ góc độ nào cũng thuộc loại “tiền suy nhược thần kinh” nhỉ?
Trong lúc Meitei và Dokusen không ngừng công kích nhau như vậy thì ông chủ cùng với Tofu và Kangetsu hăng hái bày tỏ nỗi bất bình đối với nền vãn minh của xã hội.
– Vấn đề là ở chỗ, tại sao vay tiền không trả mà cũng được?
– Không có vấn đề ấy đâu, vay thì phải trả chứ.
– Không, đây là tranh luận mà! Hãy cứ im mà nghe đã. Giống như tại sao có thể vay tiền mà không trả cũng được, ở đây vấn đề đặt ra là tại sao có thể không chết được? Đó, nó là ở chỗ đó. Thuật luyện kim[46] chính là ở chỗ này đây. Tất cả mọi thuật luyện kim đều đã thất bại. Con người hiểu rõ ràng sẽ phải chết.
– Hiểu từ trước thuật luyện kim rồi kia.
– Được rồi, đây là tranh luận nên cứ im mà nghe. Được chưa? Khi đã hiểu rõ là sẽ phải chết thì nảy sinh vấn đề thứ hai.
– Ủa! Sao?
-Nếu nhất định phải chết thì chết như thế nào đây? Đó là vấn đề thứ hai. “Câu lạc bộ tự sát” sẽ được sinh ra như một định mệnh cùng với vấn đề thứ hai này.
– À, thế hả?
– Chết là khổ rồi, nhưng không chết được còn khổ hơn nữa. Với những công dân bị suy nhược thần kinh thì sống còn khổ hơn nhiều so với chết. Cho nên người ta cho cái chết là khổ, không phải vì không muốn chết mà vì nỗi lo phải chết thế nào cho hay đây?
Đại để thì phần đông chẳng ai có trí tuệ gì trong vấn đề này, cứ phó mặc cho tự nhiên, rồi đời sẽ hành hạ mà giết chết họ. Nhưng những kẻ nào có một chút đặc biệt gì đấy thì lại không dễ hài lòng để cho đời cứ hành hạ mình chết dần chết mòn như vậy. Họ nhất định sẽ tìm tòi, nghiên cứu, tìm cho ra bằng được những phương pháp chết và nhất định sẽ phát minh ra một phương pháp tuyệt vời, đầy ý tưởng cho mà xem. Cho nên thế giới sau này sẽ có xu thế ngày càng nhiều người tự sát, mỗi người tìm ra một phương pháp chết độc đáo của riêng mình để từ giã cuộc đời này.
– Thế thì sẽ huyên náo lắm đấy nhỉ?
– Chứ sao. Sẽ rất ồn ào, náo động. Trong kịch bản của nhà văn Arthur Jones[47] có một nhà triết học luôn luôn chủ trương tự sát…
– Rồi tự sát à?
– Đáng tiếc là không. Nhưng có lẽ sau đây một nghìn năm thì người ta sẽ làm như vậy. Còn sau một vạn năm thì khi nói “chết” sẽ chỉ có thể nghĩ đó là “tự sát” chứ không có cái chết nào khác nữa.
– Thế thì sợ quá nhỉ!
– Sợ chứ! Nhất định là thế. Như vậy, việc tự sát cũng được nghiên cứu kỹ và trở thành một môn khoa học sáng giá. Ở các trường trung học như Lạc vân quán, môn luân lý học sẽ được thay bằng môn “tự sát học” trong chương trình chính khóa.
– Sẽ kỳ lạ lắm đấy nhỉ. Tôi cũng đến muốn đi nghe giảng về môn học này mất thôi. Thầy Meitei đã nghe rõ chưa? Một luận đề trứ danh của thầy Kushami đấy.
– Nghe rõ rồi. Lúc đó thì giáo viên môn luân lý của trường Lạc vân quán sẽ giảng như thế này: Hỡi các bạn, các bạn không nên giữ khư khư những phong tục mông muội, cổ hủ từ ngày xửa ngày xưa còn tồn lại như kiểu “công đức” mà làm gì. Là những thanh niên của thế giới này, nghĩa vụ hàng đầu mà các bạn cần coi trọng là tự sát. Tuy nhiên, các bạn có thể chuyển cái sở thích của mình cho người khác cũng được. Các bạn có thể phát triển việc tự sát thêm một bước thành tha sát[48]. Đặc biệt, với những nhà giáo kiết xác như Kushami ở nhà phía trước kia, trông hắn sống có vẻ rất khổ sở đau đớn nên nghĩa vụ của các bạn là phải làm thế nào giết hắn đi càng sớm càng tốt. Vả lại, xã hội ngày nay đã phát triển khác xưa, chúng ta không được sử dụng những phương tiện của những cách làm hèn hạ như dao kiếm giáo mác… mà chỉ nên dùng những kỹ thuật cao sang như mỉa mai, cạnh khóe, phỉ báng, giễu cợt… mà giết thôi. Làm như vậy là mang lại phúc đức cho bản thân người đó và vinh dự cho các bạn…
– Ồ, bài giảng hay quá nhỉ.
– Còn cái này nữa cũng rất hay. Hiện nay, nhiệm vụ và mục đích đầu tiên của cảnh sát là bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Nhưng đến khi đó, cảnh sát sẽ có nhiệm vụ phải cầm gậy đập chết các công dân trên đời này như giết chó vậy.
– Tại sao lại thế?
– Tại sao ư? Bởi vì là ngày nay con người coi trọng tính mạng nên dùng cảnh sát để bảo vệ tính mạng. Còn khi đó, phải sống đối với họ là một nỗi cực khổ. Do đó, vì lòng từ bi mà cảnh sát phải giúp cho họ chết được. Vả lại, những người nào có một chút năng lực thì đều đã tự sát cả rồi. Còn lại những người mà phải chờ đến cảnh sát đập cho mới chết được thì chỉ là những người không có ý chí, không đủ năng lực tự sát, là những người mất trí, ngớ ngẩn hay tàn phế… thôi. Thế là, những ai có yêu cầu cần được giết thì dán giấy trước cửa nhà, chỉ cần viết vào đó và dán lên rằng có thằng nào con nào đó muốn được giết, thế là cảnh sát sẽ chọn thời điểm thích hợp, đến giải quyết giúp ngay theo nguyện vọng. Còn xác chết thì sao? Xác chết cũng sẽ được cảnh sát kéo xe đi lượm lặt. Và còn nhiều chuyện hay khác nữa…
Anh Tofu nhiệt thành khen:
– Đúng là chuyện vui đùa của thầy thì chẳng bao giờ hết nhỉ!
Nghe thế, anh Dokusen vừa chăm chút bộ râu dê vừa chậm rãi trình bày ý kiến:
– Nếu cho là chuyện đùa tếu thì nó là chuyện đùa tếu, nhưng nếu cho là tiên tri thì cũng có thể đó là tiên tri. Những kẻ không theo đuổi chân lý đến cùng thì thường hay bị những cái trước mắt ràng buộc, thích coi những mộng ảo mong manh là sự thực vĩnh cửu. Vì vậy, hễ ai nói cái gì xa xôi một chút thì lại coi đó là chuyện đùa.
– Chim ri chim sẻ thì không thể hiểu được ý chí của đại bàng mà!
Nghe Kangetsu “thán phục” như vậy, Dokusen vẫn tiếp tục nói, như vẻ muốn bảo “đúng vậy đấy!”:
– Ngày xưa ở Tây Ban Nha có một nơi gọi là Córdoba[49]…
– Thế bây giờ không còn nữa à?
– Có thể là vẫn còn. Xưa hay nay thì thế nào cũng được. Có điều là, ở đó có phong tục quy định cứ mỗi chiều, khi chuông chùa cất lên thì tất cả đàn bà con gái mọi nhà phải ra sông tắm.
– Mùa đông cũng tắm à?
– Cái đó thì quả thật tôi không biết, chỉ biết là tất cả phụ nữ, không kể già trẻ sang hèn, ai cũng phải xuống sông bơi. Đàn ông thì không ai được lẫn vào trong đó, chỉ được phép nhìn từ xa. Đứng từ xa mà nhìn thì sẽ thấy trên làn nước chiều tối nhập nhoạng, những thân thể trắng nõn cứ động cựa, ngọ ngoạy, rất mông lung, kỳ ảo.
Anh Tofu cứ nghe nói đến cảnh khỏa thân là hăng hái, hỏi:
– Thơ mộng quá nhỉ, có thể viết thành thơ mới được đấy. Nơi đó gọi là gì nhỉ?
– Là Córdoba. Bọn trai tráng ở đó không được phép bơi chung với phụ nữ đã đành, ngay cả đứng từ xa mà nhìn cũng không được nhìn cho rõ thì rất tiếc, bèn nghĩ ra trò quậy phá.
Nghe nói đến quậy phá, lập tức anh Meitei thích thú, hỏi:
– Ôi, nghĩ ra trò gì vậy?
– Họ hối lộ cho người gác chuông nhà chùa. Thay vì khi mặt trời lặn của đánh chuông thì người này đánh sớm hơn khoảng một tiếng đồng hồ. Bọn đàn bà nông nổi, nghe tiếng chuông là vội chạy ra sông, người quần đùi, người xi líp, nhảy ùm ùm xuống nước. Nhảy xuống rồi, nhưng khác với mọi khi, mặt trời vẫn chưa lặn.
– Ánh nắng thu gay gắt lại vẫn chiếu chang chang, phải không?
– Nhìn lên trên cầu thấy bao nhiêu đàn ông đang đứng ngắm, họ xấu hổ quá nhưng không biết làm thế nào, chỉ đỏ bừng cả mặt.
– Thế rồi sao?
– Rồi sao ư? Nghĩa là con người ta chỉ hay bị mù quáng với những thói quen trước mắt mà quên đi những nguyên lý cơ bản như vậy đấy. Cho nên cần phải cẩn thận.
– À, thì ra là thế đấy! Một bài lên lớp thật là quý hóa. Tôi cũng có một câu chuyện về việc người ta dễ bị những cái trước mắt làm cho điên đảo đấy. Vừa rồi tôi đọc trên tạp chí, thấy có một vụ lừa đảo như thế này: Giả sử tôi mở một cửa hàng mua bán tranh ảnh, thư tịch cổ. Trong cửa hàng bày bán những bức trướng của những đại gia, những đồ dùng của những danh nhân.v.v… Tất nhiên không phải là đồ giả mà toàn là đồ chính trực, chính danh, không hề giả dối, làm dởm chút nào cả. Là đồ thật nên tất nhiên giá rất cao. Thế là có một vị khách ham chuộng đồ cổ đến cửa hàng, ông ta hỏi cái bức trướng Motonobu[50] này giá bao nhiêu? Giá bức trướng là 600 yên nên tôi nói đúng giá 600 yên. Vị khách bảo tôi rất muốn mua nhưng hiện nay không đủ tiền, để tôi xem có cách nào không đã.
– Vị khách nói thế rồi thôi à?
Ông chủ hỏi cứ như là chuyên thật. Meitei vẫn tỉnh khô, nói tiếp:
– Cứ chờ đã, đây là tiểu thuyết mà. Vị khách nói như vậy, tôi liền bảo tiền không thành vấn đề, ông thích thì cứ lấy đi. Vị khách vẫn do dự, nói là như vậy thì không tiện, thế thì tôi xin trả dần hàng tháng vậy. Tôi bảo trả dài hạn từng ít một cũng được. Đằng nào thì cũng giúp cho tôi mà, ông đừng ngại gì cả. Thế nào? Chỉ cần mỗi tháng ông trả 10 yên hay 5 yên cũng được. Tôi nói nhẹ tênh như vậy rồi tôi và ông khách trao đổi thêm vài ba câu và cuối cùng tôi đã bán bức trướng của họa sĩ Konohogen Motonobu với giá 600 yên. Có điều là trả dần mỗi tháng 10 yên.
– Nghe giống như đã đọc trong “bách khoa toàn thư” của báo The Time ấy nhỉ?
– The Time thì đúng rồi, nhưng đây là chuyện của tôi hoàn toàn, không phải thật. Từ bây giờ mới đi vào phần hư cấu kỳ diệu của nó đây. Xin mời quý vị nghe cho rõ. Mỗi tháng 10 yên mà 600 yên thì trả trong bao lâu sẽ hết hả anh Kangetsu?
– Tất nhiên là năm năm rồi!
– Tất nhiên là năm năm. Vậy năm năm là dài hay ngắn hả anh Dokusen?
– Một “nen” là vạn “nen”, vạn “nen” là một “nen”[51]. Cũng ngắn mà cũng không ngắn.
– Cái gì vậy? Đạo ca à? Một bản đạo ca thật là ngược đời quá nhỉ! Thế là trong năm năm, cứ mỗi tháng trả 10 yên, anh ta phải trả 60 lần thì sẽ xong hết. Song, thói quen thật là dễ sợ! Cứ hàng tháng lặp đi lặp lại một việc giống hệt như nhau qua 60 lần thì đến lần thứ 61 người ta vẫn cảm thấy muốn trả tiếp 10 yên nữa. Lần thứ 62 cũng vậy. Rồi đến lần thứ 63, 64… cứ thế, đến kỳ hạn mà không đi trả 10 yên thì thấy không yên. Con người ta có vẻ rất khôn ngoan song lại có một điểm rất yếu là bị thói quen thao túng, làm cho quên đi cái cơ bản. Lợi dụng điểm yếu đó, tôi có thể kiếm thêm mấy lần 10 yên nữa cũng được.
– Ha ha… làm gì có chuyện quên đến mức ấy cơ chứ?
Anh Kangetsu cười, nói như vậy. Lập tức ông chủ nghiêm túc công bố một việc xấu hổ của mình, như là một nỗi xấu hổ chung của mọi con người, như sau:
– Không. Có đấy. Tôi cũng đã từng không tính toán gì cả, cứ hàng tháng trả nợ cho nhà trường, cuối cùng nhà trường phải từ chối, không nhận nữa đấy.
– Đó thấy chưa? Có một người như vậy tồn tại ở đây, nên chuyện này là có thực mà. Cho nên những ai mà lúc nãy, khi nghe tôi phác họa về tương lai phát triển của xã hội, đã cười giễu, cho là chuyện đùa tếu thì chính họ sẽ cho việc tiếp tục trả suốt đời món nợ 60 lần hàng tháng là chính đáng đấy. Ở đây mong những người còn trẻ như anh Kangetsu, anh Tofu hãy lưu ý những điều tôi đã nói để khỏi bị đánh lừa nhé.
– Vâng. Rõ rồi ạ! Tôi sẽ xin chỉ trả 60 lần thôi ạ!
Dokusen quay sang nói với Kangetsu:
– Không, chuyện này nghe có vẻ như đùa nhưng thực ra rất đáng để tham khảo đấy anh Kangetsu ạ! Nói ví dụ thôi nhé, giả sử bây giờ anh Kushami hay anh Meitei bảo anh là anh lấy vợ quá đường đột, bất ngờ như vậy là sai, anh phải xin lỗi cái nhà Kaneda nào đó đi thì anh sẽ làm thế nào? Anh có định xin lỗi không?
– Việc xin lỗi thì tôi xin phép được bảo lưu. Nếu phía bên kia muốn xin lỗi tôi thì là chuyện khác. Còn tôi thì không có nguyện vọng như vậy.
– Nếu cảnh sát bắt anh phải xin lỗi thì sao?
– Tôi lại càng không làm.
– Thế nếu một vị bộ trưởng hay một nhà quý tộc nào đó ra lệnh thì thế nào?
– Tôi lại càng từ chối mạnh hơn.
– Đó, thấy chưa? Trước kia và ngày nay, con người ta đã thay đổi như thế đấy. Trước kia là thời đại dùng uy danh của bề trên thì muốn làm cái gì cũng được theo ý. Rồi sau đó là đến thời đại, dùng uy danh của bề trên cũng có cái không thể được như ý muốn nữa. Còn bây giờ thì dù cho có là ông hoàng hay ông lớn đến mấy cũng không thể phỉ báng nhân cách một cá nhân ai quá mức độ cho phép. Nói một cách nghiêm khắc hơn thì, nếu đối phương càng là người có quyền thế, người bị xúc phạm sẽ càng phản kháng quyết liệt hơn, do lòng tức tối. Cho nên bây giờ cuộc đời đã khác ngày xưa, đã xuất hiện những hiện tượng mới kiểu như “do uy danh của bề trên nên cái đó không thể được”. Xã hội bây giờ là xã hội mà tất cả những thứ ngày xưa tưởng chừng như không thể nghĩ tới đã trở thành đạo lý. Thế thái nhân tình đổi thay một cách kỳ lạ. Cho nên cái bức phác họa về thế giới trong tương lai của anh Meitei vừa rồi, nếu cho là đùa thì cũng chỉ là đùa, nhưng nếu nghiền ngẫm kỹ những thông tin của nó mách bảo thì cũng có nhiều điều lý thú lắm đấy.
– Ôi, nếu có một người hiểu được tôi như vậy thì tôi lại càng muốn tiếp tục trình bày bức phác họa về tương lai đây. Cũng như ý kiến của anh Dokusen, đời bây giờ mà lại muốn núp dưới ô dù uy danh của bề trên, dựa vào mấy trăm thanh gươm tre để đạt được mục đích một cách vô lý thì chẳng khác nào như người ngồi trên võng cáng mà cứ đòi chạy thi và chiến thắng xe lửa, là những đồ ngang bướng lỗi thời – chà, là cái loại cỡ đầu sỏ của bọn ngang ngược, là bậc thầy của bọn cho vay nặng lãi gì đấy – Thôi, cứ ngồi im mà nghe là được rồi. Bức ký họa của tôi không phải là vấn đề nhỏ, ứng với những chi tiết vụn vặt ấy. Đây là vấn đề xã hội, liên quan đến vận mệnh của tất cả loài người cơ! Cứ quan sát khuynh hướng phát triển của xã hội trước mắt mà đoán quẻ cho xu thế của tương lai thì sẽ thấy trong tương lai, việc kết hôn là không thể thực hiện được. Các vị cứ việc sửng sốt nhưng chuyện kết hôn là không thể có. Lý do là thế này:
Như lúc trước tôi đã nói, thời đại ngày nay là thời đại lấy cái tôi làm trung tâm. Trong cái thời ông chồng là người chủ đại diện cho gia đình, vị quan đứng đầu thay mặt cho một vùng, vị lãnh chúa thay mặt cho một bang thì ngoài người đại diện đó ra, những người khác hầu như không còn tư cách làm người, không còn được coi là người nữa. Có tư cách cũng không được công nhận. Từ chỗ như vậy, quay ngoắt một cái, tất cả mọi cá nhân đều có ý thức về mình, tuyên bố với bất kỳ ai rằng “anh là anh, tôi là tôi”. Hai con người ngẫu nhiên gặp nhau giữa đường cũng lướt qua nhau với nỗi chành chọe “mày là người thì tao đây cũng là người, biết không?”. Cái tôi nó mạnh đến thế đấy. Mỗi cá nhân mạnh lên ngang nhau nên cũng yếu đi ngang nhau. Khi người khác không thể xâm hại được mình thì đúng là mình đã mạnh lên. Nhưng chẳng bao giờ mình có thể đưa tay chạm đến người khác thì thật là con người đã yếu đi rõ ràng so với ngày xưa rồi. Mạnh lên thì vui rồi, nhưng yếu đi thì cũng không ai thích. Do vậy người ta vừa cố giữ cái điểm mạnh là không cho phép ai động đến chân lông mình, vừa muốn phát triển cái điểm yếu là thích động đến dù là nửa cái chân lông của người khác. Cứ như thế, giữa con người với con người không còn không gian, cuộc sống trở nên ngột ngạt. Người ta cố hết sức căng mình lên đến nổ ra, bục ra và lúc nào cũng tồn tại một cách khổ sở. Vì khốn khổ như vậy, người ta lại bằng mọi cách, muốn tìm kiếm sự thanh thản giữa cá nhân với cá nhân. Con người tự làm khổ mình như vậy và cuối cùng một phương án do cái khổ tột cùng ấy tìm ra là quy định cha mẹ, con cái phải sống tách ra.
Ở Nhật Bản cũng vậy. Cứ thử về miền núi mà xem, cả một nhà, một họ, nằm ngổn ngang dưới một mái nhà, chẳng cần phải có cái cá nhân, mà có cần cũng không ai đòi hỏi, cứ thế là được rồi. Nhưng với dân “văn minh” thì lại khác. Ngay giữa cha mẹ với con cái, nếu không cố trương “cái tôi” ra thì thấy thiệt thòi, nên phải sống riêng ra để đảm bảo an toàn cho “cái tôi” mạnh mẽ ấy.
Xã hội phương Tây văn minh cao nên chế độ này đươc áp dụng sớm hơn Nhật Bản. Hãn hữu có trường hợp cha mẹ, con cái sống chung nhà thì con phải trả tiền cho bố hoặc tính như tiền nợ, phải trả cả lãi. Chính vì cha mẹ công nhận và tôn trọng quyền tự do cá nhân của con cái nên của có được phong tục đẹp như vậy. Mỹ tục này, sớm muộn rồi cũng được du nhập vào Nhật Bản. Rồi họ hàng thân thích thì xa cách hẳn, cha con cũng cách xa, cuối cùng thì “cái tôi” – giống như một sự chịu đựng – được thả sức phát triển. Càng phát triển càng được tôn sùng, cho nên chỉ còn cách là tách xa nhau ra hơn.
Nhưng một khi cha con, anh em đã lìa xa nhau rồi, chẳng còn gì để mà tách lìa nữa thì đến lượt vợ chồng phải tách xa nhau ra. Theo cách nghĩ của thời nay thì vì hai người đó sống chung với nhau nên họ là vợ chồng. Nghĩ như vậy là nhầm to. Muốn sống chung với nhau thì cái cá nhân sống chung ấy cũng phải hòa hợp với nhau chứ!? Trước đây không ai thắc mắc gì điều đó. Người ta nói “dị thể đồng tâm”[52], nhìn bề ngoài thì vợ chồng là hai con người nhưng thực tế chỉ là một. Vì thế mới nói vợ chồng là “giai lão đồng huyệt”[53]. Như vậy là man di mọi rợ.
Ngày nay không thể như thế được, bởi vì chồng mãi mãi vẫn là chồng còn vợ dù thế nào cũng vẫn là vợ. Những bà vợ đó, từ khi đi học trung học đã mặc quần ống chẽn, rèn luyện tính cách kiên cường, tóc tết và búi cao nên không thể làm theo ý các ông chồng được. Vả lại, nếu có bà vợ nào lại theo ý chồng thì không phải là vợ nữa, chỉ là một con búp bê thôi. Càng những người vợ lý tưởng càng có cá tính mạnh mẽ. Cá tính càng phát triển thì càng không hòa hợp được với chồng nữa. Không hòa hợp được thì đương nhiên là xung khắc. Do vậy, một khi đã là “hiền thê” thì suốt ngày xung khắc với chồng. Thật là thôi rồi, càng lấy được vợ giỏi bao nhiêu thì cả hai cùng khổ bấy nhiêu.
Giữa vợ chồng có ranh giới rõ rệt như dầu với nước. Nếu giữ được ranh giới ấy nằm yên trên mặt phẳng thì không sao. Nhưng cả hai bên dầu và nước luôn tác động vào nhau theo chiều thẳng đứng nên trong nhà lúc nào cũng tròng trành như động đất. Từ đó, con người hiểu ra rằng vợ chồng ở chung với nhau là cùng thiệt thòi.
Anh Kangetsu nói:
– Thế là vợ chồng phải chia tay nhau à? Lo quá nhỉ!
– Chia tay. Nhất định là chia tay. Tất cả các cặp vợ chồng trên đời đều bỏ nhau. Từ trước đến nay, những cặp sống chung với nhau thì là vợ chồng nhưng từ nay trở đi, những cặp sống chung với nhau không được nhìn nhận là vợ chồng nữa.
Thấy nguy cấp, anh Kangestu vội thố lộ nỗi lòng:
– Vậy thì trường hợp của tôi sẽ bị liệt vào loại cặp vợ chồng không đủ tư cách nhỉ?
– Được sinh ra trong thời đại Minh Trị là một may mắn. Tôi mới chỉ phác họa bức tranh tương lai, nhưng đầu óc tôi thì đã đi trước thời đại một vài bước, cho nên ngay từ bây giờ tôi đã quyết định là sẽ ở vậy suốt đời. Rồi có thể người đời sẽ làm ầm ĩ lên rằng đó là vì tôi bị thất tình nọ kia đấy. Tầm nhìn của những kẻ thiển cận thật là nông cạn đến thảm hại! Thôi, hãy cứ tiếp tục phác họa bức tranh tương lai đã. Đen lúc đó thì sẽ có một triết gia giáng thế, đề xướng một chân lý động trời như thế này:
“Con người là một động vật có cá tính. Tiêu diệt cá tính có nghĩa là tiêu diệt loài người. Để đảm bảo đúng ý nghĩa ‘con người’ thì dù phải trả bất kỳ giá nào, cũng phải giữ cho được và làm phát triển ‘cá tính’ lên. Ràng buộc vào những thủ tục lỗi thời, không thích mà cũng cứ kết hôn là phong tục mọi rợ, là phản lại khuynh hướng tự nhiên của con người. Trong thời đại mông muội, cá tính chưa phát triển, thì thế nào không biết, nhưng trong thời đại văn minh ngày nay mà vẫn rơi vào sai lầm này, vẫn bỏ qua không xem lại thì rất mù quáng. Trong thời đại ngày nay, văn minh đã đạt tới đỉnh cao, không có lý do gì mà hai cá tính lại có thể thân mật trên mức bình thường được, lại cần phải liên kết với nhau cả. Mà dẫu rằng có cái lý do dễ coi này đi chăng nữa, việc hai người khác giới vô giáo dục, vì ham muốn nhục cảm nhất thời mà đi làm lễ kết hôn vớ vẩn thì hành vi đó là phản đạo đức, thiếu luân lý. Vì văn minh, vì nhân đạo, vì bảo vệ cá tính cho những nam nữ thanh niên ấy, chúng ta cần dốc toàn lực chống lại tập quán man rợ này…”
Đến đây, anh Tofu vỗ mạnh tay vào đầu gối, nói giọng kiên quyết:
– Thưa tiên sinh, tôi hoàn toàn phản đối học thuyết đó. Theo suy nghĩ của tôi, trên đời này, nếu hỏi cái gì là cao quý thì không có gì hơn là tình yêu và cái đẹp. Chính nhờ hai cái đó mà chúng ta được an ủi, được hoàn thiện và hạnh phúc. Nhờ có hai thứ này mà tình cảm con người chúng ta trở nên tốt đẹp, tính cao thượng và lòng tốt được nuôi dưỡng. Chính vì vậy mà dù sinh ra ở bất kỳ đâu, trong thời đại nào, con người cũng không thể quên hai cái này. Khi hai thứ này xuất hiện trên thế giới hiện thực thì tình yêu trở thành quan hệ vợ chồng, còn cái đẹp thì chia ra thành thơ ca và âm nhạc. Vì vậy, dù thế nào thì thế, chừng nào con người còn tồn tại trên trái đất này thì quan hệ vợ chồng và nghệ thuật nhất định không thể mất đi được.
– Không mất đi cũng được. Nhưng bây giờ, theo như nhà triết học này nói thì nhất định sẽ không còn nữa, đành phải thế thôi. Hãy chấp nhận đi. Nghệ thuật ư? Nghệ thuật thì cũng theo số phận như “vợ chồng” thôi. Cá tính phát triển có nghĩa là tự do cá nhân phát triển chứ gì? Mà tự do cá nhân có nghĩa là ta là ta, mày là mày, đúng không nào? Vậy thì làm gì có lý do để nghệ thuật tồn tại nữa? Nghệ thuật sở dĩ phát triển phồn thịnh là nhờ sự nhất trí giữa cái tôi của nhà sáng tác với cái tôi của người thưởng thức, có đúng không? Như cậu, dù có cố gắng để trở thành một nhà thơ mới đến đâu mà giả sử không có một người nào thích đọc thơ của cậu thì tội nghiệp thật đấy, nhưng sẽ chẳng có ai đọc thơ của cậu ngoài cậu đâu. Dù cậu có sáng tác bao nhiêu khúc Uyên ương ca cũng chẳng để làm gì. May mà cậu sinh ra trong thời đại Minh Trị này nên thơ của cậu có thể cũng được thiên hạ mến mộ đấy…
– Không, không đến nỗi như vậy đâu.
– Bây giờ thì chưa đến nỗi, nhưng trong tương lai, khi văn minh loài người đã phát triển, tức là khi triết gia lớn này xuất hiện và đưa ra học thuyết “phi kết hôn” này thì sẽ chẳng còn ai đọc thơ của cậu đâu. Không đọc không phải vì nó là thơ của cậu mà là vì ai ai cũng đều có cái cá tính đặc biệt của mình nên thơ văn của người khác sáng tác không hề có hay ho gì cả. Thực ra, hiện nay ở nước Anh gì đó cũng đã xuất hiện khuynh hướng này. Hãy cứ nhìn những nhà văn Anh như Henry James hay George Meredith[54] mà xem, họ là những nhà văn thể hiện cá tính rất rõ trong tác phẩm nên rất ít độc giả đấy thôi. Ít là đúng thôi. Bởi vì với những tác phẩm như vậy, nếu là người không cùng cá tính thì đọc chẳng thấy hay, biết làm thế nào được. Khuynh hướng này cứ phát triển dần, đến khi hôn nhân trở thành phi đạo đức thì nghệ thuật cũng hoàn toàn diệt vong. Có đúng thế không nào? Khi mà những thứ các anh viết ra tôi không hiểu nữa thì giữa các anh và tôi chẳng còn nghệ thuật hay cóc khô gì nữa cả.
– Nếu thế thì đúng là như vậy thật. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thể tin được cái đó bằng “trực giác”[55] của mình.
– Cậu không tin theo “trực giác” thì tôi tin theo “khúc giác”[56].
Lần này anh Dokusen lên tiếng:
– Cũng có thể đó là theo khúc giác cũng nên.
– Dẫu gì thì gì, quả đúng là, khi con người càng đề cao tự do cá nhân thì giữa con người với con người càng trở nên gò bó, ngột ngạt. Những siêu nhân siêu nhiếc mà Nietzsche[57] đưa ra, tất cả cũng hoàn toàn do sự bức bách này đã lên đến mức tột cùng, không còn phương cách nào nữa nên nó biến dạng mà thành triết học đó thôi. Nhìn thoáng qua thì tưởng đó là lý tưởng của anh ta, nhưng thực ra không phải lý tưởng gì đâu mà chỉ là sự bất bình. Anh ta sống co ro giữa thế kỷ 19 đầy cá nhân chủ nghĩa, không còn đặt được lòng mình vào người xung quanh, chẳng mấy khi dám cựa mình, nên đâm ra điên tiết, lên cơn đập phá lung tung. Đọc những thứ đó, người ta cảm thấy đáng thương hơn là khoái chí. Dứt khoát đó không phải là tiếng kêu dũng mãnh, sáng suốt tiến lên mà chỉ là tiếng kêu rên oán hận, đau buồn. Cái đó có nguyên nhân của nó. Ngày xưa hễ có ai tài giỏi thì lập tức thiên hạ xúm vào, tập trung dưới ngọn cờ của người đó nên rất sướng. Cái sướng này, nếu đã có trên thực tế, thì chả cần gì phải tốn công lao, giấy mực mà thể hiện nó trên giấy như Nietzsche nữa.
Cho nên, Homerus hay Chevy Chase cũng đã từng miêu tả tính siêu nhân nhưng cảm giác khác hẳn. Nó vui vẻ hơn, nó được viết một cách phấn khởi, lạc quan, bởi vì có sự thật vui vẻ như vậy và người ta chỉ đưa sự thật này lên trang viết nên nó không có vị đắng. Thời đại của Nietzsche không được như vậy. Chẳng có một người anh hùng nào xuất hiện, mà có xuất hiện thì cũng chẳng được ai tôn là anh hùng. Ngày xưa chỉ có một mình Khổng Tử nên ông ta ảnh hưởng rất rộng. Nhưng bây giờ có nhiều Khổng Tử. Có khi, tuốt tuồn tuột, tất cả bàn dân thiên hạ đều là Khổng Tử cũng nên. Cho nên, trong trường hợp này, có vênh váo, ra oai “ta đây là Khổng Tử” thì cũng chẳng oai được với ai. Không oai được thì đâm ra hậm hực. Hậm hực nên mới vung vãi cái siêu nhân, cái anh hùng lên sách vở.
Chúng ta mong muốn tự do và đạt được tự do. Đạt được rồi lại thấy mất tự do vì cái thành quả ấy. Thế mới khó. Cho nên, cái văn minh phương Tây, nhìn bề ngoài thì hay đấy nhưng chính là cái hỏng. Ngược lại, ở phương Đông, từ ngày xưa người ta đã tu tâm. Cái đó rất đúng. Cứ nhìn mà xem, cái tôi phát triển, dẫn đến tất cả đều bị suy nhược thần kinh. Khi hết phương cứu chữa rồi, thì người ta mới thấy được giá trị câu “làm thần dân của vua thật nhàn hạ”. Bởi vì người ta đã hiểu ra rằng không thể coi thường lời dạy “không cần làm gì, cứ để dân chúng tự cảm hóa”[58]. Có điều khi ngộ được thì đã muộn. Cũng giống như một kẻ khi đã nghiện rượu nặng rồi mới kêu “Trời ơi, giá mà tôi đừng có uống rượu như thế thì hay biết bao”.
Anh Kangetsu nói:
– Các thầy đưa ra toàn những thuyết có vẻ chán đời quá nhỉ? Vậy mà kỳ lạ thật, không hiểu sao tôi nghe các thầy nói bao nhiêu mà chẳng cảm thấy gì cả. Thế là thế nào nhỉ?
– Đó là vì anh đã có vợ rồi đấy.
Meitei giải thích ngay. Thế là ông chủ đột nhiên nói:
– Có vợ rồi mà nghĩ đàn bà là tốt thì rất sai lầm. Tôi sẽ đọc cho các cậu nghe cái này rất hay để các cậu tham khảo. Hãy chú ý nghe đây.
Nói rồi ông ta giơ ra một quyển sách cũ, vừa mang từ phòng sách ra, bảo:
– Quyển sách này cũ rồi nhưng viết rất rõ về những cái xấu của phụ nữ thời nay.
Anh Kangetsu hỏi:
– Kinh quá nhỉ! Sách từ thời nào vậy?
– Tác giả là Thomas Nashe thế kỷ 16.
– Lại càng kinh nữa. Thời đó mà đã có người nói xấu vợ tôi rồi cơ à?
– Nói xấu nhiều phụ nữ, trong đó nhất định có cả vợ cậu, cứ im mà nghe.
– Vâng, em sẽ nghe. Thật may quá!
– Đầu tiên sách viết là “cần giới thiệu các nhà hiền triết xưa nay đã nhận xét về phụ nữ như thế nào?”. Thế nào, các anh có nghe không đấy?
– Tất cả đều đang nghe đây, ngay cả người chưa có vợ như tôi cũng nghe cơ mà.
– Aristotle nói rằng tất cả phụ nữ đều hỏng hết. Nếu phải lấy vợ thì nên chọn người vợ nhỏ con, tốt hơn là người to con. Cái hỏng nhỏ thì ít tai hại hơn cái hỏng to…
– Vợ anh Kangetsu to hay nhỏ?
– Thuộc loại hư hỏng lớn chứ hả?
– Ha ha… sách này hay đấy nhỉ. Đọc tiếp đi.
– Một người hỏi “thế nào, cái kỳ tích lớn nhất này là thế nào?” Nhà hiền giả trả lời “là trinh phụ”…
– Hiền giả là ai vậy?
– Không thấy viết tên.
– Nhất định đó là một hiền giả đã bị người yêu bỏ rồi!
– Sau đó đến Diogenes. Một người hỏi lấy vợ thì cần lấy vào lúc nào? Diogenes trả lời tuổi đang còn trẻ thì chưa được, tuổi già thì đã muộn.
– Tiên sinh ấy ngồi trong chum[59] mà nghĩ như vậy chắc?
– Pythagoras nói rằng trên đời có ba thứ đáng sợ, đó là lửa, nước và đàn bà.
– Các triết gia Hy Lạp nói toàn những điều không đúng sự thực. Tôi thì tôi nói rằng trên đời chẳng có gì đáng sợ cả. Nhảy vào lửa cũng không cháy, nhảy xuống nước cũng không chết đuối…
Anh Dokusen chỉ nói được tới đó thì hơi bí. Meitei đã cứu nguy cho anh ta:
– Gặp đàn bà cũng không xiêu lòng chứ gì?
Ông chủ lại đọc tiếp ngay:
– Socrates nói rằng điều khiển đàn bà con gái là việc khó nhất của nhân loại. Demosthenes nói rằng nếu muốn làm khốn khó kẻ thù thì không có gì đắc sách hơn là tặng cho nó bọn đàn bà con gái của mình. Làm như vậy là đẩy hắn ta rơi vào tình trạng gia đình ngày đêm sóng gió, không yên, hắn sẽ mệt mỏi không thể đứng lên được nữa. Seneca nói rằng phụ nữ và sự vô học là hai thứ tai ương của thế giới. Marcus Aurelius ví việc điều khiển phụ nữ như điều khiển tàu thuyền. Plautus cho rằng đàn bà có thói xấu là trang điểm để giấu đi những cái xấu bẩm sinh. Valerius ngày xưa viết thư cho bạn, khuyên rằng trên đời này nếu phải chịu đựng phụ nữ thì không thể làm được gì cả. Mong sao ông trời rủ lòng thương, cứu cho cậu khỏi rơi vào cạm bẫy ấy. Ông ta còn nói rằng phụ nữ là cái gì? Chẳng qua chỉ là kẻ thù của tình bạn thân thiết, là nỗi khổ không tránh khỏi, là tai họa tất nhiên, là sự quyến rũ của tự nhiên, là chất độc ngọt như mật… Nếu từ bỏ phụ nữ là thiếu đạo đức thì không từ bỏ họ còn đáng trách hơn.
– Thôi đủ rồi, thưa thầy. Nghe nói xấu vợ bằng ấy thì không còn gì để nói nữa rồi.
– Vẫn còn bốn, năm trang nữa, có nghe tiếp không?
– Thôi, đại để như vậy là đủ rồi. Sắp đến giờ phu nhân về rồi đấy còn gì?
Thầy Meitei vừa nói đùa như vậy thì từ phòng nghỉ có tiếng bà chủ gọi cô sen:
– Ki-yô ơi, Ki-yô!
– Chết rồi, bà chủ vẫn ở nhà đấy chứ ông?
Ông chủ cười:
– Ha ha… sợ gì!
– Bà chủ ơi bà chủ, bà về lúc nào vậy?
Phòng nghỉ vẫn lặng tanh, không có tiếng trả lời.
– Bà chủ ơi, vừa rồi bà đã nghe hết rồi phải không?
Vẫn không có tiếng trả lời.
– Đó không phải là ý nghĩ của ông chủ đâu mà là học thuyết của ông Nashe thế kỷ 16 đấy, bà đừng lo.
– Tôi không biết.
Bà chủ trả lời gọn lỏn từ đằng xa. Anh Kangetsu cười khúc khích.
– Tôi cũng không biết đâu. Xin lỗi nhé. Ha ha ha…
Trong lúc Meitei cười thoải mái, không cần e dè gì như vậy thì nghe có tiếng cổng mở rất mạnh, chẳng có tiếng gọi “xin lỗi, xin làm phiền” mà chỉ nghe thấy tiếng bước chân đi rầm rầm, rồi tấm cửa lùa phòng khách mở xoạch ra. Anh Tatara Sanpei ló mặt ra sau cánh cửa.
Anh Sanpei lúc này trông không giống mọi khi, anh mặc bộ vét đuôi tôm mới cứng bên ngoài áo sơ mi trắng bong, làm hội trường tưng bừng thêm đến mấy chục phần trăm. Tay phải anh xách bốn chai bia, vẻ nặng nề. Anh đặt bia xuống cạnh những con cá trích khô, chẳng chào hỏi ai, chỉ nói bâng quơ “thế nào” rồi ngồi bệt ngay xuống, rất thoải mái, điệu đà như một võ sĩ.
– Bệnh dạ dày của thầy dạo này thế nào? Cứ ở trong nhà suốt ngày thế này không được đâu.
– Vẫn chẳng sao cả.
– Không sao nhưng mà trông sắc mặt thầy xấu lắm. Trông mặt thầy rất vàng. Dạo này, em đi câu hay lắm! Thuê một cái thuyền trên Sinagawa. Chủ nhật tuần trước, em vừa mới đi về.
– Cậu câu được cái gì?
– Không câu được gì cả.
– Không câu được gì mà cũng thích à?
– Để bồi dưỡng cho lòng thanh thản mà thầy. Các anh thế nào, đã đi câu bao giờ chưa? Rất thú vị đấy. Ngồi trên một con thuyền nhỏ mà đi dạo trên biển lớn.
Anh ta bắt chuyện không từ một ai. Meitei tiếp anh ta:
– Tôi thì lại thích ngồi trên con thuyền lớn đi dạo trên biển nhỏ kia.
Kangetsu tiếp lời:
– Đã đi câu thì phải câu được cá voi hay người cá chứ không thì chán lắm.
– Lại có thể câu được cả những thứ ấy cơ à? Đúng là học giả nhà văn có khác, chẳng có tri thức thông thường gì nhỉ?
– Tôi không phải là học giả văn học.
– Thế à? Thế anh làm chuyên môn gì? Nếu là một doanh nhân như tôi thì những tri thức thông thường là quan trọng nhất. Thầy ạ, gần đây em có rất nhiều hiểu biết về lẽ thông thường. Dù sao thì ở một chỗ như vậy, còn xung quanh nữa, không thể khác được, tự nhiên mình phải thành ra như thế thôi.
– Cậu thành ra như thế nào rồi?
– Ngay cả thuốc lá cũng vậy, hút những loại Asahi hay Sikishima là không có thớ gì cả.
Anh ta nói và rút một điếu thuốc Ai Cập có đầu tẩu dát vàng ra, hút lấy hút để.
– Cậu có tiền để xa xỉ như vậy cơ à?
– Chưa có đâu, nhưng từ nay trở đi thì chắc sẽ có. Hút thuốc này thì uy tín của mình khác hẳn.
– Đó là thứ uy tín dễ dàng hơn việc anh Kangetsu mài viên bi đấy nhỉ! Ít nhiêu khê, phiền hà. Một loại uy tín nhẹ nhàng, tiện lợi đấy.
Meitei bảo Kangetsu. Kangetsu còn chưa nói gì thì Sanpei nói:
– Anh là Kangetsu à? Thế rút cục anh không thành tiến sĩ nữa à? Vì anh không thành tiến sĩ nên tôi đã quyết định xin lấy.
– Lấy tiến sĩ ư?
– Không, lấy cô tiểu thư nhà Kaneda ấy. Thực ra, nghĩ cũng tội nghiệp. Nhưng bên kia cứ năn nỉ bảo lấy nên cuối cùng, em đã quyết định, thầy ạ. Nhưng em vẫn lo, vì cảm thấy như có gì không phải với anh Kangetsu.
– Xin anh đừng bận tâm điều đó.
Anh Kangetsu nói. Ông chủ thì trả lời lấp lửng:
– Cậu muốn lấy thì cứ việc lấy chứ sao.
– Đó là điều đáng mừng đấy. Cho nên, không đến nỗi là cứ có con gái, dù bất kỳ là con gái thế nào, cũng phải lo đâu. Như vừa nãy tôi đã nói, là thế nào cũng sẽ có người lấy cô ta, thì rõ ràng đã xuất hiện một chàng rể rất nam nhi thế này rồi đấy thôi!? Này, anh Tofu, có một nguồn cảm hứng cho thơ của rồi đấy, bắt tay vào sáng tác ngay đi.
Meitei vẫn nói với giọng điệu như mọi khi. Sanpei bảo:
– Anh là Tofu à? Khi chúng tôi tổ chức đám cưới, nhờ anh sáng tác cho một cái gì nhé. Tôi sẽ in và gửi đi các nơi. Tôi muốn gửi cho cả “mặt trời”[60] nữa.
– Vâng, tôi sẽ viết một cái gì đó. Thế bao giờ thì anh cần?
– Bao giờ cũng được. Anh cho tôi một trong những sáng tác đã có cũng được. Bù lại, khi đám cưới tôi sẽ mời và chiêu đãi anh. Tôi sẽ mời anh uống sâm banh. Anh đã uống sâm banh bao giờ chưa nhỉ? Sâm banh ngon lắm. Thưa thầy, khi lễ cưới, em định mời ban nhạc phổ nhạc và biểu diễn thơ của anh Tofu, thầy thấy thế nào ạ?
– Muốn làm gì thì làm.
– Thầy phổ nhạc cho em được không?
– Đồ dở hơi.
– Trong các vị ở đây, có ai biết âm nhạc không nhỉ?
– Anh Kangetsu, một ứng cử viên hụt, là một tay violon cừ khôi đấy, thử cố nhờ anh ta xem. Nhưng đó là người có vẻ khó chấp nhận điều kiện sâm banh đấy.
– Sâm banh thì cái loại ba, bốn yên một chai là không ngon rồi. Sâm banh mà tôi mời không phải là loại rẻ tiền ấy đâu. Thế nào, anh có phổ giúp tôi một bản nhạc không?
– Vâng, nhất định tôi sẽ sáng tác cho anh, dù là sâm banh 20 sen một chai cũng được. Thậm chí không có gì, sáng tác không cũng được.
– Tôi không nhờ anh làm không công đâu. Nhất định tôi sẽ trả công mà. Nếu anh không thích sâm banh thì có cái này, anh thấy thế nào?
Anh ta nói và rút trong túi áo ra bảy, tám bức ảnh, vứt lung tung xuống chiếu. Ảnh chụp nửa người, ảnh chụp cả người, ảnh người đứng, ảnh người ngồi, ảnh người mặc quần hakama, ảnh người mặc kimono dài tay, có người để tóc Shimada, toàn là những cô gái mỹ miều.
– Thưa thầy, đây là những ứng cử viên, em định giới thiệu cho anh Kangetsu và anh Tofu một trong những cô này, được không ạ? Cái này thế nào?
Anh ta cầm lên một tấm, chìa cho Kangetsu.
– Được đấy. Nhờ anh làm mối cho tôi đi.
– Cái này cũng được chứ? – Anh ta lại chìa ra một tấm khác.
– Cái đó cũng được đấy nhỉ. Cũng xin nhờ làm mối đi.
– Làm mối cái nào?
– Cái nào cũng được.
– Anh đa tình quá nhỉ. Thưa thầy, đây là cháu của một vị tiến sĩ.
– Thế à?
– Cô này rất tốt, tuổi cũng trẻ, năm nay mười bảy tuổi. Cô này thì có hồi môn 1000 yên. Cô này thì con một vị tỉnh trưởng.
Anh ta cứ thế nói một mình.
– Không thể lấy tất cả các cô ấy được à?
– Lấy tất cả ấy à? Như vậy thì tham quá. Anh theo chủ nghĩa đa thê à?
– Không phải chủ nghĩa đa thê nhưng theo luận điểm ăn thịt.
– Chủ nghĩa nào cũng được, hãy cất những cái ấy đi được rồi đấy.
Ông chủ nói như quở mắng nhưng Sanpei vẫn nói:
– Thế là anh không cần cô nào nhỉ?
Anh ta hỏi cho chắc chắn rồi nhét những tấm ảnh vào túi.
– Cái bia kia là thế nào?
– Quà đấy ạ. Em mua ở quán rượu đầu phố để uống mừng trước đấy. Xin mời mọi người uống đi.
Ông chủ vỗ tay gọi cô sen, sai mở bia rồi năm người: ông chủ, Meitei, Dokusen, Kangetsu, Tofu trịnh trọng nâng cốc chúc mừng hạnh phúc, duyên số tốt lành của anh Sanpei. Với vẻ vui sướng tột cùng, Sanpei hỏi:
– Tôi sẽ mời tất cả quý vị ở đây đi dự đám cưới, các vị có đi không?
Ông chủ trả lời luôn:
– Không. Không thèm đi.
– Sao lại vậy? Đây là sự kiện trọng đại của em, một đời mới có một lần mà thầy không đi à? Thầy có vẻ thiếu tình nghĩa quá nhỉ?
– Không phải thiếu tình nghĩa. Nhưng tôi không đi.
– Vì thầy không có áo Kimono à? Cứ mặc Haori và quần Hakama cũng được mà. Thầy đến chỗ đông người một chút cũng tốt đấy thầy ạ. Em sẽ giới thiệu thầy với những người nổi tiếng.
– Thèm vào.
– Sẽ khỏi bệnh dạ dày đấy thầy ạ.
– Không khỏi cũng được.
– Thầy khó tính thế thì đành chịu vậy! Còn anh thì thế nào? Anh có đi không?
– Tôi ấy à? Nhất định là đi rồi. Tôi còn muốn, nếu được thì sẽ nhận vinh dự làm chủ hôn nữa kia.
“Lễ hợp cẩn cuối xuân
Cô dâu chú rể cùng chia sẻ
Chén rượu nồng sâm banh ”
Sao? Chủ hôn đã có cậu Tô nhà Suzuki rồi à? Tôi cũng nghĩ thế. Tiếc thật đấy, nhưng đành thôi. Hai người làm chủ hôn thì nhiều quá. Tôi sẽ chỉ là một người khách tham dự bình thường thôi vậy.
– Còn anh thì thế nào?
– Tôi ấy à?
“Nhất can phong nguyệt nhàn sinh kế
Nhân điểu bạch tần hồng liễu gian”[61]
– Đó là cái gì vậy? Thơ Đường tuyển à?
– Tôi cũng chả biết là cái gì!
– Không biết à? Gay quá nhỉ. Còn anh Kangetsu cũng đi chứ? Dẫu sao thì cũng là người đã có quan hệ từ bấy đến nay mà.
– Nhất định tôi sẽ đi. Bỏ không nghe ban nhạc chơi bản nhạc của mình thì tiếc lắm.
– Nhất định rồi! Còn anh thì thế nào, anh Tofu?
– Ừ, tôi cũng muốn đi và đọc thơ trước cô dâu chú rể nữa.
– Thế thì vui lắm. Thầy ạ, từ cha sinh mẹ đẻ đến nay chưa bao giờ em thấy vui thế này. Vậy xin uống thêm một cốc nữa.
Anh ta nói và uống ừng ực bia của mình, mặt đỏ bừng.
Ngày mùa thu ngắn ngủi đã gần tàn. Những đầu mẩu thuốc lá vứt ngổn ngang trong lò sưởi đã tắt hết lửa từ lâu. Hình như những kẻ vô công rồi nghề cũng đã hết hứng. Dokusen đứng lên trước tiên:
– Ồ, muộn quá rồi, tôi phải về thôi.
Và tiếp theo là “tôi cũng phải về đây”, rồi tất cả lần lượt theo nhau ra cửa. Phòng khách buồn tẻ như sau đám hội.
Ăn cơm xong, ông chủ vào phòng sách. Bà chủ khâu vá những quần áo mặc hàng ngày đã sờn rách. Bọn trẻ con nằm sắp hàng cạnh nhau, đã ngủ. Cô sen đi tắm.
Những con người, trông thì có vẻ nhàn tản đấy nhưng nếu chạm vào thì từ đáy lòng họ cũng thấy vọng lên những tiếng đau buồn. Con người tưởng đã siêu thoát như Dokusen, cuối cùng cũng chỉ giẫm được chân trên mặt đất. Anh Meitei thì có thể là vui đấy, nhưng thế giới của anh ta cũng không phải là trong tranh vẽ. Kangetsu cuối cùng cũng bỏ, không mài viên bi nữa mà đưa vợ từ quê lên. Việc đó là chính đáng. Nhưng những sự chính đáng cứ tiếp diễn mãi, nhất định sẽ dẫn tới nhàm chán. Anh Tofu thì chắc mười năm nữa cũng sẽ ngộ ra cái dở của việc lặng lẽ dâng thơ mới cho đời thôi. Còn anh Sanpei, khó mà biết được sẽ thành người sống trên núi hay dưới nước. Nếu có thể cứ tự hào chiêu đãi mọi người sâm banh suốt đời được thì tốt thôi. Tô nhà Suzuki thì sẽ lăn lóc đến bất kỳ chỗ nào. Đã lăn lóc thì sẽ dính bùn, nhưng dù dính bùn vẫn thấy oai hơn là kẻ không biết lăn lóc.
Sinh ra làm kiếp mèo nhưng tôi đã sống trong thế giới loài người hơn hai năm nay. Bản thân tôi tự thấy không còn ai có đủ hiểu biết như mình nữa. Thế mà hôm trước, tự nhiên có một kẻ cùng loài, chả quen biết gì, tên là Carter Murr, đột nhiên làm tôi giật mình. Hỏi thì hóa ra đây là một gã đã chết cách đây một trăm năm, vì tò mò nên đã từ cõi âm xa xôi, biến thành ma, hiện về đây dọa tôi. Đây là một con mèo rất bất hiếu, đến nỗi nó mang theo một con cá để làm quà nếu gặp mẹ. Thế nhưng trên đường đi nó không thể nhịn được, đã ăn béng mất con cá. Chính vì thế mà về tài thì nó không thua kém con người! Nó đã từng làm thơ khiến chủ của nó phải kinh ngạc. Một bậc hào kiệt như vậy mà đã xuất hiện cách đây hàng thế kỷ, thì một kẻ chả là quái gì như tôi cũng nên rút lui mà về với thế giới thần tiên từ lâu rồi mới phải.
Ông chủ, trước sau rồi cũng sẽ chết vì bệnh dạ dày. Lão Kaneda thì đang chết vì lòng tham. Lá mùa thu đã rụng gần hết. Cái chết là nghiệp định của vạn vật. Nếu sống mà không có tác dụng gì thì chết sớm đi có khi lại là khôn. Theo luận điểm của mấy ông thầy kia thì vận mệnh của loài người là sẽ đi tới tự sát. Không khéo thì rồi mèo cũng sẽ sinh ra trong một thế giới bế tắc như thế mất thôi. Thật đáng sợ! Không hiểu sao tôi bỗng thấy buồn chán, rã rời. Phải uống một chút bia của anh Sanpei đế lấy lại khí thế chăng?
Tôi vòng ra cửa sau. Gió thu lay nhẹ cánh cửa khép hờ, ánh đèn lọt qua khe cửa đã tắt từ bao giờ. Chắc là đêm sáng trăng, vì thấy ánh trăng ló qua cửa sổ. Trong khay có ba cái cốc, trong đó hai cái còn lại quá nửa một thứ nước gì có màu như nước chè. Những thứ mà đựng trong cốc thủy tinh thì dẫu là nước nóng cũng có cảm giác lạnh. Huống chi, những cốc chất lỏng đứng lặng lẽ cạnh nhau như những cái bình chữa cháy, lại phản chiếu ánh trăng đêm lạnh lẽo kia, chưa ghé môi vào đã thấy lạnh rồi, tôi chả muốn uống tí nào cả. Nhưng cái gì cũng phải thử. Sanpei uống cái đó thì mặt đỏ bừng, thở phì phì, vậy thì mèo mà uống không thể không phấn chấn lên. Dù sao thì đằng nào cũng sẽ chết. Trong khi còn sống, làm được cái gì thì nên làm. Khi đã chết rồi, nằm dưới mồ, có ca thán nuối tiếc cũng chẳng được nữa. Tôi quyết tâm uống thử và thè mạnh lưỡi liếm chèm chẹp vào miệng thì ngạc nhiên quá, đầu lưỡi tê buốt như bị kim châm. Không hiểu con người thích thú gì mà đi uống cái thứ nước thiu thối này, chứ mèo thì chịu, không thể uống hết được. Dứt khoát mèo và bia là hai thứ không thể hợp nhau. Thế này thì gay rồi. Tôi rụt lưỡi lại, song lại nghĩ con người hay nói “thuốc đắng giã tật” và những khi đau ốm thường nhăn mặt, cố uống một thứ kỳ quái nào đó. Vì uống vào mà khỏi hay khỏi rồi lại uống thì vấn đề đó đến này cũng chưa rõ. Bây giờ đúng là dịp may đây. Tôi sẽ giải quyết vấn đề này cho họ bằng bia.
Nếu uống vào mà đắng đến tận ruột thì sự việc đến đó là xong. Còn uống vào mà sung sướng, quên hết trước sau như anh Sanpei thì có lợi lớn. Tôi sẽ truyền dạy điều này cho những con mèo khác. Nào, sẽ sao đây? Hãy hành động và phó thác vận mệnh cho trời. Tôi quyết tâm một lần nữa, thò lưỡi ra… Mở mắt thì khó uống, tôi nhắm mắt lại và liếm choạp choạp, choạp choạp. Tôi cố chịu đựng, mãi mới uống cạn được một cốc thì thấy thật lạ. Đầu tiên lưỡi tê, miệng như bị ép mạnh từ ngoài vào, rất khó chịu. Nhưng càng uống càng thấy nhẹ đi. Khi uống xong được một cốc rồi thì không còn thấy khổ sở nữa. Thôi, ổn rồi. Tôi lại uống tiếp cốc thứ hai chẳng khó khăn gì. Tiếp theo đó, tôi liếm sạch những nước tràn ra khay như thể lau sạch khay. Sau đó, tôi ngồi thu mình, im lặng trong một lúc lâu, tự nghe ngóng động tĩnh của mình. Cơ thể ấm dần lên. Mi mắt lờ đờ. Tai nóng bừng. Tôi muốn hát lên. Tôi muốn nhảy điệu múa “mèo đây, mèo đây”, tôi muốn hét to lên rằng ông chủ hay Meitei hay Dokusen gì gì thì cũng là đồ ăn cứt. Tôi muốn cào cấu lão Kaneda. Tôi muốn ngoạm đứt cái mũi của mụ vợ lão ta. Tôi muốn rất nhiều thứ…
Cuối cùng tôi run rẩy muốn đứng lên. Đứng lên rồi thì liêu xiêu muốn bước đi. Ồ! Thế này thì hay quá. Tôi muốn đi ra ngoài trời. Ra rồi, tôi muốn cất tiếng chào “chào ông trăng”. Ôi, thú vị quá! Cảm giác dịu ngọt là thế này chăng? Bước chân vô tình cứ đưa tôi đi vô định như đi dạo chơi mà cũng như không đi đâu. Rồi tôi buồn ngủ díp cả mắt. Tôi cũng không biết là mình đang ngủ hay đang đi. Tôi định mở mắt nhưng nặng vô cùng. Đến thế này thì nó là thế. Là biển hay là núi thì cũng chẳng ngạc nhiên. Tôi đang suy nghĩ và run rẩy đưa chân trước bước lên thì nghe tiếng “tõm”, chưa kịp kêu “ối” thì thôi rồi, bị rồi! Tôi không kịp nghĩ xem mình bị làm sao nữa, chỉ kịp nhận ra mình bị rồi và sau đó tất cả lộn tùng phèo lên hết.
Tôi định thần lại thì thấy mình đang nổi trên mặt nước. Ngột ngạt quá, tôi lấy chân cào lấy cào để, nhưng chỉ cào thấy nước rồi chìm xuống ngay. Không còn cách nào khác, tôi đành nhún hai chân sau nhảy lên, hai chân trước cào cào thì có tiếng “kẹt kẹt” với một chút phản ứng rất nhẹ ở chân. Mãi mới nhô được đầu lên, tôi ngoái nhìn xem đây là đâu thì hóa ra mình đã rơi vào một cái cong lớn. Cái cong này, cho đến tận mùa hè vẫn còn mọc đầy thứ cỏ nước gọi là bèo. Sau đó, bọn quạ đến ăn rồi tắm. Chúng tắm nên nước cạn đi. Nước cạn thì chúng không đến nữa. Vừa mấy hôm trước, tôi đã nghĩ dạo này nước cạn quá, không thấy bọn quạ đến nhỉ. Thế mà không ngờ, chính tôi lại thấy lũ quạ, đi tắm ở đây như thế này.
Từ mặt nước lên miệng cong cao khoảng hơn bốn tấc, tôi dang chân nhưng không với tới được. Nhảy cũng không ra được mà trù trờ thì chỉ có chìm thôi, giãy giụa thì chỉ chạm được móng chân vào thành cong. Khi chạm vào thì có vẻ nổi lên được một tí nhưng trượt chân thì lại chìm ngay xuống. Chìm xuống thì ngột ngạt nên lại cào, cứ thế tôi mệt lả dần đi. Đầu óc tôi nôn nóng nhưng cái chân không còn mạnh như trước nữa, cuối cùng tôi cũng chẳng biết vì bị chìm mà cào cựa hay cào cựa để mà chìm nữa.
Mặc dù rất ngột ngạt nhưng lúc đó tôi đã nghĩ sở dĩ mình khổ như thế này là chỉ vì mình cứ muốn leo ra khỏi cái cong. Muốn thì muốn vô cùng nhưng mình cũng thừa hiểu là không thể leo lên được. Chân của mình dài chưa đến ba tấc, cứ nổi trên mặt nước rồi sải hết chân ra cũng không bám được vào miệng cong sâu đến hơn năm tấc. Đã không bám được vào miệng cong thì dẫu có cào, có giãy, có làm cho thân mình nát ra thành cám đến một trăm năm cũng không ra khỏi cong được. Biết là không ra được mà lại cứ muốn ra thì thật quá vô lý. Vì muốn làm một việc vô lý nên mới khô sở. Chán thật! Tự mình chuốc lấy cái khổ, tự mình tra tấn mình, thật là ngu! Thôi, mặc kệ, muốn ra sao thì ra. Cào với chả cựa. Thế là xin đủ. Tôi mặc kệ, không giãy giụa nữa, phó mặc cả chân trước, chân sau, cả đầu cả đuôi cho sức mạnh tự nhiên vốn dĩ của nó.
Thế là dễ chịu dần. Tôi cũng chẳng còn nhận biết được là mình đang khổ sở hay đang sung sướng nữa. Không biết là mình đang ở trong nước hay trong phòng khách?! Muốn ở đâu, muốn ra sao cũng chẳng có vấn đề gì. Chỉ biết là rất thoải mái, nhẹ nhõm. Mà không, ngay cả sự nhẹ nhõm tôi cũng không còn cảm thấy nữa. Tôi đã kéo rụng cả mặt trăng, mặt trời, nghiền tan cả trời đất để đi vào một cõi thái bình kỳ lạ, không thể hiểu nổi. Tôi đã chết. Chết để được sự thái bình này. Thái bình là cái thứ chỉ có chết mới có được! Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật! Hay quá. Tốt quá!
Lời người dịch
Tôi là con mèo là tác phẩm đầu tay của nhà văn Natsume Soseki (1867-1916). Trong tác phẩm Cậu ấm ngây thơ (NXB. Hội Nhà văn phát hành năm 2006), tôi đã có dịp giới thiệu qua về ông.
Có thể nói, đây là tác phẩm rất quan trọng không chỉ đối với cuộc đời và sự nghiệp của Natsume Soseki mà còn đối với cả đời sống văn học Nhật Bản và quốc tế. Bởi vì nó là tác phẩm đã giúp phát hiện ra một đại văn hào, sau đó ảnh hưởng của nó và nhà văn lớn này đã góp phần gieo mầm, tạo ra nhiều nhà văn, nhà văn hóa, học giả có giá trị cho Nhật Bản. Trong số đó có người rất nổi tiếng, như văn hào Akutagawa Ryunosuke, một đệ tử của Natsume Soseki. Trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng có nhiều nhà Soseki học khá nổi tiếng.
Bối cảnh và nội dung của Tôi là con mèo là đời sống hiện thực xảy ra xung quanh nhà văn Soseki. Những nhân vật chính trong truyện cũng lấy nguyên mẫu từ bạn bè, học trò, những người xung quanh ông. Một số được đưa nguyên tên thật vào trong tác phẩm như nhà thơ Masaoka Shiki, nhà thơ Takahama Kyoshi. Nhưng tất cả đều được miêu tả qua lăng kính trào lộng, đùa vui, mang đậm tính chất Rakugo (một loại tấu hề), đại diện tiêu biểu của nền văn hóa Edo. Con mèo và thầy giáo Kushami cũng là nhân vật dựa vào nguyên mẫu là tác giả và con mèo nhà ông. Chính con mèo này đã gợi hứng cho ông viết tác phẩm. Lúc đầu chỉ là ý định viết thử cho vui, ông bắt đầu bằng câu “Tôi là con mèo,…” rồi đưa bản thảo cho tạp chí, nhờ góp ý và đặt tên. Ông Takahama Kyoshi, người phụ trách của tạp chí, đã góp ý lấy câu mở đầu này làm tên của tác phẩm. Kiệt tác “Wagahaiwa neko dearu” (Tôi là con mèo) đã được ra đời như vậy và trở thành một cái tên rất thân quen với bất kỳ người Nhật nào cũng như bất kỳ ai hiểu biết về Nhật Bản.
Natsume Soseki lúc nhỏ đã học chữ Hán, sau đó học tiếng Anh và văn học Anh. Ông là người thuộc thế hệ Hán học cuối cùng và thế hệ Tây học đầu tiên của Nhật Bản. Vì vậy trong ông có một khối lượng đồ sộ kiến thức đông tây kim cổ mà ông đã tích lũy được qua nhiều năm bằng trí tuệ của một thiên tài. Trong tác phẩm đầu tay này, những kiến thức ấy được dịp xuất hiện trong mọi cơ hội, khi thì nghiêm túc, khi thì hài hước, đùa bỡn nhưng tất cả đều giúp độc giả khám phá ra những tư tưởng, kiến thức, những trăn trở uyên thâm, cao đẹp, đầy nhân văn của một thiên tài rất nặng lòng với thời thế.
Tác phẩm bắt đầu được viết năm 1905, khi cuộc chiến tranh Nhật-Nga (1904-1905) đang ở đỉnh điểm. Truyện in dần trên tạp chí Hototogisu cho đến cuối năm 1905 thì ông định kết thúc truyện ở chương 5. Nhưng do độc giả tha thiết yêu cầu nên ông lại viết tiếp và hoàn thành vào năm 1907 với 11 chương hầu như độc lập với nhau…
Đây là tác phẩm văn học quá lớn đối với khả năng của một dịch giả văn học không chuyên như tôi nên bản dịch chưa thể gọi là hoàn hảo trong việc chuyển tải đầy đủ tất cả cái hay, cái đẹp, cái quý của tác phẩm, hòng làm xiêu lòng độc giả Việt Nam như nó đã chinh phục độc giả Nhật Bản. Vả lại, cũng cần phải có thêm điều kiện hiểu biết lịch sử, văn hóa, tính cách tâm lý của người Nhật thì mới tiếp nhận được hết những giá trị của tác phẩm. Bởi vì đối với người Nhật, cái hay của văn học Natsume Soseki cũng giống như cái hay của Truyện Kiều đối với người Việt Nam, người ta thích thú không chỉ vì nội dung mà còn do ngôn ngữ và nhạc điệu của tác phẩm.
Người Nhật Bản mỗi tầng lớp mỗi thế hệ, từ các em học sinh tiểu học năm thứ 5 trở đi cho đến các vị cao niên, từ những người lao động bình thường đến bậc học rộng, uyên bác, ai cũng có thể tìm thấy trong tác phẩm này những điều lý thú, cần thiết, bổ ích hay tâm đắc với mình.
Mặc dù việc tiếp thu qua bản dịch gặp phải những hạn chế chủ quan từ dịch giả và khách quan từ độc giả, nhưng tôi mong rằng Tôi là con mèo cũng phần nào làm được như vậy với bạn đọc Việt Nam. Hơn nữa, ngoài chức năng là một tác phẩm văn học để giải trí, tôi hy vọng cuốn sách này còn là một nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho những người có nguyện vọng tìm hiểu về Nhật Bản.
Để có được thành quả nhỏ này là nhờ công lao rất lớn của nhiều người đã giúp đỡ tôi.
Trước hết là chị Lê Thị Bình, bạn tôi, người đã phát hiện bản dịch thảo của tôi và quyết tâm giới thiệu nó với bạn đọc. Chị Bình đã dành nhiều thời gian, công sức và khắc phục nhiều trở ngại để tổ chức thực hiện việc này. Chị là người rất quan tâm đến văn hóa và văn học Nhật Bản, luôn hoạt động tích cực trong Ban văn hóa Hội Hữu nghị Việt – Nhật và trong Câu lạc bộ thơ Haiku Việt Nam.
Nhờ công lao và nhiệt tình của chị Bình, với sự giúp đỡ của NXB. Hội Nhà văn, bản dịch Tôi là con mèo đã nhận được tài trợ của Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) để cho ra mắt kiệt tác này. Nhân đây tôi cũng xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý Quỹ và Nhà xuất bản.
Trong quá trình dịch, tôi may mắn được một người bạn đồng nghiệp người Nhật đã tận tình giúp đỡ tôi. Không những chỉ đọc duyệt, anh còn dạy cho tôi biết thêm nhiều về tiếng Nhật và kiến thức về nhiều lĩnh vực của Nhật Bản, khiến bản dịch nhuần nhuyễn hơn.
Cũng nhân dịp này, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ của nhà thơ Nguyễn Bao và nhà văn, dịch giả nổi tiếng Thúy Toàn. Những lời nhận xét và chỉ dẫn rất quý báu của hai ông về kiến thức dịch văn học, giúp cho người ngoại đạo như tôi khắc phục được nhiều yếu kém trong công việc. Và biên tập viên Nhà xuất bản đã luôn nhiệt tình và trách nhiệm khi làm việc, trao đổi với tôi từ xa.
Xin trân trọng giới thiệu Tôi là con mèo với độc giả.
Xin kính dâng bản dịch này lên hương hồn Đại văn hào Natsume Soseki, nhà văn Nhật Bản tôi rất kính phục, nhân ngày giỗ lần thứ 95 của ông (9-12-1916/ 19-12-2011).
7-12-2011
Bùi Thị Loan
Lời từ Nhà Xuất Bản (**)
Ở Việt Nam, sách văn học tầm cao, có ảnh hưởng lớn đến tâm tư tình cảm người Nhật qua nhiều thế hệ chưa xuất hiện nhiều. Đúng như nhận định của ông Mitsuyoshi Numano, giáo sư văn học của Đại học Tokyo trong Hội thảo văn học Nhật Bản tháng 9-2009 tại Hà Nội: “Hình như phần lớn các tiểu thuyết (của Nhật) được dịch đều thuộc về các nhà văn ăn khách hiện đại trong khi các nhà văn quan trọng trước đó với những tác phẩm có ý nghĩa vượt thời gian thì hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt Nam.”
Trong số lượng rất lớn các tác giả văn học Nhật trong hơn 100 năm từ thời Minh Trị đến nay vị giáo sư này đã lựa chọn ra 10 tác giả văn học mà ông cho là quan trọng nhất ở Nhật gồm có: Mori Ogai (1862-1922), Akutagawa Soeki (1867-1916), Tanizaki Junnichiro (1886-1965), Akutagawa Ryunosuke (1892-1927), Dazai Osamu (1909-1948), Kawabata Yasunari (1899-1972 – giải Nobel văn học), Mishima Yukio (1925-1970), Abe Kobo (1924-1993), Oe Kenzaburo (1935 – giải Nobel văn học), Murakami Haruki (1949).
Để người Việt Nam hiểu và thấy được cái hay của văn học Nhật, cần thiết phải dịch văn học Nhật sang tiếng Việt nhiều hơn nữa để người Việt Nam có cơ hội tìm hiểu và tiếp xúc nhiều hơn với các tác phẩm và tác giả quan trọng của văn học Nhật. Chính các dịch giả sẽ là cầu nối để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc. Tôi vui mừng ghi nhận sự xuất hiện của những dịch giả mới người Việt, có nghiên cứu cẩn thận và hiểu sâu về con người, văn hóa Nhật Bản, với niềm say mê văn học Nhật, đã đem đến cho bạn đọc Việt Nam những kiệt tác được dịch trực tiếp từ nguyên bản. Đây là một điểm rất cần khuyến khích và nhiệt tình cổ vũ.
Tiểu thuyết Tôi là con mèo của văn hào Natsume Soeki, do bà Bùi Thị Loan dịch từ bản tiếng Nhật, là một trong chưa nhiều trường hợp tôi vừa nói ở trên.
Vị trí và vai trò của các tác phẩm của Natsume Soeki trong nền văn học Nhật bản là rất quan trọng, nó ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ người Nhật Bản, bất cứ người Nhật Bản cũng biết đến các tác phẩm Botchan,Wagahai wa neko dearu, Kokoro… của ông. Ông được coi là nhà văn dân tộc lớn nhất trong nền văn học cận đại ở Nhật Bản kể từ thời Minh Trị. Các nhà phê bình văn học đánh giá ông là một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản cùng Mori Ogai và Akutagawa Ryunosuke.
Năm 2006 bạn đọc Việt Nam đã được đọc cuốn Cậu ấm ngây thơ (Botchan) và bây giờ lại được cầm trên tay bản dịch kiệt tác Tôi là con mèo (Wagahai wa neko dearu) của đại văn hào Natsume Soeki, cả hai đều do dịch giả Bùi Thị Loan chuyển ngữ sang tiếng Việt và do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Việc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) tài trợ cho bản dịch tiểu thuyết Tôi là con mèo lần này của bà Loan là một trong những hoạt động rất tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Nhật Bản và Việt Nam. Tác phẩm dịch này ra đời là món quà ý nghĩa để tiến tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Nhật Bản (2013).
Tôi là con mèo (Wagahai wa neko dearu) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Natsume Soeki. Mượn lời kể của một con mèo sống trong nhà một thầy giáo dạy trung học, tác giả đã vẽ nên bức tranh trào phúng về diện mạo điển hình của tầng lớp trí thức Nhật thời Minh Trị. Con mèo lắng nghe và quan sát các nhà khoa học tranh cãi trong căn phòng của “ông giáo” Kushami, thực chất đó là những cuộc thảo luận về triết học và nghệ thuật cũng như thói đời trong thế giới mà mãnh lực đồng tiền đang xâm chiếm tình cảm con người trong buổi giao thời và xung đột giữa văn hóa Đông – Tây ở Nhật Bản. Độc giả sẽ dễ dàng nhận ra sự tẻ nhạt và kệch cỡm trong lối sống, sự nửa vời và lười nhác trong học thuật của những nhân vật chính như ông giáo Kushami, nhà mỹ học Meitei, cử nhân khoa học tự nhiên Kangetsu, rồi một vài nhà thơ, nhà phê bình… từ các cuộc tranh luận như bất tận của họ, xoay quanh nhiều vấn đề nghệ thuật kinh điển và hiện đại, của Nhật cũng như của thế giới. Ở khía cạnh khác, bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách này những chi tiết văn hóa đặc trưng của Nhật, được miêu tả tinh tế, tròn trặn và trầm tĩnh. Điểm nổi bật trong kiệt tác này, chính là bạn đọc được làm quen và thưởng thức giọng văn châm biếm hóm hỉnh mang nhiều nét tự trào của một bút pháp bậc thầy. Nhưng lưu ý rằng cái hóm hỉnh lại “rất Nhật” nên người đọc Việt Nam đôi khi cần có chút hiểu biết về văn hóa Nhật mới thấy hết cái hay cái hóm của nó.
Dịch giả Bùi Thị Loan là một người Việt Nam am hiểu văn hóa văn học Nhật, hiện tại bà vẫn đang sinh sống và làm việc tại xứ sở hoa anh đào. Bà là một người dịch mới, trong thế hệ các dịch giả văn học thời hiện đại, được tiếp xúc và chuyển ngữ trực tiếp từ nguyên bản. Bản dịch của bà Bùi Thị Loan, mà theo tâm nguyện bà muốn cố gắn chuyển tải một cách trung thực văn phong của một đại văn hào Nhật Bản, có thể, đôi chỗ còn làm cho bạn đọc Việt Nam, nhất là lớp trẻ, cảm thấy hơi có gì đó khác lạ, hơi khó dung nạp. Nhưng dụng ý của người dịch quyết tâm giúp bạn đọc Việt Nam dần khám phá đỉnh núi Natsume Soeki một cách thuần chất và nguyên vẹn, dù không dễ. Như đã nói, vốn dĩ tác phẩm Tôi là con mèo – một tác phẩm được viết ra ở Nhật Bản cách đây hơn một thế kỷ, dù rằng là kiệt tác của nhân loại, sống mãi với thời gian, đã đi vào tâm hồn bao thế hệ người Nhật, nhưng chính người Nhật hiện đại cũng cảm thấy nhiều chỗ khó đọc, vì vậy chuyển ngữ sang tiếng Việt là một công việc đầy gai góc. Đối với độc giả nước ngoài, trong đó có Việt Nam, để thấy hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm này thiết nghĩ cũng cần có thời gian. Mọi phán xét xin dành lại cho độc giả.
Thúy Toàn
Chú thích
[1] “Tiên cốt” chữ Hán có nghĩa là ông tiên.
[2] “Liệt tiên truyện” là tác phẩm viết về 71 vị tiên, do ông Lưu Hướng (79-8 TCN) một vị học giả thời Tiền Hán biên soạn và truyền lại.
[3]Ý nói về chuyện nhà thơ Đào Uyên Minh (365-427), thời Lục triều Trung Quốc, thường gảy đàn không có dây nhưng vẫn mang tâm trạng như chơi đàn thật.
[4] (1558-1623), nhà sư quê ở Tokyo.
[5] Vừa bị chặn.
[6] Miếng ngon.
[7] Kết thúc trận đấu.
[8] Chỗ này tác giả chơi chữ vì trong tiếng Nhật, động từ “đấm” hoặc “đánh” (chuông) và động từ “đánh” hoặc “đặt, để” (con cờ) phát âm giống nhau.
[9] “Trâng tráo thế”, tiếng Nhật phát âm là “zư-zư-si-zê, ôi” nghe hơi giống “do you see the boy”.
[10] “Bấy lâu nay” là tên một vở tuồng (cuồng ngôn) rất được ưa chuộng do nội dung và diễn xuất xuất sắc của Đoàn tuồng Nakamura, bắt đầu biểu diễn từ năm 1697, qua 9 đời diễn viên, cho đến 1895. Khi nhân vật hảo hán xuất hiện từ cánh gà bao giờ cũng nói lời thoại “Bấy lâu nay, bấy lâu nay”.
[11]Đánh lại.
[12] Thiền ngữ: Sống chết là việc lớn, sự thay đổi, sống chết đến rất nhanh.
[13] Haiku của Yoso Buson (1716-1783).
[14] Một nhân vật tuồng cổ.
[15] Thổ Nguyệt Phong, tên địa phương có nhiều tre ở tỉnh Sizuoka.
[16]Ô vô dụng.
[17] Tên nhân vật chính trong tiểu thuyết “Nỗi lo lắng của chàng Werther trẻ tuổi” của Goethe (1749-1832).
[18] Ngày sinh nhật vua Minh Trị.
[19] Một lý là 3,9273 km tức khoảng 4 km.
[20] 1 đinh bằng 109 m.
[21] Tổ tiên của dòng họ tướng quân Tokugawa.
[22]Ý nói về cảnh trong tuồng Kabuki hay dạo khúc tuồng cổ, khi Nguyên Nghĩa Kinh cùng đoàn tùy tùng, sau khi chạy thoát cuộc truy đuổi của Nguyên Lại Triều, phải vượt qua trạm gác Ataka, suýt bị lộ, rất nguy hiểm.
[23] Tức Masaoka Siki (1867-1902), nhà thơ Haiku và Waka nổi tiếng, bạn thân của Natsume Soseki.
[24] Mu-ku-gê, cây mộc hoa, một loại râm bụt.
[25] Một nhân vật nữ trong “truyện kể Heike”, làm việc trong cung, được vua Takakura yêu nhưng bị tướng quân Bình Thanh Thịnh ganh ghét, bức hại, phải sống lẩn lút, đã bị lộ chỗ ở do tiếng đàn.
[26] Tức thời học sinh, sống trong trường học trước Minh Trị.
[27] Tai mắt nghe nhìn thấy được cách 8 đinh, tức 872 m.
[28]Đi quá giới hạn.
[29]Những tiết mục xiếc trên không, người nằm trong không trung, đầu như gối trên mây và sư tử thoắt ra thoắt vào trong hang.
[30] “Lộ địa bạch ngưu”, lời của Thiền ý nói “đó là nơi thanh bình, trong sạch”.
[31] Sau một lần chết đi, mọi thứ sẽ đổi mới.
[32]Arthur of Connaught, Thái tử Anh (1883-1983). Năm 1905 sang thăm Nhật, trao huân chương Garter cho vua Minh Trị.
[33] Tên nhân vật chính trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh, George Meredith (1828-1909).
[34] Nguyên văn là “đồng khúc dị xảo”, ý là nhạc giống nhau nhưng cách chơi khác nhau.
[35] Kẻ trộm khét tiếng, nhân vật trong truyền thuyết Yoshitsune.
[36] Bảo Sinh Lưu, một trong 5 làn điệu của No.
[37] Một loại kẹo bột đường, có hình ngôi sao nhiều cạnh.
[38] Biết được cái bản tính vốn có của mình thì đó là Phật.
[39] Canh ba, dưới ánh trăng tĩnh mịch, mới nhập được vào tâm trạng quên bản thân mình.
[40] Thomas Carlyle (1795-1881), nhà tư tưởng Anh.
[41] Francis Bacon, nhà chính trị, triết học Anh (1561–1626).
[42] Stupa Komachi là tên bản nhạc tuồng No. Nữ nhân vật chính là bà già tên Ono no Komachi, vốn là một ca nhân nổi tiếng nhưng sau trở thành kẻ ăn mày và bị điên.
[43] Sống ở nơi hư vô thì mới bắt đầu này sinh cái tâm.
[44] Mặt con trâu sắt, lòng con trâu sắt.
[45] Mặt sắt của con trâu, lòng sắt của con trâu.
[46] Alchemy, việc cố gắng tìm cách chế tạo loại thuốc trẻ mãi, sống mãi.
[47] Nhà soạn kịch Anh (1851-1929).
[48] Giết người.
[49] Thánh địa – thủ đô vương quốc Islam thời kỳ 456-1031.
[50] Thú Dã Nguyên Tín (1476-1559). Họa sĩ, người đã tạo dựng nên trường phái tranh Kano.
[51] Lời dạy của Thiền “một niệm là vạn niên, vạn niên là một niệm”. Ý nói thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào chủ quan của con người. Trong tiếng Nhật chữ “niệm” và chữ “niên” đều phát âm là “nên”.
[52] Hai người một lòng – khác thân thể nhưng cùng tấm lòng.
[53] Khi chết cùng một mồ.
[54] Henry James (1843-1916), người Anh gốc Mỹ, George Meredith (1828-1909).
[55] Cảm giác trực tiếp, tự nhiên, theo đường thẳng.
[56] Cảm giác gấp khúc – cong queo, theo đường vòng.
[57] Friedrich Wilhelm Nietzsche, triết gia Đức.
[58] Lời của Lão Tử bàn cách cai trị lý tưởng của hiền nhân.
[59]Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Diogenes (400-325 TCN), nêu triết lý sống tự nhiên, không câu nệ vật chất là hạnh phúc nhất. Bản thân ông chỉ sử dụng những gì cần thiết tối thiểu và đã có lúc sống trong một cái chum thay nhà.
[60] “Mặt trời” là tên tạp chí, nhưng ở đây có thể hiểu cả hai nghĩa.
[61] Thơ chữ Hán của Natsume Soseki. Đại ý là sự phong lưu ở trong những phút nhàn rỗi, con người ngồi câu giữa hoa bèo, hoa hồng liễu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.