Tôi Là Con Mèo

CHƯƠNG 3 PHẦN 1



Tam Mao chết, Đen thì không chơi được, tôi cảm thấy hơi buồn tẻ. Nhưng may sao có được con người làm tri kỷ nên tôi cũng không thấy chán chường lắm.
Hôm trước có một người đàn ông gửi thư cho ông chủ, đòi gửi ảnh của tôi cho ông ta. Gần đây lại có người gửi cho bánh dày ngọt, đặc sản của Okayama, với danh nghĩa là gửi cho tôi. Càng được con người đồng cảm tôi càng dần dần quên mất mình là mèo. Không biết từ lúc nào, tôi đã thành ra có cảm giác mình gần gũi với người hơn là với mèo. Cái ý định kêu gọi tất cả đồng loại mình tập trung nhau lại, quyết một phen sống mái với cái ông giáo hai chân kia, gần đây không còn chút nào nữa. Không những vậy, tôi còn tin mình đã tiến hóa đến mức, thỉnh thoảng tôi có ý nghĩ mình cũng là một thành viên trong xã hội loài người. Tôi không dám khinh đồng loại mình đâu, mà đây chỉ là kết quả của xu thế “hướng tình cảm vào chỗ gần hơn, giữ yên thân cho mình” thôi. Nếu cho rằng đó là sự thay lòng đổi dạ, là khinh bạc, là phản bội hay là gì gì đó thì hơi phiền. Phàm những người hay chê bai, phê phán người khác như thế, đa phần chỉ là những kẻ hẹp hòi, không thức thời. Để rũ bỏ thói quen bẩm sinh của mèo, tôi không thể chỉ nghĩ đến Tam Mao hay Đen như một gánh nặng. Tôi muốn cũng bình đẳng với con người mà đánh giá tư tưởng, lời nói, việc làm của họ. Điều này không phải là khó. Chỉ có điều, tôi là một con mèo có kiến thức như vậy mà ông chủ thì cứ coi tôi như một con mèo con, vừa mới mọc lông. Họ chẳng thèm hỏi tôi, cứ tự tiện ăn bánh dày ngọt như thể đó là của mình, thật là chán. Rồi hình như cũng chưa chụp ảnh tôi mà gửi cho người ta nữa. Việc này thì quả là tức thật đấy. Nhưng mà ông chủ là ông chủ, tôi là tôi, suy nghĩ khác nhau cũng là đương nhiên, không thể tránh khỏi. Tôi đã trở thành người hoàn toàn mất rồi, nên thật là khó mà miêu tả bằng ngòi bút những động thái của một con mèo ít có giao tiếp xã hội. Tôi không chấp nhận sự đánh giá về tôi của các thầy Meitei cũng như Kangetsu.
Hôm nay là chủ nhật, trời rất đẹp. Ông chủ lò dò từ phòng sách ra, bày ra cạnh tôi nào là giấy, mực, bút lông… rồi nằm bò ra, miệng liên tục rền rĩ cái gì đó. Có lẽ ông ta sắp sáng tác một cái gì lớn đây nên mới phát ra cái thứ tiếng kỳ lạ như vậy? Tôi để ý thì thấy ông viết “hương nhất trụ” (đốt một nén nhang). Chà, thơ hay là haiku đây? “Hương một nén” với ông chủ này thì xa hoa thật. Tôi đang nghĩ như vậy thì một chốc sau, ông ta bỏ cái đó đấy, viết một dòng khác. “Từ lâu tôi đã định viết về Thiên nhiên cư sĩ”. Bút chì chạy được đến đó thì dừng lại và mãi không thấy nhúc nhích. Ông chủ nâng bút lên, vặn vẹo cổ, nhưng hình như chả có chủ định gì ghê gớm cả nên ông liếm đầu bút. Tôi thấy môi ông đen ngòm. Lần này ông vẽ một vòng tròn. Trong vòng tròn, ông vẽ hai cái mắt. Giữa vòng tròn vẽ một cái mũi và hai cái lỗ mũi nhỏ đang mở. Rồi ông gạch một nét ngang, vẽ cái miệng. Cái này không phải văn mà cũng không phải thơ. Rồi hình như không thích nữa, ông chủ len lén xóa bỏ cái mặt ấy đi. Ông lại bắt đầu viết một dòng khác. Có lẽ ông ta nghĩ là cứ xuống dòng, bất đầu viết một cái gì khác thì tự nhiên sẽ thành thơ ca, văn vẻ gì chăng? Cuối cùng ông ta viết một mạch bằng thể văn nói, ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày: “Thiên nhiên cư sĩ là một người nghiên cứu không gian, đọc luận ngữ, ăn khoai nướng và chảy nước mũi.” Văn chương gì mà lủng cà lủng củng. Ông thản nhiên đọc to lên rồi cười hơ hớ “chà hay thật”, nhưng mà “chảy nước mũi” thì hơi quá đáng, thôi bỏ đi. Ông cầm bút gạch bỏ chỉ câu đó.
Đáng lẽ chỉ gạch một nét là đủ thì ông gạch đến hai nét rồi ba nét, thành những đường song song rất đẹp. Nét gạch lấn cả sang dòng bên cạnh ông cũng mặc, cứ gạch. Đã gạch đến đường thứ tám rồi mà câu thơ tiếp theo vẫn chưa ra. Lần này ông quăng bút và nắm lấy bộ râu xoắn xoắn, trông bộ dạng như ông đang muốn kéo văn thơ từ trong râu ra vậy. Ông đang ra sức xoắn lên xoắn xuống chòm râu thì bà vợ từ phòng nghỉ đi sang, ngồi xuống ngay trước mặt ông. Bà lên tiếng:
– Này mình, nghe em nói đây.
– Cái gì vậy?
Ông cất tiếng rè rè như tiếng thanh la gõ trong nước. Không vừa lòng với tiếng đáp ấy, bà vợ lại gọi:
– Này mình, nghe em nói đây.
– Cái gì vậy?
Ông trả lời và dùng ngón tay nhổ lông mũi.
– Tháng này thiếu tiền…
– Sao lại thiếu được? Tiền thuốc bác sĩ cũng trả rồi, tiền sách tháng trước cũng trả rồi còn gì? Tháng này phải thừa mới đúng chứ!
Ông nói rồi nhìn cái lông mũi vừa nhổ ra như nhìn một kỳ quan trong thiên hạ.
– Vì mình không ăn cơm mà ăn bánh mì với mứt.
– Thế ăn hết mấy hộp?
– Tháng này phải đến tám hộp.
– Tám hộp? Tôi không bao giờ ăn nhiều như thế cả.
– Không phải chỉ mình mình, mà cả bọn trẻ cũng ăn.
– Dù ăn nhiều đến đâu thì cũng chỉ đến năm sáu yên là cùng chứ mấy.
Ông vừa nói vừa thản nhiên đặt cẩn thận từng chiếc lông mũi lên tờ giấy đang viết. Những sợi lông có chất dính nên đứng dựng như những chiếc kim. Như chợt phát hiện ra điều gì, ông thổi phù môt cái. Dù thổi mạnh đến mấy những chiếc lông cũng không bay đi.
– Ồ, ngoan cố nhỉ?!
Ông nói và tiếp tục thổi. Bà vợ nói với vẻ mặt đầy tức giận:
– Không phải chỉ có mứt thôi mà còn nhiều thứ khác nữa cũng phải mua.
– Có thể là có cái cần phải mua đấy…
Ông chủ vẫn tiếp tục nhổ lông mũi. Trong những chiếc lông nhổ ra, có nhiều màu, cái thì đen cái thì đỏ và có cả một cái trắng. Ông ngạc nhiên nhìn chằm chằm sợi lông bạc rồi đột nhiên chìa vào mặt vợ. Bà vợ cau mặt, phẩy tay:
– Khiếp, tởm quá.
– Nhìn xem. Đấy là sợi lông bị bạc đấy.
Ông chủ nói với vẻ cảm động. Quả thật làm bà chủ cũng phải cười rồi rút lui về phòng nghỉ. Chắc bà đã đành chịu trong vấn đề kinh tế. Ông chủ lại quay lại với “thiên nhiên cư sĩ”.
Dùng lông mũi để dẹp được bà vợ rồi, ông chủ chưa thể an tâm. Ông có vẻ nóng vội muốn viết nhưng mãi không thấy cây bút động đậy. “Ăn khoai nướng cũng phí, hãy để dành”. Rồi ông lại gạch câu này đi. “Hương nhất trụ” nghe có vẻ đường đột quá, thôi bỏ đi. Ông dùng bút tiêu diệt không thương tiếc, chỉ còn lại mỗi câu “thiên nhiên cư sĩ là người nghiên cứu không gian, đọc luận ngữ”. Ông nghĩ cái này có vẻ đơn giản quá. Rồi lại nghĩ văn vẻ gì phiền hà rắc rối quá, thôi dẹp. Thôi, chỉ viết thể “danh” thôi vậy. Ông phóng bút gạch một chữ “thập” rồi hăm hở vẽ trên mặt giấy một cái khung tranh văn sĩ (tranh do nhà văn vẽ). Ông đã cố vắt óc suy nghĩ mà chả để lại được chữ nào, bây giờ lại đi làm một thứ hoàn toàn khác. Sau đó ông lật phía sau tờ giấy, viết la liệt: “Sinh ra trong không gian, tận hiểu không gian, chết giữa không gian. Thiên nhiên cư sĩ, khi thì không, khi thì gian…”
Ông đang viết đến đây thì cái ông Meitei nọ lại xuất hiện. Ông Meitei này, chắc là nghĩ nhà của người khác cũng là nhà mình nên chẳng cần chờ ai mời cũng cứ vào. Thậm chí có khi ông còn lẻn vào cả bằng cửa sau nữa. Đây là một con người mà từ khi lọt lòng sinh ra đã rơi sạch đi đâu tất cả những khái niệm như lo lắng, e ngại, ý tứ, vất vả… Ông ta cứ đứng mà hỏi ông chủ:
– Lại người khổng lồ sức kéo hả?
Ông chủ nói huênh hoang:
– Không phải lúc nào cũng chỉ có “cự nhân dẫn lực” đâu. Tôi đang soạn thảo một bài khắc bia mộ cho “thiên nhiên cư sĩ’ đây.
– Thiên nhiên cư sĩ thì chắc lại là cải danh của “ngẫu nhiên đồng tử” (đứa trẻ ngẫu nhiên) chứ gì? – Meitei vẫn cứ nói bừa phứa.
– “Đứa trẻ ngẫu nhiên” cũng có à?
– Không, làm gì có. Tôi chỉ nghĩ có lẽ thế chăng thôi.
– “Ngẫu nhiên đồng tử” thì tôi không biết nhưng “thiên nhiên cư sĩ” là người mà cậu biết đấy.
– Vậy thì ai là người được cậu đặt cho cái tên đó thế?
– Là cậu Sorosaki đấy. Cậu ta tốt nghiệp xong vào Đại học viện, nghiên cứu đề tài “không gian luận” nhưng học nhiều quá, bị viêm thành ruột mà chết. Cậu ấy cũng là bạn thân của tôi mà!
– Bạn thân cũng được, tôi không bao giờ cho là xấu. Nhưng ai đã biến Sorosaki thành “thiên nhiên cư sĩ” vậy?
– Tôi chứ ai. Chính tôi đã đặt tên cho cậu ta như vậy. Vốn không phải tầm thường như những cái tên cải danh mà các ông (sư) trọc đầu đặt đâu nhé.
Ông chủ có vẻ tự hào, cứ làm như cái tên “thiên nhiên cư sĩ” là một cái tên rất phong nhã vậy.
– Nào, cho xem cái nội dung khắc bia mộ ấy xem nào.
Meitei cười, giằng lấy bản thảo, rồi ông ta cất tiếng đọc to:
– Cái gì? “Sinh ra trong không gian, tận hiểu không gian, chết giữa không gian. Ôi, thiên nhiên cư sĩ, không không gian gian…” A, cái này được đây, hợp với thiên nhiên cư sĩ lắm!
Ông chủ, vẻ phấn khởi hỏi “được không?”
– Cái bài bia mộ (epitaph) này đem khắc vào đá nén dưa rồi vứt ở sau từ đường chính, làm lục thạch”[1] được đấy! Rất là nhã mà Thiên nhiên cư sĩ cũng được siêu thoát đấy.
– Tôi cũng đang định làm thế đấy.
Ông chủ trả lời rất nghiêm chỉnh. Rồi ông bảo:
– Xin lỗi, tôi đi một chút về ngay. Cậu ở nhà chơi với con mèo này nhé.
Không cần đợi Meitei trả lời, ông đi luôn.
Tôi không ngờ lại bị ông chủ bắt tiếp ông Meitei, nhưng tôi cũng không tỏ ra bất bình mà nũng nịu cất tiếng “meo” rồi leo lên đầu gối ông ta. Thế là ông Meitei không lễ độ gì cả, xách luôn gáy tôi lên kêu: “Chà, béo quá nhỉ, xem nào!”. Rồi dường như chỉ một mình tôi không đủ, ông với sang bắt chuyện với bà chủ ở phòng bên cạnh.
– Duỗi chân sau thế này thì có vẻ không hay bắt chuột lắm nhỉ. Thế nào bà, con mèo này có bắt chuột không?
– Bắt chuột gì? Nó ăn cả zoni rồi nhảy loạn cả lên ấy.
Bà chủ đem tội cũ của tôi ra nói chẳng đúng lúc gì cả. Tôi vừa bị treo lơ lửng vừa bị mất thể diện. Meitei vẫn chưa chịu đặt tôi xuống.
– À thế hả. Đúng là cái mặt trông có vẻ múa được lắm đây. Này bà này, con mèo này trông tướng không hay lắm đâu, phải cẩn thận đấy. Trông rất giống con mèo ma có đuôi chẻ đôi ở trong truyện tranh ngày xưa ấy.
Ông ta vừa nói bừa bãi như vậy vừa bắt chuyện riết với bà chủ. Hình như bị làm phiền, bà chủ đành bỏ công việc khâu vá đó mà sang phòng khách.
– Anh ngồi một mình chắc cũng chán nhỉ. Nhà tôi cũng sắp về thôi.
Bà rót chén trà khác, bưng đặt trước Meitei.
– Ông ấy đi đâu nhỉ?
– Đi đâu cũng không bao giờ nói, chả ai biết là đi đâu cả. Chắc là lại đến bác sĩ đấy thôi ạ.
– Đến bác sĩ Amaki à? Bác sĩ Amaki cũng phải nhận chữa cho con bệnh như thế thì tai nạn quá nhỉ?
-Vâng.
Bà chủ có vẻ không muốn nói chuyện nên chỉ trả lời ngắn gọn. Meitei không hề ý tứ gì, hỏi:
– Gần đây thế nào? Dạ dày của anh ấy có đỡ hơn không?
– Chẳng biết là đỡ hay không nữa. Có đi bác sĩ Amaki đến mấy mà cứ ăn mứt như vậy thì làm sao mà khỏi được cơ chứ!
Bà chủ đã ngầm bày tỏ sự bất bình khi nãy với ông Meitei.
– Anh ấy ăn mứt nhiều thế cơ à? Cứ như là trẻ con ấy nhỉ.
– Không chỉ có mứt không đâu. Dạo này ông ấy còn bảo củ cải là thuốc chữa dạ dày nên ăn rất nhiều củ cải mài nữa…
– Kinh ngạc thật! – Meitei thán phục.
– Chẳng biết, thấy bảo là trên báo có nói là trong củ cải mài có chất diastase đấy ạ.
– À ra thế! Có ý tưởng bồi thường thiệt hại về mứt đây. Anh ấy có sự suy tính ghê đấy… hà hà…
Meitei có vẻ rất khoái chí được nghe bà chủ nói như thế.
– Dạo này còn cho cả đứa bé con đang bú sữa ăn nữa.
– Cho ăn mứt ấy à?
– Không, củ cải mài ấy… anh ạ. Ông ấy gọi “con ơi lại đây, bố cho cái này, ngon lắm”. Tưởng là thỉnh thoảng ông ấy cũng biết chiều nựng con, ai ngờ chỉ toàn làm những chuyện ngớ ngẩn như vậy. Cách vài ba hôm, ông ấy còn bế con bé giữa đặt lên nóc tủ nữa cơ.
– Ồ, có ý tưởng gì vậy? – Meitei, hễ cứ nghe nói gì là lại chỉ hiểu đó là “ý tưởng”.
– Chẳng có ý tưởng gì cả. Ông ấy chỉ bảo thử nhảy từ trên đó xuống xem nào. Con bé mới có ba, bốn tuổi, làm sao mà làm được cái chuyện tai ngược như vậy cơ chứ?
– Đúng rồi, thế thì hơi quá ý tưởng đấy. Nhưng anh ấy là người lương thiện, không có gì độc ác trong bụng đâu.
Bà vợ bày tỏ phẫn nộ thật sự:
– Trong bụng mà lại còn độc ác hơn thế nữa thì ai mà chịu được.
– Thôi, chị cũng không nên bất bình như vậy làm gì. Cứ sống từng ngày từng ngày không thiếu hụt như thế này mà lại hơn đấy. Anh Kushami không ăn chơi gì, áo quần cũng không cầu kỳ. Anh ấy thuộc loại người thích hợp với cuộc sống gia đình…
Meitei hào hứng lên lớp một cách vô lối.
– Nhưng mà anh nhầm đấy!
Meitei lấp lửng đáp bâng quơ:
– Có cái gì ngầm bên trong chăng? Cuộc đời không đơn giản, không thể xem thường được nhỉ!
– Không có sở thích gì, nhưng mà mua bao nhiêu là sách về, mặc dù chẳng đọc đến. Đã thế, giá mà cân nhắc chọn lựa rồi hãy mua thì còn được. Đằng này có lần đến Maruzen[2] mang về mấy quyển rồi cuối tháng cứ lờ đi. Cuối năm ngoái, tiền hàng tháng dồn lại, thật là khổ.
– Cái gì chứ sách thì lấy được bao nhiêu cứ lấy về, không sao cả. Nếu họ đến thu tiền thì hẹn là sẽ trả ngay, trả ngay, thế là họ về thôi mà.
Bà chu tỏ ra ngán ngẩm:
– Làm như vậy cũng không thể kéo dài mãi được.
– Thế thì nói lý lẽ, bảo anh ấy cắt bớt tiền sách đi.
– Làm gì có chuyện nói như thế mà ông ấy nghe cho. Hôm trước ông ấy còn bảo tôi “cô chẳng xứng đáng là vợ một học giả gì cả. Không hề biết giá trị sách vở là thế nào. Ngày xưa ở La Mã có một câu chuyện thế này, cô phải nghe mà học tập…”
– Thế thì thú vị đấy. Chuyện như thế nào?
Meitei hào hứng vì hiếu kỳ hơn là đồng cảm với bà chủ.
– Rằng ngày xưa ở La Mã có một ông vua tên là Tarukin (chum tiền) gì gì đó…
– Tarukin à? Tarukin thì nghe lạ nhỉ?
– Tên nước ngoài khó nên tôi không nhớ rõ nhưng nghe nói là đời vua thứ 7 gì đó…
– À, hiểu rồi, chum tiền đời thứ bảy, nghi lắm! Thế cái Tarukin đời thứ bảy ấy làm sao?
– Trời ơi, cả anh cũng chế giễu nữa thì tôi hết chỗ sống rồi. Anh biết thì nói cho tôi rõ có được không? Người đâu mà ác. – Bà chủ nổi cáu với Meitei.
– Không, tôi không ác đến nỗi chế giễu người khác thế đâu. Có điều là nếu Tarukin đời thứ bảy thì… Để xem nào, hoàng đế thứ bảy của La Mã à? Tôi nhớ không chính xác, nhưng có lẽ là Tarquin the Ploud chăng. Thôi, ai cũng được. Cái ông vua đó làm sao?
– Nghe nói là có một cô gái mang đến chỗ ông ta 9 quyển sách, hỏi ông ta có mua không?
– Ồ, thế à?
– Ông vua hỏi giá bao nhiêu, thì cô ta nói rất đắt. Vua bảo đắt quá, bớt đi một chút được không? Thế là cô ta lập tức lấy 3 quyển trong đó đốt đi.
– Tiếc quá nhỉ.
– Nghe nói trong sách đó viết toàn những lời sấm trạng gì đó mà không ở đâu có.
– Hừ.
– Ông vua nghĩ từ 9 quyển xuống còn 6 quyển thì chắc giá rẻ hơn, hỏi bao nhiêu thì cô gái vẫn nói giá như trước, không kém một xu. Vua bảo thế thì bậy quá. Cô ta liền đem 3 quyển nữa châm vào lửa. Vua có vẻ còn tiếc rẻ, lại hỏi ba quyển còn lại bao nhiêu thì cô ta bào vẫn là giá của 9 quyển. Từ 9 quyển còn 6 quyển rồi 3 quyển mà giá vẫn không kém một chinh. Nếu đòi bớt nữa thì 3 quyển còn lại cũng sẽ bị đốt mất. Thế là vua đành bỏ tiền ra mua ba quyển sách còn lại. Đấy, qua chuyện này, cô đã thấy được chút nào rằng sách là quý giá như thế nào chưa? Ông ấy nhấn mạnh “đấy!”, nhưng tôi thì chẳng hiểu quý giá ở chỗ nào cả.
Bà chủ đưa kiến thức của một gia đình ra, đòi ông Meitei trả lời, nhưng hình như ông này cũng bí nên lôi từ trong túi ra một chiếc khăn tay, trêu chọc tôi. Như chợt nhớ ra điều gì, ông ta gọi thật to:
– Nhưng mà này, bà chủ ơi. Vì anh ấy mua nhiều sách về, bày la liệt như vậy nên được mọi người gọi là học giả đấy. Vừa rồi tôi có mua một cuốn tạp chí văn học, thấy trong đó có bài viết về anh Kushami đấy.
– Thật à?
Bà chủ quay mặt lại, hỏi. Quan tâm đến sự đánh giá về chồng mình thế này thì hai người này quả thật rất xứng đôi.
– Họ viết cái gì cơ?
– Chỉ có vài ba dòng thôi, rằng văn của anh Kushami rất bay bổng, dạt dào.
Bà chủ hơi tươi cười hỏi tiếp:
– Chỉ có thế thôi à?
– Sau đó thì viết là “tưởng là ra nhưng thoắt cái biến mất, đi mất rồi thì mất hút luôn, quên mất cái quay về nơi vĩnh viễn.”
Bà chủ vẻ mặt băn khoăn, nôn nóng hỏi:
– Nói như vậy là khen à?
– Ờ, có thể là khen đấy.
Meitei nói và cứ dứ dứ cái khăn tay vào mặt tôi.
– Sách vở là công cụ để làm ăn thì cũng đành phải thế, nhưng mà ông ấy méo mó, lập dị quá.
Meitei tưởng bà chủ sắp thay đổi hướng tấn công nên đổi giọng và lấp lửng thanh minh:
– Méo mó thì có hơi méo mó đấy, nhưng các học giả thì ai cũng thế cả.
– Hôm trước ông ấy ở trường về, nói là sẽ lại đi ngay nên không cần thay quần áo. Anh biết không, áo măng tô cũng không cởi, cứ thế ngồi lên bàn mà ăn. Mâm cơm cứ đặt ngay lên mặt lò sưởi Kotatsu. Tôi bưng bát ngồi nhìn, thấy sao mà kỳ quặc.
– Chà, cứ như là ông tướng đi kiểm tra đầu lâu ấy nhỉ. Nhưng cái đó cho thấy anh Kushami là anh Kushami… dẫu sao cũng không phải là một người tầm thường, một “chukinami”[3]. – Ông ta tha thiết ca ngợi.
– Chukinami hay không thì phụ nữ chúng tôi không biết. Gì thì gì chứ như thế thì quá thô thiển.
– Nhưng vẫn còn hơn là “chukinami” chứ?
Nghe ông ta cố ý đế thêm như vậy, bà chủ có vẻ không hài lòng, vụt quay ra chất vấn về cái gọi là “chukinami”:
– Thế thì cái chukinami, chukinami mà lúc nào các anh cũng nói ấy, nó là cái gì?
– “Chukinami” à? Chukinami là cái… chà thế mà hơi khó giải thích nhỉ!
– Mập mờ như vậy thì chắc “chukinami” cũng có vẻ là tốt, phải không?
Bà chủ tấn công dồn dập theo phương pháp logic của riêng phái nữ.
– Không phải mập mờ đâu, rất rõ ràng đấy. Chỉ có điều là khó giải thích thôi.
– Tất cả những cái gì mình không ưa thì đều cho là “chukinami” chứ gì?
Bà chủ bất chợt nêu cái tự mình phát minh ra. Đến nước này thì bắt buộc Meitei phải tìm cho “chukinami” một cái định nghĩa của nó.
– Chị ạ, “chukinami” trước hết là chỉ những người mà:
“Xuân xanh chừng độ hai lần tám
Tuổi trẻ đang thì cũng đáng yêu
Suốt ngày nằm khểnh vô lo nghĩ
Chờ khi trời đẹp thì lên đê
Xách theo bầu rượu, vui thoả thuê”[4]
– Lại còn có cả cái loại người như thế nữa cơ à?
Bà chủ không hiểu gì nên đáp cho qua chuyện. Cuối cùng thì đành nhượng bộ, bảo:
– Lộn xà lộn xộn, tôi chả hiểu gì.
– Thế thì lắp cổ Major Pendennis[5] vào thân Bakin[6] rồi gói vào không khí châu Âu một hai năm chăng?
– Làm như vậy thì có được “chukinami” à?
Meitei không trả lời mà cười bảo:
– Chẳng cần phải cầu kỳ như thế cũng có thể có được. Chỉ cần lấy một cậu học sinh trung học cộng với cậu quản lý nhà hàng Siroki (Bạch Mộc, gỗ trắng) rồi chia đôi ra là có được sự “chukinami” tuyệt vời rồi.
– Thế à?
Bà chủ ngoẹo cổ, có vẻ như khó chấp nhận điều đó.
Ông chủ đã về từ lúc nào, ngồi xuống cạnh Meitei, hỏi:
– Cậu vẫn còn ở đây à?
– Vẫn còn ở đây à? Hỏi gì mà quá đáng. Cậu chả bảo là tôi đi một chút rồi về ngay, chờ nhé là gì?
Bà chủ quay nhìn Meitei, nói:
– Đấy, bao giờ cũng thế đấy.
– Vừa rồi, trong lúc cậu đi vắng, tôi đã được nghe hết những giai thoại về cậu rồi đấy.
– Đàn bà là cứ lắm chuyện, rất dở. Giá con người mà biết giữ được im lặng như mèo thì có phải hay không.
Ông chủ nói và vuốt ve đầu tôi.
– Nghe nói cậu đã cho con nhỏ ăn củ cải mài hả?
Ông chủ cười:
– Hì… Trẻ thơ bây giờ chúng nó khôn lắm. Từ sau lần đó, cứ hỏi cay chỗ nào con là nó thè lưỡi ra rất kỳ diệu.
– Cứ như là huấn luyện chó làm xiếc ấy, thật quá quắt. Chắc Kangetsu cũng sắp đến rồi đấy.
Ông chủ hỏi với vẻ khó hiểu:
– Kangetsu sẽ đến à?
– Sẽ đến mà. Tôi đã gửi bưu thiếp, hẹn cậu ấy đến đây vào khoảng trước 1 giờ.
– Cậu thật tùy tiện. Không thèm hỏi xem người khác bận hay rỗi, cứ làm theo ý mình. Cậu hẹn Kangetsu đến đây làm gì?
– Không phải thế. Việc hôm nay không phải chủ trương của tôi mà là yêu cầu của chính thầy Kangetsu đấy. Thầy ấy bảo là sẽ phải diễn thuyết ở hội đồng khoa học gì đó, nên phải tập trước và yêu cầu tôi nghe thử. Tôi bảo thế thì tốt quá, tôi sẽ bảo cả anh Kushami cùng nghe. Vì thế mới hẹn cậu ấy đến nhà cậu, hiểu chưa? Có gì đâu, rất đúng dịp tốt là cậu luôn rảnh rỗi mà. Cậu ta là người không có gì đáng ngại, nghe cũng được chứ sao?
Meitei tự mình quyết định như vậy. Ông chủ có vẻ tức với sự quyết đoán của Meitei, bảo:
– Diễn thuyết về vật lý vật lung thì tôi làm sao mà hiểu được?
– Nhưng đó không phải vấn đề khô khan, vô vị như kiểu vòi phun có gắn nam châm đâu. Đây là bài diễn thuyết cao siêu về lực học treo cổ, nghe rất có giá trị.
– Cậu treo cổ trượt thì cậu nghe chứ tôi thì…
– Cái loại phát sốt rét vì tuồng Kabuki thì không thể kết luận là không cần nghe đâu.
Meitei lại tếu như mọi khi. Bà chủ nhìn ông chủ, cười hí hí rồi lui về phòng bên. Ông chủ không nói gì im lặng xoa đầu tôi. Chỉ những lúc như thế này là ông xoa rất cẩn thận.
Sau đó khoảng 7 phút, đúng như đã hẹn, Kangetsu đến. Hôm nay anh phải “diễn thiệt”[7] (múa lưỡi) nên mặc áo vét đuôi tôm rất bảnh chưa từng thấy, cổ cồn mới giặt dựng đứng, làm tăng vẻ đẹp trai thêm 20 phần trăm. Anh ta từ tốn chào:
– Em xin lỗi đã đến muộn mấy phút.
– Hai người chúng tôi sốt ruột chờ cậu từ nãy đến giờ đấy. Xin mời cậu cho nghe ngay đi thôi. Có phải thế không nhỉ?
Meitei nhìn ông chủ nói. Ông chủ đành chỉ ậm ừ trả lời: “Ừ”. Kangetsu không vội vã, bảo:
– Cho em xin một cốc nước đi.
– Này, cậu làm thật đấy à? Rồi sau đó bắt chúng tôi vỗ tay hả?
Meitei tự mình làm náo nhiệt. Kangetsu lôi từ trong túi ra tập bản thảo, điềm tĩnh nói mào đầu:
– Đây là làm để tập dượt nên rất mong quý vị góp ý thẳng thắn, đừng e ngại gì cả.
Thế rồi anh ta bắt đầu tập luyện sự “múa lưỡi” của mình:
– Xử tội nhân bằng cách treo cổ là phương pháp được tiến hành chủ yếu trong tộc người Anglo-Saxon. Nhưng xét về thời cổ đại, thì đó chủ yếu là một phương pháp tự sát. Dân Do Thái thì có phong tục ném đá vào tội nhân. Nghiên cứu Cựu ước toàn tập thì thấy “hanging” là một từ chỉ một việc làm được chấp nhận, nghĩa là treo thi thể tội nhân lên cho thú dữ hoặc chim muông ăn. Theo Herodotos (sử gia Hy Lạp cổ đại) thì người Do Thái từ trước khi rời bỏ Ai Cập, họ đã coi việc bị phơi thây trong đêm là cảnh tượng ghê tởm, không muốn nhìn thấy. Người Ai Cập cắt cổ tội nhân, chỉ có thân mình của tội nhân bị đóng đinh treo trên cây thánh giá và phơi xác trong đêm. Còn người Ba Tư thì…
Meitei nói chen vào:
– Này Kangetsu, sao dần dần đi xa vấn đề treo cổ thế? Có sao không đấy?
– Bây giờ sẽ đi vào nội dung chính đây. Xin quý vị bình tĩnh, cố gắng lắng nghe. Nói về người Ba Tư thì thế nào? Ở đây hình như cũng có áp dụng hình thức phanh thây, có điều là đóng đinh để phanh thây khi người đó còn sống hay sau khi đã chết? Điều này hoàn toàn chưa rõ.
– Cái ấy thì không rõ cũng chẳng sao.
Ông chủ nói rồi ngáp với vẻ chán ngán.
– Vẫn còn nhiều chuyện muốn trình bày nữa, nhưng sợ làm phiền quý vị…
– Nói là đến đây để làm phiền thì dễ nghe hơn chỉ nói là làm phiền. Nhỉ, phải thế không, Kushami?
Meitei lại chỉ trích, ông chủ trả lời hờ hững:
– Cái nào cũng thế cả.
– Nào, bây giờ xin nói vào vấn đề chính.
– “Nói”, nghe có vẻ như giáo viên lên lớp ấy. Cậu là nhà “diễn thiệt” thì cậu phải tìm cái từ nào nghe kêu hơn một tí chứ?
Thầy Meitei lại phá quấy. Kangetsu hỏi, vẻ tức tối:
– Dùng “nói” thì bảo là tầm thường, vậy thì dùng từ nào mới được?
Ông chủ muốn mau chóng chấm dứt chỗ rắc rối, nói.
– Cái cậu Meitei này, không biết là nghe hay phá quấy đây. Kangetsu đừng bận tâm đến con ngựa kham ấy làm gì, cứ nói đi.
– Thế thì “tức giận mà trình bày, là cây liễu này đây”[8], phải không nhỉ?
Meitei vẫn tếu táo. Kangetsu bật cười, tiếp:
– Theo kết quả tôi đã tìm ra thì hình phạt treo cổ chính thức được áp dụng có trong tập 22 của Odyssey. Tức là vụ Telemachus xử treo cổ 12 nữ tỳ của Penelope. Nguyên bản này tôi có thể đọc bằng tiếng Hy Lạp, nhưng hơi điệu quá nên thôi. Xin quý vị cứ nhìn từ dòng 465 đến dòng 473 sẽ rõ.
– Tiếng Hy Lạp thì thôi. Cậu ta muốn khoe mình biết tiếng Hy Lạp đấy anh Kushami nhỉ!
– Cái đó tôi đồng ý. Không nên tham lam như vậy lại sâu sắc hơn, hay hơn.
Không hiểu từ lúc nào, ông chủ đã đứng về phía Meitei. Cả hai đều không biết một tiếng Hy Lạp nào.
– Thế thì mấy câu này tối nay bỏ đi. Bây giờ xin trình bày tiếp. Cái việc treo cổ này, ngày nay chúng ta có thể hình dung có hai phương pháp: Một là Telemachus được Eumaeus và Philiscius tiếp tay buộc một đâu dây lên cột. Trong cái dây ấy có khoét những cái lỗ, đút đầu các tỳ nữ vào, rồi kéo đầu dây kia, treo lên.
– Tức là, cứ tưởng tượng các tỳ nữ này treo lủng lẳng như một chuỗi quần áo, trên dây phơi của một tiệm giặt, là được chứ gì?
– Vâng, đúng là như vậy. Phương pháp thứ hai là một đầu dây cũng buộc lên cột như lúc nãy, còn một đầu buộc cao trên trần nhà từ trước. Từ cái dây này thòng xuống những sợi dây khác, ở đó có những vòng thắt sẵn, đút đầu các tỳ nữ vào, rồi bất chợt lấy những cái bệ dưới chân các cô gái đi. Đại ý là như vậy.
– Nói một cách ví von thì tưởng tượng nó như một chuỗi đèn lồng, mà mỗi đầu dây xâu một chiếc vòng đèn lồng, được không?
– Vòng đèn lồng là cái gì? Tôi chưa nhìn thấy bao giờ nên không có ý kiến gì. Nếu có cái đó thì cũng có thể là như vậy! Bây giờ nói về lực học thì ở trường hợp thứ nhất sẽ chứng minh là hoàn toàn không có khả năng thực hiện nên không xảy ra.
– Hay nhỉ.
Meitei nói. Ông chủ cũng nhất trí:
– Ừ, hay đấy.
– Chúng ta hãy giả định là các cô gái được treo ở cùng một khoảng cách, đồng thời sợi dây nối cổ các cô gái ở gần mặt đất nhất là phương nằm ngang, ở đây α1, α2,… α6 là góc độ tạo thành giữa cái dây và mặt phẳng, T1, T2,… T6 là lực tác động lên các phần của dây. T7=x là lực mà bộ phận dây chịu nhiều nhất. Còn W thì xin hiểu là trọng lượng cơ thể các cô gái. Thế nào, các vị đã hiểu chưa ạ?
Meitei và ông chủ nhìn nhau rồi trả lời “Ừ, tương đối hiểu”. Có điều, cái mức độ “tương đối” này là do hai ông tùy tiện đưa ra nên người ngoài không thể biết được nó là bao nhiêu.
– Nào, bây giờ theo nguyên lý tính cân bằng của hình đa giác mà các vị đã biết, chúng ta sẽ thành lập được 12 phương trình sau đây:
T1cosα1 = T2cosα2… (1), T2cosα2 = T3cosα3… (2)…
– Thôi, cái phương trình, phương thức ấy thế là đủ lắm rồi. – Ông chủ nói một cách trắng trợn.
– Chính cái phương thức này mới là cốt lõi của bài diễn thuyết mà.
Anh Kangetsu tỏ ra vô cùng luyến tiếc phần còn lại. Meitei thì có vẻ hơi nhún nhường, đề nghị:
– Vậy thì riêng cái phần cốt lõi ấy để nghe sau vậy.
– Nếu lược bỏ các phương trình này thì công trình nghiên cứu lực học rất công phu cũng đâm ra hỏng mất…
Ông chủ nói rất thản nhiên:
– Thôi, không cần tiếc rẻ gì, cứ lược hết đi.
– Vậy thì theo ý kiến thầy, đành bỏ đi vậy.
– Như vậy là hay đấy! – Đúng vào lúc tế nhị nhất thì Meitei nói và vỗ tay bốp bốp.
– Bây giờ chuyển sang nói về nước Anh. Trong tác phẩm Beowulf có giá treo cổ, tức là ta có thể nghĩ là luật treo cổ đã được tiến hành từ thời đại này. Theo Blackston thì những phạm nhân bị xử treo cổ, nếu vạn bất đắc dĩ, do cái dây mà không chết được thì lại phải nhận lại hình phạt ấy một lần nữa. Có cái lạ là trong Piers Flowman có một câu là “dù tội nặng đến đâu cũng không có luật xử treo cổ hai lần”. Chẳng biết cái nào đúng, nhưng có điều, có bằng chứng rõ ràng là có thể có người không thể chết trong một lần. Năm 1786 có sự kiện xử treo cổ tên tội phạm khét tiếng Fitz Gerald, do tình thế bất ngờ, lần thứ nhất khi nhảy ra khỏi bệ thì dây bị đứt. Làm lại lần thứ hai thì lần này dây quá dài, chân chạm đất, thế là cũng không thể chết được. Cuối cùng đến lần thứ ba thì phạm nhân đã được những người đi xem giúp cho chết được.
– Chà, chà…
Đến chỗ này Meitei bỗng trở nên hăng hái. Cả ông chủ cũng sôi nổi:
– Đúng là chết hụt nhỉ.
– Còn cái này nữa mới hay. Nghe nói là sau khi thắt cổ thì lưng hắn dài ra thêm một phân. Cái này bác sĩ đã đo chính xác, nên không sai.
– Đó là một phương pháp mới đấy nhỉ? Cậu Kushami mà được treo thử một lần thì hay đấy. Dài thêm được một phân thì sẽ không thua kém mọi người đâu.
Meitei quay sang bảo ông chủ thế. Không ngờ ông chủ hỏi rất nghiêm túc:
– Này Kangetsu, có trường hợp lưng dài thêm một phân mà sống lại được à?
– Cái đó thì nhất định là không rồi. Bị treo lên thì cột sống dãn ra, không phải là dài ra mà chính là bị vỡ cột sống.
– Thế thì thôi, chẳng làm nữa. – Ông chủ đành từ bỏ ý định.
Nội dung tiếp theo của bài diễn thuyết vẫn còn dài. Đáng lẽ anh Kangetsu còn đề cập đến tác dụng sinh lý của việc thắt cổ nữa, nhưng vì Meitei cứ nói chen vào những lời lung tung, còn ông chủ thì thỉnh thoảng ngáp vặt, không thèm để ý nên cuối cùng nhà diễn thuyết đã bỏ về giữa chừng.
Tối hôm đó anh Kangetsu đã hùng biện như thế nào với thái độ ra sao thì vì ở xa, tôi không biết được.
Hai ba ngày sau đó, không có gì xảy ra. Một hôm vào khoảng 2 giờ chiều, ông Meitei lại vô tư, bình thản như “ngẫu nhiên đồng tử” tìm đến như mọi khi. Vừa ngồi xuống, ông ta nói ngay, cứ như là đến để báo tin đặc biệt về Lữ Thuận thất thủ không bằng.
– Này, cậu đã nghe vụ Takanawa của Ochi Tofu chưa?
– Không biết. Gần đây tôi có gặp đâu.
Ông chủ thì lúc nào cũng ủ dột như lúc nào.
– Hôm nay, mặc dù rất bận, tôi vẫn cố cất công đến đây để cho cậu biết một chuyện thất sách của cái cậu Đông Phong tử ấy.
– Lại nói thánh nói tướng rồi. Cậu đúng là một kẻ bất liệt[9].
– Ha ha ha… có lẽ là “vô liệt” chứ không phải “bất liệt” đâu. về điểm này, mong cậu phân biệt rõ cho, nếu không sẽ ảnh hưởng đến danh dự của tôi đây.
– Thì cũng thế cả mà.
Ông chủ nói mạnh. Và cuộc tái viếng thăm của “thiên nhiên cư sĩ” thực thụ bắt đầu:
– Nghe nói chủ nhật tuần trước cậu Đông Phong tử đã đi chùa Sengaku Takanawa. Trời lạnh thế này lẽ ra không nên đi, thế mà lại đi. Thứ nhất là, những người tìm đến chùa Sengaku vào lúc này chỉ là những người nhà quê, không biết Tokyo…
– Đấy là quyền tự do của Tofu, cậu không có quyền ngăn cản nó.
– Đúng rồi, không có quyền. Nhưng thôi, quyền thì có hay không cũng chẳng sao, nhưng trong chùa có cuộc trưng bày, triển lãm của cái gọi là “Hội bảo tồn di vật nghĩa sĩ”, cậu có biết không?
– Ừ, không.
– Không biết hả? Nhưng cậu đã từng đi Sengaku rồi chứ?
– Không.
– Không à? Thế này thì kinh ngạc quá. Đây là một sự bào chữa bằng đạo lý cho Tofu đây! Dân Edo mà không biết chùa Sengaku thì thật đáng xấu hổ.
– Không biết cũng vẫn làm giáo viên được kia mà! – Ông chủ lại càng thiên nhiên cư sĩ hơn.
– Cái đó không sao. Cái cậu Tofu ấy vào xem triển lãm thì ở đó có một đôi vợ chồng người Đức. Đầu tiên họ hỏi Tofu cái gì đó bằng tiếng Nhật. Nhưng tiên sinh vốn rất thích nói tiếng Đức, nên mới liến láu thử hai ba câu và không ngờ nói rất tốt. Sau này nghĩ lại mới thấy, không ngờ đó lại chính là mầm móng của tai họa.
– Sau đó làm sao?
Kết cục, ông chủ đã bị câu chuyện lôi cuốn, hỏi.
– Người Đức đó thấy cái hộp sơn mài đựng con dấu của Otaka Gengo thì hỏi có bán không? Tofu trả lời rất hay rằng người Nhật toàn là những người quân tử thanh liêm, không bán được. Cái đó thì tốt rồi. Nhưng sau đó người Đức ấy muốn được giải thích đầy đủ, cặn kẽ hơn nên hỏi rất nhiều.
– Hỏi những cái gì?
– Hỏi gì thì nếu mà hiểu được đã chẳng phải lo. Đằng này, đã nói nhanh lại hỏi toàn những cái khó nên Tofu mới bí. Cậu ta chỉ thỉnh thoảng nghe được là họ hỏi về cái Tobikuchi[10] và cái búa gỗ (cái vồ) nhưng những cái này dịch sang tiếng Tây là gì đây? Vì chưa học nên tiên sinh nhà ta không biết.
– Đúng thế thật!
Ông chủ ngẫm đến thân phận cái nghề dạy học của mình nên tỏ ý thông cảm.
– Lúc đó những người rỗi việc xúm lại, vây kín xung quanh Tofo và người Đức nọ, để xem. Tofu mặt đỏ gay, ấp a ấp úng. Khí thế ban đầu biến đi đâu mất, tiên sinh trở nên yếu đuối.
– Cuối cùng thì thế nào?
– Cuối cùng, hình như Tofu không chịu đựng nổi nữa bèn nói “sai na ra” bằng tiếng Nhật rồi quấy quả bỏ đi. “Sai na ra” thì nghe lạ nhỉ? Tôi hỏi Tofu ở quê cậu, khi chia tay nói là “sai na ra” à? cậu ta bảo không vẫn nói là “sa yo na ra” (tạm biệt), nhưng vì đó là người Đức nên tớ nói thế cho cân xứng. Tôi thật lấy làm khâm phục cậu ta. Một con người khi cùng quẫn vẫn không quên giữ “cân xứng”.
– Sai na ra cũng được, nhưng, thế người Tây phương đó làm thế nào?
– Ông ta bị bất ngờ, cứ ngớ ra. Ha ha… Cậu thấy có hay không?
– Chả có gì hay cả. Có thế mà cũng cất công đến đây như cậu thì mới hay hơn nhiều!
Ông chủ nói và gạt tàn thuốc vào đĩa. Đúng lúc đó, chuông ngoài cửa réo như nảy lên, rồi có tiếng phụ nữ lanh lảnh “Xin lỗi, cho nhờ một chút”. Ông chủ và Meitei bất chợt im lặng nhìn nhau.
Khách phụ nữ đến nhà ông chủ là một việc hiếm thấy. Người chủ sở hữu của cái giọng lanh lảnh này kéo lê trên sàn chiếu hai lớp vải đũi lồng vào nhau mà vào phòng. Tuổi bà này có lẽ trên 40. Từ mép tóc đã được chải vén lên, mái tóc phía trước búi cuộn ngược như một bờ đê, ít nhất cũng cao bằng nửa chiều dài của mặt, vứt ngược lên trần nhà. Hai con mắt đối diện nhau qua một đường thẳng, xếch ngược lên. Độ dốc của nét xếch này phải ngang với độ dốc của cái đèo. Còn đường thẳng giữa hai mắt thì cứ hình dung là nhỏ như sợi chỉ. Chỉ riêng cái mũi thì rất to, trông cứ như lấy trộm mũi của người khác mà đặt lên mặt vậy. Người ta có cảm giác như đem chiếc bệ đá cột đèn của đền Chiêu hồn đặt vào một mảnh vườn khoảng ba chư-bô, trông thì rất uy nghi bệ vệ, nhưng sao thấy không vững chãi. Cái mũi diều hâu thì bắt đầu một cách hăng hái, cao vút lên, giữa chừng chắc thấy khí thế hơi quá nên vội từ tốn lại, đến chặng cuối thì không còn khí thế như trước nữa, quặp trĩu xuống, nhòm vào cái miệng bên dưới. Với cái mũi thế này, khi người đàn bà này nói, có cảm giác như cái mũi đang nghe cái miệng hơn là cái miệng đang nói. Để bày tỏ sự kính phục đối với cái mũi vĩ đại này, tôi quyết định từ nay trở đi sẽ gọi bà này là Bà Mũi[11]. Bà Mũi sau khi chào hỏi xã giao, nhìn lướt một vòng khắp nhà rồi khen “nhà tốt quá nhỉ”, ông chủ hít mạnh thuốc lá, trong bụng hét thầm “đồ giả dối”. Meitei ngước nhìn trần nhà, nói khích ông chủ:
– Này cậu, những chỗ lốm đốm kia là vân gỗ hay do mưa dột thế hả?
– Tất nhiên là do mưa.
Ông chủ trả lời. Meitei nói thêm:
– Tốt quá nhỉ!
Bà Mũi tức tối nghĩ bụng “cái bọn người chẳng biết xã giao tí nào”. Ba người ngồi như ba ông đồ rau một lúc lâu, không ai nói gì. Rồi bà Mũi lên tiếng:
– Tôi có một việc muốn hỏi nên đến đây.
– Vâng.
Ông chủ đáp lạnh nhạt. “Cứ thế này thì không được!”, bà Mũi nghĩ và nói tiếp:
– Tôi là người ở gần đây. Nhà tôi ở góc đường, trong ngõ kia.
– Cái nhà Tây to, có cả nhà kho phụ, có cái biển đề là Kaneda (Kim Điền – ruộng tiền) có phải không?
Ông chủ đã nhận thức được cái nhà Tây Kaneda, cái nhà kho Kaneda, nhưng xem ra mức độ tôn kính đối với bà Kaneda thì vẫn như cũ.
– Thực ra thì nhà tôi muốn đích thân đến đây nói chuyện với ông, nhưng công việc công ty rất bận…
Lần này bà nói với ánh mắt “đã biết chưa, thấm rồi chứ?”, nhưng ông chủ chả thay đổi gì. Lời lẽ của bà Mũi từ nãy đến giờ, với tư cách là một phụ nữ mới gặp lần đầu mà ăn nói quá thô đã làm ông phật ý.
– Chắc ông cũng đã biết, chúng tôi không chỉ có một mà là hai, ba công ty, mà công ty nào chúng tôi cũng có trọng trách cả…
Vẻ mặt bà như muốn nói “cái này thì đáng nể chứ?”. Vốn dĩ ông chủ là người, nếu mà nói đến giáo sư, tiến sĩ gì đó thì ông ta nể, chứ rất lạ là mức độ kính trọng của ông đối với các nhà doanh nghiệp lại rất thấp. Ông ta tin rằng cái chức giáo viên trung học của ông oai hơn doanh nhân. Dẫu không tin như vậy thì với bản chất không thức thời, ông cũng đoạn tuyệt mọi sự nhờ vả cũng như ân sủng của những doanh nhân, những kẻ lắm tiền, coi đó là sự mờ ám. Đã không có ý định nhờ vả như vậy thì dẫu có là người giàu có hay thế lực đến đâu cũng chẳng liên quan gì đến ông cả. Vì vậy, ngoài xã hội học giả ra, ông hoàn toàn xa lạ với mọi lĩnh vực. Đặc biệt đối với giới doanh nhân, ông không hề biết ai làm gì, ở đâu. Mà có biết thì ông cũng không hề mảy may tôn kính hay nể sợ. Về phía bà Mũi, ngay cả trong mơ, bà ta cũng chưa bao giờ nghĩ rằng ở một xó dưới gầm trời này lại có một con người kỳ quặc như thế này, mà cũng đang sống, đang sưởi ánh mặt trời nữa. Từ trước đến nay bà đã từng tiếp xúc với nhiều người đời, cứ hễ nói “tôi là vợ ông Kaneda” thì chưa bao giờ có một trường hợp nào mà người nghe lại không vội vàng thay đổi ngay cách đối xử. Trong bất kỳ cuộc hội họp nào, trước bất kỳ một người có địa vị cao đến đâu, phu nhân Kaneda cũng qua được hết. Còn cái loại học trò già, bị khói hun thế này thì chỉ cần nghe nói “nhà ở góc đường trong ngõ kia” thôi, chưa cần biết làm nghề gì đã phải giật mình rồi mới phải chứ!
– Cậu có biết người tên là Kaneda không?
Ông chủ thản nhiên hỏi Meitei. Meitei nghiêm túc trả lời:
– Biết chứ. Ông ấy là bạn của bác tôi mà. Vừa rồi cũng đi dự cái Hội viễn du gì đó.
– Ủa… Bác cậu là ai?
– Là Nam tước Makiyama.
Meitei càng nghiêm túc hơn. Ông chủ còn chưa nói gì thì bà Mũi đã vội quay sang nhìn Meitei, Meitei mặc kimono vải dệt Osima, quàng khăn lụa Ấn Độ.
– Ối chà, ông là thế nào với ngài Makiyama cơ? Thế mà tôi không biết, thật thất lễ với ông quá! Nhà tôi vẫn nói đã chịu ơn ngài Makiyama giúp đỡ rất nhiều.
Bà ta chợt đổi giọng, rất lễ độ, lại còn cúi chào nữa. Meitei cười “Ôi, không phải đâu? hí hí…” Ông chủ không hiểu gì, im lặng nhìn hai người.
– Xung quanh chuyện nhân duyên của con gái chúng tôi, quả thật chúng tôi đã nhờ vả, quấy quả ngài Makiyama rất nhiều…
– Ồ, thế à?
Về chuyện này, hình như Meitei cũng hơi bị bất ngờ nên giọng nói hơi giả tạo.
– Thực ra thì cũng có nơi này nơi nọ đánh tiếng đấy. Nhưng về phía chúng tôi, chúng tôi cũng có địa vị của mình, thành ra cũng chưa đâu vào đâu…
– Đúng thế đấy!
Meitei đã yên tâm. Bà Mũi quay sang ông chủ, giọng lập tức trở nên sỗ sàng:
– Tôi muốn hỏi ông về chuyện đó đấy. Nghe nói có người tên là Mizushima Kangetsu vẫn thường lui tới chỗ ông đây, tôi muốn biết đại thể anh ta là người như thế nào?
Ông chủ nói dấm dẳng:
– Bà hỏi về Kangetsu để làm gì?
– Chắc là chuyện có liên quan đến hôn nhân quý tiểu thư, nên bà muốn biết về lai lịch, tính cách của anh Kangetsu phải không? – Meitei rất nhạy cảm.
– Nếu được biết về những cái đó thì rất may.
– Có nghĩa là bà muốn gả con gái bà cho Kangetsu phải không?
– Tôi không nói là muốn gả.
Bà Mũi lập tức cho ông chủ thua.
– Cũng còn nhiều nơi khác, chẳng lo gì mà cần phải cố gả cho anh ấy.
Ông chủ lại gắng sức:
– Vậy thì cần gì phải hỏi về Kangetsu nữa?
– Nhưng ông cũng không có lý do gì cần phải che giấu cả.
Bà Mũi đã hơi bắt đầu kiểu cãi nhau. Meitei cầm chiếc tẩu bạc, ngồi giữa hai người như cầm chiếc quạt trọng tài sumo, trong lòng thầm reo “chà, chà, sắp bắt đầu đây!”. Ông chủ đẩy tay trước:
– Vậy anh Kangetsu có nói là muốn lấy con bà không?
– Không nói là muốn, nhưng…
– Nhưng bà nghĩ là anh ấy muốn chứ gì?
Hình như ông chủ đã giác ngộ rằng, với bà này thì chỉ có đẩy tay (tấn công) mới được.
– Chuyện chưa đi đến chỗ như vậy, nhưng với anh Kangetsu thì cũng không phải là không đáng mừng hay sao? – Bà ta đã lấy lại thế ở ngoài mép sàn đấu.
– Kangetsu có biểu hiện gì là đã yêu con bà chưa?
Ông chủ cong người chống đỡ với ngụ ý “có thì thử nói xem nào?”
– Cái đó thì cũng có đấy.
Lần này đòn tấn công của ông chủ đã không có hiệu lực. Từ nãy đến giờ, Meitei đóng vai trò người xem, nghe bà Mũi nói thế, có lẽ lòng tò mò nổi lên, bèn đặt cái tẩu xuống, vươn người về phía trước:
– Kangetsu đã gửi thư hay cái gì cho quý tiểu thư chưa? Chuyện này thú vị thật. Năm mới lại có thêm một giai thoại làm tư liệu tuyệt vời đây!
Meitei tự thấy phấn khởi. Bà Mũi mỉa mai gây sự:
– Không có thư, nhưng mà còn hơn cả thư nữa. Cả hai ông đều đã biết rồi đấy!
– Cậu biết à?
Ông chủ vẻ ngơ ngác hỏi Meitei. Meitei nói giọng ngớ ngẩn:
– Tôi không biết. Người biết là cậu chứ?
Ông ta tỏ ra khiêm tốn trong trường hợp vớ vẩn này. Chỉ có mỗi bà Hanako là rất tự hào:
– Không, đây là chuyện cả hai ông đều biết mà!
– Hả!? – Cả hai người đều cảm thán.
– Nếu các ông quên rồi thì tôi xin nói cho mà nghe. Dạo cuối năm ngoái, có cuộc hòa nhạc ở dinh thự ngài Abe ở Mukojima, anh Kangetsu chả đi dự là gì? Đêm hôm đó, trên đường về, cái gì đã xảy ra trên cầu Azuma? Anh ấy “không nói rõ ra vì sợ làm phiền cho người trong cuộc”. Chỉ thế thôi cũng quá đủ chứng cớ rồi. Vậy thì đó là cái gì?
Bà Mũi đặt hai bàn tay đeo nhẫn kim cương lên đầu gối, ngồi thẳng người lại trong tư thế cứng đơ. Chiếc mũi vĩ đại dần dần thay đổi màu, coi ông chủ và Meitei có cũng như không vậy. Trong trường hợp bất ngờ thế này, nói chi đến ông chủ, ngay cả Meitei cũng như kẻ mất hồn, ngồi ngớ ra một lúc, trông như vừa qua cơn sốt rét. Sự kinh ngạc, như cái đai siết chặt quanh người, dần dần dãn ra, họ lấy lại tư thế lúc trước, cảm giác hài hước ập tới. Hai người như trước, đồng thanh cười phá lên, cười rũ, cười rượi. Chỉ có bà Mũi là ngoài sự mong muốn, bà lườm hai người như muốn bảo “cười trong chuyện này là quá hỗn xược”.
– Đó là quý tiểu thư à? Thì ra là thế! Vậy thì được. Đúng như bà nói. Nhỉ, anh Kushami nhỉ? Đúng là cậu Kangetsu có để ý đến quý tiểu thư, không sai rồi… Thôi, có giấu cũng chẳng được, phải khai ra thôi.
– Ừ.
Ông chủ biết nghe theo. Bà Mũi lại kiêu hãnh:
– Thực ra có giấu cũng không thể giấu được, đã có chứng cớ rồi.
– Thế này thì hết đường rồi. Sẽ phải nói hết sự thật về cậu Kangetsu để bà tham khảo thôi. Này, Kushami, cậu là chủ nhà mà cười nhăn nhở như vậy thì còn ra cái gì nữa. Sự bí mật quả là đáng sợ thật! Thưa bà Kaneda, làm thế nào mà bà biết được bí mật này vậy? Thật kinh ngạc đấy!
Meitei tự nói một mình. Bà Mũi ra vẻ đắc thắng, nói:
– Tôi không có lơ là đâu.
– Bà đã quá không lơ là ấy chứ. Vậy bà đã nghe ai nói đấy?
– Nghe bà vợ ông hàng xe ngay sau nhà này chứ ai.
– Nhà hàng xe có con mèo đen ấy à? – Ông chủ tròn mắt kinh ngạc.
– Vâng, tôi đã nhờ bà ấy rất nhiều về việc anh Kangetsu. Mỗi lần anh ấy đến đây, nói những chuyện gì tôi đều nhờ bà ấy dò la, nghe ngóng hết.
Ông chủ nói rất to:
– Thế thì quá quắt lắm.
– Này ông, ông nói gì, làm gì tôi không quan tâm. Tôi chỉ để ý anh Kangetsu thôi.
Ông chủ tự nhiên nổi cáu:
– Chuyện anh Kangetsu hay chuyện ai cũng vậy. Tôi không bằng lòng về cái bà vợ nhà hàng xe ấy.
– Nhưng người ta đến đứng cạnh hàng rào nhà ông là quyền tự do của người ta chứ! Nếu ông không muốn bị người khác nghe thấy chuyện của mình thì một là nói bé đi, hai là ở cái nhà lớn hơn có được không?
Bà Mũi nói không ngượng chút nào.
– Chẳng phải chỉ có một mình bà hàng xe đâu. Tôi còn nghe người thầy dạy đàn nhị huyền ở trong hẻm nói rất nhiều chuyện nữa.
– Chuyện về anh Kangetsu ấy à?
– Không phải chỉ có anh Kangetsu thôi đâu.
Bà ta đã nói đến vấn đề hơi đáng sợ. Tưởng là ông chủ sẽ sợ, nào ngờ:
– Cái người thầy dạy đàn ấy chỉ được cái tỏ vẻ kiêu căng, cứ làm như chỉ mỗi mình mình là người thôi ấy. Rõ cái thằng dở hơi.
– Thưa quý ngài, người đó là đàn bà đấy ạ. “Thằng dở hơi” thì hơi bị nhầm đấy.
Lời lẽ của bà Mũi lại dần dần trở về bản chất gốc gác của nó. Kiểu này chắc bà ta đến đây để cãi nhau đây. Tình hình đến mức này thì Meitei rất Meitei, cứ theo dõi, lắng nghe cuộc đàm phán một cách thích thú. Mặt ông ta thản nhiên như ông tiên Thiết Quải[12] đang xem gà chọi nhau. Biết rằng việc giao thiệp bằng lời lẽ chua ngoa thì mình không thể địch nổi đối phương nên ông chủ đành ngồi im một lúc lâu. Rồi hình như chợt nhớ ra, ông cầu cứu Meitei:
– Cậu chỉ toàn nói cứ như là chính Kangetsu có tình ý với con gái bà này ấy. Nhưng theo như tôi nghe được thì hơi khác đấy Meitei ạ!
– Ừ, chuyện lúc đó nghe thì đầu tiên là quý tiểu thư bị ốm, nói mê sảng gì đó, nhỉ?
Bà Kaneda dùng lời lẽ của trường phái nói thẳng thừng:
– Không, làm gì có chuyện đó.
– Chuyện ấy, anh Kangetsu cũng nói là nghe qua bà vợ ngài tiến sĩ X nào đó mà.
– Đó là kế sách của chúng tôi. Chúng tôi nhờ phu nhân tiến sĩ X để thử ý anh Kangetsu thế nào đấy thôi.
– Phu nhân X biết chuyện đó và nhận lời à?
– Vâng. Nhận lời nhưng không phải chỉ nhận lời suông đâu, cũng phải có cái này cái khác đấy.
– Chắc bà kiên quyết nếu không hỏi được cặn kẽ về anh Kangetsu thì không về đâu nhỉ?
Hình như Meitei cũng hơi khó chịu, không biết từ khi nào, đã bắt đầu dùng lời lẽ khiếm nhã.
– Được thôi cậu, nói cũng chẳng mất cái gì. Mà mình cũng muốn nói cơ mà, Kushami? Thưa bà, nếu không có gì trở ngại, tôi và anh Kushami sẽ nói tất cả mọi sự thật về anh Kangetsu. Bà đã sẵn sàng nghe chúng tôi lần lượt nói tất cả chưa?
Bà Mũi cuối cùng đã chấp nhận và lần lượt đưa ra các câu hỏi. Lời lẽ, đã có lúc sỗ sàng, cũng trở lại tử tế như đối với Meitei lúc đầu.
– Nghe nói anh Kangetsu cũng là kỹ sư khoa học tự nhiên, vậy anh ấy học chuyên môn về ngành gì?
– Anh ấy nghiên cứu về từ trường trái đất, trong đại học viện.
Ông chủ trả lời rất nghiêm túc. Song, chẳng may bà Hanako lại chẳng hiểu thế nghĩa là thế nào. Bà nhăn mặt “hả” rồi hỏi:
– Học cái đó thì sẽ thành tiến sĩ à?
Ông chủ hỏi lại với vẻ khó chịu:
– Bà định nếu không thành tiến sĩ thì sẽ không gả con cho, có phải không?
– Vâng, nếu chỉ là kỹ sư bình thường thì bao nhiêu cũng có.
Bà Mũi trả lời thản nhiên. Ông chủ nhìn Meitei, nét mặt càng tỏ ra khó chịu. Meitei không mấy hài lòng, nói:
– Có thành tiến sĩ hay không thì chúng tôi không dám nói chắc. Vậy xin bà hỏi sang câu khác.
– Gần đây anh ấy cũng vẫn đang học cái gì ấy của địa cầu à?
Ông chủ nói chẳng cần phải giữ gìn gì:
– Cách đây vài ba hôm, anh ấy vừa trình bày vẻ kết quả nghiên cứu “lực học của sự thắt cổ” trong Hội đồng khoa học tự nhiên đấy.
– Trời ơi, khiếp thế. Thắt cổ thắt củng gì thì rõ là hâm quá đi rồi. Nếu thắt cổ gì đó như vậy thì không thể thành tiến sĩ được rồi, phải không?
– Nếu bản thân người đó thắt cổ thì khó đấy. Nhưng nếu là lực học của sự thắt cổ thì không phải không có khả năng đâu.
– Thế à?
Lần này bà ta quay sang dò xét nét mặt ông chủ. Đáng buồn là bà không hiểu ý nghĩa “lực học” nó là cái gì nên không được bình tâm lắm. Nhưng nếu cứ tiếp tục hỏi về cái này thì không lợi cho sĩ diện của bà Kaneda, nên bà chỉ nhìn mặt đối phương mà dò đoán. Mặt ông chủ thì khó đăm đăm.
– Ngoài cái đó ra, anh ấy có học cái gì dễ hiểu nữa không?
– À vâng, hôm trước anh ấy mới viết luận văn “Bàn về Stability của hạt dẻ” có liên quan đến chuyển động của các thiên thể đấy.
– Hạt dẻ mà cũng phải học ở trong trường đại học cơ à?
– Chà, tôi là người không có chuyên môn nên không rõ lắm. Nhưng đó là cái mà anh Kangetsu nghiên cứu thì chắc là có giá trị nghiên cứu lắm!
Meitei giễu cợt một cách tỉnh khô. Hình như bà Mũi đành từ bỏ những câu hỏi về học vấn, chẳng phù hợp với mình, nên đổi chủ đề:
– Bây giờ nói sang chuyện khác, hơi khác một chút. Tôi nghe nói là tết vừa rồi anh ấy ăn nấm, bị mẻ hai cái răng, có đúng không?
Dường như “câu hỏi này trúng vào vùng lãnh địa của mình đây”, Meitei lập tức cuống lên:
– Vâng, cái chỗ mẻ ấy đã được bánh dày bám vào, lấp kín rồi.
– Thế thì đoảng quá. Sao lại không dùng tăm nhỉ?
– Hôm nào gặp anh ấy, tôi sẽ nhắc.
Ông chủ cười khúc khích.
– Răng mà chỉ ăn nấm cũng bị mẻ thì thiết nghĩ chất lượng rất xấu, có phải thế không nhỉ?
– Không thể được đánh giá là tốt đâu, Meitei nhỉ?
– Không thể nói được là tốt đâu, nhưng mà cũng có nét đáng yêu lắm. Kể cũng lạ, không hiểu sao từ đó đến nay, cậu ta cứ để nguyên như vậy, không hàn lại. Chắc bây giờ vẫn còn mẩu bánh dày mắc ở trong đó. Một kỳ quan đấy!
– Anh ấy không có tiền hàn răng hay vì thích như vậy mà cứ để nguyên không hàn nhỉ?
– Bà cứ yên tâm. Anh ấy không thể cứ mang danh “người sứt răng cửa” lâu dài mãi được.
Meitei dần dần trở lại sôi nổi. Bà Mũi lại đưa ra vấn đề mới:
– Trong nhà ông đây có thư từ gì của anh ấy gửi đến không? Tôi muốn xem một chút.
– Bưu thiếp thì rất nhiều, xin mời bà xem.
Ông chủ mang từ phòng sách sang có tới ba, bốn chục tấm bưu thiếp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.