Tôi Là Con Mèo

CHƯƠNG 9 PHẦN 2



Cụ già vừa nói vừa quay sang ông chủ, ngầm tìm sự đồng tình, ông chủ chấp nhận:
– Vâng, đúng thế.
– Tất cả mọi học vấn trên đời này đều là khoa học tự nhiên thì cũng được, nhưng nếu khi xảy ra chuyện thì chẳng có tác dụng gì cả. Ngày xưa không thế đâu. Tất cả các võ sĩ đều dấn thân vì sự nghiệp, tu luyện tâm thần để nếu có chuyện gì xảy ra cũng không cập rập. Như ông cũng biết đấy, chẳng ai làm cái việc dễ dàng như mài viên bi hay xe sợi sắt như thế, phải không ạ?
– Vâng, đúng thế ạ. -Ông chủ lại chấp nhận.
– Bác ơi, tu luyện tâm thần là thay vì mài viên bi, ngồi yên lặng, tay thọc trong bọc có phải không ạ?
– Như thế nên mới hỏng. Nhất định không thể làm cái việc dễ dàng như thế được. Mạnh Tử nói là “cầu phóng tâm” (đi tìm cái tâm của mình về). Còn Thiệu Khang Tiết thì dạy rằng “tâm yếu phóng” (lòng cần được thả ra). Rồi trong nhà Phật thì có hòa thượng tên là Chu Hô (Trung Phong) dạy rằng “cụ bất thoái chuyển” (giữ vững lòng tin vào Phật), nghe không dễ mà hiểu nổi đâu.
– Tóm lại là chẳng hiểu gì cả ạ. Thế thì làm thế nào cơ?
– Mày đã đọc “Bất động trí thần diệu lục” của thiền sư Trạch Am chưa?
– Chưa. Cháu cũng chưa bao giờ nghe nói đến cái ấy cả.
– Cái tâm đặt ở đâu? Nếu đặt vào chỗ động thái trên thân thể kẻ thù thì nó được thu vào chỗ động thái trên thân thể kẻ thù. Nếu đặt vào dao chém kẻ thù thì nó được thu vào dao chém. Nếu nghĩ rằng định chém thì nó được thu vào ý nghĩ định chém. Đặt nó vào lưỡi dao của mình nó được thu vào lưỡi dao của mình. Nếu nghĩ mình không bị chém nó sẽ được thu vào chỗ không bị chém. Nếu đặt vào chỗ sắp sẵn tư thế nó sẽ được thu vào chỗ sắp sẵn tư thế. Không có chỗ nào mà cái tâm đặt vào một cách vô tâm cả.
– Bác thuộc lòng, chẳng quên một chỗ nào nhỉ. Trí nhớ của bác vẫn còn tốt quá. Một đoạn dài như vậy chứ có phải chơi đâu. Đấy, Kushami, cậu đã thấy chưa?
– Ừ, đúng thế thật. – Ông chủ lặp lại “đúng thế” cho qua chuyện.
– Này, bác ạ, bác cũng nên làm như thế đi, bác đặt cái tâm vào đâu đó, vào chỗ đánh kẻ thù được thu vào chỗ đánh kẻ thù, đặt vào lưỡi gươm của kẻ thù thì…
– Bác ạ, anh Kushami vẫn tâm niệm như thế đây. Dạo này anh ấy ngày nào cũng chỉ ngồi tu luyện tinh thần ở trong phòng sách thôi. Chuyên tâm đến nỗi khách đến cũng không thèm ra tiếp, như vậy là yên tâm rồi.
– Ồ, như vậy thì quý lắm. Cả mày nữa, cũng nên làm như thế đi thì hay đấy.
– Ôi, cháu làm gì có thời gian mà làm thế được. Bác nhàn nhã, thong dong nên bác cứ tưởng cháu cũng chỉ toàn chơi không đấy mà.
– Thì thực tế mày chả toàn chơi không đấy ư?
– Nhưng mà “nhàn trung tự mang”[18] mà lại.
– Đấy, mày cứ lơ đãng, hấp ta hấp tấp như vậy nên phải tu luyện đi, không thì hỏng. Thành ngữ “mang trung tự nhàn” thì có chứ có ai nói “nhàn trung tự mang” bao giờ đâu? Có phải thế không, bác Kushami nhỉ?
– Vâng, đúng là không nghe ai nói thế bao giờ ạ.
– Ha ha ha… thế này thì thua rồi! À, mà bác ơi, thế nào? Lâu lắm mới lên Tokyo, đi ăn lươn đi. Cháu sẽ chiêu đãi bác ở quán Chikuyo (Trúc Diệp). Từ đây tới đó, đi tàu điện chỉ một tí là đến thôi.
– Ăn lươn thì cũng hay đấy, nhưng hôm nay tôi đã hẹn đến chỗ Suihara rồi, tôi xin kiếu thôi.
– À, cụ Sugihara ấy à, cụ già ấy cũng cực kỳ đấy.
– Không phải là Sugihara mà là Suihara, mày chỉ toàn nói sai thế thì gay lắm. Nói tên người khác không chính xác là vô lễ, mất lịch sự lắm. Phải chú ý cẩn thận đấy.
– Nhưng rõ ràng viết là Sugihara đấy thôi.
– Viết chữ Hán “sam nguyên”[19] nhưng đọc là Suihara.
– Lạ quá nhỉ.
– Lạ cái gì mà lạ. Đọc theo danh nghĩa là cái xưa nay vẫn thế. Viết chữ kyum (khưu dẫn – con giun) nhưng đọc theo tiếng Nhật phải là mimizu. Đọc như vậy là theo danh nghĩa, nghĩa là “mắt không nhìn”. Cũng như chữ gama (hà mạc – con ếch) cũng vậy.
– Ôi, khiếp quá nhỉ.
– Con ếch khi bị đánh chết nó nằm ngửa lên (ka-ê-ru-trở lại) nên đọc theo nghĩa đó là kai-i-ru. Còn gu-ki-ga-ki thì đọc là sui-ga-ki, ku-ki-ta-chi là ku-ku-ta-chi… tất cả đều như thế. Suihara mà đọc là su-gi-ha-ra là kiểu nhà quê. Không cố gắng để ý một chút thì người ta cười cho.
– Vậy bây giờ bác đi đến chỗ ông Suihara ấy à? Gay quá nhỉ.
– Sao? Nếu mày không thích thì không đi cũng được. Tao sẽ đi một mình.
– Bác đi một mình được à?
– Đi bộ thì khó. Thuê cho bác cái xe chở đi từ đây.
Ông chủ vâng lời, sai cô sen đi đến hiệu thuê xe. Cụ già còn chào hỏi rất lâu rồi mới ngất ngưởng mang cái búi tóc chonmage ra về. Còn Meitei ở lại.
– Đó là ông bác cậu đấy à?
– Ừ, bác tôi đấy.
– Ồ, quả đúng thật.
Ông chủ ngồi lại trên đệm, thọc tay trong bọc, nghĩ ngợi.
– Ha ha ha… cậu thấy chưa, một bậc hào kiệt đấy chứ? Mình có một ông bác như thể cũng sướng lắm. Đưa cụ đi đến đâu cũng đều thế, chắc cậu cũng sửng sốt, phải không?
Meitei tưởng đã dọa được cho ông chủ hoảng hốt nên rất khoái.
– Sửng sốt gì? Tôi chả ngạc nhiên gì cả!
– Như vậy mà cũng không ngạc nhiên thì gan của cậu bị hỏng rồi.
– Nhưng cụ già ấy có chỗ rất đáng nể đấy. Tôi rất phục cái chủ trương rèn luyện tinh thân của cụ.
– Phục thì cứ việc phục, tha hồ, chẳng sao cả. Cậu thì đến khoảng sáu mươi tuổi chắc cũng sẽ lạc hậu, lỗi thời như ông bác ấy mất thôi. Phải cẩn thận đấy. Cứ vác cái lỗi thời mà đi thì chẳng biết gì đâu.
– Cậu thì lúc nào cũng lo lỗi thời. Tùy từng lúc, từng chỗ, cái lỗi thời cũng có cái vĩ đại của nó đấy. Trước hết như nói về học vấn đấy, cứ chăm chỉ, tiến bộ, đi trước, nhưng đi đến đâu cũng không có giới hạn. Tóm lại là chẳng bao giờ thỏa mãn cả. Đến khi đó thì học vấn phương Đông tuy lạc hậu nhưng có cái hay của nó, vì nó có sự tu luyện tâm linh.
Ông chủ nói ra một loạt những thứ nghe được từ nhà triết học hôm trước, cứ như lý thuyết của chính mình.
– Cậu đã khá lên nhiều quá nhỉ. Sao nghe cứ như lý luận của ngài Yagi Dokusen (Bát Mộc Độc Tiên) ấy nhỉ?
Nghe nhắc đến tên Yagi Dokusen ông chủ giật thót mình. Thực ra, cái nhà triết học hôm nọ, người đã viếng thăm Ngọa long quật, thuyết phục ông chủ rồi thanh thản ra về ấy, chẳng phải ai khác mà chính là ông Yagi Dokusen. Những luận điệu ông chủ huênh hoang vừa xong, tất cả đều tiếp thu từ ông này mà ra. Ông cứ tưởng Meitei không biết, ai ngờ nghe Meitei bất ngờ nhắc đến tên ấy, niềm kiêu hãnh vội vàng của ông đã bị nghiền nát. Ông cảm thấy nguy nên hỏi lại cho chắc chắn:
– Cậu đã từng nghe lý luận của Dokusen à?
– Nghe chứ! Sao lại không? Chính vì nghe lý luận của tay ấy nên mình bây giờ với mình cách đây mười năm, lúc còn đang ở trường, chẳng khác đi tí nào cả.
– Chân lý là cái không thể dễ dàng thay đổi. Có thể chính sự không thay đổi đó mới là đáng tin cậy đấy.
-Ừ, cũng vì có sự bao che như thế nên cậu Dokusen mới cứ thế mà đi. Trước hết là từ cái tên Yagi. Cái bộ râu của hắn, cậu xem đấy, rõ ràng là yagi (con dê) chứ gì? Hắn cứ để cái kiểu râu đó suốt từ thời còn ở ký túc xá. Còn cái tên Dokusen cũng là do được gán cho. Trước đây cũng đã có lần hắn đến chỗ mình, say mê trình bày cái lý thuyết “rèn luyện” tiêu cực ấy. Hắn cứ nói lải nhải mãi không chịu thôi, mình mới bảo “thôi, cậu ngủ đi”. Nhưng tiên sinh ấy cứ thản nhiên bảo “không, mình không buồn ngủ” và tiếp tục dùng cái lý luận tiêu cực ấy mà gây phiền hà. Thế là mình đành bảo “Cậu không ngủ cũng được, nhưng mình buồn ngủ lắm. Xin lạy cậu, để yên cho mình ngủ”, và mình đã bắt được hắn ngủ. Đêm ấy, chuột chui ra gặm luôn vào mũi hắn. Đang giữa đêm, náo động hết cả lên. Tiên sinh ấy miệng thì bảo “cũng đành thôi” nhưng hình như còn tiếc tính mạng lắm nên rất lo lắng. Hắn ta bảo mình “nhỡ mà chất độc từ chuột nó ngấm vào người thì rất gay, cậu làm gì giúp mình đi”, làm mình rất khó nói. Mình đành đi xuống bếp, lấy cơm bôi vào giấy mang dán vào mũi hắn cho qua chuyện.
– Thế tại sao?
– Mình bảo đây là thuốc của nước ngoài, do những người đi tàu biển mang về, là loại thuốc do một danh y người Đức mới sáng chế. Những người Ấn Độ bị rắn độc cắn mà dán thuốc này là công hiệu ngay. Cậu cứ dán thuốc này là yên tâm, không lo gì nữa.
– Từ hồi đó cậu đã có nhiều chiêu kỳ diệu đánh lừa được người khác rồi nhỉ?
– … Thế là Dokusen, một nhân vật tốt bụng như vậy nên tin sái cổ, yên tâm ngủ say tít. Sáng hôm sau dậy, thấy từ miếng cao dán ấy có một mẩu dây lòng thòng rủ xuống tận bộ râu dê, trông rất buồn cười.
– Nhưng so với hồi đó bây giờ cậu ta khá lên nhiều lắm rồi.
– Cậu mới gặp hắn ta à?
– Mới cách đây một tuần. Lâu lắm cậu ta mới đến đây, nói chuyện rất lâu.
– Tôi cũng nghĩ chính vì thế nên cậu mới thuyết cái lý luận tiêu cực kiểu Dokusen mà.
– Thực ra, khi đó nghe hắn nói thế mình rất tâm đắc. Mình cũng hăng hái, quyết tâm sẽ tu luyện tinh thần.
– Hăng hái thì cũng được. Nhưng mà tiếp thu cái người khác nói một cách quá tin tưởng thì chỉ chứng tỏ là ngốc thôi. Trước hết, nếu cậu cứ nghe ai nói bất kỳ cái gì cũng tin và tiếp nhận một cách chân thành như vậy là không được. Dokusen cũng chỉ giỏi cái miệng thôi, chứ nếu có chuyện gì xảy ra thì cũng thế cả. Cậu còn nhớ trận động đất cách đây chín năm không? Hồi đó chỉ có mỗi mình Dokusen là bị thương do nhảy từ tầng hai xuống đấy.
– Việc đó hình như hàm chứa nhiều lý thuyết của bản thân đương sự đấy chứ?
– Đúng thế. Theo hắn thì đó là cái rất đáng quý kia đấy. Cơ phong (mũi nhọn) của Thiền là khí phách nhanh nhẹn, dũng mãnh. Nếu đạt được tới cơ thạch hỏa (đá và lửa) thì có thể ứng phó mọi sự nhanh một cách dễ sợ. Hắn bảo, khi nghe có động đất, trong lúc những người khác còn đang hoang mang chưa biết làm gì, thì chỉ mỗi một mình hắn là nhảy được từ tầng hai xuống như vậy, chứng tỏ việc tu luyện của hắn đã có hiệu quả. Và thế là, mặc dù phải tập tễnh lê cái chân què, hắn thấy rất vui sướng. Đúng là một thằng có bản lĩnh hiếu thắng. Tóm lại là không có kẻ nào kỳ quặc và đáng ngờ hơn là những kẻ cứ rùm beng về những Thiền với chả Phật gì gì đó đâu.
Thầy Kushami có vẻ hơi chùn:
– Có đúng thế không nhỉ?
– Hôm trước đến đây, hắn có nói một cái gì đó, đại loại như lời mê ngủ của một vị hòa thượng Thiền tông nào đó không?
– Ừ, hắn có dạy cho mình một câu, đại ý như là “điện quang ảnh lý trảm xuân phong” (chém gió xuân tựa ánh chớp) hay gì gì đó.
– Rất buồn cười là, cái “đên-kô” (điện quang) ấy, mười năm nay đã biến thành “ha-kô” (cái tủ). Cứ nói đến “đên kô” của Vô giác Thiền sư thì cả ký túc xá không ai là không biết. Thỉnh thoảng tiên sinh nhà ta líu giọng đọc ngược thành “xuân phong ảnh lý trảm điện quang” (“chém ánh chớp tựa gió xuân”, sau khi giác ngộ thì bị sét đánh), thế mới ngộ chứ! Lần sau cậu cứ thử mà xem. Những câu nào mà bên kia bình tĩnh nói chậm thì bên này thỉnh thoảng đảo ngược đi thế là bên kia cuống lên, thế nào cũng nói chệch thành cái gì đó, nghe rất kỳ.
– Gặp phải một người quỷ quái như cậu thì chẳng ai mà địch nổi cả.
– Chưa biết ai quỷ quái đâu nhé. Mình là chúa ghét những cái như “Thiền sư” hay “Giác ngộ” gì gì đó. Ở gần chỗ mình có một ngôi chùa tên là Nanzoin (Nam Tạng viện), ở đó có khoảng tám mươi cư sĩ. Một hôm có giông, sét đánh vào sân chùa làm gãy một cây thông ngay trước sân nhà các cư sĩ. Vị Hòa thượng thản nhiên như không, bảo là mình không hề nao núng gì cả. Hỏi kỹ ra, hóa ra ngài bị điếc. Thế nên mói thản nhiên. Đại khái nó là như vậy. Cậu Dokusen ấy, nếu cứ tu luyện một mình thì chẳng sao, nhưng cứ đi rủ rê, xúi giục người này người kia là không hay. Trên thực tế, đã có người bị điên do bàn tay của Dokusen rồi đấy.
– Ai vậy?
– Ai ư? Một người tên là Rinotozen, cũng vì Dokusen mà đâm ra say mê Thiền học, đến Kamakura tu luyện và đã phát điên ở đó. Trước chùa Viên giác có một chỗ chắn tàu, cậu biết chứ? Người đó đã nhảy vào trong đường tàu, ngồi trên thanh ray mà tọa Thiền. Vì đó là “đại khí diễn” (khí phách lớn) nhằm làm dừng con tàu sắp chạy đến mà! May mà chính con tàu đã dừng lại nên tính mạng anh ta đã được cứu thoát đấy. Thế rồi một lần khác, anh ta tự cho là mình đã có một cơ thể “kim cương bất hoại”, có thể vào lửa cũng không cháy, xuống nước cũng không chìm, anh ta nhảy xuống ao sen trong chùa, vùng vẫy oằng oặc ở dưới đó.
– Bị chết à?
– Cũng may, lúc đó có một chú tiểu đi ngang qua, cứu lên. Nhưng sau về Tokyo thì chết vì viêm màng ruột. Nguyên nhân chết là viêm màng ruột, nhưng nguyên nhân của viêm màng ruột là ăn quá nhiều cơm gạo mạch[20] và dưa muối ở nhà chùa. Như vậy tức là Dokusen đã gián tiếp giết anh ta.
Ông chủ, vẻ mặt hơi nhăn nhó, nói:
– Nhiệt tâm quá vào một cái gì cũng chưa biết là tốt hay xấu nhỉ!
– Thật đấy. Còn một người bạn cùng trường nữa cũng đã bị với tay Dokusen đấy.
– Nguy hiểm quá nhỉ. Ai vậy?
– Cậu Tachimachi Robai (Lập Đinh Lão Mai, luôn luôn bắng nhắng) chứ ai. Cha này cũng luôn luôn bị Dokusen xúi giục, nói toàn những chuyện “một tấc đến trời”[21] và cuối cùng thì đúng thế thật.
– Đúng thế nghĩa là thế nào?
– Nghĩa là lươn thì bò lên trời mà lợn thì biến thành tiên chứ sao.
– Thế là thế nào?
– Nếu Yagi là Dokusen[22] thì Tachimachi là Butasen[23]. Chưa thấy ai có cách ăn uống bẩn như hắn. Tham ăn tục uống như vậy mà lại giở chứng cùng với Thiền sư thì hết thuốc chữa rồi. Lúc đầu bọn mình cũng không để ý đâu. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, hắn ta nói toàn những cái kỳ dị. Khi đến nhà mình, hắn bảo “này, cậu trông trên cây thông kia, có thấy miếng thịt rán đang bay không? Ở quê tớ, chả rán vẫn thường ôm thanh gỗ mà bơi đấy.” Hắn toàn nói những câu kiểu cách ngôn như vậy. Nhưng nếu chỉ nói không thôi thì còn được. Nhưng đằng này, cậu biết không, hắn cứ như xúi trẻ con ăn cứt gà, suýt chó bụi rậm ấy. Cái kiểu “hãy ra đào bụi cây trước nhà kia đi, có vàng đấy” thì mình xin đầu hàng. Thế rồi ít lâu sau, hắn thành lợn tiên thật, được đưa về Sugamo[24]. Vốn dĩ là lợn thì không đủ tư cách trở thành thằng điên được đâu, nhưng tất cả là do Dokusen lèo lái nên mới thế. Thế lực của Dokusen cũng không xoàng đâu.
– Ủa, thế bây giờ nó vẫn ở Sugamo à?
– Ở đó chứ sao. Điên hết cỡ mà tự phát ra hào quang cũng hết cỡ. Gần đây hắn không thích cái tên Tachimachi Robai nữa, tự xưng là Tendo Kohei (Thiên Đạo Công Bình), được sinh ra với sứ mệnh của Đạo trời. Thật ghê gớm. Chà, cậu cứ thử nói thử mà xem.
– Nói “Thiên Đạo Công Bình” á?
– Ừ, Thiên Đạo Công Bình ấy. Điên mà đặt cái tên cũng giỏi đấy. Thỉnh thoảng còn viết “công bình” thành “khổng bình” nữa kia. Thế rồi hắn bảo người đời bây giờ đang lạc lối, cần phải cứu vớt, rồi viết thư gửi cho tất cả bạn bè, người quen… Mình cũng được gửi cho bốn, năm bức thư, có cái rất dài, có hai thư phải trả thêm tiền quá cước.
– Thế thì cái thư gửi cho tôi cũng là của Robai rồi.
– Gửi cả cho cậu à? Cái thằng kỳ lạ thật. Cũng phong bì đỏ, phải không?
– Ừ, giữa đỏ, hai bên trắng, một loại phong bì khác bình thường.
– Nghe nói cái đó du nhập từ Trung Quốc, đạo trời và đất thì màu trắng, con người ở giữa màu đỏ. Butasen nói hoa mỹ như vậy.
– Cũng là loại phong bì có nhiều ẩn ý đấy chứ?
– Thì càng điên càng cố nghĩ ra mà. Điên thì điên nhưng cái tính tham ăn thì vẫn không thay đổi, nên trong thư bao giờ cũng phải viết về cái ăn, thế mới lạ. Trong thư gửi cho cậu, chắc cũng có viết về cái gì chứ?
– Ừ, viết về hải sâm.
– Robai rất thích hải sâm mà. Thế còn gì nữa?
– Còn viết cả về cá nóc, sâm Triều Tiên và gì gì nữa ấy.
– Kết hợp cá nóc với sâm Triều Tiên thì ngon đấy. Chắc hắn định bảo nếu bị ngộ độc cá nóc thì sắc sâm Triều Tiên mà uống phải không?
– Hình như không phải thế.
– Không phải thì cũng chẳng sao, đàng nào cũng là điên mà. Chỉ có vậy thôi à?
– Còn nữa. Có một câu là “Hỡi thầy Kushami, xin mời thầy dùng trà đi”.
– Ha ha ha… “xin mời thầy dùng trà đi” thì quá nghiêm trọng đấy. Đúng là hắn định dồn cho cậu đến phải đầu hàng đây. Giỏi lắm. Hoan hô cậu Thiên Đạo Công Bình.
Meitei phấn khởi cười rất to. Ông chủ thì khi biết cái người đã gửi bức thư mà ông kính cẩn đọc đi đọc lại ấy chính là một thằng điên cỡ bự thì trước hết, ông cảm thấy những nhiệt tâm suy nghĩ của mình là vô ích nên ông tức giận. Tiếp theo, ông cảm thấy xấu hổ vì tại sao mình lại đi mất công nhấm nháp cái bài viết của một kẻ lông bông, điên khùng đến mức ấy. Sau đó, ông lại lo rằng nếu mình đã thán phục cái bức thư của một kẻ điên đến mức ấy thì chắc thần kinh của mình cũng có vấn đề gì chăng? Thế là, vừa xấu hổ, vừa tức giận vừa lo lắng, ông ngồi lặng đi, vẻ mặt bồn chồn không yên.
Đúng lúc đó, ngoài cửa có tiếng mở cửa rất mạnh, rồi tiếng bước chân nặng nề của hai cặp giò vang lên trong chỗ tháo giày, rồi tiếng gọi lớn “xin lỗi, xin làm phiền cho nhờ một chút”. Khác với ông chủ rù rờ chậm chạp, Meitei rất nhanh nhẹn, không chờ cô sen phải ra đón khách, ông ta vừa mời “vào đi” vừa nhảy hai bước qua khoảng trống từ phòng ra cửa mà ra đón khách. Khi vào nhà người khác không cần ai dẫn vào, cứ trâng tráo tự mình đi vào thì đúng là tính cách của Meitei rồi. Nhưng khi đã vào trong nhà người ta rồi, lại làm nhiệm vụ ra đón khách như một cậu học trò thế này thì kể cũng tiện. Dù cho đó là Meitei, thì cũng vẫn là khách. Kiểu đâu mà khách thì ra mở cửa còn chủ nhà là thầy Kushami thì lại chễm chệ ngồi chờ như vậy? Bình thường ra, ông ta cũng phải theo ra mới phải chứ? Nhưng đây là thầy Kushami mà! Thầy cứ thản nhiên ngồi trên tấm đệm. Có điều, nếu nghĩ là thầy thản nhiên, ung dung thì có vẻ như là vậy đấy. Song thực chất lại hoàn toàn không phải thế.
Ngoài cửa, nghe tiếng Meitei nói gì rất hăng, rồi gọi với vào trong nhà: “Này ông chủ, có hơi mỏi chân một chút đấy, nhưng nhờ ông làm ơn ra đây cho. Không có ông thì không được đâu!”. Ông chủ đành phải lửng thửng đi ra, tay vẫn xỏ trong bọc. Tôi nhìn thấy Meitei tay cầm tấm danh thiếp, đang khom lưng cúi chào, tư thế chẳng trang trọng gì cả. Tấm danh thiếp ghi “Yoshida Torazo, nhân viên cảnh sát hình sự, Sở cảnh sát thành phố”. Đứng bên cạnh anh Torazo này là một thanh niên khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, người cao, ăn mặc đẹp. Kỳ diệu là chàng thanh niên này cũng im lặng, đứng thọc tay trong bọc giống hệt ông chủ. Tôi có cảm giác “hình như” đã nhìn thấy người này ở đâu nên quan sát thật kỹ. Hóa ra không phải là hình như nữa, mà chính là tên kẻ trộm đã vào nhà này lấy trộm khoai đêm hôm nọ. Trời ơi, hôm nay hắn lại công nhiên đến giữa ban ngày, vào cửa chính đàng hoàng thế này đây!
– Này, đây là ông cảnh sát tuần tra, bắt được tên kẻ trộm hôm trước, cất công đưa nó đến trình diện cậu đấy.
Ông chủ hình như đã hiểu ra vì sao mà cảnh sát đến đây, cúi đầu về phía thằng kẻ trộm, chào rất cung kính. Có lẽ vì tay kẻ trộm trông bảnh hơn anh Torazo nên ông ta vội tưởng đó là cảnh sát chăng? Tên kẻ trộm chắc cũng ngạc nhiên nhưng chẳng có lý do gì để chối “không, tôi là kẻ trộm đây ạ!”, nên cứ mặc kệ, thản nhiên đứng im, tay cũng vẫn cứ thọc trong bọc áo. Vả lại, tay hắn đang bị còng thì có bảo bỏ ra cũng không thể bỏ được. Bình thường ra, nhìn dáng vẻ như vậy là người ta nhận ra ngay, nhưng ông chủ này lại khác người đời. Ông có cái tật là rất kính nể những người chức dịch hay cảnh sát. Ông luôn tâm niệm rằng uy quyền của những kẻ quyền thế là những thứ rất đáng sợ. Thực ra thì ông cũng biết những loại cảnh sát cảnh siếc chẳng qua chỉ là loại lính canh mà mình bỏ tiền ra thuê, nhưng trên thực tế, hễ có việc gì là ông cúi đầu vâng dạ lia lịa. Bố ông trước kia là lãnh chủ một vùng hẻo lánh nên quen cúi đầu khúm núm trước bề trên. Có lẽ vì thế mà đã truyền lại cái hậu quả này cho con cháu chăng. Thật tội nghiệp. Người cảnh sát có vẻ buồn cười, tủm tỉm bảo:
– Ngày mai, ông đến Trạm cảnh sát Nihon Zutsumi trước 9 giờ. Những thứ bị lấy trộm là những gì nhỉ?
– Những thứ bị lấy trộm là…
Ông chủ chỉ nói theo được đến đó nhưng rồi trớ trêu thay chẳng nhớ được gì cả. Ông chỉ nhớ mỗi khoai mà anh Tatara Sanpei mang đến cho thôi. Khoai thì thế nào cũng được, chẳng cần phải nói, nhưng còn những thứ khác thì không thể nào mà nhớ ra, cho nên trông ông lúc này cứ như một thằng phỗng. Nếu đồ mất trộm là của người khác thì chẳng cần phải biết cũng được, nhưng đây là của chính mình mà mình không biết thì rõ thật không còn là một con người nữa… Nghĩ vậy, ông quyết tâm nói: “Bị mất khoai ạ!”
Lúc này thằng kẻ trộm chắc là quá buồn cười nên cúi mặt xuống, giấu cằm vào trong cổ áo kimono. Meitei cười phá lên: “Ha ha ha… có vẻ tiếc khoai quá nhỉ?” Chỉ riêng mỗi người cảnh sát là vẫn nói nghiêm chỉnh:
– Khoai thì không thể lấy lại được, nhưng những thứ khác thì sẽ trả lại. Thôi, cứ đến xem, chắc sẽ biết. Mà này, sẽ phải làm giấy giao nhận nên ông nhớ mang theo con dấu[25] nhé. Nhớ phải đến trước 9 giờ đấy và nhớ là trạm cảnh sát Nihon Zutsumi nhé. Trạm Nihon Zutsumi thuộc phạm vi quản lý của Sở cảnh sát Asakusa. Thôi, xin chào.
Người cảnh sát nói thế rồi đi về. Tên kẻ trộm cũng đi theo ra khỏi cửa. Vì không thể thò tay ra khép cửa nên nó cứ để cửa mở thế mà đi. Ông chủ vừa sợ sệt vừa có vẻ tức, mặt sưng sỉa, đóng sầm cửa lại.
– Ha ha ha… Cậu kính trọng cảnh sát ghê nhỉ? Nếu mà lúc nào cũng lễ phép thế thì tốt đấy. Nhưng cậu chỉ cẩn thận với riêng mỗi cảnh sát thôi thì hơi gay đấy.
– Thì họ cất công đến báo cho mình như vậy mà?
– Đến báo là việc của họ. Tiếp đón trịnh trọng là thừa.
– Nhưng đây không phải là việc bình thường.
– Tất nhiên không phải là việc bình thường rồi. Tuần tra, theo dõi là loại công việc đáng ghét, là công việc hạ đẳng hơn công việc bình thường, biết chưa?
– Cậu ăn nói như vậy có ngày khốn đấy.
– Ha ha ha… thế thì thôi, không nói xấu cảnh sát nữa. Nhưng kính trọng cảnh sát thì cũng còn được, đằng này lại đi kính trọng cả kẻ trộm nữa thì không thể không sửng sốt được.
– Ai kính trọng kẻ trộm?
– Cậu chứ còn ai.
– Tôi gặp kẻ trộm bao giờ?
– Gặp bao giờ à? Cậu chả cung kính chào kẻ trộm là gì?
– Bao giờ?
– Vừa nãy cậu chả cúi rạp mình đấy như?
– Cậu đừng có mà nói bậy. Đó là cảnh sát chứ!
– Cảnh sát mà lại như thế à?
– Chính cảnh sát mới như thế.
– Ngoan cố quá nhỉ?
– Chính cậu ngoan cố thì có.
– Thế trước hết xin hỏi cậu, cảnh sát gì mà đến nhà người ta lại đứng thọc tay trong áo, không nói không rằng như vậy hả?
– Không nhất thiết cứ là cảnh sát thì không thọc tay trong áo.
– Cậu mãnh liệt đến thế thì sợ thật. Nhưng trong lúc cậu cúi đầu chào thì từ đầu đến cuối nó cứ đứng trơ trơ như vậy đấy.
– Có thể vì là cảnh sát nên nó như vậy thôi.
– Thật là tự tin quá nhỉ? Nói thế nào cũng không chịu nghe!
– Tôi không nghe. Cậu cứ khăng khăng bảo đó là kẻ trộm, kẻ trộm, nhưng cậu có nhìn thấy nó khi nó vào nhà ăn trộm đâu mà tôi tin? Cho nên, tôi dứt khoát không nghe cậu.
Có lẽ đến nước này thì Meitei cũng đành ngán ngẩm nhận ra rằng đây là một kẻ cần phải cứu rỗi rồi, nên khác với mọi khi, ông ta im lặng. Ông chủ rất đắc ý, vì chẳng mấy khi mới lấn át được Meitei một lần thế này. Với Meitei, ông chủ càng ngang ngạnh bao nhiêu giá trị của ông càng giảm đi bấy nhiêu. Nhưng với ông chủ, càng tỏ ra ngang ngạnh, ông thấy mình càng oai hơn Meitei. Trên đời này vẫn thường có sự “ông chẳng bà chuộc” như vậy. Trong khi vì sự ngang bướng mà cứ tưởng là mình đã thắng thì giá trị con người của mình đã bị hạ thấp đi rất nhiều. Có điều lạ là, khi kẻ ngang bướng, cho đến chết, vẫn tưởng là mình có bản lĩnh, đã giữ được thể diện, thì họ có biết đâu rằng từ đó trở đi, người ta khinh bỉ mình, không thèm chấp với mình nữa. Thật là hạnh phúc. Nghe nói thứ hạnh phúc này được mệnh danh là hạnh phúc của lợn.
– Thôi, được rồi. Hãy cứ biết là ngày mai cậu có định đi không?
– Đi chứ, sao không đi? Họ bảo phải đến trước 9 giờ nên tôi định khoảng 8 giờ sẽ từ nhà đi.
– Thế trường thì sao?
– Tôi sẽ nghỉ. Trường với chủng. – Ông nói cứ như hắt nước đổ đi, vẻ rất oai.
– Khí thế oai phong nhỉ. Thế nghỉ cũng không sao à?
– Không sao cả. Trường tôi trả lương theo tháng, có nghỉ cũng không bị trừ lương đâu mà sợ, chẳng sao cả.
Ông thẳng thắn bày tỏ như vậy. Nếu cho là ông khôn vặt thì là khôn vặt mà bảo là ông quá đơn giản ngây ngô thì đúng là quá đơn giản ngây ngô.
– Cậu đi thì đi, nhưng cậu có biết đường không?
Ông vẫn phụng phịu nói kiểu tức tối:
– Làm sao mà biết được. Nhưng thuê xe thì không có vấn đề gì cả.
– Thật là đáng sợ! Một nhà thông thạo Tokyo không thua gì ông bác Sizuoka của tôi.
– Muốn sợ thì cứ việc, tha hồ!
– Ha ha ha… Cái trạm cảnh sát Nihon Zutsumi ấy, cậu nên biết nó không phải là một nơi bình thường đâu. Đó là Yoshiwara[26] đấy.
– Cái gì?
– Là Yoshiwara đấy ạ!
– Yoshiwara có nhà chứa ấy à?
– Vâng ạ. Yoshiwara thì ở Tokyo này chỉ có duy nhất một chỗ ấy thôi. Thế nào? Cậu đi thử xem chứ?
Meitei lại bắt đầu trêu chọc. Ông chủ nghe nói Yoshiwara thì có vẻ hơi trù trừ, song lập tức nghĩ lại, quyết tỏ ra mạnh mẽ cái mà không đáng phải tỏ ra, nói:
– Yoshiwara thì Yoshiwara, nhà chứa thì nhà chứa, đã bảo đi là cứ đi!
Những kẻ ngu thường hay ương bướng vào những lúc như thế này. Meitei chỉ bảo:
– Ừ, chỗ ấy hay đấy, đi cho biết đi.
Vụ hình sự gây ầm ĩ đến đây tạm lắng xuống. Sau đó Meitei lại tiếp tục ba hoa xích đế cho đến tận chiều rồi bảo phải về, nếu không, về muộn ông bác sẽ mắng, rồi đi về.
Sau khi Meitei về, ăn cơm tối xong, ông chủ lại chui vào phòng sách, khoanh tay ngẫm nghĩ: “Cái người mà mình cảm phục, muốn noi theo như Yagi Dokusen thì theo Meitei nói cũng là người chẳng có gì đáng noi theo cả. Không những thế, cái lý thuyết mà hắn chủ trương đề ra lại rất ngược đời. Đúng như Meitei nói, nó ít nhiều thuộc loại điên rồ, phiêu diêu thế nào ấy. Chẳng cần nói đâu xa, hắn đã có tới hai đệ tử điên cỡ bự rồi, thật quá nguy hiểm. Nếu mình cứ tiếp xúc, gần gũi với hắn thì nhất định lại bị hắn lôi kéo vào cái hệ thống ấy mất. “Thiên Đạo Công Bình”, cái con người nhìn trên văn vẻ thì cứ tưởng là vĩ đại, đầy kiến thức, khiến mình hết sức khâm phục thì hóa ra tên thật là Tachimachi Robai, chỉ là một thằng điên hiện đại trong viện tâm thần Sugamo. Cứ cho là chuyện của Meitei phóng đại, ít sít ra nhiều đi, nhưng chuyện hắn muốn thành danh trong thế giới của những kẻ u mê, phiêu lãng, tự nhận mình là người đứng đầu “Thiên Đạo” thì chắc là đúng. Như thế này thì vì lẽ này lẽ nọ, có lẽ mình cũng điên rồi. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”[27]. Cảm phục trước lý luận điên khùng, ít nhiều đồng tình với văn vẻ, ngôn từ của thuyết ấy thì chắc là mình cũng có dây mơ rễ má với bệnh điên chăng? Ừ, cứ cho là không đúc trong cùng một khuôn đi, nhưng khi ở nhà liền mái với một kẻ điên thì không nhất thiết là không có ngày sẽ lấy gậy chọc thủng tường, cùng ngồi kề vai kề đùi, cười nói với nhau trong một phòng đâu. Thằng này ghê gớm thật. Ra là thế đấy! Từ đó mà ngẫm ra, đầu óc mình đã bị hỏng, lại thêm bao nhiêu cái kỳ quặc đến dễ sợ. Phản ứng hóa học của một gáo tương não đã làm lay chuyển ý chí, biến thành hành động, thể hiện ra ngôn từ, làm mất đi sự trung dung yên ổn một cách kỳ quái. Mặc dù lưỡi hay nách thì không thấy có gì khác lạ, nhưng mùi hôi ở chân răng, rồi đau gân đau cốt thì phải làm thế nào chứ không thì gay lắm. Đã đến mức nguy rồi, có lẽ mình đã thực sự là một bệnh nhân nặng mất rồi. May là mình chưa làm hại ai, chưa gây phiền hà cho đời nên chưa bị đuổi ra khỏi thành phố, vẫn còn được tồn tại như một công dân Tokyo đây.
Trước tiên mình phải đi kiểm tra xem tim mạch thế nào? Nhưng hình như nhịp tim vẫn bình thường thôi. Đầu thì có thể hơi nóng, nhưng đây cũng không phải là triệu chứng của bệnh đã phát. Dẫu sao thì cũng đáng lo thật.
Nếu cứ đem mình so sánh với những người điên rồi lo lắng về những chỗ giống họ thế này thì không thể thoát khỏi lĩnh vực điên được. Cách làm này hỏng rồi. Lấy người điên làm tiêu chuẩn, rồi đối chiếu mình vào đó mà phân tích nên mới ra kết quả như thế này. Nếu bây giờ lấy những người lành lặn ra làm thước đo mà so sánh với mình thì biết đâu lại có kết quả ngược lại chăng? Nếu vậy thì phải bắt đầu từ những người gần nhất đã.
Trước tiên là ông già mặc áo thầy tu hôm nay thì thế nào? Nào là “cái tâm được đặt ở chỗ nào…” ư? Về khoản này cũng đáng nghi lắm.
Thứ hai là cậu Kangetsu thì sao? Suốt ngày suốt đêm xách cơm theo, cặm cụi mài viên thủy tinh. Đây cũng thuộc loại cùng hội cùng thuyền.
Thứ ba là Meitei. Tay này tâm niệm mình được trời sinh ra để đi trêu chọc, đùa bỡn thiên hạ. Rõ ràng không sai, chính là một thằng điên vui tính.
Thứ tư là mụ vợ nhà Kaneda. Cái bản tính độc ác ấy dứt khoát không thể xếp vào loại bình thường được. Nhất định đây cũng là một kẻ điên chính hiệu.
Thứ năm là đến lượt chính tay Kaneda. Tay này thì mình chưa gặp bao giờ nhưng trước hết, cứ xem việc hắn khúm núm trước một mụ vợ như vậy, rồi cố giữ mối quan hệ vợ chồng hòa thuận thì không có khó khăn gì mà không xếp hắn vào loại người phi bình thường. “Phi phàm” hay phi bình thường chính là một cái tên khác của “điên rồ”, cho nên cứ xếp cùng loại cũng không sao.
Rồi thì tiếp theo đó, vẫn còn nữa. Đó là những quân tử ở Lạc vân quán. Về tuổi mà nói thì mới chỉ nứt mắt ra, nhưng về sự phá phách làm loạn thì đạt tới mức hào kiệt, có thể làm tiêu tan cả thế giới.
Chỉ tính qua như vậy đã thấy khá đông bọn cùng loại, đã cảm thấy vững lòng một cách không ngờ rồi. Xã hội biết đâu chả là nơi tụ tập toàn những bọn điên với nhau. Chính cái gọi là xã hội, phải chăng là việc những thằng điên tụ tập lại, đâm chém, giằng xé nhau, chành chọe, chửi bới nhau, rồi tất cả gộp lại thành một tập thể, lúc tan rã, lúc thịnh vượng. Cứ thịnh vượng lên rồi lại tan rã đi như một tế bào, và cứ thế mà sống mà tồn tại? Trong cái xã hội đó, những kẻ ít nhiều biết lý lẽ, biết phải trái lại trở thành vướng, cho nên xã hội phải làm ra một cái gọi là “nhà thương điên” để nhốt họ vào đó. Nếu vậy thì chính những người bị nhốt trong nhà thương điên tối tăm kia mới là người bình thường, còn những bọn đang nhởn nhơ phá phách ngoài xã hội, trái lại mới đúng là những thằng điên.
Những người điên bị cô lập một mình thì mãi mãi bị coi là điên. Nhưng nếu họ tụ tập nhau lại thành tập thể, thành tổ chức, có lực lượng, biết đâu lại trở thành là hoàn toàn lành mạnh cũng nên. Thiếu gì những trường hợp thằng điên nặng nhưng có tiền, có quyền, dùng tiền và quyền sai khiến những thằng điên nhẹ, hung hăng tàn bạo nhưng lại được người đời cho là tài giỏi đó thôi? Thật chẳng còn hiểu cái gì ra cái gì nữa!”.
Trên đây là tất cả những nỗi lòng của ông chủ mà đêm đó ông đã trầm ngâm, suy nghĩ nát nước, một mình trước ngọn đèn leo lét, cô đơn. Những chỗ tối tăm, ẩn khuất trong đầu óc ông cũng được phơi ra rõ ràng ở đây. Mặc dù ông để râu hình chữ bát giống Kaiser[28], nhưng ông chỉ là một kẻ đầu óc mung lung, không phân biệt nổi người điên với người bình thường. Hơn thế nữa, ông vừa nêu ra được vấn đề, bắt đầu óc mình suy xét, nhưng chẳng đi đến kết luận nào cả. Chẳng qua ông chỉ là một người không có năng lực suy nghĩ triệt để, chứ không có gì khác cả. Kết luận của ông nó xa xôi, mù mịt, khó nắm bắt như làn khói buổi sáng hàng ngày vẫn bay qua lỗ mũi ông. Đó là một sự thật, cần được ghi nhớ như một đặc điểm duy nhất trong lý luận của ông.
Tôi là mèo. Là mèo mà sao tôi có thể nói tỉ mỉ những cái trong lòng ông chủ như vậy? Chắc sẽ người nghi ngờ mà hỏi như thế. Nhưng việc này đối với mèo chẳng có gì khó. Tôi có nghệ thuật có thể đọc thấu được lòng người. Từ bao giờ ư? Không cần phải hỏi một cách vô ích như vậy. Chỉ biết rằng tôi có khả năng ấy là được.
Trong những lúc nằm trên đùi ông chủ, cọ lông vào da thịt con người, một luồng điện đã phát sinh. Tất cả những gì có trong lòng ông chủ đều không qua khỏi “con mắt” của lòng tôi. Hôm trước, khi ông xoa xoa cái đầu mềm mại của tôi mà đột nhiên có ý nghĩ “giá mà lột da con mèo này, làm cái áo khoác gile cho trẻ con thì ấm lắm đây!”, lập tức tôi biết ngay ý nghĩ của ông, bất ngờ lạnh toát cả sống lưng. Thật khủng khiếp!
Vì lẽ đó mà tôi may mắn có thể trình bày cho quý vị biết được những diễn biến tư tưởng trong đầu ông chủ đêm ấy, như đã nói ở trên, và đó cũng là một niềm vinh dự lớn của tôi. Có điều, ông chủ chỉ suy nghĩ được đến chỗ “chẳng hiểu cái gì là cái gì nữa…” thì ngủ say tít. Chắc sáng hôm sau thức dậy, ông cũng chả nhớ là mình đã suy nghĩ những gì và đến chỗ nào đâu! Nếu sau đó ông lại nghĩ về chuyện điên thì lại phải suy nghĩ lại từ đầu thôi. Và nếu thế thì, không dám chắc là ông sẽ suy nghĩ theo trình tự cũ và đi đến chỗ “chẳng hiểu cái gì là cái gì” theo cách thế này đâu. Nhưng dẫu ông có suy nghĩ lại bao nhiêu lần, đi qua bao nhiêu chặng đường khác thì nhất định cuối cùng cũng lại đến chỗ “chẳng hiểu cái gì là cái gì cả”.
Duy có điều đó thì chắc chắn.
Chú thích
[1] Ý nói vết chủng đậu.
[2] Câu đầy đủ là “… cũng bằng không suy nghĩ gì”.
[3] Một trò lấy tay bành mắt, ra hiệu cho đối phương tỏ ý: “mày bị ăn quả lừa đấy” hoặc “đừng có mà lừa nhé”.
[4] Triết gia người Phrygia (55-135).
[5] Cũng là betkanko.
[6] Của Thiên Hoàng tức vua Nhật.
[7] Tướng soái của nhà vua.
[8] Hoa tộc, một cấp bậc dưới hoàng tộc, trên sĩ tộc, theo quy định từ năm 1869 đến năm 1947 thì bỏ.
[9] Một thể loại chữ Hán.
[10] Viên kẹo may mắn có hình vị thần Thái Phúc.
[11] Hẹn gặp lại.
[12] Vừa có nghĩa bảy lần chào vừa có nghĩa là không chào nữa.
[13] Bệ sàn, là chỗ quan trọng nhất trong gian nhà Nhật Bản. Chỗ này thường là 1,2 chiếu, cao hơn sàn phòng chung khoảng 15,20 cm, hơi ẩn vào trong tường chính diện, là nơi để treo tranh và đặt bình hoa, vật trang trí… hoặc để đồ đạc thay cho hộc tường.
[14] Cái chẻ mủ sắt.
[15] Quạt sắt.
[16] Nhân vật lịch sử thời Nam Bắc triều, mất năm 1336, không rõ năm sinh.
[17] Kiến Vũ (1334-1338).
[18] Trong sự an nhàn tự nó có sự bận rộn.
[19] Cánh đồng sam.
[20] Hạt bo bo.
[21] Nguyên văn là “lươn bò lên trời”.
[22] Đức tiên, Độc tiên.
[23] Thốn tiên, lợn tiên.
[24] Nơi có nhà thương điên.
[25] Nhật Bản có tập quán là mỗi người có con dấu riêng, thường là khắc chữ Hán họ của mình, để thay cho chữ ký mỗi khi làm thủ tục, giấy tờ.
[26] Địa danh nổi tiếng là nơi có làng chơi.
[27] Những kẻ giống nhau tìm đến nhau, cùng loài tụ tập lại.
[28] Kaiser, hoàng đế Đức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.